Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Cái ăn rất "gốc"
Hai cuộc bể dâu Thu Tứ
Sử thịt, sử người
Hai cuộc bể dâu
Ý nghĩa, ý nghĩa
Vừa mừng, vừa lo
Cơ thể con người ta trời sinh cần chất đạm. Ðối với người Việt Nam, thịt bò là một nguồn đạm tương đối mới. Liệu cái sự việc ta đang gia tốc tiêu thụ thứ đạm mới có ý nghĩa lịch sử gì đáng chú ý chăng?
Cái ăn rất "gốc"
"Vẻ chi ăn uống sự thường"(1), mà phí thì giờ đi... vọc thịt?!
Ấy, từng miếng ăn, từng bữa ăn thì tầm thường thật. Nhưng từng cái thịt thì xin ai chớ lấy làm thường.
"Cái ăn cái uống là gốc con người"(2) còn hơn cả cái tóc cái răng đấy. Cả một dân tộc mà bắt đầu chịu ăn một thứ thịt mới thì rất "bất thường sự" đấy, chứ không hề thường chút nào đâu!
Sử thịt, sử người
Nói nguồn đạm chính trong thực đơn truyền thống là cá thì bây giờ nghe khác nào "mặt trời mọc ở phương đông". Ấy vậy mà mặt trời xưa vốn không mọc ở phương đông, người Việt Nam xưa kia vốn không ăn cá mà ăn ốc ăn cua!
Xưa đây không phải là thời tiền chiến trong tiểu thuyết xã hội của Tự Lực Văn Ðoàn, của Nam Cao v.v. đâu. Hồi đó tuy dân ta có mò cua bắt ốc, có ăn bún riêu bún ốc (bây giờ vẫn ăn!) nhưng nguồn đạm chính đã là các loại cá từ lâu lắm rồi.
Nói xưa đây là nói từ khoảng mười mấy ngàn năm trước cho tới khoảng năm, sáu ngàn năm trước, tức đại khái là cái khung thời gian tồn tại của văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn. Theo Chử Văn Tần, "cua ốc (...) là nguồn thức ăn (...) chủ yếu (...) của người Hòa Bình"(3). Theo Lê Xuân Diệm, đến thời văn hóa Bắc Sơn "việc mò cua, bắt ốc hầu như vẫn (...) là hoạt động đem lại nguồn thực phẩm quan trọng. Tàn tích của loại động vật nhuyễn thể này hầu như tràn ngập (...) các di tích cư trú"(4).
Không phải tổ tiên xa xưa của ta là người Hòa Bình, người Bắc Sơn thích ăn cua, ốc hơn là ăn cá. Họ thường mò cua bắt ốc mà ít câu cá lưới cá chỉ đơn giản là vì họ ở trên núi, xa biển, xa sông lớn, xa đất nhiều hồ ao, cá đâu mà lưới, câu về ăn cho đủ!
Phải đợi tới một lúc nào đó trong khoảng thời gian chuyển biến từ văn hóa Phùng Nguyên (bắt đầu cách nay khoảng 4000 năm) qua văn hóa Ðông Sơn (bắt đầu cách nay khoảng 2700 năm) thì cái nguồn đạm chính của tổ tiên người Việt mới từ ốc, cua trở thành cá. Thực đơn đổi khác là do "nhà" đã "dọn" đến chỗ khác: người Phùng Nguyên sinh sống ở trung du, nơi cá vẫn tương đối hiếm, trong khi người Ðông Sơn cư trú ở những chỗ đất thấp và trũng mới xuất hiện hai bên sông Hồng, nơi còn rất nhiều "vũng" nước và do đó có rất nhiều cá (kể cả cá sấu!).
Từ Hòa Bình, Bắc Sơn đến Phùng Nguyên đến Ðông Sơn là cả một cuộc thay đổi địa bàn sinh tụ liên tục theo hướng từ cao xuống thấp, từ chỗ ít nước ra chỗ nhiều nước. Con ốc núi, con cua núi từ từ bò ra khỏi thực đơn, con cá sông, cá hồ, cá ao, cá biển từ từ bơi vào, chỉ sau thời gian dằng dặc cái bò vào cái bơi ra lộn xộn mới chấm dứt để từ đó các loại cá tha hồ vẫy vùng làm chủ tình hình trong bát trong đĩa trên mâm cơm Việt Nam!
Ðó, cái miếng "thịt" bỏ vào miệng hàng ngày, "tiểu sử" của nó gắn liền với "đại sử" của cả dân tộc chứ đâu phải chuyện vừa.(5)
Hai cuộc bể dâu
Nhưng chuyện con cua cái ốc bị con cá nó lấn trên mâm thì dính líu gì đến chuyện ta ăn thêm thịt bò?
Ðã nói cái ăn cái uống rất "gốc". Chúng là một tấm gương ta có thể nhìn vào mà thấy được những thay đổi hết sức lớn lao trong đời sống dân tộc, tức thấy những cuộc bể dâu to tát nhất.
Diễn biến cá thay cua ốc phản ánh cuộc bể dâu từ các văn hóa cổ miền núi - chân núi qua văn hóa Ðông Sơn ở châu thổ sông Hồng.
Diễn biến lên đời của thịt bò - trong đó sự phát triển rực rỡ của phở chỉ là một ví dụ - trong tầm ngắn phản ánh cuộc xâm lăng của đế quốc Pháp, trong tầm dài hơn phản ánh tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, còn tối hậu sẽ phản ánh cuộc bể dâu từ một nền văn hóa nông thôn tồn tại suốt mấy nghìn năm qua một nền văn hóa đô thị chưa biết sẽ mang những dáng nét độc đáo nào (nếu nó có độc đáo).
Cá với thịt bò ăn nhập với nhau là thế, là vì sự xuất hiện của chúng trong bữa ăn hàng ngày mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt sâu sắc.
Ý nghĩa, ý nghĩa
Bể dâu hai lượt...
Lượt trước, người Việt Nam đổi qua ăn nhiều đạm cá rồi làm làng có lũy tre bao quanh mà ở. So với thời sống bằng chủ yếu đạm ốc đạm cua, văn hóa của tổ tiên ta tuy khác đi nhưng không hề giống của ai.
Lượt này, ta ăn thêm đạm... Tây (đùa thế vì Tây nổi tiếng thích ăn thịt bò) rồi bỗng tỉnh ta vừa vùn vụt hóa tỉnh Tây (6) vừa trở nên hung hăng như "bò húc"(7), ngày đêm bành trướng nuốt chửng quê ta (bành trướng vốn là đặc tính cơ bản của Tây!). Khắp mọi nơi trên đất nước quê hương, cái Tỉnh Tây nó đang ráo riết đẩy cái Quê Việt vào quá khứ. Không lâu nữa, sẽ khó gặp nhân vật tiểu thuyết nói được câu: "... còn tôi sinh ở nông thôn"(8). Mà trong tương lai dù ai đó có lọt lòng ở nông thôn thì cũng không phải là... con (tinh thần) của Nguyễn Huy Thiệp, vì lúc ấy chính quê ta cũng đã Tây hóa mất rồi!
Giữa bể dâu Cua Ốc - Cá với bể dâu Thịt Bò còn có chỗ khác nhau này nữa.
Lượt trước, ta đang ở trên núi, trên đồi, nhìn xuống thấy biển rút để lộ ra đất dễ kiếm miếng ăn, ta bèn tự ý di cư xuống ở.
Lượt này, ta đang ở yên lành sau lũy tre, bỗng đâu có kẻ mang súng ống tàu bè qua bắt ta cứ ở y nguyên chỗ cũ nhưng phải "dọn" qua một thời đại mới!
Vừa mừng, vừa lo
Người Việt Nam bây giờ có thêm một thứ thịt nữa để ăn. Người Việt Nam bây giờ đang trên đà thoát ly cái đời trồng lúa vất vả nắng bỏng lưng rét thấu xương để biến thành công nhân mát lưng ấm xương. Mừng và mừng cho ta. Nhưng vừa mừng lại vừa lo.(9)
----------------------------------------------2008
(Trong Tìm tòi và suy nghĩ, quyển II, sắp xuất bản)
(1) Cung oán ngâm khúc, câu 51.
(2) Nhại đùa câu "Cái răng cái tóc là gốc con người". Mà không đùa!
(3) Chử Văn Tần, Văn hóa Ðông Sơn - Văn minh Việt cổ, nxb. Khoa Học Xã Hội, VN, 2003, tr. 959.
(4) Trong "Những lớp cư dân đầu tiên" của Lê Xuân Diệm, tức chương VII trong Lịch sử Việt Nam, tập I, nhiều tác giả, Hội đồng Khoa học Xã hội TPHCM, Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM, nxb. Trẻ, VN, 2001, tr. 287-288.
(5) Dĩ nhiên ta vừa động đến một vấn đề còn nhiều tranh luận, là vấn đề nguồn gốc dân tộc. Nhiều người, trong đó có chúng tôi, tin rằng ngoài tổ tiên tại chỗ là người Hòa Bình, dân tộc Việt Nam còn có những tổ tiên khác từ xa di cư đến. Tuy nhiên, khảo cổ học Việt Nam hiện nay chủ trương dù sao thì người Hòa Bình cũng là tổ tiên chính. Bài này được viết theo tinh thần chủ trương đó.
(6) Xem bài "Cái tỉnh quê ơi".
(7) Nước tăng lực có thương hiệu nổi tiếng tên Bò Húc.
(8) Trong truyện ngắn "Những bài học nông thôn" của Nguyễn Huy Thiệp.
(9) Xem bài "Lo cho đời phở".
[ Trở Về ]