Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
TIẾNG SẤM ĐẦU MÙA

TRẦN THANH DIỆU

Tôi có một tệ tính không bỏ được, đó là tính sợ sấm. Nhưng tôi không sợ những tiếng sấm xé trời, mang theo những cơn mưa tầm tã, mà chỉ sợ những tiếng sấm vang dài, thoát ra từ một bầu trời hổ-hoàng nóng bức, oi ả của những buổi chiều báo hiệu mùa hè như chiều hôm nay.

Tôi chưa bao giờ tìm ra nguyên nhân của tâm trạng ấy, nhưng cứ mỗi năm, vào những ngày đầu hè thì cảnh tượng trời đất này thường làm tôi hồi tưởng đến một câu chuyện, hay đúng hơn, một kỷ niệm cuối cùng của những ngày thơ dại trên đất đai, trong thôn xóm của quê hương. Một câu nhuyện tầm thường nhưng đã biến chuyển cuộc đời tôi từ chỗ chưa kịp thanh xuân đã đến trưởng thành quá sớm, như một trái cây lìa cành với lớp phấn dày bao phủ ngoài da, để rồi chín đi trong thùng gạo hay trong thùng trấu mà chất chát giữa lòng không bao giờ hóa thành đường.

ooOoo

Hồi ấy, tôi còn là một học sinh chỉ gần cuối bậc tiểu học ở một trường làng.

Làng tôi ở ngay mé sông Bình-Lục, nhánh của sông Hương-Giang. Nói là nhánh nhưng kỳ thật con sông của làng tôi bị ngăn cách sông Hương bằng một cái đập xây bằng đá rất kiên cố. Mỗi năm, về mùa nước lũ là một dịp vừa vui nhộn vừa hoảng sợ cho cái tuổi của chúng tôi, bọn con nít trong làng. Vui nhộn trong những cảnh sang ngang của khách bộ hành bị nước lớn tràn ngập làm cảng trở sự giao thông. Ngày đêm chúng tôi không ngớt nghe tiếng nước đổ ào ào như thác. Mặt sông thì mênh mông. Phố xá làng mạc như bị thu hẹp lại. Mưa tầm tả rơi, nhưng chúng tôi vẫn lũ năm lũ ba đi lội nước, hoặc theo cha mẹ đi vớt củi "rều", hoặc có khi đứng hằng giờ ở mé nước mà nhìn ra sông để hồi hộp cho những chiếc đò chở đầy khách cứ chòng chành theo sóng nước. Tuy thế cũng có nhiều khi, với tuổi của bọn tôi, không làm sao ngủ được với tiếng nước gào thét trên đê, xen lẫn với hình ảnh đắm thuyền hay chết đuối.

Nhưng dù sao, cứ mỗi lần nghe tin nước sắp ngập bờ là chúng tôi không khỏi mừng thầm vì có những ngày nghỉ học ngoại lệ.

Một hôm, cũng trong ngày nước tràn đập với mực độ khá cao đến nỗi suốt trong ngày ấy không một chiếc đò nào dám chở hành khách sang sông. Trong làng chúng tôi, mực nước lên tới đầu gối. Cố nhiên, bọn con nít như chúng tôi mà được một dịp như thế thì cho là vui hơn ngày hội. Trừ những người già cả và những đứa bé chưa đủ sức lội nước, mọi người đều ra ngoài, hoặc với mục đích thỏa thích như chúng tôi, hoặc với mục đích vớt củi như người lớn.

Tôi đang trần truồng chạy nhảy cho tóe nước để làm một chiếc xe hơi lội nước. Theo tôi là một toán độ ba bốn đứa cùng tuổi và cùng trường. Cứ thế chúng tôi chạy quanh xóm. Lúc bấy giờ cái vui thái quá làm chúng tôi quên rằng trong làng cũng có nhiều con gái học sinh với trạc tuổi ngang chúng tôi mà ngày thường mỗi khi có dịp gặp nhau nói chuyện thì hoặc chúng tôi hoặc bọn họ có lúc đã biết tỏ ý rụt rè, thận trọng.

Chạy đến ngõ rẽ của đường làng, tôi đi chậm lại, miệng thét lên những tiếng còi cho ra vẻ là xe qua "cua". Bỗng tôi nghe một tiếng kêu cùng với sự đụng chạm của thịt da vào eo lưng tôi.

- Anh Lâm, cho Tư theo với, chờ cho Tư theo với.

Tôi ngoảnh nhìn lui không một chút ngạc nhiên :

- À, Tư, ừ thì leo lên không có thì xe chạy.

Thế là đoàn xe của chúng tôi lại có thêm một ông khách tý hon nữa. Nhưng đáng lẽ nó nhỏ - thua tôi đến ba tuổi - tôi phải cho nó đeo lưng của đứa nhỏ sau cùng mới thuận. Đằng này tôi lại cho nó đeo vào lưng tôi một cách vất vả, vì nó phải vói lên và thằng sau nó lại phải khòm lưng xuống mới quàng được hai tay vào bụng nó.

Từ đó đoàn xa của chúng tôi cứ trục trặc mãi, hoặc vì chỗ bất đồng về chiều cao, hoặc vì một yếu tố tâm lý nào đó tôi không hiểu được. Có điều tôi nhớ chắc là thằng Tư có mặc một chiếc quần "sọt" có giây treo, bằng vải xanh, trong lúc bọn tôi, kể cả tôi là người cầm lái đều trần truồng như nhộng.

Đến ngang chợ tôi tự ý giải tán đoàn xe mà trong bọn không ai biết lý do. Thằng Tư mới dự cuộc chưa được bao lâu nên nó tiếc và gọi tôi, nhưng tôi cứ cắm đầu chạy về nhà. Sau khi mặc vội chiếc quần cụt lại chạy ra đúng vào lúc cả bọn đang còn ngơ ngác, không hiểu vì sao đoàn xe của chúng lại không chạy nữa.

Tôi đến gần thằng Tư, cầm tay nó tách rời khỏi bọn. Khi đã khá xa, tôi hỏi :

- Sao Tư dám đi chơi một mình ?

Nó vừa nhảy nhót, trả lời :

- Tư thích lội nước mà ba, má không cho nên Tư trốn đi.

- Chết ! Lỡ ra má đánh sao ?

Nó không nghe câu hỏi của tôi, đưa tay chỉ một cái hộp gỗ đang trôi bềnh bồng trên mặt nước. Tôi vội vàng chạy lại nhặt lên, đó là một chiếc hộp gỗ đựng thuốc điếu xì-gà. Thằng Tư thích lắm, nhưng ngay lúc ấy tôi lại nghĩ đến công dụng của chiếc hộp. Tôi sực nhớ đến những chiếc hộp đẹp đẽ của những đứa bạn khá giả, có ngăn kéo, có viết chữ "le plumier" ở trên nắp.

Tôi quay về phía thằng Tư :

- À cái hộp này còn đang ướt lắm, để anh về phơi khô rồi vài ngày nữa anh mang lại cho Tư. Vả, nếu Tư mang về ngay bây giờ thì ba, má sẽ biết Tư đi lội nước ?

Câu chuyện đang như thế thì bỗng tôi nghe một tiếng bịch sau lưng tôi. Đau quá, tôi nhình quanh để tìm thủ phạm ném đá trong khi một loạt cười và bêu tôi vang lên từ sau ngôi miếu nhỏ ở đình chợ :

- Lêu lêu, thằng Lâm nịnh ... thằng Lâm nịnh !

Tôi lấy làm lạ, không hiểu tại sao chúng gọi tôi là nịnh. Mà nịnh ai ? Nhìn quanh tôi, chẳng có ai ngoài thằng cu Tư cả. Không lẽ chúng lại biết thâm ý của tôi về chiếc hộp nhặt được. Vả lại chỉ như thế cũng chưa đủ để gọi là nịnh. Tôi đứng lại suy nghĩ : "Hay có lẽ chúng bảo tôi nịnh thằng Tư vì ba nó là một thầy giáo và chị nó là một học sinh trường tỉnh". Thật hư chưa rõ, nhưng khi ấy lòng tự ái trẻ con của tôi nổi lên, nhất là trước sự hiện diện của "một người" như là thằng Tư, tôi phải làm anh hùng, dù xưa nay tôi chưa đánh lộn hơn một đứa nào ngang tuổi tôi ở trong làng cả, huống nữa lúc này chúng nó có những bốn đứa. Thằng Tư lo sợ kéo tay tôi đi, nhưng trong cử chỉ ấy đã có một động lực gì khiến tôi phải dừng lại. Một tay chống nạnh, tôi quay về phía bọn kia nói :

- Nịnh cái "tổ cha" bây.

Vừa dứt lời thì cả bọn ùa về phiá tôi một cách đáng sợ. Nhưng may thay, lúc ấy có tiếng thét từ trong một quán nhỏ mà tôi nhận ra là tiếng chú kiểm Tính, một hương kiểm trong làng :

- Ê ! Tụi bây tính đánh lộn phải không, tao đem cùm cả đám vào điếm canh bây giờ.

Cảm thấy yên bụng, tôi tự cho là đã thắng bọn chúng.

Ngày hôm sau mực nước đã hạ nhiều, những chiếc đò chở đầy người đã qua lại trên sông. Học sinh các trường tỉnh đã đi học. Riêng trường làng của chúng tôi ở miệt dưới Vĩ-Dạ, nhiều quảng đường còn bị ngập nước. Ngay cả những lớp học của trường cũng còn ăm ắp cả bùn non nên học trò chúng tôi còn được nghỉ thêm vài ngày nữa. Tuy thế, sáng hôm ấy tôi cũng dậy sớm, ra con đường ở mé sông, xen vào những đám người trong làng đi xem xét tình trạng lụt lội, với ngụ ý chờ thằng Tư, vì biết rằng nó sẽ phải đi học cùng với chị nó. Cầm cái hộp gỗ ở tay, trong hộp tôi đã cẩn thận viết trên một mảnh giấy, đại ý là tặng cho thằng Tư. Bây giờ nghĩ lại thì thấy rằng mình đã có một cử chỉ lố bịch. Nhưng chính lúc cầm viết, viết mấy chữ ấy thì tôi lại tự nghĩ rằng đã làm một việc rất cao : thằng Tư chỉ mới học lớp tư mà chữ của tôi lúc ấy chưa chắc đã đủ rõ ràng để nó xem được. Biết thế, nhưng mục đích chính yếu của tôi là chỉ cần có một dấu tích gì của mình nơi thằng Tư, không hiểu để làm gì.

Chờ mãi, tôi bắt đầu thất vọng đã tính quay về nhà, nhưng không biết một sự lưu luyến nào khiến tôi đi nắp mé sông về hướng nhà thằng Tư. Vừa đến ngang nhà ông thợ rèn, cách tôi vài trăm thước, có bóng một người con gái nhỏ bằng tôi, mang một chiếc tơi đọt dài đến chân. Tôi đoán đó là Liên-Hy, chị của thằng Tư. Nhưng lạ, không có thằng Tư theo sau. Tôi nhanh chân vội nép ở góc nhà ông thợ rèn, chờ khi Liên-Hy qua khỏi mới bước ra, và cứ thế, tôi theo sau Liên-Hy với cái hộp cầm ở tay mà không biết để làm gì.

Đi được một quãng thì Liên-Hy nhìn lui lại một cách vô tư, và bắt gặp cái nhìn nghiêm trọng của tôi đã từ lâu đăm nhìn        "nàng" (!). Liên-Hy thản nhiên, thản nhiên đến độ tôi tự hỏi không biết "nàng" có nhận ra tôi không. Dẫu sao tôi cũng cảm thấy một sự gì khó nói, lẫn lộn vừa sung sướng, vừa oán trách, lẫn với một chút mặc cảm khi sực nhớ đến tiếng “nịnh” mà bọn trẻ xóm ngoài đã gán cho tôi hôm qua.

Đang suy nghĩ vẩn vơ, bỗng một tiếng chuông xe đạp làm tôi giật mình nhìn lui và nhận ra thầy Minh, ba của Liên-Hy và thằng cu Tư. Thầy Minh tánh vui vẻ, thường ngày rất mến tôi vì cái tính không nghịch ngợm và hỗn láo của tôi. Có khi thầy ghé nhà tôi với tư cách người tai mắt trong làng, hỏi han sức khỏe những người trong nhà tôi, hay hỏi về sự học của tôi. Biết thế nhưng lúc ấy quá bất thần, và nhất là có cảm tưởng như bị bắt quả tang một hành vi không chính đáng nên tôi sợ, đến nỗi không trả lời kịp câu hỏi của thầy.

- Lâm không đi học răng mà đi chơi sớm rứa ?

Tôi còn nhớ nghe tiếng nói của thầy Minh nhỏ dần theo trớn đi nhanh của chiếc xe đạp. Đứng tần ngần một lúc, nhìn chiếc tơi đọt của Liên-Hy và chiếc xe đạp của thầy Minh khuất dần sau am Hô-Lâu, tôi bất giác nhớ đến thằng Tư : "Tại sao nó không đi học, có thể hôm qua đi lội nước, nó bị cảm lạnh chăng ? " Nghĩ đến đó tôi thấy hối hận và chạy một mạch đến cổng nhà thằng Tư để thăm dò tình hình. Nhưng không, nó không ốm mà chỉ vì trong nhà thấy nó bé quá, không đi đò được, nên cho nó nghỉ.

Tôi lân la dưới lũy tre rậm trước nhà cu Tư. Gió thổi từng hồi làm rơi từng loạt nước còn đọng trên lá từ trận mưa lúc sáng sớm. Tôi rùng mình vì lạnh, nhưng vẫn cố nán lại. Sau một hồi sáo miệng tôi thổi theo điệu hướng đạo thì thằng cu Tư thập thò ở ngưỡng cửa. Vừa thấy nó, tôi thò người ra khỏi rặng tre, tay cầm chiếc hộp gỗ chìa ra. Thấy tôi, thằng cu Tư chạy ra ngay, theo nó là tiếng gọi từ trong nhà của cô Minh vẳng ra làm tôi hoảng sợ.

Thằng cu Tư cũng sợ quá, nắm tay tôi kéo bừa vào nhà. Tôi chưa kịp kháng cự thì cô Minh đã ra tới sân. Thằng Tư la lên để minh chứng :

- Con ra kêu anh Lâm vào chơi với con.

Tôi rụt rè bước theo chân thằng cu Tư vào nhà. Nó đưa tôi đi chơi cùng trong nhà. Thấy cái gì tôi cũng lấy làm lạ. Thật ra thì không có gì đặc biệt, nhưng sánh với sự trang hoàng quá bình dị và thô sơ của nhà tôi, thì cách bày biện trong nhà thằng Tư đã quá sang trọng. Dù tôi rất quen thuộc với bề ngoài của nhà nó ; trên mảnh sân kia tôi đã nhiều lần dự lửa trại, lúc ấy tôi là sói con do thầy Minh trưởng đoàn tổ chức, nhưng chưa bao giờ tôi tưởng tượng được bên trong nhà như thế nào. Có khi tôi cũng hình dung ra sự bày biện theo ý tưởng của tôi, nhưng đều sai cả.

Những người trong nhà thấy tôi không quan trọng, nên để tôi tự do với thằng Tư. Trong thời gian buổi sáng ấy, tôi đã trải qua từ sự say sưa này đến sự say sưa khác. Thằng Tư đưa ra một thùng đồ chơi của nó. Toàn là những thứ đồ chơi thật, có máy móc, có sơn thếp. Nhìn thấy vật nào tôi cũng mê. Nghĩ lại những thứ đồ chơi của tôi thì toàn là tự tay tôi làm lấy cả. Bỗng nhiên tôi thèm cái cảnh sống của nó. Tôi thèm được có một chút gì liên quan với gia đình nó, không biết để làm gì, và có ý nghĩa gì.

Sau khi đã chán với những thứ đồ chơi ấy, thằng Tư đưa tôi vào phòng học của nó và chị nó. Nhìn thấy sách vở và những dụng cụ học sinh trên bàn và trong tủ, tôi có cảm tưởng như đấy là một phòng học của một sinh viên. Nhưng vật làm tôi chú ý hơn cả và còn nhớ lâu hơn cả là tấm hình bán thân của Liên-Hy, phóng đại treo ở vách . Tấm hình thì chẳng có gì lạ, nhưng tôi lạ là vì tấm hình ấy là chị của thằng Tư. Tôi tần ngần im lặng trong khi thằng Tư đưa ra những sách hình trẻ con, cứ tíu tít mời tôi xem. Từ phút đó tôi bỗng trở nên trầm tư mà chính tôi cũng không biết lý do, bởi vì với cái tuổi lên mười, tôi không thể tự phân tích lòng mình được. Thằng Tư cầm tay tôi trì xuống một chiếc giường :

- Anh Lâm ngồi xuống đây xem hình nầy đẹp lắm.

Nó kể tôi nghe những câu chuyện trẻ con bằng tranh mà nó đã được nghe ba nó kể lại. Cái lối kể đầu Ngô mình Sở của nó cộng thêm trạng thái sững sờ của tôi, tôi không nghe thấy gì ngoài những cảm nghĩ của tôi. Chốc chốc tôi lại trở mình và dịch người về chiếc gối có thêu hai chữ "L.H." ở góc bằng chỉ xanh nhạt. Tôi nhận thấy một hơi ấm chuyển quanh trong cơ thể tôi.

Chiếc đồng hồ gõ mười giờ. Dù tôi không muốn rời khỏi căn phòng có sức thu hút ấy, nhưng lại có một cái gì làm tôi e ngại, tôi đứng dậy bước đi ra khỏi phòng, vờ bỏ quên chiếc hộp gỗ ở chỗ tôi ngồi và ra về trong sự im lặng của trời đất và sự rộn rã của lòng mình, lòng của một học sinh tiểu học.

Những gì xẩy ra trong hai ngày qua không phải là mục đích của câu chuyện mà tôi muốn ghi lại trên trang giấy này, vì chính nó và riêng nó thì không có gì đáng kể.

Từ ngày biết được nội trạng của nhà thằng Tư, tôi cảm thấy muốn gần gũi nó nhiều. Ý muốn ấy không phải là khó thực hiện đối với tôi. Nhưng khó hiểu thay ! Càng gần thằng Tư bao nhiêu, càng được dịp chơi đùa với nó bao nhiêu tôi lại càng hiểu thêm rằng việc thân với nó vẫn không làm cho tôi mãn nguyện.

Từ đó, mỗi khi nói chuyện với chị tôi, tôi thường lái câu chuyện sao cho có liên quan đến Liên-Hy. Chị tôi chỉ hơn tôi hai tuổi, nên chúng tôi rất thân nhau và thường hay nói chuyện với nhau. Tôi lại cũng biết chị tôi thường chơi với Liên-Hy dù hơn kém nhau đến ba tuổi. Liên-Hy rất mến chị tôi. Lâu lâu "nàng" ghé lại hỏi han về bài vở học hành hay nhờ chị tôi vẽ cho những kiểu thêu hoặc đan. Và cứ sau mỗi lần Liên-Hy đến chơi, tôi la cà đến hỏi dò chị tôi xem Liên-Hy đến có chuyện gì và đã nói những gì. Nhưng không lần nào tôi được biết gì hơn là những chuyện tầm thường như học hành thêu thùa. Đáng lẽ trong những dịp ấy tôi phải kiếm cách đến gần chị tôi để xen vào câu chuyện của hai người thì trái lại, tôi mất cả tự nhiên và dù có đang làm việc gì cần thiết tôi cũng bỏ chạy ra sau vườn, ghé mắt ở một kẹt phên tre để nhìn lén vào. Tôi muốn cho Liên-Hy được tự nhiên để có thể ngồi lâu với chị tôi hơn. Tôi sợ sự hiện diện của tôi có thể làm cho "nàng" ngại ngùng mà bỏ ra về.

Một buổi sáng vào dịp lễ Noël, tôi đang ngồi ở ngưỡng cửa, măn mo xem xét chiếc máy bay chạy bằng cao-su tôi vừa chế tạo xong thì Liên-Hy và thằng Tư bước vào ngõ. Tôi lúng túng nhưng lại bình tĩnh ngay trước cử chỉ vồn vã của thằng Tư. Nó rứt khỏi tay chị nó và chạy xộc về phía tôi, làm tôi chỉ kịp đứng dậy nép về một phía lấy lối cho Liên-Hy bước vào. Lần này nhờ có thằng Tư mà tôi khỏi phải đi tránh chỗ khác như mọi lần trước. Ngoài ra tôi còn được tự do chơi với nó ở trước sân mà biết rằng ngồi trong nhà nhìn qua khung cửa sổ, Liên-Hy có thể nhìn thấy tôi, hoặc tôi được Liên-Hy nhìn thấy rất dễ dàng.

Tôi đem chiếc máy bay ra biểu diễn chuyến bay đầu tiên để khoe với thằng Tư. Thật ra trong thâm tâm, tôi muốn khoe với Liên-Hy. Tôi chỉ tưởng tượng rằng "nàng" chú trọng vào óc kỹ xão của tôi, chứ không hề dám nhìn vào để biết “nàng” có quan tâm hay không. Cho đến khi thằng Tư xin tôi để phóng thử một lần, tôi trao chiếc máy bay cho nó sau khi lên giây cao-su đầy đủ. Không hiểu nó phóng thế nào mà chiếc máy bay không lên mà đâm ngang vào cửa sổ đánh đùng một cái, méo cả cánh và gãy cả đuôi. Tôi vội chạy lại nhặt chiếc máy bay và thừa cơ nhìn vào trong thì thấy Liên-Hy vẫn ngồi yên, đối diện với chị tôi, quay lưng ra ngoài, thản nhiên như không có gì xẩy ra.

Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra và kết thúc khá đơn giản. Tôi được biết Liên-Hy đến nhờ chị tôi khâu lại chiếc áo len. Một chiếc áo len đỏ đã phai màu mà đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ nó bị sút chỉ ở chỗ nào và cả cách đan ra làm sao.
 

Sau khi Liên-Hy ra về, và thừa lúc chị tôi giặt quần áo sau vườn, tôi nhẹ nhàng bước lại gần chiếc áo và cũng nhẹ nhàng cầm nó nâng lên tận mặt. Một mùi hương, không thể ví được hương gì, tôi chỉ thấy một cảm giác đê mê, ngây ngất. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại dạn quá, như một người say không còn biết mình đang hành động gì, tôi tròng chiếc áo vào người, nhưng chiếc áo bé không thể qua được đầu tôi. Tháo chiếc áo ra, tôi nghe một cái gì vướng nhẹ trên da mặt. Đó là một sợi tóc. Chắc chắn là sợi tóc của Liên-Hy đã dính vào chiếc áo tự bao giờ. Tôi vội vã cầm nó đến lật một quyển vở và thận trọng bỏ vào trong.

Đại khái những kỷ niệm của tuổi trẻ cũng chỉ có thế. Chỉ là những biến thiên nhỏ nhặt của một tâm hồn chưa thành hình mà thôi.

Ngày tháng trôi qua với những cảm giác buồn vui tùy theo tâm trạng của tuổi trẻ trước thiên nhiên, trước mọi vật, và đôi khi trước cả những ý tưởng huyền hoặc của tuổi thơ nữa.

Tôi bắt dầu thay đổi những thú vui trong những khi rảnh rỗi của tôi. Thay vì những ngày nghỉ, hay ngoài những giờ học, tôi đến ông thợ rèn hoặc ra rạp mộc để miệt mài trong công việc chế tạo đồ chơi, thì tôi lại trở nên thích xem sách. Những sách hồng với những truyện thần tiên, hoang đường cứ mãi làm giàu cho trí tưởng tượng của tôi. Cái tuổi của tôi trong khoảng ấy đã bị ám ảnh bới những cảnh tượng kỳ quan lầu vàng gác ngọc, cây trường sinh, suối vĩnh cửu. Và không bao giờ nghĩ đến những nhân vật trong truyện mà tôi lại không ao ước rằng tôi là hoàng tử một xứ nầy, Liên-Hy là một công chúa của một xứ láng giềng kia, hoặc tôi là một ông vua tí hon, và Liên-Hy là hoàng hậu nhỏ bé của vị vua ấy.

Cái đà bay thoát của linh hồn và nẩy nở của trí tưởng  đang ở độ mãnh liệt như một mảnh sao băng giữa lòng vũ trụ ...

... Một buổi chiều, một chiều kết thúc mùa xuân và khai mầm cho mùa hạ. Những cánh diều đã bay bổng đầy trời. Mùi lúa rơm trên sân của những nông gia đã bắt đầu nồng lên cái hương vị của đồng quê. Những ngày giao mùa của năm nay đối với tôi như có một chút gì khác thường, mùa xuân từ giã có sớm hơn và do đó, mùa hạ đến cũng có phần vội vã.

Chiều hôm ấy trời rất nóng. Bầu trời phía tây một màu hổ-hoàng xen lẫn với những đám mây đen xám. Tôi có cảm tưởng như xứ nào ở chân trời tây ấy đang bị hỏa hoạn. Không một gợn gió. Những cánh diều lao đao từ trên không rơi xuống đất như những con chim bị nạn. Mấy rặng tre trước cổng chùa đều đứng yên như trong một bức sơn thủy. Bỗng nhiên nột tiếng sấm xé trời phát ra từ nơi nào không biết mà âm vang lại tận lòng tôi, rồi một cơn gió lốc hốt cả bao nhiêu cát bụi bốc lên mù trời.

Bọn tôi ngừng cuộc đá bóng đang tiếp diễn đầy thú vị trên một đám ruộng vừa gặt được vài hôm. Một linh tính gì, một trực giác nào hay một động lực vô hình nào thúc dục tôi rời ngay bọn đồng hội, tất tả chạy về nhà. Dọc đường tôi hồi hộp, tôi bàng hoàng, tôi xao xuyến và hối hả. Tôi linh cảm một việc gì chưa hiểu là may hay rủi đang chờ đón tôi ở nhà. Rất có thể có người khách đến cho quà, cũng có thể ba mẹ tôi đang cãi nhau về một sự gì.

Đến đầu ngõ, nhìn vội vào nhà, tôi thấy một cô gái nhỏ, đó là Liên-Hy, đang ngồi với chị tôi trên chiếc giường ở chái bên như thường lệ. Tôi chạy vụt ra sau nhà kê tai vào kẽ phên nghe ngóng. Người tôi đang nóng bừng vì hoạt động và vì thời tiết, thì tôi bỗng cảm thấy một sức lạnh từ lồng ngực chuyển nhanh ra cả toàn thân. Mồ hôi của hai trạng thái nóng lạnh cứ nối tiếp nhau chảy từ đầu đến chân. Tôi nghe tiếng chị tôi hỏi :

- Mẹ ơi ! Mẹ có cất chiếc áo dài bông-bay màu xanh lơ của Liên-Hy mà con treo ở mắc áo không ?

Mẹ tôi lúng túng chưa kịp trả lời thì chị tôi vụt chạy xuống bếp nói thầm với mẹ tôi mấy câu rồi trở lên lại với Liên-Hy. Tôi trông thấy chị tôi biến sắc trong khi nói với nàng :

- Liên-Hy à ! Chị đã làm xong cái "nơ", chỉ còn kết vào là xong, nhưng sáng nay đi vắng, mẹ chị sợ mất nên cất vào rương. Em ngồi chơi một lát, cậu chị về có chìa khóa chị lấy đưa em. Hay nếu không gấp thì sáng mai chị vào chơi sẽ mang cho em.

Từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ. Tôi lắng nghe tiếng nói nhỏ nhẹ của Liên-Hy :

- Chị Tâm ơi ! Sáng sớm em phải đi rước lễ Vạn-Thọ. Và chừ còn sớm, em ngồi chơi với chị một chút chờ bác về chị lấy đưa em cũng được.

Chị tôi gật đầu miễn cưỡng. Tôi biết có sự gì không lành đang diễn ra trong nhà. Bỗng chị tôi đứng dậy như có một sự suy tính trước, cầm tay Liên-Hy chị tôi nói :

- Em đi với chị ra đầu xóm chơi coi có gặp cậu chị thì lấy chìa khóa.

Hai người ra khỏi ngõ, mẹ tôi chạy lên nhà, vào phòng lục soát một lúc rồi gọi tôi vào trao cho tôi một gói bọc bằng chiếc khăng quàng mỏng mà tôi thường thấy chị tôi dùng trong mấy tháng lạnh vừa qua. Mẹ tôi bảo khẻ vào tai tôi :
 

- Con đem gói ni ra ngoài dì Hạnh mà nói : thưa dì mẹ con biểu con đưa gói ni nhờ dì giữ và thế vô gói ngày bửa qua mẹ con đã đưa nhờ dì cầm dùm.

Tôi vâng lời mẹ tôi. Dì Hạnh hỏi tôi với vẻ bận rộn của một bà nhà giàu :

- Có phải cái áo bông-bay xanh ngày hôm qua không ? Làm chi mà lôi thôi lắm rứa.

Tôi ngơ ngác chưa kịp trả lời thì dì Hạnh đã tháo tung cái gói của tôi ra. Tôi thấy rõ một chiếc áo đen dài vải ba-ga và một quần trắng vải quyến. Đó là bộ quần áo duy nhất tôi mặc đi học hằng ngày. Cũng bộ quần áo ấy, sáng mai tôi đi rước lễ Vạn-Thọ và lãnh bánh như mấy năm qua. Tôi nghẹn ngào đến ứa nước mắt.

Sau khi thỏa thuận, dì Hạnh soạn trong tủ chứa đồ một gói khác, gói bằng giấy báo rách, trao cho tôi. Tôi bùi ngùi mang về. Nhìn qua những lỗ rách của manh giấy báo, một màu xanh lơ lộ ra làm đen tối cả mắt tôi. Cả người tôi run lên. Hai chân tôi nặng trũi, nặng đến nỗi tôi cảm thấy không đủ sức về tới nhà. Lòng tôi suy nghĩ liên miên. Tôi buồn rầu và thất vọng.

Bỗng một tiếng sấm xé trời, tiếp theo là những giọt mưa lắc rắc. Tôi bất giác chạy một mạch về nhà trao chiếc áo cho mẹ tôi rồi chạy thẳng ra góc vườn ngồi khóc.

Sáng hôm sau, nằm lì trên giường như một người ốm, tôi lắng nghe - qua ánh nắng trong lành của ban mai - những tiếng đồng hô, của từng đoàn học sinh trường tôi và nhiều trường khác, từ ngoài đập đá vọng về : "Đại-Nam vạn-tuế" ... "Hoàng-Đế vạn-tuế" ...

Tôi khóc thầm và tự hỏi :

"Không biết có ai nhận ra trong những loạt khẩu hiệu đồng hô kia đã thiếu tiếng của tôi".

Từ phút ấy, một ý nghĩ chua xót đến chiếm cứ lòng tôi :

"Vĩnh biệt ! ... tuổi thơ và diễm ảo !"

TRẦN-THANH DIỆU


[Rút từ tập Truyện ngắn Giải thưởng Văn chương Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, Nxb Tin Sách, 36/59 Cô Bắc Sàigòn, 1965.]
 

 [  Trở Về   ]