Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [Trang chủ ] [ Tác giả ]
Ngày nay, hầu như khắp nước Việt Nam chỗ nào cũng dùng đèn điện. Nhớ lại, mới ngày nào...
1909-2009, bộ tranh Oger được 100 tuổi Đèn Hoa Kỳ của Việt Nam!
___________Nguyễn Dư
- Chờ độ năm phút, Dung cũng ngồi dậy. Nàng sang phòng khách. Một tên người nhà ủ rũ ngồi ngủ gật trên một cái ghế tràng kỷ, dưới một ngọn đèn măng sông đã tối một nửa búp đa, vì cạn dầu. Qua phòng khách, Dung đẩy cửa vào buồng mẹ thì thấy mẹ đã ngủ kỹ. Nàng khêu nhỏ ngọn đèn dầu ở bàn rồi rón rén quay ra.
Dung tìm bao diêm ở ô kéo, đốt một cây đèn hoa kỳ lên, tắt phụt ngọn lửa ở đèn dầu xăng. Nhìn ra sân, thấy trời tối om, Dung bèn bỏ bao diêm vào túi (...). (Vỡ đê (1936), Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, tập 2, Văn Học, 1987, tr. 198).
Vũ Trọng Phụng kể tên nhiều kiểu đèn của những năm 1930. Đèn măng sông (manchon) thì rõ ràng là đèn của Pháp. Nhờ cái tên gọi. Còn đèn hoa kỳ? Hoa Kỳ... là Mỹ, vậy đèn Hoa Kỳ là đèn của Mỹ sao?
- Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa Đèn hoa kì là đèn dầu hoả nhỏ, có bấc tròn. Không cho biết lí lịch đèn hoa kỳ. Nó là con cái nhà ai, ở đâu chui ra mà lại mang cái tên như vậy?
- Đèn Hoa Kỳ là đèn của bọn Mỹ sang ta buôn dầu hoả. Muốn bán được dầu hoả, nó phải làm đèn cho người mua dầu dùng (...). Dầu của Mỹ, viết tắt là Socony (Standard oil Company of New York), cạnh tranh với dầu của Anh viết tắt là Shell.
Bất cứ ở thành thị hay nông thôn, hễ có đại lý dầu Mỹ, là ở gần đó, có ngay đại lý dầu Anh. Và trái lại. Nhà bán dầu Mỹ có biển sơn màu vàng, nhà bán dầu Anh có biển sơn màu đỏ.
Những nơi bán dầu xăng ô tô, Anh Mỹ cũng cạnh tranh như vậy. Ở Hà Nội, còn có xe dầu đi bán ở phố, cũng sơn màu của hãng... Trụ sở của Ủy ban Khoa học Kỹ thuật ở phố Trần Hưng Đạo, số 39, là trụ sở cũ của hãng dầu Shell của Anh, nên quét vôi màu đỏ. Ngày trước ta gọi là nhà dầu Shell (...).
(Nguyễn Công Hoan, Nhớ và ghi về Hà Nội, Trẻ, 2004, tr.149).
Nguyễn Công Hoan khẳng định đèn Hoa Kỳ là đèn của Mỹ ! Lạ nhỉ ! Cho đến năm 1954, mấy ông trưởng giả của Hà Nội hết mời nhau thuốc lá Mỹ, rượu Mỹ, lại quay ra khoe nhau bút máy Mỹ, đồng hồ Mỹ. Một vài đại gia vung tay " tiêu tiền như Mỹ ", dám tậu cả ô tô Mỹ uống xăng như uống nước lã. Cái gì cũng Mỹ, nhưng đến cái đèn thì lại là Hoa Kỳ ! Kị huý hay là có hiểu lầm ? Ý kiến của Nguyễn Công Hoan cần được xét lại.
- Cuối thế kỷ XIX người Tây đem dầu lửa, cũng gọi dầu hôi, vào dùng và bán (...). Hãng bán dầu đã chế ra thứ đèn nhỏ, ngọn lửa vừa bằng ngọn đèn dầu chay, đèn được cho không kèm theo mỗi thùng dầu bán ra, để làm quảng cáo ; không rõ lúc ấy dầu lửa từ xứ nào nhập cảng, mà cái đèn kia được gọi là đèn Hoa-kỳ ; ngày nay tại nhiều nhà nó vẫn là bạn cố tri bên cạnh cái điếu thuốc lào.
(Nhất Thanh, Đất lề quê thói, 1968, Đại Nam tái bản, tr.258).
Nhất Thanh cho biết thêm là đèn Hoa Kỳ có từ cuối thế kỉ 19. Người Tây tặng đèn cho khách mua dầu lửa. Nhất Thanh thắc mắc về cái tên Hoa Kỳ. Thắc mắc là phải. Thông thường thì các mặt hàng của Mỹ đều được khoe là made in USA nhưng tại sao cái đèn Hoa Kỳ lại không thấy khoe quê quán của mình ?
Thế mới có chuyện để tán gẫu. Xin phép các cụ... Trẻ con đi chỗ khác chơi, để người lớn bàn chuyện đất đai, khủng hoảng kinh tế. Dạ, xin phép các cụ cho... bênh vực phe ta! Thế à, bênh vực phe ta thì cứ việc nói, khỏi cần phải bày vẽ xin phép. Xin bắt đầu bằng... từ đầu câu chuyện.
- Tên Hoa Kỳ ta dùng để gọi nước Mỹ (USA) có từ bao giờ, do ai xướng lên ?
Lục tìm trong đống sách cũ thì được biết năm 1920, Phan Châu Trinh sáng tác Giai nhân kỳ ngộ, lúc cụ sống tại Pháp (Thu Trang, Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911/1925, Đông Nam Á, 1983, tr.254). Năm 1926, Giai nhân kỳ ngộ được in lần thứ nhất tại Hà Nội, nhưng bị tịch thu và thiêu huỷ. Năm 1959, mới được xuất bản tại Sài Gòn.
Trong truyện có câu (252) :
Xem trong thế-giới xưa nay,
Cộng-hoà chỉ có một tay Hoa-kỳ
(Phan Châu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ, Lê Văn Siêu bình giải và chú thích, Hướng Dương, 1959, tr.25).Tên Hoa Kỳ chỉ được Phan Châu Trinh dùng một lần. Những lần khác, cụ gọi là nước Mỹ, người Mỹ, châu Mỹ.
Tại Việt Nam, tên Hoa Kỳ được Tản Đà dùng trong bài Thú ăn chơi :
Mán sừng cái bánh chưng xanh
Hoa Kỳ tiệc bánh Tin lành nhớ aiTản Đà chú : Ngày tôi làm việc báo Hữu Thanh có đến thăm một ông mục sư người Hoa Kỳ ở nhà Tin lành. Chủ nhân thết ăn bánh, toàn là thứ bánh Hoa Kỳ cũng long trọng.
Báo Hữu Thanh chỉ sống được vài tháng, năm 1920 (Xuân Diệu), hoặc 1921 (Nguyễn Công Hoan) hay 1924 ( Dương Quảng Hàm).
Đào Duy Anh (1931) gọi nước Mỹ là Hoa Kỳ quốc vì quốc kỳ nước Mỹ có 48 ngôi sao như 48 cái hoa. Gustave Hue (1937) cũng giải thích Hoa kỳ là drapeau à fleurs (cờ hoa), là États-Unis. Thiều Chửu (1942) gọi nước Mỹ là Mỹ lợi kiên.
Nói tóm lại, tên Hoa Kỳ được dùng tại nước ta từ khoảng năm 1920.
Nhà dầu Shell tại Hà Nội, nằm tại góc phố Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền ngày nay, được xây cất vào khoảng năm 1930. (René Parenteau, Luc Champagne, Conservation des quartiers historiques en Indochine, 1997, tr. 79).
Như vậy thì chuyện của Nguyễn Công Hoan kể về sự cạnh tranh bán dầu, bán xăng của Shell và Socony là chuyện xảy ra sau năm 1920.
Dân ta được dùng dầu Mỹ có sớm lắm thì cũng chỉ từ sau năm 1920. Còn trước đó thì sao ? Khi chưa có nhà dầu Shell của Anh, chưa có cạnh tranh của dầu Mỹ, thậm chí chưa có cả tên Hoa Kỳ, thì nước ta đã có... đèn Hoa Kỳ chưa ?
Có vài tài liệu giúp ta tìm câu trả lời.
1) Dumoutier (1850-1904) cho biết (dịch) :
- Nghề làm đồ bằng sắt tây (Ferblanterie) ở An Nam phát triển mạnh từ khi bị người Pháp chiếm đóng. Tại Hà Nội có cả một phố chuyên làm nghề này. Trước kia thợ sắt tây chỉ làm chóp nón, đĩa đèn, hộp đựng thuốc phiện và vài món đồ lặt vặt khác cho dân bản xứ dùng. Bây giờ họ làm tất cả những sản phẩm của kĩ nghệ phương tây như bình nước, đèn xe, đèn xách tay, đèn nhỏ (lanterne de poche), đủ loại hộp có hình dáng, kích thước khác nhau, giá cắm nến, thùng tưới, bình đựng dầu, ống hình trụ, bồn tắm, hoa sen (...). Họ lấy sắt tây từ những vỏ bọc các thùng hàng nhập cảng của Pháp, từ những thùng dầu hoả, hộp đồ ăn (...).
(G. Dumoutier, Essais sur les Tonkinois, Imprimerie d'Etrême - Orient, 1908, tr. 74-75).
Dầu tây (còn gọi là dầu hoả, dầu lửa, dầu hôi) ta dùng hồi đầu thế kỉ 20 là dầu của Pháp. Dầu đựng trong thùng sắt tây, được bán trong hiệu hoặc được gánh đi bán rong ngoài phố như tấm tranh Oger (1909) Bán dầu tây minh hoạ. Cái thùng sắt tây được đóng thêm một thanh gỗ làm thùng gánh nước, hay được cắt ra làm đồ dùng, đồ chơi.
(Năm 1915, Léon Busy chụp ảnh một cửa hiệu bán đồ chơi Tết trung thu tại Hà Nội (Villages et villageois au Tonkin, Conseil Général des Hauts de Seine,1986, planche 24). Đồ chơi làm bằng gỗ và sắt tây, sơn màu sặc sỡ. Nhiều và đẹp không thua gì đồ chơi ngày nay).
2) Bộ tranh Oger (1909) giới thiệu kĩ thuật của người An Nam. Tranh vẽ nhiều kiểu đèn dầu, trong đó có Đèn sắt tây. Người vẽ tranh ghi rõ là đèn được làm bằng sắt tây và được đốt (thắp) bằng dầu tây. Đèn sắt tây của năm 1909 giống đèn Hoa Kỳ của Hà Nội dùng năm 1954.
Đoạn viết của Dumoutier và mấy tấm tranh Oger cho thấy thông tin của Nhất Thanh chính xác hơn thông tin của Nguyễn Công Hoan. Mặt khác, nói rằng đèn Hoa-Kỳ là đèn do Mỹ làm là vô tình gây hiểu lầm, đặt ngang hàng kĩ nghệ của Mỹ năm 1930 với thủ công của ta năm 1909! Thế mà thiên hạ cứ ca tụng nhặng xị nước Mỹ nào là làm được tàu hoả, tàu thuỷ, ô tô, máy bay, tàu ngầm, nào là xây nhà chọc trời v.v.
Tuy nhiên, nếu đèn Hoa Kỳ không phải là của Mỹ thì phải giải thích tại sao cái đèn sắt tây (Dumoutier gọi là lanterne de poche, đèn nhỏ để bàn) tự dưng lại " đổi quốc tịch " như vậy ? Thấy người sang bắt quàng làm họ à ? Dạ, không dám ạ. Chẳng cần phải bắt quàng làm họ làm quái gì. Hoa Kỳ chẳng phải... là Mỹ ! Ấy, ấy... lại loạn ngôn rồi !
3) Trong phần giới thiệu nghề khảm sà cừ ( Les Incrusteurs), Oger kết luận (dịch) :
- Hai trung tâm chính của nghề khảm sà cừ là Hanoi và Nam-Dinh. Các ông chủ của nghề này đều giàu sụ. Người làm ăn giỏi và khéo nhất là Hoa-Ky, ở phố Jules Ferry. Ông là người thông minh, đã biết tìm cách cải tiến một nghề truyền thống của dân tộc An Nam. (Henri Oger, Introduction générale à l'étude de la technique du peuple Annamite, Geuthner, tr. 28).
Ba cái tên Việt Nam không được đánh dấu. Hanoi là Hà Nội, Nam-Dinh là Nam Định. Hoa-Ky có nhiều khả năng là Hoa-Kỳ. Nếu đúng như vậy thì Hoa Kỳ là tên người hoặc tên một cửa hiệu nổi tiếng của Hà Nội chứ không phải là nước Mỹ.
Kết hợp các đoạn viết của Dumoutier và Oger, kèm thêm tranh minh hoạ, chúng ta rút ra được vài kết luận :
- Đầu thế kỉ 20 thợ Việt Nam đã làm được đèn sắt tây, thắp bằng dầu tây. Sắt và dầu là của Pháp.
- Hiệu Hoa Kỳ phố Jules Ferry (Hàng Trống ngày nay) làm đồ khảm sà cừ và bán đèn sắt tây. Dân Hà Nội gọi đèn của hiệu Hoa Kỳ là đèn Hoa Kỳ.
- Hãng dầu của Pháp (đầu thế kỉ 20) và của Mỹ (khoảng 1930) mua đèn Hoa Kỳ tặng khách hàng mua dầu. Thương hiệu Hoa Kỳ bị hiểu lầm thành tên gọi nước Mỹ.
Rốt cuộc, đèn Hoa Kỳ là đèn Việt Nam, làm bằng sắt Pháp, được hãng dầu Mỹ mua tặng khách hàng Hà Nội. Lí lịch rất... trong sáng !
Từ nay trẻ con trong Nam ngoài Bắc có thể rủ cả người lớn cùng rước đèn, ca hát líu lo :
Cái gì be bé xinh xinh
Nhờ tay thợ khéo xe tình chúng ta?
Điếu reo, khói toả... Thế mà
Mơ màng chàng ngỡ em là... Cờ hoa !Nguyễn Dư
(Lyon, 2/2009)
[ Trở Về ]