Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [Trang chủ ] [ Tác giả ]
Còn nước còn tát
___________Nguyễn Dư
Trong chuyến về quê thăm họ hàng tôi được nghe ông chú và mấy người hàng xóm nói chuyện mùa màng, thu hoạch. Năm nay được mùa, chuyện nổ như bắp rang. Nào là phải tăng cường cái này, giảm thiểu cái kia. Nào là phải sớm bắt tay vào vụ tới... Tôi há hốc mồm ngồi nghe, chả hiểu ất giáp gì cả. Từ bé đến giờ có sống ở làng ngày nào đâu mà đòi hiểu với biết. Chờ lúc mọi người sắp ra về, tôi mới đem ra " khoe " bài học của thời " thò lò mũi xanh " :Bất ngờ, một bác chép miệng, ngắt lời tôi : Tháng chạp là tháng giồng khoai,
Tháng giêng giồng đậu, tháng hai giồng cà.
Tháng ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng.
Ai ai cùng vợ cùng chồng,
Chồng cày, vợ cấy trong lòng vui thay!
Tháng năm gặt hái đã xong,
Nhờ trời một mẫu năm nong thóc đầy...- Nghe các bố trên tỉnh kể chuyện nhà quê... tức bỏ mẹ! Để tôi mách ông Thần Nông xem ông ấy phân xử ra sao! Tháng tư các bố mới làm mạ, thế mà tháng năm đã gặt hái xong rồi. Lúa nào mà lớn nhanh như... thánh Gióng vậy? Các bố thu hoạch bốn, năm lần một năm à? Làm ruộng kiểu này thì nông dân chúng tôi thành triệu phú hết từ đời nảo đời nào rồi.
Tôi chột dạ. Mình nhớ sai ? Chẳng lẽ trí nhớ tệ đến thế. Hay là... sách vở sai ? Chuyện khó tin. Hay là bác này... Không, nghề của bác bác phải biết rõ chứ. Tôi bối rối nhưng vẫn cố chữa thẹn bằng bài khác :
Bác lúc nãy lại cười hô hố :Tháng giêng chân bước đi cày
Tháng hai vãi lúa ngày ngày siêng năng.
Thuận mùa lúa tốt đằng đằng,
Tháng mười gặt lúa ta ăn đầy nhà.- Mấy ông làm ruộng như thế thì đổ thóc giống ra mà ăn. Tháng hai vãi lúa mà mãi đến tháng mười mới được gặt. Trồng lúa kiểu này thì bọn tôi có nước bị gậy, đi ăn mày. Không biết... tiên sư các ông... là ai mà dạy con cháu bài bản như vậy. Lúc thì thái quá, lúc thì bất cập...Vô tội vạ. Này! Các ông trời cho được ăn học nhưng thỉnh thoảng cũng phải suy nghĩ một tí chứ...
Tôi đánh trống lảng :
- Ối giời ơi ! Sao bác... khó tính thế ? Đám tí nhau thì biết gì mà suy với nghĩ. Trăm sự trông vào người lớn, nhờ vào sách vở...
Tôi sốt ruột chờ ngày về để lật đống sách ra dò lại những điều đã học được.
Ừ nhỉ... Rõ ràng...
Ngày xưa, " Ruộng chia làm hai vụ: cầy cấy từ tháng năm, tháng sáu, đến tháng tám, tháng chín được gặt gọi là vụ mùa, cầy cấy từ tháng một, tháng chạp đến tháng tư, tháng năm năm sau được gặt gọi là vụ chiêm. Cũng có nhiều ruộng làm được cả hai vụ, có ruộng chỉ cấy một vụ, còn một vụ thì trồng màu " (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục)
Ngày nay, " Vụ mùa gieo trồng vào mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu) và thu hoạch vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một). Vụ chiêm gieo trồng vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng (tháng năm, tháng sáu) " (Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt).
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp nước ta đã tạo được giống lúa ngắn ngày, tăng trưởng nhanh. Gọi là nhanh nhưng cũng phải mất từ 80 ngày trở lên.
Thế mà, Tục ngữ, phong dao của Nguyễn Văn Ngọc (1928); Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm (1943); Phong tục Việt Nam của Toan Ánh (1969); Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan (1978) đều chép bài " tháng tư làm mạ, tháng năm gặt hái đã xong ". Rõ ràng giấy trắng mực đen.
Bác nông dân hôm nọ " tức bỏ mẹ ", chê mấy ông học nhiều hiểu rộng là đúng một trăm phần trăm. Sách vở, ca dao được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác mà tuỳ tiện như vậy thì... " bỏ mẹ " thật. Cũng may, tra tìm mãi cũng thấy được một bài để vớt vát:
Bài này kể đúng công việc của vụ mùa. Tháng giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà.
Tháng ba thì đậu đã già,
Ta đi, ta hái về nhà phơi khô.
Tháng tư đi tậu trâu bò
Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm(...)
Bao giờ cho đến tháng mười
Ta đem liềm hái ra ngoài ruộng ta
Gặt hái ta đem về nhà
Phơi khô, quạt sạch ấy là xong công.Nhớ lại hôm ở nhà ông chú, bác kia nhắn tác giả mấy bài " ca dao vớ vẩn " :
Một bác khác buông điếu thuốc lào đang rít, ngửa cổ thở khói, vỗ đùi :Văn chương phú lục chẳng hay
Trở về làng cũ học cày cho xong.- Học cày chưa đủ. Phải bắt bọn này học cả trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm nữa chứ.
Trông gì mà cứ như là trông mẹ về chợ vậy ?
À, thì ra thế. Phải " trông " cho khéo để mà " làm thuỷ lợi ".
Nhất nước, nhì phân, ba cần, bốn giống. Nhà nông coi nước là quan trọng nhất. Ruộng thiếu nước hay úng nước đều hại cho cây lúa. Mưa nhiều thì phải xẻ rãnh, khai mương để tháo nước. Nắng hạn thì phải tát nước, đưa nước vào ruộng (có người gọi công việc này là " dẫn thuỷ nhập điền ").
Ngày nay nhiều nơi chưa có máy bơm, vẫn còn dùng gầu để tát nước.
Gầu là đồ dùng để múc nước, tát nước từ ruộng thấp đổ lên ruộng cao. Gầu chữ Hán là Câu (bộ trúc), nghĩa là cái lồng đan bằng tre. Nông dân nước ta dùng hai loại gầu khác nhau là gầu giai và gầu sòng. Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười, còn độ một hai
Ruộng thấp đóng một gầu giai,
Ruộng cao thì phải đóng hai gầu sòng
Chờ cho lúa có đòng đòng...Nếu hai thửa ruộng có độ cao chênh lệch nhau nhiều thì phải tát nước bằng gầu giai. Giai là âm đọc trại của giây. Gầu giai là gầu có bốn sợi giây dài, hai người tát. Nếu ruộng dưới xấp xỉ bằng ruộng trên thì chỉ cần một người tát nước bằng gầu sòng. Gầu sòng có cán, được treo vào một cái gạc ba chân bằng tre. Sòng đến từ chữ Hán Sao (bộ thủ), nghĩa là lấy thìa mà múc (Đào Duy Anh, Thiều Chửu). Tát nước bằng gầu sòng có động tác giống như cầm thìa múc đồ ăn.
Có một giai thoại về cái gầu sòng.
Ngày xưa nước ta có tục tảo hôn (lấy vợ sớm). Một vài thằng cu con nhà giàu, còn bé như " quả ớt chỉ thiên " mà đã được cha mẹ mua cho một cô vợ lớn tuổi. Bề ngoài mang tiếng là vợ nhưng thật ra chỉ là con ở không công. Vừa trông em vừa làm tất cả việc nhà. Dân gian đặt bài ca chế giễu:
Chị vợ cõng anh chồng đi chơi, để chồng ngã vào vũng nước. Thằng bé bé quá, đến nỗi cô gái không nắm kéo hay vớt bằng tay được. Cô phải mượn gầu để múc nó lên. Chẳng khác gì con ruồi sa vào chén nước mắm, phải dùng thìa múc lên. Để tôi tát nước, múc chồng tôi lên. Chữ múc vừa dí dỏm, ngộ nghĩnh vừa tả đúng điệu bộ của người tát nước bằng gầu sòng. Cái bống cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng
Chú lái ơi ! Cho tôi mượn cỗ gầu sòng
Để tôi tát nước, múc chồng tôi lênGầu dùng để múc nước. Thế mà bộ tranh Oger lại có một cái gầu giai...không múc nước được. Cái gầu này có vành hình chữ S. Đây là một loại gầu đặc biệt hay chỉ là cái gầu giai vành tròn bị vẽ sai ? (Chữ giai của tên tranh được viết bằng chữ thằng (Hán) nghĩa là giây, đọc trại thành giai).
Từ nãy đến giờ, lải nhải chuyện tát nước nhưng chưa biết nguồn gốc của Tát ra sao. Tát của tiếng Việt là do chữ Hán Tiếu (bộ dậu) mà ra. Tiếu nghĩa là tát cạn (Génibrel), uống cạn rượu (Thiều Chửu, Đào Duy Anh).
Thực tế thì chả ai ham thích tát nước (trừ trường hợp Hôm qua tát nước đầu đình, Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen... vừa tát nước vừa tán gái). Cực chẳng đã mới phải tát nước để cứu cây lúa. Ngược lại, tát rượu, tát bia thì có nhiều người sẵn sàng tình nguyện. Vừa tát vừa tán vừa ôm cả ngày cũng được. Say mèm vẫn còn muốn tát thêm. Vợ con không cho ông tát thì ông... tát " bỏ mẹ " cả vợ lẫn con. Nên phân biệt hai kiểu tát. Tát nước và tát tai. Cái tát tai thời Pháp còn gọi là Bợp tai hay Bạt tai, nghĩa là bị xếp (chef) cho ăn một cái Baffe.
Tục ngữ có câu Nay tát đầm, mai tát đìa, ngày kia giỗ hậu (Khai Trí Tiến Đức). Không hiểu người xưa muốn khuyên dạy điều gì. Chỉ nghiệm được một điều là : Ta về ta tát đầm ta
Dù to hay nhỏ đầm nhà ấm hơn
Tự vị Huỳnh Tịnh Của có thành ngữ Gầu nan tát biển để ám chỉ chuyện phi lí, không lẽ làm đặng. Dân gian cũng thách nhau:
Lượm đá quăng trời và ghẹo người cung trăng thì... khó thật, không biết đã có người nào làm được chưa ? Còn chuyện Đan gầu tát biển (hay Gầu nan tát biển) thì... dễ như chơi. Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn. Có phải không, mẹ cái đĩ ? Đố ai lượm đá quăng trời
Đan gầu tát biển, ghẹo người cung trăng ?Một thời, người ta khuyến khích hợp tác xã trồng bông tát cạn cả biển Aral kia kìa.
Dân ta có đức tính cần cù, nhẫn nại. Còn nước còn tát ! Nhưng cũng có người cho rằng Còn nước còn tát là một thói xấu của bọn Cố đấm ăn xôi, vơ vét đến cùng.
Nguyễn Dư
(Lyon, 7/2007)
[ Trở Về ]