Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Một kiến trúc độc đáo
Ngôi nhà 100 cột ở Long An

Hồ Đắc Duy

Từ quán nước của chị ba Cọp nằm sâu trong ấp , người phụ nữ có cái tên khá lạ tai đã chỉ cho tôi lối vào khu di tích văn hóa lịch sử quốc gia : Ngôi nhà có 100 cột.

Từ con đường làng đất đỏ , trước mặt một cái chợ nhỏ , một lối mòn mới được bê-tông hóa ngoằn ngoèo vừa đủ cho một chiếc xe Honda chạy , khó khăn lắm tôi mới đến được cổng trước mặt tiền đường của ngôi nhà , đây là một ngôi nhà với một lối kiến trúc độc đáo không giống với bất cứ một ngôi nhà nào ở trong vùng đã tồn tại hơn 100 năm

Ngôi nhà tọa lạc trên một diện tích đất là 3222 m², gọi là khu vực tôn tạo, nằm trong một doi đất cù lao ngày xưa được mệnh danh là Long Hựu thôn, tổng Lộc Thành , tỉnh Chợ Lớn nay gọi là xã Long Hựu Đông , huyện Cần Đước tỉnh Long An
Chủ nhân ngôi nhà hiện tại là ông Trần văn Ngộ cựu hiệu trưởng trường tiểu học Long Hựu, là cháu nội của cụ Trần Văn Hoa, người thiết kế khai sinh ra ngôi nhà này. Bà Ngõ, vợ thầy hiệu trưởng là một bà giáo nhanh nhẩu vui tính và hiếu khách, đã dẫn tôi đi thăm khắp cùng ngôi nhà. Trưa hôm đó ở lại ăn cơm với gia đình thầy hiệu trưởng, tôi ngỏ ý là muốn viết về ngôi nhà độc đáo này và xin hẹn tháng sau tôi sẽ trở lại sau khi tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu liên quan di tích này.

Từ ngã ba Bình Chánh, hướng đông, có một lối đi về Tân Lân - thị trấn Cần Đước, sau khi qua khu vực thị tứ, còn cách bến phà Mỹ Lợi khoảng 3 cây số bên trái, có một con lộ đất đỏ thẳng tắp chạy dài đến bến phà Kinh Nước Mặn
Ngôi nhà có 100 cột cách bến phà đúng 13 cây số. Kinh Nước Mặn là một thủy lộ rất quan trọng của vùng này, ghe thuyền đi lại tấp nập, phần nhiều là xà lan chở cát và chở container hàng hóa...

Tôi đến ngôi nhà 100 cột lần thứ hai vào lúc 10 giờ sáng. Từ đầu ngõ đi vào, một bảng ghi đây là khu di tích xiêu vẹo với những nét chữ ố màu thời gian. Nhà có 160 ột với diện tích 882 m² ( 21m x 42m ) được khởi công xây dựng từ 1898 và hoàn tất năm 1903 trong đó 2 năm để xây nền móng và 3 năm để chạm trổ trang trí hoa văn nội thất do một nhóm gồm có 17 nghệ nhân , đa số thuộc làng Mỹ Xuyên được chủ nhân mời từ kinh đô Huế vào. Họ phải mất gần một tháng mới tới được nơi, có lúc thì theo đường bộ, có khi thì dùng ghe bầu. Ngoài hành lý thì dụng cụ, đồ nghề mang theo là cả một vấn đề đối với nhóm nghệ nhân này. Nghe nói là ông Trần Văn Hoa phải đích thân ra tận Huế để bàn bạc với các nghệ nhân về thiết kế bản vẽ, vật liệu xây dựng và thời gian thi công. Ông Hoa phải ở lại Huế ròng rã hơn nửa năm để nghiên cứu các ngôi nhà rường, các kiến trúc bằng gỗ, hoa văn, chạm trổ ... có tính cách dân dụng.

Mẫu thiết kế là ưu tư hàng đầu của ông và nhóm nghệ nhân Huế vì nó phải thể hiện được cái triết lý đông phương âm dương, phong thủy. Lại vừa phải lồng ghép tính chất địa phương rất đa dạng của Nam bộ vào trong kiến trúc ngôi nhà, để tạo ra một dáng vẻ độc đáo, một tác phẩm nghệ thuật đương đại của vùng này.

Là một phú hộ ,là thành viên của Hội đồng Quản hạt vùng Chợ Lớn và cũng là một hương sư của làng Long Hựu và với đam mê của một người nghệ sĩ, ông Hoa đã dành ra một số tiền rất lớn đối với một cá nhân để xây dựng nên ngôi nhà này. Điều mà ít người có thể làm được, chỉ có những công trình kiến trúc đình chùa miếu mạo có sự góp công góp của của nhiều người mới thực hiện nổi.

Nỗi đam mê đó được 17 nghệ nhân Huế hưởng ứng nồng nhiệt. Họ giã từ kinh đô khăn gói lên đường vào Nam, bỏ lại sau lưng vợ con, bạn hữu, công việc ... Ròng rã hơn ba năm công việc mới hoàn tất, họ trở về quê hương. Trong lúc đó, có người thì cha mẹ đã qua đời, con cái có người đã thành gia thất. Nhưng họ đã để lại cho Long Hựu thôn một kiệt tác về lối kiến trúc nhà dân dụng điển hình và hôm nay ngôi nhà đã trở thành một di tích lịch sử văn hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long , một tài sản văn hóa của cư dân Cần Đước - Long An.

Nhà 100 cột , măt tiền hướng tây bắc là một kiến trúc điêu khắc mang đậm nét phong cách kiểu nhà rường Huế ở Long An còn tồn tại, giữ gần như nguyên vẹn cho đến hôm nay.

Nhà được xây dựng với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ như cẩm lai, mun, gỗ đỏ ... mái lợp ngói âm dương đại - tiểu có 3 lớp , lóp trong cùng bắng ngói trắng có tính cách nhiệt tác dụng như một trần nhà nên dù bên ngoài nắng nóng mà trong nhà vẫn mát rượi .  Nền nhà cao khoảng 0,9m bằng đá , nền lát gạch tàu hình lục giác ,  chính diện có 3 bậc cấp đi vào nhà , bậc cấp chính nằm giữa có 6 bậc tượng trưng cho sinh lão bệnh tử sinh lão dùng cho bậc trưởng thượng hay gia chủ đi vào , còn bậc cấp 2 bên chỉ có 5 bậc tượng trưng cho sinh lão bệnh tử sinh dùng cho hàng con cháu

Kết cấu của toàn bộ ngôi nhà gồm có : ngôi nhà chính có 3 gian 6 chái, phần trước là được thiết kế kiểu " ngoại khách nội tự " nghĩa là phía ngoài cùng là phòng khách , phía sau là nơi thờ tự . Phần sau và các chái để ở và sinh hoạt , phòng ăn nhà bếp  , sân sau diện tích 100 m2 nằm gọn trong tòa nhà phía sau có 2 dãy lu chứa nước

Ngôi nhà phụ , phần trước là lẫm lúa . phần sau là nhà ở của gia nhân và nhà kho

Nhà 100 cột có lối kiến trúc kiểu xuyên trính ( còn gọi là nhà dâm trính , nhà chày cối , nhà rường ...) các bộ phận kết cấu chính như trính, trống đều chạy chỉ , uốn cong kiểu nhà rường  Huế , nơi giao nhau giữa trính và trống dể đở đòn dong nóc nhà được biểu tượng bằng hình chày cối kiểu thức của một Linga-Youni

Quan sát bản vẽ của Trung tâm thiết kế và Tu bổ di tích ở mặt cắt A-A và B-B, mới thấy được cái tài hoa độc đáo về thiết kế bên trong của ngôi nhà. Còn trên sơ đồ mặt bằng, sẽ biết được vị trí của 100 cột và mới thấy cái cao cường uyên thâm của các nghệ nhân, khi tính toán cách phân bố lực chịu trên mỗi cột của dàn mái ngói , 8 vỉ kèo của ngôi nhà chính và 18 vỉ kèo của các chái , rui thật khoa học ... Đây là một kiểu nhà truyền thống phổ biến và ưu điểm là bộ khung nhà rất chắc chắn điển hình cho lối kiến trúc nhà ở của những lớp người giàu có, phú hộ vùng Nam bộ vào cuối thế kỷ XIX.

Ngôi nhà có 3 gian (xem sơ đồ mặt bằng), gian giữa và 2 gian trái phải, thiết kế gồm có 3 phần : trước, giữa, sau.

- Phần trước làm chỗ tiếp khách và làm việc: phía trước hai bên có hai bàn quay, sau là bàn dài âm bên trái, bàn dài dương bên phải, ở giữa là trường kỷ chạm điển tích nho sóc.

- Phần giữa là nơi thờ tự; bên trái bàn thờ bằng gỗ mun thờ ông Trần văn Hoa, bên phải thờ con ông Hoa và giữa thờ ông bà thân sinh. Bàn thờ bằng gỗ lim.

- Phần sau là phòng ngủ

Phòng khách và nơi thờ tự được ngăn với nhau bởi những ván gỗ khắc chạm. Có thể xem đó là toàn bộ công trình nghệ thuật. Ở đó, liễn, đối, hoành, phi ... được khắc họa với những nội dung cực kỳ phong phú, các đề tài được lấy ra trong Khổng Giáo, Phật giáo, truyền thống văn hóa đạo đức của dân tộc, cảnh đẹp thiên nhiên, sự vận động của đất trời. Những lời khuyên dặn về đạo đức cách sống của con người đã được phát họa qua nghệ thuật khắc chạm, kiến trúc của các nghệ nhân. Nó được thể hiện bởi trình độ thượng thừa của các nghệ nhân từ bố cục, đề tài, xử lý vấn đề kỹ thuật cũng như cách trình bày đa dạng, sinh động và độc đáo.
Sự sáng tạo nhiều kiểu thức của nghệ thuật trang trí từ cặp lồng đèn kéo quân cho đến bộ salon hình thúng. Ngoài những "mô-típ" cổ điễn, các yếu tố Nam bộ cũng được lồng ghép một cách khéo léo nằm bên cạnh các đồ án phương tây được chạm khắc với nhiều kỹ thuật như chạm lộng, chạm nỗi, chạm bong hênh...với các thủ pháp kỹ xảo điêu luyện.

Ở giữa có bức hoành với dòng: "Sơn trang cổ tận", hai bên là: Thiện tối lạc. Hàng cột bên trái bức liễn "Hướng sơn, y thắng cuộc; bên trái " Phi điểu, khảo tráng kỳ quan", hàng cột bên phải: "Thiên địa náo trường xuân; Mậu trúc mai thanh khai hảo cảnh" tranh Mai - Điểu... Những hình ảnh hoa trái, con vật ... tượng trưng cho sự may mắn, an lành, phú quý, hạnh phúc như Mai, Lan, Cúc, Trúc .... Phước, Lộc, Thọ như dơi, ngũ quả, nai, tùng, các loại trái cây ở Nam Bộ như: bình bát, măng cụt, khế ngọt, chuối sứ, mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài ...

Trên các vỉ kèo đều được chạm trổ rất tinh xảo công phu như đầu rồng , chim phượng , vân hóa long , lưỡng long hồi thủ...
Những vật dụng như : bàn thờ, ghế nghi, trường kỷ, bàn quay, ghế tròn quay, tủ, ván, giá áo, gương soi, lồng ấp bình nước ... đều được chạm khắc, chạy chỉ sắp xếp theo ngũ hành âm dương.

Những vật dụng sinh hoạt cá nhân mang màu sắc phương tây như thau chậu, lavabo rửa mặt, nhà vệ sinh, két sắt, ghế xích đu, giường tủ , chén bát mà nơi sản xuát là các hảng danh tiếng ở Trung Quốc , Nhật Bản...

Dụng cụ nhà bếp như tủ garde-manger, chén bát nồi niêu, soong chảo, rế kiền, bếp núc, cối xay bột bằng đá thanh, giếng nước, lu khạp chứa nước, lẫm lúa là những vật dụng đa số được sản xuất tại địa phương.

Ngôi nhà 100 cột là một tác phẩm kiến trúc độc đáo kiểu nhà rường của Huế mang sắc thái Nam Bộ.

Thiết kế hoa văn, trang trí mang đậm tư tưởng Nho giáo - Phật giáo và truyền thống đạo lý dân tộc và tính cách của địa phương, thể hiện qua nét khắc gỗ các trái cây đặt sản của vùng sông nước phương Nam "Cầu vừa đủ xài"

Và cũng để nhắc nhở cho hậu thế về một nghệ thuật khắc họa trên gỗ độc đáo mà chỉ có những nghệ nhân thuộc vào bậc danh sư, tay nghề thuộc loại thượng thừa mới có thể thực hiện được qua các kỷ thuật chạm lộng , chạm nổi , chạm bong kênh, chạm nổi trên nền chạm lộng... Các tác phẩm điêu khác trong ngôi nhà 100 cột ở Long Hựu thôn là thực hiện "điêu khắc trên không" nghĩa là các nghệ nhân phải đeo tòng teng lên mái nhà hoặc đứng trên thang để khắc chạm, chứ không phải ngồi ở dưới đất chạm khắc để lắp ghép như bây giờ. Dấu chỉ mà chủ nhân và các nghệ nhân để lại cho con cháu mai sau là một câu đố nằm ở hai đầu kèo gian sau bên phải.

Cái thú của khách đi tham quan là phải giải cho ra câu đố, đó là cái nét độc đáo có một không hai của ngôi nhà 100 cột này.
Thật đáng buồn là ngôi nhà 100 cột, một di tích văn hóa lịch sử quốc gia với những nét độc đáo hiếm thấy, nó gần bị lãng quên mặc dù đã được tu sửa một lần, hiện nay xuống cấp trầm trọng bởi sự tàn phá của thời gian và mối mọt, đang có nguy cơ có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào, nhất là dãy phía sau vách tường đã rạn nứt, cột kèo xiêu vẹo.Một phần của ngôi nhà đã bị phá hủy mà thực tế hiện nay ngôi nhà phụ và lẫm lúa đã không còn từ hơn nửa thế kỷ trước

Xin hãy giữ gìn, tôn tạo trước khi các cột chống đỡ èo uột, nhếch nhác, tạm bợ sụp gãy như hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được trong bài này.

Hồ Đắc Duy
Chủ nhân căn nhà đang cần sự giúp đỡ để duy tu
Mọi liên lạc xin gởi về :
Ông Trần văn Ngộ
Xã Long Hựu Đông
Huyện Cần Đước - Tỉnh Long An
ĐT : 072 884 405



 [  Trở Về  ]