Chim Việt Cành Nam           [ Trở Về  ]           [Trang chủ            [ Tác giả ]

 
Thênh thang lạc bước
___________

Nguyễn Dư

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.

Ai dạy mình một chữ cũng là thầy mình. Thậm chí nửa chữ cũng đã là thầy mình rồi. Thế cơ à? Bấm đốt tay mới giật mình. Làm sao đếm hết nổi các thầy của mình đây? Ít ra cũng được hai chục thầy dạy trong trường. Cả tá thầy dạy thêm buổi tối ngoài đường, trong quán nhậu, bến xe buýt. Lại còn thêm một mớ các ông tây, bà đầm... Bên ta, bên tây, trong nam, ngoài bắc. Ở đâu cũng có thầy.

Có thầy đáng yêu đáng kính, có thầy đáng sợ đáng ghét. Mỗi thầy mỗi vẻ. Mới đây, tóc đã ngả màu muối tiêu, tôi lại có thêm một thầy nữa.

Lần này thầy của tôi là một... " nhà sư ".

- Ấy chết, đi tu à ? Chán đời rồi sao?

- Sức mấy! Đời chưa chán tớ, dại gì tớ lại chán đời. Nói thật đấy, lần này thầy của tớ là một " nhà sư ". Nhờ thầy mới bập bẹ được dăm ba... chữ nôm.

- Lẩm cẩm hết chỗ nói! Thời buổi karaoké, học cái chữ vớ vẩn ấy làm gì ? Có điên không ?

*** Vào khoảng những năm 1980 tôi được xem mấy tấm tranh dân gian Oger. Thích quá. Thèm có vài tấm treo chơi trong nhà. Không ngờ...

Ban đầu định mượn bộ âm bản, rửa chơi vài tấm. Chỉ giữ nét vẽ thôi. Chữ trong tranh mình có hiểu ất giáp gì đâu, xoá quách đi cho đỡ vướng mắt. Đúng là thằng đại ngu xuẩn. Thằng mù chữ thì có bao giờ lại nghĩ rằng chữ nghĩa là cần thiết. Loay hoay xóa cho sạch cũng mất nhiều thì giờ ra phết. Nhưng đã thích xoá sạch thì ai mà cản được.

Làm được vài tấm, rồi vài chục, rồi cả trăm tấm, mới sực tỉnh. Đã có công làm tại sao lại không làm cho đến nơi đến chốn, làm đúng nguyên bản ? Thì ra thằng khùng, thằng ngu cũng có lúc hồi tâm, biết hối tiếc. Sửa chữa, bôi xoá chữ của người khác là một việc làm sai trái. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi... Xin sám hối, xin sám hối...

Thế là phải làm lại từ đầu ! Giữ đầy đủ chữ trong tranh. Mặc dù chả hiểu gì cả.

Một hôm ông bạn thân đến chơi, vui vẻ cho biết:

- Này, trong nước cũng đang để ý đến tranh Oger đây này !

Ông bạn đưa cho xem tập 1 của bộ Bách khoa thư bằng tranh  của Viện từ điển bách khoa (1985). Nhìn mấy tấm tranh được vẽ lại mới thấm thía cái nghèo nàn, khó khăn của nước ta lúc đó. Nhưng tôi rất vui mừng đón nhận tập sách mỏng này vì tôi đang sốt ruột, tò mò muốn biết tranh vẽ cái gì. Ngay tối hôm ấy, tôi bắt đầu mang Bách khoa thư bằng tranh  ra đọc từ đầu... Theo lời giới thiệu thì chữ trong bộ tranh là chữ Hán, chữ nôm. Mấy cụ Hán nôm giỏi thật. Chữ nào là Hán, chữ nào là nôm? Sao mình chả thấy khác nhau gì cả. Dĩ nhiên! Thằng mù thì nhìn ngày có khác gì đêm. Mít đặc cả Hán lẫn nôm thì làm sao thấy được chúng khác nhau. Biết chữ hơn mù chữ như vậy đấy!

Mấy lời giới thiệu của tập Bách khoa thư bằng tranh cho biết:

" Những chú thích có dấu ngoặc kép là dịch hoặc chuyển tự từ nguyên bản ; những chú thích không có dấu ngoặc kép là của chúng tôi và vốn dĩ không có trong nguyên bản ".

Tôi nôn nao. Thế là cái mớ chữ bí hiểm kia sắp được giải mã. Thấy chưa, cứ đòi xoá sạch những cái mình không hiểu, không thích thì bây giờ tha hồ ngồi cười trừ ! Dạ. Từ nay xin chừa thói bôi xoá chữ của người khác. Chừa luôn cả cái thú bịt miệng người khác.

May quá ! Có tài liệu để so sánh, mò cho ra mấy cái tên tranh thì còn gì thú vị bằng! Được Viện từ điển bách khoa đọc giùm thì chắc chắn là phải đúng 100%.

Nhân dịp trung nguyên, xá tội vong nhân, tôi lật xem trang Tôn giáo. Có mấy tấm tranh vẽ nhà sư. Tôi để ý đến hai tấm " Nhà sư " và " Nhà sư viết kinh " vì trong tay đang có hai tấm tranh này. Tên tranh lại được chuyển tự từ nguyên bản, chúng có thể dạy cho tôi biết chữ Hán và chữ nôm là cái gì, viết ra sao?

Tôi trịnh trọng bày tranh trước mặt... Bốp! Như bị thầy tát vào má. Tôi sửng sốt, ngạc nhiên. Tên tấm tranh " Nhà sư " của tôi được viết bằng bốn con chữ.

Lạ nhỉ, từ trước đến giờ tôi cứ tưởng là chữ Tàu, chữ ta thì mỗi chữ đọc một âm. Thế mà rõ ràng ở đây bốn chữ tên tranh lại được Viện từ điển bách khoa đọc là " Nhà sư ", nghĩa là chỉ có hai âm thôi. Hai cộng hai bằng hai (2+2=2) à ? Chẳng lẽ... đây là một đề tài tranh cãi của các chuyên gia? Người thì cho rằng tiếng Việt độc âm, người khác lại cho rằng đa âm. Dựa cột mà nghe cũng đủ mệt rồi. Bao giờ các ông cãi xong, có kết luận thống nhất thì xin các ông nhớ cho cả làng biết với nhé.

Trước mắt tôi, " Nhà sư " có vấn đề! Láo nào. Biết gì mà nói leo. Học chữ thánh hiền kiểu này thì chỉ tổ toi cơm. Ấm ức, nhưng tôi vẫn bướng bỉnh, tiếp tục lần mò thêm. Thử xem chữ nghĩa xoay vần ra sao.

Nhưng than ôi, càng thử càng thấy khó. Chưa hết sửng sốt, ngạc nhiên vì " viết bốn đọc hai ", tôi lại bị sửng sốt, ngạc nhiên thêm một lần nữa vì hai chữ " nhà " của " Nhà sư " và " Nhà sư viết kinh " viết khác nhau.

Thảo nào người ta vẫn chê chữ nôm là nôm na, luộm thuộm. Hôm nay được mắt thấy trường hợp viết nhiều đọc ít, viết khác nhau nhưng lại đọc giống nhau. Rắc rối thật !

Thú thực là tôi bắt đầu bị hoang mang.

Nhưng chỉ vì vẫn còn thích mấy tấm tranh dân gian nên tôi tạm gác sang một bên cái mớ chữ bí hiểm kia để khỏi bực mình, nản chí, và cứ tiếp tục lăn xả vào phục hồi bộ tranh.

Tình cờ một người bạn khác cho mượn cuốn  Connaissance du Vietnam  của P. Huard và M. Durand. Cuối sách có một bảng chữ nôm đối chiếu với chữ quốc ngữ. Tôi tò mò... Lại tò mò, chứng nào tật ấy, chết vẫn không chừa... Tôi lại lôi hai " Nhà sư " ra xem có học được thêm điều gì không ?

Tra tìm, so sánh mãi mới khám phá ra được cái sự thật bí hiểm kia. Tên tranh không phải là " Nhà sư viết kinh " mà là" Ông sư viết kinh ". Eureka! Thì ra vậy, bu nó ơi. Bây giờ mới hiểu tại sao hai chữ " nhà " của Viện từ điển bách khoa viết khác nhau.

Tôi lầm bầm, triết lí vụn. Có lẽ xưa kia người ta kính trọng người tu hành, gọi mấy nhà sư là ông sư. Ngày nay bình đẳng hơn, người ta bỏ tiếng ông và chỉ gọi là nhà sư thôi. Thời thế đổi thay. Mọi vật trên đời đều vô thường. Nhưng chuyển tự từ nguyên bản thì không nên để cho những tình cảm riêng tư của mình xen vào.

Tôi hơi buồn, có cảm tưởng bị lừa. Tin tưởng người dẫn đường, không ngờ bị dẫn đi lạc ! Con sâu làm rầu nồi canh. Tôi đâm ra nghi ngờ không biết các tên tranh khác có được Viện từ điển bách khoa đọc đúng nguyên bản không ? Cụ thể là 4 chữ của tấm tranh " Nhà sư " kia phải đọc như thế nào đây?

Hay là... Sau vài lần do dự tôi lấy quyết định... học chữ nôm để tự tìm hiểu tranh dân gian. Trời đất ! Đúng là điếc không sợ súng... cà nông! Cà phê đã trải, cà kê đã từng, thì cà nông cũng chỉ nhẹ như... lông hồng mà thôi.

Nhưng, quyết định học chữ nôm của tôi thật là khôi hài. Học chữ nôm mà không có thầy, không có sách thì học cái gì ? Học bằng phương pháp nào ?

Chưa học mà cứ đặt câu hỏi thì... dẹp chuyện học đi cho rồi.

Vạn sự khởi đầu nan. Chi bằng cứ thử dùng phương pháp " nghe nhìn ". Dạ, nhưng nghe ai và nghe cái gì ạ? Ừ nhỉ. Thôi thì...chỉ nhìn thôi. Cứ xem đi xem lại bảng đối chiếu chữ quốc ngữ và chữ nôm của Connaissance du Vietnam. Xem đến lúc nhớ, nhìn ra được mặt chữ mới thôi.

Thật buồn cười, không ngờ có ngày được Tây chỉ đường về làng. Ta về bì bõm ao ta.

Mấy tuần sau, cái vốn chữ Nôm của tôi có được vài chục chữ thông thường, hay gặp.

Ít lâu sau tôi mua được cuốn Chữ Nôm của Đào Duy Anh và Học chữ Nôm của Vũ Văn Kính. Dần dần hiểu được cách học chữ nôm. Hiểu được phương pháp cấu tạo của chữ nôm.

Muốn học chữ nôm thì phải biết... chữ Hán.

Ối giời đất ơi ! Một cổ hai tròng ! Hán, nôm đều mù tịt thì biết đường nào mà mò ?

Học chữ nôm sao mà khó như xin giấy tờ hành chính của Pháp vậy. Muốn xin thẻ cư trú thì phải có thẻ cho phép làm việc. Muốn có thẻ cho phép làm việc thì phải có thẻ cư trú !

Bể học mênh mông ! Rừng Nho rậm rạp. Học chữ nôm phải bơi qua bể, vượt qua rừng. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều. Đã trót đâm lao thì phải theo lao.

Lặn lội mua cho được Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh. Sách này xếp chữ theo mẫu tự La Tinh, không tiện cho việc học chữ Hán. Phải có thêm Hán Việt tự điển của Thiều Chửu, tra theo bộ thủ. Dần dần kiếm thêm được Bảng tra chữ Nôm của Viện Ngôn Ngữ học, Bảng tra chữ nôm của Vũ Văn Kính, bộ giáo trình Cơ sở ngữ văn Hán Nôm của Lê Trí Viễn, Đặng Đức Siêu, Nguyễn Ngọc San, Đặng Chí Huyển. Quý nhất là Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của và Dictionnaire Annamite-Français của Génibrel...

Mấy lần về Việt Nam mua thêm Tam tự kinh, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự... Vẫn chưa đủ ! Chữ Nôm có nhiều từ cổ, nhiều từ của tín ngưỡng dân gian. Phải kiếm cho ra Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, Phong tục Việt Nam, Tín ngưỡng Việt Nam, Làng xóm Việt Nam của Toan Ánh, Đất lề quê thói của Nhất Thanh, mấy cuốn Tục ngữ, ca dao của Nguyễn Văn Ngọc, Vũ Ngọc Phan v.v.

- Này, sách mua về để đọc hay để khoe vậy? Ôm về cho lắm chỉ tổ chật nhà.

Tôi chỉ ôm tham vọng học được ít chữ để đọc được mấy cái tên tranh kia thôi. Sau một thời gian " đèn sách ", tôi đọc được bốn chữ của tranh " Nhà sư ". Tên đầy đủ là " Nhà sư lắc chuông ". Bây giờ mới yên tâm là chữ nôm viết bốn chữ thì đọc thành...bốn tiếng.

Trong cái rủi thường ẩn chứa cái may. Nhờ có " Nhà sư " của Viện từ điển bách khoa tôi mới quyết tâm học chữ nôm. Học chữ nôm lại biết được một tí chữ Hán. Chữ Hán, chữ nôm lại giúp hiểu một số phong tục của người xưa.

Đúng là chữ " nhà" của " Nhà sư " đã khai tâm chữ nôm cho tôi. " Nhà sư " xứng đáng là thầy tôi.

Tự học chữ Hán, chữ nôm đương nhiên là vất vả, mất nhiều thời gian. Phải dò từng chữ, đếm từng nét. Phải tập suy luận theo nhiều hướng. Nói gọn lại là phải thận trọng. Nhất là đối với chữ nôm bình dân, không tuân theo luật lệ của giới khoa bảng, thâm Nho.

Tự học chỉ được thuận lợi là... mặc kệ thời gian. Tự học còn được một niềm vui sảng khoái là không cần ai cho điểm. Không bị thầy nào bắt nạt, trừng phạt. Không thi cử, không sợ phạm huý. Không coi bằng cấp là... cái thá gì. Không cần tụng bài kinh Nhất tự vi sư, bán tự vi sư mà thời cắp sách đến trường tôi hiểu là (Khoái) nhất là tự cho mình làm thầy. Làm thầy là làm nghề bán chữ.

Tự học thì chỉ có mình với lương tâm mình. Những lúc bị bí, tra tìm không ra, nổi cáu thì chỉ có mơ mộng vẩn vơ mới giúp mình đủ kiên nhẫn để đeo đuổi.

***
Đã có lúc tôi ví von, tưởng tượng cái mớ chữ quốc ngữ, chữ nôm kia được một ông tiên (hay một cô tiên thì càng tốt) hoá phép, biến thành hai cô gái !

Một cô có giọng oanh vàng, ca hát nhún nhảy lộng lẫy dưới ánh đèn màu, mời gọi đến những chân trời xa lạ. Sôi nổi, kích động. Mình bồn chồn, rạo rực.

Một cô tình cờ gặp lúc đứng ẩn mưa. Đất trời u ám. Không phấn son, không kiểu cách. Thân em như hạt mưa sa... Lạ thật ! Có cái gì mộc mạc, thiết tha làm mình xao xuyến, quyến luyến.

Mỗi cô một vẻ...

***

Đêm khuya tĩnh mịch, bao la.

Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ ?  Bèo giạt mây trôi... Người ơi ! Người ở đừng về !

Tôi tiếp tục thênh thang lạc bước trong khu rừng Hán nôm.
 

Nguyễn Dư
(Lyon, 1/ 2005)


  [ Trở Về  ]