Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]

Một ngày như mọi ngày

Hoàng Đức

Xin vội vàng thưa ngay: Đây là một ngày của một ông già Việt Nam trên xứ Mỹ, một người đang dè dặt đặt những "bước chân âm thầm" trên con đường số 6, con đường này vốn rất xa lạ với không ít người chứ không phải con đường của nhà văn Thanh Tịnh trong ngày khai trường: "Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này bỗng nhiên tôi thấy lạ vì trong tôi có một sự thay đổi mới." (đại khái là ông Thanh Tịnh viết như vậy, tôi không chắc là đã viết đúng nguyên văn của ông, nhưng đến cái tuổi này mà còn nhớ  được như vậy thì  cũng chưa đến nổi gần kề căn bệnh quái ác Alzheimer, xin quý vị cho tôi một tràng vỗ tay.)

*
Nếu tính từ ngày tôi lọt lòng Mẹ ra chào đời hay văn chương hoa lá cành theo kiểu "Cung oán ngâm khúc" là kể từ lúc trót mang tiếng khóc bưng (ôm) đầu mà ra hay theo văn chương thời thượng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "Từ ngày Mẹ cho mang nặng kiếp người." thì cho đến nay tôi đã đếm được hơn sáu mươi mùa Xuân đi qua cuộc đời tôi. Xin cho tôi khỏi phải nói một cách chính xác là sáu mươi mí vì tôi muốn giữ lại một vài tuổi cho đời còn tươi mát và để khỏi bị mắng là "Già dịch" khi bỗng dưng mà lòng xuân phơi phới lúc đối diện với một đoá hoa mơn mởn, hương sắc Xuân thì.Thật ra thì chỉ dám động lòng Xuân một cách âm thầm lặng lẽ thôi chứ không dám mon men gạ gẫm vì nhiều trở ngại nói ra không hết, chẳng hạn như trở ngại kỷ thuật, máy móc không trong tình trạng tốt đẹp, trở ngại gia đình vì cái "remorque" to đùng đang lè kè bên cạnh, trở ngại tuổi tác vì đã mon men đi gần đến tuổi cổ lai hi, trở ngại tài chánh vv và vv....

Xin trở lại với những sinh hoạt trong ngày của một người đàn ông Á Châu ở nhà đuổi gà cho vợ dù không nuôi con gà nào hết ở trong vườn, sợ sáng sớm tinh sương con gà trống nổi hứng gáy vang làm phiền hàng xóm láng giềng và rất có thể bị thưa ra ba toà quan lớn. Một ngày bắt đầu lúc 6:00 sáng. Đã xa rồi giấc ngủ nướng vì với cái tuổi lục tuần thì không thể nào ngủ hơn 6 tiếng đồng hồ một đêm. Không còn cách gì để nướng thêm được nữa vì củ khoai đã sùng tức là đã sắp thối đến nơi rồi, có nướng thêm thì cũng không thể bốc mùi thơm như "khoai lùi bếp nóng ngon hơn là vàng" được nữa.Vậy là theo đúng chiếc đồng hồ sinh học, đúng y boong 6 giờ sáng, tôi thức dậy.Theo lời khuyên của một vị bác sĩ, tôi đọc thấy trong báo rằng thì là không nên vội vàng nhảy xuống giường mà phải nằm một lúc cho tỉnh táo rồi mới từ từ đặt chân xuống sàn nhà để tránh khỏi bị chóng mặt có thể té bất ngờ mà ở vào lứa tuổi gần thất thập thì rất nguy hiểm vì có thể bị tai biến mạch máu não.Theo quan niệm của người dân quê Việt Nam chúng ta thì khi người già té ngã là xem như đã nhập thổ tức là gần kề miệng lỗ, sắp về gặp tổ tiên rồi. Sau phần vệ sinh cá nhân lúc đầu ngày gồm đánh răng, súc miệng, rửa mặt, rửa mày, o bế mái tóc ba màu như chè ba màu vì màu tóc già tự nhiên là màu bạc trắng, màu đen là màu tóc đã được nhuộm vì cũng muốn làm đỏm với đời một chút xíu và một màu hung hung, đo đỏ như màu tóc của Xuân tóc đỏ trong tác phẩm "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng. Sở dĩ có màu tóc quái dị này là vì tóc nhuộm lúc đã phai màu thì biến đổi màu sắc chẳng màu nào ra màu nào. Cũng may là hàm răng vẫn cái còn, cái mất, cái lung lay chứ chưa mất hẳn, nếu không thì đã có thể vừa đánh răng vừa huýt gió cho đời lên hương. Dĩ nhiên là cũng phải hưởng đệ tứ khoái dù không được đứng thứ nhì sau chức tước Quận Công. Sau màn vệ sinh cá nhân, tôi bèn đi một đường "Suối nguồn tươi trẻ". Đây là một phương thức thể dục do Peter Kelder biên soạn theo lối huấn luyện thân thể của các vị Lạt Ma Tây Tạng mà ông ta đặt tên là "The Fountain of Youth".Theo ông ta, nếu ta kiên chí tập luyện theo phương pháp này chỉ gồm 5 động tác thật đơn giản thì chẳng những ta có thể kéo dài tuổi thọ, tăng cường sức khoẻ mà lại có thể cải lão hoàn đồng tức là trẻ lại đến 10 hay 15 tuổi như ông đại tá Bradford người đã may mắn được thực hành phương pháp này ngay trong 1 tu viện nằm trong một vùng xa khuất của dãy Hi Mã Lạp Sơn.Thấy phương pháp thật đơn giản, tôi nghĩ  được thì không biết có được gì không  nhưng không có gì để mất, hơn nữa không bổ bề ngang thì cũng bổ bề dọc nên tôi bắt tay vào việc "tu luyện" theo phương pháp này của các vị Lạt Ma Tây Tạng. Mới tập chỉ trong vòng một tháng, thấy trong người khoan khoái, khoẻ mạnh, hai gò má ửng hồng, tôi thích quá nên hăng say tập luyện. Chỉ có một điều hơi ưu tư là đôi gò má ửng hồng khiến tôi lo ngại không khéo mà giống như Nhạc Bất Quần trong "Tiếu ngạo giang hồ" của Kim Dung, học nhầm Quỳ Hoa Bảo Điển để rồi biến thể thành lại cái thì thật là tai hại khôn cùng. May mắn quá! Sau mấy năm liền tu luyện "Suối nguồn tươi trẻ" tôi vẫn là một đấng "trượng phu" và không thấy bị thúc đẩy phải di cư lên vùng San Francisco để tìm mấy ông bạn vui vẻ (Gay). Vẫn biết cái "Tôi thật đáng ghét" nhưng tôi cũng xin quảng cáo không công cho phương pháp thể dục "Suối nguồn tươi trẻ" này liên quan đến cái "tôi" của tôi. Số là sau một thời gian tập luyện, một hôm tôi ra sân Tennis, một anh chàng đến gạ với tôi:
- Anh đứng với Em đánh với hai ông già bên kia!
Ôi sung sưóng làm sao! Một trong hai ông già bên kia còn nhỏ tuổi hơn tôi, thế mà anh chàng này không biết mắt mũi kèm nhèm sao đó mà lại gọi tôi bằng anh và rủ tôi đứng đôi để chơi với hai ông già xấp xỉ tuổi của tôi.Tôi tự nghĩ hay là tôi trẻ ra thật! Mà nếu trẻ thật, thì tức là nhờ ở phương pháp "Suối nguồn tươi trẻ" chứ còn gì nữa. Quý vị có nghĩ là tôi cần phải đính chính không? Có nghĩ là tôi phải bắt anh chàng trẻ tuổi này gọi tôi bằng Chú hay bằng Bác vì chắc chắn là tuổi tôi không bằng thì cũng không thua tuổi của Bố anh chàng này bao nhiêu. Ngu sao đính chính! Được người ta ngỡ mình còn trẻ thì cứ im lặng mà khoái chí chứ!

Thế là sáng nào tôi cũng tập 5 động tác của các vị Lạt Ma Tây Tạng. Sau màn thể dục buổi sáng này, tôi lái xe ra sân Tennis chơi vài "sets" với các bạn cùng trang lứa, một phần là để huấn luyện thân thể, một phần là để có dịp bố lếu, bố láo với mấy ông bạn già. Sau khi chạy nhảy trên sân là màn đấu láo đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất, chuyện thời sự quốc tế, thời sự Hoa Kỳ và thời sự Việt Nam, một mục thật hấp dẫn vì liên quan đến rất nhiều chuyện già dịch, vui như Tết: Nào là ông này hơn 80 tuổi về quê hương cưới vợ chỉ ngoài đôi mươi, rồi mang vợ trẻ lên sở xã hội Quận Cam xin trợ cấp thực phẩm, nào là ông già nọ cưới vợ xong, rồi không dám bảo lãnh cho vợ qua Mỹ sợ bị mấy anh chàng thanh niên cuỗm mất vợ. Hỏi ông, thế ông chu cấp dollars cho vợ nhí ở Việt Nam không sợ cô ta cắm sừng lên đầu ông sao, thì ông cười hề hề bảo là nó làm gì thì làm, miễn khuất mắt mình thì OK và lúc mình về Việt Nam, có người hầu hạ gối chăn là sung sướng, hạnh phúc trong tuổi già rồi. Quan niệm sống đơn giản như thế thì chỉ thua mấy thằng Tây say chứ thua ai! Tennis không còn là môn thể thao của giai cấp thượng lưu trong xã hội như thời xa xưa của bà Phó Đoan trong "Số Đỏ" mà giờ đây, những ai rảnh rổi, có chút tiền, có chút ham mê thể thao đều có thể chơi Tennis một cách hiên ngang tuy đôi lúc cũng để lộ ra gốc gác "quý phái bình dân" thuộc con giòng, cháu giống miệt vườn hay miệt biển vốn ngày còn ở quê hương chỉ làm quen với lưới cá, cần câu hay chiếc cày, cái cuốc. Cũng vì tính cách bình dân đại chúng của bộ môn thể thao này mà ngoài sân Tennis chúng tôi nghe và mục kích được lắm chuyện nực cười như vừa mới đây chúng tôi được xem một cuốn album hình đám cưới của một tay vợt tuổi ngoài năm mươi, về quê hương cưới vợ trẻ thua anh chàng gần ba mươi tuổi. Sáng nào anh ta ra sân cũng mang hình đám cưới ra khoe với bạn bè thân cũng như sơ.Và rất chi là độc đáo, trong số các hình ảnh này có hình cô vợ của anh ta trong trang phục bà E Và ở vườn Địa Đàng, không có được một chiếc lá nho để che đậy cái ngàn vàng. Bình dân, chơn chất và ma bùn đến như vậy thì thôi! Thật là hết nước nói! Thực ra thì cũng dễ hiểu: Tốn bao nhiêu tiền của, nào là vé máy bay khứ hồi Cali-Saigon-Cali, sắm sanh lễ vật, nhẫn cỏ, nhẫn hột xoàng hạt tấm, hạt to, đủ mọi thứ lỉnh kỉnh cho khỏi mất mặt bầu cua Việt kiều về quê hương cưới vợ, chả lẽ lại âm thầm không khoe với bàn dân thiên hạ hay sao. Dù sao thì cũng cứ "tưng bừng khai trương" rồi sau này có âm thầm đóng cửa thì cũng không sao. Cũng giống y hệt mấy bà mấy cô đã tốn tiền "tiểu tu" hay "đại tu", chỉnh trang đô thị, căng mông, bơm ví thì cũng phải mặc váy bó sát mông, áo banh hở ngực cho thiên hạ rửa mắt chứ đâu phải tốn tiền làm đẹp chỉ để cho lão chồng già nhìn ngắm trong chốn phòng the. Lão ta là cái thá gì mà phải bận tâm trau tria má phấn, môi hồng! Đấy, đại khái ra sân Tennis vui như thế thì bảo sao ngày ngày người đàn ông già lão như tôi không xách vợt ra sân để mua vui cũng được một vài phút giây.

Thời khoá biểu thường nhật của một ông già trên đất Hoa Kỳ tiếp tục bằng màn về nhà, ngồi trước Computer mở Email ra đọc thư của các bạn già trên đất nước Cờ Hoa, bạn già trên quê hương, bạn già trên năm châu bốn biển. Nếu không có mục này thì đời sẽ tẻ nhạt vô vàn! Muôn vàn cảm tạ công ơn của người sáng tạo ra ra môn Email thần diệu này. Trước đây, khi chưa có Email, thư từ gửi cho bằng hữu mất rất nhiều thời gian, nhất là một lá thư gửi về quê hương có lúc mất gần hai tháng trời vì thư phải đi chu du ra tận ngoài Bắc rồi mới về đến miền Trung hay miền Nam. Lại còn phải bị cái nạn kiểm duyệt nữa chứ! Thật hết cả hứng thú viết thư! Ngày nay, chỉ trong giây phút là thư đến tay người nhận, sướng ơi là sướng! Dù quê hương đi trước ta 14 hay 15 tiếng đồng hồ, bên ta là ngày, bên nhà là đêm, thì cũng chỉ trong vòng một ngày là ta đã nhận được thư của nhau, tha hồ mà kể lể, chuyện trò, hàn huyên tâm sự.Tin tức bạn bè, thân nhân, được cập nhật hoá đều đều qua Email, còn gì hạnh phúc bằng! Kể cho nhau nghe ba mươi sáu ngàn chuyện trên đời, còn gì vui thú cho bằng! Đấy là chưa kể nếu còn động lòng xuân thì duyên may đưa đẩy cũng có thể kiếm được một mối tình lúc cuối đời qua Email để rồi ngày ngày ngồi trước computer "chat" qua, "chat" lại hay là lẫm cà, lẫm cẫm làm vài câu thơ theo thể thơ con cóc gửi bạn tâm tình, nói lên nỗi lòng thương nhớ đầy vơi cho tuổi già bớt cô đơn mà vui sống những ngày tháng "bonus" Trời, Phật, Chúa ban cho, sau hơn sáu mươi mùa lá rụng trôi qua trên cuộc đời.Thật vậy, sống trên sáu mươi tuổi thì cũng đã gần đất xa trời vì đã đi hơn nửa kiếp người, nếm đủ mùi lạc thú trên đời thì cuộc đời còn lại phải được xem như những tháng năm "bonus" Trời ban cho để sống an bình, không lo nghĩ, không ham sống, cho đời thanh thản, vô tư. Phần hồn không biết có hay không, chỉ nên tu nhân tích đức, rồi ra, lúc xa lìa cõi thế, hồn xuống địa ngục hay thiên đàng là do cái nghiệp, cái nhân, cái quả của ta trong tiền kiếp, hơi đâu mà bận tâm lo nghĩ đến phần hồn trong cuộc đời bên kia cõi ta bà, cho ngày tháng mất vui.

*
Ngoài những mục chính mô tả trên đây, còn những mục không kém phần lý thú của một ngày như mọi ngày của một lão giả xứ Cờ Hoa như thỉnh thoảng họp mặt bạn bè ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối, ăn tục nói phét, một hình thức để níu kéo tuổi xuân. Một tháng, đôi ba lần rủ nhau đi đến các trung tâm phân phát lương thực cho người già, lãnh món này vật nọ, hộp thịt, hộp cá, lon nước cốt trái cây, gói gạo vv... Thứ gì dùng được thì đem về nhà, ăn, uống để biết ơn chính phủ Mỹ không quên người già, thứ gì không hạp khẩu vị thì đem đến các bãi đậu xe tặng lại cho mấy ông bạn "homeless" để vui khi thấy họ cười và nói lời cảm ơn, kiếm được một niềm vui nhỏ bé khi chia sẻ miếng cơm manh áo cho người nghèo hơn ta chứ không hề có ý nghĩ làm việc thiện cho phần hồn mai sau. Lại thêm mục đi chợ, đi búa, giúp vợ nấu nướng, chia sẻ công việc nội trợ để bà chủ nhà khỏi lên mặt rằng chỉ có ta đây là có thể làm "chef" tức là làm "cook", nếu thiếu ta là cả nhà chết đói. Nghe mà bực cả ...mình! Đi chợ cũng là một cái thú vì "trai khôn tìm vợ chợ đông"nên mình tha hồ ngắm các bà xồn xồn một cách vô tội vạ. Nếu cần thì tỏ ra rụt rè, e thẹn, ra cái điều bị vợ nhà "đì", bắt đi chợ để các bà, các cô cảm thương cho thân phận bọt bèo của mình, rồi nhân cơ hội, mình lân la làm quen, biết đâu lại chẳng gặp một mối tình cuối đẹp hơn mối tình đầu. Ngoài ra, nếu có cháu nội, cháu ngoại thì cũng có thể giúp con trai, con gái đưa các cháu đi học, đón các cháu về nhà chơi đùa với chúng để thấy mình còn hữu ích cho gia đình, cho xã hội.

Thế rồi, lúc đêm về, nằm dài trên xô pha, ngủ gà, ngủ gật xem Ti Vi hay nằm vách đốc củ tỏi, đọc sách báo, chờ đến 11 giờ khuya leo lên giường đánh một giấc không mộng mị vì cuộc sống quá nhàn hạ, vô tư, đâu có chuyện gì phải nằm gác tay lên trán để âu lo. Tổng Thống tương lai của Mỹ là đàn ông hay đàn bà, bà Hillary Clinton hay ông da đen đắc cử thì cũng chẳng có gì đáng "ke"vì thân phận của một phó thường dân cũng sẽ chẳng có gì đổi thay đáng kể, dù ông hay bà Tổng Thống thuộc đảng Dân Chủ hay Cộng Hoà thì cũng rứa mà thôi.

Một ngày của một ông già Việt Nam trên đất nước Cờ Hoa này thì cũng như mọi ngày, chẳng có gì khác biệt, nghĩa là cũng bềnh bồng, trôi nổi như rứa mà thôi . Chắc có người sẽ thắc mắc hỏi còn cái mục kia sao chẳng thấy đề cập đến. Xin thưa, chuyện phòng the không tiện vạch áo cho người xem lưng nên lửng lơ con cá vàng, ai hiểu sao cũng được. Ai răng thì tui rứa! Cứ suy bụng ta là ra bụng người!

Xin kết thúc bài viết lăng nhăng này bằng một bài thơ theo trường phái "Con Cóc"

Một ngày như mọi ngày

Ngày nào rồi cũng như nhau
Sớm mai thức dậy một chầu điểm tâm
Bánh mì bơ sữa chẳng ham
Sắn khoai, xôi cúc nhớ làng thương quê
Ngày ngày vui sống thoả thuê
Phong lưu tiêu sái, lái xe lòng vòng
Tìm thăm mấy trự lão ông
Chuyện trò bù khú cho lòng thảnh thơi
P.C. sẵn có trên đời
Thư từ, lên mạng, rong chơi suốt ngày
Hơi đâu buồn chuyện lưu đày
Tài sơ, trí thiển, già này bó tay.

Hoàng Đức


Trở Về   ]