Hồi 136  -  Lục Mạch Thần Kiếm  -  Nguyên Tác: Kim Dung

Ði dự yến Uyển Thanh trá hình

Giữa lúc ấy hai tay Cưu Ma Trí nắm trúng cổ họng Ðoàn Dự bóp thật mạnh.

Ðoàn Dự thở hít khó khăn, nói không ra tiếng.

Vương Ngọc Yến cả kinh, thò tay ra kéo tay lão.

Nhưng Cưu Ma Trí đã nổi cơn điên, tuy lão không vận nội lực được theo ý muốn, mà khí lực lại mạnh phi thường.

Vương Ngọc Yến nắm lấy tay lão, chẳng khác nào chuồn chuồn lay cột đá, không chuyển động mảy may.

Ngọc Yến lại càng kinh hãi chỉ sợ Cưu Ma Trí bóp chết Ðoàn Dự vội la lên:

- Biểu ca! Biểu ca! Biểu ca mau viện trợ một tay! Lão sư này muốn bóp chết Ðoàn công tử!

Mộ Dung Phục ngần ngừ nghĩ bụng:

- Gã họ Ðoàn này bảo giúp mình làm phò mã nước Tây Hạ, chẳng hiểu y nói thật hay nói dối. Hắn đã làm mình mất mặt trên núi Thiếu Thất, thanh danh nhà Mộ Dung bị tiêu tan trên chốn giang hồ. Nay hắn gặp nạn, mình cứu hắn làm chi? Hơn nữa tên hung tăng này bản lĩnh ghê hồn, ta không địch nổi. Ðể hai người đánh nhau cho chết cả đi. Nếu ta nhúng tay vào vụ này, chẳng cũng ngu lắm ru?

Y vẫn bấm ngón tay vào kẽ gạch, dán người vào thành giếng chứ không tụt xuống cứu Ðoàn Dự.

Ngọc Yến kêu khan cả cổ mà Mộ Dung Phục vẫn lờ đi như không nghe tiếng.

Nàng vung quyền đánh tới tấp xuống đầu xuống lưng Cưu Ma Trí.

Cưu Ma Trí cười thật to hơn và ho rũ đi. Hắn càng bóp cổ Ðoàn Dự mạnh hơn trước.

 

Nhắc lại Ba Thiên Thạch cùng Chu Ðan Thần đến sáng thức dậy chẳng thấy Ðoàn Dự đâu. Hai gã lại qua buồng Vương Ngọc Yến và gọi cũng chẳng thấy ai thưa. Chúng thấy cửa phòng khép hờ liền mở ra coi mà chẳng có một ai.

Ba, Chu hai gã lo sốt vó. Chu Ðan Thần nói:

- Tiểu chủ mình cũng một kiểu như vương gia, đi đến đâu là tình ái đến đấy. Nhất định y cùng Vương cô nương nửa đêm lén đi rồi, mà không biết đi đâu?

Ba Thiên Thạch gật đầu nói:

- Tiểu vương gia là người phong lưu lãng mạn, chỉ thích gái đẹp, chẳng tưởng gì đến nước non. Y chung tình với Vương cô nương ai cũng nhìn thấy rõ. Bảo y đi làm phò mã Tây Hạ, chắc y cũng chẳng chịu nghe theo. Ngày trước đức Hoàng thượng cùng vương gia bảo y luyện võ thế nào y cũng không chịu. Sau bị bức bách gấp quá, y liền bỏ nhà đi biến.

Chu Ðan Thần nói:

- Chúng mình đành chia đường ra mà rượt theo rồi cố khuyên y vậy, chứ biết sao bây giờ?

Ba Thiên Thạch nắm chặt hai tay, nhăn nhó gượng cười.

Chu Ðan Thần lại nói:

- Ba huynh! Ngày nọ Vương gia sai tiểu đệ đi tìm Tiểu vương tử. Tìm được y có phải chuyện dễ đâu? Nào ngờ...

Nói đến đây y hạ thấp giọng xuống nói tiếp:

- Tiểu vương tử mê Mộc Uyển Thanh cô nương. Hai người đang đêm lẻn đi. May tiểu đệ còn hên vận, ra đón ở đầu đường mới đưa được y về phục mệnh.

Ba Thiên Thạch vỗ đùi đánh đét một cái nói:

- Trời ơi! Thế thì lỗi tại Chu hiền đệ rồi! Hiền đệ đã trải qua một lần, sao mà còn đi vào vết xe đổ? Sao hiền đệ không cho tiểu huynh hay để luân phiên coi giữ?

Chu Ðan Thần thở dài đáp:

- Tiểu đệ tưởng y phải nể mặt Tiêu đại hiệp cùng Hư Trúc tiên sinh, khi nào dám bỏ đi? Ngờ đâu...

Gã hạ thấp giọng nói tiếp:

- Ngờ đây y say hoa đắm nguyệt, quên tình hữu nghị.

Câu nói về sau phê bình người trên thế là phạm thượng nên gã không dám nói to. Vả lại Ðoàn Dự chơi thân với gã, nên gã không muốn dị nghị chàng nhiều.

 

Hai người không biết làm thế nào đành báo cho Tiêu Phong và Hư Trúc hay.

Mọi người chia đi các ngả tìm kiếm.

Ròng rã một ngày, chẳng ai được tin tức gì hết.

Tối hôm ấy mọi người ngồi trong phòng Ðoàn Dự để bàn bạc.

 

Giữa lúc mọi người đang lo buồn thì một vị chủ sự bộ Lễ nước Tây Hạ đến nhà quán dịch nói cho hay tối mai là ngày rằm tháng tám, Hoàng thượng Tây Hạ thiết yến ở Tây Hoa cung để khoản đãi những tân khách đến cầu hôn. Y mời Ðoàn vương tử nước Ðại Lý thế nào cũng tới dự.

Ba Thiên Thạch không biết nói thế nào, đành vâng dạ cho qua rồi sẽ liệu sau. Viên chủ sự này đã nhận của đút lót của Ba Thiên Thạch nên tỏ vẻ rất niềm nở.

Lúc cáo từ, Ba Thiên Thạch đưa chân ra cửa, y còn ghé tai nói nhỏ:

- Ba lão huynh! Tại hạ có tin này báo cho lão huynh hay: Sáng mai đức Hoàng thượng tứ yến. Trên bàn tiệc ngài sẽ nhận xét về tài mạo cùng cử chỉ các vị thiếu niên anh tuấn. Sau yến tiệc, không chừng còn có cuộc ngâm thơ vịnh phú, bắn tên thi võ, để các giai khách tỷ đấu đặng phân cao thấp. Vị nào được làm phò mã sánh duyên cùng công chúa nương nương phải là tay đặc biệt lắm mới được. Vậy Ba huynh dặn Ðoàn công tử chuẩn bị cẩn thận.

Ba Thiên Thạch vái chào tạ ơn, rồi lấy trong tay áo ra một đĩnh vàng nhét vào tay chủ sự.

Ba Thiên Thạch tiễn chân chủ sự, rồi trở vào nhà tân quán kể lại cho mọi người nghe. Gã nói tiếp:

- Trấn Nam vương dặn đi dặn lại là phải tìm cách sao cho Tiểu vương tử lấy bằng được công chúa Tây Hạ. Anh em mình không tròn phận sự thì chẳng còn mặt mũi nào trở về nhìn thấy Vương gia nữa.

Trúc kiếm toét miệng cười nói:

- Ba lão gia! Tiểu tỳ muốn nói một câu được chăng?

Ba Thiên Thạch nói:

- Tỷ tỷ cứ nói đi!

Trúc kiếm cười nói:

- Phụ vương Ðoàn công tử muốn cho y lấy công chúa nước Tây Hạ chẳng qua là vì mục đích để Tây Hạ cùng Ðại Lý thành thân gia, đặng nương tựa lẫn nhau phải không?

Ba Thiên Thạch đáp:

- Ðúng thế!

Trúc kiếm lại hỏi:

- Còn như công chúa nước Tây Hạ đẹp tựa thiên tiên hay xấu hơn Vô Diệm, Ðoàn vương gia chẳng cần để ý, có đúng thế không?

Chu Ðan Thần nói:

- Ðãlà một vị công chúa chí tôn thì dù nhan sắc chẳng chim sa cá lặn, tất cũng vào hàng dễ coi.

Mai kiếm nói:

- Chị em tiểu nữ có ý kiến là cần sao lấy được công chúa đưa về nước Ðại Lý, còn tìm được Ðoàn công tử kịp thời hay không cũng chẳng quản ngại gì đến đại cuộc.

Lan kiếm cười nói:

- Y cùng Vương cô nương đi du ngoạn giang hồ đến năm bảy tháng hay một vài năm rồi trở về Ðại Lý cùng công chúa động phòng hoa chúc cũng không muộn.

 

Ba Thiên Thạch cùng Chu Ðan Thần vừa kinh hãi vừa mừng thầm, đồng thanh hỏi:

- Bốn vị cô nương có diệu kế gì, xin nói rõ cho nghe?

Mai kiếm đáp:

- Mộc cô nương đây cải dạng nam trang thật là một chàng thư sinh mỹ mạo, há chẳng đẹp hơn Ðoàn công tử nhiều ư? Ngày mai mời cô nương phó yến thì dù trên tiệc có hàng trăm hàng ngàn thiếu niên anh hùng cũng chẳng ai ăn đứt được.

Lan kiếm nói:

- Mộc cô nương là em gái Ðoàn công tử, đi lấy chị dâu về thay anh, lập công lớn cho nhà nước, làm hài lòng Vương gia. Có phải nhất cử lưỡng đắc không?

Trúc kiếm nói:

- Mộc cô nương đi làm phò mã, từ lúc bái đường đến lúc thành thân còn khá nhiều ngày giờ để tìm cho thấy Ðoàn công tử thì Mộc cô nương thay công tử đi bái đường cũng chẳng sao.

 

Nói xong ai cũng bưng miệng mà cười.

Bốn cô này ý nghĩ như nhau, khẩu âm cũng giống hệt.

Bốn người nói mà chẳng khác chi thanh âm một người.

Ba, Chu ngơ ngác nhìn nhau, đều biết rằng kế hoạch này thiệt quá táo bạo. Nếu bị nước Tây Hạ khám phá ra thì chẳng những thân gia không thành lại kết thành oan gia. Hoàng đế nước Tây Hạ nổi cơn thịnh nộ, hạ lệnh khởi binh thì vạ lớn không biết đến đâu mà lường?

Mai kiếm đoán đúng ý nghĩ của hai người liền nói:

- Nghĩa huynh của Ðoàn công tử là Tiêu đại hiệp kể ra không nên đến Tây Hạ làm gì, mà chỉ là vâng lời Trấn Nam vương. Vạn nhất xảy ra đại biến, Tiêu đại hiệp là Nam viện đại vương nước Ðại Liêu, trong tay nắm mấy chục vạn hùng binh, y chỉ nói một câu là ngăn cản được Tây Hạ không dám sinh sự với Ðại Lý nữa.

Ba Thiên Thạch là một trong tam công nước Ðại Lý, thông minh cơ biến cực kỳ mau lẹ. Y cầm quyền chính trong nước, làm việc rất chắc chắn. Y đã nghĩ đến Tiêu Phong là một tay viện trợ rất đắc lực cho Ðại Lý, nhưng không tiện nói ra.

Ba Thiên Thạch nghe Mai kiếm nói vậy, lại thấy Tiêu Phong gật đầu, cái gật đầu của ông mạnh bằng thiên binh vạn mã, y nghĩ thầm:

- Mưu kế của bốn cô bé này nghe như trò trẻ. Song ngoài kế ấy cũng không còn phương sách nào khác. Chẳng hiểu Mộc cô nương có chịu mạo hiểm không?

Y nghĩ vậy liền hỏi:

- Lời đề nghị của bốn cô nương đây thật là diệu kế nhưng nguy hiểm vô cùng. Vạn nhất mà bại lộ cơ mưu, Mộc cô nương có thể bị bắt. Huống chi, tuấn kiệt thiên hạ đến đây rất đông, kể về nhân phẩm thì Mộc cô nương là nhất rồi, nhưng về tỷ thí võ công chẳng hiểu cô có áp đảo quần hùng được chăng?

Mọi người chú ý nhìn Mộc Uyển Thanh để xem nàng chủ trương thế nào?

Bỗng nghe Mộc Uyển Thanh nói:

- Ba tiên sinh! Tiên sinh đừng nói khích ta nữa. Ca ca ta... Ca ca ta...

Nàng nói hai câu "Ca ca ta" rồi đột nhiên nước mắt tuôn rơi. Lòng nàng dường như có những điều mâu thuẫn nhau. Nàng nhớ tới Ðoàn Dự lén đi cùng Vương Ngọc Yến, cũng như tình trạng năm trước đây cùng nàng canh khuya ra đi. Giả tỷ chàng không phải là huynh trưởng nàng chắc không đến nỗi thay lòng đổi dạ.

Bây giờ chàng cùng kẻ khác thân ái mặn nồng khác nào cảnh thần tiên vui thú, còn nàng chịu lạnh lẽo cô đơn ở đây. Thần tử nước Ðại Lý vì quốc gia và công tử mà xuất lực, song nàng bản tính bướng bỉnh, lòng bi phẫn nổi lên, nàng đẩy đổ cái bàn phía trước, chén ấm loảng xoảng rớt xuống đất.

Mọi người nhìn nhau ngơ ngác và đều cụt hứng.

Ba Thiên Thạch kinh hãi nói:

- Việc này tại hạ có điều lầm lỗi. Giả tỷ tại hạ dùng lời nói khéo cầu khẩn thì Mộc cô nương dù chẳng chịu cũng bỏ qua. Nhưng tại hạ dùng lời nói khích khiến cô nương phải nổi giận.

 

Sáng sớm hôm sau, mọi người lại chia ngả đi tìm Ðoàn Dự.

Ngoài đường phố không biết bao nhiêu thiếu niên công tử, phục sức cực kỳ hoa mỹ, qua lại lũ lượt. Ðại đa số bọn này sẽ vào hoàng cung dự yến. Ðột nhiên có tiếng chửi mắng và ẩu đả om sòm.

Nguyên đó là bọn võ sĩ Thổ Phồn vẫn hết sức giảm bớt những tay địch thủ đến cạnh tranh với Tiểu vương tử nước họ.

 

Tối đến, mọi người quay về nhà quán dịch.

Tiêu Phong nói:

- Tam đệ đã bỏ đi rồi. Chúng ta cũng đi thôi. Ai làm phò mã, mặc ai, chả liên quan gì đến chúng ta.

Ba Thiên Thạch nói:

- Tiêu đại hiệp nói phải đó. ở đây ngồi nhìn người ngoài làm phò mã càng thêm tức mình.

Chung Linh đột nhiên hỏi:

- Chu tiên sinh! Tiên sinh đã lấy vợ chưa? Ðoàn công tử không muốn làm phò mã sao tiên sinh lại không làm? Tiên sinh lấy được công chúa nước Tây Hạ há chẳng giúp cho Ðại Lý rất nhiều ư?

Chu Ðan Thần cười đáp:

- Chung cô nương khéo nói giỡn. Vãn sinh đã có vợ con rồi.

Chung Linh thè lưỡi ra.

Chu Ðan Thần lại nói tiếp:

- Ðáng tiếc là cô nương non mặt quá lại má lúm đồng tiền chẳng giống đàn ông chút nào, không thì có thể thay cho ca ca được.

Chung Linh hỏi giật giọng:

- Sao? Thay ca ca ta ư?

Chu Ðan Thần biết mình lỡ lời. Gã nghĩ bụng:

- Cô cũng là con gái tư sinh của Trấn Nam vương. Nhưng việc này chưa thành công khai, mình chẳng nên nói càn.

Thốt nhiên ngoài cửa có người lên tiếng:

- Ba tiên sinh! Chu tiên sinh! Chúng ta đi thôi chứ!

Rèm cửa mở lên, một chàng thiếu niên tuấn nhã bước vào.

Chính là Mộc Uyển Thanh đội lốt thư sinh.

Mọi người vừa kinh ngạc vừa mừng thầm đồng thanh hỏi:

- Sao? Mộc cô nương chịu đi ư?

Mộc Uyển Thanh đáp:

- Tại hạ họ Ðoàn tên Dự, là thế tử của Trấn Nam vương nước Ðại Lý. Các vị ăn nói phải biết lựa lời mới được!

Nàng nói dõng dạc, tuy thanh âm chưa hết vẻ con gái nhưng là tiếng nói sắc sảo của chàng thiếu niên.

Mọi người thấy nàng học tiếng nói rất giống đều cười ha hả.

Nguyên Mộc Uyển Thanh lúc trước tức mình chạy về phòng khóc một hồi. Sau nàng nghĩ lui nghĩ tới, thấy mình đắc tội với mọi người, trong lòng rất áy náy, liền giả mạo làm Ðoàn Dự để đi lấy công chúa Tây Hạ. Vụ này khiến cho nàng có những ý nghĩ rất ngộ nghĩnh. Nàng lẩm bẩm:

- Ca ca cùng Vương cô nương như chim chắp cánh thật là sung sướng. Ta cũng lấy công chúa nước Tây Hạ để rồi về quấy rầy chơi làm cho ca ca phải phiền não mới nghe.

 

Nàng nhớ lại buổi đầu vào thành Ðại Lý, lúc song thân Ðoàn Dự gặp nhau mà bẽn lẽn dị thường. Rồi đây Ðoàn Dự có một cô vợ chính thất là công chúa nương nương lại đủ minh môi chính thú. Như thế thì Vương Ngọc Yến không thể làm vợ y được. Mình đã không được lấy y, cũng không để một cô gái xinh đẹp khác được vào làm vợ y cho bõ tức!

Nàng càng nghĩ càng lấy làm đắc ý, phưỡn ngực ra để quyết chí mạo xưng là Ðoàn Dự. Ba Thiên Thạch tinh thần phấn khởi, vội vàng chuẩn bị mọi việc.

Mộc Uyển Thanh nói:

- Tiêu đại ca! Hư Trúc nhị ca! Hai vị cùng đi phó yến với tiểu đệ thì tiểu đệ chẳng còn sợ hãi gì nữa. Nếu không, lúc xảy ra cuộc động thủ, sao tiểu đệ đánh nổi bọn họ? Trong hoàng cung mà tiểu đệ phải phóng độc tiễn giết người, thì còn ra thể thống gì nữa?

Lan kiếm cười nói:

- Phải đó! Nếu Ðoàn công tử mà phóng tên độc ra bốn phía thì trong hoàng cung nước Tây Hạ thây chết ngổn ngang. Tiểu nữ e rằng công chúa nương nương không chịu lấy công tử đâu!

Tiêu Phong cười đáp:

- Ta cùng nhị đệ đã chịu lời ủy thác của Ðoàn bá phụ. Dĩ nhiên là phải tận lực giúp tam đệ.

 

Mọi người thay đổi y phục xong, đi về phía hoàng cung.

Tiêu Phong cùng Hư Trúc giả làm người tuỳ tùng trong phủ Trấn Nam vương nước Ðại Lý. Chung Linh và Tứ kiếm cung Linh Thứu đều muốn cải dạng nam trang, để đi coi vụ náo nhiệt này, nhưng Ba Thiên Thạch ngăn cản nói:

- Một mình Mộc cô nương cải trang còn sợ hành tung bại lộ. Nếu những năm vị cô nương cùng cải trang thì thế nào cũng bị bại lộ hành tung.

Bọn Chung Linh đành thôi vậy.

Ðoàn người vừa đi ra khỏi cửa quán dịch, Ba Thiên Thạch bỗng la lên:

- Trời ơi! Suýt nữa thì nguy to! Gã Mộ Dung Phục cũng đến đây tranh ngôi phò mã. Gã nhận biết Ðoàn công tử rồi. Bây giờ biết làm thế nào?

Tiêu Phong tủm tỉm cười nói:

- Ba huynh bất tất phải lo ngại. Mộ Dung công tử cùng Ðoàn tam đệ không từ biệt bỏ đi. Vừa rồi tại hạ đã thăm nhà thấy bọn Ðặng Bách Xuyên, Bao Bất Ðồng cũng đang nóng nẩy chẳng khác gì kiến bò trong chảo nóng.

Mọi người cả mừng. Chu Ðan Thần khen rằng:

- Tiêu đại hiệp thật là chu đáo, đã do thám cả bên Mộ Dung công tử rồi!

Tiêu Phong mỉm cười nói:

- Nếu mình không lo nghĩ cho trọn vẹn thì e rằng Mộ Dung công tử võ nghệ cao cường, y tất là một tay kình địch với Mộc cô nương.

Ba Thiên Thạch cười nói:

- Chắc Tiêu đại hiệp tìm đến khuyên can y tối nay đừng đi phó yến nữa.

Chung Linh giương cặp mắt thao láo lên hỏi:

- Y chẳng quản đường xa ngàn dặm đến đây chỉ vì mục đích muốn làm phò mã Tây Hạ, dù đại hiệp có khuyên can, nào y chịu nghe theo? Tiêu đại hiệp! Ðại hiệp cùng Mộ Dung công tử chắc là chơi thân với nhau lắm?

Mộc Uyển Thanh cười nói:

- Tiêu đại hiệp cùng y không hiểu giao tình thế nào chưa biết. Có điều quyền cước và khẩu tài Tiêu đại hiệp rất giỏi, y không nghe cũng không được.

Chung Linh bây giờ mới hiểu, cười nói:

- Quyền cước đi đôi với lời khuyên là người ta phải nghe ngay.

Mộc Uyển Thanh, Tiêu Phong, Hư Trúc, Ba Thiên Thạch và Chu Ðan Thần năm người vào tới hoàng cung.

Ba Thiên Thạch đưa danh thiếp vào.

Quan Thượng thư bộ lễ nước Tây Hạ thân hành ra nghênh tiếp, tiến dẫn vào điện Trung Hoà.

Nơi đây có chừng hơn trăm thiếu niên đến dự yến, ngồi rải rác khắp nơi. Giữa điện kê một bàn tiệc phủ khăn gấm thêu rồng vàng. Ðó là chỗ ngự toạ của Quốc vương nước Tây Hạ. Hai hàng bàn hai bên đều trải khăn hàng đoạn tía.

Bàn tiệc bên đông có một thiếu niên mặt rậm mày to ngồi. Thiếu niên người to béo, mình mặc áo đại hồng bào. áo bào thêu một con cọp nhe nanh giơ vuốt, hình thù cực kỳ uy mãnh. Sau y có tám tên võ sĩ đứng hầu.

Bọn Ba Thiên Thạch vừa nhìn thấy đã biết ngay đó là Tôn Tản, vương tử nước Thổ Phồn.

Quan Thượng thư bộ lễ đưa Mộc Uyển Thanh vào ngồi riêng bàn tiệc ở đầu mé Tây, chứ không ngồi chung với người khác.

Xem cách trình bày đủ biết trong đám thiếu niên đến cầu thân thì Vương tử nước Thổ Phồn và công tử nước Ðại lý là hai nhân vật tôn quý hơn hết, được Quốc vương nước Tây Hạ đối đãi một cách đặc biệt.

Ngoài ra các quan to cùng những người tuấn kiệt trong dân gian thì ngồi cùng một bàn.

Các bàn tiệc đã ngồi đông đủ cả rồi, hai vị trị điện tướng quân tuyên bố:

- Tôn khách đến đông đủ rồi, đóng cửa điện lại.

Âm nhạc bắt đầu nổi lên, hai cánh cửa điện rất dày do bốn tên chấp khích thị vệ từ từ đẩy vào.

Cửa điện đóng rồi. Trong những dãy hành lang có một đoàn kim giáp thị vệ mặc giáp vàng tay cầm trường kích. Ðầu kích đều có đốt đuốc để soi sáng.

Tiếp theo tiếng âm nhạc, hai đội thị vệ từ nội đường đi ra. Tay gã nào cũng bưng một lò hương bằng bạch ngọc. Trong lò hương khói xanh bốc lên nghi ngút.

 

Mọi người đều biết nhà vua sắp ra. Ai nấy nín thở chờ đợi, không dám lên tiếng. Sau cùng là bốn tên thị vệ mặc áo cẩm bào, trong tay không cầm một vật gì, chia ra hai bên bàn ngự toạ đứng đó.

Tiêu Phong thấy bốn người này huyệt thái dương nhô lên thì biết là những nhân vật võ công cao cường, làm thị vệ bên cạnh nhà vua.

Một tên nội thị dõng dạc tuyên bố:

- Hoàng thượng giá lâm! Chuẩn bị nghênh giá!

Mọi người quỳ cả xuống, bỗng có tiếng giày nhà vua lẹp xẹp từ trong đi ra ngồi vào ghế ngự tỷ.

Gã nội thị lại hô:

- Ðứng dậy!

Mọi người đều đứng lên. Ðức vạn tuế tứ toạ!

Tiêu Phong quay mặt nhìn về phía Hoàng đế thấy thân hình nhà vua không cao lớn lắm, song vẻ mặt cũng có dáng anh hùng, một nhân vật anh hùng ngoài cõi biên cương.

Hết Hồi 136  -  Lục Mạch Thần Kiếm  -  Nguyên Tác: Kim Dung
Xem Hồi 137