Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
NGƯỜI VIỆT TRUNG DUNG Thu Tứ
Trung Quốc: tưởng vậy mà...
Về cái ăn, ta đứng giữa Hoa, Nhật
Về cái uống, ta đứng giữa Hoa, Nhật
Về cái ở, cái... tắm, cũng thế
Về cái mặc, cũng vậy
Về cái chơi: vẫn Hoa-Việt-Nhật
Trung dung không phải trung bình
Trung Quốc: tưởng vậy mà...
Xã hội Trung Quốc tổ chức theo Nho giáo hơn hai nghìn năm. Ðạo Khổng bền, hẳn có hợp với người Tàu. Khổng Tử đề cao thái độ trung dung. "Trung là không thái quá, không bất cập".(1) "Dung là bất dịch, là không thay đổi".(2) Trung dung nghĩa luôn luôn chừng mực. Vậy người Tàu ít cực đoan.
Chuyện hợp lý, gần đây bỗng sinh ngờ vực. Vài quan sát ngẫu nhiên một hôm gây thắc mắc. Bèn thử đặt lại vấn đề.
Về cái ăn, ta đứng giữa Hoa, Nhật
Vạn sự khởi đầu vào một cuối tuần ăn uống khá lăng nhăng, sáng phở bò Tiểu Sài Gòn, trưa mì vịt tiềm phố Tàu. Dùng xong bát mì béo ngậy, loanh quanh giây lát giữa đám đông người Hoa trong khu mua sắm, chợt nhận thức có khác nhau đáng kể giữa hai món ăn cơ bản của hai láng giềng Á Ðông. Có phải cùng sợi, nước, thịt, mà phở "nhẹ", "thanh", "tươi" hơn mì?
Phở chỉ là một trong nhiều món ngon của dân tộc. Tập hợp tất cả món ăn phổ thông cả nước, nêu đặc tính chung, đem so với cái ăn bên Trung Quốc, thấy gì?
Rõ ràng thực đơn Việt gồm khá nhiều món thịt cá dùng tái, thậm chí sống, với gia vị tươi; trong khi người Tàu luôn nấu thật chín và thường ướp gia vị khô như bột ngũ vị hương.
Trong danh phẩm My country and my people, Lâm Ngữ Ðường tiết lộ: "Bí quyết của nghệ thuật nấu nướng Trung Quốc là ở cách pha trộn hương vị".(3) Ông ví dụ món thịt heo hầm măng và món thịt gà xào cải. Nấu thành công thì hương vị thịt heo / gà ngấm vào măng / cải, hương vị măng / cải lại ngấm vào thịt heo / gà, làm cho cả thịt lẫn rau cùng trở nên "hợp khẩu" hơn. Họ Lâm viết giọng tự tin, nhiệt tình. Ngon hơn hay không, nấu như thế hẳn mọi thứ nguyên liệu đều chín kỹ.
Người Việt cũng không thích ăn đơn hương, độc vị. Nhưng ta có cách pha trộn riêng của ta. Hãy nghe Ðinh Hùng, thuở ấy là một thiếu niên ngưỡng mộ Tản Ðà, tả thi sĩ tửu đồ dùng bữa: "...nhà thơ bày la liệt những đĩa, những chén nho nhỏ xinh xinh, đựng linh tinh các món gia vị: chút tương vàng óng, chút nước mắm ô long nâu thẫm, những trái ớt đỏ tươi, những quả chanh cốm xanh ngắt, và đĩa rau riếp thái nhỏ điểm lên những cánh rau thơm, rau mùi, rau ngổ hái ngay ở vườn nhà, và đĩa rau muống chẻ non bẽo - thứ rau muống Sơn Tây trắng nõn như ngó cần - không thiếu từ chút hạt tiêu sọ, thêm cả một con cà cuống băm, mấy củ hành hoa, đĩa lạc rang, vài chiếc bánh đa vừng..."(4) La liệt xung quanh Tản Ðà, tóm tắt, là ngồn ngộn hương vị rau cỏ tươi sống. Trong tùy bút Ăn... Mùi, Võ Phiến so sánh gia vị tươi với thành phần của một ban nhạc: "Trong một dĩa rau thơm, mùi nọ lẫn với mùi kia, tôn nhau lên, chế hóa nhau: đó là một cuộc hòa tấu, một bản nhạc mùi".(5) Chỗ lý thú là người Tàu hòa nhạc trong chảo, trong nồi, còn ta tấu trong miệng, khi nhai!
Chẳng cần đông đảo linh đình, miếng thịt bò nhúng giấm chấm mắm nêm kèm khế, chuối chát, hay miếng bê thui tương gừng thêm vài lá ngổ, càng nhai thịt và gia vị càng "tôn nhau", "chế hóa nhau" cách kỳ diệu, ăn ngon... mệt nghỉ.
Người Việt ăn sống hơn người Tàu, vậy họ trung dung ta cực đoan chăng?
Thử xem qua món sushi của người Nhật, một dân tộc Á Ðông khác. Dân xứ Phù Tang có thể ăn "tươi" gần như tất cả các loài dưới nước, kể cả tôm! Và họ ăn gần như không gia vị: miếng hải sản sống trăm phần trăm, mảnh rong nướng, chút tương cải xanh, chút xì dầu, là toàn thể "ban nhạc". So với món gỏi cá sống của ta, vốn dùng với rất nhiều rau thơm để át vị tanh, thì sushi "sống sít" hơn thấy rõ.
Về cái ăn, dường như người Tàu "thái quá", người Nhật "bất cập", chính người Việt mới đích thị "trung dung"!
Về cái uống, ta đứng giữa Hoa, Nhật
Ai cũng biết các dân tộc Á Ðông thích uống trà. Có lẽ ít người để ý chỗ khác nhau giữa trà Tàu, trà Nhật, trà Việt Nam. Người Trung Quốc uống trà lâu đời, viết thành sách nổi tiếng: Trà kinh. Người Nhật cũng lừng danh thế giới với trà đạo. Người Việt, ở đất gốc phía bắc, tuy chẳng sách vở đạo điếc gì, cũng uống trà nhiều như ai. Trà ta - tức chè Thái - có bản sắc mạnh mẽ.
Trà Tàu chia ba loại chính, chủ yếu phân biệt ở mức độ chế biến, gồm hai giai đoạn ủ và sao. Chế biến kỹ nhất là "trà đen", nước pha màu nâu đậm; chế biến vừa là loại trà Ô Long như Thiết Quan Âm, nước màu vàng sẫm; chỉ sao, không ủ, là "trà xanh", như Long Tỉnh, nước pha vàng nhạt.(6) Dù có thuộc loại chế biến nhẹ nhàng nhất, chén trà Tàu vẫn không còn giữ bao nhiêu hương vị của lá trà tươi. Nhất là vị, tuyệt đối không còn chát.
Trà Nhật, ngược lại, hương vị tươi sống gần như... sushi! Nhớ đôi lần dự trà đạo, nâng chén trà, ngắm nghía mà... ngần ngại. Vì loại trà quý của Nhật có màu xanh lè, xanh như ten đồng, như nước Hồ Gươm! Nhớ trong Trà đạo, Okakura Kakuzo có tả "cái chén đựng chất nước xanh lục"(7) mà đệ nhất trà nhân Rikyu dâng lên cho chúa Taiko Hideyoshi. Ôi, màu xanh... rùng rợn! Các loại trà phổ thông màu sắc bình thường hơn, xanh vàng. Trà Nhật gần như không hương, vị chát đậm, hơi tanh (?).
Trà Thái Nguyên của ta, nếu giống tốt, hái đúng lứa, chọn toàn búp và hai lá non sát búp (gọi là hái "một tôm hai lá"), xong đem "xao suốt", tức sao liên tục, một hơi, trên lửa than củi đượm, thì kết quả sẽ... vô cùng rực rỡ. Màu "xanh anh ánh", vị vừa "chát khiêu khích" vừa "ngọt sâu thẳm", hương "hết sức dịu dàng".(8) Cái hương quái lạ, "lúc chén trà đang bốc khói, nâng lên ngang tầm mũi, cứ tưởng như nhà ai vừa mới mở cái nắp vung của một chõ xôi gạo nếp cái hoa vàng".(9) Cái hương ấy có thể thưởng thức cách hoàn toàn không tốn kém là mở nắp lọ chè đưa lên mũi ngửi. A, hương chè, hay chính mộc mạc hương quê!
Xét về độ tươi sống, hiển nhiên trà Việt Nam đứng giữa hai thứ "trà đạo" và "trà kinh".
Về cái ở, cái... tắm, cũng thế
Ăn, uống, tuy chuyện "phàm tục", thường tình, vẫn thỉnh thoảng được nhắc đến cách đặc biệt trong văn học. Cái "ở" kém thế hơn một chút, hiếm khi chiếm địa vị chủ đề. Mặt khác, nhà cửa lại là khung cảnh sinh hoạt chính của đa số, nên viết gì thì viết, lắm lúc văn gia không khỏi mất đôi dòng về... cái nhà.
Trần Trọng Kim, nhân bôn ba hải ngoại, có dịp quan sát kỹ kiến trúc và lối trang trí nhà cửa bên Trung Quốc. Ông phát biểu minh bạch: "Nhà cửa ở các làng (...) tối tăm (...) Người Tàu thường ưa ở những cái buồng nhỏ hẹp, khi thấy cái buồng nào rộng, thì họ lấy gỗ ngăn làm mấy phòng nhỏ để mấy người hay mấy gia đình ở chứ không thích những buồng rộng rãi và thoáng đãng. Tôi gặp những người đã sang ở bên ta, (cho) ta làm nhà để buồng là phí đất. (...) Nhà cửa hay (...) có những kiểu trang sức rậm rạp".(10)
Okakura Kakuzo, trong lúc say sưa thuyết giảng về lý tưởng của trà đạo, cũng "lạc đề" qua chuyện... khác: "những cảnh bên trong nhà của người Nhật ngày nay vì quá đơn giản và thuần khiết về lối trang trí, nên có vẻ gần như trống trải đối với người ngoại quốc".(11)
Thế là rõ ràng. Nhà Tàu chật chội, tối tăm, trang trí rườm rà hơn nhà ta. Nhà Nhật lại "trống trải", "thuần khiết" hơn tất cả (có ta). Thế là về cái ở, lạ thay, cũng vẫn người Tàu thái quá, người Nhật bất cập, mà người Việt trung dung.
Bàn nơi ăn chốn ở, tự nhiên nghĩ chuyện vệ sinh. Trần Trọng Kim nhận xét: "Người Tàu gọi tắm là lấy khăn dúng vào nước rồi lau mình chứ không phải là dúng mình vào nước hay là lấy nước dội lên mình".(12) Nước Nhật nổi tiếng có những nhà tắm công cộng sạch sẽ, nam thanh nữ tú tha hồ "dúng mình vào nước" kỳ cọ kỹ càng. Người Việt xưa kia sở trường tắm giếng, kéo gàu, "dội lên mình". Tắm dúng, tắm dội, tắm lau, ô hay, sao trong cái tắm dường vẫn đó đây phân biệt, mà người Việt ta lại cứ tiếp tục chen vào giữa người Nhật, người Hoa!
Về cái mặc, cũng vậy
Tiếng Việt có nhiều từ kép bắt đầu bằng chữ "ăn". Ðã nói chuyện ăn uống, ăn ở, hãy thử xem qua chuyện ăn mặc.
Chiếc kimono của Nhật, ai cũng biết, chẳng những dài sát đất mà còn gồm mấy lớp, quấn kín, che phủ hoàn toàn thân thể. Áo dài của ta tuy mỏng manh, làm rõ lồ lộ bán thân trên, nhưng gần như không phơi bày da thịt. Xường xám của Trung Quốc may rất bó, nửa trên hoặc cộc tay hoặc sát nách, nửa dưới xẻ cao một bên, phô gần trọn đùi: mặc xường xám như thể mặc áo dài không tay không quần!
Tùy bút Võ Phiến có đôi bài về áo dài.(13) Theo lối viết miên man quen thuộc, ông bình phẩm cả về trang phục các nước khác; và như vô tình, giới thiệu một định nghĩa của văn hóa. "Trang phục là văn hóa, văn hóa là một cố gắng cải biến thiên nhiên". Từ góc nhìn này, chiếc kimono tượng trưng cho cố gắng cực đoan, vì "thiên nhiên" đã hoàn toàn bị che đậy, vì "Thân người chỉ còn như là cái cớ cho sự xây dựng một công trình mỹ thuật". Về cố gắng cực đoan đối nghịch, Võ Phiến chú ý chiếc váy ngắn thời trang nóng bỏng của Tây phương gần bốn mươi năm trước. Ông gọi hiện tượng mini-jupe là "cuộc phi nước đại trở về tự nhiên". Thiết tưởng xường xám dù chưa hẳn ngon trớn "lồng" lên như thế, cũng vẫn đã bỏ xa lắm cái phong thái "rùa bò" của "công trình mỹ thuật". Ðặt giữa hai thứ trang phục Á Ðông chống đối nhau kịch liệt, chiếc áo dài Việt Nam, không tránh được, trở thành tiêu biểu cho "sự dung hòa giữa tự nhiên và văn hóa". Mặc ai nhanh ai chậm, trên đường về nguyên thủy, chiếc áo đơn sơ kỳ diệu của ta cứ ung dung, thủng thỉnh vó câu.
Trường hợp cái mặc, người Nhật chủ trương nhiều, người Tàu thiên vị ít, người Việt lại cố ý lửng lơ.
Về cái chơi, vẫn Hoa-Việt-Nhật
Ăn, uống, ở, mặc đều ít nhiều thiết thực, liên hệ với nhu cầu thể xác. Ăn chơi nhằm đáp ứng đòi hỏi tinh thần.
Chơi, biết bao nhiêu lối. Nhạc là chơi. Có ai để ý tiếng sáo Nhật nó não nùng, thê lương, ma quái, kỳ dị không sao tả nổi? Tiếng sáo Tàu dường như tương phản, dường như điển hình nghe rộn ràng, ríu rít, tưng bừng, đầy sinh khí (chẳng biết xưa Trương Lương thổi cho quân Hạng Vũ tan hàng là thổi thế nào?). Người Việt Nam thổi sáo khác cả người Nhật lẫn người Hoa: giọng sáo ta khoan thai, bình thản, không buồn... phi lý, không vui bồng bột.
Thơ cũng là chơi. Luật thơ Ðường rắc rối, cầu kỳ, luật thơ tanka của Nhật đặc biệt đơn giản (14), luật thơ lục bát của ta không dễ không khó.
Có thơ, thường có rượu. Cùng làm bằng ngũ cốc, rượu trắng Việt Nam nặng hơn sake của Nhật, nhẹ hơn Mao Ðài của Trung Quốc.(15)
Về cái nhạc, cái thơ, cái... rượu, dường như ta lại vẫn duy trì thế đứng trung dung?
Trung dung không phải trung bình
Vừa rồi, ngon trớn ví dụ liên miên. Tạm nghỉ bút, xem lại, không khỏi giật mình. Băn khoăn e có chỗ lý lẽ chưa đủ thuyết phục. Ðắn đo còn những so sánh khác có thể giá trị hơn, liệu nên tiếp tục đưa ra? Ngẫm nghĩ, tự nhắc nên tránh cầu toàn, nên vui nếu may ra chỗ nhận xét của mình cơ bản không đi chệch hướng.
Bấy nhiêu "bằng chứng", dù chưa hoàn hảo, có lẽ đủ cho thấy khuynh hướng đứng giữa của phong cách sinh hoạt Việt Nam. Ðứng cách ý nghĩa, không phải vu vơ, ngẫu nhiên. Ðứng bền, không thay đổi qua bao nhiêu dâu bể thăng trầm. Lạ chứ.
Kẻ đa nghi mỉa mai: Trung Quốc và Nhật Bản là hai đỉnh cao của thế giới Á Ðông. Họ tượng trưng cho hai thái cực. Ta thấp hơn họ, chẳng đứng giữa thì còn đứng đâu? Chẳng riêng ta, các dân tộc khác ở Ðông Nam Á đều thế. Lạ gì.
Ða nghi như thế dễ dãi. Từ đầu đến đây, mới nêu cái khác, là cái tuy vậy tương đối dễ nêu. Giờ, chẳng đừng được, phải nói qua chuyện thấp cao, hơn kém. Giàu mạnh hơn không có nghĩa văn hóa cao hơn. Ðứng giữa vẫn có năm bảy đường. Có cái đứng ngơ ngẩn, tình cờ; có cái đứng đầy biểu lộ, phản ánh nội dung riêng biệt, sâu sắc. Nên đặt vấn đề cách cụ thể, chú trọng đánh giá sản phẩm cuối cùng: Phở, bún bò, chè Thái, rượu Vân, áo dài, tiếng sáo trúc, tiếng đàn bầu, lục bát Kiều v.v. có thấp hơn món ăn thức uống, y phục, âm nhạc, thi ca của Hoa, Nhật chăng? Có cao hơn văn hóa của các anh em Ðông Nam Á chăng?
Câu trả lời nằm trong lời tựa My country and my people. Vào sách, tác giả cho biết ngay sẽ không bận tâm chứng minh những nhận định rất thuận lợi của mình về nước Tàu, dân Tàu. Ông nhắc nhở: "... sự thực không chứng minh được, mà chỉ có thể cảm thấy".(16) Ông vung bút liệt kê, giảng giải những điều ông cảm thấy về Ngô thổ dữ ngô dân, rồi dõng dạc... chấm hết.
Lâm Ngữ Ðường luận chí lý về bản chất của sự thực, và ông hành xử đích đáng. Có điều, ông được hưởng lợi thế. Trung Quốc, dù đôi khi sa cơ nhục nhã, vẫn đường đường nền văn minh cổ duy nhất còn tồn tại trên thế giới. Làm người Tàu, ông thừa tư cách để hùng hổ. Lạ, văn hóa Việt Nam chưa mấy ai biết đến, vậy mà kẻ làm người Việt sao cũng nhất định hùng hổ như ông!
1 – 2003_________________________
(Trong Tìm tòi và suy nghĩ, nxb. Của Tin, Mỹ, 2005)
(1) Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, Ðại cương triết học Trung Quốc, quyển hạ, nxb. Xuân Thu, Mỹ, tr. 383.
(2) GC & NHL, sđd, tr. 394.
(3) Lâm Ngữ Ðường, My country and my people, nxb. John Day, Mỹ, in lần thứ bảy, 1935, tr. 340.
(4) Ðinh Hùng, Ðốt lò hương cũ, nxb. Lửa Thiêng, SG, 1971, tr. 27.
(5) Võ Phiến, Ăn... Mùi, Tùy bút I, nxb. Văn Nghệ, Mỹ, 1986, tr. 82.
(6) Theo tài liệu của công ty trà Thiên Nhân, Ðài Loan.
(7) Okakura Kakuzo, Trà đạo (Bảo Sơn dịch), nxb. Xuân Thu, Mỹ, tr. 136.
(8) Lê Minh Hà, Thương thế, ngày xưa..., nxb. Văn Mới, Mỹ, 2001, tr. 90.
(9) Nguyễn Hà, Hà thành hương và vị, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, Việt Nam, 1999, tr. 145.
(10) Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, nxb. Vĩnh Sơn, SG, 1969, tr. 153.
(11) OK, sđd., tr. 73.
(12) TTK, sđd., tr. 154.
(13) VP, sđd., tr. 24, 30.
(14) Basil Hall Chamberlain, Japanese things, nxb. Tuttle, Mỹ và Nhật, in lần thứ 20, 1994, tr. 374.
(15) Rượu sake hiệu Hakutsuru: khoảng 30 độ. Rượu Nếp Mới: khoảng 60 độ. Rượu Mao Ðài: 106 độ.
(16) LNÐ, sđd., tr. xiii.