Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]             [  Tác giả ]

 
CÓ MÀU VÀ MÀU

Thu Tứ

Xanh ơi...
... biết đâu tìm
Nhặt chút của tin
Có màu và màu
Màu hữu cảm
       Loại sống động
       Loại tương giao
       Loại cảm tưởng
       Loại tâm trạng
       Loại phong cách
Vài ghi chú về nhặt
 

XANH ƠI...

Hồ Xuân Hương có câu thơ:
"Xanh om cổ thụ tròn xoe tán".
Xanh om là xanh thế nào?
Xanh om có phải là xanh um không?
Xanh om có liên hệ gì với tối om chăng?
 

... BIẾT ÐÂU TÌM

Từ, muốn biết nghĩa chính xác, thì tra từ điển. Tra xong Ðại từ điển tiếng Việt (ÐTÐTV): không thấy xanh om.(1) Nhân tiện, lật tìm xem các loại màu xanh được định nghĩa trong sách ấy. Lạ, sách dày gần 2000 trang khổ to, chứa hơn 120000 mục từ, mà xanh bệch, xanh bợt, xanh chành, xanh lướt, xanh mái, xanh mịt, xanh nghít, xanh mởn, xanh muốt, xanh mướt, xanh mượt v.v. đâu? Bỏ xanh, tìm đỏ. Thêm lạ: đỏ bầm, đỏ choét, đỏ dòi dọi, đỏ hau, đỏ hắt, đỏ hây, đỏ hực, đỏ ké, đỏ mọng, đỏ ngòm, đỏ ngòn, đỏ phừng, đỏ rợ, đỏ sọng, đỏ tấy, đỏ thén, đỏ tịt, đỏ xuộm v.v., nào thấy. Ô hay, đỏ xanh quen thuộc hóa "vết chim bay"(2) bao giờ vậy?

Tiếng nói là một biểu hiện cơ bản của văn hóa. Tiếng nói nào có từ vựng phong phú, người nói thứ tiếng ấy hẳn lấy làm hãnh diện. Chỗ trưng bày, bảo tàng hữu hiệu nhất niềm hãnh diện ấy là trong một đại từ điển. Anh ngữ có bộ Oxford English Dictionary, gồm hai mươi quyển chứa hơn nửa triệu định nghĩa, với vô số trích dẫn từ đủ mọi nguồn. Việt ngữ, gần một thế kỷ từ ngày Hội Khai Trí Tiến Ðức sơ thảo Việt Nam tự điển, vẫn chưa thấy có một siêu công trình biểu dương đích đáng ngôn ngữ dân tộc...

Chờ, biết đến bao giờ, chợt nảy ý thử nhặt nhạnh, gom góp một số từ chỉ màu trong tiếng Việt.
 

NHẶT CHÚT CỦA TIN

Nhặt lá, muốn được nhiều, cứ chạy vào rừng.

Nhặt từ, liệu có nên xông ra đường mà chầu chực ở mồm ông này miệng bà nọ chăng? Có nên cố gom góp từ ký ức bé nhỏ của chính mình chăng?

Lá khác từ ở chỗ không có lá tưởng tượng, lá nhớ nhầm, lá dùng ẩu, lá dùng sai. Trên mỗi loại lá đều có chữ ký chứng thực rành rành của... ông trời.

Từ nhặt ở mồm người khác thiếu chữ ký, từ moi ở óc mình ra thiếu chữ ký... giá trị. Sưu tầm theo cách truyền khẩu hoặc cách tự vấn đều rất dễ bị cho là "Trạng Từ". Ðể an toàn, bèn chọn phương án "nói có sách, mách có chứng", tức nhặt chữ trong sách vở giấy trắng mực đen.

Ðọc nhanh một số tác phẩm sẵn có trong tủ, sơ kiểm thu hoạch, sửng sốt. Rõ ràng từ chỉ màu trong tiếng Việt phong phú hơn trình bày trong Ðại từ điển... gấp nhiều lần. Lượng "áp đảo", mà ngắm nghía kỹ, chất càng độc đáo.
 

CÓ MÀU VÀ MÀU

Từ chỉ màu trong Việt ngữ có thể chia làm hai "món":

- Món "vô cảm": chỉ màu và không diễn thêm bất cứ nội dung nào khác.

- Món hữu cảm: vừa chỉ màu vừa chứa một cảm giác hoặc cảm tưởng, cảm xúc nào đó.(3)

Món thứ nhất là màu của... loài người, vì dân tộc nào cũng có. Món thứ hai tạm gọi là màu của người Việt, vì tiếng Việt đặc biệt phong phú về món màu này.

Nói vậy, không có nghĩa ngôn ngữ của chúng ta nghèo nàn màu vô cảm. Ngược lại, ngay trong khu vực "nhân loại" tiếng Việt cũng tỏ ra dồi dào, tinh tế chẳng kém ai.(4)

Món vô cảm liên hệ với môi trường sống, với sinh hoạt vật chất.

Món hữu cảm chủ yếu phản ánh một cách nhìn. Ðôi khi, nó chỉ phản ánh trạng thái tâm hồn của người nhìn. Nó là đối tượng tìm hiểu ở đây.
 

MÀU HỮU CẢM

Căn cứ vào kết quả sưu tầm, tạm chia màu hữu cảm làm năm loại chính. Sự phân chia không tuyệt đối, vì có những màu có thể xếp vào hơn một loại.

Loại sống động

Loại này chứa thêm những tín hiệu hình ảnh khác, ngoài tín hiệu màu. Căn cứ vào bản chất của những tín hiệu khác ấy, màu sống động lại có thể tạm chia thành ba nhóm.

o Nhóm ba chiều diễn tả ấn tượng thị giác trong không gian ba chiều.

Trong “Trên đỉnh non Tản”, Nguyễn Tuân viết: "Ðêm đen rầm rồi đen ngòm rồi đen kịt." Có phải đen rầm là như thể có lá màn đen vừa kéo kín hẳn, đen ngòm là ấn tượng đang nhìn vào một cái hang sâu, còn đen kịt là khi cái hang ấy đã đầy ngập "chất khí" gì màu đen?

Trong "môi cô gái đỏ mọng", "mặt đứa bé đỏ phính", "chiếc nhọt đỏ tấy", "người đàn bà trắng phốp", "hạt thóc vàng mẩy", "bờ ruộng xanh um", "rừng tràm xanh mịt", "nền trời xanh thẳm", "trời xanh lồng lộng" v.v., rõ ràng đỏ, trắng, vàng, xanh đều xuất phát từ những ấn tượng "nổi".

Màu sống động ba chiều không tả những mảng màu phẳng, mà tả những hố màu, những khối màu, những không gian màu. Ngoài màu, ta còn thấy bề sâu, chiều cao, độ dày, độ cong v.v.

o Nhóm cấu trúc cho ta biết kết cấu bề mặt của đối tượng được quan sát.

Kiều có "một vùng cỏ mọc xanh rì". Hồ Xuân Hương viết "bậc đá xanh rì lún phún rêu". Người Việt bây giờ nói "cằm xanh rì lún phún... râu". Ấn tượng xanh ở đây là do thứ gì đấy, hoặc cỏ, hoặc rêu, hoặc râu, mọc chi chít mà thành.

Trong "lát giò trắng mịn" hoặc "vầng trán trắng mịn", màu trắng đã gần mất cấu trúc, do thịt nạc quết thực nhuyễn hoặc do làn da rất "nhỏ".

Ðến "mặt đất trắng lì", thì dường như không còn có thể hình dung được một thứ kết cấu gì nữa.

Những đen rạn, đen vẩn, đỏ nứt nở, đỏ sần, đỏ tịt, trắng mốc, trắng nhờ, vàng ố, vàng rám, vàng rộm, xanh loang lổ, xanh mờ v.v. cũng đều chứa loại thông tin tương tự.

o Nhóm chuyển động chứa cảm giác chuyển động.

Nhất Linh, trong Nắng thu: "cơn gió heo may thoảng qua trải trên mặt ao (...) làn sóng gợn lăn tăn trắng." Tô Hoài, trong “Hết một buổi chiều”: "cái thành cửa màu đỏ kềnh kệch nhuộm vào nắng, đỏ lồng lên." Nguyễn Tuân "ký" cảm giác của mình một hôm đi qua Chợ Rồng: "đặc sắc nhất (...) là tơ tằm và chuối ngự. Tơ chín vàng, chuối chín vàng (...) Cái màu vàng giãy nảy lên ấy...". Vũ Bằng, "một buổi chiều tà, hiu hiu gió thổi (...) trong một quán lạnh", bâng khuâng ngồi đợi... cháo. Cháo mang lên, ông "đưa mắt nhìn vào bát cháo mà nhận chân lấy cái quánh của nó với màu tím lờ đờ do tiết tạo thành..." Màu mà lăn tăn như sóng, mà lồng như ngựa, mà giẫy nẩy như đĩa phải vôi, mà lờ đờ như đom đóm đực!

Màu còn động lắm kiểu lạ khác. Như lửa cháy: "những tầng hoa phượng đỏ ngùn ngụt" (Dương Thu Hương), "những thửa mạ xuân đang bốc xanh ngùn ngụt" (Quang Dũng). Như gió thổi: "tấm cờ đỏ rùng rùng trên diễn đàn" (Nguyên Hồng), "tà áo dài trắng lồng lộng" (Hoàng Ngọc Tuấn), "áo phơi xanh phới nhánh đào hồng" (Tô Thùy Yên). Như ngựa ngoan ngoãn: "nắng còn chói chang trên mặt sóng xanh đằm" (Phùng Quán). Cũng "đằm", còn có màu "vàng tươi óng ả bồng bềnh" của tơ ở chợ Lương (Vũ Thư Hiên), màu "xanh nhẹ lung linh rơn rờn mơn mởn" của lá long não (Nguyễn Tuân), màu xanh rờn của "ấy sông bến cũ hàng me..." (Bùi Giáng) v.v. Màu có thể chỉ sắp sửa động, như giọt nước mắt chưa kịp lăn: "đóa hoa vàng rưng rưng trong chiều vắng lặng" (Dương Thu Hương), hoặc có thể đã "thôi" động, như màu "trắng cứng đờ" của vôi (đã quét lên vách) (Bùi Ngọc Tấn).(5)

Trong dân gian, màu cũng thi nhau múa may, rục rịch: ngoài "lá sấp, lá ngửa, lá xanh rờn rờn", còn có bạc túa, đỏ lòe, đỏ lóe, đỏ ửng, đỏ phừng, đỏ rần, đỏ rượi, tím lịm, vàng rực, xanh leo lét, xanh ve vé (chạy ve vé?) v.v.

Màu từng chuyển trong Kiều: "Càng sôi vẻ ngọc càng lồng màu sen".

Loại tương giao

Loại màu này ghi thêm cảm nhận vốn tương ứng với một giác quan khác. Thực ra chỉ mắt ta nhìn thấy, mà rồi làn da ta như cảm thấy, lưỡi ta như nếm thấy, mũi ta như ngửi thấy, tai ta như nghe thấy!

Tùy theo giác quan, màu tương giao lại chia thành bốn nhóm.

o Nhóm mắt-da liên hệ nhận thức về màu sắc với cảm nhận do xúc giác.

Ca dao có câu: "Thà rằng đen nhẵn cho anh phải lòng". Nhất Linh tả cô gái có đôi mắt đen êm (như nhung), Nguyễn Bính viết: "Mưa thưa trắng lạnh nửa ao bèo". Nguyên Hồng nhắc đi nhắc lại những "ánh đèn dầu lạc vàng nhờn". Người Việt ai ai cũng từng gặp những cô gái nước da trắng mát, từng ngắm những thảm lúa xanh rười rượi, từng dùng những miếng cá rán vàng giòn.

Ðen láng, đen rắn, đỏ bỏng, đỏ hực, tím buốt, trắng nhầy, trắng nhớt, vàng nhẫy, xanh lạnh v.v. cũng đều chứa cảm nhận của da.

o Nhóm mắt-lưỡi liên kết thị giác với vị giác.

Tô Hoài thích kể chuyện cũ (Hà Nội). Ðâu đó, ông hồi tưởng về một món "nước dùng vàng ngậy". Trong tiểu thuyết Ngoại ô, Nguyễn Ðình Lạp lại dùng từ vàng ngậy để tả thứ dứa mỡ gà. Có lẽ điển hình nhất, màu này nhắc nhở da gà mái tơ (đã lên đĩa)! Tả món khêu gợi ấy, ta không nói "vàng" nhạt nhẽo, mà dùng "vàng nhẫy" hoặc thật tình hơn, "vàng ngậy". Từ nhẫy đến ngậy, miếng ngon đã đi từ tay vào mồm, dù thực sự nó mới chỉ "hiện thực" trong tầm mắt!

Loại màu "nếm" không nhiều, nhưng thường "ký" những hồi ức đặc biệt: màu đen ngọt lịm của tấm bánh gai "miền thơ ấu" (Vũ Thư Hiên); màu xanh lè của quả ổi non cắn vào chát đắng, cũng trong miền ấy; màu hồng ngọt ngào của chiếc áo mới mẹ sắm Tết cho một cô bé; màu trắng ngọt của má ai đó ngày xưa v.v. Dĩ nhiên không ai xơi áo, xơi má mà biết vị thế nào; cái vị ngọt đây thuộc về một món ăn nào đó mà vật mang màu gợi lên: áo hồng nhắc kẹo hồng, má trắng nhắc tảng thạch?

Khi Võ Phiến viết "... một màu trời xanh rất ngọt ngào", trời xanh nhắc ông cái gì xanh vậy? Trường hợp này, e cái ngọt nó không xuất phát từ vật chất cụ thể, mà nó thấm vào lưỡi từ chính "thời gian đã mất".

Miền quá vãng không chỉ có vị, mà còn có mùi nữa, như sẽ thấy dưới đây.

o Nhóm mắt-mũi chứa những mùi hương, nối thị giác với khứu giác.

Ðoàn Phú Tứ có câu thơ nổi tiếng:

"Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngát".

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh chú thích: "Tím ngát tả đúng mối tình dìu dịu. Tím “ngắt” sẽ đau đớn quá." E đây không phải chuyện dịu hay gắt, đau ít hay đau nhiều. Tím ngát là tím thơm đấy. Hương thanh thanh thì màu thơm thơm, vậy thôi. Vả, chẳng riêng Ðoàn Phú Tứ thơ thẩn cầu kỳ, Vũ Hoàng Chương cũng từng cho hương, màu quấn quít:

"Thời gian đã ngả tím màu xưa
Hương cũ bay về lại ngát đưa".

Dường như thời gian chỉ có đủ cả màu lẫn mùi khi trong ấy có Em (6), như Hoàng Cầm từng "mộng bút":

"Hương tím em về đậu giữa trang thơ".

Dù là màu có mùi hay mùi có màu, phát hiện ngộ nghĩnh của các thi sĩ lãng mạn trên e thừa chất thơ mà thiếu cụ thể với người ngoại cuộc. Dễ chia xẻ, thưởng thức hơn nhiều là màu xanh ngát của rau húng Láng trong “Chén rượu vĩnh biệt” giữa Tản Ðà và Nguyễn Tuân, hay màu xanh ngát của hoa màu nơi bãi Ba Trại trong ký Quang Dũng. Ngát, không thể là ngắt, vì rau, thứ nhất rau thơm, quý ở mùi thơm đặc biệt, chứ màu xanh ngắt thì ngon lành gì!

Thời gian và rau đều có màu thơm, một món "lưng chừng" như mây sao khỏi gây ấn tượng hỗn hợp? Vẫn Thái Bá Vân xem tranh Phái: "Những đám mây (...) ngào ngạt trắng". Mây thơm nức Kỳ Hương, là Bửu Vân chăng?

Màu chứa mùi lắm khi thật cụ thể, dễ hiểu, như màu vàng phưng phức của chiếc bánh mới nướng hay màu nâu khét của cơm cháy. Nhưng dù dễ hay khó, những tím, xanh, vàng, trắng ấy đâu còn đơn giản là màu nữa, mà chính thị những nhịp cầu tương giao bắc từ mắt xuống mũi!

o Nhóm mắt-tai chứa âm thanh, nối thị giác với thính giác.

Ngắm núi non, đồng ruộng, văn Tô Hoài thỉnh thoảng bật ra những màu lạ. Ông viết "lưng núi xanh im", "ruộng khoai tốt lá xanh eo éo". Lá khoai tốt thì "phát thanh" inh ỏi (?), còn lá lạc chẳng biết tốt hay xấu mà không rỉ nửa lời: "... màu xanh lặng lẽ của lá lạc" (Nguyễn Khải).(7) Tha thẩn không biết "ở thời nào", Huy Cận có lần thấy "... bóng vườn trưa xanh tiếng ve". Cách nay chưa lâu, xem tranh Phố Phái, nhà mỹ học Thái Bá Vân lại phát hiện "chói bùng một đốm đỏ ngân nga". Xanh kia đỏ ấy thi nhau rót vào tai ta những "tiếng màu"!

Ở Nam bộ có lối nói "trời tối đen hù". Hù có phải là âm thanh ta nghe thấy khi từ nhà sáng sủa an toàn bước ra ngửng nhìn đêm đen đe dọa?!

Loại cảm tưởng

Khác hai loại trước, loại màu này chứa cảm tưởng của người nhìn về tình trạng bên trong của đối tượng

Trong câu ca dao "Trắng chi, trắng bủng, trắng xanh", "trắng..." vừa tả màu da vừa là đánh giá tình trạng sức khỏe.

Một số màu cảm tưởng có nghĩa qui ước: trắng bủng (bệnh hoạn), trắng xanh (yếu ớt), hồng hào (khỏe mạnh), đỏ đắn (khoẻ mạnh), xanh xao (người ốm), xanh lướt (tạng yếu), xanh rớt (ốm nặng), tái mét (lo sợ), tím rịm (môi khi đứng lâu ngoài trời rét), trắng tinh (sạch sẽ, tinh khiết, chưa dùng), trắng tàu tàu (cũ), vàng vọt (ánh sáng yếu), vàng lụi (lúa bệnh), đen xỉn (cũ), tím bầm (vết đòn, tức giận) v.v.

Những màu khác không có nội dung nhất định, nên người dùng cần giải thích cụ thể:

Khái Hưng tả nhân vật: "... mặt trắng tái vì tức giận"

Vũ Bằng: "... đôi môi xám ngoét của người nghiện"

Sơn Nam: "... sợ, mặt mày xanh lét"

Vũ Trọng Phụng: "... sợ hãi xanh xám mặt mũi".

Xanh lét có thể chỉ là màu xanh của mắt mèo, xanh xám có thể chỉ là màu đá, hoặc màu da của người "già úa, mặt xanh xám như cơn mưa" (Tô Hoài).

Loại tâm trạng

Loại màu hữu cảm thứ tư không chở thêm cảm giác nào cả, cũng không chứa cảm tưởng về phía trong của đối tượng. Màu kia màu nọ ở đây chẳng qua cái cớ để người nhìn nói lên tâm trạng của chính mình.

Khi Thạch Lam văn "Trời hồng phơi phới...", ai cũng biết Trời chẳng làm sao cả, chính Thạch Lam (hay nhân vật của ông) mới đang cảm thấy... lâng lâng.

Khi Vũ Hoàng Chương thơ "Màu tím thờ ơ vạt áo ai!", độc giả Việt Nam hẳn dư hiểu thờ ơ có liên hệ với tâm trạng của thi sĩ chứ không phải của vạt áo!

Khi Hoàng Cầm chợt hoài cảm "Mắt thời gian càng miên man xanh", Tô Hoài bỗng nhớ giàn đỗ ván nở một đóa hoa tím ngẩn ngơ, nhớ một buổi chiều vàng ngây ngất, Nguyễn Huy Thiệp tả "lạc đề" những hoa gạo đỏ xao xuyến bồn chồn, những hoa ban trắng khắc khoải, nao lòng v.v., thì đích thị các nhà thơ nhà văn đang miên man cảm xúc, chứ hoa nọ hoa kia, buổi chiều, "mắt thời gian", dù xanh, đỏ, tím, vàng, cũng không hề biết ngẩn ngơ, xao xuyến, bồn chồn...

Trong Miếng ngon Hà Nội, nhân luận về món hẩu lốn thường dùng sau Tết, Vũ Bằng đâm nhớ vợ và cao hứng nhại thơ Ðoàn Phú Tứ: "Màu thời gian tim tím, hương mùa xuân thanh thanh...". Nhạc sĩ Ðoàn Chuẩn sáng tác ít, nhưng nhạc ông có vài bài phổ biến rộng. Chắc nhiều người còn nhớ Gửi người em gái: "Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng (...) Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi..." Cái màu thời gian "hẩu lốn" của Vũ Bằng, cái màu của thứ hoa "bé xinh xinh" của Ðoàn Chuẩn, nó chất chứa nỗi niềm nên dù không bị âm điệu của thơ của nhạc chi phối, nó cũng không chịu viết là tím tím đâu.(8)

Màu tâm trạng không chỉ liên hệ chuyện tình cảm riêng tư, giữa "một người với một người", mà còn chen vào ngay giữa người và... trời: trời xanh mênh mông, xanh bát ngát, xanh bao la, xanh thăm thẳm, xanh hun hút, xanh tít mù, xanh lồng lộng, xanh vòi vọi, xanh vời vợi, xanh cao, xanh cao nhẹ (!), xanh không tưởng v.v.. Nhà văn nhà thơ miền Trung đặc biệt chú ý đến màu trời. Yến Lan "nằm nghe xanh biếc của trời buồn", Tế Hanh "quên sao được sắc trời xanh biếc", Chế Lan Viên nhớ "trời xanh xanh thăm thẳm...", Võ Phiến nhớ "trời xanh thao thiết..." v.v. Ngoài Bắc, Dương Thu Hương cũng có lần ghi lại cảm tưởng khi ngước mặt: "Trời xanh ngăn ngắt, màu xanh trong và lạnh, thăm thẳm đơn côi..."

Dân tộc Việt Nam sống giữa bốn bề cây lá, nên màu xanh lá cây rất phong phú, vậy mà khi "cảm xúc vũ trụ" dường như ta thường gắn bó với màu trời. Như thể, những khi lòng man mác, ta hay ngửng mặt nhìn lên cao hơn là chú mục trong tầm cây cỏ...

Màu tâm trạng không nối mắt với giác quan khác, mà nó bắc một nhịp cầu vào thẳng tim ta. Nó thiếu hẳn tính qui ước, vì cũng trời hồng ấy nhưng trong những kẻ cùng nhìn trời mấy ai chia xẻ nỗi phơi phới của Thạch Lam. Nó thậm chí hết sức "phù du", vì vẫn cành phượng ấy vẫn mắt nhìn ấy, nhưng sáng còn đỏ hân hoan trưa có thể đã thành đỏ bạo liệt. Dường như chính đặc tính "vô thường" làm nó gây ấn tượng mạnh hơn các loại màu khác, nếu dùng đúng chỗ. Màu xanh rùng rợn của "sóng sầu lan" trên đồi cỏ (Chế Lan Viên), màu xám hắt hiu của lau (Tố Hữu), màu trắng ngơ ngẩn của mây (Tô Hoài), màu đỏ ngơ ngác của bông hoa rừng (Doãn Quốc Sỹ), màu tím bời bời của hoa xoan ngõ cũ (Nguyễn Bính), màu vàng phôi pha của lúa chín trong nắng muộn (Dương Thu Hương), màu vàng tả tơi của hoa cúc khi mộng xác xơ (Vũ Hoàng Chương) v.v., những màu ấy toàn chủ quan cả, vậy mà ta cứ cảm được dễ dàng.

Khi màu sắc là tâm trạng, nó tha hồ chủ quan "tới bến". Ta chỉ nên "chuồi theo" nó, mà chớ mong "cắt nghĩa"!(9)

Loại phong cách

Loại màu hữu cảm cuối cùng trong tiếng Việt là loại phong phú hơn cả, đếm sơ qua đã thấy đến hàng vài trăm từ.

Không phải hễ ta tả màu sắc của một vật mà đồng thời lại ghi thêm hoặc một cảm giác khác, hoặc một cảm tưởng về nội tình của vật ấy, hoặc tâm trạng của chính ta, thì tức là ta đã gắn cho nó một phong cách sao?

Hễ là màu hữu cảm, tất có phong cách.

Phong cách của màu, có khi nó là ở tính cách sống động, ở đặc tính tương giao, ở nội tình của đối tượng, ở tâm trạng của người nhìn. Rất nhiều khi, nó là một cái gì khác, mơ hồ, không nói rõ được. Những khi ấy, ta có màu... phong cách.

Màu phong cách là màu hữu cảm không thuộc vào một trong bốn loại đã nêu.

Cầu giá bạc phau (Kiều), cụ già râu tóc bạc phơ, thằng bé đen cóc cáy, răng đen nhưng nhức, con chim cuốc đen trùi trũi, móng tay cô gái sơn đỏ choét, tàn nhà vua đỏ dòi dọi, hạt chay chị khi xưa đỏ lòm, hoa gạo đỏ ngòn, lá phong già đỏ phơi phới (Võ Phiến), còng cáy đỏ sọng, lũy tre cháy đỏ xuộm, chiếc áo hồ trắng bốp, mắt Tây đen trắng dã, xương phơi trắng hếu, răng chó trắng ởn, mỡ trâu trắng ợt, miến chương trắng phớ, ánh đèn vàng cạch, mép con giải vàng ệch, cá trê béo vàng ệnh, nong kén vàng hươm, yếm rùa vàng lườm, bụng rắn vàng nượm, người bị rút máu xanh chành, biển xanh lặc lìa, ngọn đèn vặn nhỏ xanh lè, mắt mèo xanh lét, ánh đèn nê-ông xanh xao khuất bóng (Phan Thị Vàng Anh) v.v. Những bạc, đen, đỏ, trắng, vàng, xanh ấy đều có phong cách hẳn hoi. Phong cách gì?

Rắc rối nữa, cùng một từ, có thể tùy chỗ dùng mà mang hai ba phong cách khác nhau: mặt người bệnh trắng nhợt thì nom tội nghiệp, mà bụng con thằn lằn trắng nhợt thì lại gây phản ứng kinh tởm (ít nhất nơi đa số phụ nữ). Ðen đúa có thể nhắc một nông dân hiền lành, có thể một tướng cướp hung ác, có thể gã Hà Ô Lôi cổ quái từng hát xướng nỉ non trong cung điện Lý! (Cũng đen, nhưng đen điu, đen đủi không gợi lên nét dữ dằn, kỳ dị nào, mà dường như chỉ hướng ta về những thân phận hẩm hiu, tội nghiệp.)

Có "thân", tất mang lấy "nghiệp". Màu kia sắc nọ mang phong cách đã đành. Trong tiếng Việt, "vô thân" cũng không thoát khỏi... luân hồi. Nào "ao thu lạnh lẽo nước trong veo", "sông Lô một giải trong ngần", "nước trong leo lẻo cá đớp cá", "những ngày trong sáng của mùa thu", "ánh sáng trong dịu của một ngày cuối thu", "nước trong vắt, cỏ xanh rì", "nước trong suốt như ngọc", "hai con mắt trong trẻo như nắng hè", "nước chè xanh mới ngấu trong anh ánh", "lòng trắng (mắt) xanh một màu men trong muốt (?)", "nước suối trong khe", "không khí trong lành" v.v.(10) Trên thế giới có thứ ngôn ngữ nào khác mà cũng làm tình làm tội màu trong đến thế này chăng?

Phong cách, nó phức tạp như chính thực tại.
 

VÀI GHI CHÚ VỀ NHẶT

Từ chỉ màu dĩ nhiên là công trình chung lâu dài của vô số thế hệ người Việt.

Ngắm đi ngắm lại công trình ấy, thấy có mấy điều cần nói liên hệ đến việc sưu tầm.

Văn Nôm, ca dao, tục ngữ đều ít màu hữu cảm

Trước văn quốc ngữ, có văn Nôm. Xuyên suốt mọi thời kỳ, có văn truyền khẩu. Ðọc lại các tác phẩm viết bằng chữ Nôm, đọc lại ca dao, tục ngữ, không thấy bao nhiêu màu hữu cảm. Tại sao?

Trường hợp văn Nôm, dường như có ít nhất hai lý do. Thứ nhất, văn xưa kia hầu hết là thơ, hoặc những thể khác mà hình thức cũng rất chặt chẽ, gò bó. Thứ hai, văn xưa kia chủ yếu là nhằm kể chuyện, hoặc chở ý, chở "đạo". Văn như thế hiếm chỗ cho những thứ màu sắc biểu lộ "linh tinh".

Trường hợp ca dao, tục ngữ, do nội dung mở rộng, dễ tưởng là nơi dung chứa được nhiều thứ xanh đỏ hay ho, nhưng thực ra vẫn không phải là "đất hứa" của chúng. Vì ca dao, tục ngữ vẫn có hình thức nhất định, lại thêm kích thước bé nhỏ, chỉ vài câu hay vỏn vẹn mấy chữ!

Sách nào nhiều màu hữu cảm, sách nào ít

Hầu hết màu sưu tầm được là từ kho tàng văn xuôi quốc ngữ mới viết trong khoảng một thế kỷ nay. Văn mới hình thức tự do, nội dung ít giới hạn nên chữ dùng cũng thoải mái hơn, phản ánh được tiếng Việt đầy đủ hơn.

Văn học quốc ngữ đại khái gồm thơ, truyện, ký, kịch, tùy bút. Thơ bây giờ, dù đã được giải phóng về cả lời lẫn ý, nói chung vẫn không phải chỗ tiện "màu mè". Hẳn có người vội đoán trong các thể văn xuôi thì thể tùy bút, do đặc tính phóng khoáng, chính là nơi lý tưởng cho nhà văn dụng... màu. Ðọc lại Nguyễn Tuân của nửa đầu thế kỷ 20, Võ Phiến của nửa sau, không thấy vậy. "Nồng độ" màu trong tác phẩm của hai vị chỉ ở mức trung bình. Thể ký ghi lại đời sống, thể truyện hư cấu đời sống, thể kịch diễn lại đời sống (hoặc thực hoặc hư), cũng không thể nào có vẻ là "đất" cho màu hữu cảm vẫy vùng chắc chắn cả.

Văn thể không thiên vị màu, nhưng dường như có những văn gia viết lách "đượm mùi" hơn những nhà khác. Dường như các "nhà văn của màu" thường là người Bắc, thường đậm chân quê, thường viết văn theo lối "cũ". Chẳng hạn Tô Hoài.

Màu mà do những người viết như thế sử dụng, dễ tin là màu... dân tộc.

4 - 2004
(Trong Tìm tòi và suy nghĩ, nxb. Của Tin, Mỹ, 2005)
_______________________
(1) Ðại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (thuộc Bộ Giáo dục và Ðào tạo?) bảo trợ, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, VN, 1999.
(2) Thơ Phạm Thiên Thư.
(3) Ở đây dùng từ "cảm giác" với nghĩa hẹp là cái cảm của ngũ quan, để phân biệt với "cảm tưởng", "cảm xúc" là cái cảm của tâm hồn .
(4) Xem phần phụ lục.
(5) Trong bài có dẫn một số từ không phải là từ chung của dân tộc mà là từ riêng của ai đó. Tuy không thuộc vào từ điển, nhưng những từ ấy cũng có giá trị cho thấy một xu hướng quan trọng trong Việt ngữ.
(6) Khi không có Em, hoặc khi Em không chiếm vị trí áp đảo, thời gian thường có màu xanh: "trong lãng quên xanh hút thời gian" (Tô Thùy Yên),"nghe trong xanh thẳm thời gian" (TTY),muôn trước ngàn sau thăm thẳm xanh" (Vũ Hoàng Chương).
(7) Vẫn lá lạc, nhưng Lê Lựu lại thấy "màu xanh đậm xôn xao...". Xôn xao nhưng vẫn không thốt nên lời, phải chăng?
(8) Tím tím chỉ là hơi tím, không hữu cảm, nhưng xanh xanh thì có thể chứa cảm xúc, như trong "thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu" (Chinh Phụ), "chân mây mặt đất một màu xanh xanh" (Kiều), "sông Tần một dải xanh xanh" (Kiều).
(9) Bài “Vì sao” của Xuân Diệu có câu "Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc" và câu "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!".
(10) Những cụm chữ trong ngoặc kép, theo thứ tự, là của Nguyễn Khuyến, khuyết danh (ca dao), Cao Bá Quát, Hoàng Ðạo, Nguyễn Ðình Thi, khuyết danh (Bích Câu kỳ ngộ), Thế Lữ, Nhất Linh, Lê Minh Hà, Vũ Tú Nam, Nguyễn Như Ý (2).