Chim Việt Cành Nam               [  Trở Về  ]                    [   Tác giả  ]

Phiền não là Bồ đề
___________________________

Trịnh Nguyên Phước

Tại sao lại có câu " Phiền não là Bồ đề " ? Nói như vậy chẳng phải là nghịch lý lắm sao ?

Vì phiền não (kilesa), cũng như lậu hoặc (asava), là những điều làm vẩn đục tâm thức, đưa tới hành động bất thiện (akusala), là lý do của khổ đau (dukkha). Chúng trói buộc chúng ta đời đời kiếp kiếp trong vòng sanh tử luân hồi (samsara). Tu là tìm cách dứt bỏ các phiền não đó, từng cái một, như nhổ từng ngọn cỏ dại trong một khu vườn. Nhổ được ngọn này thì ngọn kia lại mọc ! cho đến khi... Cho đến khi không còn một mẩy may phiền não nữa, thì hành giả đã đạt được giác ngộ, hay Bồ đề (bodhi), tức là trở thành Phật, gọi là A La Hán theo truyền thống Nguyên thủy. Đồng thời tự giải thoát (moksha) ra khỏi sanh tử luân hồi, và đạt được Niết Bàn (nibbana).

Như vậy " phiền não " đối ngược lại với " Bồ đề ", và  " luân hồi " đối ngược lại với " Niết Bàn ", cũng như " trắng " với " đen ", " thiện " với " ác ", v.v. ; khi có cái này thì không thể có cái kia. Nếu lấy hình ảnh làm tượng trưng, thì phiền não là bùn lầy, mà Bồ đề là hoa sen, bùn lầy bùn lầy, mà hoa sen hoa sen, không thể nào lẫn lộn vàng thau được. Nếu " phiền não là Bồ đề " thì chẳng còn lý do gì để tu Phật nữa : ăn chay, giữ giới, tụng kinh, ngồi thiền làm gì, khi mà phiền não đã tự nó là Bồ đề rồi, chẳng làm gì rồi cũng thành Phật !

Vậy thì, tại sao lại có câu lạ lùng như vậy, đi ngược lại với lời dậy nguyên thủy của đức Phật ?

Thật ra, chúng ta cũng thừa biết rằng ở đời không có gì trắng hoàn toàn, mà cũng không có gì đen hoàn toàn, thiệnác cũng chỉ là tương đối; tất cả đều là tương đối. Rồi tất cả đổi thay, từ trắng ra đen, từ tối ra sáng, từ đục ra trong. Sen trong đầm tàn tạ rồi cũng hóa thành bùn, bùn bổ dưỡng rễ rồi cũng hóa thành sen...

Chắc các bạn hẳn còn nhớ câu chuyện một gã samourai thắc mắc không biết " thiên đường, địa ngục " là gì, nên mới tìm đến hỏi một vị thiền sư. Nghe xong, vị thiền sư lên tiếng mắng: " - Đồ ngu! Có thế mà cũng không biết ". Gã samourai nổi xung, mặt mày đỏ gay, rút kiếm đưa lên cao. " - Đó là địa ngục ", vị thiền sư thản nhiên nói. Giật mình và sượng sùng, gã samourai nét mặt dịu hiền trở lại, và từ từ hạ kiếm xuống. " - Đó là thiên đường ", vị thiền sư nheo mắt mỉm cười.

Như vậy là chỉ trong một nháy mắt, gã samourai đã xuống địa ngục và lên thiên đường. Chỉ trong một nháy mắt, tâm thức hắn đã thay đổi, phiền não đã trở thành Bồ Đề. Thật ra, địa ngục hay thiên đường chỉ là ảo tưởng, là huyễn tượng, không hề có thật. Huyễn tượng là huyễn tượng, cho nên địa ngục cũng là thiên đường, và phiền não cũng là Bồ Đề.

" Phiền não là Bồ đề " cũng không khác gì " luân hồi là Niết Bàn ". Đó chính là một tôn chỉ của Đại Thừa, một biểu hiện của tinh thần Bát Nhã. Ngài Long Thụ (Nagarjuna) (tk. 1-2), nhà luận sư Ấn Độ đã sáng lập trường phái Trung Quán (Madhyamaka), đã chứng minh điều đó.

Theo ngài, nếu ta lấy khởi điểm là giáo lý căn bản của đức Phật, tức là vô ngã (anatta), duyên khởi (paticca-samuppada), thì ta sẽ đi tới tánh không (sunyata), rồi từ tánh không sẽ tới " luân hồi là Niết Bàn ".

Nếu ngừng ở giáo lý cổ điển (như Tứ Đế, Bát Chánh Đạo, ngũ uẩn, lục căn, lục trần...), thì ta chỉ hiểu sự thật tương đối, qui ước (paramartha-satya), hay tục đế, trong khi sự thật tuyệt đối (samvriti-satya), hay chân đế, vì mang tánh không, không nắm bắt, không diễn tả được, cho nên vượt khỏi khái niệm, ngôn từ.

Tuy nhiên, chỉ cần đọc lại ba câu 277, 278 và 279 của Kinh Pháp Cú (Dhammapada): " Các hành vô thường. Các hành khổ. Các pháp vô ngã " (Sabbe samkhara anicca. Sabbe samkhara dukkha. Sabbe dhamma anatta), là chúng ta cũng thấy tầm quan trọng của các suy diễn theo sau. Nhà Phật học Walpola Rahula đã nói rõ tại sao hai câu trên dùng chữ " hành ", mà câu cuối lại dùng chữ " pháp ". " Hành " tức là các pháp hữu vi (conditionnés), tức là ngũ uẩn; trong khi đó " pháp " gồm tất cả các pháp, hữu vi và vô vi - Niết Bàn là pháp vô vi -. Như vậy, không phải chỉ có cái ta (ego) là vô ngã, mà Niết Bàn cũng là vô ngã.

Vì tất cả các pháp (dhamma) đều hiện hữu do duyên khởi, cho nên mọi sự vật đều không có tự tánh, tức là không (sunya). Như vậy, mặc dù trong kinh điển nguyên thủy không có từ tánh không (sunyata), nhưng theo ngài Long Thụ, tánh không đã có mặt tiềm ẩn trong duyên khởi, và nói tới cái này tức là nói tới cái kia. Điều đó, ngài đã nói rõ trong Trung Quán luận tụng (Madhyamaka-karika): " Duyên khởi, ta gọi là không " (chương XXIV, câu 18).

Và vì tất cả các pháp không có tự tánh, vì tất cả là không (" vạn pháp giai không "), cho nên tất cả đều như nhau, không khác gì nhau. Bởi vì luân hồi là không, Niết Bàn cũng là không, cho nên luân hồi là Niết Bàn, cũng như lời ngài đã nhắc đi nhắc lại trong Trung Quán luận tụng: " Không có một sự khác biệt nào giữa luân hồi và Niết Bàn " (chương XXV, câu 19). " Ranh giới của Niết Bàn là ranh giới của luân hồi. Giữa hai bên, không thể tìm thấy một sự khác biệt nào, dù vi tế nhất " (chương XXV, câu 20).

Như vậy, " luân hồi là Niết Bàn " đương nhiên trở thành một điểm nòng cốt của giáo lý Đại Thừa, của tinh thần Bát Nhã. Theo ngài Nguyệt Xứng (Candrakirti)(tk. 7), luận sư nổi tiếng thứ hai của phái Trung Quán, tánh không không phải chỉ là một lý thuyết suông, mà còn đóng một vai trò thực tiễn giúp con người tự giải phóng trên con đường giải thoát theo đạo Phật. " Mọi nhận thức về thế giới đều bị ngăn chận bởi tánh không, vì qua đó người ta nhìn thấy rõ cái không của mọi hiện hữu "(Minh Cú luận, Prasannapada). Thấy rõ cái không của chính mình, làm cho người ta thoát khỏi sự trói buộc. Tánh không làm tan biến đi tất cả các ý tưởng, lời nói, hành động và các điều bất tịnh gắn liền với chúng. " Từ đây, ta gọi không là Niết Bàn, vì nó mang lại sự ngưng nghỉ của tất cả mọi ưu tư ". Thế giới sanh tử (samsara) và Niết Bàn đều là không, cho nên hai bên không có khác gì nhau. Phiền não và Bồ Đề cũng vậy.

Cuối cùng, theo Candrakirti, " bài học của đức Thế Tôn nhằm hướng dẫn chúng ta tới sự thật chân thật, an tịnh, không lệ thuộc vào một điều gì, không bị cản trở bởi ý tưởng, suy tư, không còn một mẩy may phân biệt ".

Nguyên Phước
(20/01/2010)


 [  Trở Về  ]