Chim
Việt Cành Nam [
Trở Về ]
[ Trang chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Ai
về Bình Định mà coi:
Đàn bà cũng giỏi múa roi, đi quyền. |
Lần
theo câu ca dao cân quắc ấy, tôi ruổi rong về miền đất
võ. Từ thành phố Quy Nhơn lồng lộng gió biển, chiếc ôtô
Mekong hai cầu lao vun vút ngược quốc lộ 19 đưa tôi lên Tây
Sơn - rốn võ miền Trung, nơi phát tích vị anh hùng "áo vải
cờ đào" Quang Trung Nguyễn Huệ. Ngước mắt nhìn quanh: tứ
bề núi núi. Núi cùng mây xây luỹ đắp thành. Tôi thầm nghĩ:
địa linh sinh nhân kiệt.
Ngang qua trường trung học Bùi Thị Xuân, bạn thơ thổ công Trần Viết Dũng trỏ: - Xưa, đây là trường luyện võ của nữ kiệt họ Bùi. Đêm khuya, đi qua đây, nghe như thoảng tiếng ngựa hí, voi gầm xen lẫn tiếng binh khí va loảng xoảng (?!). Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dòng võ Tây Sơn hình thành từ thế kỷ XVIII do sự tổng hợp nhuần nhuyễn ba hệ phái gia truyền: Hồ - tiêu biểu là Hồ Thơm tức Nguyễn Huệ, Trần - đại diện là hổ tướng Trần Quang Diệu, và Bùi - tượng trưng là nữ đô đốc Bùi Thị Xuân. Riêng sự phối kết Trần với Bùi đã dệt nên một thiên tình sử ly kỳ. 16 tuổi, Bùi Thị Xuân hợp sức cùng Trần Quang Diệu hạ gục hổ dữ giữa rừng xanh bằng tay không. Mối tình của hai tài năng bắt đầu từ đó. Theo viên tướng Tây Sơn, thiếu nữ họ Bùi ra mắt thủ lĩnh Nguyễn Huệ và được phong thống lĩnh đội nữ binh kiêm chỉ huy đội tượng binh. Bùi nữ tướng đã liên tiếp lập nên hàng loạt kỳ tích. Hình ảnh "bà thiếu phó" uy dũng trên thớt voi một ngà xông pha trận mạc vẫn còn sống mãi trong ký ức nhân dân: Thét voi xông trận ào ào,Đó cũng chính là hình ảnh kiêu hùng của đàn bà Bình Định thời trước. Hôm nay, trong chiếc nôi của võ phái Tây Sơn truyền thống, các hậu duệ của đô đốc Bùi Thị Xuân còn bảo lưu được những gì? |
Viếng Bảo tàng Quang Trung |
Toạ lạc tại
địa bàn xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định,
Bảo tàng Quang Trung được khởi công xây dựng từ năm 1977
và khánh thành vào năm 1979, đúng dịp 190 năm chiến thắng
Đống Đa. Trong khuôn viên Bảo tàng có cây me cổ thụ và
giếng nước đá ong - dấu tích vườn nhà, nơi ông Hồ Phi
Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng đã sinh ra "Tây Sơn tam kiệt"
là ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Muốn đến đây, phải băng qua cây cầu hẹp Kiên Mỹ bắc ngang sông Kôn. Ông Trần Đình Ký, giám đốc Bảo tàng, cung cấp cho tôi vài số liệu: năm 1994, nơi này mở cửa 745 buổi, đón 63.000 lượt khách trong nước và 3.700 lượt khách quốc tế. Như thế, Bảo tàng Quang Trung có lúc làm việc cả ban đêm và tính bình quân mỗi tháng tiếp chưa đầy 5.600 lượt khách. Còn nhớ trên báo Đại Đoàn Kết số xuân Bính Dần 1986, giáo sư Phan Huy Lê viết rằng từ lúc thành lập đến thời điểm đó, trung bình mỗi tháng có 10.000 lượt khách tham quan Bảo tàng Quang Trung. Hiện tại, nhu cầu du lịch nội địa đang tăng triển, khách ngoại quốc đổ vào nước ta ngày càng đông, cớ sao lượng người viếng Bảo tàng này sụt giảm thê thảm đến vậy? Thùng! Tờ... rùng! Cắc! Tờ... rùng! Tôi toan tìm cách thử lý giải thắc mắc nọ thì tiếng trống đã thúc ầm ầm. Đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung đồng võ phục - áo quần đỏ, đai vàng - bắt đầu biểu diễn. Mở màn là tiết mục Đả thập nhị cổ do Võ Thị Thuận trình bày với sự phụ hoạ của kèn sona / sanarai / pílè và não bạt. Thuận thoăn thoắt lia cặp dùi trên bộ trống 12 cái. Từng tràng âm thanh to nhỏ bổng trầm vang lên. Người đánh trống trở thành người múa võ: xuất quân, hãm thành rồi khải hoàn. Nhìn Thị Thuận chơi trống, tôi sực nhớ bài hát dân gian ngợi khen Thị Dần - một nữ thuộc hạ của Bùi đô đốc - rất thiện nghệ với bộ môn đánh 12 trống: Thị Dần quả thực đa tàiNhạc võ Tây Sơn chính là tuyệt kỹ của riêng nước ta, bắt nguồn từ các điệu trống chiến trong nghệ thuật hát bội. 12 trống tượng trưng cho thập nhị chi (tý, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi), kích cỡ lớn bé khác nhau, độ căng da bịt cũng khác nhau, do đó phát ra âm thanh khác nhau. Theo chuyên luận Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam của Phạm Duy (NXB Hiện Đại, Sài Gòn, 1972) thì ngay với một trống thôi, đã có thể đánh 6 thanh: thùng, tang, cắc, rụp, tịch, tỏng. Nhạc công Nguyễn Xuân Hổ, trưởng đội nhạc võ, thú nhận: - Diễn cho hoàn chỉnh thì phải đủ 5 hồi: luyện quân, tiến binh, công thành, tế chiến sĩ trận vong, khải hoàn. Chúng tôi chơi còn nặng về cảm hứng, chứ chưa thành thạo bài bản lắm! Tương truyền người giỏi nhạc võ chẳng những đánh trống bằng dùi mà dùng bao bộ phận của tay trần - từ ngón tay, lòng bàn tay, mu bàn tay, nắm tay, cườm tay, đến cẳng tay, cùi chỏ - và đủ khả năng chơi nhanh đến mức khán giả không sao kịp thấy đôi tay tự nhiên biến hoá vô vàn giao long. Đạt trình độ cao thủ, người ta còn tăng thêm 6 cái trống nữa để thúc, húc bằng gót chân, mông và cả đầu. Khôi phục trọn vẹn tuyệt kỹ nhạc võ Tây Sơn quả là cực kỳ gay go, nếu chưa muốn nói rằng tuyệt vọng! Tiếp theo, đội nhạc võ lần lượt giới thiệu một số bài quyền cước và binh khí của Tây Sơn phái. Một trong những nữ võ sĩ có thân pháp uyển chuyển, đường công nước thủ khá linh lợi, là cô gái 20 tuổi Nguyễn Thị Hồng Nhung. Trông nàng đánh roi trực chỉ, lăng khiên, đặc biệt là lúc nàng tung hoành chém bên tả, xả bên hữu với song đao sáng loáng, Hồ Minh Phước - người bạn thân cùng đi với tôi - ghé tai thì thào: - Hồng Nhung trồng trên đất này xinh nhưng nhiều... gai quá thể! Nhìn cặp mắt nàng quắc lên kia kìa. Hệt mấy sát thủ trong phim chưởng. Khiếp! Tôi vòng vào hậu trường. Hồng Nhung ngồi bệt trên thềm, mặt mày đỏ gay đỏ gắt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, vừa hổn hển thở, vừa phì phạch quạt mo. Nhìn quanh: không có một chai nước dành cho các võ sĩ giải khát! Hồng Nhung tâm sự: - Em học võ từ hồi còn lớp 9, thụ giáo thầy Lê Công Đồ. Đến năm 1992, em vào làm hợp đồng ở đây, lương hằng tháng 150.000 đồng. Lâu lâu, các khách sạn ngoài Quy Nhơn mời bọn em ra diễn đêm, mỗi suất vậy thì từng người được bồi dưỡng 100.000 đồng. Tôi hỏi: - Thu nhập vậy có đủ cho Hồng Nhung xài không? Hồng Nhung cười, không đáp. Theo đề nghị của tôi, nàng lui sân sau múa bài Song đao phá thạch. Trước phút khép bộ bái tổ lập như tiền, Hồng Nhung rùng đinh tấn, vung cặp đao che mặt, mắt quắc lên. Đôi mắt em quắc như là... song đao. Nhãn pháp nàng sáng đẹp một cách hùng tráng, chứ đâu có gai góc sát thủ như bạn tôi nhận xét. Tôi chú ý một nữ võ sinh tí hon: Phan Thị Mai, 11 tuổi. Sau khi xem bé Mai múa Hùng kê quyền và đánh Tứ linh đao nom dễ thương đáo để, tôi hỏi: - Mai học lớp mấy, trường nào? Phan Thị Mai trả lời: - Dạ, cháu học lớp 4 trường tiểu học Võ Xán ngoài thị trấn Phú Phong. - Kết quả học tập của Mai ra sao? - Dạ, tháng nào cháu cũng đứng đầu lớp. - Giỏi. Đó là văn. Còn võ, Mai đã học được những gì rồi? - Về quyền, cháu biết Thần đồng, Tứ hải, Thiền sư, Ngọc trản, Lão hổ thần sơn. Về binh khí, cháu có thể đánh roi đoản, roi trường, độc kiếm, song kiếm. - Ai dạy võ cho Mai? - Dạ, thầy Tài. "Thầy Tài" đây là Cao Xuân Tài, một trong những vận động viên ưu tú của làng võ Bình Định. Tài thuần thục khá nhiều loại binh khí truyền thống, từng thi đấu võ cổ truyền toàn quốc và đã giành 18 huy chương gồm 12 vàng, 5 bạc, 1 đồng. Gặp Tài cùng đồng đội đang lúi húi nhổ cỏ trước sân bảo tàng, tôi dò hỏi: - Từng nghe ở đây có Kim Thanh, nữ võ sĩ rất sở trường với thảo roi Ngũ môn phá trận. Đúng chăng? - Đúng. Đó là nữ võ sĩ xuất sắc toàn diện, anh à. Buồn thay, Kim Thanh đã thôi công tác ở Bảo tàng Quang Trung mất rồi! |
Ghé làng An Vinh |
Dân gian đã tổng
kết:
Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh.
Lại thêm: Trai An Thái, gái An Vinh. Ba địa danh chỉ ba tên làng của Bình Định. Tôi quan tâm An Vinh vì nhiều lẽ. Thứ nhất, đấy là nơi thờ "ông Trảng ngang thiên" tức cụ Đinh Văn Nhưng, thầy dạy võ cho Nguyễn Huệ - người khai sáng nền võ học Tây Sơn. Thứ nhì, đấy là nơi sản sinh nhiều bậc cao thủ võ lâm lừng lẫy như Hương Kiểm Mỹ, Hứa Nghĩa, Diệp Trường Phát, Hương Mục Ngạc, v.v. Thứ ba, ấn tượng đặc biệt từ câu chuyện do chính thân mẫu của tôi - thuở người còn tại thế - từng say sưa kể về một "gái An Vinh" khét tiếng thời Pháp thuộc: chị Tám Cảng. Chuyện rằng dịp lễ hội nọ, bị cả băng gồm mấy chục gã côn đồ ức hiếp, chị Tám một mình một đòn gánh tre chống trả rất hiệu quả. Cha của chị là võ sư Hương Mục Ngạc thách cưới: "Đứa nào chọi tay đôi mà trị nổi con Tám, tao mới cho làm rể". Nhiều trai tráng lăm le cầu hôn đều nếm mùi thất bại. Mãi sau, có anh Dư Hựu đến xin tỉ thí. Qua vài hiệp, anh bị chị đạp lộn nhào vào bể cá trước sân. Dư Hựu quyết tâm tầm sư học đạo, năm sau lại đề nghị tái đấu. Lần này thì anh lừa miếng hất văng chị Tám Cảng vào đúng bể cá để trả hận tình. Thế là họ nên chồng nên vợ. Tôi tìm về An Vinh vào chập choạng tối giữa mùa hè 1995. May mắn sao, tôi được tiếp xúc lão võ sư Phan Thọ. - Sư huynh tao là ông Phan Thọ ở An Vinh. Ổng là người có bộ tay hay nhất Nghĩa Bình bây giờ đó! Thập niên 1980, từ Hà Nội vào Bình Định lưu trú hàng tháng ròng để tìm hiểu võ Tây Sơn, nhà báo Đỗ Hoá được võ sư Bảy Tòng tại Quy Nhơn giới thiệu thế. Trước đó khá lâu, khoảng năm 1972, tôi từng nghe sự kiện: một sĩ quan Đại Hàn, huyền đai đệ ngũ đẳng Taekwondo, thách đấu mãi song võ sư Phan Thọ từ chối. Rốt cuộc, bị nài ép quá, Phan Thọ nêu điều kiện: "Trong vòng 20 phút, ngài ra đòn trúng bất kỳ chỗ nào trên mình tôi thì tôi thua; ngược lại, không trúng, tôi thắng". Tưởng ngon xơi, viên sĩ quan tấn công tới tấp. Chẳng rõ ông Thọ luồn lách né tránh thần tình thế nào mà suốt 19 phút không để dính lấy nửa đòn. Phút cuối, bằng chiêu thức xuất kỳ bất ý, võ sư Thọ nhoài người nhập nội, tay trảo nhẹ ngay hạ bộ đối phương: "Thưa ngài, nếu huyết chiến mà thế này thì toi!". Viên sĩ quan ngoại quốc chỉ còn nước bái phục. Nghe danh võ sư Phan Thọ đã nhiều, giờ tôi mới có duyên diện kiến. Trước mắt tôi, xuất hiện một lão nông thất thập cổ lai hy (sinh năm Bính Dần 1926), chất phác, hom hem, ngoại hình chả có tí gì tướng võ. Vậy mà đến lúc ông lão cầm xà mâu (gốc tre khô) đã lên nước bóng loáng, ung dung thủ bộ, thoắt cái phát liền vài miếng liên hoàn, người trong nghề mới biết thế nào là công phu tuyệt học của "thầy Bốn" - tên thân mật mà bà con địa phương quen gọi võ sư Phan Thọ. Thầy Bốn kể: - Nhờ cái xà mâu này, tôi đã thoát hiểm trước sức tấn công vũ bão của một con heo rừng cỡ nửa tạ. Lần đó, một mình tôi quần thảo suốt 3 tiếng đồng hồ mới đập chết được con thú. Cặp nanh nó, tôi còn giữ làm kỷ vật đây. Vốn là môn đồ xuất sắc của Bảy Lụt (tức Nguyễn An, anh ruột của chị Tám Cảng), võ sư Phan Thọ hiện là một trong số rất ít người còn thành thạo toàn bộ thập bát ban binh khí của Tây Sơn phái... - Nè, không phải thập bát ban - thầy Bốn đính chính - mà là nhị thập tứ chi. Ngoài việc khử vu tồn thanh (bỏ rườm, lấy tinh), nghĩa quân Tây Sơn xưa còn bổ sung 6 khí giới đặc dị. Độc đáo nhất là với 24 món binh khí ấy, 24 võ sinh có thể dàn trận đồng diễn. Lát nữa, anh sẽ được xem tận mắt. Bây giờ, làm cút rượu sơ ngộ, nào. Đến với con nhà võ đất này, trước tiên phải nếm mùi Bầu Đá thử nội lực xem sao đã. Một hũ rượu to đùng được khuân ra. Rượu Bầu Đá thổ sản lại ngâm thêm thuốc giúp người luyện võ mạnh gân cốt. Tôi nâng chén mắt trâu đầy sóng sánh, uống ực. Trời, cay và gắt tợn! Ai đó nhận định: cái gì ở đất này thảy mạnh và gắt tất! Xong tuần rượu, thầy Bốn chợt đăm chiêu: - Trai làng, đứa thì đi xa buôn bán, đứa ở lại đầu tắt mặt tối trồng mía nấu mật. Làm sao luyện võ đến nơi đến chốn? Tôi đã già, cứ nơm nớp lo kho tàng võ học Tây Sơn dần bị mai một. Nếu vậy, thiệt đắc tội với tổ tiên! Thanh niên Việt Nam, ai tha thiết với võ dân tộc cổ truyền, hãy về đây. Tôi sẵn sàng truyền hết nhị thập tứ chi mà tuyệt không đòi một đồng học phí nào cả! Thong thả nhai khúc bánh đặc sản "hai chín, một sống" (bánh tráng cuốn thịt heo và tàu hủ), nhắp thêm chén rượu, võ sư Phan Thọ hỏi: - Về chơi đất võ, anh khoái khoản gì nhất nào? Tôi thưa: - Dạ, khoản... chị em múa roi, đi quyền ạ. Lão võ sư nhìn xăm xa: - Trai tráng giờ theo nghiệp võ còn khó, huống hồ phụ nữ! Tôi có đứa con gái tên Ngọc Ẩn múa roi, đi quyền được lắm. Lấy chồng, sinh con, Ẩn đành bỏ roi, đi... buôn. Nữ võ sĩ Thanh Tùng một thời lừng danh "hổ cái miền Trung", từ lâu bỏ nghề, mở quán bánh xèo. Nữ võ sĩ Hồng Liên ôm cả lô huy hương về... cất, quay qua bán hàng giải khát. Còn Kim Thanh, chẳng rõ hiện tại con bé làm gì hỉ? |
Đi tìm Kim Thanh |
Tôi biết Kim Thanh
hồi năm 1987, khi NXB Nghĩa Bình ấn hành cuốn Miền đất
võ của nhiều tác giả. Ở trang bìa, Kim Thanh chít võ phục,
vung trường côn trong tư thế thần khai địa thế thối
toạ đồng tân, trông ngoạn mục lắm. Sau đó, qua phương
tiện truyền thông đại chúng, tôi còn được biết Kim Thanh
liên tục giành những thành tích vang dội trên sàn đấu quốc
gia. Từ năm 1979 khởi đấu đến năm 1992 giã biệt võ đài,
Kim Thanh toàn giật huy hương vàng hoặc bạc chứ chưa lần
nào nhận huy chương đồng. Kim Thanh cũng từng xuất dương
giới thiệu võ Tây Sơn khiến bè bạn nước ngoài khen nức.
Qua vài thân hữu trong làng võ, tôi còn biết thêm: Kim Thanh sinh năm Mậu Thân 1968, quê quán Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, Bình Định. Nàng chính là em ruột của cố võ sư Kim Dũng, một tay đấm có hạng ở miền Trung. Trước khi nghiên cứu võ Tây Sơn cổ truyền, Kim Dũng thụ giáo quyền Anh với võ sư Kim Sơn. Theo thông lệ, thầy Kim Sơn lấy tên hệ phái đặt cho trò Nguyễn Văn Dũng võ hiệu Kim Dũng. Vì thế, cô em Nguyễn Thị Thanh trở thành võ sĩ Kim Thanh. Bây giờ, Kim Thanh làm gì, ở đâu? Tình cờ, tôi gặp Lê Hoàng Khải - tác giả truyện Tây Sơn hiệp khách đã được đạo diễn Lê Hoàng Hoa chuyển dựng thành phim. Khải tiết lộ: - Nhân vật nữ chính trong phim đáng lý để Kim Thanh đóng thì tuyệt. Tôi hỏi ngay: - Vậy ông biết Kim Thanh nay ở đâu không? - Biết. Kim Thanh hiện lập gia đình trong thị trấn Phú Phong, khu chợ Mới. Nghe đồn, vì nhiều lý do riêng, giờ nàng tránh đề cập chuyện võ. Phanxipăng đi tìm e cũng mất công, mà chắc gì gặp được! Kệ, tôi cứ rẽ lên Phú Phong, sục vào chợ Mới. Hỏi, người ta trỏ một phụ nữ ngồi bán giày dép trước thềm nhà. Kim Thanh đây ư? Trẻ, khoẻ, và xinh. Xinh hơn những hình ảnh đăng sách báo nhiều lắm, dù nàng đang tay bồng tay mang đến ba đứa con dại. Tôi tự giới thiệu và vào đề thẳng: - Mình muốn trao đổi chuyện võ với Kim Thanh. Đồng ý? Tần ngần quan sát cái thằng tôi giây lâu, nàng vụt đứng lên, tươi cười và chào theo kiểu nhà võ: - Đồng ý. Mời huynh vào phòng trong. Tôi thắc mắc: - Sao Kim Thanh nỡ bỏ nghề võ ngang xương? Nàng gằn giọng: - Bỏ nghề sao đành? Em chỉ bỏ việc ở Bảo tàng Quang Trung thôi! Để chứng minh, Kim Thanh rút phắt thanh tre chống cửa, chấp thủ song âm bái tầm long thế vào ngay Ngũ môn phá trận - bài thảo roi thuộc loại hay nhất và khó tập nhất của Tây Sơn phái. Buông roi, Kim Thanh chuyển bộ, tung người búng vù vù những ngọn liên hoàn cước vô cùng điêu luyện. Rồi nàng hỏi: - Huynh thấy em múa roi, đi quyền thế nào? Tôi trả lời bằng từ địa phương Bình Định: - Nghiệt! |
Tạm thay lời kết |
Chuẩn bị tạm
biệt miền đất võ, tôi đến sân vận động Quy Nhơn, phỏng
vấn võ sư Lê Hồng Khanh - giám đốc Sở Thể dục thể thao
Bình Định, chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Bình Định
kiêm phó chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam.
* Xin ông Lê Hồng Khanh vui lòng cho biết: dòng võ Tây Sơn - Bình Định đã bao đời lẫy lừng hiển hách đến thế, nhưng sao gần đây các võ sĩ đất này ít gặt hái thành công trên đấu trường toàn quốc? - Trước tiên, cần hiểu thế nào là võ Bình Định. Là một bộ phận của võ học Việt Nam tồn tại trên quê hương của Quang Trung đại đế, võ Tây Sơn thái dụng cái gốc võ ta (võ của người Kinh) và nghệ thuật chiến đấu của nhiều dân tộc khác, lại chịu ảnh hưởng không nhỏ của các môn phái du nhập từ Trung Quốc, đặc biệt là Thiếu Lâm. Nên lưu ý thêm rằng đất Quy Nhơn xưa vốn là trung tâm võ thuật của vương quốc Chiêm Thành. Các sắc dân cư trú trên địa bàn này như Bana, H'rê cũng mang trong mình truyền thống sùng văn, hiếu võ. Dòng võ Bình Định hình thành trên cơ sở đó và chói ngời từ phong trào nông dân Tây Sơn. Do yêu cầu lịch sử, hoàn cảnh địa lý và yếu tố nhân chủng, võ Tây Sơn - Bình Định mang bản sắc độc đáo nhất định: chiêu thức độc hiểm, biến hoá ảo diệu, tốc chiến tốc thắng. Võ Bình Định là võ chiến đấu chứ không phải võ thể thao. Theo luật mới do tiểu ban chuyên môn của Liên đoàn Võ cổ truyền soạn thảo và áp dụng trong thi đấu, rõ ràng thế mạnh của võ Bình Định bị hạn chế tối đa. Điều này giải thích vì sao thời gian vừa qua, võ sĩ ở đây ít giành được thành tích nổi bật trong các hội thi toàn quốc. * Hiện tại, từ Nam chí Bắc ở trong nước và cả nhiều nơi ở hải ngoại, có nhiều võ đường gắn danh hiệu với chữ "Tây Sơn" hoặc "Bình Định" như Tây Sơn Bình, Tây Sơn Nhạn, Thái Sơn Bình Định, Tây Sơn Võ Đạo, Bình Định An Thái, Thanh Long Tây Sơn Bình Định, v.v. Vậy đâu là võ Tây Sơn - Bình Định chân truyền? - Theo tôi, không ít võ đường mọc lên, treo bảng "Tây Sơn" hoặc "Bình Định" nhằm mục đích câu khách, chứ chương trình huấn luyện thì pha tạp đủ môn phái. Võ Tây Sơn - Bình Định hiện tồn tại dưới ba dạng thức. Võ thương mại là kế sinh nhai của một số võ sư tại các đô thị: mở lớp, thu học phí. Võ nghệ thuật là hệ thống bài bản, thế miếng được cách điệu hoá để biểu diễn sân khấu mà đội nhạc võ nơi Bảo tàng Quang Trung là ví dụ. Võ đích thực lưu truyền trong quần chúng, như lò của bác Phan Thọ mà anh Phanxipăng vừa ghé thăm: ngày, môn sinh ra đồng áng; tối lại tập luyện ở sân nhà thầy hoặc ở đình làng, bãi sông. Môn sinh Bình Định học võ là để làm dân, chứ đâu cốt trở thành vận động viên. "Võ dĩ tải đạo" chính là phương châm giáo dục của môn phái Tây Sơn cổ truyền. * Ông nhận xét gì về nữ võ sĩ Kim Thanh? - Tên tuổi Kim Thanh xứng đáng đại diện cho đàn bà Bình Định múa roi, đi quyền của thế hệ hôm nay. Kim Thanh thiên về võ biểu diễn, nên anh Phanxipăng cần lưu ý: Tây Sơn phái không chỉ thế thôi đâu. * Bình Định bây giờ có ai là nữ võ sư xuất chúng? - Về mặt quản lý Nhà nước, thực hiện đúng quy chế của Tổng cục, Sở Thể dục thể thao Bình Định đã cấp giấy phép cho 132 võ sư. Trong số này, rất đáng tiếc, chẳng có người nào thuộc về phái đẹp!
|
Nữ võ sĩ Hồng Nhung biểu diễn Song đao phá thạch. Ảnh: Phanxipăng |
Võ sư Phan Thọ với chiến lợi phẩm là cặp nanh heo rừng. Ảnh: Phanxipăng |
Bìa sách Miền đất võ (NXB Nghĩa Bình, 1987 & 1988) in hình nam võ sinh Kim Thi đi thảo bộ Thiền sư và nữ võ sinh Kim Thanh múa thảo roi Ngũ môn phá trận. Ảnh: Phanxipăng |
|
Chú thích ảnh:
6117
6116
6111