Chim Việt Cành Nam            [ Trở Về  ]           [Trang chủ            [ Tác giả ]

 
Tết ! Tết ! Tết ! 
Trâu ơi, trâu ngủ cho ngon
___________

Nguyễn Dư

Trâu của ta muôn màu muôn vẻ. Vàng, đen, trắng, đỏ, xanh. Nói như vậy là nhầm hổ với trâu rồi ! Hổ có nanh có vuốt, lại thạo luật rừng, làm cho thiên hạ phải sợ, phải tôn thờ, tô vẽ màu mè. Còn lũ trâu nghễnh ngãng kia thì cần gì phải tô hồng chuốt lục. Làm gì có chuyện trâu nhiều màu !

Chàng không tin thì em giảng cho mà nghe.

- Tục truyền nhà sư Không Lộ dùng phép thu hết đồng của phương Bắc, bỏ vào một cái túi, mang về nước đúc thành quả chuông lớn. Chuông đánh lên, tiếng vang đến tận bên Tàu. Trâu con nghe tiếng, ngỡ là mẹ gọi, liền chạy sang nước ta tìm mẹ. Đường trâu chạy lún thành sông Kim Ngưu (Trâu vàng). Chỗ trâu sục sạo tìm mẹ, đất bị sụp, tạo thành một cái hồ. Đó là hồ Kim Ngưu (Hồ Tây ngày nay).
(Có người cho rằng sự tích Hồ Kim Ngưu hay Hồ Tây của ta là bản sao của sự tích Kim Ngưu hồ hay Tây Hồ của Tàu).

- Nông dân có con trâu trắng vô duyên, hãm tài. Trâu trắng đi đâu, mất mùa đấy. Thi sĩ cũng có trâu trắng. Nhưng trâu của thi ca dễ thương hơn trâu của dân quê rất nhiều :

Có chiếc thuyền nằm trên cát mịn
Có đàn trâu trắng lội ngang sông
Có cô thợ ruộm về ăn tết
Sương gió đường xa rám má hồng
(Nguyễn Bính, Không đề, 1938)
- Ngày trở về, có anh thương binh chống nạng cày bừa. Vì thương yêu anh nên ngày trở về có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ... (Phạm Duy, Ngày trở về).
Trâu xanh từ Trung quốc lần mò sang nước ta.
Tây du kí kể rằng Thái Thượng Lão Quân (Lão Tử) có con trâu xanh (thanh ngưu) một hôm trốn khỏi chuồng, tàng hình thành Ngưu Ma Vương, sống trong động Ba Tiêu. Một hôm, Đường Tăng bị Ngưu Ma Vương bắt. Tôn Ngộ Không cầu cứu Thái Thượng Lão Quân. Lão Quân hàng phục được Ngưu Ma Vương, dùng vòng Kim Cương xỏ mũi trâu xanh dắt về chuồng. Thầy trò Đường Tăng tiếp tục đi về Tây Trúc.

- Đồng ruộng Việt Nam thời nào cũng thấy cảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau và theo sau cái cày là bác nông phu. Có nơi còn không được như vậy.
" Ruộng khô có những ông già rách vai, cuốc đất bên đàn trẻ gầy, có người bừa thay trâu cày " (Phạm Duy, Quê nghèo, 1948).

" Đôi bóng người đang chậm bước đi đi...
Người đàn ông cúi rạp bước lầm lì,
Người vợ cố đẩy bừa theo sát gót.
Họ là những nông phu nghèo bậc chót,
Không có trâu nên phải làm... trâu " (...)
               (Bàng Bá Lân, Người trâu, 1954)
Bỗng một ngày kia...
Máy cày xình xịch
Về đồng làng em
...
Ngày mai cây lúa vươn cao
Mời anh lái máy ghé vào đồng em
Cánh đồng anh đã cày đêm
                (Trần Đăng Khoa, Máy cày xình xịch)
Tưởng là từ nay sẽ được sung sướng. Không ngờ mấy cái máy cày xình xịch kia lại gây thêm một mối lo mới cho nông dân. Đó đây có tiếng than thở :

- Trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà (Trâu đen là trâu bằng xương bằng thịt. Trâu đỏ là máy cày sơn màu đỏ). Các anh lái máy cày mè nheo đòi nông dân cho ăn uống sang (Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá, 1989). Trâu đỏ sành ăn, kén ăn. Thế mới phiền, mới hỏng chuyện. Chỉ vì ăn !

Thế là đủ năm màu. Ta có trâu vàng, trâu trắng, trâu đen, trâu xanh, trâu đỏ. Chàng chịu thua chưa ?

***

Ngày xưa, trẻ con nghêu ngao " Thiên : trời. Địa : đất... Tiền : trước. Hậu : sau. Ngưu : trâu. Mã : ngựa... ". Ngưu là con trâu, còn con bò là gì ? Câu hỏi... ngu như bò, vừa vớ vẩn vừa ngớ ngẩn ! Chả ai thèm trả lời. Chả thèm hay chả biết ?

Thiều Chửu dịch chữ Ngưu là con trâu, trong khi Đào Duy Anh lại dịch Ngưu là con bò (ta nhận lầm là con trâu). Génibrel đứng giữa, dịch Ngưu là buffle (trâu), boeuf (bò). Huỳnh Tịnh Của cũng lúng túng. Ông định nghĩa ngưu là con trâu. Sau đó cho biết thêm hoàng ngưu (hay hoả ngưu) là con bò, thuỷ ngưu là con trâu.

Mấy định nghĩa trên cho phép rút ra kết luận rằng Ngưu là từ chỉ chung loài trâu bò. Ngưu không nhất thiết phải là trâu. Bằng chứng thuyết phục nhất là phở ngầu pín dùng... pín bò. Không tin thì cứ hỏi... Phải gió cái nhà anh này.

Phở ngầu pín được tiệm Vĩnh Kí (phố Huế, Hà Nội) trình làng, viết tên bằng chữ quốc ngữ, vào khoảng năm 1950-1952. Các ông tò mò vào ăn thử. Ra về còn tủm tỉm cười, khoái chí. Vớ được thuốc tiên. Các bà các cô đi qua tiệm nháy nhau cười bẽn lẽn. Mong cho thuốc hiệu nghiệm.

Nguyễn Tuân có nhắc đến món ăn này trong bài tuỳ bút Phở (1957) :

" Lại còn phở ngầu pín. Chắc thứ phở này chỉ những người năm bảy vợ hoặc thích léng phéng mới hay ăn. Tên thứ thịt phở này, còn gợi lại một thứ roi của bọn Tây độc ác hay đánh cu li đến thối thịt tím xương ".

Nguyễn Tuân nói vòng vo nhưng người đọc cũng ngầm hiểu được ngầu pín là " cái ấy " của bò. Cu li, phu lục lộ gọi cái roi của xếp Tây là roi cặc bò.

Vương Hồng Sển cho biết huỵch toẹt ngầu pínngưu bím. Bím là " cái đuôi thằng chệc ngày xưa ", nói cho văn hoa đỡ xấu, té ra sự thật là tranh giành nhau " ăn cặc bò ". (Vương Hồng Sển, Sài Gòn tạp pín lù, Văn Hoá, 1997, tr. 51).

Bím của Vương Hồng Sển âm Hán Việt là Biên (bộ Mịch) hay Biện (bộ Tân) nghĩa là tresser, đan, bện (Génibrel, Thiều Chửu, Đào Duy Anh). Biện phát là bện tóc (chóc bím, Đào Duy Anh). Biện tử là tết tóc bỏ rủ xuống (cái đuôi sam, Thiều Chửu). Ngày xưa, " cái đuôi thằng chệc " (tóc đuôi sam) là" quốc hồn quốc tuý " của người Trung quốc. Không thể có chuyện chủ tiệm Vĩnh Kí lại dại dột đến độ đem cái đuôi sam của tổ tiên ra mà gọi là pín của bò được. Bím, Biên, Biện chắc chắn không có nghĩa xấu, không phải là " cái ấy ". Có lẽ Vương Hồng Sển chỉ muốn đùa cho vui, chứ không có ý giải nghĩa chữ pín.

Theo Nguyễn Văn Khang thì Ngẩu pín là phát âm theo giọng Quảng Đông của từ Hán Việt ngưu bính (Nguyễn Văn Khang, Từ ngoại lai trong tiếng Việt, Giáo Dục, 2007, tr. 243). Chữ Bính (bộ Mộc) nghĩa là cái chuôi, cái cán để cầm. Bính vẫn chưa phải là " cái ấy ".

Mấy bộ tự điển Hán-Việt, Việt-Hán của ta không có từ Pín (âm Quảng Đông) có nghĩa như ngầu pín. Dò hỏi vài người Trung quốc thì cũng không biết được gì hơn về nguồn gốc và cách viết của Pín. Cái " của quý " kia thường được sách vở gọi là ngọc hành hay dương vật.

Mấy nhận xét trên cho thấy Pín dường như không phải là chữ Hán. Hay là Pín là... tiếng Việt ?

Tiếng Việt gọi ngọc hành hay dương vật là:

- Thuận buồm xuôi gió, chén chú chén anh.
Lên thác xuống ghềnh, buồi anh dái chú.

- Chú lái kia ơi, biết chú rồi
Qua sông rồi lại đấm ngay bòi (buồi)
Chèo ghe vừa khỏi dòng sông ngược,
Đấm cặc ngay vào ngấn nước xuôi... (Hồ Xuân Hương, Qua sông phụ sóng)

- Thừa giấy làm chi chẳng vẽ voi,
Đứa nào cười tớ nó ăn bòi (buồi).

Buồi cũng có âm đầu b như bím, biên, biện, bính. Rất có thể chủ tiệm Vĩnh Kí đã phiên âm buồi theo giọng Quảng Đông thành pín. Nếu đúng như vậy thì hoá ra ngầu pín là con bò Tàu có cái " của quý " Việt. Chỉ còn biết... Hoan hô chủ tiệm Vĩnh Kí đã đưa tiếng Việt vào ngôn ngữ ẩm thực của Tàu.

***

Ngày xưa có phương thuật Chửa trâu cắt thừng, giúp đàn bà đẻ khó.

Chửa trâu là " những người mang thai lâu quá thời gian chín tháng mười ngày " (Toan Ánh). Muốn cho người đàn bà đẻ mau chóng thì dùng phương thuật : sai người vào chuồng trâu dắt trâu ra ngoài, lấy dao cắt đứt sợi giây xỏ mũi trâu.

Cái tên chửa trâu cần phải được xét lại. Hãy khoan nói chuyện trâu chửa. Thử hỏi nơi thôn quê đã có ai biết được chính xác ngày vợ mình thụ thai chưa ? Đã có ai ghi chép thời gian đàn bà thai nghén chưa ? Dân quê ngày xưa, và cả dân tỉnh ngày nay, không có ai ăn không ngồi rồi đi so sánh thời gian chửa của người và của trâu. Thực tế thì khi người đàn bà có dấu hiệu chuyển bụng đẻ người ta mới dọn dẹp chỗ nằm, mời bà đỡ... Người ta chỉ thấy trước mắt người đàn bà đang đau đẻ, đẻ khó. Nôm na gọi là đẻ lâu, hay gọi sai là chửa lâu. Chửa lâu đã bị nhầm thành chửa trâu.

Sở dĩ có nhầm lẫn chửa lâu với chửa trâu cũng chỉ vì các ông đồ. Xét về mặt chữ nghĩa thánh hiền thì lâu có dính dáng đến trâu.

Chữ lâu ( đẻ lâu) của tiếng Việt đồng âm với chữ lâu (bộ Nữ) của chữ Hán,nghĩa là buộc trâu (Thiều Chửu). Muốn đẻ nhanh thì phải trừ bỏ cái (đẻ) lâu kia đi. Muốn trừ bỏ cái lâu (buộc trâu) thì chỉ cần cắt đứt sợi giây thừng xỏ mũi trâu là xong!

Phương thuật Chửa trâu cắt thừng chỉ là mê tín dị đoan, không có tính chất khoa học. Vô thưởng vô phạt. Không ảnh hưởng gì đến sinh mạng của người mẹ và đứa bé.

***

Bạn đã len trâu lần nào chưa ? Len trâu là gì vậy ?

" Nước tràn bờ sông Hậu chảy qua. Nước trên trời tuôn xuống...
Sau hè nhà, nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn lớn, vỗ lát chát vào vách...
Thiếm Tư trầm ngâm suy nghĩ, nhìn đôi trâu đã mòn sức, be sườn lòi rõ rệt từng hàng như vòng cung. Để ở nhà trâu chết đói; giao cho thiên hạ len đi thì làm sao bảo đảm được? " (Sơn Nam, Mùa " len " trâu).

Len là phương ngữ miền Nam.

Mùa " len " trâu kể truyện mùa mưa, nước dâng cao, người ta phải dẫn trâu ra khỏi vùng ngập lụt, bơi qua sông, đến chỗ cao ráo có cỏ cho trâu ăn. Len (trâu) không có trong từ điển xưa của ta. Tự vị của Huỳnh Tịnh Của chỉ có từ Đầy len nghĩa là đầy ắp ắp. Len (chữ nôm) của Huỳnh Tịnh Của đồng nghĩa với Long (chữ Hán, bộ Phụ) nghĩa là tốt thịnh, đầy ùn, đầy tú ụ.

Từ điển Génibrel có từ Long (nôm) nghĩa là qua sông (Faire passer un fleuve à la nage par des buffles, des chevaux etc: cho trâu, ngựa bơi qua sông). Génibrel đưa ra vài câu làm thí dụ : Ăn trộm trâu long qua bên cù lao. Long trâu sang qua sông.

Chữ Long (long trâu) viết giống chữ Long (vua Gia Long).

Có thể suy ra rằng dưới triều nhà Nguyễn, vì kị huý chữ Long (Gia Long), người miền Nam đã đọc trại Long thành Leng. Chữ Leng viết sai chính tả thành Len. Vì vậy mà long trâu của Génibrel trở thành len trâu của Sơn Nam. Đầy long được Huỳnh Tịnh Của gọi là đầy len.

***
Điền Đan là người đầu tiên đẩy trâu vào vòng chém giết.

Đuôi cùn biếng cột Điền Đan hoả
Tai nặng buồn nghe Nịnh tử ca.
(Huỳnh Mẫn Đạt, Trâu già)

Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy
Làm lễ bôi chuông dớn dác sầu
(Nguyễn Văn Lạc, Con trâu)

Sử ký Tư Mã Thiên kể rằng :

Nước Yên đánh chiếm được gần hết nước Tề (năm 285 trước công nguyên). Điền Đan đem họ hàng chạy về Tức Mặc. Năm sau, quân Yên kéo đến vây thành Tức Mặc. Quan đại phu ở Tức Mặc ra giao chiến bị thua và chết. Người trong thành cử Điền Đan làm quan giữ thành.

Điền Đan khám xét trong thành, thu giữ được hơn một ngàn con trâu. Sai người lấy vải quyến mặc cho trâu, vẽ vằn rồng ngũ sắc, buộc mũi nhọn ở đầu sừng, buộc lau tẩm mỡ vào đuôi. Ban đêm cho đốt những bó lau rồi tung trâu ra. Lại cho năm ngàn lính giữ thành cầm gươm giáo chạy theo đằng sau trâu. Đám trâu bị nóng, bị người đuổi, hăng tiết cắm đầu chạy thẳng vào hàng ngũ quân Yên, húc lung tung. Quân Yên chết rất nhiều. Điền Đan thừa thắng đem quân đi chiếm lại các thành, cứu được nước Tề (Sử ký Tư Mã Thiên, tập 2, Văn Học, 1988, tr. 165-170).

Chiến thuật Trâu lửa  của Điền Đan được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chép trong sách Binh thư yếu lược :

Dùng con trâu già bỏ đi, buộc dao sắc vào sừng, hai bên mình cặp tre sát vào chân cho không thể quay được, trên lưng đội một ống pháo sắt lớn chứa một đấu thuốc, thuốc để quanh co ở trong pháo ; pháo chứa những thuốc liệt hoả thần sa, thần hoả. Phàm khi quân giặc rất nhiều quân ta rất ít, dùng trâu ấy xông vào, người ngựa gặp phải tức thì tan nát. Khi xông vào trận giặc thì lửa phát pháo nổ, thế như sấm động, ầm một tiếng không kịp bịt tai. Dù khó nhọc mấy ở trong mấy trùng vây của giặc cũng phá tan được. (Binh thư yếu lược, KHXH, 1970, tr. 239).

***

Con trâu là đầu cơ nghiệp của nông dân Việt Nam. Trâu được mọi người chăm sóc, quý mến. Nhưng đôi khi trâu cũng bị mang tiếng xấu.

- Ai ôi đội đức Hoàng ân
Thập bát địa ngục làm ngần hỉ hoan
Ngưu đầu, mã diện thiên ban
Điều thì phóng xả khải hoàn Thiên quân ... (Mục Liên bản hạnh)

- Người nách thước, kẻ tay dao,
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi (Kiều)

Ngưu đầu mã diện, dịch sang tiếng Việt là Đầu trâu mặt ngựa, là thành ngữ dùng để chỉ đám quỷ sứ dưới âm ti hay bọn du côn, vô lại trên trần gian.

Thế mà...

Năm 2003 nước ta tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á (Seagames). Đường phố Hà Nội rực rỡ đón chào. Chỗ nào cũng thấy Đầu trâu. Mới nhìn, người yếu bóng vía hơi e ngại. Nhưng nhìn mãi rồi cũng quen mắt. Thấy vui vui. Trâu của ta cười tươi không thua gì bò cười của Pháp.

Tìm hiểu sâu hơn mới biết ban tổ chức của đại hội thể thao đã chọn Kim Ngưu của Hà Nội làm biểu tượng.

Trâu được dân gian nhắc đến trong nhiều thành ngữ :

- Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Mấy ông ăn trên ngồi trốc cấu xé, hục hặc nhau thì đám dân đen bên dưới lãnh đủ.

- Trâu buộc ghét trâu ăn. Nói những kẻ ghen ghét gièm pha người có quyền lợi hơn mình. Đi đâu mà vội mà vàng. Cứ từ từ, biết đâu mai mốt lại chả đến lượt mình được ăn.

- Cứt trâu để lâu hoá bùn. Cứ ỳ ra, chuyện gì lâu ngày cũng thành... hoà cả làng. Những cái sai, cái xấu kéo dài lâu ngày sẽ trở thành thói quen.

- Đàn gảy tai trâu. Câu nói khinh người không biết thưởng thức âm nhạc. Nghĩa rộng ám chỉ các ông lớn khinh đám bên dưới không biết gì, không thấy được tài của các ông.

- Gần đây, nhiều người muốn nuôi trâu sữa. Nghe nói... Tha hồ vắt ra tiền. Lão phú ông kia liền đổi giọng, bắt đầu ve vãn trâu :

Trâu ơi trâu ngủ cho ngon
Trâu nhai cỏ ngọt... Lon ton ta hầu!


Trời đất quỷ thần ơi ! Chuyện ngược đời. Làm chẳng kịp thở, ăn chẳng kịp nhai mà lại có cả đầy tớ. Bỗng trâu nghĩ đến chị bò sữa gầy trơ xương sườn phía cuối chuồng. Trâu chột dạ... Thôi, lạy bố. Những lời ngon ngọt... bố nói bố nghe.

Nguyễn Dư
(Lyon, Tết Kỉ Sửu)


[ Trở Về ]