Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
[ Trang chủ ]
[ Tác giả
]
|
|
*
Kệ (thơ) "Cáo tật thị chúng" của Mãn Giác Thiền sư (1045-1096):
"Xuân
đáo bách hoa khai
(Xuân
đến trăm hoa nở
Vừa được Nghệ nhân dân gian Lê Văn Kinh (Huế) hoàn thành bộ tranh thêu bài kệ (thơ) bằng 14 thứ tiếng. * Ngày 8/11/2010, đại diện Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận đạt Kỷ lục Việt Nam cho cặp hoa Atiso bằng vàng lớn nhất do tập thể nghệ nhân Công ty Vàng bạc đá quý PNJ chế tác. Cặp hoa Atiso này được chế tác bằng vàng 99.99 với kích cỡ lớn như hoa thật. Mỗi đóa hoa gồm 50 cánh, dài 400mm và đường kính hoa là 105mm, nặng hơn 1 kg vàng (31 lượng). * Kỷ lục thế giới năm 2010 về rượu thuộc về chai rượu vang Chavel Blanc 1947 đã được bán với giá 304.375 USD trong phiên đấu giá tại sàn Christie (Thuỵ Sĩ). Điểm qua ba sự kiện: thơ - hoa - rượu trên để thấy đời... mãi xuân và xuân mãi gắn liền với hoa - rượu và thơ. Ta hãy ngẩm lại đôi tứ thơ xuân mang đậm ý-vị-sắc-hương đã thật sự chạm khắc rõ nét lên trang sử văn học của nước nhà: Chẳng biết xuân tình, xuân ý thế nào, mà đến độ Đại thi hào - Danh nhân văn hoá thế giới - Nguyễn Du đã phải thốt lên: "Sinh tiền bất tận tôn trung tửu/Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi" (Khi sống chẳng nghiêng bình cạn rượu/Chết đi ai tưới mộ ly đầy). Bởi: "Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ/Niên quang ám trục bạch đầu lai" (Sắc xuân dần chuyển oanh bay mất/Năm tháng ngầm đưa trắng tóc lay - Trước Chén Rượu - Phạm Thảo Nguyên dịch). Chí sĩ Phan Đình Phùng cảm tác ngày đầu xuân với một tâm thế trong bối cảnh đất nước đắm chìm nô lệ: "Lưu oanh đình ngoại ngữ hoa chi/Hoa báo xuân quy nhân vị quy" (Ngoài sân oanh hót hoa chào/Nhắn ai xuân tới rằng sao chưa về? - "Mùng một tết Mậu Tý cảm tác" - Nguyễn Tấn Hưng dịch) Trước năm cùng, tháng tận, ngày tàn, Thiền sư Huyền Quangtầm xuân miên viễn trong "Hoa Cúc": Vong thân vong thể dĩ đô vong/Toạ cửu tiêu nhiên nhất tháp lương/Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật/Cúc hoa khai xứ tức trùng dương (Thân mất thể mất còn với mất/Ngồi giường lạnh ngắt một phương trông/Giữa núi cuối năm quên ngày tháng/Đầu tiết trùng dương cúc ngấp vườn - Chu Vương Miện dịch). Cao Bá Quát cả đời kiêu bạt có lúc phải lắng lòng gieo hạt "Trồng Mai": Thí tương mai tử trịch sơn gian/Nhất ác thanh tư ký bích loan/Ký tử lai thời xuân sắc hảo/Dữ nhân cộng tác hoạ đồ khan (Trên non ươm hột giống Mai vàng/Trân quí thanh cao mọc giữa ngàn/Xuân sang hoa nở men triền núi/Bức tranh tuyệt mỹ gửi thế gian - M.loan hoa sử/Phong lữ thảo dịch). "Hoa với Rượu" của Nguyễn Bính là hoài niệm tình mơ mộng: Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới/Chuốc mãi men say rượu ái tình, và: Đời say men rượu thơm hoa rụng/Tràn những thơ ngây, ngập cảm tình; là giằng xé đớn đau: Khóc vụn mỗi lần tôi nhớ lại/Men nồng gạo nếp nước hoa cam, và: Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc/Hoa hết thơm rồi rượu hết say. "Rượu xuân" của Nguyễn Bính cũng chuyên biệt: Cao tay nâng chén rượu hồng/Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay/Uống đi! Em uống cho say!/Để trong mơ, sống những ngày xuân qua/Thấy tình duyên của đôi ta/Đến đây là...đến đây là...Là thôi!/Em đi dệt mộng cùng người/Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh. Với "Ngày xuân thơ rượu" Thi sĩ Tản Đà đã tuyên ngôn: Trời đất sinh ta rượu với thơ/Không thơ không rượu sống như thừa,... Mạch nước sông Đà tim róc rách/Ngàn năm mây Tản mắt lơ ngơ,...Còn thơ còn rượu còn xuân mãi/Còn mãi xuân, còn rượu với thơ. Bởi lẽ, Thi sĩ còn biết gởi cái tình vào đâu: Thương ai cho bận lòng đây/Cho vơi hũ rượu, cho đầy túi thơ. Thôi đành gởi gấm vào rượu với thơ: Rượu say, thơ lại khơi nguồn/Nên thơ, rượu cũng thêm ngon giọng tình/Rượu thơ mình lại với mình/Khi say quên cả cái hình phù du. Có thể cái tình của Tản Đà đã được Trần Huyền Trân san sẻ trong bài "Với Tản Đà về bạn rượu, bạn thơ": Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu Rồi lên ta uống với nhau Rót đau lòng ấy và đau lòng này Tôi say? Thưa, trẻ chưa đầy??? Cái đau nhân thế thì say nỗi gì (...) Rót
đi rót rót đi thôi
Và với Bích Khê (Khác mà không khác): Chén nầy khách hãy cạn liền/Ngó đôi mắt ngọc thì quên bụi hồng,...Xuân thơm tuy hết mặc dầu/Rượu ngon còn mãi khách lưu sau cùng ("Mỹ tửu ca"). Riêng với Lưu Trọng Lư: Đêm ấy rượu nàng ta không uống/Từ sau thề không uống với ai. Lư thề không uống rồi lại uống: Chén lại chén, kề môi thủ thỉ/Càng vơi càng tuý luý càng đầy. (Không uống với nàng, không uống với một ai nữa, nhưng không thể không uống với vợ?). Một lẽ khác (thật khác chăng?) thể hiện ở một số thi nhân bày tỏ thái độ chê trách thói rượu (hay khuyến rượu?) như: Vếu váo câu thơ cũ rích/Khề khà chén rượu hăng xì (Nguyễn Bỉnh Khiêm); Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy/Độ dăm ba chén đã say nhè ("Tự trào" - Nguyễn Khuyến) - Song, khi "Khóc Dương Khuê": Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp/Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân,...Rượu ngon không có bạn hiền/Không mua không phải không tiền không mua. Một lẽ khác nữa, đã có người cho Thế Lữ rất tỉnh táo, trong suốt tập "Mấy vần thơ" gồm 47 bài, chỉ có một lần Thế Lữ nhắc đến rượu mà cũng chẳng hề uống (?): Lòng ta hồ vỡ tan tành/Vì hờn, vì giận, vì tình, vì thương/Vì cay đắng đủ trăm đường/Than ôi! Ly rượu mơ màng khi xưa/Ai đem dốc cạn bao giờ/Chẳng cùng chia nửa, chẳng chờ hưởng chung ("Lời tuyệt vọng") <Còn rượu cho Thế Lữ uống chết liền!>. Đã có người uống rượu; có người chê rượu; có người thề không uống rượu. Sao? Lại có "người thèm rượu" đáng yêu như Đoàn Thị Lam Luyến với "Huyền thoại một tình yêu":"Giá được một chén say mà ngủ suốt triệu năm/Khi tỉnh dậy anh đã chia tay với người con gái ấy/Giá được anh hẹn hò dù phải chờ lâu đến mấy/Em sẽ chờ như thể một tình yêu. Cùng tâm trạng đó còn có Lê Văn Bái: Một người xuống ngựa mười năm trước/Một chén men tràn suối lệ hoa ("Lớp tang thương"); còn có Yên Bằng: Cỏ hoa vì biết tình thơ đó/Nên biến sương thành giọt lệ tan ("Bại tướng"). Đáng yêu và dễ thương hơn nữa khi Nguyễn Thị Mai "Uống rượu với chồng": Thì mình cứ rót! Em say/Tựa vào hơi ấm mà bay một lần/Đất xa trời tạt xuống gần/Chung chiêng cả mấy mươi phần thế gian. Chính cái say rượu, say hoa đã làm nên tuyệt tác thơ trên và còn biết bao áng thơ hay, đẹp nữa, với ngất ngưỡngVũ Hoàng Chương: Say đi em! Say đi em!/Say cho lơi lả ánh đèn/Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt/Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!/Ta quá say rồi!/Sắc ngã màu trôi ("Say đi em"), thơ tâm sự: Rượu thơ là cõi lòng này/Ủ hương trăng mật từ ngày có em ("Rượu thơ"), thơ thở than: Gặp gở chừng như chuyện Liêu Trai/Ra đi chẳng hứa một ngày mai/Em ơi! Lửa tắt, bình khô rượu/Đời vắng em rồi, say với ai? ("Đời vắng em rồi say với ai?"); với Đynh Trầm Ca trong một lần "Uống rượu cuối năm bên bờ kinh phương Nam" mà thấy lòng như bay lên mây: Rượu cuối năm mà lòng say chưa đã/Thêm một ly để cảm tạ đất nầy/Thêm một ly gửi tới những tảng mây/Để cuối kiếp ta trôi lên thường trú; với hình ảnh ông lái đò của Yến Lan bên "Bến My Lăng": Bến My Lăng nằm không, thuyền chờ khách/Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu; với kỷ niệm của Xuân Hoàng về "Đồng Hới": Phố nhỏ quê ta thức nhiều kỷ niệm/Dạ lan hương thơm ngát những canh dài/Em đi nhé! Bóng anh lồng bóng biển/Bài thơ lành anh đến ngủ bên vai...Ta về xây Đồng Hới quê ta/Lại sẽ trồng hoa hồng quanh lối nhỏ/Hoa thược dược đến mùa xuân lại nở/Vàng huân chương trong mỗi sân nhà...; với liên tưởng mượt mà của Thanh Hải về "Mùa xuân nho nhỏ": Mọc giữa dòng sông xanh/Một bông hoa tím biếc...; với rạng rỡ sắc hoa vàng theo Hoàng Việt Hằng vào cõi vô ưu: Ta đến chùa nghe tụng kinh niệm Phật/Nơi tam quan cây mộc nở hoa vàng ("Thơ hai câu"); với Đỗ Hoàng giữa "Mênh mang nông trường": Hoa vừng vương mờ hơi sương/Gió đổi mùa đi nghe đằm thắm...; với "Hoa Trắng" từng chùm nhỏ thơ ngây dịu dàng mong manh sương khói riêng của mỗi Trần Nhuận Minh:...Mới đầu hoa lấm tấm vàng/Đến khi trắng muốt, là tàn mất hoa/Có gì muốn nói cùng ta/Nhưng chưa nói được thì hoa lìa cành...; với "Hoa Tường Vi" như thực lại như mơ/Cùng tôi sống suốt một thời trẻ dại của Xuân Quỳnh; thậm với "Hoa Dại": Miên man hoa nở trắng sườn đồi/Những niềm hoang dã chốn xa xôi/Hoa chẳng có tên hoa có sắc/Hương vẫn gửi vào trong gió bay của Hà Thiên Sơn;... Thơ - hoa - rượu và xuân vốn dĩ đã - đang và sẽ tiếp diễn tồn tại để trang điểm cho đời người hướng đến chân - thiện - mỹ. Nói đến trăm ngàn đời; viết đến trăm ngàn trang không vừa, không đủ. Nên chăng, ta cứ học cách người xưa biết vừa là vừa, biết đủ là đủ. Suy cho cùng sự tồn tại của nghịch lý lại không nghịch lý như lòng người không gió lại luôn ẩn sóng; trong buổi đông tàn đã chớm huy hoàng sắc xuân. Xuân ý và xuân tình như thế nào để lòng người lặng sóng, để thấy sắc xuân trong cảnh đông tàn. Khi ta biết hoà quyện mình với cảnh vật, đất trời, vũ trụ một cách an nhiên thì trong ta có xuân vậy./. Cuối
năm Canh Dần - 2010
(*) Bài
viết có trích dẫn thơ, bản dịch thơ từ nhiều nguồn (chủ
yếu từ internet và trí nhớ) nên không thể tránh khỏi thiếu
sót hoặc nhầm lẫn. Mong người đọc thông cảm và góp ý
để tác giả kịp thời hiệu đính.Cát Hoàng |
|