Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]

 
Ngưu Lang Chức Nữ.

Cung Điền

Lời ngỏ

Cánh đây gần 45-46 năm, vào một đêm hè trong một quán trọ sinh viên nghèo tại ngoại ô Tokyo, Nguyễn việt Dzã và tôi bàn nhau đặt tên cho một truyện ngắn mà Nguyễn quân mới viết, định gửi cho tờ báo Văn ở bên nhà. Sau khi đọc xong, tôi đề nghị cái tên ghềnh quạ, vì trong đoạn kết của câu truyện có cảnh đàn quạ bay lên trời, bên ghềnh đá bờ biển, nơi đứa trẻ điên khùng đã ngã hay tự tử. Sau đó chúng tôi, hai thằng còn đang tuổi đôi mươi, đề cập tới đàn quạ trong chuyện Ngưu Lang Chức Nữ, và Nguyễn quân có ý khác về những giọt mưa Ngâu vào ngày mồng 7-7. Nhân dịp nhạc sỹ Lê văn Khoa, người đã từng viết lịch sử Việt Nam bằng nhạc, người đã từng mang dân ca Việt Nam vào nhạc hòa tấu, tới tiểu bang Indianapolis chia vui với chúng tôi trong dịp trính diễn văn hoá Việt Nam, chúng tôi cũng xin nhân dịp này dùng ca dao Việt Nam để viết lại ý đã được gợi ra từ gần 50 năm trước đây trong bản kịch Ngưu Lang Chức Nữ.
 
Màn 1

Màn mở, sân khấu góc trái trên 1 cây trơ lá, 2, 3 con qụa đang đậu, rỉa lông, thỉnh thoảng cất tiếng kêu quà quạ. Một vài tia nắng từ hướng tây. Giữa sân khấu có chiếc ghế dài. Từ góc bên phải sân khấu, xuất hiện một bé gái 5-6 tuổi, tóc bím hai bên, tay dắt ông già, quần áo nâu sồng, tuổi chừng 70, râu tóc bạc.

Cô bé gái:

-Ông ơi, qụa.( cùng lúc có tiếng quà quạ lại nổi lên)

Ông lão:

-Ừ qụa. Sắp đến ngày mưa ngâu rồi, qụa sắp bay đi làm cầu Ô Thước.

Cô bé gái:

-Cầu Ô Thước là gì hở Ông?

Ông lão:

-Lại đây ngồi, ông kể chuyện Ngưu Lang Chức Nữ cho cháu nghe.

Ông lão dắt cháu gái về phiá chiếc ghế dài, cả hai ngồi xuống. Đèn trên sân khấu mờ dần, rồi tắt hẳn. Tiếng ông lão kể chuyện trầm trầm nổi lên, đồng thời màn ảnh phiá sau hiện ra. Hình ảnh không rõ vì ánh sáng từ sau dọi tới, chỉ thấy bóng một người gìà, râu tóc đang ngồi trên ngai, hai chân trong hài thỉnh thoảng rung rung, chứng tỏ đang giữa cơn giận dữ.

…….Tiếng kể chuyện của ông lão.

Đã lâu rồi Ngọc hoàng không nổi cơn thịnh nộ như hôm nay. Không giận dữ sao được khi chính đứa con gái của thượng đế đã cãi lại ý muốn của ông, ý muốn của trời, của chính đấng tối cao. Mà suy đi suy lại thì chỉ tại bọn hạ giới, chúng đã làm ô uế thiên đường. Ông lẩm bẩm…chỉ tại bọn hạ giới….

Cách đây không lâu, Ngọc Hoàng muốn xây thêm cung điện, hỏi ý kiến quần thần trong một bữa tiệc. Cuộc sống trên thiên đình lúc nào cũng tiệc tùng, hoan lạc  không dứt. Một vị cận thần đã dâng kế sách cho gọi bọn thợ hạ giới lên xây thêm cung điện, vì trên thiên đường hiện không có thợ giỏi.  Bao nhiêu thợ giỏi lâu ngày không làm việc nên quên hết công việc, đúng là hát hay không bằng hay hát hay trăm hay không bằng tay quen. Thiên đường là thế, là nơi sống thoải mái, không cần lo cho cuộc sống vì đã được Ngọc Hoàng an bài.

Bọn thợ hạ giới lên thiên đường xây cung điện, mang theo cuộc sống của hạ giới với ca hát, với tình người gồm cả yêu thương hờn ghét. Thiên đình trước kia lặng lẽ thì nay, nơi chốn xây cung điện lại náo nhiệt, lôi kéo một vài thần dân chốn thiên đường, đứng xa xa, nhìn và nghe bọn hạ giới hát hò. Anh thợ ngoã ghẹo chị thợ hồ:

Trên trời băm sáu vì sao
Vì thấp là vợ, vì cao là chồng
Cô kia gái lớn tồng ngồng
Hỏi thăm cô đã lấy chồng hay chưa ?
Chị thợ hồ ngủng ngẳng ngúyt lại :
Thiên nhiên kỳ ngộ gặp chàng
Khác nào như thể phượng hoàng gặp nhau
Tiện đây ăn một miếng trầu
Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là
Xin chàng quá bước lại nhà
Trước là trò chuyện sau là nghỉ chân.

Anh chàng thợ ngõa cười , tiến sát lại :

Trai tơ gặp gái đang xuân
Tỉ như trời hạn nửa chừng gặp mưa
Bữa nay Hán mới gặp Hồ
Tỉ như Kim Trọng gặp cô Thúy Kiều
Nên anh hỏi thiệt một điều
Có thương có nhớ ít nhiều hay không ?
Hay là nàng đã có chồng
Bỏ anh luống chịu phòng không một mình.

Chị thợ hồ ngúyt một cái tưởng chừng như đổ cả bức tường đang xây nửa chừng. Anh thợ ngoã lại tấn công :

Dạo chơi quán Sở lầu Tề
Hữu duyên thiên lí ngộ, ai dè gặp em
Qua với em như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.

Chị thợ hồ, tay nắm một vạt áo đưa lên miệng cắn, đưa mắt liếc :

Anh đà có vợ con chưa
Mà anh ăn nói gíó đưa ngọt ngào
Mẹ già anh ở nơi nao
Để em tìm vào, hầu mẹ thay anh.

Cô tiếp tục vân vê tà áo :

Coi chừng thương được thì thương
Đừng đem em bỏ giữa đường nỏ nen.

Anh thợ ngõa mắt đa tình nhìn chị thợ hồ, tán tỉnh :

Con mắt em liếc cũng ngoan
Cái chân em bước tựa đàn năm cung
Đàn năm cung ta say cung điện
Ta với mình nên chuyện từ đây….

Cô thợ hồ lại ngúyt dài một cái, tay vẫn mân mê tà áo. Anh thợ ngoã tiến lại gần, nắm bàn tay:

Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Tới đây trời khiến đem lòng thương em
Nhớ em tưởng bóng ngày đêm
Nhớ em răng trắng, còn thêm má hồng
Thương em vắng vẻ cô phòng
Một mình vò võ đêm đông lạnh lùng

Một tay mân mê cổ tay cô thợ hồ, nhìn cô nàng với đôi mắt đắm đuối:

Cổ tay đã trắng lại tròn
Cầm vào mát rượi như hòn tuyết đông….

Anh thợ ngoã và chị thợ hồ ôm nhau, gục đầu vào vai nhau…Những cái nguýt của chị thợ hồ, những lời đối đáp ỡm ờ cùng anh thợ ngõa lâu ngày đã khơi động tình yêu đôi lứa giữa Chức Nữ và Ngưu Lang, hai thần dân của Ngọc Hoàng trên thiên đình.

Tiếng cô bé gái nổi lên:

-Ông ơi, tình yêu đôi lứa là gì hở ông?

(Tiếng hát bài Yêu của Nhật Trường Trần thiện Thanh nổi lên).

Trên sân khấu đèn bật sáng, Ngưu Lang và Chức Nữ bước về phía nhau, nắm tay nhau. Ngưu Lang mất ngước nhìn lên trời, rồi say dắm nhìn Chức Nữ:

Trăng tròn chỉ mỗi đêm rằm
Tình ta tháng tháng năm năm vẫn tròn.

Một tay chỉ vào ngực mình, Ngưu Lang cất tiếng:

Tình anh như nước dâng cao
Tình em như dải lụa đào tẩm hương

Chức Nữ, hai tay nắm bàn tay Ngưu Lang, tha thiết trả lời:

Tẩm hương em, gửi chàng đỡ nhớ
Tẩm hương chàng, em nhớ em mong.

Rồi Chức Nữ ngước nhìn vầng trăng, tình tứ như cô thợ hồ, cất tiếng:

Vầng trăng không thể chia hai,
Ta là một nửa cuộc đời của nhau.

Hai người dắt tay nhau đi vào một chiếc lều bên bờ sông. Đâu đó tiếng côn trùng rên rỉ. Gió thổi lăn tăn gợn mặt sông, ngàn sao lấp lánh.

Ngọc Hoàng được tin cận thần báo là Chức Nữ và Ngưu Lang  chưa được phép của Thiên Đình mà đã dám tự do luyến ái như bọn hạ giới. Ngọc Hoàng nổi giận, đầy hai người xa nhau, mỗi người bên bờ sông Ngân, ra lệnh đầy bọn thợ hay hát làm ve sầu sống trong lòng đất đen tối, và đuổi bọn thợ hạ gìới về trần vì đã làm vẩn đục không khí thiên đường.

Tiếng của bọn hạ giới nổi lên sau hậu trường:

Anh chị em ơi, chúng ta đi làm ve sầu, dù sống suốt đời trong lòng đất đen tối, nhưng cũng còn được tự do ca hát dù chỉ một ngày, dù chỉ một giờ. Đi thôi anh chị em ơi.
 
Màn hai

Cảnh hai bờ sông Ngân Hà. Chức Nữ ngồi bên cạnh khung cửi, than thở:

Buồn chiều buồn cả sang mai
Một ngày đằng đẵng là hai cơn buồn.
Chim xa rừng thương cây nhớ cội
Người xa người tội lắm trời ơi
Chẳng thà không gặp thời thôi
Gặp rồi mỗi đứa mỗi nơi sao đành

Bên kia bờ sông Ngân Hà, Ngưu lang đứng tựa gốc cây liễu bên bờ, buồn bã :

Trúc với mai, mai về trúc nhớ
Nhỡ trúc về , mai nhớ trúc không ?
Bây giờ kẻ bắc người đông
Kể sao cho hết tấm lòng tương tư ?

Ngồi tựa gốc cây liễu, Ngưu lang ngước mắt nhìn sang bên kia bờ sông, chìm trong mây khói :

Con dế kêu rỉ rả bên mình
Trời ơi !
Nhớ ai đến nỗi thân hình héo hon
Đêm đông thân liễu gầy mòn
Càng nhìn trông thấy nước non càng sầu.
Bởi thương nên ốm, nên gầy
Cơm ăn chẳng đặng gần đầy ba trăng.
Ngó lên sao mọc như giăng
Thấy em có nghiã mấy trăng anh cũng chờ

Ngưu Lang, mắt mơ màng, nhìn lên trời cao. Bên kia bờ sông, Chức Nữ, dừng tay thoi :

Bốn mùa xuân hạ thu đông
Thiếp ngồi dệt vải những trông bóng chàng
Dừa xanh trên bến Tam Quan
Dừa bao nhiêu trái, trông chàng bấy nhiêu.

Lời than thở của Chức Nữ dường như được gió mang theo bờ sông bên kia :

Trời cao biển rộng mênh mông
Ở sao cho trọn tấm lòng phu thê
Trót đà ngọc ước vàng thề
Tình dù cách trở giang khê vẫn nồng
Ai đi ngăn một giòng sông
Cho thuyền xa bến, em không thấy chàng.

Bên kia sông, Ngưu lang vẫn ngồi dưới gốc cây, nhìn lên bầu trời. Trên cao, vầng trăng tròn lơ lửng.

Trăng lên đỉnh núi trăng nghiêng
Nhớ em, anh những sầu riêng một mình.
Đêm nằm tơ tưởng, tưởng tơ
Chiêm bao thì thấy, dậy sờ chiếu không…

Lời than của Chức Nữ bên kia sông lại vẳng lên :

Trăng lên trăng sáng bờ thềm
Uốn tay cho mềm dệt lụa cho anh
Quần áo anh, em may em cắt
Em nhuộm vàng thắm sắc hoa vông
Bên kia sông,nhớ em không?

Rồi nhìn ra dòng sông, nàng mơ màng:

Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dãi yếm để chàng sang chơi.
Ngưu Lang dường như nghe được tiếng than thở ước mong của Chức Nữ, cúi nhìn dòng nước lững lờ trôi:

Dưới mặt nước chói lòa yếm đỏ
Trên bầu trời rạng tỏ mây xanh
Tuy rằng xa cách em anh
Nước trời còn đó, ai đành phụ nhau?

Ngưu Lang nhớ lại những lần gặp gỡ Chức Nữ trong lều bên sông, thì thầm nuối tiếc :

Cổ tay em trắng lại tròn
Để cho ai gối đã mòn một bên
Gối chăn, gối chiếu không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em.

Lời than của Chức Nữ , Ngưu Lang theo gió bay lên cao vút, rồi rơi xuống trần gian. Bọn thợ làm cung điện trên thiên đình bị đuổi xuống hạ giới đều nghe thấy. Cảm động vì những lời than thở của lứa đôi, và cảm thấy họ có một phần trách nhiệm trong chuyện Chức Nữ và Ngưu Lang phải xa nhau, phải sống cách nhau một giòng sông, vì chính họ, những người hạ giới đã mang đến cho hai người biết thế nào là tình yêu đôi lứa. Họ cầu xin Ngọc Hoàng cho họ mỗi năm, vào ngày 7-7 hóa thành qụa, bắc một nhịp cầu nối liền hai bờ sông Ngân Hà, để Chức Nữ và Ngưu Lang được gặp nhau….Cũng trong khoảng này, tiếng ve sầu vang lên khắp nơi dưới hạ giới, chờ đón cuộc hội ngộ của Ngưu Lang , Chức Nữ trên cầu Ô thước.

Tiếng kể chuyện của ông lão dừng, ánh sáng trở lại sân khấu. Những hạt mưa bắt đầu rơi. Cô bé ngẩng lên trời, xoè hai bàn tay hứng nước mưa, reo to lên:

-Ông ơi, mưa Ngâu, mưa Ngâu. Những hạt nước mắt của Ngưu Lang Chức Nữ vì hai người được gặp nhau trên cầu Ô Thước.

Ông lão, nắm tay đứa cháu:

-Không phải là những giọt nước mắt của Ngưu Lang, Chức Nữ, mà đó là những giọt nước mắt của đàn qụa. Những giọt nước mắt sung sướng của đàn qụa vì đã bắc được nhịp cầu cho hai người , với đúng nghiã của con người dưới hạ giới, nghiã là biết yêu thương, hờn ghen, được gặp nhau.

Đâu đó có tiếng qụa vang lên trong mưa, quà quạ, quà quạ…..
 

Cung Điền
Cuối xuân 2010.