Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [Trang chủ ] [ Tác giả ]
Tranh Lợn
___________Nguyễn Dư
|
|
|
|
Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ (Tranh dân gian Việt Nam, Văn Hoá, 1984) giải thích ý nghĩa của khoanh tròn như sau :
Tất cả bức tranh lợn là một sáng tác rất thực. Hai hình tròn trên mình con lợn, nghệ nhân có dụng ý tả hai cái " khoáy lông " đóng bốn bên mình lợn. Nét vẽ theo chiều lông đóng thành " khoáy " được biến pháp cho thành một hình thể có tính chất trang trí, đồng thời làm vui con mắt người xem bằng những mảng màu vàng, xanh hay đỏ, nổi trên nền tím của thân con lợn nái mẹ và các con lợn con.
Những con lợn nào mà có ba quí tướng : " lưng đai, bụng bị, bốn khoáy đóng chuồng " thì là giống lợn nái tốt : ăn nhiều, khoẻ mạnh, đông con, mắn đẻ, tốt giống, mà bất cứ người dân quê nào cũng muốn có để nuôi, là nguồn vui, sung túc, no đủ, hạnh phúc của gia đình mình vậy "... (tr. 56).
Tác giả tỏ ra rất thông thạo nghề nuôi lợn. Ai không ở trong nghề thì khó mà biết được ba quý tướng " lưng đai, bụng bị, bốn khoáy đóng chuồng " của lợn. Người nào tò mò muốn tìm hiểu kinh nghiệm của người xưa thì chỉ còn nước dựa vào mấy câu tục ngữ ca dao được truyền từ đời này sang đời kia. Có còn hơn không.
Nuôi lợn nên chọn con lợn có lưng, có bụng như thế nào ?
- Lợn đực chuộng phệ, lợn sề chuộng chỗm
- Đực phệ, sề vắn.
Nuôi lợn đực thì nên chọn con bụng phệ. Giống này ăn nhiều, chóng lớn. Nuôi lợn cái, lợn sề thì phải chọn con nào nhỏ bụng để khi chửa không bị cọ xuống nền chuồng làm sứt đầu vú (Phạm Đức Duật, Văn học dân gian Thái Bình, tập 1, Khoa Học Xã Hội, 1981, tr. 115).
Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ đã nhầm lợn cái (lợn nái, lợn sề) với lợn đực (lợn hạch) chăng ? Theo kinh nghiệm của nông dân Thái Bình thì nuôi lợn nái không nên chọn con nào có " bụng bị ".
Có nên chọn lợn có " bốn khoáy đóng chuồng " không ?
- Mua trâu xem khoáy.
- Khoáy đầu, khoáy sỏ, khoáy tai
Tam tinh chàng ách làm giai chúa nhà.
- Tam tinh khoáy sọ thì chừa
Đốm đuôi nát chủ thì đưa vào nồi.
" Tam tinh chàng ách " là một vệt khoang trắng từ ngực kéo ra hai nách trên con trâu làm thành hình hai cái chạc ba. Những con trâu trên đầu có nhiều khoáy và có cái vệt khoang trắng như trên thì cày bừa rất kém (Văn học dân gian Thái Bình, sđd, tr. 114).
- Chữ tốt xem tay, ngựa hay xem khoáy.
Nói tóm lại, ngựa có khoáy trên đầu thì tốt. Trâu có khoáy trên đầu là trâu kém. Lợn có khoáy, nhất là có " bốn khoáy đóng chuồng " trên mình, thì chưa thấy người xưa nói tới.
Điều khiến chúng ta ngạc nhiên hơn nữa là cái " khoáy lông " của Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ còn được thấy trên mặt trống cái của làng (Tranh dân gian Việt Nam, sđd, tr. 48-49), và trong hình bát quái của nhiều tranh thờ, tranh bùa.
Được vẽ lên mặt trống cái, vẽ giữa hình bát quái, thì cái khoanh tròn kia chắc chắn không phải là cái khoáy lông của súc vật rồi !
Đây là hình âm dương bị biến dạng.
Xin nhắc lại quan niệm âm dương của Nho giáo.
Kinh Dịch, một trong năm kinh của Nho giáo, quan niệm rằng vũ trụ ban đầu là Thái Cực. Thái Cực sinh ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh ra Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh ra Bát Quái, Bát Quái sinh ra vạn vật.
Lưỡng Nghi gồm Âm và Dương.
Từ khi có quan niệm Thái Cực, người Trung Hoa tượng trưng âm dương bằng hình đen và hình trắng vì mới đầu, âm có nghĩa là phía không có ánh mặt trời, ở trong bóng tối, dương có nghĩa là phía có ánh mặt trời, sáng sủa.
Chúng ta nhận thấy vòng tròn Thái Cực gồm hai hình âm dương đó, và hai hình này tuy cách biệt hẳn nhau, đối lập nhau, mà lại ôm lấy nhau, xoắn lấy nhau.
Lại thêm chỗ hình đen phồng ra có một điểm trắng, chỗ hình trắng phồng ra có một điểm đen ; chỗ hình đen phồng ra là chỗ hình trắng thót lại, ngược lại chỗ hình trắng phồng ra là chỗ hình đen thót lại. Như vậy để diễn cái ý : âm thịnh lần thì dương suy lần, ngược lại dương thịnh lần thì âm cũng suy lần ; và khi âm cực thịnh đã có một mầm dương (điểm trắng) xuất hiện rồi, khi dương cực thịnh cũng thế, đã có một mầm âm (điểm đen) xuất hiện rồi.
Vậy, chẳng những âm dương xoắn lấy nhau mà trong âm còn có dương, trong dương còn có âm nữa.
(Nguyễn Hiến Lê, Kinh Dịch, Văn Nghệ, Hoa Kì, 1991, tr. 135-136).
Nói tóm lại, trong hình âm dương thì trong phần âm (màu đen) có một chấm trắng và trong phần dương (màu trắng) có một chấm đen.
Tranh dân gian Việt Nam có nhiều tấm vẽ hình âm dương. Hình âm dương khó khắc ván vì toàn là đường cong. Trong phần ván nổi có cái chấm nét chìm và trong phần ván khắc chìm có cái chấm nét nổi. Thợ khắc ván lành nghề cũng khó mà đục đẽo hoàn hảo những đường nét uốn lượn li ti này.
Tranh " Tử Vi chấn trạch " của Oger, vẽ hình âm dương có phần âm, phần dương và hai cái chấm, tất cả đều để trắng. Tranh " Tử vi chiếu trạch " của Durand (Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, Paris, 1960, tr. 110) cũng chỉ có màu trắng và thiếu cả hai cái chấm.
Hầu hết các hình âm dương của tranh dân gian, nằm rải rác trong các sách, đều bị sai sót. Vì vậy mà Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ đã hiểu lầm cái hình âm dương màu trắng, không có chấm, thành cái khoáy lông của lợn.
Tấm tranh " Le cochon fétiche " ( Lợn ỷ) của Dumoutier là một bằng chứng chắc chắn giúp ta nhận diện được hình âm dương trên mình lợn :
Dans les villages du Tonkin, il arrive parfois qu'un certain nombre d'habitants se réunissent pour procéder, à frais commun, à l'élevage d'un animal fétiche. A cet effet, ils choisissent un cochon noir bien constitué, le placent dans un local spécial, très propre, très ventilé, et l'engraissent avec des aliments de choix. Il prend alors le titre de ông lợn " Son Eminence " ou de ông ỷ " Monsieur le Pourceau " ; il est l'objet de soins assidus, on le nettoie chaque jour, et sa nourritur ne lui est présentée que dans des vases bien propre et parfois même luxueux. Comme marque de consécration, et afin d'empêcher que le diable ou les mauvais esprits ne viennent troubler ses digestions, on peint sur sa peau la figure symbolique du âm dương. (G. Dumoutier, Essais sur les Tonkinois, 1908, tr. 286).
(Tại làng quê Bắc bộ, có nơi dân làng họp nhau chung tiền nuôi một con vật để làm lễ tế thần. Người ta chọn một con lợn đen tốt tướng, nuôi cho béo. Lợn, bây giờ được mọi người gọi là ông lợn hay ông ỷ, được chăm sóc, tắm rửa mỗi ngày. Thức ăn của ông phải đựng trong chậu sạch sẽ, chỗ ở của ông phải khang trang, thoáng mát.
Để tỏ lòng tôn kính ông ỷ, người ta vẽ hình âm dương lên mình ông để ngăn ngừa quỷ thần ám hại).
Hình âm dương của Lợn ỷ của Dumoutier được vẽ và khắc đúng.
Vô tình Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ đã biến triết lí âm dương của Nho giáo thành một tướng tốt... chưa từng thấy của lợn.
Nguyễn Dư
(Lyon, 10/2006)