Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Những ông Tây "rau muống"
___________Source : Tuổi Trẻ Online
Tháng 10/2007
Từ phương trời xa xôi, họ đến VN kiếm sống. Những ông Tây bươn chải mưu sinh với đủ nghề bình dân, nhiều người chỉ mong "kiếm được hai bữa cơm sống qua ngày". Họ nói tiếng Việt rành rẽ, thích ăn rau muống chấm mắm, la cà quán cà phê vỉa hè... Họ là những người nhập cư đặc biệt, không khác gì người Việt, chỉ khác là không mang quốc tịch VN. Ở lâu rồi quen, và những ông Tây đã chọn VN làm quê hương.
Kỳ 1: Gà quay "Ông Tây "- Bắt đầu ngày mới bằng một ly cà phê đá đậm đặc bên vỉa hè và vài tờ báo tiếng Việt, trông Juan chẳng khác người Sài Gòn là bao. Juan nói tiếng Việt khá sõi, phóng xe máy giao hàng khắp mọi hẻm mà không bao giờ sợ bị lạc đường. Gần 15 năm mưu sinh ở VN, anh chàng người Pháp này nói đầy vẻ tự hào: "Tôi rành phố xá Sài Gòn không thua xe ôm".
Kỳ 2: Frank "hà tiện"- Gặp khó khăn khi mưu sinh trên miền đất mới, đã từng "đứt bữa" giữa Sài Gòn, mua thiếu từng bao thuốc lá… Đó là câu chuyện của một người đàn ông từ nước Đức xa xôi đến VN để làm… người Việt!
Kỳ 3 : Hai Lúa mắt xanh- Hơn chục năm qua, nhiều người ở bến Ninh Kiều (Cần Thơ) đã quen với sự có mặt của một ông Tây nói tiếng Việt sõi như dân bản xứ. Khi thì ông ngồi quán cà phê trong nhà lồng chợ chào mời du khách, khi xắn tay áo cầm búa làm thợ sửa tàu, khi lại thấy ông xuống tàu làm hướng dẫn viên du lịch…
Kỳ 4 : Khi Tây làm bồi- Từ lâu, người dân ở phố cổ Hội An (Quảng Nam) đã quen thuộc với hình ảnh những du khách từ nhiều châu lục trên thế giới đến đây làm việc. Nhiều người trong số họ đã chọn Hội An làm quê hương của mình. Họ xin được làm thuê cho những ông chủ người Việt để mưu sinh, và điều quan trọng nhất với họ là được sống ở Hội An.
Hằng ngày Damien chạy quanh khu phố cổ, đến từng khách sạn, nhà hàng ở Hội An để phát tờ rơi tiếp thị cho du khách
Kỳ 5 : Ông Tây " thịt chó "- Hẹn gặp San đến lần thứ năm, trong điện thoại giọng ông Tây vẫn ậm ừ: "Ờ…Ờ. Được rồi! Nhưng tôi bận làm ăn quá lấy đâu thời gian để tiếp riêng ông. Hay ông đến quán tôi. Cứ thấy tôi làm gì thì viết nấy, tôi bù lại ông một chầu thịt chó miễn phí! Thế nhá. Ờ…Ờ! Nhá! ".
Nhìn ông Tây San bán quán và giảng giải về các món ăn của VN, nhất là món thịt chó, sành điệu như người Việt, nhiều khách mới đến quán ngạc nhiên hỏi: "Ông là Tây thật hay Tây dỏm mà rành VN quá vậy?". San cười với khách: "Tây xịn, nhá!". Nhiều người còn ngạc nhiên hơn khi biết ông Tây "thịt chó" này đã có bằng thạc sĩ kinh tế và dân tộc học tại Pháp.
Kỳ 6 : Tớ là Dâu- Nhiều bạn trẻ Việt Nam đến nay không còn xa lạ với chàng trai người Canada Joseph Ruelle, nổi tiếng vừa hóm hỉnh vừa vui tính, "chơi" được tiếng Việt như người Việt.Nhiều người gọi ông Tây sinh năm 1978 này bằng cái tên thân mật là Joe hay Dâu! "Mình đến VN là để học, nhưng chính xác là học trong khi phải sống đã. Mình làm việc, kiếm tiền để có một cuộc sống vui hơn, dễ chịu hơn", Joe tâm sự một cách thẳng thắn.
Một "cuộc sống dễ chịu" của Joe đơn giản là: "Đủ tiền uống trà đá sinh viên 1.000đ, ăn phở hay bún ốc 5.000đ và cơm bụi vỉa hè là rẻ nhất nhưng phải có thời gian viết blog bằng tiếng Việt".
Kỳ 7 : "Thương hiệu" blog của Dâu- Yahoo châu Á xếp hạng blog (nhật ký trên mạng) của Joe là một trong những blog tiếng Việt có nhiều người ghé thăm nhất. Tháng 5-2007, cuốn sách Tớ là Dâu tập hợp những bài trên blog của Joe được NXB Kim Đồng ấn hành. Đây là cuốn sách đầu tiên được xuất bản từ blog tại VN.Nhiều báo và tạp chí cũng đã trích đăng blog của Joe và gọi blog này là "một cách nhìn dí dỏm của người nước ngoài về cuộc sống hiện tại của VN". Một tờ báo còn dành hẳn một chuyên mục để đăng những bài viết trên blog này.
Còn Joe thì bảo: "Sướng lắm, sướng đến phát điên khi mỗi sáng chào bình minh, mở blog ra thấy hàng trăm phản hồi của những bạn trẻ cả đã quen, cả chưa quen trên blog". Hỏi Joe, Joe xoa tay cười hề hề: "Blog của Joe thì nhiều người biết, nhưng chuyện Joe viết blog như thế nào chắc chưa mấy người biết".
Kỳ 8 : Andreu "hàng thanh lý"- Tuổi thơ Andreu lang bạt khắp Nigeria. Rồi phiêu dạt qua Mỹ, lăn lóc tìm được việc làm ở một ngân hàng nhỏ.10 năm cật lực dành dụm, Andreu trở lại quê hương rồi tiếp tục lang bạt qua thêm 10 nước nữa trước khi đến VN. Lần đầu tiên đến VN, Andreu đã mê ngay sự êm ả thanh bình, nhưng chỉ loay hoay ở được một tháng thì sạch túi.
Lần thứ hai, anh quay lại VN với kế hoạch lập nghiệp lâu dài. Tuy nhiên, Andreu bầm dập, thậm chí nhiều ngày phải đói khát vì không thể xin được việc làm. Nhiều lúc Andreu đang lang thang trên đường phố thì bị mấy bà mẹ chỉ vào để hù dọa con: "Ăn đi con, không ăn mẹ cho ông kẹ đen thui này bắt bây giờ"
Kỳ cuối: Dạy dạo mưu sinh- Người nước ngoài đến VN mưu sinh đủ màu da, lứa tuổi. Bên cạnh những ông Tây còn có nhiều phụ nữ châu Á đến VN sinh sống. Họ cũng giống nhiều người Việt, lam lũ mưu sinh qua ngày. Ở VN, họ tìm được niềm vui và hạnh phúc.
[ Trở Về ]