Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]            [ Trang chủ  ]

 Tháng Giêng , Hội Phết Tổng Hiền

Tùy bút của Đào Văn Tiền

Chưa đến ngày nguyên tiêu, mưa xuân đầu mùa mới lất phất bay, mà thị xã Phú Thọ đã tấp nập không khí  làm ăn. Từ người buôn thúng bán mẹt, đến anh xe đạp thồ, từ người đi xe máy đến những chiếc ô-tô bịt kín và có lẽ cả những chiếc máy bay đang vè vè trên trời kia, thảy đều một cái đà vun vút, khẩn trương, vội vã  theo vòng xoáy của thời cơ chế thị trường. Nhưng chỉ cần vượt qua sông, đoạn bến phà Ngọc Tháp (cũ) sang bên kia Tam Nông, đến với những xóm làng cổ thì mùa xuân như thể mới thực sự bắt đầu trong tiếng trống khi rộn rã, lúc khoan thai của những lễ hội  được truyền lại tự ngàn đời. "Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè".  Vâng ! ăn chơi, cờ bạc, hội hè ròng rã suốt ba tháng trời như thế , chỉ có mà treo niêu. Chắc các cụ ta xưa chỉ mượn chén rượu xuân mà nói quá lên cho vui, cho quên đi những lam lũ quanh năm để làm ra củ khoai, hạt thóc. Còn hội lớn, hội nhỏ, thì nơi này nơi kia tháng nào cũng có, nhưng hội chính cũng chỉ diễn ra trong một, hay vài ba ngày thôi, mà cũng không phải đợi đến tháng ba. Ngày xưa làm vụ chiêm, tết đến, xuân về  cấy xong, cỏ lúa xong là các cụ ta đã vào hội. Như  ở  tổng Hiền Quan này, từ  trung tuần tháng giêng hội làng đã mở :
  ''Mười một Hương Nha
Mười hai  Gia Áo
Mười ba Hội Hiền''.

Tổng Hiền Quan xưa, đất không rộng so với các tổng khác, nhưng người thì đông hơn hẳn. Xưa đã có câu " đinh tổng Hiền, điền tổng Tứ, lý sự tổng Văn". Hội Hiền, còn có tên là Hội Phết Hiền Quan tuy không lớn lắm, nhưng vui và lạ nên cũng  thu hút khá đông người các tổng khác. Tại sao lại có tên là hội Phết ? Tôi hỏi một anh chàng bên tổng Văn (Văn Lang). Anh này lý sự  lòng vòng một hồi, rồi chỉ vào quả bóng gỗ màu đỏ, phán rằng : "đó là quả phết, nên gọi là hội Phết".  Hội diễn ra ở đình làng, cạnh một khu ruộng nhỏ bên một khúc sông Thao chảy lơ thơ trong tiết xuân ấm áp. Hội Hiền năm nào cũng mở vào ngày mười ba tháng giêng âm lịch. Đó là ngày hội để nhớ về cảnh luyện quân của Thiều Hoa công chúa -  một tướng giỏi thời Trưng Vương. Sau lễ tế Công chúa tại đình làng, cụ Từ đọc lời cầu chúc, cẩn thận tung quả phết xuống một cái hố sâu, rộng chừng ba gang tay, rồi trịnh trọng vái lạy trời đất và hội Phết bắt đầu. Vào ngày mười ba tháng giêng ấy, trai làng ở các giáp (thôn) trong tổng Hiền chỉ mong trời mau sáng để trổ tài, khoe sức. Quả phết  chỉ to hơn quả bưởi đã lột vỏ một tý, bôi sơn đỏ, làm bằng thứ gỗ vừa dai vừa chắc, không nặng lắm. Các trai đinh mình trần, khố đỏ được chia thành hai giáp với số người ngang nhau. Giữa tiếng trống hội dồn dập như trong đám vật, các chàng trai dùng gậy tre có ngoặc như cù nèo  tranh nhau kéo quả phết lên.  Người lấy được, vừa  ôm quả phết  trước ngực, vừa phải "tả xung hữu đột" để chạy thật nhanh về phía xuất phát của giáp mình. Một cuộc vật lộn, tranh giành thật sự bắt đầu. Quân hai bên dùng các "chiêu" lừa, các miếng võ tung hứng, nắm bắt... nhằm đánh bại đối phương để giành giật bằng được quả phết. Cuộc tỷ thí chỉ được sử dụng sức mạnh cơ bắp, diễn ra trong khoảng vài giờ. Đúng ! Chỉ vài  giờ  thôi, nhưng cũng đủ để mỗi chàng trai thể hiện tài trí, sức vóc nổi trội của mình trước những cặp mắt huyền của các thiếu nữ .  Quả thật, hội phết  thực sự  là một cuộc tranh hùng với những thế võ cổ truyền đẹp mắt, nhanh mạnh, quyết liệt, dứt khoát, nhưng không gây thương tích cho đối phương. Khi tiếng chiêng, tiếng trống dồn dập vang lên cùng tiếng hò reo không dứt, là lúc đến hồi cao trào. Cả không gian như bừng lên trong ánh nắng xuân. Hội phết kết thúc, khi một giáp đã cướp được quả phết mang về nơi xuất phát của giáp mình. Ở đó, những cành lá tươi nguyên, xanh biếc sức xuân cùng những lá cờ đuôi nheo, như  đang reo vui đón chào họ. Hội Hiền như  đang tái hiện những gì còn sót lại, về những buổi tập trận ngày xưa của Thiều Hoa Công chúa. Đó là những buổi  luyện quân trước một trận đánh lớn. Từ núi Mủi làng Hiền, đoàn quân Trưng Nữ vượt qua sông Hát tiến ra Luy Lâu, rồi quay về Long Biên, với những lá cờ đại chỉ thẳng về phía trước...
 

Tan hội, khu ruộng nhỏ nơi diễn ra hội phết, ngô non bết xuống, trở thành khoảng không bằng nhẵn như một bãi trống. Đội quân thắng trận đem quả phết dâng trả cụ Từ  và lạy tạ... Thế là, với giáp (thôn) ấy một năm mới may mắn đã thực sự  bắt đầu,  hăm hở làm ăn, tràn đầy hy vọng... Các già lão và trai đinh cùng kéo về đình làng. Bữa tiệc khao của làng chỉ có xôi nếp và duy nhất một món gỏi cá. Thứ gỏi cá đặc biệt, cùng thứ nước chấm cũng đặc biệt, quyện vào nhau, thơm ngậy hương vị đồng quê. Người tổng Hiền bảo, thứ nước chấm đơn giản vậy, mà làm thì không ít công phu. Đó là thứ nước sánh, đặc sệt, chế biến từ những sản vật của làng, như  vừng, lạc, lá nhội, búp sung, bạc hà và các hương liệu, được đựng trong cái bát cổ to, sức chứa tới vài lít, có vị béo, thơm và chát. Người Tổng Hiền xa quê, dù ở đâu cũng không quên được bữa tiệc này, vừa thật đậm đà chất quê, vừa mang dấu ấn của văn hóa ẩm thực cộng đồng.  Đó là cái tết riêng của người Hiền Quan.

Nhớ mãi có lần hỏi một người đồng hương quê đâu ? Anh cười vui "đinh tổng Hiền". Vâng, "đinh Tổng Hiền" đi thiên hạ thi thố tài năng cũng sáng danh lắm. Có người làm đến chức quan lãnh tám triều đình Huế, thời Nguyễn. Có người làm tướng cầm quân. Có người là Nghệ sỹ Nhân dân. Con dân Tổng Hiền trở thành tiến sỹ, kỹ sư, bác sỹ, nhà doanh nghiệp...cũng không ít.  Nhưng mỗi lần về quê vào dịp hội làng, họ vẫn cứ  muốn được thanh thản nhẹ bước trên những con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo dẫn ra đình, có những cây hoa gạo trắng vừa qua đông, đứng bên đường như đang bâng khuâng, tư lự ...  gợi nhớ về thủa xa xưa. Có người đi xa tận phía trời Tây, tâm sự "sắp đến nguyên tiêu gần ngày hội Phết, không về được, thì đêm  ấy vợ chồng cũng giành trọn buổi làm món gỏi cá nhớ quê nhà, coi như  cùng được vào lễ nguyên tiêu, dự hội làng với bà con trong nước. Rượu rót ra, nâng lên mà canh cánh một nguyên tiêu :
 

"Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
 Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên''  
Có ai đó nói, hội phết tổng Hiền chưa phải là hội lớn. Vâng ! lớn hay nhỏ cũng tùy theo quan niệm của mỗi người. Nhưng dù lớn hay nhỏ, thì ở đó ta vẫn có được những giây phút thảnh thơi, trong những khoảng không gian, thời gian, cảnh và người nơi làng quê, thôn dã đầy đam mê, hy vọng khi tết  đến, xuân về, hòa cùng với  biết bao yêu, tin, khát vọng của mùa xuân đất nước.
1-2005
 ĐÀO VĂN TIỀN


 
Hình ảnh trong bài được trích từ
http://vnexpress.net
và http://www.baomoi.com