Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
[ Trang chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Hà
Tiên chẳng còn hòn Phụ Tử ?
Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời ngày nào ? Festival
thơ ca ở Hà Tiên: tại sao không ?
|
Một địa danh "co giãn" |
Hà Tiên là địa
danh trỏ một miền đất mà giới hạn địa lý "phập phồng
co giãn" tùy từng thời điểm lịch sử - xã hội cụ thể.
Vốn là xứ Mang Khảm thuộc vương quốc Phù Nam cổ, đến thế kỷ XVII đất này nằm trong tình trạng vô quản. Khoảng năm 1700, Mạc Cửu - một thuyền nhân từ Quảng Đông, Trung Hoa - tới chiêu tập lưu dân khẩn hoang lập ấp, rồi tự nguyện xin sáp nhập đất này vào lãnh thổ Đàng Trong dưới thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1697 - 1738). Trấn Hà Tiên chính thức được thành lập từ đó, năm Mậu Tý 1708. Niên hiệu Minh Mạng XIII nhằm năm Nhâm Thìn 1832, trấn Hà Tiên được gọi tỉnh Hà Tiên và là một trong sáu tỉnh Nam Bộ với diện tích khá rộng. Bởi thế, để mô tả cương vực Tổ quốc thuở nọ, ông cha ta thường diễn đạt: từ Nam Quan đến Hà Tiên. Thuyết trình ở Câu lạc bộ Văn Hóa tại Sài Gòn ngày 23-9-1960, thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn Phát (1906 - 1969) từng lý giải: - Nói từ Nam Quan đến Hà Tiên là nói theo ngày nay. Chớ ngày xưa Cà Mau không phải là địa điểm chánh. Đó là huyện Long Xuyên thuộc địa hạt Hà Tiên. Nói cách khác, ngày xưa, Hà Tiên trùm cả Cà Mau trong đó. Gấm vóc non sông một dãy liền / Từ Nam Quan suốt đến Hà Tiên. Câu thơ xưa đã cho ta bằng chứng. Cuối năm 1899, Toàn quyền Đông Dương chia Hà Tiên làm bốn tỉnh nhỏ: Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Bạc Liêu. Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1951, tỉnh Hà Tiên nhập với Long Châu Hậu (tức phần phía tây sông Hậu của hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc) thành tỉnh Long Châu Hà. Tên tỉnh Long Châu Hà cũng do Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tái lập năm 1972 gồm ba huyện Hà Tiên, Phú Quốc, Châu Thành A (của tỉnh Rạch Giá) và ba huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Huệ Đức (của tỉnh An Giang). Còn trên bản đồ hành chính do chế độ Việt Nam Cộng Hòa thiết lập trước năm 1975, Hà Tiên là một quận thuộc tỉnh Kiên Giang. Sau ngày đất nước thống nhất, Hà Tiên là đơn vị cấp huyện có diện tích 1.029,8km2 với số dân 69.218 người, nằm trong tỉnh Kiên Giang. Đến ngày 2-9-1998, thực hiện chủ trương của tỉnh và chính phủ, huyện Hà Tiên lại tách thành huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Hiện tại, thị xã Hà Tiên bao gồm thị trấn Hà Tiên (cũ) với các phường Đông Hồ, Bình San, Pháo Đài; thêm phường Tô Châu cùng ba xã Thuận Yên, Mỹ Đức, Tiên Hải. Đây là phần lục địa cuối cùng của đất nước Việt Nam về phía tây nam, có 54km đường biên giới trên bộ tiếp giáp Campuchia. Theo số liệu thống kê vào đầu năm 2000, toàn thị xã Hà Tiên có 88,51km2 diện tích tự nhiên và 38.133 nhân khẩu. Như thế, Hà Tiên liên tục biến đổi đơn vị hành chính từ cấp trấn sang tỉnh, rồi huyện / quận, đoạn trở thành thị xã. Lưu ý rằng một số cảnh đẹp nổi tiếng như hòn Phụ Tử, hòn Chông, chùa Hang, hang Tiền, hang Moso giờ đây chẳng thuộc thị xã Hà Tiên mà thuộc địa bàn huyện Kiên Lương. Thời gian qua, ắt bởi thiếu cập nhật thông tin nên nhiều sách, báo, đài, lịch, bưu thiếp, website giới thiệu các phong cảnh vừa nêu lại kèm lời giải thích, thuyết minh "ở Hà Tiên" là không còn sát hợp thực tế! |
Xác định ngày Chiêu Anh Các ra đời |
Dẫu sao, thị xã
Hà Tiên ngày nay tuy nhỏ bé song vẫn quyến rũ muôn người
nhờ truyền thống văn hóa - lịch sử sâu dày, cùng quần
thể danh lam thắng cảnh đặc sắc. Trong số này, trước tiên
cần nhắc đến hệ thống di sản thiên nhiên lẫn nhân tạo
từ rất lâu đã được "đăng ký" qua thơ ca. Ấy là hàng
trăm bài thất ngôn bát cú Đường luật mang chung tiêu đề
河仙什詠 Hà Tiên thập vịnh của bao thi nhân trong lẫn ngoài nước họa vận theo 10 bài do Mạc Thiên Tích - con trai độc nhất của Mạc Cửu - thủ xướng, gồm: 1.Kim Dự lan đào (Đảo vàng chắn sóng - bây giờ là núi Pháo Đài);Từng tạo nên một sự kiện rất ấn tượng trong lịch sử văn học Việt Nam và là một hiện tượng văn hóa đột khởi ở Đồng bằng sông Cửu Long vào thế kỷ XVIII, phong trào sáng tác thơ ca đó mang tên Tao đàn Chiêu Anh Các (1). Chiêu Anh Các nghĩa là lầu gác gọi mời các bậc tài hoa. Tao đàn này do viễn khách Trần Trí Khải tự Hoài Thủy (2) nảy sáng kiến thành lập, và ngôi chủ soái được Tổng binh đô đốc trấn Hà Tiên bấy giờ là Mạc Thiên Tích đảm nhiệm. Lê Quý Đôn (1726 - 1784), nhà thơ kiêm nhà bác học đương thời, đã bỏ công trích chép tác phẩm của Tao đàn Chiêu Anh Các vào các bộ sách Phủ biên tạp lục và Kiến văn tiểu lục kèm lời ngợi khen: "Không thể bảo chốn hải ngoại xa xôi không có văn chương được". Tao đàn Chiêu Anh Các xuất hiện bao giờ? Thư tịch xưa nay đều thống nhất ghi nhận: mùa xuân năm Bính Thìn 1736. Nhưng chính xác vào ngày tháng nào? Tết Nguyên đán mùng 1 tháng giêng, hay tiết Nguyên tiêu rằm tháng giêng âm lịch? Tài liệu Hà Tiên - đất nước và con người của nhóm soạn giả Phan Thế Nhàn, Trần Thế Vinh, Hứa Nhứt Tâm, Lê Quang Khanh và Nguyễn Xuân Sơn (NXB Mũi Cà Mau, 1999, tr. 73) cho rằng: "Mạc Thiên Tích kế nghiệp cha vào năm 1735. Năm sau, đúng vào ngày Tết Nguyên đán Bính Thìn, Mạc Thiên Tích cùng các bạn thơ tề tựu trên đỉnh núi Bình San, cáo tri trời đất, thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các". Thế nhưng, khá đông nhà nghiên cứu bấy lâu nay đều khẳng định thời điểm đang xét là rằm tháng giêng. Tại Hội nghị khoa học kỷ niệm 250 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các tiến hành ở Rạch Giá tháng 11-1986, mở đầu tham luận Tao đàn Chiêu Anh Các qua các trang sách cũ, Hà Văn Thùy (Hội Văn nghệ Kiên Giang) nêu bật: "Như chúng ta đều biết, đúng vào ngày Tết Nguyên tiêu rằm tháng giêng năm Bính Thìn 1736, trên đỉnh núi Bình San, Mạc Thiên Tích cùng các bạn thơ của ông đã sáng lập Tao đàn Chiêu Anh Các". Trình bày tham luận Chiêu Anh Các trong bối cảnh các tao đàn, thi xã của văn chương dân tộc, Bùi Mạnh Nhị (Đại học Sư phạm TP.HCM) cũng nhấn mạnh: "Đêm rằm tháng giêng đầy trăng năm Bính Thìn 1736 là một đêm hội hoa đăng, đêm đi vào lịch sử văn chương Việt Nam: thi xã Chiêu Anh Các ra đời". Hai mốc thời gian, biết mốc nào chân xác? Thử xem lại bài tựa do chính Mạc Thiên Tích chấp bút đề sách Hà Tiên thập vịnh, bản khắc gỗ in năm Đinh Tị 1737. Nội dung bài tựa đó về sau được thi sĩ Đông Hồ phiên dịch trong công trình biên khảo Văn học Hà Tiên (NXB Quỳnh Lâm, Sài Gòn, 1970; NXB Văn Nghệ, TP HCM, 1996) có đoạn: "Mùa xuân năm Bính Thìn (1736) có thầy Trần Thủy Hoài (3) từ Việt Đông vượt biển đến đây. Ta đãi làm thượng tân. Mỗi khi hoa sớm trăng đêm, ngâm vịnh chẳng thôi. Nhân, đem Hà Tiên thập cảnh cho tri kỷ. Thầy Trần dựng cờ Tao đàn, mở hội phong nhã". So sánh hai mốc Nguyên đán với Nguyên tiêu, dễ thấy mốc sau hợp lý hơn. Bởi lẽ, nếu sự kiện "dựng cờ Tao đàn" xảy ra đúng Tết Nguyên đán Bính Thìn 1736, ắt nhân vật Trần Thủy Hoài đã ghé Hà Tiên ít nhất từ cuối đông Ất Mão mới phải. Do đó, lễ hội kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các vẫn được thị xã Hà Tiên tổ chức dịp rằm tháng giêng hằng năm. |
Festival thơ ở Hà Tiên: tại sao không? |
Tại đền thờ
họ Mạc nơi chân núi Lăng, nhạc sĩ Dương Minh Đức - phó
phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Hà Tiên - nói với tôi:
- Sau Hội nghị khoa học kỷ niệm 250 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các do Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang tổ chức trong hai ngày 13 và 14-11-1986, qua mùa xuân Đinh Mão 1987 thì lễ hội bắt đầu hình thành. Lâu nay, UBND thị xã Hà Tiên phân công phòng Văn hóa và Thông tin ở đây phụ trách khâu tổ chức lễ hội với sự giúp đỡ của Hội Văn nghệ tỉnh nhà và sự hưởng ứng của các văn nghệ sĩ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Lễ hội kỷ niệm Tao đàn Chiêu Anh Các khai sinh hiện diễn ra vẻn vẹn một ngày đêm với chương trình khá đơn giản và quy mô còn hạn chế. Không gian lễ hội chỉ thu hẹp trong phạm vi Mạc công tam vị miếu ở khu di tích Bình San, tức núi Lăng. Buổi sáng là phần hội, gồm mấy trò chơi dân gian như kéo co, đẩy cây, bịt mắt đập nồi, thi đấu cờ tướng, biểu diễn thư pháp, v.v. Buổi tối là phần lễ: múa lân, dâng hương, điểm lại truyền thống Tao đàn Chiêu Anh Các, ngâm thơ, ca cổ, rồi tiệc tùng và... kết thúc. Đối tượng tham gia cỡ trăm người mà hơn nửa đến từ các nơi khác. Trong khi đó, hầu như khắp địa bàn thị xã Hà Tiên, dân chúng vẫn sinh hoạt bình thường "một ngày như mọi ngày". Tại các khách sạn ở Hà Tiên, đa số khách lưu trú cũng chẳng hề hay biết có một lễ hội đầy ý nghĩa đang được tiến hành. Đáng tiếc xiết bao! Theo thiển ý của tôi, lễ hội kỷ niệm ngày ra đời Chiêu Anh Các xứng đáng để chính quyền và nhân dân địa phương lưu tâm phối hợp với các cấp, các ngành hữu quan, cùng các đối tác trong lẫn ngoài nước đầu tư tổ chức thành một festival tầm cỡ vào tiết Nguyên tiêu hằng năm với thời gian từ ba ngày đến suốt tuần liền. Loại hình festival ấy được ấn định: Festival thơ. Đó sẽ là nơi giao lưu của thi sĩ nhiều thế hệ, nhiều quốc tịch với nhau và với công chúng. Đó sẽ là sân khấu chọn lọc nhằm trình diễn các tiết mục ngâm thơ, trình bày các ca khúc phổ thơ, cùng những hình thức diễn xướng thơ ca dân gian của cộng đồng ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer. Đó cũng là chỗ giới thiệu bao thi tập đã ấn hành, trưng bày các bức thư pháp, và cả triển lãm tranh ảnh tượng phục vụ chủ đề Hà Tiên mến yêu đẹp như xứ thơ (trích lời bài hát Hà Tiên của Lê Dinh). Suốt thời gian Festival thơ diễn ra, đêm đêm mặt nước hồ Đông sẽ lấp lánh hoa đăng đón chào thuyền lan xuôi ngược, và các dãy phố sẽ rực sáng từng chuỗi đèn lồng đặc trưng mà nữ sĩ Mộng Tuyết gọi là qua đăng (đèn dưa). Kế hoạch ấy nếu triển khai tốt đẹp chắc chắn đẩy mạnh hoạt động du lịch, đồng thời góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa - giáo dục cho thị xã Hà Tiên nói riêng, tỉnh Kiên Giang và cả miền Tây Nam Bộ nói chung. Những Đêm trăng phố cổ được thị xã Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam tổ chức mỹ mãn lâu nay có lẽ là mô hình đáng để Hà Tiên tham khảo (4). Cố đô Huế đang khởi thảo đề án Xây dựng thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và cứ hai năm một lần vào mùa hè, từng đợt Festival Huế diễn ra liên tục 9 ngày đêm mang tính lễ hội văn hóa tổng hợp đạt quy mô hoành tráng. Thị xã Hà Tiên hoàn toàn có sẵn nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển lễ hội kỷ niệm sự xuất hiện Tao đàn Chiêu Anh Các mỗi dịp rằm xuân thành Festival thơ với phong cách riêng giàu hấp lực. Dĩ nhiên, muốn hiện thực hóa dự tưởng này, Hà Tiên còn lắm vấn đề cần tích cực chuẩn bị, lắm công việc cần giải quyết đồng bộ. |
____________ |
(1) Hệ
thống 10 bài xướng Hà Tiên thập vịnh cùng loạt bài
hoạ, gồm 320 đơn vị tác phẩm bằng chữ Hán của 32 tác
giả đã được in mộc bản tại Hà Tiên năm Đinh Tị 1737.
Rất tiếc tập này chẳng kịp in 10 bài hoạ của Nguyễn Cư
Trinh (1716 - 1767). Sau đó, còn có tập thơ chữ Nôm Hà Tiên
thập cảnh khúc vịnh / Hà Tiên quốc âm thập vịnh nhưng
chưa khắc in. Thi tập đó gợi ý để Nguyễn Cư Trinh sáng
tạo
Quảng Ngãi thập nhị cảnh.
(2) Trần Trí Khải tự Hoài Thuỷ 淮水 được ghi nhận trong Trung Quốc nhân danh đại từ điển (Thượng Hải, 1992). Tuy nhiên, về nhân vật này, trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, bản dịch của Lê Văn Giáo (Sài Gòn, 1973) phiên âm thành Trần Tử Chuẩn; còn bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh, hiệu đính bởi Đào Duy Anh (Hà Nội, 1977) phiên âm 2 kiểu là Trần Tử Hoài và Trần Tử Tính (3) Chính xác thì Trần Hoài Thuỷ. (4) Thời gian gần đây, các năm 2010 và 2011, lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên có triển khai thêm một số hoạt động như hội chợ ẩm thực, đấu bóng đá, thi thả đèn gió và hoa đăng, trình diễn văn nghệ trong công viên Trần Hầu, v.v., vẫn chưa phải Festival thơ đạt sức thu hút khắp cả nước. Đã
đăng
Kiến Thức Ngày Nay số 422 (1-5-2002). Mới cập
nhật chú thích
|
|
|
|
|
chứ không thuộc thị xã Hà Tiên. Ảnh: Trần Lam |
|
Ảnh: Hồng Lĩnh |
|
lễ hội kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các tại đền thờ họ Mạc nơi chân núi Lăng. Ảnh: Phanxipăng |
|
hiện diễn ra ở Hà Tiên với chương trình khá đơn giản và quy mô còn hạn chế. Cần đầu tư phát triển lễ hội này thành Festival thơ với phong cách riêng giàu hấp lực. Ảnh: Phanxipăng |