Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
|
|
Tiểu thuyết NXB The book Edition Tác giả : Miêng
|
MỖI THÁNG MỘT NHÂN VẬT Con nít trên hòn đảo nhỏ kéo nhau làm một vòng chung quanh chiếc xe đài truyền hình. Có khi nào thấy xe này dừng ở nhà ai, vậy mà hôm nay chẳng những nó dừng, lại còn lủ khủ máy móc dây nhợ khênh vào nhà một trong những cụ khả kính nhất khu phố đảo. Mỗi lần đi học ngang qua nếu có các cụ ngoài vườn, chúng thường được gọi vào tùy mùa cho trái ổi, trái táo mà chúng gọi là trái ngoại quốc, có khi cả mướp hay bầu bảo đem về cho bố mẹ, mặc dù thật sự có đứa ở tít đầu đảo bên kia, chẳng mấy quen biết và các cụ cũng chẳng cần biết chúng nó con ai. Bỗng chúng chỉ vào một cô la to: - A, bây ơi, cô này thấy trên truyền hình hoài mà, chương trình gì đó bây, đứa nào nhớ không? Cô ơi cô, có phải cô trên truyền hình không? Phải kìa bây. Cô tới đây làm gì vậy cô? Cô gái mang túi xách vải màu đen to tướng đang nhìn đồng nghiệp khệ nệ khiêng máy móc, loay hoay xuống xe, cười tươi với lũ trẻ: - Các em có biết hai cụ ở đây không? Chúng nhao nhao dành nhau trả lời: - Biết chớ cô, ai cũng biết, hai cụ tốt lắm mà. - Vậy thì tuần sau các em sẽ thấy hai cụ trên truyền hình. - A! Các cụ được đóng phim hả cô? Phim gì vậy cô? - Ừ, hai cụ đóng phim. - Chút nữa quay tụi em với nghe cô. - Hả? Ừ. Cả nhóm truyền hình cùng cười với đám trẻ con. Một anh gật gù: - Ý hay đấy, chứng tỏ các cụ được dân đảo yêu quý. Thế các cháu cứ chơi ở đây đừng đi đâu nhé! - Thiệt hả chú? Tụi cháu được đóng phim thiệt hả chú? Phim gì vậy chú, có đá banh không chú? Cả bọn hí hửng thoi nhau thùm thụp bảo vậy là tụi mình sẽ là tài tử xi nê, có té cũng ráng té sao cho đẹp nghe bây. Có đứa già dặn: - Mà chú ơi, quần áo tụi cháu xấu quá, dơ dáy quá chú à, lên phim kỳ chết! - Không sao đừng lo, rồi đứa nào cũng sẽ đẹp như tài tử thứ thiệt cho coi. - Thiệt hả chú?
Chúng hè nhau khiêng
phụ mấy món lỉnh kỉnh, hỏi han ríu rít món nọ món kia
dùng vào việc gì. Buổi sáng trên đảo thường vẫn yên ả
bỗng rộn ràng vui.
Vào nhà, sau nghi lễ xã giao, thiên hạ lao xao kẻ bắt dây người chỉnh máy. Căn nhà thênh thang bớt nỗi cô đơn chỉ có hai ông bà cụ sống đã mấy chục năm, nhìn xuyên hai thế kỷ. Phóng viên truyền hình từ lục địa ra đảo phỏng vấn, chương trình “Mỗi tháng một nhân vật”, về gia đình gương mẫu, tìm hiểu bí quyết sống lâu khỏe mạnh và nhất là có cuộc đời hạnh phúc mẫu mực. Hai cụ vừa tổ chức lễ kim cương đánh dấu sáu mươi năm đeo nhẫn cho nhau. Hai cụ mỉm cười nhìn anh em lăng xăng. Trông cụ nào cũng minh mẫn, tóc trắng phau chẳng còn sót lại sợi xám nào, da dẻ hồng hào điểm vài nốt đen thời gian. Người ta đề nghị hóa trang chút đỉnh, ban đầu hai cụ nhất định không chịu, phải nói mãi rằng vẫn không mất tự nhiên, chỉ hạn chế vẻ nhợt nhạt do đèn chiếu hơi mạnh thôi. Cụ ông nguầy nguậy: - Đàn bà mới trang điểm, làm cho bà tôi thôi, tôi đàn ông cần gì. - Vẫn cần đấy thưa cụ, nếu không trông sẽ rất xanh xao thì không đúng với sự thật. - Sự thật là thế nào? - Da cụ hồng hào đẹp như ông tiên ấy mà. Cụ ông cười rổn rảng: - Khéo tán nhỉ. Nhưng này, thời buổi bây giờ chín mươi thì đâu có gì là thọ. À ờ, thiên hạ sống hơn trăm tuổi ấy chứ, sao các anh không đến đấy mà phỏng vấn? - Không phải chỉ sống thọ cụ ạ, mà còn hạnh phúc và mẫu mực nữa. - A, thế là chúng tôi mẫu mực nhỉ! Cụ ông vừa nói vừa cười vang vang sảng khoái. Lát sau cụ bà nhìn trong gương khuôn mặt đã phấn son, cười hỏi cô trang điểm: - Trông tôi có còn bắt mắt không? - Rất bắt mắt cụ ạ. Nhóm làm phim quay mấy cảnh ngoài vườn cây trái, nhóm con nít ngoan ngoãn ngồi trên hiên nhà. Thấy máy quay hướng về mình, chúng nó tụm vào cười toe toét choàng vai nhau... - Chú ơi, có cần giả bộ đá banh hay đá kiện gì không? - Không cần, cứ
ngồi đó cười đi.
Mọi người cười vui vẻ. Vào nhà, nhân viên giải thích cách hoạt động của hai ống kính, khuyên hai cụ cứ tự nhiên như cuộc nói chuyện bình thường. - Không được nhìn vào nó à? - Vâng, cứ như không có nó. - À ờ, khó nhỉ. Thế mà nó nhìn chúng tôi lom lom à? - Vâng.
Cụ ông nhìn máy móc dây nhợ: - Lỉnh ca lỉnh kỉnh nhỉ. Chỉ mấy phút mà cũng phải đăng đê vậy à? - Vâng, phải đủ đồ nghề chứ ạ. Phát hình mười phút cụ ạ. - À ờ, thế thì cũng xong nhanh thôi nhỉ. - Vâng, nhưng thâu hình sẽ lâu hơn nhiều, rồi chỉnh sửa cắt bớt, ráp lại cụ ạ. - Này bà, mình đóng
phim đấy nhé, cười cười cho duyên dáng lên, như hồi xưa
mỗi lần bà gặp tôi ấy.
Mọi người cười. Chờ hai cụ sửa dáng ngồi thoải mái tự nhiên, một người xoè bàn tay, rồi bốn, rồi ba, rồi hai, rồi một ngón tay, tiếng máy xè xè và cuộc phỏng vấn bắt đầu: - Thưa hai cụ, xin hai cụ cho biết bí quyết sống thế nào mà hai cụ thọ và mạnh khỏe ạ? Hai cụ nhìn nhau, cụ ông ra dấu cho cụ bà trả lời. Cụ bà mỉm cười: - Như các anh chị thấy đó, vườn chúng tôi trồng cây ăn trái. Quý nhất chắc là các cây táo Nhật. Hồi đó ở đây chưa có táo. Chắc nhờ chúng tôi ăn táo mỗi ngày. Các anh chị biết rồi, ăn táo tốt lắm. Đám trẻ thập thò ở cửa la lên: - Hai cụ thường cho tụi cháu táo ngoại quốc... Mà trái gì trong vườn cũng ngon lắm. Anh phóng viên cười cười ra dấu bảo chúng im. - Ngày mấy trái hở cụ? - Bất kể, cứ dạo vườn, thấy trái táo nào chín tới ngon lành thì ăn, ít nhất một trái một ngày. - Vậy ạ. Thế bây giờ vẫn… Cụ ông cười chen vào: - Bây giờ thì ăn táo xay, răng cỏ nhai gì nổi nữa mà ăn. - Thưa, chỉ thế thôi ạ, không có bí quyết gì sao? - Bí quyết? À ờ, anh tưởng tôi cam phận giữ gìn như mấy ông thánh không uống rượu, không hút thuốc, không đàn bà hả? (Cười) Thế thì thọ làm quái gì nhỉ? - Thưa, hai cụ có bác sĩ chăm sóc chứ ạ? - Có chứ! À ờ, nhưng là lúc đầu mới về đảo này, thời chúng tôi còn trẻ và có con mọn kia. Rồi trẻ con lớn lên, ra riêng hay đi nơi khác làm ăn, các ông bác sĩ không tới lui đây nữa. - Sao vậy ạ, thỉnh thoảng họ không đến khám bịnh hay chăm sóc hai cụ sao? Cụ ông cười ha hả: - Chúng tôi có hề bịnh hoạn gì đâu mà họ tới? À ờ, riết rồi họ chết hết cả, chúng tôi đưa đám tang mệt phờ. Cô ký giả cười sửa thế ngồi, đằng hắng chuyển đề tài: - Thưa hai cụ, hai cụ có thể kể sơ cho chúng cháu nghe cuộc đời của hai cụ từ thuở còn đi học, đến đi làm, lập gia đình, ra đảo sinh sống, vân vân... cho đến giờ không ạ? Ông cụ ngập ngừng: - À ờ được chớ, nhưng dông dài lắm. Thôi, đại khái nhé, là chúng tôi được đi Pháp du học năm Vua Bảo Đại lên ngôi, năm 1932, đi tự túc, thời đó hiếm hoi lắm. Ưm, chúng tôi ở đây là ông Tuấn ông Dương với tôi, bạn nối khố từ hồi tiểu học cơ đấy, đi đâu cũng có nhau. (E hèm) À ờ, ông Dương lụt lịt, mà gái mê lắm nhé, có cả đầm mê đấy, mặc dù thời đó tụi Tây xem mình là dân thuộc địa. À ờ, học xong chúng tôi lo về ngay vì chiến tranh thứ hai bắt đầu rục rịch. Là may đấy, nếu không chẳng biết ra sao. À ờ, về thì đứa nào cũng có công ăn việc làm ngay. Mấy năm sau là ông Dương lấy bà Cúc, bà ấy gánh hàng về nhà, bị xe đạp tông, ống ấy đỡ lên rồi ẵm luôn. Ghê thế. À ờ, rồi bà Cúc đặt bẫy cho tôi sập vào bà bạn thân, là bà cụ của các anh chị đây. Cả nhóm lại cười dòn dã thích thú. - Thế còn ông Tuấn ạ? - À, ông ấy thì cũng kinh lắm. (Cười) Chỉ có tôi là hiền (nhìn vợ), bà nhỉ. Ngộ, thời đó hay mai mối. À ờ, chúng tôi về, nhiều gia đình giàu kêu gả con cho, nhưng chẳng ai thành. Vài năm sau tiền bạc đứa nào cũng rủng rỉnh rồi, sau đám cưới chúng tôi, cả bọn kéo ra Huế chơi tuần trăng mật. À ờ, thế là bà Thúy đánh rơi quyển sách khi ra khỏi tiệm sách, con gái Huế duyên dáng thế đấy, ông Tuấn nhặt lên và nhặt luôn bà Thúy. Ha ha. - Còn ra đảo thì khi nào ạ? - À ờ, tôi có vợ sau ông Dương một năm, năm sau đến ông Tuấn. Nhưng chúng tôi có con trước tiên. Bà cụ anh chị mắn thế đấy. Gần hai năm sau hai bà kia mới sinh. À ờ, sau Hiệp định Geneve, năm 1955 thì chúng tôi chọn ra đảo sống, lúc đó đứa lớn nhất là thằng Trung chúng tôi bốn tuổi, con ông Dương ông Tuấn mới hơn hai tuổi. - Thưa, ai có ý nghĩ đó đầu tiên hả cụ? - Ông Dương với bà Thúy. À ờ, ông Dương thì ưng yên tịnh, bà Thúy thì thích biển. Lần ra đảo chơi về, hai ông bà ấy cứ trầm trồ hoài. Ban đầu chưa bị thuyết phục, tụi tôi hay đùa thôi gả hai ông bà cho nhau rồi dắt ra đảo ở đi. Máy thâu tiếng cười rộ của nhóm làm phim nghe rất vui. Vòng vo hồi lâu linh tinh chuyện, cuối cùng cô ký giả mỉm cười: - Thưa cụ, xin hỏi một câu hơi riêng tư. Suốt sáu mươi năm chung sống, cụ có… hum… lừa dối cụ bà lần nào không? - Nói thẳng ra, à ờ, nghĩa là có bồ bịch ngủ nghê gì với bà nào khác hả? (mọi người lại cười). Ối dào các anh chị hồi đó chưa sinh ra nên không biết đâu, hòn đảo này bây giờ tương đối tấp nập, quá tấp nập vì du khách, gọi là gì nhỉ, à ờ, sinh thái phải không, chớ cách đây năm sáu chục năm thì vắng vẻ, mọi người biết nhau hết, có chuyện gì thì đúng là trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đà hay. Anh chị tưởng tôi tằng tịu với ai mà có thể sống thọ đến ngày nay với bà cụ anh chị đây à? À ờ, dấm dớ nhỉ. Lại cười. - Thưa cụ bà, sang
năm nữa cụ sẽ làm lễ sinh nhật chín mươi. Xin cụ cho biết
có hài lòng về sự nghiệp họa sĩ của mình không?
Bà cụ cười tươi xua tay: - Ối cha, tôi bất tài vô tướng, ban đầu chỉ là vẽ chơi chơi cho vui. Một hôm đảo tổ chức triển lãm tài vặt, mấy bà bạn xúi đem cho tòa thị trưởng chưng, thì đem. Vậy là có mấy ông nhà báo như các anh viết bài khen. Vậy là tự nhiên tôi được có danh hiệu họa sĩ thôi. Họ nói về các bức tranh nổi tiếng của bà cụ, cách đánh giá từ lục địa, về ý nghĩa, màu sắc và bố cục. Bà cụ lắc lắc đầu cười: - Rõ ràng như thiên hạ nói gì gì quên rồi ông, à phê bình là sáng tạo hả ông. Khi vẽ, tôi có hề nghĩ như vậy đâu. Họ cứ tướng lên. Dông dài về cuộc đời, về quan niệm sống, về con cái của các cụ xong, một lát sau: - Thưa cụ, sống trên đảo hơn năm chục năm qua, xin cụ có thể cho biết có kỷ niệm nào ăn sâu nhất trong lòng? Hai cụ quay mặt vào nhau, ánh mắt khác đi. Người ta đọc được điều gì là lạ trong cái nhìn đó, kéo dài, bối rối. Im lặng. Phái đoàn làm phim linh tính mình gãi đúng chỗ nào đó, vừa đau đớn vừa quyến rũ. Và họ nín thinh chờ, như thể không dám khơi động thêm điều thầm kín nào hai cụ cho tới nay có vẻ chưa hề tiết lộ. Hình như có tiếng thở dài rồi cụ ông lay tay cụ bà: - Có chứ, có rất nhiều kỷ niệm ăn sâu trong lòng chúng tôi. À ờ, bà kể đi, trí nhớ bà còn tốt hơn tôi. Can đảm lên. Khóe mắt đã sụp trườn ra giọt nước nhỏ, bà cụ lau bằng lưng bàn tay và mỉm cười thanh thản: - Được rồi, tôi sẽ kể cho anh chị nghe về tình bạn của chúng tôi thời còn trẻ và một vài điều cho tới giờ không biết còn không, nhưng vào thời đó là kỳ dị trên đảo. Tôi kể chắc sẽ thiếu sót nhiều, một phần vì cố quên đi, mà bây giờ cố nhớ lại vẫn quên, một phần vì có những lúc tôi không chứng kiến tận mắt, chỉ nghe nói lại, có khi là phong phanh thôi. Phần sau thì dựa vào nhật ký con Ti. - Thưa cô Ti là... - Con gái ông Tuấn bà Thuý, một trong ba cặp anh em chúng tôi. Đó, rồi phần còn lại thì tùy khả năng tưởng tượng của các anh chị cách nào cho phù hợp với hoàn cảnh mỗi giai đoạn nghe. Chắc không khó lắm đâu… Các anh là nhà báo mà, bịa sao chẳng được. Cả đám lại cười, bị móc mà vẫn cười sảng khoái. Và bà cụ chống cây ba tong bước chậm chạp đến tủ sách, cô phóng viên vội vàng chạy đến giúp cụ bà mở khóa, lấy ra nhiều quyển album dày cộm... |
|