Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
THĂM THẲM TẦNG TRÊN Thu Tứ
Động là kêu
Trời một phương
Trời một phương khác
Đâu đâu cũng thế
Rễ nào hoa nấy
Đất nào trời nấy
Nhà nào trời nấy
Trời ơi!
Động là kêu
Con người ta vẫn có cái lối hễ động xảy ra chuyện gì là ngoác miệng kêu réo tận đâu đâu. Ta thì "Trời ơi!" hoặc "Trời đất ơi!", Tây thì "Oh my God!".
Lời buột miệng bộc lộ tâm tư. Rõ ràng God Tây không giống Trời ta. Vì God chỉ một mình, trong khi Trời có thể cặp kè với Đất.
Hãy thử đi sâu vào lòng ta lòng người xem Đông, Tây thực sự nghĩ ngợi thế nào về Ai Đó Trên Cao.
Trời một phương (1)
Khi vui có mắt...
Trong lời ăn tiếng nói của người phương Đông, vị trí của Trời khi cao khi thấp.
Nói chung, ta thường tỏ ý kính trọng Trời, trông mong sự giúp đỡ: "Xin Trời chứng giám cho lòng con...", "Cầu Trời phù hộ cho chúng con...", "Lạy Trời mưa xuống / Lấy nước tôi uống / Lấy ruộng tôi cày..." v.v. Khi được hả dạ, ta mau mắn ca ngợi: "Trời có mắt".
Tuy nhiên, lòng kính trọng vẫn đều đều tạm nhường chỗ cho lòng bất kính. Hễ có điều hồ nghi, bất kể điều gì, ta vô tư "Bắc thang lên hỏi ông Trời / Những tiền cho gái có đòi được không?"(2) Gặp chuyện trái ý, hoặc ta chê vắn tắt: "Trời không có mắt", hoặc ta phàn nàn: "Trời sao Trời ở chẳng công / Người ba bốn vợ, người không vợ nào"(3), hoặc ta oán trách: "Trời sinh ra kiếp hay chơi / Sao trời lại ghép vào nơi không tiền"(4).
Nếu phẫn uất cực điểm, ta có thể vác ghế ra giữa sân, ngồi réo đích danh tên giặc già (lão tặc thiên) ra mà mắng mỏ om sòm. Đâu đó dường như có kẻ bạo mồm còn lớn tiếng đòi ăn gan Trời mới chịu nguôi!
Người bình dân nghĩ đơn giản, nói sỗ sàng, còn giới trí thức thì xét nét tỉ mỉ, rồi kín đáo thở than, trách móc.
Giữa tiếng khóc cũ của Thúy Kiều với tiếng khóc mới của Nguyễn Du, biết bao là "nhời nhỏ to" về những "thói" ngộ nghĩnh của "Trời xanh": nào ghen tài kẻ nọ ghen sắc kẻ kia, nào phũ phàng, nào lừa lọc, nào nỡ lòng (hại), nào làm cực, nào xoay vần như chong chóng v.v.
Trong tiêu phòng lạnh lẽo, người cung phi số đen của Nguyễn Gia Thiều lúc thắc mắc: "Tay tạo hóa cớ sao mà độc?", lúc chán nản: "Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán", lúc buông xuôi: "Thử xem con tạo gieo mình nơi nao". Nơi "buồng cũ chiếu chăn", người chinh phụ vò võ của Đặng Trần Côn chất vấn "Xanh kia": "Vì ai gây dựng cho nên nỗi này", xong phàn nàn: "Trách trời sao để nhỡ nhàng". Đến công chúa Ngọc Hân, khi "ai tư vãn" vẫn y điệp khúc hỏi-than: "Cõi thọ sao hẹp bấy hóa công?", "Ngán thay, máy tạo bất bằng!".
Dù bất bằng cách mấy, nho sĩ phong nhã không tiện văng tặc nọ tặc kia trong ngâm khúc, trong truyện thơ, trong điếu văn. Ðể xả hơi, họ đôi lúc nhẹ nhàng hạ tuổi Trời: từ lão xuống nhi, Hóa nhi. Nhi là "trẻ", là em bé. Bé có thứ bé "bằng bông"thật dễ thương. Lại có bé nghịch như quỷ, "nỡ lòng" làm đủ thứ chuyện xé lòng. Giặc non, ai bảo kém giặc già!
Ta ăn nói với Thượng Ðế lúc trọng vọng lúc mỉa mai lúc sỗ sàng. Ta cư xử với Thượng Đế cũng thủy chung bất nhất: lúc cung kính thờ ông Thiên, lúc để họ hàng vác thiết bảng "đại náo thiên cung", đuổi Ngọc Hoàng chạy có cờ, bắt phải phong mình ngang chức ("Tề Thiên")!
Trong giới học hành chữ nghĩa, Tản Đà "tình riêng trăm ngẩn mười ngơ", bèn lấy giấy viết thơ hỏi xin con gái Trời.(5) Loạn hơn nữa là Tú Xương, vì "Lúc túng toan lên bán cả Trời"(6) (không rõ có định mời Thiên Lôi chăng?)! Nhà thơ sông Đà núi Tản với ông Tú Vị Xuyên đều nổi tiếng "ngông", "hay chơi", từ ngôn đến hành lắm khi trên mức lạ. Nhưng ngay hạng nho sĩ đứng đắn khi quan hệ với "khuôn xanh" tuy thường nhận thua, vậy mà thỉnh thoảng xung sĩ khí cũng dám đòi thắng: "Nhân định thắng thiên".
Trời ít được nể nang hơn "con Trời" vì lý do dễ hiểu: hỗn với Hóa nhi, Hóa lão chưa biết sẽ mất cái gì và bao giờ sẽ mất, chứ hỗn với thiên tử thì thiếu ngay chỗ đội nón!
Đâu phải... nước lã
Ngôn ngữ hồ đồ, hành động hỗn độn, đôi khi hỗn láo. Dựa vào đâu mà người Đông phương dám thế với Trời?
Thử kiểm điểm ít bằng chứng về bản chất của quan hệ Trời-người ở phương Ðông, thấy dường như tất cả đều "ngẫu nhiên" chỉ theo cùng một hướng.
Ở Tàu, tục truyền "thời khai thiên lập địa, trời và đất như lòng trắng và lòng đỏ trứng gà". Trứng nở ra ông Bàn Cổ. Ông "lấy những chất trong và sáng tạo ra trời, những chất đục và tối tạo ra trái đất". "Ông khóc, nước mắt ông chảy xuống thành sông (...) ông thở (...) thành gió, nói (...) thành sấm, mắt ông đưa qua đưa lại thành chớp. Khi ông mất, xác ông rớt xuống (...) thành năm ngọn núi (...) tức Ngũ Nhạc (...) hai mắt ông thành mặt trời, mặt trăng, mỡ của ông chảy ra thành sông, biển và tóc ông đâm rễ trong lòng đất, thành cây cối"!(7)
Theo Kinh Dịch, Trời Đất "giao cảm" mà sinh ra vạn vật.(8) Vạn vật có ta, vậy ta đích thị con Trời (chứ không phải cục đất nặn được hà hơi như A-đam, hay cái xương sườn của cục đất như E-và).
Đâu đó dọc đường phát triển chế độ quân chủ, có kẻ lãnh đạo khôn ngoan dạy dân Tàu chỉ có vua (Tàu) mới đích là con Trời. Thiên tử tuyển "địa tử" đẹp vào cung, giao cảm, sinh ra vô số con lai!
Ở Nhật, ông bà Trời (vốn là anh em) Izanagi và Izanami giao cảm mà sinh ra vô số đảo lớn đảo bé và vô số thần lớn thần bé. Khi cho lọt lòng thần lửa, Izanami bị phỏng mà chết. Izanagi sau đấy tự túc sinh thêm một số thần nữa, trong đó có Thái Dương Thần Nữ Ameratsu, tổ mẫu của hoàng tộc Nhật.(9) Vua là con cưng, con quý, mà toàn dân Nhật hẳn cũng đều dòng dõi linh thiêng. Đến đất đá còn từ bụng Trời chui ra, nói chi con người!
Ở Hàn, con Trời (Hwanin) là Hwanung xuống trần, hóa phép thành người (vậy khi ở trên ấy thì thiên tử ngoại hình thế nào, hay vốn không có ngoại hình nhất định?). Hwanung giúp một con gấu cái biến thành một người đàn bà (bằng cách cho nó ăn mugworts và 20 nhánh tỏi và bắt ở trong tối 21 ngày), xong giao cảm với người ấy mà đẻ ra Tan-gun. Tan-gun làm vua, năm -2333 đặt tên nước là Triều Tiên, đóng đô ở Bình Nhưỡng, rồi trị vì suốt 1500 năm!(10) Truyền thuyết ly kỳ, đáng chú ý nhất ở chỗ Trời, thú, và người sinh hoạt vô tư như thể cùng thuộc một loài.
Ở Ấn-độ, theo Ấn giáo toàn thể vũ trụ chỉ là kết quả của lila, một thứ trò chơi ngộ nghĩnh trong ấy thánh thần biến hóa ra vạn vật rồi biến trở lại thành thánh thần rồi hóa trở lại thành vạn vật, cứ thế liên miên không dứt.(11) Ba mươi triệu vị thần chung quy đều là hiện thân của Brahman, mà một tỉ Atman đang cư ngụ trong thân xác của một tỉ người Ấn cũng vẫn chỉ là một với Brahman.
Ở Việt Nam, trăm con đều là con Rồng cháu Tiên. Tiên với Rồng cùng quý phái, cùng gốc gác mãi tận... thiên đình (?). Tuy khi gọi Bà khi hô Ông, ta có bao giờ thấy mặc cảm gì trước Ngọc Hoàng Thượng Đế đâu. Sợ Trời sao bằng sợ sư tử (Hà Đông): "Nhất vợ nhì Trời". Đến cóc cáy như con cóc mà còn gọi Trời bằng cháu!
Khắp Đông phương, xem kỹ... gia phả, Trời rõ ràng đâu phải người dưng.
Trong tâm thức dân gian, Ngọc Hoàng na ná một thứ chúa làng, vua nước, tuy cao quý (sang như người nhà Trời) mà không thực phân biệt (như Chúa với chiên).
Vốn sẵn "tính" người (12)
Trời gốc gác bình dân: có họ với cóc. Tính tình ưa bình đẳng: nếu Hằng Nga, Chức Nữ chưa chồng, Trời sẵn sàng làm thông gia với bố của Tản Đà. Khả năng lãnh đạo khả nghi: sự nghiệp làm Trời còn chờ lịch sử đánh giá. Ông (hay bà) ấy sao mà giống người trần mắt thịt ta thế!
Trời với người đã không phân biệt "chủng tộc" thì không có chuyện ai nhào nặn, hà hơi ra ai, mà chỉ có xảy ra rắc rối do người trên dùng quyền để "khuôn" ra cái số phận của kẻ dưới.
Khuôn thôi, không phải sáng tạo nghệ thuật cao kỳ gì cả đâu: Hóa công, không phải Hóa sư. Thợ thôi, mà không phải lúc nào cũng khéo: "Mà cô mệnh bạc, thợ trời cũng thua".(13) Tay nghề chưa cứng, nghề chưa lành, nặn một số phận còn lúng túng mà lại thích vung múa to tát, "làm" trận nọ "gây" cuộc kia ảnh hưởng đến bao nhiêu nhân mạng: "Trời làm một trận lăng nhăng / Ông hóa ra thằng, thằng hóa ra ông"(14), "Tạo hóa gây chi cuộc hí trường / Khiến người qua đó chạnh lòng thương"(15), "Trải qua một cuộc bể dâu / Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" v.v. Trách nào lời Nguyễn tiếng Kiều inh ỏi trần gian!
Trời có khi dễ mủi lòng, nên lắm người nhờ được Trời thương mà tai qua nạn khỏi, ăn nên làm ra. Trời có khi quảng đại, bao dung, không chấp: nghe lời rao bán lếu láo của Tú Xương chỉ "cười thằng bé nó hay chơi", mà xem đến tâm sự táo bạo của "Tản Đà tiểu tử" cũng chỉ "bượch" cười cho kẻ "dám suồng sã đưa thơ".
Ngay cả khi Trời "bất nhân", xem vạn vật như chó rơm (16), thì cũng không nhất thiết do đó mà Trời mất "nhân" tính. Vì tính người vốn vẫn khi mưa khi nắng, khi sốt sắng khi dửng dưng.
Trời ta mắt khi có khi không, mồm cũng khi như không ("Thiên hà ngôn tai?" "Trời có nói gì đâu?"(17)) khi rõ ràng là có (mắng Tản Đà).
"Mặt" Trời biến hóa lung tung, nhưng "hình dong"(18) Trời trước sau hoàn toàn "nhân bản": khả năng giới hạn, tính nết lúc vui lúc buồn...
Ở phương Đông, Trời bình đẳng với vạn vật, bất toàn như vạn vật, tuy cao mà lại như chính ở ngay trong lòng của mỗi con người!
Trời một phương khác
Có một loài thần...
Cổ thư Hi-lạp giảng tín ngưỡng thời xa xưa vùng Bắc Địa Trung Hải: "Có một loài người, có một loài thần..."(19)
Tuy bản chất đã được phân biệt rõ ràng, vào thời ấy về "hiện tượng" loài thần sinh hoạt đại khái cũng không khác loài người là mấy. Cũng hỉ, nộ, ái, ố bình thường, đặc biệt rất ưa phù hộ những kẻ dưới trần biết thờ cúng mình tử tế.
Trong tình yêu, bấy giờ giữa thiêng liêng và phàm tục chưa có bao nhiêu cách trở. Thần Zeus - thần của các thần - rất mến mộ các cô gái Hi-lạp, có quan hệ "giao cảm" cẩn thận, có làm bố một số con lai. Đám con nửa thần nửa người rồi chẳng làm nên trò trống gì, mà sự giao thiệp "dị loại" dần dần cũng trở nên bế tắc.
Sau khi Hi-lạp bị La-mã thôn tính, những đấng linh thiêng ngất ngưởng trên đỉnh Olympus hoặc biến đi hoặc tạm nhập vào thần điện của chủ đất mới. Chẳng bao lâu, cả thần Hi lẫn thần La đều tuyệt chủng, nhưng di sản "kỳ thị thần-người" trường tồn.
Mẫu như kiểu mẫu
Đến thời Aristotle, ít nhất trong một số tầng lớp nào đó, chiếc ngai của Zeus đã khá lung lay. Dân Hi-lạp bấy giờ vẫn chưa chấp nhận ý niệm Đấng Sáng Tạo, nhưng đã bắt đầu chú ý đến quan điểm Thượng Ðế toàn hảo. Vài trăm năm sau, đạo Ki-tô chinh phục phương Tây: Thượng Ðế hóa ra chính là ông Trời của người Do-thái Abraham.
Giữa sùng bái những thần Hi-lạp "tầm thường" với ca ngợi Thượng Đế cao quý, bác ái, giữa chủ trương lấy oán báo oán trong Cựu Ước với thái độ chìa nốt má bên kia cho người tát của Chúa Giê-su dĩ nhiên có khoảng cách đáng kể. Mặt khác, ranh giới giữa thần và người vẫn hoàn toàn minh bạch: một bên là Chúa, một bên là những thứ nọ thứ kia do Chúa nặn ra. Chúa lại nghiêm túc hơn Zeus vô hạn. Từ đây tuyệt đối không còn chuyện "giao cảm" lôi thôi. Đối với God Almighty (Thượng Đế toàn năng), chỉ có thể Praise the Lord (Ca ngợi Người) hoặc đối lập hẳn mà theo Sa-tăng, chứ không thể tùy hứng khi khép nép vâng vâng dạ dạ lúc sừng sộ bớt mắt giảm tuổi được.
Ở phương Tây, Thượng Đế về ngoại hình thì "nhân bản" (vì Người đã cố ý lấy mình làm mẫu khi chế tạo nhân loại), nhưng về mọi phương diện khác lại mang rõ tính cách "siêu nhân": toàn năng, toàn thiện... Người nom gần gũi, mà vĩnh viễn ta không với tới được.
Ngẫu nhiên, ở cả hai phương, đấng linh thiêng đều là "Mẫu".
Với ta, Mẫu là Mẹ; với họ, Mẫu là Khuôn Mẫu, Kiểu Mẫu, Mẫu Mực.
Mẹ với con tuy hai mà một. Bản gốc với bản sao tuy một mà hai!
Đâu đâu cũng thế
Đã mấy ngàn năm vũ trụ quan Đông, Tây không thay đổi gì đáng kể. Mỗi phương một cách nhìn vũ trụ, nhưng dù phương nào, thì giữa tín ngưỡng dân gian với triết lý bác học dường như vẫn luôn tồn tại một thứ dây liên hệ tuy mơ hồ mà thật bền chắc.
Ở phương Đông, giữa thói quen hình dung dây mơ rễ má hỗn mang giữa bất cứ vật gì với bất cứ vật gì, giữa lối gán ghép đủ thứ đặc tính bất nhất cho Trời, với quan niệm nhất thể then chốt trong Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo, phải chăng là một thứ tâm thức chan hòa với tự nhiên?
Ở phương Tây, giữa khuynh hướng phân biệt rạch ròi "loài thần - loài người" với giáo lý nhị nguyên Thượng Đế - vạn vật, phải chăng lại là một thứ tâm thức không chịu hòa lẫn cái tôi vào với mọi cái khác xung quanh?
Thánh dạy, dân nghe
Bất cứ nơi nào, tư tưởng cao xa của các thánh nhân may ra chỉ một thiểu số hiểu được, hoặc ưa nghiền ngẫm. Quảng đại quần chúng chỉ có những niềm tin thực tế.
Thánh dạy cho hiền, rồi hiền dạy cho dân, rồi dân học xong lặng lẽ lược chỗ kia bỏ chỗ nọ cho vừa sức mình mà dần dà biến triết lý bác học thành tín ngưỡng dân gian, thành cơ sở cho xã hội đạo lý...
Thánh hoa, dân rễ
Chắc chắn là thánh có dạy dân. Nhưng thánh không phải ở trên trời rơi xuống, thánh chính ở trong dân mà ra!
Có thể bảo rằng nơi nơi trong khắp dân gian vốn đã từ lâu bàng bạc một thứ "trường" ý niệm mơ hồ.(21) Đến lúc nào đấy, ở một vài cá nhân nào đấy, trường bỗng đậm đặc lại, đọng lại, mà phát thành lời thánh tinh hoa. Nhất thể kiểu "cha mẹ con cái" rút lại thành nhất thể "tề vật"; nhị nguyên thỉnh thoảng có "giao cảm" tiến đến nhị nguyên tuyệt đối phân biệt.
Cũng có thể bảo dân ví như rễ, thánh ví như hoa.(22) So rễ, thấy như tuồng không khác mấy, cũng thờ đủ thứ thần. So hoa, mới hay đây tầm xuân kia tu-líp, đằng vô thần đằng hữu một Ðấng thật Tối Cao!
Hoa tôn giáo có khác hoa thật. Hoa thật không ảnh hưởng gì đến rễ. Hoa tôn giáo nở rồi bèn uốn nắn rễ cho hợp với hoa. Người vốn quen rạp mình trước cả một thần điện, nay chỉ được thờ một mình Chúa. Kẻ trước ưa vái tứ phương, nay vẫn được vái đủ tứ phương, miễn hiểu rằng "Sắc tức thị Không".
Hoa tôn giáo như thế giống một khối lượng khổng lồ, như mặt trời hay "lỗ đen". Hoa ra đời làm vặn vẹo cả không-thời gian xung quanh.
Rễ nào hoa nấy
Dân nào thánh nấy.
Cùng sống quanh quẩn trong ngoài cái nôi của văn minh Tây phương, vậy mà tín đồ Do-thái giáo, Ki-tô giáo, và Hồi giáo lắm lúc mâu thuẫn trầm trọng, xung đột chí tử. Về giáo lý, đạo này đạo nọ đạo kia cách nhau hàng mấy chục trời chăng? Ðâu có. Cơ bản, những kẻ thề không đội... trời chung với nhau ấy chỉ bất đồng về chỗ Sứ giả, chứ vẫn thờ chính xác y một Thượng Ðế!
Phía Đông, tình hình thoạt nhìn khó hiểu.
Ở Trung Quốc có thánh Lão và thánh Khổng. Cùng xứ sở, vậy mà thánh này dạy "vô vi", thánh kia bảo "vi quân tử", chẳng phải là triết lý dị đồng như trời với đất sao? Là một rễ hai thứ hoa sao?
Trong khi đó, giữa Trung Quốc với Ấn-độ đường sá xa xôi mà sao Phật với Lão lại "nhất trí" rằng vạn vật nhất thể, vạn sự vô thường?
Về chuyện triết Lão ngược triết Khổng, chìa khóa mở bí mật nằm trong mấy chữ "cùng xứ sở" vừa tạm dùng ở trên. Không hẳn là cùng đâu. Lão sinh ở Hoa Nam, Khổng sinh ở Hoa Bắc. Ngay trong cái khung thời gian hai "Tử" chào đời, hai Hoa cũng chỉ mới là một về chính trị, chứ về văn hóa chắc chắn vẫn nguyên hai. Nói gì thời trước đó, thời ở mỗi nơi dân đang thai nghén thánh của mình. Ngày càng có nhiều bằng chứng là Hoa Nam thời chưa Hoa không phải là đất của man di như Hoa chụp mũ, mà của những người có thể đã tiến bộ chẳng kém gì Hoa. Dân phương Nam khác dân phương Bắc. Vậy thánh phương Nam khác thánh phương Bắc, đâu có gì lạ.
Về chuyện "thiên lý năng tương ngộ" giữa Phật với Lão, cũng có thể lấy dân làm cơ sở mà giải thích. Theo một số nhà nghiên cứu, người Dravidian ở Ấn-độ và người Bách Việt ở Hoa Nam vốn cùng là giống Cổ Mã Lai. Dân cùng giống, thánh cùng dòng, đâu có gì lạ.
Dĩ nhiên đã có hợp tác quan trọng, thậm chí hợp chủng lớn lao giữa Dravidian với Aryan, giữa Bách Việt với Hoa, nhưng xét kỹ thì phần cốt lõi của tư tưởng Ấn, Phật khó lòng do phía Aryan (23), mà tinh hoa của Lão giáo cũng khôn bề xuất phát từ phía Hoa chủng quá thực tế, thuần lý trí.
Còn điều này ngộ nghĩnh. Sinh thời, Khổng Tử cũng tin Kinh Dịch nhưng nói chung kính nhi viễn chi thắc mắc siêu hình. Đến đời Tống, khoảng 1500 năm sau, "đạo Nho (...) hoàn toàn chấp nhận vũ trụ luận của đạo Lão"(24), và luôn cả phần tinh túy của đạo Phật. Ngẫu nhiên, chính vào lúc môn đệ của Khổng chấp nhận quan điểm về cái không thể nói được của Lão, vào lúc Nho giáo rốt cục "tự hoàn tất" diễn tiến Nam hóa mà đạt thêm kích thước siêu hình, thì việc Bắc hóa cư dân các nước Bách Việt xưa cũng mới được xem là thành công.(25)
Hóa qua hóa lại tưng bừng, bên bị mất đất đai ngôn ngữ bên bị thiệt cái tinh thần duy lý triệt để. Chỉ đám con lai toàn "được"!
Đất nào trời nấy
Đất là phần tự nhiên ta đã gặp.
Vừa bước chân trên một phần (lúc nào cũng hết sức nhỏ) của tự nhiên, ta vừa cố hình dung ra tất cả tự nhiên, cố thấy cái nghĩa lý của tất cả tự nhiên...
Trời chẳng qua là sự tưởng tượng của con người về tất cả tự nhiên!
Ta tưởng tượng thế nào về tất cả, là tùy vào kinh nghiệm của ta khi gặp một phần.
Loài người gồm nhiều nhóm, sống ở nhiều chỗ khác nhau trên mặt địa cầu. Mỗi nhóm người mỗi đất, mà trời là từ đất, do đó mỗi đất mỗi trời, đất nào trời nấy!
Nhà nào trời nấy
Bắt đầu loài người sống tiếp xúc thẳng với tự nhiên, tức ở trong hang, dưới mái đá v.v., nhưng lần lần ta dọn vào "nhà".
Tự nhiên vẫn còn đó, nhưng nay có thêm môi trường nhân tạo. Lần lần ta bắt đầu thấy trời không chỉ qua núi, sông, mây, mưa, sấm, sét v.v., mà còn qua cả nhà cửa, vườn tược, xóm làng v.v.
Trời ơi!
Môi trường nhân tạo lúc đầu còn khá thô sơ, loài người còn sống khá gần tự nhiên. Hơn nữa, mỗi nơi xây mỗi khác. Do đó, vẫn mỗi nhóm người một trời và trời nào cũng có liên hệ chặt chẽ với đất.
Nhưng rồi môi trường nhân tạo mỗi ngày mỗi thêm tối tân, loài người mỗi ngày sống thêm thu mình vào bên trong nó. Cùng lúc, khắp nơi, môi trường trở nên đồng dạng. Trước người Việt ở nhà ba gian hai chái, sân trước vườn sau, ở trong lũy tre, nay người Việt bắt đầu ở nhà Tây vuông như cái hộp, không sân không vườn, ở nơi đường sá ngang dọc như bàn cờ...
Chỉ biết có nhà, có phố, mà nhà với phố đây cũng như kia, mấy chốc trời hai phương sẽ giống nhau như đúc, Trời ơi!
10 - 2004
(In trong Tìm tòi và suy nghĩ, nxb. Của Tin, Mỹ, 2005)
_______________________
Tên bài rút từ Chinh phụ ngâm khúc: "Xanh kia thăm thẳm tầng trên".
(1) Tiểu đề trùng tên với một tập thơ của Vũ Hoàng Chương.
(2) Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao.
(3) NVN, sđd.
(4) NVN, sđd.
(5) Bài Trời Mắng của Tản Đà.
(6) Bài Tự Cười Mình của Tú Xương.
(7) Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc (ba tập), tập I, nxb. Văn Hóa, VN, 1997
(8) NHL, Kinh Dịch: đạo của người quân tử, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1991, tr. 133.
(9) Từ điển bách khoa Merriam-Webster"s Collegiate Encyclopedia, Mỹ, 2000, tr. 830.
(10) M. Breen, The Koreans, nxb. Thomas Dunne Books, Mỹ, 2004, tr. 75-78.
(11) Fritjof Capra, The Tao of Physics, nxb. Flamingo, Mỹ, 1982, tr. 87-88, 198.
(12) Truyện Kiều: "Thông minh vốn sẵn tính trời".
(13) Bài Tế Chiêu Quân của Nễ Xuyên.
(14) NVN, sđd.
(15) Bài Thăng Long Thành Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan.
(16) Đạo đức kinh.
(17) Lời Khổng Tử.
(18) Tục ngữ: "Trông mặt mà bắt hình dong".
(19) Charles Freeman, Egypt, Greece and Rome: Civilizations of the Ancient Mediterranean, nxb. Oxford University Press, 2004, tr. 236.
(20) Lâm Ngữ Đường, The Importance of Living, nxb. John Day, Mỹ, 1938, tr. 11.
(21) Trường đây là như khái niệm field trong vật lý học.
(22) Chế Lan Viên có bài thơ tên Rễ... Hoa.
(23) Xem bài Ấn Á, Ấn Âu.
(24) NHL, Kinh Dịch..., tr. 131.
(25) Bình Nguyên Lộc, Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Sài Gòn, 1971, tr. 97: "Marco Polo còn cho biết (...) tức việc Hoa hóa mãi đến đời nhà Nguyên vẫn chưa xong". Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. TPHCM, Việt Nam, 2001, tr. 604, dẫn Deopik (1993): "các quốc gia Việt (...) bị chiếm đất vào cuối thiên niên kỷ I trước công nguyên, và bị đồng hóa khoảng một nghìn năm sau đó".