Những
ngày này, năm Bảy Lăm, tháng Ba, "Mặt Trận Miền Tây Vẫn
Yên Tĩnh". Đơn vị tôi là một tiểu đoàn Địa Phương Quân(TĐ
497/ ĐP Tiểu Khu_Châu Đốc), vẫn trấn đóng trên ngọn 554
thuộc núi Giài, Thất Sơn, Châu Đốc. Bộ Chỉ Huy đặt tại
Ba Xoài.
Tháng
Ba, nắng và gió đẹp lạ lùng. Tôi vẫn thỉnh thoảng cùng
vài người lính kéo nhau xuống chợ Ba Xoài uống café. Ở
đây chỉ là một sóc Miên nghèo nàn khô khan, nên quán café
duy nhất trong xóm chân núi này cũng chỉ bán cho lính trong
Tiểu Đoàn, hay nói đúng hơn chỉ bán cho vài chục người
lính trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn và Đại đội Chỉ Huy. Ba
đại đội khác không ở gần chợ Ba Xoài.
Ly
café đắng nghét, với những chiếc cốc cáu bẩn, bụi bặm.
Con đường trước quán là một con đường đất duy nhất
nối liền những sóc Miên sống ven chân núi Giài, chạy qua
xã Ba Chúc, thuộc quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc. Ba chúc,
nơi bây giờ vẫn lưu giữ hàng trăm sọ người khi giặc đỏ
Ponpot tràn qua tàn sát dân Việt dưới ánh sáng căm thù của
chủ nghĩa Mác-Lê. Con đường bụi mù như bất cứ con đường
đất nào trên quê hương nghèo khổ và chiến tranh, khi một
chiếc xe chạy qua, hay một cơn gió tốc đến.
Ngồi
đây không phải để uống café, mà chỉ là ru cơn thèm khát
về những chiếc quán xinh xắn nơi thị xã, với những dàn
máy Akai hiện đại thời bấy giờ. Và với những tình khúc
TCS. "Tình ngỡ đã quên đi nhưng tình bỗng lại về, người
ngỡ đã đi xa nhưng người vẫn quanh đây. Ôi áo xưa lồng
lộng đã xô dạt trời chiều như từng cơn gió lộng……."
Hay
"Mưa vẫn hay mưa trên từng tháp cổ, buổi chiều ngồi ngóng
những chuyến xe qua. Trên bước chân em âm thầm lá đổ…."
Vâng!
Tôi ở đây mà hồn ở đâu đâu. Ngồi quán chân núi nhớ
quán thị thành. Như bây giờ ngồi quán trên trời nhớ quán
dưới đất, quán bây giờ nhớ quán năm xưa. Hồn không cùng
với xác, mà hồn bay bổng, tìm về nơi đâu?
Tháng
này, mùa mưa đã đi qua. Không còn cái thú nghe mưa trên đá
núi, cây xanh. Những ngày mưa không xuống núi được, đành
ngồi trong lều uống café nghe mưa lốp đốp trên mái poncho.
Những lúc đó, mưa, nghe như từ vạn thuở, và gió, như từ
vạn kiếp thổi giá buốt lòng những chàng trai phải rời
xa phố thị, đi đến mọi miền đất nước, sống kham khổ
chỉ vì sự an ninh của lãnh thổ, vì chiến đấu cho một
nền hoà bình của phân nửa nước Việt Nam.
Một
thời, không đi đến tận cùng vinh quang, nhưng là một thời
đầy ý nghĩa.
Tháng
Ba, thật ra là tháng bắt đầu cho những biển chuyển lịch
sử, để rồi từ đó kéo theo vận mệnh vô cùng khốn khổ
của cả một miền Nam .
Tháng
Ba, mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh, đâu ai ngờ chỉ hơn
một tháng sau, cả một quân đội sụp đổ mà không do sự
chiến đấu hèn nhát của binh sĩ.
Những
người lính, những người trai gần như quên mình, cận kề
cái chết, nhưng hồn vẫn phiêu bồng, hồn nhiên chiến đấu
mà dấu thù hận chưa hề làm thành nếp gấp trong tâm hồn
họ như những chiến binh Bắc Việt được trang bị bằng
máu lửa hận thù với người anh em của họ trong Nam.
Tháng
Ba, những người bạn tôi trên MGP này ở mọi nơi trên thế
giới, có lẽ đang bắt đầu những hoài niệm về một giai
đoạn biến chuyển, để rồi sau đó tháng Tư, đẩy chúng
ta tan tác như một bầy chim trong cơn giông bão.
Chúng
ta vẫn còn được sống sót để bây giờ ngồi quán trên
trời, trong khi đó bao người đã bỏ mình dọc những con đường
di tản mà lớp lớp thân xác rã mục dưới nắng, mưa. Những
đứa trẻ lạc mất cha mẹ. Những người vợ mất chồng,
mất con dưới họng súng AK vô tình và lạnh lùng đáng sợ.
Những tinh hoa đất nước chôn đời mình trong các trại tập
trung cải tạo, kinh tế mới, dưới lòng biển sâu.
Chúng
ta vẫn còn bao may mắn.
Mời
những bạn tôi, một ly café, uống cho những hoài niệm, cả
vui lẫn buồn.
16/03/
08
Tháng
Ba, có đôi ngày vẫn se sắt lạnh, nhưng tháng Ba là đã chớm
vào Xuân. Cây Đào Nhựt Bổn sau vườn đã đơm hoa tươi thắm.
Những cánh hoa thật mong manh, dịu dàng.
Tháng
Ba. Mất Huế, Đà Nẵng. Nhớ lại hồi ký Tháng Ba Gãy Súng
của Cao Xuân Huy mà thấy chạnh lòng.
Tôi
đã đọc trên báo địa phuơng đăng lại tập hồi ký đầy
máu và nước mắt này của Cao Xuân Huy. Đọc một lần và
không bao giờ dám nhìn đến lần nữa, bởi những bi thảm
không thể tưởng tượng nổi đã được tác giả là người
trong cuộc ghi lại. Bàng hoàng, tê tái cõi lòng. Không ngờ
cuộc di tản của Quân và dân miền Trung trong tháng 3/75 đầy
bi kịch như vậy. Đọc xong xót thương cho thân phận con người,
thấy đau quay quắt cho một quân đội đã một thời anh dũng.
Buồn cho thân phận mong manh của con người. Và kinh tởm chiến
tranh. Kinh tởm những kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh vô cùng
không cần thiết, dưới chiêu bài hoàn toàn ngụy lý.
Từ
đó, cứ mỗi tháng Tư, báo chí hay đăng lại những bài viết,
tường thuật về cuộc chiến đang hồi kết thúc năm 75, tôi
không còn dám đọc nữa.
Tháng
Ba, mọi sinh hoạt vẫn bình thường ở Miền Tây. Những tà
áo trắng vẫn tung bay trong nắng xuân, trong sân trường Nữ
Trung Học Châu Đốc. Ghe thuyền vẫn tấp nập trên bến sông
trước Bưu điện thị xã. Chợ vẫn đông đảo, sầm uất,
người người vẫn bình thản làm ăn buôn bán.
Và
tôi, vẫn an nhiên tự tại cùng đơn vị trấn đóng trên ngọn
554 thuộc núi Giài, Thất Sơn. Vẫn mỗi sáng cùng vài ba người
lính thân cận bày café ra pha uống, tán dóc. Lính tráng chẳng
ai theo dõi thời sự. Huế mất, Đà nẵng mất, mà tôi và
những người lính chẳng ai buồn biết tới. Chỉ biết rằng
nếu vị trí phòng thủ của mình mà bị tấn công, thì chống
trả và tiêu diệt địch. Suy nghĩ đơn giản của một người
lính chiến là như vậy.
Tháng
Ba, những cụm mây trắng lờ lững trên bầu trời trong xanh.
Buổi sáng chim vẫn hót líu lo trên cành cây cao. Những cô
con gái, đàn bà người Miên thỉnh thoảng lên núi đốn củi.
Họ đi thành toán năm bảy người nói cười vui vẻ, cũng
e thẹn mắc cỡ khi bị các anh lính trêu ghẹo. Họ cũng như
những người lính trấn thủ chúng tôi, không ai quan tâm tới
Miền Trung đang hấp hối, và hàng trăm ngàn người di tản
vào Sàigòn. Sàigòn thì xa qúa với Thất Sơn, vùng biên giới
với những cánh đồng ngút mắt, với rừng tràm bạt ngàn.
Người dân nghèo ở đây, có khi còn chưa bao giờ đặt chân
tới Ninh Kiều Cần Thơ, nói chi Sàigòn, nói chi Huế, Đà Nẵng.
Chiến
tranh có từ khi mình chưa chào đời, và mình cũng là người
nhập cuộc cuộc chơi máu lửa đó, thì chuyện bom đạn có
chi là lạ thường. Người lính quả thật cũng xem thường
những chuyện mặt trận này đánh, mặt trận kia tan.
Nhưng
người lính thật chẳng ngờ chuyện thường tình của chiến
tranh đó đã có ngày kết thúc sau đó một tháng. Một kết
thúc đầy bi phẫn.
18/03/08
Tháng
Ba, những ngày nắng đẹp, cây lá xanh tươi. Những người
lính thay phiên nhau xin dù vài ngày về thăm nhà, thăm vợ con.
Quê nhà của họ cũng chẳng đâu xa, ở ngay trong tỉnh. Họ
xuống núi rồi từ chân núi, băng qua cánh đồng lúa nhỏ
có những mô đất, có những bụi rậm xen lẫn với những
cây thốt nốt vươn cao. Men theo bờ ruộng, ra tới đường
lộ đất, sẽ có xe Honda ôm chạy về tới nhà. Nếu xa hơn,
họ có thể đón xe đò Chi Lăng -Châu Đốc để về thị xả
Châu Đốc. Rồi họ qua phà Châu Giang về Tân Châu, Hoà Hảo,
….
Tôi
yêu họ, những người thanh niên nông dân hiền hòa. Họ, có
người đã có vợ con, cũng mơ một mái ấm gia đình hạnh
phúc, nhưng vì chiến tranh, họ cũng phải gia nhập quân đội,
tuy nhiên họ cố chọn một con đường dễ đi nhất, là đi
lính cho địa phương của họ, để tháng tháng họ xin dù
về nhà, có khi chỉ 24 giờ hú hí với vợ trẻ, để nựng
nịu con thơ.
Tôi
thường qua mặt cấp trên, giấu diếm cho họ chuồn về nhà.
Đôi khi tôi cũng bị cấp trên quở la vì chuyện này. Nhưng
tôi thật sự không buồn phiền.
Đôi
khi, được thông báo, tình hình nghiêm trọng, hay có thanh tra,
phải từ chối sự xin xỏ của họ, tôi thật cũng không vui.
Tôi chỉ là sĩ quan chỉ huy nhỏ nhất, và gần gũi nhất của
họ, người chỉ có thẩm quyền cho họ đi phép miệng, nghĩa
là không có giấy phép cho họ cầm tay. Nhưng họ cũng chỉ
mong có vậy thôi, xin và được trung đội trưởng cho phép
kèm theo câu thòng, nhớ trở về đúng hẹn, là họ vui lắm
rồi.
Còn
tôi, không có nhu cầu như họ, tôi thèm về thành phố thị
xã chỉ là để đi uống café, nghe nhạc. Thành phố Châu Đốc,
thuộc loại đi dăm phút đã về chốn cũ, chỉ có dăm quán
café nhạc đáng để ngồi. Tôi và bạn bè cũng là lính, thường
đến quán Thanh Hà, bên hông chợ Châu Đốc, ngồi hàng giờ,
nghe hết băng nhạc nầy đến băng nhạc khác.Tôi cũng không
có thói quen gợi chuyện với cô hàng café xinh xắn kia. Mà
tôi lại thích ngồi quay lưng lại quầy và nhìn ra đường.
Con đường với những chiếc xe lôi đạp, hay gắn máy và
người qua lại lúc nào cũng cho tôi cảm giác bình yên, thanh
bình. Chiến tranh dường như chưa bao giờ làm thị dân xôn
xao. Những tin tức di tản vùng 2, Đà Nẵng, Huế cũng không
làm ai bận tâm.
Tôi
nhìn về hướng núi Giài Thất Sơn, nơi trung đội của tôi
với những người lính thân yêu đang chờ tôi về, thật mịt
mờ xa xăm. Những người lính của tôi, không có tôi, dưới
quyền của ông trung sĩ trung đội phó, họ vẫn biết phải
canh gác như thế nào, tối đến họ biết phải mang mìn Claymore
gài chung quanh vị trí phòng thủ như thế nào, và sáng ra đi
gỡ, thu lại như thế nào.
Tháng
Ba, về thị xã, tôi lang thang một mình, nhưng không tìm đến
T.N. người vẫn viết thơ cho tôi đều đều, vẫn màu mực
tím trên giấy học trò, vẫn gọi tôi bằng ông và xưng Nhỏ,
ngày hai buổi cắp sách đến Nữ Trung Học Châu Đốc, vẫn
tâm sự rằng thỉnh thoảng cô bị thầy ném phấn vì lơ đãng
trong khi nghe giảng. Tôi vẫn nhận thơ và viết thơ cho cô.
Đôi khi cô gửi kèm theo thư những con tem vì sợ trên núi
tôi không có tem để gửi thư cho cô.
Tháng
Ba, về thị xã, vào hậu cứ Tiểu Đoàn, tình cờ thấy thư
của cô.Thư chưa kịp chuyển vào tiền cứ cho tôi. Trong thư,
kèm theo một cặp hoa mai thêu trên vải, đó là cặp lon thiếu
úy cô tặng tôi để may lên cổ áo lính, khi tôi thăng cấp
thiếu úy đương nhiên thực thụ vào tháng Giêng và quyết
định từ Tổng Tham Mưu về từ tháng Hai.
Tháng
Ba, nghĩa là gần một năm thư từ với nhau, nhưng tôi vẫn
chưa bao giờ gặp người nữ sinh đó, người có can đảm
viết thư trước cho tôi. Cô nói trong thư là cô tình cờ thấy
tôi đâu đó trên phố, rồi nhìn phù hiệu mà cô biết được
Đơn vị và dĩ nhiên biết được KBC không khó. Trong thư trước
đó, cô cho biết cô 16 tuổi, học lớp 9 Nữ Trung Học Châu
Đốc, ngôi trường rất gần nơi tôi đi, về ở thị xả.
Trong
thư tôi vẫn gọi cô là Nhỏ, xưng tôi. Nếu tôi muốn biết
cô là ai, chỉ việc vào thẳng nhà cô, cũng rất gần nhà
một người bạn tôi, nhưng tôi muốn để dịp đó hoàn toàn
cho một tình cờ đưa đẩy.
Tôi
vẫn đi về cái thành phố thị xã nhỏ bé hiền hoà đáng
yêu đó không như một khách lạ, cũng không như một khách
quen, từ gần 2 năm rồi. Vẫn nhìn chiếc bấc qua lại sông
Tiền Giang đưa người qua Tân Châu, Hồng Ngự. Vẫn nhìn cảnh
rộn rịp ghe thuyền trên bến sông với tình cảm đậm đà
dành cho cư dân miền sông nước. Nhưng tôi không tìm đến
em.
"Thành
phố đó tôi đi về bao bận
Nhìn
Tiền Giang ngày nước lớn nước ròng
Nhưng
chinh chiến mấy ai tròn ước hẹn
Em
bao giờ mới hiểu được tình sông?"
Có bao
giờ em hiểu được, như con sông đi mãi không về, thì tình
trong thời chinh chiến tự ngàn xưa đã cổ lai chinh chiến
kỹ nhân hồi.
Hoàng
Định Nam
|