Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]
Bách-Khoa Từ-Điển Địa-Danh Việt-Nam

Về Lịch-sử, Địa-dư, Văn-hoá, Nhân-văn và Kinh-tế
Từ xưa cho tới Nay

(Một công trình văn hóa quy mô của Hà Mai-Phương & Lưu-Chu Thanh-Tảo)

Nguyễn Xuân Vinh
Xưa nay tôi vẫn có lòng mến mộ những người làm từ điển, một phần vì sự hiểu biết quảng bác của họ, nhưng phần chính là sự nhẫn nại đáng thán phục khi phải làm một công việc đòi hỏi kiên trì và không mấy hứng thú, khác với như khi viết văn, hay làm thơ. Những vị tiền bối khi xưa, như học giả Đào Duy Anh, hay giáo sư Hoàng Xuân Hãn, tôi không có duyên được gặp, nhưng mỗi lần có dịp được tra khảo những cuốn "Hán-Việt Từ- Điển" và "Danh-Từ Khoa-Học" các vị đã dầy công trước tác, tôi lại cảm nhận thấy rằng họ đã giúp rất nhiều cho những thế hệ sau mở rộng sự hiểu biết của mình. Những người đi sau, ở thế hệ tôi, mà tôi được quen biết như giáo sư Nguyễn Đình Hoà và tiến sĩ Lê Bá Kông với những cuốn "Từ-Điển Anh-Việt", bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh với cuốn "Từ-Điển Nhân-Danh Địa-Danh & Tác-Phẩm Văn-Học Nghệ-Thuật Trung Quốc", và mới đây bác sĩ Nguyễn Hy Vọng với cuốn "Từ-Điển Nguồn-Gốc Tiếng Việt", khi liên hệ với những học giả này, đuợc nói chuyện trong chỗ thân tình, tôi lại biết thêm được những động cơ đã thúc đẩy họ sưu tầm tài liệu, xếp đặt có hệ thống, rồi trải qua những tháng năm dài để kiến tạo nên công trình văn hoá lưu lại đời sau. Để mở đầu, trước khi dấn thân làm một công trình quy mô cần một thời gian lâu dài, tác giả nào cũng cảm nhận thấy rằng cuốn từ điển mình biên soạn là một điều cần thiết. Và cũng vì vậy người biên soạn có thể ước chừng được số người dùng sách trong những tháng năm tới mà dự trù kinh phí ấn loát và phát hành. Vào thời điểm này, để dùng cho người Việt ở hải ngoại, trong các cộng đồng ở khắp năm châu, mỗi lần ấn hành một bộ từ điển, dự trù một hay hai ngàn cuốn sách, với mức tiêu thụ bán hết trong vòng hai năm, có thể làm cho tác giả mãn nguyện với công sức và kinh phí của mình bỏ ra.

Với bộ "Bách-Khoa Từ-Điển Địa-Danh Việt-Nam" của hai đồng tác giả Hà Mai-Phương và Lưu-Chu Thanh-Tảo mà tôi đề cập ở đây thì vấn đề phổ biến công trình biên soạn này lại hoàn toàn khác, vì tác phẩm thật là vĩ đại, gồm có 40 cuốn sách và mỗi cuốn dầy vào khoảng 250 trang. Loại sách này được dùng cho các thư viện, để ở ngăn dành cho những sách tra cứu, cho những người muốn tìm hiểu thêm những gì liên hệ tới một địa danh ở Việt Nam, có thể là một chứng tích lịch sử, một nhân vật nổi tiếng trong vùng, hay sự mở mang kinh tế qua các triều đại. Tùy theo từng người, sự tra cứu cuốn từ điển này là do nhu cầu muốn hiểu biết của mình về một địa danh nào đó.

Lấy thí dụ ta đọc trong sách về vị thầy Chu Văn An những năm cáo quan về ẩn trong dẫy Côn Sơn thì tra cứu trong cuốn đại từ điển này sẽ cho ta biết rất nhiều điều về nơi mà vị tôn sư đã viết những bài thơ buồn cho vận nước, thương cho đức tiên hoàng đến nỗi mỗi lần nghĩ tới người xưa lại thấy lệ tràn mi.

Những nhà làm văn hoá, thường hay viết về văn học sử, đôi khi gặp một điạ danh mà có thể tới thư viện có tàng trữ bộ sách này để tham khảo thêm thì sẽ có ngay một số tài liệu giúp cho bài viết của mình được phong phú thêm.

Nói chung thì trong chúng ta, ai cũng muốn biết thêm về cội nguồn của mình, dù là nguyên quán hay là sinh quán, thì tra trong bộ bách khoa từ điển của Hà Mai- Phương và Lưu-Chu Thanh-Tảo, ta sẽ có ngay trong khoảnh khắc những điều muốn biết. Tôi cũng đã làm thử cho quê ngoại tôi là làng Nguyệt Mại ở Nam Định, nơi tôi rất quen thuộc thuở ấu thơ vì vẫn thường về trong những dịp nghỉ hè. Tra cứu bộ sách theo vần thì tôi được biết ngay như đã biết từ lâu là xã Nguyệt Mại có tên nôm là làng Mai, ở về hữu ngạn sông Nam Định, thuộc tổng Trình Xuyên Hạ, huyện Vụ Bản. Nay nhờ có bộ sách mà tôi biết thêm là đời vua Thành Thái trong làng có ngưòi đỗ đại khoa và làng có đền ở cửa sông Nguyệt Giang, thờ thừa tướng Lữ Gia làm thành hoàng và trong đền có đôi câu đối xưng tụng:"Nhất phiến trung can Côi Lĩnh tại; Thiên thu di cốt Nguyệt Giang từ."Nhưng có một điều mà giờ đây tôi mới biết,sau khi tra cứu cuốn Từ Điển, là sau năm 1954 làng tôi đã đổi tên thành xã Hùng Vương, và sau lại sát nhập chung với làng bên cạnh thành xã Đại Thắng.

Chỉ với một địa danh của một xã trong hàng trăm ngàn địa danh khác từ nhỏ tới lớn, đủ mọi danh xưng như thôn, xóm, làng, xã, tổng, châu, huyện, phủ, tỉnh, trấn, xứ, lộ, ... , qua các thời đại, tiếng gọi xưa và nay, mà tin tức được đưa ra thật là đầy đủ, điều đó đã cho ta thấy sự biên khảo của cặp tác giả chuyên khoa sử địa đã đưa ra bộ sách lớn này công phu biết là chừng nào. Một lần nói chuyện với Hà Mai-Phương tôi có đưa ý kiến là theo lối làm việc thông thường thì một nhà làm từ điển nào cũng dựa lên mấy pho từ điển gốc, để rồi từ đó hoặc chuyển ngữ, hoặc thu xếp và bổ khuyết theo tiêu chuẩn mình đặt ra cho công trình muốn thực hiện, nhưng ở đây công việc làm của anh và hiền nội, ngoài việc bổ xung và làm đối chiếu giữa những địa danh, có thể trùng tên từ Nam tới Bắc, riêng việc bộ sách căn bản là về địa dư, nay với mỗi địa danh, phải viết phụ lục thêm, rất đầy đủ, để nêu lên những khía cạnh đặc biệt về lịch sử, văn hoá, nhân văn và kinh tế, không những riêng cho một làng hay một xã nhưng có trường hợp phải chung cho cả một vùng, thì đây quả là một lâu đài văn hoá mà hai đồng tác giả đã dầy công xây dựng lên, đáng cho mọi người bội phục. Với sự khiêm tốn cố hữu của anh, Hà Mai-Phương đã cho tôi biết là anh đã cóp nhặt được rất nhiều tài liệu của nhiều nguồn gốc, kể cả những tài liệu từ trong nước chỉ có một nhóm người được phép đọc như những tài liệu về làn ranh biên giới Việt-Trung, và riêng về những bản địa đồ, anh đã sưu tầm những tài liệu cổ xưa của những phái đoàn chuyên viên Pháp đi đạc lộ vùng biên giới, và nay được hiện đại hoá bởi những địa đồ quân sự thật chính xác do bào huynh là cựu đại tá thiết giáp Hà Mai Việt tìm kiếm hộ. Theo tác giả thì anh đã làm công việc "Kiến tha lâu đầy tổ", nhưng theo tôi nghĩ thì với hơn ba mươi năm miệt mài làm việc để xếp đặt hàng trăm ngàn địa danh theo một quy luật định sẵn, luôn luôn được tôn trọng, để thực hiện được một Bộ Từ Điển vĩ đại như có ngày nay, hai vị đồng tác giả đã có một sự kiên trì vô tận và đã lưu lại một gương can đảm vô song cho thế hệ sau.

Về nội dung của bộ sách, những địa danh được xếp thứ tự theo vần mẫu tự như trong mọi cuốn từ điển cho tiện việc tra cứu. Những địa danh có tên trùng nhau thì được xếp theo thứ tự từ Bắc xuống Nam. Tuy có những địa danh đã được đổi tên mới, được ghi nhận trong bộ sách, nhưng danh xưng nguyên thủy vẫn được giữ trong cuốn Đại Từ Điển, rất tiện lợi cho những người muốn thực lòng tìm hiểu thật cặn kẽ đến cội nguồn. Ngoài những chi tiết về Lịch sử, Địa dư, Hành chính, Nhân văn và Kinh tế cho mỗi địa danh mà các tác giả đã ghi nhận được từ những bộ sách tra cứu, hai vị lại còn tham khảo những sách chuyên khoa về những vùng này để có thể cho vào phần "phụ chú" hay "ghi chú" của địa phương ấy về ca dao, tục ngữ, văn liệu, di tích tiền sử những cổ tích hay những truyền kỳ, những truyền thuyết về địa lý, phong thủy và cả những thư tịch quan trọng nữa. Vì vậy người đọc có thể lấy bất kỳ một cuốn sách nào trong Bộ Bách Khoa Từ Điển và đọc vài trang sách là có thêm những hiểu biết lý thú về xã hội, nhân văn của một thôn, hay xã vào đó trên đất nước, đôi khi gặp tiểu sử của một danh nhân quen thuộc nhưng lần này, với sự sưu tầm thêm của những tác giả trong phần ghi chú, ta lại có thể biết thêm chút ít huyền thoại về con người đã được lưu danh trong lịch sử.

Tác giả Hà Mai Phương là người đã đóng góp rất nhiều cho nền văn học nước nhà. Là người tốt nghiệp Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn năm 1964, về môn Sử-Địa, ông bắt đầu dạy ở Trường Đại Học Sư Phạm Đà Lạt và Đại Học Văn Khoa ở Sài Gòn cho đến năm 1975 khi ông phải di tản xa quê hương. Tới định cư cùng gia đình ở thành phố San Jose, ngoài công việc làm cho Bộ Xã Hội của tiểu bang California, bắt đầu từ năm 1990 ông phụ trách giảng dậy một chương trình về Văn Hoá Việt Nam ở Đại Học Stanford. Ngoài ra tác giả còn phụ trách môn Sử-Địa cho Viện Việt Học, kể từ ngày thành lập. Những thì giờ còn lại rất hiếm hoi của ông, giáo sư Hà Mai Phương đã dùng để cùng với hiền nội là Lưu-Chu Thanh-Tảo tạo dựng nên Bộ Bách Khoa Từ Điện vĩ đại này.

Cuốn Từ Điển song ngữ thường được những nhà giáo dục trên thế giới coi như là có tầm vóc xứng đáng làm mẫu mực là cuốn "Chinese-English Dictionary of Modern Usage" của học giả Lâm Ngữ Đường. Theo lẽ thường, những hoạt động văn hóa có tầm vóc bao giờ cũng cần phải có sự trợ giúp tài chánh tương xứng mới thực hiện được. Như công trình của giáo sư Lâm Ngữ Đường, dù cho ông có tài năng vượt bực đến đâu, mà không được ông Phó viện trưởng của Hương Cảng Trung Văn Đại Học tận tình giúp đỡ, xin cho được một sự tài trợ ngân khoản của nhiều cơ sở thương mại và ngân hàng ở Hương Cảng, như Butterfield & Swire Ltd., Lee Hysan Estate Co. Ltd., ... , rồi lại thêm những sự trợ giúp của Asia Foundation và Reader's Digest Association từ Hoa Kỳ để cùng một số nhân viên căm cụi làm suốt 4 năm trời từ mùa Xuân năm 1967 cho tới ngày Giáng sinh năm 1971 mới hoàn thành bản thảo, thì không bao giờ cuốn tự điển rất phổ thông của ông có ngày được thấy trên kệ sách của mọi thư viện trên thế giới. Nếu rồi đây, bộ "Bách Khoa Từ Điển Địa Danh Việt Nam" này mà được in ra để làm tài liệu tra cứu ở tất cả những thư viện đại học và thư viện thành phố ở những nơi có đông cư dân Việt, thì thật là một phép mầu nhiệm đã tới với chúng ta vì theo như lời tự bạch giáo sư Hà Mai Phương đã viết ở đầu bộ sách, thì, ngoài sự khích lệ tinh thần qúy báu của các thày học và thân bằng quyến thuộc, hai tác giả đã không hề nhận được một sự trợ giúp nào bằng hiện kim hay hiện vật của bất cứ ai, ngoài việc tự cắt giảm ngân-qũy gia-đình để chi-dùng vào việc biên-soạn cho đến lúc hoàn-thành.

Bộ Từ Điển đã được giới thiệu một cách long trọng ở Trung Tâm Ngôn Ngữ của Đại Học Stanford ngày 30 tháng Một năm 2006 và bản đầu tiên in ra đã được hai tác giả tặng cho thư viện của đại học. Với lời chúc mừng hai ngưòi bạn thân qúy là Hà Mai-Phương và Lưu-Chu Thanh-Tảo về sự thành công vĩ đại và rất có giá trị này, tôi ước mong sao các Hội Sinh Viên Việt Nam ở các Đại Học, và các Hội thân hữu ở các Cộng Đồng Người Việt Tự Do trên thế giới mỗi nơi có thể quyên góp được chừng vài trăm Mỹ kim để đủ tiền vốn in ra một bộ từ điển để tặng cho thư viện nơi chúng ta cư ngụ. Bộ từ điển này sẽ giúp cho chúng ta và thế hệ mai sau tìm tới và biết về cội nguồn. Tôi nghĩ đó cũng là ước nguyện của hai tác giả.

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh


  Trở Về   ]