Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Ăn Sáng Hoàng Lão Tà
Không có quốc gia nào trên thế giới lại có lối ăn sáng độc đáo như ở cái quốc gia Sài Gòn của chúng ta. Vâng, Sài Gòn là một nước chứ không phải là một thành phố hay một hòn ngọc Viễn Đông vì Sài Gòn gồm thâu tất cả những gì liên quan đến Việt Nam thân yêu của chúng ta.(Viết tặng LD, bạn học cũ thời Tiểu học, chuyên viên tổ chức ăn sáng)Tôi còn nhớ lõm bõm câu chuyện Thạch Sùng: Một ông nhà giàu nứt đố đổ vách một hôm nổi hứng thách đố thiên hạ rằng trong nhà ông không thiếu bất cứ một thứ gì trên thế gian từ thượng vàng đến hạ cám ai có gì là ông có nấy. Ông tuyên bố nếu ai có bất cứ một thứ gì mà trong nhà của ông không có thì ông ta sẽ trao hết tài sản của ông cho người đó. Một anh nhà nghèo, nghèo rớt mồng tơi, nghèo mà văn chương thời thượng bảo là trên răng dưới "prostate" (không dám dùng cái chữ mà ai cũng biết và đã thường xài vì không được thanh tao nên tôi dùng danh từ sinh học này cho có vẻ khoa học kỹ thuật mặc dù dịch ra nguyên văn thì không sát nghĩa tí nào. Vả lại hiện nay căn bệnh liên quan đến prostate cũng là một căn bệnh thời thượng cho những ông già trên con đường "ngũ thập tri thiên mệnh") anh chàng nhà nghèo , chuyên trị nhạc Nghèo như ca sĩ Trường Vũ đã đến nhà ông Thạch Sùng mang theo một chiếc chổi cùn làm bằng những cành cây mà thôn quê chúng ta gọi là cây chổi , thứ cây mọc trên các độn cát hay núi thấp ở vùng hoang dã của những xứ đất cày lên sỏi đá như Huế, Quảng Trị, Đông Hà vv...Anh chàng này không biết gốc gác ở đâu trên dải đất miền Trung nước Việât Nam yêu quý của chúng ta đã "xuất trình" chiếc chổi cùn chỉ còn dùng được trong việc quét một cái sân bằng đất nện ở thôn quê. Ông đệ nhất phú hộ Thạch Sùng mặt tái như gà cắt tiết thứ gà bị nhiễm vi khuẩn H5N1 vì trong gia tài ức triệu của ông không có chiếc chổi cùn. Ông giữ lời hứa trao sản nghiệp lại cho anh nhà nghèo và vì tiếc của nên sau khi chết biến thành con thằn lằn hay theo tên gọi văn chương là con thạch sùng, suốt đêm ngày tắc lưỡi tiếc gia tài sản nghiệp.
Tôi nhắc lại câu chuyện này vì muốn nói là Sài gòn của chúng ta chẳng thiếu một thứ gì của quê hương Việt Nam, từ những lâu đài nguy nga tráng lệ đến những túp lều tranh xiêu vẹo, những căn nhà ổ chuột, những căn nhà nghiêng ngả trên vũng nước bùn đen đặc quánh của con " Kinh nước đen". Sài Gòn có những thứ mà các tỉnh thành, đô thị khác, không những ở Việt Nam mà còn trên cả thế giới, không có. Một trong những đặc sản ấy của Sài Gòn là buổi ăn sáng kéo dài lê thê, vô hạn định cho đến lúc nào không muốn ăn sáng nữa mới chấm dứt. Còn nhớ tại Sài Gòn gần như bên cạnh các công tư sở luôn luôn có những quán ăn điểm tâm hoặc là đôi ba chiếc ghế thấp lè tè đặt trên vỉa hè để quanh những chiếc bàn cũng lè tè thấp xủn với những món ăn sáng thật bình dân nhưng cũng thật hấp dẫn ấm lòng người, không những ấm mà lại còn no nữa mới là khoái chí tử chứ. Sáng sáng đến sở, quăng cái cặp trên bàn làm việc để cho các bạn đồng nghiệp hay các cô thư ký thấy sự hiện diện của mình rồi rủ nhau ra quán cóc bên hông sở, hay trước mặt hay sau lưng hay bất cứ nơi nào miễn là có bàn ghế, có món ăn điểm tâm khoái khẩu để cùng nhau bù khú trao đổi những chuyện trên trời dưới đất, những tin tức thời sự, những tin cán chó, cán gà. Ăn sáng thực sự cũng cần thiết nhưng cái cần thiết hơn cả là mục đấu láo thường nhật mà nếu thiếu đi thì trong ngày khó thể làm việc thoải mái vì như vẫn còn vướng mắc một cái gì chưa giải toả được nên trong lòng ấm ức không tập trung tâm trí vào công việc được. Cái nghề cạo giấy của công chức nước Sài Gòn lè phè như thế đó ! Nhưng nếu không lè phè như vậy thì năng xuất lại yếu đi nên các ông giám đốc các nha, ty , sở của VNCH tuy biết rõ nhưng cũng lờ đi cho nhân viên dưới quyền được nhờ và để cho công việc trôi chảy đều đặn. Đấy là cái dễ thương của các ông boss VNCH mà tôi vẫn mãi mãi tri ân dù đã xa rồi những ngày tháng cũ trên quê hương yêu dấu ngàn đời khôn nguôi. Bây giờ ngồi ôn lại chuyện ngày xưa, so sánh boss cũ của mình với mấy boss của xứ Cờ Hoa mới thấy khác xa một trời một vực. Sức mấy mà dám đi "điểm xấm" dài lâu mút mùa Lệ Thuỷ ! Một ngày chỉ được nghỉ giải lao (Relax) 2 lần, mỗi lần 15 phút phù du. Ngoài ra là phải ngồi liền tù tì 8 tiếng trước bàn làm việc, trước cái monitor mà dù có ngứa tay lắm cũng không dám mò vào các Websites chứa đựng đủ mọi thứ ưa thích trên cõi ta bà này. Ngay cả check email của bạn bè cũng chẳng dám mó tay vào vì biết rằng cái computer là một con dao, không những hai lưỡi mà lại rất nhiều lưỡi và các chuyên viên thừa sức để kiểm soát những gì mình đã mó máy trên đó dù mình đã ranh mãnh xoá đi tất cả những thao tác mình đã thực hiện trong ngày vì những bí hiểm tân tiến của phương tiện truyền thông này mình đâu biết được hết tất cả. Chẳng may mà bị khám phá ra thì chỉ có cắt mặt quăng đi hay là lãnh một cái check cuối cùng để khăn gói ra đi tìm job khác.
Ăn sáng bây giờ trên miền đất hứa này là một "món" độc quyền cho các đồng hương đã đi quá nửa con đường số 6 tức là trên 65 tuổi đang an hưởng tuổi già hay đang lãnh tiền hưu hàng tháng, trong ví lúc nào cũng có tấm thẻ Medicare như một lá bùa hộ mạng. Ăn sáng cũng dành cho quý vị đang lâm vào cảnh 7 nghề, ngày ngày đọc báo kiếm job. Cao hơn một bậc nữa, chỉ những các quý vị ký giả, ký thiệt, các văn nghệ sĩ, các vị chủ nhân các xí nghiệp to cũng như nhỏ (self-employed) mới có thể thong dong, phong lưu, ngồi ăn sáng ở những địa điểm khá nổi tiếng của vùng Little Saigon như Croissant Dore, Tài Bữu, trong khu Phước Lộc Thọ trên phố Bolsa hay Cafe Factory trên đường Brookhurst và những nhà hàng Đĩm Xấm khác của quận Cam. Thành phần được xã hội Mỹ ưu đãi này đã mang cả cái không khí và nghi thức ăn sáng của nước Sài Gòn sang đây vì họ không thể quên quê hương, họ là những công dân Việt Nam không bao giờ quên nguồn cội dù vật đổi sao dời, dù xa nơi chôn nhau cắt rốn nửa vòng trái đất, ngăn cách bằng mấy đại dương mênh mông nước mặn.(Có đại dương nào nước ngọt không nhỉ, và bao nhiêu đại dương ngăn cách chúng ta với quê hương, tôi hoàn toàn mù tịt dù mò mẫm ngâm cứu trên bản đồ thế giới. Phải hỏi mấy ông phi công xem họ đã vượt qua mấy đại dương hay hỏi mấy ông giáo sư địa lý mới biết được điều này). Họ quây quần ở các tụ điểm ăn sáng, ăn thì ít mà hít thì nhiều, hót cũng nhiều không kém. Thuốc lá trên tay cháy đều đều theo câu chuyện xưa tích cũ. Họ trao đổi cho nhau nghe những chiến công hiển hách trong đời quân ngũ . Ngày xưa họ là những đại đội trưởng, những tiểu đoàn tưởng vv nhưng giờ đây theo cùng năm tháng, kinh nghiệm chiến trường của họ đã trở nên phong phú ngang hàng với cấp tướng lãnh nên các chiến công của họ đã tăng trưởng thành vĩ đại và oai hùng đáng ghi vào sử sách .Sao các sử gia không đến đây ăn sáng để viết sử nhỉ ? Hiện tượng này thật ra cũng dễ giải thích vì các vị anh hùng luôn trở về nơi chốn xảy ra những chiến công oanh liệt của họ.(Câu này tôi tạm dịch ra từ một câu tiếng Pha Lang Sa, không dám ghi ra đây vì không tin vào trí nhớ đã mòn mỏi của tôi) Các "nhà cầm quân", các vị anh hùng của chúng ta giờ đây trong buổi ăn sáng xa quê hương, họ không trở về được nơi chốn của một thời vàng son trong quân ngũ thì họ trở về bằng ký ức vậy. Mà ký ức thì khó chính xác nên nếu có thêm mắm thêm muối, thêm râu thêm ria, vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm sừng, vẽ hùm thêm cánh, thì cũng chẳng có gì đáng trách. Họ là những chính trị gia lỗi lạc đang ăn sáng nên câu chuyện bao quanh những tin tức thời sự nóng hôi hổi như "bánh mì nóng mới ra lò, bọp dòn ăn chon, cắn cái rụp, nghe cái tróc"(Lời rao bánh mì tôi nghe được lúc tuổi còn thơ) Ngày xưa họ là dân biểu, nghị sĩ, nghị viên, những nhân vật chính trị hay ngồi bên lề chính trị, từng cố vấn cho ông này bà nọ trong chính trường. Khổ một nổi là các ông bà này đã không nghe lời của quân sư, lời bàn của Mao Tôn Cưong, những lời vàng ngọc của họ, những mưu thần, chước quỷ giá trị không thua Khổng Minh đời Hậu Hán bên Tàu, những biện pháp an bang tế thế, nên nay mới nước mất nhà tan để họ phải ngậm ngùi cho thế sự. Ngày nay nếu ông Clinton hay ông Bush mà nghe theo những kế hoạch của họ thì một nước Irak chứ 3 nước như thế cũng bình định xong trong ba mươi giây và nạn khủng bố trên thế giới cũng quét sạch sành sanh và Bin La Đênh hay thần A La Đanh gì cũng xếp giáp quy hàng hết trơn hết trọi. Câu chuyện của họ có nhiều chi tiết mang tính cách thuyết phục vì trước đây họ đều quen lớn các cấp bậc lãnh đạo trong chính phủ và họ vanh vách bật mí những bí mật quân sự và chính trị mà cỡ Bộ trưởng hay tướng lãnh cũng không biết được hoạ chăng chỉ một mình Tổng Thống VNCH mới biết được. Đại khái những câu chuyện bên bàn ăn sáng xoay quanh các vấn đề trọng đại đó hay các câu chuyện du hí tại quê nhà hoặc các tin ông già dịch này về quê hương cưới vợ bé đem qua Mỹ bị vợ bỏ theo trai hay cho mọc sừng túa xua trên đầu vv...
Những buổi ăn sáng do các bạn bè đồng môn, cùng trang lứa, cùng nghề nghiệp tổ chức "bán nguyệt" để gặp nhau hàn huyên nhắc lại chuyện ngày xưa, chuyện tán gái, chuyện phá làng, phá xóm, những kỷ niệm phá Thầy ghẹo Cô của tuổi học trò, chuyện "chảnh" của các giai nhân một thời nay đã hết "xoan" không còn chút duyên xưa một thuở được các bạn bè lúc còn tuổi thanh xuân ái mộ, trồng cây si. Những buổi gặp mặt trong lúc ăn sáng để níu kéo tuổi xuân, để còn được trông thấy nhau lúc hoàng hôn tuổi đời đang cận kề không biết ánh vàng còn sót lại lúc chiều về sẽ tắt lúc nào, thật đáng khuyến khích và đáng tham dự. Gặp nhau để cùng đọc lại những văn thơ thời niên thiếu trong Quốc văn giáo khoa thư tưởng không có gì thích thú bằng:
Hỡi các cậu bé con
Trong lúc tuổi còn non
Các cậu muốn có con
Các cậu phải chăm học
Chăm học mới có vợ
Có vợ mới có conKhông khí ăn sáng và phong cách ăn sáng kiểu Sài Gòn vẫn giữ y nguyên như tự thuở nào. Thật là một nếp sống độc đáo tưởng không tìm thấy ở đâu ngoài Sài Gòn yêu dấu của chúng ta. Xa quê hương, còn thấy lại những nét đặc trưng của nước nhà trên xứ người thật là hạnh phúc không đâu xa ! Lúc nào cảm thấy buồn đời tỵ nạn các bạn ra Phước Lộc Thọ nhìn xem những thực khách đang ngồi phong lưu ăn sáng bên tách cà phê, phi thuốc lá đều chi bất chấp những nguy hiểm ghi trên bao thuốc liên quan đến ung thư phổi, cười nói bô bô thật vô tư, một vài tờ báo biếu trong tầm tay, vài ba nhật báo để xem tin tức thời sự khi nghỉ giải lao giữa cuộc đấu láo, các bạn sẽ vui đời tỵ nạn ngay lập tức. Chịu khó ngồi cạnh những nhân vật thường xuyên ăn sáng này để lắng nghe những mẩu chuyện trà dư tửu hậu của họ, bạn sẽ thấy cuộc sống tăng phần ý nhị và bạn sẽ đồng ý với câu thơ đượm mùi lạc quan của một tên bạn "cùng một lứa bên trời lận đận":
"Đời đẹp quá tôi buồn không kịp"
Hoan hô ăn sáng ! Ăn sáng muôn năm !
[ Trở Về ]