Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả

Phải làm gì khi con em phạm tội.

Trịnh Thanh Thủy

Con dại, cái mang, các bậc cha mẹ phải chịu trách nhiệm khi con mình lầm lỗi. Bạn phải làm gì khi hay tin con mình đã phạm tội.

Hầu hết các bậc cha mẹ đều cố gắng dạy dỗ và giáo dục con cái mình để chúng không làm điều xấu hay có những hành vi không lương thiện. Tuy nhiên, chuyện đáng tiếc cũng có thể xảy ra với các phụ huynh từng chăm dạy con rất tốt. Các em có thể vì một phút non dại hành động sai trái làm hại chính chúng và những người khác. Nhất là các em còn nhỏ, ngây thơ chưa hiểu việc đời, thiếu suy nghĩ, dễ bị dụ dỗ sa vào tội ác. Ở tuổi nhỏ, tội các em hay phạm nhất là ăn cắp vặt.

Tội trộm hay ăn cắp xảy ra khi các em ham muốn những gì mình không có được xảy ra ở trường học, siệu thị, cửa hàng bách hoá hay các nơi công cộng. Các em có thể trộm cell phone, mp3, Ipad, game, DVD hay cả những vũ khí nguy hiểm như dao hay súng. Tàng trữ vật trộm, giúp kẻ khác trộm, đồng loã hay hoạch định kết hoạch trộm, tất cả cũng là có tội. Tùy theo giá trị của món đồ trộm mà tội nhân bị kết án nặng hay nhẹ. Trộm các thứ như thuốc nổ, súng, đạn hay các thứ liên quan tới ma túy, bản án sẽ gia tăng. Nếu các em có dính líu tới băng đảng hay tiền án hoặc cướp bóc, sát nhân, lúc ấy sẽ thành tội trọng.

Điều gì sẽ xảy ra khi các em phạm tội?

Dưới đây là một vài vấn đề pháp lý trầm trọng các cha mẹ phải đương đầu:

Bị tịch thu tài sản dân sự

Chính phủ có thể tịch thu tài sản liên quan tới hành động phạm tội như ma túy, buôn lậu, kể cả khi chủ nhà vô tội. Tỷ như khi con bạn oa trữ hay bán ma túy trong nhà bạn, cha mẹ cũng bị vạ lây. Nếu cảnh sát bắt quả tang con bạn buôn bán hay dùng ma túy trong nhà bạn, luật tiểu bang có thể tịch thu nhà, đuổi cha mẹ ra, bán nhà và giữ luôn tiền bán nhà thay cho tiền phạt. Hay con bạn dùng xe của bạn, bị cảnh sát bắt được ma tuý trên xe, xe có thể bị tịch thu và bán. Nếu họ có ý định tịch thu tài sản, họ sẽ báo cho chủ nhà biết. Chủ nhà có thể ra toà để bảo vệ cho tài sản của mình. Bạn cần thuê một luật sư giỏi để biện hộ. Thời gian cho phép rất hạn chế, nếu bạn lỡ hay quên ra tòa, bạn sẽ mất luôn tài sản của mình.

Bị tội hình sự

Một nỗi rủi ro khác mà bạn có thể bị vướng vào là con cái bạn oa trữ ma túy trong nhà bạn, bạn có thể bị quy tội tàng trữ và phân phối ma túy. Trường hợp này thường xảy ra khi ma túy trở nên quen thuộc, gần hay trong khu bạn ở vì cảnh sát tin rằng cha mẹ biết mà không ngăn cản việc con mình làm.

Bị tội sao nhãng hay bỏ quên con cái

Bạn có thể bị tội trên nếu bạn cho con bạn lái xe, mặc dù bạn biết con bạn uống rượu và lái xe. Bạn cũng có thể bị quy trách nhiệm cho việc con cái bạn lái xe bất cẩn khi chúng gây tai nạn, thương tích, thiệt hại tài chánh hay nhân mạng. Tội sao nhãng trách nhiệm không những chỉ buộc trên việc bạn giao chìa khoá xe mình cho các em tuổi thiếu niên mà cả khi bạn không cho phép chúng lái, bạn cũng bị quy tội vì không để ý đến việc dấu chìa khoá đi, nhất là với những em đã có thói quen lái xe không đếm xỉa đến chuyện được cha mẹ cho phép hay không?

Lúc các em bị bắt bạn phải làm gì?

Việc đầu tiên bạn phải làm ngay là tìm một luật sư chuyên lo về hình luật cho thiếu nhi(Juvenile Criminal Lawyer). Vì luật cho các em chưa đến tuổi trưởng thành khác với người lớn nên bạn cần một luật sư chuyên môn nhiều kinh nghiệm để chắc rằng con em bạn được đối xử đúng đắn với quyền hạn của chúng.

Toà án thiếu nhi có ở các nơi, trong mọi tiểu bang Hoa Kỳ. Toà án này dành cho các em dưới 18 tuổi, ngoại trừ trường hợp có em bị hành xử như tội của người lớn. Không có một hạn tuổi nhất định trong việc luận tội nhưng hầu hết trong các tiểu bang, các em dưới 7 tuổi, còn quá nhỏ để chịu trách nhiệm và buộc tội. Các em lớn hơn tuổi 14 bắt đầu bị buộc tội kể cả ra toà người lớn. Vấn đề buộc tội là vấn đề của công tố viên là người phải chứng minh rằng các em có "khả năng" phạm tội ở thời điểm đó và bị truy tố là đã xẩy ra như vậy hay không? Luật pháp suy đoán rằng trẻ em dưới 12 tuổi không có khả năng phạm tội. Đối với trẻ em ở tuổi này bị xét xử vì phạm hình tội, thì chính phủ phải chứng minh rằng đứa trẻ có thể hiểu được cái hành vi phạm tội và biết rằng hành vi đó là sai lầm. Và chính trong cách đối xử cũng khác, như việc cảnh sát bắt giữ, quan toà nghe xử án, cũng như luật lệ mỗi tiểu bang dành riêng cho các em.

Khởi đầu khi cảnh sát tin một em bị phạm tội, em có thể được đưa đến trụ sở thiếu nhi hoặc đồn cảnh sát, bị lục soát, chụp hình, lấy dấu vân tay và yêu cầu cung cấp thông tin chẳng hạn như tên, địa chỉ, và số điện thoại của cha mẹ. Viên cảnh sát có thể giam giữ, cảnh cáo, và thả ra hoặc giam giữ, cảnh cáo và đợi cha mẹ đến nhà giam bảo lãnh về. Họ cũng có thể giữ em và đưa hồ sơ qua bên toà án thiếu nhi tùy theo từng trường hợp.

Kế đó Công tố viên(Ủy viên Công Tố, Luật Sư Công Tố hay Luật Sư Tiểu Bang) sẽ xét hồ sơ. Vị này có thẩm quyền miễn tố hay bắt đầu khởi tố. Khi ra toà án thiếu nhi, bạn cần tham khảo với luật sư chuyên lo hình sự để họ lo dùm. Họ không những lo hồ sơ mà còn cho bạn tất cả thông tin và sự chọn lựa phải làm gì khi ra toà hay cơ hội thắng hay thua hoặc làm thế nào để đóng hồ sơ tố tụng của em. Các em có quyền gọi ít nhất là 2 cú điện thoại trong vòng 1 tiếng đồng hồ sau khi bị bắt. Một cú cho cha mẹ, người thân, giám hộ.., Một cho luật sư. Các em có quyền giữ im lặng(Quyền Miranda) khi bị bắt, vì tất cả những gì em nói đều được dùng để chống lại em trước toà. Các em có quyền có luật sư, nếu không trả nổi, toà án có thể chỉ định một Luật Sư Công (Public Defender).

Một thanh thiếu niên khi bị phạm tội có nghĩa là em đang bị buộc tội không tuân thủ pháp luật. Toà án sẽ xem xét trước tiên số tuổi của em, mực độ phạm tội trầm trọng tới đâu và có thể bị lưu án trong hồ sơ suốt đời hay không. Các em có thể:

  • Vẫn cho phép ở với cha mẹ dưới quyền giám sát của toà án
  • Bị đặt dưới tình trạng quản chế, hay giao cho người khác có liên hệ thân tộc, cho vào nhà mồ côi hay một cơ quan trông trẻ. Các em còn có thể bị gởi đến trại quản chế.
  • Có thể bị gởi vào trại cải huấn và giáo dục.
Trong trường hợp nhận được giấy mời hầu toà, phải đọc cẩn thận. Có thể họ bảo bạn phải tới gặp một vị cán sự chuyên lo về việc quản chế thiếu nhi(quản thúc, Probation Officer). Vị này có thể sẽ:
  • Thẩm vấn, thuyết trình và giảng dạy các em và cho em về nhà
  • Cho em làm các dịch vụ, tạp dịch thay vì phải ra toà. Hoặc phải dự một lớp học đặc biệt, khoá học giáo dục, làm dịch vụ cộng đồng hay các sinh hoạt khác. Thời gian có thể kéo dài tới 6 tháng
  • Cho em về nhà và gởi hồ sơ đến Luật Sự Công Tố Địa Phương(District Attorney). Vị này sẽ quyết định khởi tố hay không.
Một đứa trẻ 14 tuổi vẫn có thể bị ra Toà Xét Xử của người lớn trong trường hợp phạm tội hình sự. Những tội giống như giết người hay mưu toan giết người. Đốt nhà đang có người ở bên trong. Cướp có vũ khí. Hiếp dâm.Bắt cóc hay cướp xe. Phạm tội bằng súng. Ma túy và vượt ngục từ trại cải huấn thiếu nhi.

Có sự khác biệt rất lớn giữa toà án thiếu nhi và toà án người lớn. Nếu con em bạn bị ra toà án người lớn, cần tìm luật sư ngay vì em có thể bị vào tù của người lớn. Tuy nhiên nếu em bị xử án tù dài hạn, em sẽ được ở Trại Cải Huấn cho tới khi em 16 tuổi và chuyển sang tù người lớn sau đó. Nếu em phạm tội lúc 16, quan toà có thể cho em vào tù người lớn luôn. Hoặc nếu em chấm dứt án tù trước năm 21 tuổi, quan toà có thể cho em ở trong trại cải huấn suốt thời gian thụ án.

Bổn phận của phụ huynh khi con cái bị bắt

Dĩ nhiên cha mẹ phải có trách nhiệm pháp lý trực tiếp, bạn có thể phải trả tiền thiệt hại gây ra bởi các em. Tiền bồi thường nạn nhân, vật chất lẫn bác sĩ, thuốc men hay cả vấn đề thiệt hại lương bổng của nạn nhân. Tiền luật sư, dịch vụ của các trại cải huấn hay giáo dục như tiền ăn uống, giặt giũ ..v..v..

Bài viết nhỏ này chỉ nhằm mục đích hướng dẫn bạn đọc các thủ tục tại toà án thiếu nhi, tuy nhiên, không phải tất cả các thiếu nhi phải trải qua một kinh nghiệm chính thức tại toà. Biết thêm các thông tin về luật pháp, có lẽ sẽ giúp các bậc phụ huynh đỡ lo lắng và hành động đúng đắn và đúng lúc cho những việc cần làm. Hy vọng những thông tin trên, giúp được bạn đọc có con em phạm pháp qua được lúc khó khăn. Nhưng việc quan trọng hơn cả là chăm sóc và để ý đến các em nhiều hơn, ngỏ hầu tránh được việc đáng tiếc xảy ra do lỗi lầm đưa đến những thiệt hại tài chánh cũng như đau khổ về tinh thần.

Trịnh Thanh Thủy
Tài Liệu tham khảo

Juvenile Delinquency

http://www.courts.ca.gov/selfhelp-delinquency.htm