Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Tôi gặp lại Mệ sau trên 25 năm, tại căn nhà trong một khu chung cư ngoại ô Paris. Sau 25 năm, Mệ có thay đổi, lưng đã còng, mắt tuy mờ, nhưng vẫn minh mẫn, giọng nói vẫn như xưa.
Nhatrang-Paris, Mệ và tôi Cung Điền
Sau bữa cơm " thống nhất " có đủ món ăn Bắc Trung Nam : bánh khoái Huế, hủ tíu Mỹ Tho và tráng miệng bằng bánh đậu xanh Hải Dương cùng trà mạn Thái Nguyên ướp hương sen, Mệ nằm nghỉ, tôi dành rửa chén để trò truyện cùng cô Thủy, cô gái thứ của Mệ. Cô Thủy vừa kể chuyện, thỉnh thoảng lại lau mắt, khóc vì cái khổ cực của mấy năm tại VN, khóc vì cái khoảng thời gian bị ở tù và tôi nghĩ cô khóc vì cần khóc trước một người khác, khóc cho xả hơi.
Mệ gốc gác ngoài Huế, người cùng xóm hồi tôi ở VN. Gia đình Mệ ở căn nhà to, phía trước có sân, có dàn nho, có vườn trồng cam, sa bô chê, ổi xá lị. Mệ có 7 người con, 3 trai 4 gái. Con Mệ đều học trường Tây. Tôi trọ học ở một căn nhà nhỏ phía sau. Về nhà trọ phải qua một ngõ hẹp dài, dọc theo gian nhà Mệ. Lối sống của gia đình Mệ và lối sống của chúng tôi hoàn toàn khác nhau : các con Mệ nói tiếng Tây, mấy cô con gái măc áo đầm, nói chuyện như đầm. Buổi sáng họ ăn bánh mì, uống cà phê sữa, còn chúng tôi cùng lắm thì ăn một bát cơm rang hay một bát cơm nguội và tráng miệng bằng một gáo nước lạnh. Cô con gái lớn của Mệ người trắng trẻo, có cái răng khểnh rất có duyên. Chúng tôi sống hai thế giới riêng biệt . Họ nói những chuyện ở Ba lê, hoặc ở tận đâu đâu . Tôi, một thằng nhà quê trọ học ở tỉnh, ngỡ ngàng trước sự thông thái của con Mệ. Một thằng quê mùa như tôi mà lại thầm yêu cô Hà, cô gái lớn của Mệ. Tình yêu một chiều của một thằng con trai mới lớn, tôi gọi là tình yêu " anh Vọi " . Dĩ nhiên tôi chỉ nhìn lén cô Hà qua cửa sổ, mà tôi gọi " cửa sổ của tình yêu ", mỗi lần cô xuống nhà dưới, hoăc mỗi lần tôi đạp xe qua ngõ, nhìn thấy cô ở sân trước nhà, dưới dàn nho. Một vài lần bắt gặp ánh mắt của cô, tim tôi đập thình thịch, và giả bộ nhìn thẳng. Quê tôi thuôc vùng Tu Bông - Vạn Giả, tuy chưa thành anh nảu, nhưng cũng bị xếp thành một thứ nảu. Da ngăm ngăm đen, tóc rễ tre, tuy mỗi buổi sáng cố gắng chải tóc với nước, ngọn tóc rễ tre vẫn dựng đứng, không sao có được đường làn rẽ trên đầu . Tôi thua thiệt đủ mọi điều, từ cách ăn mặc cho chí đến cách ăn nói. Tôi thấy mình thật là quê, thật là nảu trước con Mệ. Anh con trai lớn đi giầy Tây khi thì mũi nhọn, lúc mũi vuông. Cô gái lớn mặc áo đầm nhiều pli. Còn tôi, tuy đã bỏ được đôi dép Bình Trị Thiên, đôi dép vỏ lốp cao su, nhưng cũng chỉ thay thế bằng một thừ săng đan rẻ tiền. Tuy nhiều nhược điểm, tôi cũng có một ưu điểm là biết đá dế, và chính điểm này đã mang tôi lại gần mấy đứa con trai của Mệ, nhưng thật ra để được gần cô Hà. Cái gì chứ đá dế, lấy cây tăm nâng dế, rồi thổi phù phù, khích động dế, cho dế uống tý rượu là nghề của tôi hồi còn nhỏ tại quê nhà, theo những thằng bạn chăn trâu bắt dế tại mấy gò mả ngoài đồng. Tôi thấp thỏm mỗi lần đạp xe qua ngõ về nhà trọ, thấy mấy đứa em cô Hà đang đứng chờ sẵn để nhờ tôi chỉ cách cho dế uống rượu hoặc lắm khi được làm cố vấn trong cuộc mua bán, lựa chọn dế. Lúc đó tôi có cơ hội giảng giải cho tụi con Mệ thế nào là dế đá, dế cồ, dế mèn, phân biệt những đốm trên đầu. Tất cả những kinh nghiệm ở nhà quê được mang ra, tôi thao thao nói, mắt cô Hà cứ trớ lên nhìn tôi và tụi nhỏ. Tôi kể thêm câu chuyện người hóa dế trong Liễu Trai Chí Dị cho mấy đứa con của Mệ. Câu chuyện hồn một thằng bé nhập vào một con dế bé tý tẹo, trở thành dế đá vô địch trong cung vua. Từ chuyện đá dế, tôi được làm quen với đám con trai của Mệ và được mời sang dự tiệc trà của anh con trai lớn. Đã bảo họ là Tây, nên tôi lúng túng lần đầu tiên không biết tại sao lại uống trà với một lát chanh. Bữa tiệc trà có một cái bánh sinh nhật đặt tại một tiệm Tầu đường Độc Lập. Cô Hà chỉ tôi cách uống trà, và hỏi tôi thích nghe nhạc, nhạc cổ điển hay nhạc tân thời. Tôi lúng túng, đỏ mặt trả lời : nhạc gì cũng được, tùy thích của mấy người. Cô nhí nhảnh trả lời :
-Thế thì để Hà cho anh nghe bản jeux interdits, hay lắm.
Cha mẹ ơi, trời gần như sập. Cô xưng Hà và gọi tôi bằng anh. Dĩ nhiên tôi là anh vì tôi lớn tuổi hơn cô, nhưng lần đầu tiên được cô xưng tên và gọi là anh, tôi đỏ mặt. Mệ lúc đó xen vào :
-Để anh Cẩn yên con.
Cẩn là tên tôi, nhưng ở xứ tôi, ở nhà gọi là Lũy em, vì tôi thứ hai, và anh hai tôi, Lũy anh. Lũy anh học nghề máy trong một tiệm sửa xe hơi, và tôi, thằng Lũy em, được gửi ra Nhatrang tiếp tục học. Lũy em thầm yêu cô Hà hàng xóm trong suốt ba năm tại trung học. Thế rồi thôi, mỗi người mỗi ngả. Tôi theo con đường hầu như đã sắp sẵn, vào lính sau khi hết trung học, và trời xui đất khiến, sau năm 75 lại lang bạt sang mãi tận bên Pháp. Có khi nào thằng Lũy em như tôi nghĩ đến chuyện có thể sang Pháp, ở ngay xứ Ba Lê ? Dạo xưa có nằm mơ được nắm tay cô Hà, cô " đầm " trước ngõ, cũng không dám mơ tưởng tới chuyện đi Tây. Tôi rời Nhatrang vào lính, Mệ cũng rời xóm Lao, dọn tới xóm Mới. Sau này có dịp được nghe tin Mệ trúng số độc đắc, cô Hà lấy chồng Tây, theo chồng về Pháp, và mấy đứa con của Mệ được gửi sang Tây du học. Có ai dám nghĩ một ngày nào đó, sau bao năm, có thể gặp lại người mình thầm yêu hồi còn trung học. Thế mà tôi gặp lại cô Hà, mà ở tại Paris, trong một siêu thị, nơi tôi làm lao công. Tôi đang khuân sắp đồ trên kệ, thoáng thấy một bà á đông, người hơi đẫy đà, đã có tuổi. Tôi dừng tay nhìn bà. Bà ta cũng nhìn tôi. Nếu có gặp nhau tại ngoài đường thì không khi nào tôi nhận ra cô Hà, nhưng găp nhau trong siêu thị, tôi mặc đồ lao công, đeo tên Cẩn, bà đầm á đông hỏi tôi bằng tiếng Việt :
-Ông người Việt Nam, có phải trước ông ở Nhatrang ?
-Dạ tôi học trung học Võ Tánh tại Nhatrang.
-Ông ở xóm Lao ?
-Dạ tôi trọ học 3 năm tại đó.
-Trời ơi anh Cẩn, Hà đây.
-Cô Hà, trời ơi cô Hà. Cô mạnh giỏi, hai bác và gia dình thế nào ?
Qua cô Hà, tôi được biết bác trai mất khoảng năm 80, trước khi Mệ sang Pháp, và hiện nay ở với cô Thủy. Cô Hà đỏ mặt hỏi tôi :
-Thế anh có mấy cháu ?
-Hai đứa, hai con mắt cô ạ. Sống một mình, lao động chân tay như tôi làm sao nghĩ đến chuyện lập gia đình. Mới lại, ở độc thân quen rồi, nghĩ đến chuyện ở với ai, eo ơi…
Vẫn cái răng khểnh, cô Hà cười và cho tôi số điện thoại của Mệ.
-Hà sẽ nói cho mạ hay và thể nào anh cũng đến thăm mạ và Ki.
Ki là tên tục của cô Thủy tại nhà. Tôi xuýt nữa bật miệng nói câu : tha hương ngộ cố tri. Xa xứ hàng ngàn dặm, lại gặp người quen, mà người quen đó lại là người thầm yêu hồi trung học. Vì vậy mới có buổi gặp gỡ Mệ và cô Thủy ngày hôm nay. Trong bữa ăn, Mệ cho hay hai đứa con gái út cũng đã lập gia đình :
-Rể tui người Nam và người Bắc.
Chính thằng rể người Bắc mới về thăm xứ, mang sang cho Mệ bánh đậu Hải Dương. Sáng nay, hồi mới tới, Mệ hỏi tôi :
-Thế anh dạo này làm ông gì rồi ?
-Dạ thưa bác làm lao động chân tay trong một siêu thị. Bằng cấp không có thì làm ông thế nào được bác?
Mệ khoe tôi người con trai lớn dạy học tại đại học Dauphine, đứa con trai thứ hai lấy vợ và sống bên Bỉ, đứa trai út cũng làm trong một siêu thị, nhưng làm sếp. Mỗi lần tết nhất, họp đông đủ, nhà Mệ chật ních người. Chỉ kể cháu nội ngoại đã 9 đứa. Rồi dâu, rể… Mệ chỉ một chồng bát đĩa xếp trên một góc kệ trong bếp :
-Tôi nấu một nồi phở. Tây cũng ăn, Bỉ cũng ăn.
Thì ra ngoài người chồng cô Hà, Mệ còn có một cô dâu người Bỉ, và một cô dâu người Pháp, nhưng bà này không còn lui tới nữa vì đã li dị với anh con trai lớn. Cô Thủy sống chung với Mệ, mấy tháng nay đi làm lại. Cô lau nước mắt :
-Đã lâu ở nhà với mạ, mạ có người nói chuyện. Nay em đi làm lại, mạ ở nhà một mình buồn. Chỉ độc có một con chó ở nhà với mạ, nhưng anh tính già thì thích nghe và nói chuyện, chó làm sao thay được người. Mỗi lần em đi làm về khuya, mạ cứ thấp thỏm chờ.
Cả ngày ở nhà, Mệ hết đan áo cho cháu nội cháu ngoại lại làm bánh chờ đến ngày giỗ tết. Trời đã vào khuya, tôi đứng dậy xin phép về vì sợ không còn tầu. Mệ nắm tay tôi :
-Anh biết nhà nay mai lại chơi, hàng xóm láng giềng xưa nay, sang bên này gặp lại.
Tôi xin phép Mệ thỉnh thoảng được lại thăm, vì tôi cũng chẳng có ai để đi thăm. Mệ vào trong bếp ra, dúi trong tay tôi một bao nylon đựng mấy cái bánh bao và chả giò đông lạnh :
-Anh cầm lấy mang về, khi nào đi làm về muộn, anh có thể thời được.
Ờ phải đấy, ăn cái bánh bao của Mệ vào buổi sáng thì tuyệt. Bánh bao mệ làm có trứng, có lạp xưởng, có nhân thịt, không như bánh bao mua tại phố Tầu khu quận 13. Cô Thủy đưa tôi ra tận ga, và trước khi để tôi leo lên tầu, cầm tay tôi ân cần :
-Khi nào anh rảnh, cứ lại chơi, chỉ cần gọi điện thoại trước. Lần tới, Ki sẽ kho cá cho anh thời. Ki sẽ kho cá kiểu miền Trung.
Tôi cảm động, thấy cái tha thiết của tình người. Lòng thấy ấm hẳn lại, vì biết mai này, nếu cần, sẽ có chỗ để thỉnh thoảng được nghe và nói tiếng Việt, được găp lại Mệ và cô Thủy, để ôn lại chuyện đời xưa. Chuyện đời xưa tuy chưa bao lăm, mới có trên 25 năm mà đã xa lắc xa lơ như chuyện Lưu Nguyễn nhập thiên thai.
*
* *Cách mấy tháng sau, tôi lại thăm Mệ. Lần này vào tháng 11. Tôi mang tặng Mệ một chậu hoa cúc, ở bên nhà gọi là cúc đại đóa. Ở xứ Tây, hoa cúc chỉ dùng vào ngày lễ Thanh Minh đi tảo mộ. Kỳ này Mệ nhắc đến chuyện về thăm xứ vào mùa hè vừa qua. Mệ và cô Thủy thuê một chiếc xe từ Nam ra tận ngoài Trung Nha trang, Huế để thăm mộ bác trai và bà con thân thuộc. Mệ kể cho tôi nghe những mẩu chuyện gặp gỡ người quen tại quê nhà :
-Xứ mình tuy nghèo nhưng vẫn là xứ mình.
Sau bữa cơm, tôi lại xin rửa chén trong bếp để nghe cô Thủy kể chuyện chuyến về thăm quê nhà vừa qua. Cô lại lau nước mắt :
-Mạ đòi về sống tại Việt Nam.
Trong bữa ăn, Mệ không nói là muốn về Việt Nam, nhưng chỉ than thở cùng tôi ở đây không có tình hàng xóm láng giềng. Dù có bệnh chết chăng nữa, không có con cháu bên cạnh thì chẳng ai biết tới. Bên nhà, nếu có chuyện gì, thì đã có hàng xóm láng giềng giúp đỡ nhau. Ở xứ này, họ quý chó và mèo hơn người. Tôi ậm ừ, nhìn cô Thủy. Cô Thủy cúi mặt. Mệ có lý, đây là xứ người ta. Họ không có thờ ông bà, già thì vào viện dưỡng lão.
Không hiểu sao Mệ muốn trở về VN. Mệ nói tiếng Tây như người bản xứ, Mệ nằm mớ bằng tiếng Tây. Mệ sống trong khu chung cư, mấy phòng chắc còn khang trang hơn căn nhà Mệ hồi xưa tại VN. Nhà Mệ tại VN đã nhường lại cho cơ quan để được giấy rời xứ, nay còn chỗ nào đâu mà về ? Bẩy đứa con, sáu đứa sống tại Pháp, một đứa sống tại Bỉ, như vậy về lại VN, Mệ sống với ai ? Mệ không còn gì dính líu tới xứ sở, trừ cái mả của bác trai, ờ mà cũng còn mả tổ tiên…Còn cái gì tại quê hương níu kéo Mệ về ? Mới đây đọc tập truyện ngắn của Võ Phiến, tác giả tả cái nỗi nhớ quê hương, nhớ làng : tiếng chân gà bới rác trên lá khô, cái nỗi nhớ làng như tiếng hú từ bên kia đại dương, tiếng hú như thể có sức xoáy vào tận tâm hồn kẻ lưu lạc, và những người nhớ quê, nhớ làng xóm, có cùng tần số để đón tiếng hú đó. Mệ nhớ quê, nhớ thành thị tại VN, nhưng đến đời con Mệ, có đứa sống tại Pháp trên 30 năm, chúng tuy chưa quên tiếng Việt, nhưng cách sống của chúng cũng chẳng còn bao lăm VN, lúc đó chắc chẳng còn tần số nào có thể rung động chúng được.
Chắc Mệ muốn về VN để được nghe lại tiếng hàng quà rong vào buổi sáng, buổi trưa được nghe tiếng kẽo kẹt của cái võng bên hè, và buổi chiều được nghe tiếng ca vọng cổ của một cái radô hàng xóm, hay được nghe tiếng muỗi vo ve trong góc nhà. Tất cả những âm thanh bé nhỏ, hỗn độn ấy đã thấm vào trong từng thớ thịt, trong tiềm thức của Mệ, vì vậy Mệ muốn về. Muốn ăn vịt lộn, thiếu gì ở đây, thế mà Mệ nói với tôi : vịt lộn ở nhà ăn ngon hơn. Chắc ăn vịt lộn phải ngồi xổm trên vỉa hè, bóc vỏ trứng vất ngay trên đất, rồi chấm với muối tiêu và rau răm, hay phải ăn với mấy bà hàng xóm, hay phải mua của bà Năm vịt lộn sau ngõ ?
Tôi có ông bạn già, gốc gác ngoài Bắc, cũng lưu lạc sang Pháp. Một đôi lúc găp nhau, trong lúc hàn huyên, ông chép miệng : ở đây cái gì cũng có, có tiền là mua được. Thế mà có một thứ không mua được, nhất là những hôm trời mưa như hôm nay, trứng bác với trứng cáy, hoặc một bát canh rau muống với trứng cáy thì tuyệt. Đấy, ấy đấy, quanh quẩn toàn những thèm muốn vớ vẩn, lủn củn, nhưng tất cả đều gợi lại nỗi nhớ quê hương. Dĩ nhiên ở miền Trung quê tôi không có trứng cáy, làm sao biết được cái hương vị nhớ nhung của ông bạn Bắc Kỳ. Ai ở miền Trung, nhất là vùng Tuy Hòa, Tu Bông, Vạn Giả, Khánh Hoà, không khỏi nhớ đến món bánh tráng cuốn với đủ thứ, những đồ ăn còn dư lại trong ba ngày tết, nhất là cuốn với món măng khô ninh thật nhừ. Sau ba ngày tết, đổ tất cả những đồ ăn còn lại, làm một nồi thập cẩm, thêm với măng khô và nhiều hành lá, và cứ thế, măng ninh cuốn với hành và bánh tráng. Phải thứ bánh tráng miền Trung quê tôi, hơi dầy và vị hơi ngọt, gói tất cả lại và chấm với mắm ớt. Chao ơi, nhớ ơi là nhớ. Nhớ rỏ rãi…nhớ bánh tráng sau mấy ngày tết ; nhớ mấy quả ổi hái trong vườn còn nồng mùi nắng ; nhớ tiếng gió thổi trong rặng tre vào buổi trưa hè ; nhớ dáng đi của con trâu trên bờ ruộng.
* Ăn cơm Tầu,
* *
Ở nhà Tây,
Lấy vợ Nhật.Trong các lối ăn, ở và ngủ, các cụ ta xếp cái ăn trước cái ở, và sau rốt đến vợ. Các cụ trước đây chỉ thèm ở nhà Tây vì dưới thời bảo hộ, những khu sang trọng nhất dành cho người Tây. Lưu lạc sang đến xứ Tây, ở ngay Ba Lê, kinh đô ánh sáng, mới biết nhà Tây cũng có lắm thứ. Thứ nhà tôi ở là loại phòng ở sát nóc, tiếng Tây gọi là chambre de bonne, nghĩa là phòng dành cho bọn tôi tớ, không có lò sưởi và không có nước. Muốn lấy nước thì ở ngoài hành lang, và cái chuyện " tứ khoái " cũng phải đi chung với tất cả mọi người, cũng ngoài hành lang. Mùa đông không có lò sưởi, lạnh co ro. Mùa hè, khi nào trời nắng thì cái phòng hừng hực như lò bếp. Đấy là nhà Tây, phòng Tây. Cả gia sản thu gọn trong một căn phòng 9 mét vuông, khi nào bạn bè có đứa nào muốn ngủ lại thì tôi lại " hạ thổ ", nghĩa là nằm đất. Tắm rửa thì thế nào ? Ngoài chuyện lau rửa hàng ngày nhờ nước ngoài hành lang, thì không có chuyện " tắm búng ". Muốn tắm ở đây thì phải đi nhà tắm công cộng, gọi là douche et bain municipale. Ấy thế nhờ tắm công cộng mà tôi làm quen được với một ông bạn người ngoại quốc. Tắm công cộng, phần nhiều tôi đi vào sáng chúa nhật. Xà bông, khăn và thuốc gội đầu bỏ vào trong một cái bao nylon của siêu thị. Trần truồng trong phòng tắm, xả nước thật nóng, hít hà trong hơi nóng, thật thoải mái, và mười lần như một, tôi vừa đái vừa gân cổ cất tiếng hát. Dưới những tia nước nóng, trần truồng, con người dễ buông thả, nghêu ngao ca hát. Có lẽ những nhà phân tâm học nên theo dõi bệnh nhân trong những lúc buông thả như vậy. Tôi cũng chẳng nhớ mình hát những gì, có thể một đôi lúc xen lẫn bài " này công dân ơi ". Da thịt ửng hồng vì nước nóng, vừa xoa xà bông, vừa chà khắp mình, vừa gân cổ nghêu ngao. Và cũng trong tiếng nước, tiếng hát ồm ồm của mình, tôi bỗng nghe tiếng hát của ai bên cạnh : la..la..lí…la lí… a ha, lại có một anh nào như tôi. Tiếng hát không phải giọng Tây, cũng không phải giọng Ả Rập, giọng líu lo, có lẽ của một anh chà và. Tôi ngừng hát để được nghe rõ hơn. Vẫn điệu hát la …la…la…lớ…lớ…lí…lí…lúc trầm lúc bổng lẫn trong tiếng nước chảy. Tôi tần ngần tự hỏi không biết nên tiếp tục hát hay không, và không hiểu người bên cạnh khi nghe tiếng tôi hát có cùng cảm giác như tôi nghe tiếng hát của ông ta ? Tiếng hát ở phòng bên tự dưng ngừng cùng tiếng nước chẩy. Mặc xong quần áo, bước khỏi phòng tắm, tôi cố ý chờ xem mặt người tắm bên cạnh. Cánh cửa mở, và một người bước ra. Một người da đen, còn trẻ. Tôi cất tiếng chào :
-Bonjour
-Bonjour
Chúng tôi cùng đi xuống cầu thang để ra ngoài. Tôi cất tiếng hỏi :
-Ông từ đâu tới ?
-Từ xứ Tích Lan, phía bắc của Tích Lan. Anh ta nhấn mạnh như vậy, tôi thuộc chủng tộc Tamoul, tên tôi lả Rashid, nhưng để Tây hóa, tôi đổi thành Raymond. Còn ông, ông người Tầu ?
-Không, tôi gốc Việt Nam, tên tôi là Cẩn.
-Carl ? hân hạnh Carl.
Thế là tôi trở thành Carl của Rashid, à quên của Raymond. Chúng tôi đi bộ một quãng, tôi kéo anh ta vào một bistrot, mời anh một ly bia. Anh từ chối, xin một ly nước ngọt. Tôi hỏi anh đến Pháp lâu chưa. Không trả lời, hỏi lại tôi : còn ông ? Tôi cho hay cũng khá lâu để trở thành dân Pháp gốc da vàng. Anh hỏi tiếp :
-Ông không muốn trở về xứ ?
-Không trở về được nữa thì đúng hơn. Rời quê hương từ lúc đã trưởng thành, dĩ nhiên không thể bỏ quê hương dễ dàng được…nhưng chuyện về lại xứ…tôi tần ngần, không trả lời. Anh còn trẻ, chắc chắn dễ hòa nhập với người bản xứ hơn tôi.
Anh cho hay anh không định sống suốt đời ở đây : tôi chắc làm việc thêm ba bốn năm nữa, khi tình hình yên ổn, tôi lại trở về. Tôi còn cha mẹ, và còn có người chờ tại quê nhà.Mặt anh đen nên tôi không biết anh có đỏ hay không, nhưng qua ánh mắt, nghe giọng nói, tôi thấy anh rất tha thiết. Chắc cũng tha thiết như tôi hồi tuổi 20, hồi còn mơ mộng. Thật là hạnh phúc khi hãy còn trẻ, và còn hy vọng có người chờ tại quê nhà. Càng lớn tuổi, càng thực thế, thực tế phũ phàng : ăn ngủ…và thình thoảng tìm giải quyết sinh lý. Tay quay ly bia, tôi hỏi anh :
-Thế còn vấn đề sinh lý ?
-Tiền kiếm được đồng nào phải để dành vì trước sau gì tôi cũng trở về xứ. Khi nào nghĩ đến chuyện sinh lý, cùng lắm thì…anh lấy tay làm dấu thủ dâm.
A, anh còn lý tưởng, còn hy vọng có ngày trở về xứ. Còn tôi, quê hương đó sao không nghĩ ngày trở về ? Ngày tháng trôi dần, tôi buông thả theo cuộc sống. Không gia đình, không tình nhân. Thỉnh thoảng tới dự một vài buổi họp của người Việt, thấy mình cũng sắp vào hàng chú bác, cùng với thành phần lớn tuổi khác. Ừ nhỉ, tôi cũng đang bước vào tuổi sồn sồn. Ngày ngày lao động chân tay, tối về lại ăn tiệm, hoặc hôm nào hết tiền thì lại ăn mì gói. Cứ thế ngày tháng trôi qua. Hay tôi lại ở với Mệ và cô Thủy, để được nói chuyện bằng tiếng Việt, để được gọi Mệ bằng mạ, và được cô Thủy gọi bằng anh. Để có một người vợ như bao người khác, và nhất là, đêm về, không còn một mình nhìn bóng mình trên tường.
* Bẵng một thời gian tôi không lui lại thăm Mệ và cô Thủy, chỉ thỉnh thoảng đôi lúc gọi điện thoại để nói chuyện cùng cô Thủy, được tin cô Hà đã ly dị, nay dọn về ở gần Mệ. Một tối cô Thủy gọi điện thoại, khóc ở đầu giây cho hay con chó đã chết. Tôi nhớ lại con chó vàng, trừ lần đầu tiên tôi lại, gầm gừ sủa, nhưng lần sau, thấy tôi vui vẻ, lại quẫy đuôi mừng. Con chó vàng là con của Mẹ Ky, và cũng là con vật độc nhất để Mệ nói chuyện suốt ngày. Tôi hỏi cô Thủy : con chó chết bệnh chi ? Dạ không, chết già anh Cẩn ơi. Tôi an ủi cô Thủy : chết già là tốt rồi, cũng như con người ta, trước sau gì cũng phải ra đi. Nhưng nó ở với em đã trên 10 năm. Chừ đây, Mạ không còn ai trò chuyện. Cô cũng cho hay dạo này Mệ cũng đã nghễnh ngãng, không được như xưa. Cô Thủy nói tiếp : dạo này Mạ thường nhắc đến anh, và hỏi tại sao lâu nay anh không lại ?
* *Thật ra tôi cũng thỉnh thoảng muốn lại thăm Mệ, nhưng ngại gặp cô Hà, vì dù sao giọng nói, nụ cười, cái răng khểnh của thuở xa xưa vẫn còn đọng trong tiềm thức. Tôi tránh không muốn tới để khơi lại quá khứ. Tôi không đồng ý với một câu của người Pháp, coi những mối tình đầu như những cái răng đầu tiên, tuy có làm đau đớn, nhưng không lâu. Mối tình của một thằng con trai mới lớn, tuy là mối tình một chiều, nhưng sao vẫn mãi day dứt trong tôi. Cái thằng con trai mới lớn về tình cảm trong tôi không chịu gìà với thời gian, vẫn cứ trẻ mãi như thời học trò. Cũng trong một truyện ngắn của Võ Phiến, ông nhắc lại cái nhìn của hai đôi mắt trong giây lát, theo đuổi mãi mười mấy năm sau khi hai người đã có gia đình, gặp lại nhau trên đất khách quê người. Ánh mắt, giọng cười của cô Hà vẫn còn ám ảnh, có lẽ vì vậy nên tôi vẫn độc thân đến bây giờ. Phải chi đừng gặp lại…
Bỗng một hôm tôi được điện thoại của cô Hà cho hay phải tới nhà ngay. Tôi hỏi có chuyện gì. Cô Hà chỉ thút thít khóc qua máy điện thoại. Tôi lấy tầu đi ngay, chuyến tầu vào ban tối đã vắng người, không như khoảng 6 giờ chiều, lúc nào cũng phải chen lấn mới vào được. Rời khỏi ga, tôi đi như chạy vì định mua một bó hoa mang lại, nhưng đúng lúc tiệm bán hoa đóng cửa, đành tới tay không. Trên cao, mảnh trăng khuyết treo lơ lửng, tôi cũng chẳng biết trăng non hay trăng già. Trèo cầu thang lên từng 3, tôi gặp một người có vẻ bác sỹ vừa rời khỏi nhà Mệ. Bấm chuông, người ra mở cửa là cô Hà, mắt đỏ hoe, hình như mới khóc. Tôi chưa kịp hỏi, đưa mắt nhìn căn phòng khách, Mệ nằm trên một chiếc giường trong một góc phòng. Cô Hà nói nhỏ :
-Bác sỹ vừa đi khỏi, cho hay mạ có lẽ không qua khỏi. Đã mấy hôm mạ không chịu ăn chi cả. Bác sỹ nói bệnh già. Mạ nói em gọi anh để có chuyện nhắn gấp.
Tôi bước lại nắm hai bàn tay Mệ, hai bàn tay nhăn nheo, lạnh, hết sức sống. Mệ mở đôi mắt, mệt nhọc, môi thoáng một nụ cười hiền từ, nắm lại tay tôi, nói với cô Hà và cô Thủy :
-Để mạ một mình cùng anh Cẩn.
Hai cô vào trong nhà bếp, vừa đi vừa sụt sịt khóc.
-Mạ biết anh thương em Hà từ hồi còn ở xóm Lao. Sau này khi rời tới xóm Mới, Mạ mới hay em Hà cũng để ý đến anh. Duyên phận không thành, nay sang đến bên này sự đời thay đổi. Biết nói làm sao.
Tôi lặng người. Đậy là lần đầu tiên Mệ xưng với tôi là Mạ, tôi cứ tưởng rằng mối tình thầm kín của tôi với cô Hà, chắc chỉ " một mình mình biết, một mình mình hay ". Ai ngờ. Có tiếng hú của một cái xe cấp cứu nào từ ngoài đường vọng lên. Ánh trăng khuyết vẫn ở trên cao, qua khung cửa sổ, dọi vào mặt Mệ, một mầu trắng huyền ảo, ma quái. Tôi bóp nhẹ bàn tay Mệ, đi vào phòng bên, đốt một nén nhang cắm trước ảnh bác trai.
Bên ngoải có tiếng khóc òa của hai người.
Paris, những ngày đầu xuân 2004.
Sửa lại vào đầu xuân năm 2006.
Cung Điền.
[ Trở Về ]