Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về   ]            [ Trang chủ ]              [ Tác giả ]
Nhớ lắm những mùa trăng

Hai Hùng SG

Tôi viết lên câu chuyện không đầu không đuôi này nhằm ôn lại những gì nó đã dần dà mất đi, nó sẽ không còn hiện diện trong đời sống của mình nữa rồi, do lối sống thời nay đã khác xưa nhiều lắm, ruộng vườn dần lùi bước, nhường đất lại cho những phố sá mọc lên như nấm sau mưa, những hình ảnh đẹp như tranh trong những đêm trăng sáng vằng vặc trên bầu trời đâu còn ai thưởng lãm nữa, ánh đèn đô thị đã khiến trăng già hờn tủi lạnh lùng soi sáng trong đêm...

Tôi không dám cả quyết những người ở độ tuổi năm sáu mươi trở lên họ đều được nghe qua ít nhất một lần trong đời bài vọng cổ Gánh nước đêm trăng do soạn giả Viễn Châu viết và do đệ nhất danh ca Út Trà Ôn cất tiếng vô lối bài vọng cổ này:

- Sương thu lạnh bao trùm khắp nẻo. Trăng đêm nay vằng vặc cả không gian. Tôi với em ra gánh nước cạnh đầu làng, mùi cỏ dại mơ màng bên sóng nước...

Một hình ảnh thật thanh bình trên quê hương, một đêm trăng tỏ... Tôi cũng đã từng gánh nước đêm trăng, nay thuật lại để mọi người nhớ lại ngày ấy quê hương mình một thuở đẹp như các câu chuyện cổ tích...

Dạo ấy thập niên sáu mươi, xóm làng tôi cũng như bao xóm làng khác ở miền nam mình, hình bóng cái giếng nước nơi cung cấp nguồn sống cho cả xóm được nằm một nơi cao ráo, tránh xa các nơi ô uế và được mọi người trong thôn xóm cùng nhau giữ gìn cẩn thận, bất cứ hành động nào làm ảnh hưởng. Xấu đến cái giếng nước đều bị bà con trong xóm cực lực lên án chẳng hạn như xả rác gần đấy, đổ nước thải gần giếng cũng là điều cấm kỵ nhất là cấm không để gia súc léo hánh đến gần giếng, cái lệ của xóm tôi ngày xưa ai mà để cho gà vịt chó mèo nhà mình rơi xuống giếng thì phải thân chinh trục vớt lên và bị lối xóm lên án rầy rà nghe mà muốn "xẩu mình", vì lẽ trên mà cái giếng trong làng quanh năm được giữ gìn sạch sẽ cho nguồn nuớc tuơi mát ngọt lịm, những buổi trưa hè thuở ấy khi đi học về khát nước cháy khô cổ họng, chúng tôi sà vào ngay khi cái gàu nước được bà con quay lên và đỗ vào thùng thì chúng tôi lấy hai tay bụm lại múc nước uống ngay tại chổ, vậy đó chỉ có vài bụm nước giếng này thôi khi nuốt ực qua khỏi cổ họng chúng tôi sung sướng như nuốt cả bầu trời quê hương vào trong dạ...

* * *

Tưởng cũng nên tả sơ qua kết cấu hình dáng và vật liệu của cái giếng ngày xưa, thường thì khi lập làng lập xóm các bô lão hay cúng kiếng để tìm cuộc đất tốt, nơi cao ráo có mạch nước ngầm trong veo nằm bên dưới, Ông Chín Mẫm một người lực lưỡng, rồi ông Năm Đen, ông Tư Diệu và ba tôi được chỉ định là những người đào giếng tìm nguồn nước ăn cho cả xóm, không khí buổi đầu tiên ấy nó còn ghi mãi ấn tượng trong tâm trí tôi.

Sáng hôm ấy, khi bộ (Tam sên) gồm con tôm càng xanh luộc chín đỏ ối nằm cạnh miếng thịt heo ba rọi luộc chín, và cái trứng vịt lạt luộc chín, thêm dĩa trái cây đủ loại, nhang đèn cộng thêm con gà tréo cánh luộc chín vàng ươm được bày lên bàn cúng để cầu xin thổ thần cho phép dân làng được động thổ, ông Bốn người được tôn kính nhất xóm, râu tóc bạc phơ dáng người phương phi đạo mạo, ông mặc bộ áo dài khăn đóng trịnh trọng đốt nhang khấn vái , khi mấy nén nhang cháy vơi đi gần quá phân nửa thì ông vội nói như ra lệnh:

- Nè mấy chú em, hôm nay tế cáo trời đất, thổ công thành hoàng, khi xin keo thì được ông bà chấp thuận cho xóm mình đào giếng nơi đây, bây giờ mấy chú cùng nhau đào để có cái giếng riêng cho xóm mình xài, khỏi phải đi xa nhờ cậy giếng của xóm trên nhé.

Chú Năm Đen là người nhanh nhẩu đáp lời ông Bốn:

- Dạ tụi cháu sẽ cố gắng hoàn thành công việc sớm nhất để bà con mình đỡ vất vả.

Thế là công việc đào cái giếng cho xóm tôi được bắt đầu, cứ người nào mệt thì đổi người khác đào, cứ như vậy sang ngày thứ ba khi chiều xuống thì ông Chín Mẫm thét lên ầm ĩ dưới đáy giếng khiến cả đám người phía bên trên miệng giếng cũng mừng vui khôn xiết:

- Có nước... Có nước.. r..ồ..i bà con mình ơi..

Qua ánh đèn pile của ba tôi rọi xuống, ánh sáng lờ mờ chạm tới đáy giếng tôi thấy nước ngầm trong giếng tuôn ra, bà con hò reo vui sướng, đánh dấu kể từ nay không còn cảnh chầu chực ở giếng của xóm trên nữa rồi.

Qua hôm sau, người thì vét giếng cho sạch bùn đất, người thì xây miệng giếng, xây trụ, người thì đi đặt làm tay quay, không khí làm việc thật vui, khi ông Bốn đích thân đặt tay quay lên hai cái trụ được gắn chặt vào cái cặp bạc đạn, rồi được giữ chặt vào cái trụ bằng những con bu loong to tướng, cái trục quay được làm bằng lõi gỗ cây mít già, sợi dây thừng dài ngoằng được bện bằng sơ dừa thật chắc, chính tay ông Bốn là người cột cái gàu bằng tre có trét dầu hắc (hắc ín) vào dợi dây thừng, và ông là người đầu tiên thả cái gàu xuống giếng, quay gàu nước đầu tiên từ giếng lên, ông chia đều gàu nước này cho mọi gia đình trong xóm ngầm nhắc nhở mọi gia đình cùng nhau sinh sống hòa thuận có phước cùng chia, có họa cùng chịu...

Nhà tôi cách cái giếng trong xóm cũng không xa mà cũng không gần, khi có cái giếng này mấy anh em trong nhà tôi tự mhiên ai nấy cũng siêng năng đi xách nước cho gia đình, bù lại trước đây cái giếng cũ quá xa nên anh em có phần sanh nạnh, hơn nữa cái giếng mới này là nơi trai gái trong xóm hò hẹn, thấy các anh chị lớn tuổi trong xóm cùng nhau gánh nước những đêm trăng sáng, họ bày trò hò vè đối đáp với nhau họ nói, cười đùa vui vẻ thì trong lòng tôi cũng rộn rã vui theo.

Rồi thì xóm làng ngày càng nhiều người nơi khác về đây tá túc, chen chút nhau gánh nước nơi cái giếng ngày nào giờ đây trở nên quá chật chội, ông Bốn lại phải tìm nơi lập thêm một cái giếng thứ hai để bà con bớt nhọc nhằn, từ khi có cái giếng thứ hai này chúng tôi cùng nhau tranh đua thi nhau xách nước thật vui...

* * *

Ngày tháng trôi qua ,cuộc sống bình yên của cư dân xóm chúng tôi thêm phần ấm cúm, rồi thì cái đám con trẻ chúng tôi cũng bước qua cái tuổi dậy thì, ngoài giờ học hành ở nhà, ở trường, trong tâm hồn chúng tôi lại bắt đầu nhen nhúm những tình cảm vụng dại của tuổi trẻ, còn nhớ một buổi chiều nọ khi mấy cái lu nước trong nhà đã cạn dần mà Anh Thọ người anh lớn trong nhà tôi đi học chưa về, sợ đêm hôm mà trong nhà không còn giọt nước thì khổ sở vô cùng nên má tôi lên tiếng bảo:

- Thằng Phước, thằng Phương đâu, hai đứa ra giếng xách đỡ vài đôi nước về nhà có cái mà xài coi con. Sao anh Thọ bây học hành gì giờ này chưa về.

Hai anh em tôi dạ rân một tiếng,tôi đi vội xuống nhà sau lấy cặp thùng thiếc loại thùng này ngày xưa các hảng Esso, shell dùng để chứa 20 lít dầu hõa, sau khi các tiệm tạp hóa bán hết số dầu bên trong cho bà con thắp đèn dầu, còn cái thùng này họ bán lại cho các gia đình trong xóm dùng để làm thùng xách nước, trước khi xài phải dùng xà bông rửa cho thật sạch, nhà nào chơi sang một chút thì sơn lên cái thùng những lớp sơn dầu tùy theo màu mình thích, nhà nghèo thì nấu dầu hắc chảy ra rồi tranh thủ sơn lên một hai lớp mỏng để giữ cho thùng khỏi bị rỉ sét, cái cán thùng thì nhiều chuyện để nói, có người dùng cây gỗ dầu bốn phân vuông cắt ra vừa với miệng thùng thiếc. Có người sợ dùng cây dầu vuông, khi xách nước rất đau tay, họ lấy cái bào của thợ mộc chuốc bớt cạnh cây gỗ, có khi họ dùng cây tầm vông làm cán thùng, rồi hai đầu cán thùng trước khi đóng đinh có người dùng cái nắp khoén chai larue đập cho thẳng ra làm miếng đệm phía bên ngoài cán thùng rồi đóng đinh vào, mục đích để tránh cho cán thùng sút ra bất tử, có nhà thì dùng ruột cao su xe hơi đệm phía bên ngoài thay cho cái nắp khoén kia, vì loại thùng này bằng thiếc rất mỏng nên cái đáy thùng thường hay bị xì nước, lại phải dùng vải vụn lót phía dưới cộng thêm lớp dầu Trai trét ghe chống sét thật hữu hiệu.

Hai anh em tôi ra đến cái giếng thì trăng cũng đã treo trên đầu ngọn tre ở đầu làng rồi, lúc này thì con Thanh, con Thảo cũng đang quảy đôi thùng nước đến bên giếng, thấy hai anh em tôi chuẩn bị cột cái gàu vào sợi dây thì con Thanh nó lên tiếng trước:

- Ê ... Ê cái anh kia, tụi tui tới trước tụi tui quay trước mới phải chứ.

Nghe con nhỏ Thanh nói theo kiểu tranh giành, tôi cãi lại liền:

- Cái gì, đâu Thanh nói lại xem ,có nói lộn thì nói lại đi , anh em tui tới đây trước mà.

Con Thanh nó dùng chiêu mỹ nhân kế cộng thêm chiêu đánh động vào cái tính ga lăng của con trai, Thanh nói tiếp:

- Cái ông này, tui thấy ông cũng đẹp trai, tui thử coi ông có biết nhường nhịn phái yếu không, vậy mà cũng không hiểu nữa, chớ ai thèm giành giật cho mệt , trước sau gì cũng có nước gánh về nhà thôi, đúng không?

Trong bụng tôi thầm nghỉ:

- Cái con Thanh này, hồi nào còn con nít trân hà, vậy mà bây giờ nó ăn nói chững chạc ghê hé.

Nghe cô Nàng nói vậy, trong lòng tôi cảm thấy vui vui, rồi tôi nói với nhỏ Thanh:

- Mình cũng giỡn chơi một chút mà Thanh không biết hả, ai nỡ lòng nào chèn ép mấy tiểu thơ bao giờ. Để cặp thùng xuống đi mình quay nước lên dùm cho , chịu hông cô Nương.

Qua ánh sáng của cô Hằng Nga đang soi rọi xuống trần gian, tôi lén nhìn đôi mắt thật đẹp của con Thanh, bất chợt Thanh hỏi một câu làm tôi muốn độn thổ:

- Gì mà nhìn tui chầm chầm vậy ông Phương?

Lúng ta lúng túng như kẻ cắp bị bắt quả tang, nhưng tôi cố trấn tỉnh tìm cách nói trớ đi:

- Thấy con gì đen đen tưởng con muỗi đậu trên má của Thanh, mình định nói cho Thanh biết chớ có dòm ngó gì đâu.

Con Thảo tự nảy giờ nó không thèm lên tiếng, nhưng nó đã âm thầm quan sát thái độ của tôi từ đầu đến giờ, dường như nó đã đọc được ý nghỉ trong đầu của tôi nên nó nói chen vào:

- Ư tui thấy hết trơn rồi nha, còn chối nữa hả, nhìn thì nhìn có gì đâu mà phải chối, đúng hông Thanh?.

Con Thảo vừa dứt lời , khiến tôi thật sự bối rối , trong bụng tôi nói thầm : " Cái con quỷ Thảo này ghê thiệt , vậy mà nó cũng nhìn ra ", nhưng tâm lý không để thua cuộc một cách đơn giản như thế , hơn nữa tôi đã được đọc qua cuốn sách nào đó mà anh Thọ tôi làm quyển sách gối đầu giường, trong đó có đoạn tác giả khuyên ta đại ý như sau:

"Trong bất cứ công việc nào, biết có thể ta sẽ thua, nhưng cho dù còn lại một phút, bạn vẫn phải hô hào mình đang chiến thắng"

Tôi bèn áp dụng liền để đối đáp lại con Thảo nhằm đánh tan cái ý nghỉ mới manh nha hình thành trong nó, chớ không nó và con Thanh kết hợp lại chọc quê mình chắc tôi phải bỏ xứ ra đi chớ ở lại nơi này mắc cở vô cùng làm sao tôi chịu cho nổi:

- Nói rồi, nhìn đâu mà nhìn, Thảo đừng nói vậy Thanh hiểu lầm tội cho mình lắm, thôi đầy thùng nước rồi kìa ,gánh về liền đi để thím Năm chờ ở nhà.

Mải lo chống đỡ sự tấn công của đối phương, tôi đổ mấy gàu nước vào mấy cái thùng của Thanh và Thảo hồi nào không hay, đến khi nhìn kỹ lại thì do bị phân tâm nên tôi mới lầm lẫn như trên, mà cũng nhờ cái lầm lẫn vô tình này tôi lại chiếm được cảm tình của hai cô hàng xóm thật dễ thương, cảm động trước sự giúp đỡ cho mình. Thanh và Thảo lí nhí nói lời cảm ơn tôi, tôi ra vẻ anh hùng mã thượng vì sách thánh hiền ngày xưa có dạy "Thi ân bất cầu báo", tôi đáp lời:
- Có gì đâu mà phải cảm ơn hai cô nương ơi, đàn ông con trai phụ giúp cho những người tay yếu chân mềm là lẽ thường mà.

Hai nàng nguýt tôi một cái rồi tra cái đòn gánh vào và gánh đôi nước đi với dáng thật mềm mại, đợi hai nàng đi khuất tôi mới chợt nhớ công việc của mình chưa đâu vào đâu , nhìn thấy gương mặt ông anh tôi không được vui tôi cất tiếng hỏi:

- Có gì không mà em thấy hình như anh không vui thì phải.

Bây giờ đến lượt ông anh tôi hỏi tôi theo kiểu móc lò:

- Phương nè! Vậy chứ công anh quay nước mệt thấy mồ, em đổ cho hai con bé đó hết, giờ tính sao đây.

Nghe anh hỏi tôi mới chợt nhớ hai cô bé này cũng không tinh ý cho lắm. Phải chi họ nói lời cảm ơn anh tôi nữa thì đẹp biết bao , thì giờ này tôi đâu phải đối diện với cách bắt bí của anh , tôi đành phải trách móc hai cô nương này để vuốt giận anh mình :

- À hai con bé này tệ thiệt, có công lao của anh trong đó nữa, vậy mà mấy cô lại quên cám ơn anh.

Thấy anh cười cười tôi nói đùa thêm:

- Thôi em chia bớt ơn cho anh nè, còn cám em bán cho bà sáu Bi, để bả nuôi heo.

Nghe tôi nói chuyện tiếu lâm như vậy anh ôm bụng cười rồi nói một câu làm tôi mát ruột:

- Nói là nói vậy thôi chứ anh đâu có trách cứ gì em đâu, mà anh thấy nhỏ Thanh, nhỏ Thảo có cảm tình với em nhiều lắm đó.

* * *

Tôi còn nhớ, thuở trước ở hai cái giếng trong xóm ông Bốn cho mấy chú mấy bác trồng những cây lê kiu ma, chỉ có vài năm thôi những cây này đã cho bóng mát những buổi trưa hè, trong khi chờ đợi đến phiên mình quay nước, mấy anh chị em có chỗ núp nắng, từ đó cùng nhau kể cho nhau nghe đủ chuyện trên trời dưới đất, thậm chí khỏi cần đọc nhật trình thì mọi người đều biết được những tin tức, thời sự, hoặc tin xe cán chó, chó cán xe.

Có hôm mải mê kể chuyện cho nhau nghe nhiều anh chị quên chuyện nấu cơm nước ở nhà, đến trưa trờ trưa trật chồng con đi làm đi học về chưa có cơm bỏ vô bụng khiến họ cãi nhau ỏm tỏi. Vậy đó hôm sau khi đến lúc ra giếng gánh nước thì chuyện vẫn đâu vào đó, riết rồi chồng con cũng chán không thèm cãi vã chi cho mệt, họ để bụng đói ngủ một giấc dài đến khi thức dậy thì ăn vội vàng rồi tiếp tục công việc cho đến chiều tà.

* * *

Một đêm nọ khi ánh trăng rằm thượng nguơn đã lên cao, gió hiu hiu thổi, bầu trời trong veo ánh trăng sáng huyền hoặc. Anh Tôn một võ sĩ của trường phái Thiếu lâm Tự, anh tập họp bọn trẻ chúng tôi lại trong khoảnh sân nhà anh để anh dạy chúng tôi những thế võ căn bản nhằm phòng thân, cái không khí đêm ấy thật vui. Khi chúng tôi tề tựu đầy đủ trong sân nhà anh Tôn, trai có, gái có, chúng tôi xếp thành vòng tròn còn anh Tôn thì vào giữa vòng tròn để tiện bề chỉ dạy. Có hai đứa nói lầm thầm với nhau:

- Anh Tôn tự nhiên làm cục nhưn chi vậy trời.

- Mầy có bệnh không vậy, ảnh đứng giửa là phải đạo rồi, đứng bên ngoài thì làm sao mọi người thấy được, rồi làm sao mà dạy với dỗ.

Anh Tôn cho chúng tôi ngồi xếp bằng giống như cách ngồi tọa thiền của dức Phật Thích ca Mâu ni, mới được vài phút có đứa càm ràm:

- Chắc tao đi tu không xong rồi, ngồi kiểu này tê chân gần chết, học võ kiểu này mệt à nha tụi bây .

Anh Tôn ra hiệu cho mọi người yên lặng, anh chắp tay và lâm râm đọc câu gì đó thì thầm trong miệng, không gian yên ắng vô cùng, chừng một ít giây sau anh xoa chặt hai bàn tay vào nhau cho thật nóng rồi anh vuốt tóc từ phía trán ra sau đỉnh đầu rồi anh bắt đầu hướng dẩn chúng tôi, anh kêu tôi làm người đối kháng với anh để minh họa cho lũ trẻ biết những thế võ căn bản, nào là xuống tấn, đứng trụ hai chân, tập dồn khí lực từ trên xuống đan điền. Rồi tập đá song phi, ôi thôi đủ thế võ cho đến bây giờ tôi còn nhớ mang máng một hai chiêu như Ngáng chân đối phương, một thế võ khác ta kéo đối phương về phía mình rồi thình lình ngã ngửa về sau, dùng chân phải hất đối phương lộn ngược người ra phía sau lưng mình. Các thế võ thật hay nhưng khi tập thì chúng tôi phải nương tay cho nhau, nếu không thì tai nạn xảy ra tức thì. Nói thì nói vậy khi tập luyện với nhau những khi hăng tiết vịt có đứa ra tay hạ độc thủ đối phương khiến có đứa bị trật chân tay, đau đớn vô cùng. Những lúc đó anh Tôn chạy vù vô nhà lôi chai thuốc rượu ra thoa lên chỗ đau, thật là hiệu nghiệm chỉ một thời gian ngắn nạn nhân có cảm giác như mình chưa từng bị chấn thương bao giờ, con Thanh thấy thuốc quá hiệu nghiệm nó thốt lên:

- Ồ thuốc của anh Tôn y như thuốc tiên trong những chuyện cổ tích ngày xưa vậy.

Sau khi biểu diễn những thế võ cho mọi người xem, anh Tôn bắt chúng tôi bắt cặp để thực hành thế võ mới được xem qua. Như có sự sắp đặt anh Tôn chia ra mỗi cặp đấu gồm một trai một gái, con trai thì đóng vai những tên "dê xồm" đi rình rập phe kẹp tóc đang đi một mình trong đêm vắng. Tôi và Con Thanh được ghép thành một cặp, nghe được làm tên gian ác hãm hại các cô, mà người mình sắp hãm hại là con Thanh thì tôi mừng như mở cờ trong bụng. Riêng con Thanh nó mắc cỡ vì từ nhỏ đến bấy giờ nó chưa hề đụng chạm tay chân với phe khác phái, vậy mà hôm nay phải ôm phải vật, mà vật với tôi nữa nó bèn la bài hải như heo bị chọc tiết:

- Anh Tôn cho nữ vật lộn với nữ đi. Vật với con trai kỳ lắm, đã vậy vật với ông Phương nữa kỳ lắm anh Tôn ơi.

Nghe mấy cô gái phản đối việc chung chạ với đám con Trai, anh Tôn nghiêm nét mặt và nói:

- Anh nói cho mấy em biết nhe, học võ phải dẹp bỏ những ý nghỉ đen tối trong đầu, lấy tinh thần thượng võ làm kim chỉ nam, dẹp bỏ những ngại ngùng như vậy khi tập mới có kết quả tốt. Hiểu chưa?

- Chúng em hiểu rồi.

Lúc này tôi liếc nhìn con Thanh xem thái độ nó ra sao khi nghe lời huấn thị của sư phụ anh Tôn dạy bảo, bẩt chợt lúc này Thanh cũng nhìn về phía tôi, bốn mắt chạm nhau, chớp chớp đôi mắt Thanh như ngầm nói với tôi "Cái ông Phương này coi vậy mà nhát gái quá đi chứ", còn tôi hơi bối rối vội nhìn qua hướng khác, nhưng trong lòng hai đứa tôi tâm trạng y như câu ca dao "Tình trong như đã, mặt ngoài còn e".

Khi những tấm nệm cao su mỏng được trải ra, anh Tôn cho chúng tôi bắt đầu thực tập các thế võ. Thú thật nếu ngoài đời mà gặp cô gái nào đó để phải đánh nhau thì tôi giơ tay đầu hàng, nhưng hôm ấy phải vật lộn với con Thanh thâm tâm tôi cũng ngại ngùng, nhưng sư phụ mới nhắc nhở nên hai đứa tôi mạnh dạn đóng tròn vai do anh Tôn sắp đặt. Hai đứa tôi cúi đầu chào như những võ sinh thứ thiệt. Sau cái màn dạo đầu như thế chúng tôi bắt đầu nhập cuộc, vờn nhau như hai con mãnh hổ chực chờ đối phương sơ hở để nhào vô tấn công,

Chợt thấy con Thanh dường như bị phân tâm chuyện gì thì phải, lợi dụng tình thế đó tôi nhào vô nắm vai Thanh và định ra đòn, nhưng phải công nhận Thanh đã lừa được tôi, nàng nương theo đà lách mình xoay người khiến tôi chụp hụt vai nàng, nàng vội túm lưng áo tôi và ra đòn đã được sư phụ hướng dẫn, Thanh vật tôi lộn một vòng rơi xuống nệm cao su, tưởng chừng như cú rơi êm ru trên tấm nệm, nhưng không, khi chạm xuống tấm nệm tôi cảm thấy đau nhói ở trên lưng, tôi la lên oai oái:

- Chết tui rồi Thanh ơi, bà làm gì thù oán tui quá vậy, chắc gãy be sườn số 8 của tui rồi.

Nghe tôi nói như vậy con Thanh sợ sệt mặt mày méo sẹo, cô nàng xuống nước năn nỉ:

- Cho Thanh xin lỗi nha, ủa mà cái cách ngã anh Tôn dạy rồi, mà Thanh cũng đâu có mạnh tay đâu mà anh đau đớn dữ thần vậy.

Anh Tôn chạy đến xem xét vết thương của tôi ra sao, chừng như không thấy gì nghiêm trọng xảy ra anh nhìn tôi rồi nhìn con Thanh bất chợt anh nhoẻn miệng cười rồi nói vừa đủ cho hai đứa tôi nghe:

- Vụ này ngộ à nha, Phương có bị gì đâu mà nằm vạ ,mà Thanh cũng khờ nữa bị ông Phương dụ khị rồi .

Anh Tôn vừa dứt lời, con Thanh thay đổi sắc mặt từ sợ sệt sang thẹn thùng, bất chợt cô nàng co giò đá vào chân tôi một cái đau điếng kèm theo câu nói:

- Tui trừng trị ông cái tội ba xạo nghe chưa.

Tuy lãnh một cước bất ngờ đau điếng nhưng trong lòng tôi có cái gì vui vui nó len lỏi vào tâm hồn mình hôm ấy.

Tập dợt gần hai giờ đồng hồ ai nấy mồ hôi nhuễ nhại, bà Hai mập mẹ của anh Tôn bưng nồi chè đậu xanh thơm lừng nóng hổi ra đến nơi, bà Hai vui vẻ nói với chúng tôi:

- Lâu lắm rồi bà Hai mới thấy bây đến tập võ đông đủ, bà Hai nấu nồi chè đậu xanh cho các con ăn lấy thảo nè.

Chúng tôi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức chè đậu xanh của bà Hai mập khoản đãi, mạnh đứa nào đứa nấy húp phút chốc nồi chè cạn trơ đáy. Sương khuya bắt đầu xuất hiện, chúng tôi cảm nhận được do những làn gió mơn man thổi đến, bọn con trai chúng tôi thì tỉnh bơ trước hiện tượng bình thường của thời tiết lúc về khuya, chỉ tội những cành hoa mong manh như con Thanh con Thủy, con Hồng con Thúy, các cô nàng bắt đầu run lặp cặp thì anh Tôn cũng chính thức thông báo buổi tập đã xong, chúng tôi cùng nhau lũ lượt đi về. Khi đi ngang cái giếng nước tôi chợt thấy các anh chị vẫn còn trò chuyện, tình tự với nhau, bất chợt tôi nhìn lên bầu trời cố nhìn xem may ra mình sẽ thấy được chú cuội và cô Hằng nga có cùng nhau hẹn hò trên cung quảng chăng, chỉ thấy những đám mây trắng bàng bạc trôi ngang nguyệt điện, bất chợt tôi nhớ đến những điển tích về trăng như Đường Minh Hoàng muốn thâu tóm mặt trăng làm của riêng cho mình, rồi chàng Hậu nghệ ngày xưa dùng cung thần bắn hạ những mặt trăng cứu Hằng nga, những điển tích trên đến giờ nó chỉ còn lờ mờ trong ký ức của tôi do nghe ông bà kể lại cho mình nghe gần nữa thế kỷ rồi còn gì.

Về đến sân nhà mình, tôi đang loay hoay mở cổng. Thì đâu phía sau lưng một làn gió mát ùa đến mang theo cái hươmg thơm quen thuộc mà khướu giác tôi cảm nhận được lúc ban nãy khi đang chia phe đánh vật, Thanh khẻ khàng lên tiếng:

- Anh Phương.

Ngập ngừng rồi đôi tay vân vê tà áo Thanh thu hết can đảm, nàng nói:

- Cho...em .. xin lỗi vì đã mạnh ... chân với anh khi nãy, Em không cố ý, mong anh... đừng buồn nha.

Tôi không ngờ cô bé Thanh này là người cũng mang nhiều cảm xúc trong lòng, chuyện chút xíu vậy mà cũng câu nệ để trong lòng, cũng may Thanh nói ra, chứ không thì chắc nàng sẽ rất khó ngủ trong đêm ấy.

Lòng tôi lâng lâng vui mừng khi nghe cô bé hàng xóm có đôi mắt đẹp nói những lời ngọt ngào với mình như thế, tôi mạnh dạn nắm lấy bàn tay nàng và hôn lên những búp măng non nuộc nà kia. Thấy Thanh không phản ứng, tôi tham lam choàng tay qua vai nàng và ghì chặt vào lòng mình, Thanh run lên hơi thở dồn dập tôi nghe rõ hai con tim chúng tôi đang hòa cùng nhịp đập, cô Hằng nga lúc này cũng tôn trọng giây phúc riêng tư của hai đứa chúng tôi, cô ẩn mình vào đám mây khiến bầu trời mờ dần... mờ dần.

Cuộc đời những tưởng sẽ êm ả trôi qua, tôi và Thanh yêu nhau tha thiết, cuộc tình chúng tôi gần đến ngày có thể thông báo cho mọi người thân bạn bè đến chung vui, bất ngờ Thanh ngã bệnh nặng đột ngột, Nàng ra đi vĩnh viễn sau một tuần nằm trong bệnh viện. Tôi như người mất trí sau biến cố này, gia đình chôn cất nàng sau một ngôi chùa trong vùng, đám trai gái bạn bè trang lứa trong xóm cũng không còn cười đùa mhư trước nữa, những đêm trăng bên thềm giếng giờ đây thiếu bớt đi một đôi thùng nước chờ đến phiên để cô chủ gánh về nhà, Anh Tôn vẫn tập hợp chúng tôi lại học cho xong những thế võ phòng thân, tập luyện trong những đêm trăng sáng tôi chợt nhớ và thèm cái cú lừa của Thanh vật tôi nằm bẹp xuống cái nệm cao su, bổng cái ý nghỉ ùa đến trong tôi:

"Nếu bây giờ bị Thanh vật mình một lần nữa, tôi cũng sẽ đóng kịch để hứng thêm một cái đá thật đau vào chân như dạo nào"

Từ đó về sau này, những mùa trăng tiếp theo trong cuộc đời tôi thấy nó vô vị, tăm tối không còn sáng vằng vặc như thuở hai đứa chúng tôi cãi nhau bên cái giếng.

Thôi nhé Thanh, em hảy yên nghĩ với mùa trăng của chúng mình năm nào, thuở ấy với đôi mình đó là những mùa Trăng vĩnh cửu.
 

Rằm tháng giêng Quý Sửu
2012
Hai Hùng