Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
LÚA CÂU, MỘT GIỐNG LÚA KỲ DIỆU
TRONG SÁCH CỔ VIỆT NAM
___________BS Hồ Đắc Duy
Gần cuối năm 2009 sẽ có một festival Lúa Gạo Việt Nam được tổ chức từ ngày 26 đến 30 tháng 11 tại thị xã Vị Thanh tỉnh Hậu Giang. Mục đích của festival là xây dựng thương hiệu Lúa Gạo Việt Nam và tôn vinh nền văn minh lúa nước.Nhân dịp này chúng tôi muốn nói đến một giống lúa đặc biệt có ở vùng Thừa Thiên Huế.
Trong bộ sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, quyển 2 phần Phủ Thừa Thiên trong đoạn viết về Thổ Sản-Loại Cốc có đề cập đến một giống lúa, nó có tên gọi là lúa Câu, một giống lúa mà thời gian từ khi gieo cấy đến khi gặt hái là cực kỳ ngắn chỉ trong 40 ngày.
Chúng tôi tra cứu trong các tài liệu của Viện nghiên cứu lúa gạo thế giới (IRRI) có trụ sở đặt ờ Phi Luật Tân từ năm 1960. Các tài liệu mà họ phát trên internet có một thông báo cho biết:
Tại Ấn Độ có loại lúa OMCS1 (CR 666-36-9) có thời gian sinh trưởng từ 60-66 ngày và tại VN, Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Đồng Bằng Sông Cửu Long có giới thiệu một giống lúa OMCS6 có thời gian sinh trưởng từ 65-75 ngày. Đó là giống lúa ngắn ngày nhất trên thế giới mà chúng tôi tìm thấy được.
Giống Nguồn gốc Thời gian sinh trưởng (ngày) OMCS 7 Vietnam 75-80 OMCS 6 Vietnam 65-70 OMCS 5 CR 666-78 (Ấn Độ) 62-74 OMCS 2 CR 666-36-4(Ấn Độ) 62-68 OMCS 4 CR 666-77 (Ấn Độ) 65-71 OMCS 1 CR 666-36-9 (Ấn Độ) 60-66 OMCS 3 CR 666-63 (Ấn Độ) 65-70 Các giống lúa ngắn ngày và các vụ lúa ngắn ngày sẽ trở thành mục tiêu của ngành nông nghiệp phát triển của nước ta.
Để bền vững và ổn định thì những nhà hoạch định chính sách nông nghiệp cần có kế hoạch lâu dài song song với nhập khẩu lúa giống của Trung Quốc hay các nước khác cho đến khi chúng ta có thể tự túc được.Cần nghiên cứu các giống lúa ngắn ngày, lai tạo với các giống lúa cao sản mới có nhiều ưu điểm: ngon thơm hợp khẩu vị của nhiều loại sắc dân bởi tính chất dẻo, xốp, nở cơm hay không, tính khó lên men thiu thối của cơm, cháo hay bột, cơm để lâu vẫn mềm, tính kháng sâu rầy cao, chịu hạn hán, dễ trồng, năng suất cao... để làm thóc giống cho nông dân sản xuất,
Cần phải thiết kế một chương trình các vụ lúa ngắn ngày trong năm cho từng vùng thổ nhưỡng, địa dư ở miền Bắc (Tây Bắc, Trung Du, Đông Bắc) miền Trung, miền Nam và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long).Lúa ngắn ngày và các vụ lúa ngắn ngày đặc biệt là các giống lúa có thời gian sinh trưởng chỉ hơn một đến hai tháng có lợi điểm là tránh được ảnh hưởng các điều kiện bất lợi của thiên nhiên, môi trường như thời tiết, các mùa, giao mùa... như ngập lụt, hạn hán, ngập mặn, rét đậm, nắng nóng, kiệt nước, khô cằn, trũng, ngập nước, đầm lầy...
Các vụ lúa ngắn ngày, đặc biệt là các vụ cực ngắn ngày dưới 2 tháng sẽ có ý nghĩa chiến lược khi gieo trồng vì nông dân sẽ lựa chọn được thời điểm gieo cấy ít bị đe dọa bởi các điều kiện của thiên nhiên như nắng, gió, sương, mưa rào, bão, lũ, triều cường...
Trong sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quí Đôn cho biết lúa đạo hay đồ là tên thông dụng của lúa canh lúa nọa. Lúa canh là thứ gạo người ta thường ăn. Lúa nọa là nếp.
Ruộng nước ta thì có 2 thứ: Ruộng mùa thu gọi là ruộng mùa, ruộng mùa hạ gọi là ruộng Chiêm (hạ điền).
Lúa Canh thích hợp với ruộng Chiêm có 8 loại như :
Lúa Sài Đường: cây mềm yếu, hột lúa màu đỏ thân dài, hai đầu nhọn, vỏ dày, hột gạo màu trắng, chín sớm, nấu cơm dẻo.
Lúa Bồ Lộ: Cây lúa cứng mọc thẳng, hột lúa màu trắng, thân nhỏ tròn, vỏ mỏng, hột gạo có 2 màu đỏ trắng, chín không sớm mà cũng chẳng muộn, cơm cứng.
Lúa Thạch rất dễ sống, trồng nơi nào cũng được, cây cao thẳng, bông chia ra mấy gié, chín muộn, hột gạo trắng, rất nhiều nhựa, mềm dẻo, giã và xay bột được.
5 giống lúa Chiêm: Chiêm Di, Dự cơm mềm dẻo
Loại Chiêm Hoàng cơm cứng, Chiêm Bảo cấy ở ruộng thấp nhiều nước, Chiêm Hâm...
Lúa Canh thích hợp với ruộng mùa gồm có 23 giống như:
Lúa Bát Xuân, lúa Thông gồm có: lúa Ô Canh và Sùng Canh, gạo có 2 loại màu trắng và tím.
Lúa Bảo Thế, Từ Bồn, Bát Ải, Bát Lại, Bát Sinh, Bát Tu, Lúa tẻ chín sớm, cây và gạo đều có mùi thơm, lúa Hiên, lúa Tam nguyệt ở Nghệ An.
Lúa Điền kê (lúa Ếch) trồng vụ chiêm, vụ mùa đều đươc, trồng tháng 4 gặt tháng 7, hột lúa dài, hột gạo trắng, nhỏ... có mùi thơm, vị hậu.
Lúa Mộ trồng vùng đất núi như Thái Nguyên, canh tác bằng cách phá rừng, đốt cây lấy tro bón ruộng... trồng tháng 2, gặt tháng 6...
Ông còn ghi chép cẩn thận chi tiết các giống lúa Chiêm Thành, cũng như các giống lúa lai tạo của Chiêm Thành và nước ta.
Về các giống lúa ngắn ngày nếu ta so sánh với các giống lúa ở Ấn Độ có thời gian sinh trưởng từ 60 đến 70 ngày thì ông đã chép như sau:
Lúa Thiền Minh chỉ có 63 ngày là có thể thu hoạch; lúa Tiển Tử loại hột nhỏ chỉ trồng 60 ngày, phần lớn là giống của nước Chiêm Thành.
Ở Thái bình có giống lúa Tiên chỉ trồng trong 60 ngày gọi là Lúa Đà Lê Kiếm, lúa Xích Hồng tiên, Bát Nguyệt Tiên đều là các giống ngắn ngày, Lúa Tuyết Lý Đống, lúa Lăng (Quảng Trị) cũng là lúa 60 ngày.
Riêng giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn thì được sách Đại Nam Nhất Thống Chí trang 256 ghi như sau: Lúa câu thân ngắn, bông nhỏ, gạo rất đỏ, ưa ruộng cao, từ lúc cấy đến lúc chín chỉ 40 ngày, cơm rắn.
Sách có ghi chú rằng phàm vật nào (giống lúa) đã chép đầy đủ trong Thừa Thiên Chí mà các nơi khác cũng có, thì không chép lại ở các tỉnh chí nữa, duy tỉnh nào có thổ sản đặc thù hoặc nhiều đặc biệt, hoặc sung lệ cống, lệ thuế thì mới chép.
Lúa có nhiều hình dáng và đặc tính: có hạt lúa dài hay tròn, dẹp hay thon, nhọn đầu hay không, có râu hay không, có lông hay không, sắc của hạt thóc có đủ các loại màu sắc từ màu vàng, vàng đậm, nâu, có vân như lúa Chày Chày hay không, có râu như lúa Bát râu hay không, tím, đen như lúa Ô tiền đạo, trắng như lúa Bạch đạo...
Gạo có loại trắng, vàng mơ hay từ đỏ nhạt sang đỏ đậm như Huyết rồng hay Gạo nếp than hay gạo có 2 màu như Gạo Bồ lộ ...cơm, cháo hay bột nấu ra có loại gạo mùi thơm như hoa lài như dứa, vị thì có loại mặn, ngọt, bùi... và màu sắc cũng rất đa dạng.
Lúa câu với một đặc tính hiếm có mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người, các nhà khoa học đã lại tạo được một trong giống mới là “gạo aerobic” (lúa khí trời) vì nó cần rất ít nước tưới và một loại khác là “gạo dream” (lúa mơ) với giống lúa này hy vọng cung cấp người ăn nhiều dưỡng chất hơn thì với đặc tính siêu ngắn ngày "Từ cấy đến gặt" là 40 ngày của lúa câu. Tính siêu ngắn ngày sẽ là một biện phát giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp mà thế gới đang gặp phải, tình trạng diện tích đất dùng cho nông nghiệp bị thu hẹp lại do công nghiệp hóa, đô thị hóa...
Nếu tri thức khoa học và những tiến bộ của khoa học sinh học phân tử, thông tin sinh học... các nhà nghiên cứu về nông nghiệp về giống lúa câu này hy vọng sẽ làm thay đổi tình hình sản xuất lương thực của thế giới trong một tương lai không xa.
BS Hồ Đắc Duy
[ Trở Về ]