Chim
Việt Cành Nam
[ Trở
Về ]
[Trang chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Tranh
Tết của ta có từ bao giờ? Câu hỏi sao mà ngây ngô, cộc
lốc. Lại còn... khó trả lời. Nhiều học giả cho biết tranh
Tết có từ... nhiều mốc thời gian khác nhau. Người thì dựa
vào ghi chép của sử, người thì ngắm kèo, cột của mấy
ngôi chùa cổ, để đi đến kết luận là dân ta biết khắc
gỗ, biết in kinh Phật, từ thời Lí. Biết khắc, biết in
tức là... biết làm tranh mộc bản. Từ đó có thể suy ra
rằng tranh dân gian, trong đó có cả tranh Tết, đã xuất hiện
từ thế kỉ 11. Người khác lại cho rằng tranh dân gian đòi
hỏi một số tiêu chuẩn của "hội hoạ" như nét vẽ phải
đa dạng, khắc in phải tinh vi... Các tiêu chuẩn mĩ thuật
và kĩ thuật này phải chờ đến đầu thế kỉ 15, ta mới
đạt được. Thời Hồ Quý Li, nước ta mới làm được tiền
giấy. Nghề làm tranh dân gian có thể được ra đời và phát
triển từ đây.
Cái mốc đầu thế kỉ 15 được nhiều làng làm tranh xê dịch, đặt vào giữa thế kỉ 15. Các làng này thờ Lương Như Hộc (người tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm 1442), người được công nhận là ông tổ của nghề làm tranh mộc bản. Gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng ở Đông Hồ cho biết con cháu của dòng họ này nối tiếp nhau làm tranh dân gian từ hơn 500 năm nay. Đến nay đã được 20 đời (1). Ghi chép và lí luận thì như vậy nhưng cụ thể thì... chúng ta không có trong tay một tấm tranh giấy nào có tuổi thọ được trên 200 năm. Theo Yves Laubie, thuộc Hội Truyền Giáo Paris thì tấm tranh cổ nhất của "hội hoạ Việt Nam" còn được lưu truyền đến ngày nay là tấm vẽ cảnh giáo sĩ và giáo dân bị chém tại Sơn Tây. Tranh được vẽ vào khoảng năm 1838, năm 1937 vẫn còn được treo tại phòng Thánh tử vì đạo của hội Hội Truyền Giáo Paris (2). Bằng chứng cụ thể và chính xác nhất về tranh Tết mà chúng ta hiện có trong tay là bộ sưu tập Technique du peuple annamite (Kĩ thuật của người An Nam) của Henri Oger (3). Mấy tấm tranh Gà, tranh Lợn, tranh Hứng dừa, ta quen gọi là tranh Tết Đông Hồ, đều nằm trong bộ sưu tập này. Tranh do một nhóm thợ và các ông Nguyễn Văn Đãng (người Hải Dương), Phạm Trọng Hải (người Hưng Yên), Nguyễn Văn Giai, Phạm Văn Tiêu vẽ và khắc in năm 1908-1909 tại Hà Nội. Tranh chỉ có nét đen, không tô màu. Dựa vào bằng chứng cụ thể này thì có thể khẳng định rằng tranh Gà, tranh Lợn, tranh Hứng dừa... được ra đời tại Hà Nội, năm nay (Tân Mão, 2011) được 102 tuổi. Tết về, khắp nước nhìn đâu cũng thấy hoa. Hoa tiền. Hoa hậu. Hoa liễu. Choáng váng, hoa cả mắt! Đề nghị bá quan văn võ tạm ngưng... chơi hoa. Chúng ta đi... chơi Tết. Cùng xem lại tấm tranh "nhạy cảm" Hứng dừa. Hứng dừa của Oger vẽ một chàng trai trên cây dừa, đang hái quả thả xuống cho một cô gái đứng dưới đất. Cô gái vén váy lên hứng dừa. Cô gái đi chân đất. Dưới gốc dừa có một đứa bé đang leo cây, bị ông bố cởi trần ngăn lại. Hai bố con chân đi giày dép. Đây là cảnh cha con phú ông sai người làm hái dừa. Tranh có thơ nôm ở góc trên bên trái: Khen ai khéo nặn nên dừaBa chữ nặn, đấy và đây được viết bằng chữ hán nạn, đế và đê. Hứng dừa (1909) được đời sau sao chép nhiều lần. Chưa đến nỗi tam sao thất bản, nhưng cũng đã biến đổi, khó nhận ra nét... vẽ chữ nôm. Kết quả là Hứng dừa của sách Tranh, tượng dân gian Việt Nam (4), không giống Hứng dừa của sách Tranh dân gian Việt Nam (1), không giống Hứng dừa của "bàn tay vàng" Nguyễn Đăng Chế (tranh Đông Hồ, 1990). |
|
|
|
|
Đối chiếu các
tranh thì thấy vài điểm khác nhau :
- Tranh Oger đứng một phe. Tất cả các tranh khác đều vẽ ngược, phải thành trái, trái thành phải, so với tranh Oger. Điều này dễ giải thích : người ta đã vẽ lại tranh Oger trên ván, rồi khắc. Lúc in ra giấy, tranh trở thành ngược chiều với nguyên bản. - Tranh sao chép có thêm một chùm 3 quả dừa. - Câu thơ nôm được đổi thành : Khen ai khéo dựng nên dừaChữ dựng nghe rất hay, nhưng cũng rất khó đoán theo mặt chữ. Thỉnh thoảng có người đọc sai thành Đây trèo đấy hứng (4). Đọc như vậy vừa sai mẹo đọc chữ nôm, vừa sai cả mẹo... tâm lí. Đây trèo đấy hứng là lời người con trai trên cây nói với người con gái dưới đất. Chữ hứng chỉ có một nghĩa là đón đỡ quả dừa đang rơi thôi. Người con trai chỉ biết tả chân. Chả có thêm tình ý gì cả. Sao mà vô duyên thế! Đấy trèo đây hứng là lời người con gái nói với người con trai. Chữ hứng bỗng có thêm nghĩa thứ hai là... cơn hứng. Ngước nhìn anh trên cao mà em... hứng quá trời. Hứng kiểu này thì chỉ có chính đương sự mới biết, mới nói lên được. Em đang kín đáo thổ lộ với anh đấy! Nhạy cảm ra phết! Câu thơ nặng trĩu chất trữ tình! Thâm thuý. Thú vị... chết đi được! Tranh Hứng dừa được nhiều học giả phân tích, bình luận : - Cái tình huống trong tranh "Hứng dừa" thật bất ngờ. Đôi trai gái đều duyên dáng, "hai mắt cùng nhìn, hai lòng cùng ưa", nhưng trong cách biểu đạt của cô gái, vừa có cái nhí nhảnh như múa, vừa có cái hớ hênh kéo thốc váy lên để "hứng dừa". (1)(tr.107). - Ngắm tranh "Hứng dừa ", phải ở trong cái xã hội mà ức chế của tư tưởng nho giáo hết sức nặng nề, nó bắt "nam nữ thụ thụ bất thân", chiêm ngưỡng những nét và màu cứ phởn phơ, tươi rói, những động tác của cô gái có cái hớ hênh đáng yêu bộc lộ sự nhí nhảnh, hớn hở nhận hai trái dừa của chàng trai từ trên cây dừa thả xuống, ta mới thấm thía hết hai câu thơ ở góc trên bên trái tờ tranh (*): Khen ai khéo dựng nên dừa,Một sự đòi hỏi giải phóng hạnh phúc lứa đôi, mà có lẽ người lao động chỉ tìm thấy ở xã hội trong tranh mới không nghiệt ngã (...).(1) (tr.112). - Tranh "Hứng dừa" vẽ một người lên cây dừa hái quả ném xuống cho người ở dưới dơ váy lên hứng quả dừa. Người ở dưới mải mê hứng quả dừa, đã không nghĩ rằng khi tốc váy lên thì để hở cả cơ đồ ra, và quả dừa chỉ là lợi nhỏ, hở cơ đồ của mình ra là hại lớn. (5). Các học giả chỉ mải mê nhìn ngắm cái hớ hênh phơi bày, cái lợi nhỏ, cái hại lớn, mà quên mất cái hứng kín đáo, rạo rực của cô gái. Xét cho cùng, có phải cô gái chỉ thấy cái lợi nhỏ mà quên mất cái hại lớn như Toan Ánh (5) nhận xét không? Của đáng tội, chàng trai ở trên cây thì có thấy "cái gì trăng trắng như con cúi" (Nguyễn Khuyến) dưới cái váy đâu mà lợi với hại. Có chăng thì chỉ có phú ông đứng gần được rửa mắt thôi. Thế thì hỏng chuyện rồi. Cô nàng nhắm đối tượng khác à? Cô đang ỡm ờ định "chơi trèo" với chủ chăng? Hi vọng rằng cô không ôm đồm tính nước đôi như vậy. Cô chỉ thấy đấy trèo làm cho đây hứng thôi. Kẻ lắm điều có thể thắc mắc : vì nổi hứng cô gái mới tốc váy hay vì tốc váy mà cô thấy hứng? Câu hỏi khó như bài toán con gà và cái trứng. Chỉ có chính cô mới trả lời được. Người xem tranh xin bái phục câu thơ dí dỏm, đa tình của nghệ nhân dân gian. |
|
|
|
|
Ngoài tranh Hứng
dừa
"nhạy cảm" của người lớn, sưu tập Oger còn có
tranh Leo dừa hồn nhiên của trẻ con.
Leo dừa vẽ hai bé trai (?) hái dừa trên cây, hai bé gái dưới đất giơ tay hứng dừa. Ông bố đứng bên cạnh phe phẩy cái quạt, xem tụi nhỏ chơi đùa. Hai bé gái đều cởi trần. Một bé tốc cao váy, bé kia để tụt hẳn váy xuống đất. Trẻ con còn hồn nhiên, chưa biết thẹn. Leo dừa cũng được đời sau, vào khoảng những năm 1925-1935, bắt chước, sửa đổi thành tranh Trong như ngọc, trắng như ngà (6). Trong như ngọc, trắng như ngà có bố cục giống Leo dừa của Oger. Tranh vẽ hai cô gái (thay cho hai đứa bé con) tốc váy hứng dừa do hai chàng trai trên cây thả xuống. Xung quanh chỉ có một thằng bé con (thay cho ông bố) tay cầm một chùm dừa. Người vẽ muốn nói gì? Chẳng lẽ hai cô gái lại khoe ngọc ngà với thằng bé con? Hai chàng trai đầy nhựa sống đang ở trên cao, làm sao thấy được lối vào động đào? Hai cô gái muốn khoe của quý nhưng không gặp người sành điệu biết thưởng thức. Phí của trời! Nguyễn Bá Lăng có nhận xét : - Tranh "Hứng dừa" vẽ hai người đàn ông đóng khố leo cây hái trái ném xuống cho hai người đàn bà kéo váy ra đỡ. Tranh đề: "Trong như ngọc, trắng như ngà "để tả cùi dừa và nước dừa nhưng cũng còn ám chỉ đến da dẻ người đàn bà (7). Durand đi xa hơn Nguyễn Bá Lăng, đưa ra nhận xét là mấy trái dừa lủng lẳng kia khiến người ta liên tưởng đến... ngọc hành, của quý của quý ông (Les noix de coco suggèrent les testicules d'homme) (6)! Gớm, sự táo bạo của Durand sao mà... to thế! Cứ đà tiến hoá này thì chả bao lâu cái của quý gia truyền (bijou de famille) kia sẽ... bùng nổ. Người Việt bẩm sinh vốn khiêm tốn. Thích những cái be bé xinh xinh. Được mân mê quả cam Bố Hạ là sướng rồi. Không dám mơ tưởng quả dừa to lớn của Durand. Quả dừa được dân ta ví với một báu vật khác : Con gái chơi với con giai,Thật ra thì Trong như ngọc, trắng như ngà chỉ là một ngộ nhận. Chẳng dính dáng gì đến cùi dừa, nước dừa hay ngọc hành. Trong như ngọc, trắng như ngà là lời Nguyễn Du ca tụng thân hình cô Kiều lúc tắm : Rõ ràng trong ngọc trắng ngàNghệ nhân thấy hai đứa bé tụt váy, tốc váy của tranh Leo dừa cũng muốn đối cảnh sinh tình, bèn nhại lời cụ Nguyễn Du. Nhưng nhại... vô duyên. Thân hình của hai bé gái kia làm sao có thể ví với "một toà thiên nhiên" của cô Kiều? So sánh cô Kiều "vỗ bì bạch" với hai đứa bé chơi đùa tụt cả váy thì tủi cho cụ Nguyễn Du quá! Tranh Trong như ngọc, trắng như ngà của Durand bắt chước tranh Leo dừa của Oger. Bắt chước một cách vụng về. Đổi trẻ con thành người lớn, bắt người lớn thành trẻ con. Đổi cái hồn nhiên thành cái gượng ép. Bắt chước không khéo. Chơi chữ không đúng chỗ. Làm cho người xem tranh... bực cả mình ! Hết cả hứng với leo!
|
(1) Nguyễn Bá Vân
và Chu Quang Trứ, Tranh dân gian Việt Nam, Văn Hoá,1984,
tr. 34.
(2) Yves Laubie, Réflexions sur l'imagerie populaire au Tonkin, Bulletins des Amis du Vieux Hue, 1-1937.tr. 79-92. (3) Henri Oger, Technique du peuple annamite (Kĩ thuật của dân An Nam), 1909. (4) Tranh, tượng dân gian Việt Nam, Nhà Xuất Bản Mỹ Thuật-Hà Nội, 1962, tr. 31. (5) Toan Ánh, Làng xóm Việt Nam, Xuân Thu, tr. 409. (6) Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, Paris, 1960, tr. 6. (7) Nguyễn Bá Lăng, Phong tục Tết Việt Nam và các lân bang, Đông Nam Á, 1986, tr. 201. |
_______
(*) Tấm tranh được Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ phân tích chép hai câu thơ ở góc trên bên phải. Chỉ có tranh Oger mới chép ở bên trái. |
|