Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

 
CỦA THẦN, CỦA NGƯỜI

Thu Tứ

Người Chàm khi buồn khi vui
Nhưng nhạc Chàm lúc nào cũng "buồn"!
Thử tìm hiểu nhân sinh quan Chàm
Nhạc Chàm là "của thần"
Nên nghiêm đấy, không phải buồn đâu!
Người Việt cũng khi buồn khi vui
Tại sao nhạc Việt ít buồn?
Thử nhìn lại nhân sinh quan Việt
Nhạc Việt là "của người"
Nên có buồn, là thứ "buồn tươi"!
Dĩ nhiên ta đâu phải chỉ tươi trong nhạc
 

Người Chàm khi buồn khi vui

Trong mười mấy thế kỷ kể từ lúc Khu Liên mở nước Lâm Ấp đến lúc người Việt vào xưng chúa ở Nam Hà, dân tộc Chàm bao phen "lên vinh xuống nhục"(1), chứ đâu phải lúc nào cũng "nhục".

Đây những vinh quang:

Thời Bắc thuộc trong lịch sử ta, khi Giao Chỉ - Cửu Chân đã bỏ cuộc, chấp nhận đô hộ, thì Lâm Ấp vẫn mãnh liệt tiếp tục chống cự quân xâm lược Trung Quốc. Vua Lâm Ấp từng sai sứ sang Tàu đề nghị thiên triều nhường quyền cai trị Giao Châu lại cho nước mình!(2)

Từ địa bàn gốc vùng Đại Lãnh - Hải Vân, người Chàm từng Bắc tiến ra tận Hoành Sơn (3), trước sau xâm phạm bờ cõi người Việt bốn mươi ba lần!(4)

Mới thế kỷ mười bốn, Chế Bồng Nga còn giết được vua Việt tại trận, "ra vào nước Nam ta như đi vào chỗ không người", ba lần đốt phá Thăng Long, làm vua cha vua con nhà Trần khiếp hãi bỏ chạy, làm Trần Khát Chân nhận lệnh đi chống giữ mà sợ phát khóc.(5)

Cái giống dân Chàm rõ ràng đã từng có những quãng thời gian đáng vui quá đi chứ.
 

Nhưng nhạc Chàm lúc nào cũng "buồn"!

Đời Lý, các vua Việt rất thưởng thức những khúc Chiêm Thành Âm. Đào Duy Anh cho biết đó là thứ nhạc "tiếng trong trẻo mà ai oán thảm thương, ngâm nghe phải khóc".(6)

Khi Chiêm Thành còn là Lâm Ấp, Rinyugaku - tức Lâm Ấp nhạc - đã được triều đình Nhật chọn làm một trong ba loại nhã nhạc.(7) Hai nước ở xa nhau lắm, cớ sao vua quan Nhật lại ưu ái, mến mộ nhạc Lâm Ấp đến mức ấy? Không khỏi lờ mờ nghĩ đến ý kiến cho rằng hoàng gia Nhật và người Chàm có cùng gốc. Dù sao, căn cứ vào tiếng sáo Nhật truyền thống, hình như dân tộc Nhật có một thiên hướng về những âm thanh não nùng, ma quái. Mỗi loại nhã nhạc được chọn vì một lý do. Có phải Rinyugaku trúng tuyển vì nó nghe đúng mức thê lương?

Đó là hai manh mối khá rõ ràng.

Ngoài ra, không biết dựa vào đâu, Phạm Duy viết: "ngay từ khi dân tộc Chàm còn đang ở trong thời thịnh của quốc gia họ (...) âm nhạc Chàm đã sớm (...) mang tính chất buồn".(8)

Người đang thịnh, đang vui, mà nhạc lại buồn?!
 

Thử tìm hiểu nhân sinh quan Chàm

Không thể có chuyện người vui mà nhạc buồn.

Nhạc Chàm hẳn thực ra không phải là buồn.

Nhạc và người tất có liên hệ chặt chẽ.

Để hiểu nhạc Chàm, thử tìm hiểu người Chàm.

Về một dân tộc sống ngay bên cạnh mình suốt hàng mười mấy thế kỷ, cái biết của ta sơ sài quá. Nhưng như thế phần lớn là do chính người Chàm. Tuy có chữ viết, họ rất ít viết, cơ bản chỉ thỉnh thoảng đục một tấm bia để ghi chép sự nghiệp của một ông vua hiển hách. Thư tịch Trung Quốc, những bài "bi ký" hiếm hoi này, cùng với văn học truyền khẩu Chàm, gộp lại cung cấp cho ta chút đỉnh kiến thức.

Theo Phạm Duy, những người láng giềng phương nam ấy "rất chú trọng đến việc tín ngưỡng. Ðời sống hằng ngày của họ dường như là một cuộc lễ bái không ngừng".(9)

Theo Lương Ninh, "Đời sống vật chất của người Chăm xưa rất giản dị (...) Mặc cũng đơn giản (...) Người dân thường thật ít có nhu cầu".(10)

Đại khái, đó là một dân tộc rất chăm tu mà biếng sống!

Họ rất đỗi tha thiết với thế giới bên kia, mà rất thờ ơ với cõi đang sống. Họ sống mà như luôn hướng về cái chết! (tuy họ vẫn tranh sống dữ dằn!)
 

Nhạc Chàm là "của thần"

Biết người Chàm rồi, trông lại nhạc Chàm, bắt đầu thấy... ánh sáng.

Vẫn Phạm Duy: "thể nhạc phổ thông nhất trong xã hội Chàm là nhạc lễ".(11)

Hiển nhiên! Đã "lễ bái không ngừng" thì làm gì còn có thì giờ cho thứ nhạc nào khác ngoài nhạc lễ!

Lễ lễ nhạc nhạc lễ lễ liên miên, đến lúc nào đó người Chàm rút ra một quan niệm độc đáo về âm nhạc: họ tin rằng "âm nhạc là của thần thánh", là những âm thanh truyền xuống từ "chốn thiên đường".(12)

Nhạc Chàm là nhạc "của thần"!

Trách sao khác hẳn những nhạc của người!

Nhưng, cụ thể, nó khác ra sao?
 

Nên nghiêm đấy, không phải buồn đâu!

Phạm Duy bảo nhạc Chàm buồn, nhưng rồi lại cho biết "nhạc Chàm không thể có hơi Nam giọng ai của nhạc Huế" và "nhạc Chàm thật ra rất gần gũi với loại nhạc oán của miền Nam."(13)

Ai cũng biết nhạc Huế buồn ơi là buồn.

Trong khi dân ca Nam bộ khi buồn thì nhẹ nhàng, chứ không não nùng, thê thiết như hò Huế.

Vậy nhạc Chàm tiếng rằng buồn, chứ thực ra không buồn mấy đâu, có thể không hề buồn!

Tại sao lạ vậy?

Nhà thơ Xuân Diệu có lần mô tả nhạc Chàm là "lạ lùng", "mê ly".(14) "Lạ" dễ hiểu, còn "mê ly" cũng dễ hình dung. Nhạc lễ có tác dụng đưa tín đồ vào một cơn say tôn giáo. Người nghe không phải tín đồ thì không say đạo nhưng rất có thể bị cái nhiệt tình của nhạc thu hút, có thể cũng đâm ra có cảm giác say sưa. Mặt khác, nhạc lễ tất phải nghiêm trang, kính cẩn. Hễ nghiêm quá thì dễ gây buồn. Cho nên mới xảy ra chuyện người nghe ngoại đạo như Xuân Diệu, như vua quan nhà Lý, vua quan Nhật, nghe nhạc Chàm một lúc, bỗng thấy buồn mê ly?!

Tức cái buồn nổi tiếng của nhạc Chàm chẳng qua là cái trang nghiêm của một thứ nhạc tôn giáo!
 

Người Việt cũng khi buồn khi vui

Dân tộc Chàm lên lên xuống xuống thì lịch sử dân tộc Việt Nam cũng không hề toàn thuận buồm xuôi gió.

Bắt đầu, là một môi trường tự nhiên đầy thách đố. Trong lời mở của sách Việt Nam văn hóa sử cương, Đào Duy Anh bùi ngùi nhớ lại: "Khắp một vùng trung châu Bắc Việt, không một mẫu đất nào là không có dấu vết công trình thảm đạm kinh dinh của tổ tiên ta".(15) Đất ta ở không phải đất dễ sống. Con người muốn sống phải "khôn", phải hết sức chịu khó.

Ngoài tự nhiên khắc nghiệt, dân tộc Việt Nam còn phải luôn đối phó với bọn cướp từ phương bắc. Đánh giặc Tàu, ta có thua có được: khi phải chịu sống trong "đêm dài Trung Cổ" hàng nghìn năm, khi đánh tan được ngay xâm lược Tống, Nguyên, Minh, Thanh.

Ở biên giới phía nam, giữa Chiêm Thành với Đại Việt trong nhiều trăm năm tình hình quân sự cũng thường xuyên căng thẳng, đánh nhau với họ ta cũng khi thắng khi thua.

Đã "ngoại chiến" gay go với láng giềng nam bắc, lại thêm nội chiến ác liệt. Nào Trịnh với Nguyễn, nào Nguyễn Tây Sơn với Nguyễn Gia Miêu.

Rồi đến giặc Pháp. Chính sách thực dân hiểm độc làm xã hội Việt Nam nhanh chóng băng hoại và trở nên phân hóa trầm trọng.

Đuổi Pháp xong, lại khói lửa dữ dội triền miên...

Nếu so những lúc khó khăn, vất vả, vào sống ra chết, dân tộc Việt Nam còn phải nhường ai!
 

Tại sao nhạc Việt ít buồn?

Về cổ nhạc:

Đào Duy Anh nhận xét: "Những cung bắc (...) thì (...) linh hoạt, vui vẻ và mạnh mẽ".(16)

Phạm Duy bảo hát quan họ là "hình thức dân ca phong phú nhất của người Việt"và cho biết nó điển hình "vui tươi, yêu đời, trìu mến".(17)

Về tân nhạc:

Thời tiền chiến, nói chung không khí nhạc là lãng mạn chứ không phải là buồn bã.

Thời đánh Pháp, cả nước gần như chỉ toàn loại nhạc có nội dung tích cực.

Sau đó, ở Miền Bắc loại nhạc tích cực tiếp tục ngự trị. Ở Miền Nam nhạc sinh nhiều dòng, nhưng không có dòng nào thực sự não nùng.

Người có lúc vui lúc buồn, có lúc thật buồn, tại sao nhạc rất hay vui, mà có buồn cũng không buồn mấy?!
 

Thử nhìn lại nhân sinh quan Việt

Việt, Chàm cùng là Bách Việt, lại là hàng xóm láng giềng của nhau, nhưng ta và họ nhìn đời không giống nhau đâu.

Như đã trình bày, người Chàm sống mà luôn hướng về bên kia cõi sống.

Trong khi người Việt, theo Đào Duy Anh, "chỉ trông cậy vào con cháu để lưu truyền nòi giống và tiếp nối sự nghiệp của tổ tiên."(18)

Dĩ nhiên, người Việt vẫn có tín ngưỡng, xem chết là "về với ông bà", nhưng quan trọng hơn nhiều đối với ta là cố gắng sinh con đẻ cái để dân tộc trường tồn. Ta vẫn sì sụp lễ bái, nhưng trọng tâm của sinh hoạt truyền thống là đời sống hiện tại, chứ không phải những gì có thể diễn ra ở kiếp sau.

Phan Ngọc cũng bảo tâm thức Việt Nam cơ bản "hướng về cuộc sống dưới đất, lo khắc phục những khó khăn thực tế (...) để tồn tại, không chứa đựng kiến giải siêu hình nào hết."(19)

Đào Duy Anh lại nhận xét: "Sức làm việc khó nhọc, nhất là người ở miền Bắc, thì ít dân tộc bì kịp."(20)
 

Nhạc Việt là "của người"

Khác hẳn người Chàm, người Việt chúng ta lo sống chứ không lo chết.

Sống không phải chỉ là làm việc, dù là việc trồng lúa nước vốn rất nặng công. Sống còn là "ăn chơi":

"Tháng giêng là tháng ăn chơi..."

Ngoài những lúc làm, lúc chơi, ta lại có những lúc không làm cũng không chơi, như khi ru em, ru con. Bất cứ vào lúc nào, người Việt cũng có thể cất tiếng hát những bài ca mà nội dung hoàn toàn hướng về cuộc sống, ăm ắp chất sống.

Kể ra, ngoài những lối hát "trần tục" như hát ví, hát đúm, hát quan họ, hát ru v.v., ở miền Bắc còn có hát văn có thể xem là một loại nhạc lễ. Hát văn gắn bó với tục lên đồng, có nội dung ca ngợi thần linh. Tuy nhiên, các thần linh trong tục thờ Mẫu của ta lại rất gần người, "rất quan tâm tới cuộc sống của người dân, tới vận mệnh đất nước".(21) Hơn nữa, khi cầu xin phù hộ, người Việt "không hề đòi hỏi một hạnh phúc siêu trần gian ở kiếp sau mà chỉ đưa ra những mong ước trong cuộc sống dưới đất".(22) Hẳn do cái đặc điểm đạo hướng về đời này mà những âm thanh của một bài hát văn tuy vẫn khá lung linh kỳ dị nhưng không gây nơi người nghe cái cảm tưởng "buồn" của loại nhạc lễ Chàm.

Nhạc Chàm được truyền xuống từ "chốn thiên đường", là nhạc "của thần", còn nhạc Việt thì đích thị xuất phát ngay từ hạ giới này thôi, đích thị là nhạc "của người".
 

Nên có buồn, là thứ "buồn tươi"!

Dù cổ hay tân, nhạc Việt vẫn có lúc buồn.

Bèo Dạt Mây Trôi mà vui gì! Hát ru là nỉ non than thân trách phận, chứ vui gì!

Rồi Buồn Tàn Thu, Thu Cô Liêu, Giọt Mưa Thu, Con Thuyền Không Bến v.v. của tân nhạc thời trước 1945, nghe mà thẫn thờ!

Rồi những bài nhạc "mùi"(23) ra đời ở Miền Nam và sau 1975 nhanh chóng lan tràn khắp nước. Mùi có thể xem là dân nhạc mới. Nhạc mới của dân tỉ tê kể lể chuyện buồn này nỗi niềm kia, mùi rệu, chứ vui gì.

Nhạc Việt khi vui khi buồn, chuyện ấy đâu có gì lạ.

Vì nhạc ta là nhạc "của người", mà hễ đã làm người thì có ai được... cười mãi đâu!

Chuyện đáng thắc mắc là tại sao khi buồn thì nhạc Việt chỉ buồn ít hoặc vừa.

Thời chiến tranh,

"Khi sơn hà nhiều nỗi điêu linh

Đôi bờ đôi ngả phân tranh..."(24)

Yêu nhau ra rít mà "anh" ra đi không hẹn được ngày về, không biết có ngày về, tình cảnh lứa đôi cực kỳ bi đát, nếu nhạc có khóc sướt mướt, cũng đáng quá đi chứ. Nhưng không, nhạc mùi không chịu sướt mướt, chuyện đời buồn vậy mà nó lại ca nghe rất du dương! Cái giọng du dương, dìu dặt của nó khiến nhiều người nghe cơ hồ quên mất nội dung buồn!

Nhạc Việt không buồn "tới bến" dĩ nhiên không phải là chuyện tình cờ.

Đã nói ta luôn "lo sống", hết sức tha thiết với đời sống. Mà muốn sống cho tốt cho khỏe, đâu có thể hễ có chuyện buồn là ngồi khóc cho tới gần... héo! Khóc thảm quá làm giảm trầm trọng khả năng cạnh tranh, khiến con người ta khó tiếp tục "còn".

Ngay trong tình huống tệ hại nhất, ngay giữa lúc không thể buồn hơn, người Việt vẫn cứ tươi. Thường tình, có vui mới tươi, nhưng riêng chúng ta lại có thể "buồn tươi"!
 
 

Dĩ nhiên ta đâu phải chỉ tươi trong nhạc

Hướng rất mạnh về "ở đây, bây giờ", cái khuynh hướng ấy của người Việt Nam dĩ nhiên không chỉ biểu hiện rõ ràng trong âm nhạc. Mà biết nó rồi, nhìn đâu ta cũng thấy nó, như chúng tôi sẽ lần lượt trình bày trong những bài viết khác về văn hóa dân tộc.
 

5 - 2003
(In vào sách Tìm tòi và suy nghĩ năm 2005)
________________________

(1) Phỏng theo "Lên voi xuống chó".

(2) Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. TPHCM, VN, 2001, in lần 3, tr. 428.

(3) Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, nxb. Thuận Hóa, Huế, 1994, tr. 62 - 69.

(4) TNT, sđd., tr. 428.

(5) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, nxb. Tân Việt, Sài Gòn, 1964, tr. 172 - 176.

(6) Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, nxb. TPHCM, VN, 1992, tr. 324.

(7) Trần Văn Khê, Tiểu phẩm, nxb. Trẻ, Sài Gòn, 1997, tr. 180.

(8) Phạm Duy, Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam, nxb. Xuân Thu tái bản ở Mỹ, tr. 30. Ở đây tưởng cần nêu nghi vấn về một mối liên hệ. Phạm Duy còn bảo: "... chắc chắn người Chàm đã lấy căn bản nhạc thuật ở nhạc Ấn-độ." Theo Durant, xưa kia ở Ấn về nghi thức nhạc và vũ vốn đồng nhất, điển hình là một hình thức sùng bái thần linh. Ông cho biết người Âu xem vũ truyền thống Ấn-độ thì thấy có vẻ "dâm dật" (Wille Durant, Lịch sử văn minh Ấn Ðộ, bản dịch Nguyễn Hiến Lê). Vũ "dâm dật", nhạc "rậm rật"? Lễ nhạc Ấn gây cảm tưởng khác hẳn lễ nhạc Chàm, là nghĩa lý thế nào? Chẳng lẽ cùng một loại âm thanh, mà người Âu nghe "buồn" một đằng người Á lại nghe buồn một nẻo? Phải chăng nhạc Chàm tuy bắt nguồn từ nhạc Ấn nhưng đã sớm mang bản sắc riêng?

(9) PD, sđd., tr. 32.

(10) Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, tập I, nxb. Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1983, tr. 310-313.

(11) PD, sđd., tr. 32.

(12) PD, sđd., tr. 30.

(13) PD, sđd., tr. 36.

(14) Huy Cận, Hồi ký song đôi - Tuổi nhỏ Huy Cận, Xuân Diệu, nxb. Hội Nhà Văn, VN, 2002, tr. 135 - 136.

(15) ĐDA, VNVHSC, tr. 9.

(16) ĐDA, VNVHSC, tr. 327.

(17) PD, sđd., tr. 100.

(18) ĐDA, VNVHSC, tr. 362.

(19) Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 1998, tr. 48.

(20) ĐDA, VNVHSC, tr. 24.

(21) PN, sđd., tr. 50.

(22) PN, sđd., tr. 381.

(23) Ở Miền Nam trước kia gọi là "nhạc sến".

(24) Bài Gõ Cửa của nhạc sĩ Anh Bằng.