Chim Việt Cành Nam             [ Trở Về  ]           [Trang chủ            [ Tác giả ]


 
Đi tìm tác giả Gia huấn ca

Nguyễn Dư

Thuở bé, thầy bắt học bài " Thương người như thể thương thân "  của " Nguyễn Trãi gia huấn ".

Thấy người hoạn nạn thì thương
Thấy người tàn tật lại càng trông nom
Thấy người già yếu ốm mòn
Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần
Trời nào phụ kẻ có nhân
Người mà có đức, muôn phần vinh hoa.
(Quốc văn giáo khoa thư, lớp sơ đẳng, 1948).

Mãi sau này mới được đọc toàn tập Gia huấn ca.

Đọc một lần còn nghi ngờ. Đọc thêm lần nữa. Vẫn chả thấy bóng dáng bài " Thương người " đâu cả.

Bù lại, được thấy mấy câu thơ có thể giúp chúng ta có ý kiến rõ ràng về cái tên " Nguyễn Trãi gia huấn ".

Đầu đuôi câu chuyện như sau :

Gia huấn ca được nhiều học giả giới thiệu từ hơn 60 năm nay. Nhưng tác giả của nó thì vẫn chưa biết chắc là ai.

1 - " Tập Gia huấn ca (bài hát dạy người nhà) vẫn truyền là của ông (Nguyễn Trãi) soạn ra, nhưng không được chắc lắm.
Lời văn (Gia huấn ca) bình thường giản dị, lưu loát êm ái. Nếu tập ấy thật của Nguyễn Trãi soạn ra, thì văn nôm ta về đầu thế kỷ thứ XV cũng không khác nay mấy, chỉ thỉnh thoảng có một vài chữ nay ít dùng ".
(Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu (1941), Xuân Thu tái bản, tr. 271).

Tuy nhiên, ở chỗ khác Dương Quảng Hàm lại viết rằng " Câu tục ngữ "Thương người như thể thương thân" vốn là một câu trong tập Gia huấn ca của Nguyễn Trãi " (tr. 6).

2 - " (Gia huấn ca) gồm mấy bài ca dạy vợ, con, vợ khuyên chồng, khuyên dạy học trò sửa đức, chăm học. Lời văn bình dị, trôi chẩy, viết trên sáu dưới tám, có khi xen câu bảy chữ ; thỉnh thoảng một vài chữ ngày nay ít khi dùng đến, chứng tỏ là một tập văn cổ, song không biết có phải đích thực ông Nguyễn Trãi soạn không.
Dù sao thì truyền từ Nguyễn Trãi cho tới bây giờ, tác phẩm ắt đã bị người đời sau sửa đổi nhiều chữ, nhiều câu, chứ không thể nào giữ vẹn cả trăm phần đúng như nguyên tác ".
(Nghiêm Toản, Việt Nam văn học sử trích yếu (1949), Khai Trí, 1968, tr. 121).

3 - " Những nhà hàng sách ở phường Hàng Gai xưa có khắc một bản Gia Huấn, đề là Nguyễn tướng công Gia huấn, hay là Nguyễn Trãi gia huấn. Tục truyền rằng đó là những bài ca, ông đã đặt ra để dạy con cháu trong gia đình (...).

Nội dung các bài ca lại còn cho ta biết rằng văn viết trong thời còn loạn, chưa có vị vua chính đáng cầm quyền. Vậy có thể là do Nguyễn Trãi soạn hồi đầu Minh thuộc (1406-1417). Tuy nhiên, các chữ cổ, thường thấy trong những bài chắc chắn soạn đời Lê, ở đây thấy rất ít. Vả trong một vài nơi có nói đến các thứ đánh bạc như tổ tôm, tam cúc, chắn, đố mười. Không biết những trò chơi ấy đã có đời Nguyễn Trãi hay chưa ?

Nói tóm lại, ta không có chứng gì nhận chắc quyết lời tục truyền rằng tập gia huấn này là của Nguyễn Trãi. Nếu thật là của ông soạn ra, thì sự sao đi chép lại bởi người đời sau, và nhất là đời Nguyễn, đã làm cho phần văn cổ đã bị chữa đi nhiều rồi ".
(Hoàng Xuân Hãn, Thi văn Việt Nam (1951), Giáo Dục, 1998, tập 3, tr. 59-60).

4 - " Ngoài ra lại có một số tác phẩm nôm tương truyền là của Nguyễn Trãi, nhưng chưa thể khẳng định rằng đúng là của ông. Đó là tập Gia huấn ca và hai bài thơ nôm (bài Tự thán và bài Ghẹo cô hàng chiếu) ".
(Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, Văn học Việt Nam, Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1978, tập 1, tr. 348).

Gần đây, xuất hiện một bản Gia huấn ca bằng chữ nôm, của nhà Quan Văn Đường, khắc in năm Đinh Mùi, niên hiệu Thành Thái (1907). Bản này ghi " Lê triều Nguyễn tướng công Gia huấn ca " ở trang đầu và " Nguyễn tướng công Gia huấn " ở trang cuối.

5 - " Phần ai là tác giả (bản Quan Văn Đường) và thân thế và sự nghiệp của tác giả xin để dành lại cho các nhà nghiên cứu và nếu có hoàn cảnh thuận tiện chúng tôi cũng sẽ viết về những điểm đó trong một tác phẩm khác ".
(Vũ Văn Kính, Gia huấn ca, Trường Hán Nôm Nguyễn Trãi, 1994).
(Trong khi chờ đợi, Vũ Văn Kính đã cho đề tên Nguyễn Trãi là tác giả tập Gia huấn ca của nhà Quan Văn Đường).

Nói tóm lại, từ trước đến nay, chưa có học giả nào đưa ra bằng chứng có tính thuyết phục để công nhận hay phủ nhận dứt khoát Nguyễn Trãi là tác giả Gia huấn ca.

Vì sao các học giả lại thận trọng, nói đúng hơn là lúng túng như vậy ?

Có lẽ chỉ vì cái tên " Nguyễn Trãi gia huấn " đã chỉ rõ Nguyễn Trãi, cái tên " Lê triều Nguyễn tướng công " làm người ta liên tưởng đến Nguyễn Trãi. Ngoài ra, Gia huấn ca(GHC, theo bản của nhà Quan Văn Đường) lại có nhiều câu giống Quốc âm thi tập (QATT, Trẻ, 1995) của Nguyễn Trãi :

Bữa thường dù dưa muối mặc lòng (GHC)
Bữa ăn dầu có dưa muối (QATT)
Ở bầu tròn ở ống thì dài (GHC)
Ở bầu thì dáng ắt nên tròn (QATT)
Ắt đã tròn bằng nước ở bầu (QATT)
Ngồi ăn mãi non mòn núi lở (GHC)
Làm biếng ngồi ăn lở núi non (QATT)
Làm biếng hay ăn lở non (QATT) ...

khiến cho các học giả nghĩ rằng Nguyễn Trãi là tác giả Gia huấn ca.

Nhưng đồng thời, Gia huấn ca lại có nhiều chữ, nhiều thành ngữ quen thuộc của ngày nay như " giàu vì bạn, sang vì vợ ", " khôn ba năm, dại một giờ ", " giàu ba họ, khó ba đời ", " vắt cổ chày ra nước ", " miếng khi đói gói khi no ". Thậm chí có cả " một bồ dao găm " v.v. làm cho các học giả phải nghi ngờ, không tin chắc rằng Nguyễn Trãi là tác giả Gia huấn ca.

Đáng ngạc nhiên hơn nữa là Gia huấn ca có nhiều câu giống Kiềucủa Nguyễn Du.

Tấc son tạc lấy chữ trinh làm đầu (GHC)
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu (Kiều)
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay hay nào (GHC)
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào (Kiều)
Kẻ lộn chồng trốn chúa cũng nhiều (GHC)
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng (Kiều) v.v.
Rõ ràng có ảnh hưởng qua lại giữa Gia huấn caKiều.

Chẳng lẽ Nguyễn Du lại chép thơ nôm của người khác ? Hay là Gia huấn ca đã bắt chước Kiều ?

Lại thêm một lí do nữa khiến người ta phải dè dặt với giả thuyết Nguyễn Trãi là tác giả Gia huấn ca.

Ngôn ngữ của Gia huấn ca đã gây khó khăn cho nhiều học giả tiền bối. Vì chỉ ngừng lại ở chỗ đối chiếu, so sánh một số câu chữ nên chưa trả lời được câu hỏi có phải Nguyễn Trãi là tác giả Gia huấn ca hay không.

Cần phải phân tích Gia huấn ca  sâu xa hơn, căn cứ vào lịch sử.

I - Bài Dạy vợ dạy con (bản Quan Văn Đường, sđd, tr. 15) có câu :

Đua chi chén rượu câu thơ
Thuốc Lào ngon lạt nước cờ thấp cao

Chữ " Lào " được dân ta dùng từ thời nào ?

Sách Lam Sơn thực lục của Lê Lợi ( Nguyễn Diên Niên, Lê Văn Uông, Lam Sơn thực lục, Ty Văn Hoá Thanh Hoá, 1976), sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (Nguyễn Trãi toàn tập, Khoa Học Xã Hội, 1976) và sách Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên (Khoa Học Xã Hội, 1968) mỗi khi nói tới nước láng giềng hay dân tộc láng giềng của ta đều dùng cụm từ " nước Ai Lao ", " người Ai Lao ".

Cho tới cuối thế kỉ 15, sách vở của ta chưa có " nước Lào ", " người Lào ".

Chữ " Lào " được Nguyễn Du (1765-1820) dùng vào khoảng cuối thế kỉ 18 hay đầu thế kỉ 19 :

Đường xa chớ ngại Ngô Lào
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta (Kiều)

Tục hút thuốc lá, thuốc lào của dân ta có từ bao giờ ?

Sách Dư địa chí (1438) của Nguyễn Trãi chép :

" Biển cùng Vân, Linh ở về Thuận Hóa.
Ở vùng ấy đất thì đen, mầu mỡ, hợp với trồng thuốc hút và thứ tiêu hạt to ; ruộng thì vào hạng trung trung. Điện Bàn có trĩ vàng. Sa Bôi có chè lưỡi chim sẻ. Hải Lăng có thỏ lông trắng.
Thuốc hút (chỉ dược) là thứ cây lấy lá cuộn vào giấy rồi châm lửa hút ".
(Nguyễn Trãi toàn tập, tr. 234).

Đầu thế kỉ 15, nước ta có trồng cây thuốc hút (chỉ dược). Nguyễn Trãi không nói tới thuốc lào. Cây thuốc hút của Nguyễn Trãi có phải là cây thuốc lá hay thuốc lào ngày nay không ?

Lê Quý Đôn cho biết :

" Sách Thuyết Linh chép : Thuốc lá (yên diệp) sản xuất từ đất Mân. Người ở biên giới bị bệnh hàn, nếu không có thứ này thì không trị được. Vùng quan ngoại, thuốc lá rất quý, đến nỗi có người đem một con ngựa đổi lấy một cân thuốc lá.
(...) Cây thuốc lá sản xuất ở Lữ Tống (Phi Luật Tân) vốn tên là Đạm ba cô (tobacco).
(...) Nước Nam ta lúc đầu không có cây thuốc lá ấy. Từ năm Canh Tí tức niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) đời vua Lê Thần Tông (...) người Ai Lao mới đem đến, nhân dân nước ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Quan dân, đàn bà con gái tranh nhau hút thuốc lá, đến nỗi có câu : " Có thể ba ngày không ăn, chớ không thể một giờ không hút thuốc lá ".
Năm 1665 đời vua Lê Huyền Tông, triều đình đã hai lần xuống lệnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được.
Người ta phần nhiều khoét cột tre làm ống điếu và chôn điếu sành xuống đất.
Tro than thuốc lá lắm lần gây thành hoả hoạn. Lâu dần lệnh cấm bãi bỏ. Nay thì việc hút thuốc lá đã thành thói thông thường".
(Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, bản dịch của Tạ Quang Phát, Văn Hoá Thông Tin, 1995, tập 3, tr. 158-159)

Theo Lê Quý Đôn thì cây thuốc lá được người Ai Lao đem vào nước ta năm 1660, nghĩa là hơn 200 năm sau khi Nguyễn Trãi chết.

Nếu thuốc lào là thuốc lá do người Ai Lao mang sang nước ta thì thời Nguyễn Trãi nước ta chư a có thuốc lào.

Nguyễn Trãi không thể là tác giả câu thơ

Đua chi chén rượu câu thơ
Thuốc Lào ngon lạt nước cờ thấp cao

II - Bài Dạy học trò ở cho phải đạo (tr. 93) có câu :

Ba năm chợt đỗ khôi khoa
Sân rồng ruổi ngựa, đường hoa giong cờ

Câu thơ này nói về tổ chức thi cử ngày xưa và vinh dự dành cho những người đỗ tiến sĩ.

" Ba năm " ám chỉ khoa thi được tổ chức 3 năm một lần.
Lệ tổ chức thi 3 năm một lần tại nước ta có từ bao giờ ?

Năm 1246 vua Trần Thái Tông định cứ 7 năm một khoa. Đến năm 1404, Hồ Hán Thương định cứ 3 năm một khoa, nhưng vì nhà Hồ sắp mất ngôi, nên lệ ấy không thực hành được, mãi đến năm 1463 đời Lê Thánh Tông, lệ ấy mới theo (...).

Năm 1434, vua Lê Thái Tông mới xuống chiếu định điều lệ thi hương, thi hội, hẹn đến năm 1438 thì mở khoa thi hương, năm 1439 thì mở khoa thi hội, rồi cứ 3 năm lại mở một khoa. Nhưng thực ra thì khoa thi hội đầu tiên ở triều Lê mãi đến năm 1442 mới mở, mà lệ 3 năm một khoa, đến năm 1463 (đời Lê Thánh Tông) mới thực hành được ".

Trong đời Gia Long, chưa mở thi hội. Mãi đến năm 1822, vua Minh Mệnh mới mở khoa thi hội đầu tiên.

Khoa thi hương đầu tiên mở về triều Nguyễn là khoa năm 1807, Gia Long thứ 6. Trước còn định 6 năm một khoa, rồi đến năm 1825, Minh Mệnh thứ 6, lại định 3 năm một khoa, cứ các năm tí, ngọ, mão, dậu thì thi hương, các năm thìn, tuất, sửu, mùi thì thi hội.
(Việt Nam văn học sử yếu, sđd, tr. 83-87).

Chúng ta biết rằng Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc năm 1442. Trước đó, ông được nghe Hồ Hán Thương " định ", Lê Thái Tông " hẹn " sẽ tổ chức thi 3 năm một lần.

Lúc Nguyễn Trãi còn sống, nước ta chỉ tổ chức các khoa thi không có định kì. 21 năm sau năm Nguyễn Trãi bị giết, Lê Thánh Tông mới tổ chức thi 3 năm một lần.

Vài tháng trước khi chết, Nguyễn Trãi được thấy khoa thi hội đầu tiên của nhà Lê. Suốt đời mình, Nguyễn Trãi chưa được thấy khoa thi " ba năm " nào.

Câu thơ " Ba năm chợt đỗ khôi khoa " không phải là của Nguyễn Trãi.

" Sân rồng ruổi ngựa, đường hoa giong cờ " là vinh dự dành cho các ông tân khoa tiến sĩ. Các ông được cưỡi ngựa dạo chơi trong khuôn viên hoàng cung và thăm phố xá có trang hoàng cờ quạt.
Vua Minh Mạng đặt ra lệ ban thưởng áo mũ cho các ông tân khoa tiến sĩ trước khi làm lễ xướng danh (truyền lô), treo bảng vàng.

Treo bảng xong, các ông được mời ăn yến tại dinh Lễ bộ và nhận lãnh một cành kim trâm.
" Quan Lễ bộ lại dẫn các quan giám thị và các ông tân khoa vào vườn Ngự Uyển xem hoa, mỗi người đều mặc đồ triều phục, cưỡi ngựa che lọng, xem hoa xong thì ra từ cửa thành đông mà đi xem các phố xá ".
(Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 269).

Tục " cưỡi ngựa xem hoa " được Minh Mạng đặt ra năm 1838 ( Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chính biên toát yếu, Thuận Hoá, 1998, tr. 293).

Phải sống vào thời Minh Mạng hoặc trễ hơn, nghĩa là sống sau Nguyễn Trãi khoảng 400 năm, mới có thể đối cảnh sinh tình, làm được câu thơ " Sân rồng ruổi ngựa, đường hoa giong cờ ".

III - Bài Khuyên học trò phải chăm học (tr. 103) có câu :

Bài kinh nghĩa cùng bài văn sách
Tinh phú thơ mọi vẻ văn chương
Câu này nói đến mấy môn thi của ngày xưa, gồm có : kinh nghĩa, văn sách, phú và thơ.
Chương trình thi cử của nước ta được thay đổi, thêm bớt nhiều lần :
Năm 1304 vua Trần Anh Tông định lại phép thi, thì chương trình bốn kì như sau : kì đệ nhất : ám tả ; đệ nhị : kinh nghĩa, thơ, phú ; đệ tam : chiếu, chế, biểu ; đệ tứ : văn sách.
Năm 1396 Trần Thuận Tông cho thi kinh nghĩa, thơ, phú, chiếu, chế, biểu, văn sách.
Năm 1404, Hồ Hán Thương thêm kì thi thư (viết) và toán (tính).
Năm 1434, Lê Thái Tông cho thi kinh nghĩa, chiếu, chế, biểu, thơ, phú, văn sách.
Năm 1832 Minh Mạng sửa lại phép thi. Các môn thi là kinh nghĩa, thơ, phú và văn sách.
Năm 1850 Tự Đức cho thi kinh nghĩa, văn sách, chiếu, biểu, luận, thơ, phú, đối sách. Năm 1858 đổi thành kinh nghĩa, chiếu, biểu, luận, văn sách, thơ. Năm 1876, bỏ chiếu, biểu, luận, và lấy lại phú.
Năm 1884 Kiến Phúc tổ chức lại thi hương. Trừ ba kì trước, lại đặt thêm một kì phúc hạch (xét lại) thi lược bị một bài kinh nghĩa, một bài phú, một bài văn sách.
(Việt Nam văn học sử yếu, sđd, tr. 88-91).

Chỉ có thời Minh Mạng và Tự Đức mới thi 4 môn kinh nghĩa, thơ, phú, và văn sách như Gia huấn ca khuyên học trò phải rèn luyện cho tinh thông.

IV - Bài Dạy vợ dạy con (tr. 47) có câu :

Miệng rằng chừa độc chừa dâm
Tay lần tràng hạt dao găm một bồ

cũng cần được chú ý.

Dao găm là dao gì ?
Tiếng Việt có danh từ " găm ", dùng để chỉ một vật nhọn bằng tre, gỗ hoặc kim loại, có một đầu nhọn, dùng để găm.
Động từ " găm " nghĩa là " làm cho bị mắc vào vật khác bằng một vật nhỏ hình dài và có một đầu nhọn ". Thí dụ : Găm tờ giấy lên vách. " Găm " còn có nghĩa là " bị mắc sâu vào vật khác sau khi đâm thủng vào ". Thí dụ : Bị một viên đạn găm vào ngực. (Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê).

Danh từ " găm " và " dằm " (cái dằm) của ta đến từ chữ hán Châm (nghĩa là cái kim), được dùng với nghĩa là vật nhọn đâm thủng với dụng ý làm cho mắc vào vật khác. Cái kim, cái dằm hay viên đạn sau khi đâm thủng một vật gì thì nằm lại tại chỗ.
Dao găm là một khí giới ngắn, có đầu nhọn dùng để đâm. Thông thường thì sau nhát đâm, dao được rút ra. Người ta không dùng dao găm với dụng ý làm cho người bị đâm vướng mắc vào vật gì khác.

Chức năng của dao găm không giống chức năng của cái kim găm hay cái dằm.

Hai chữ " găm " có nghĩa khác nhau.

Vậy thì chữ " găm " của dao găm nghĩa là gì ?

Bộ tranh dân gian Oger (1909) có tấm " Dao lưng ", vẽ con dao và cái bao, được chú thích là dao của lính (Giá đao nãi binh lánh chi dụng).

Tại sao lại gọi là " Dao lưng " ? " Dao lưng " có dính dáng gì tới " dao găm " ?

Tấm tranh cho thấy chiếc bao được gắn " con đỉa " (giống " con đỉa " của quần tây ngày nay) để luồn thắt lưng. " Dao lưng " là dao được đeo ở thắt lưng chứ không phải khoác sau lưng như kiếm của võ sĩ đạo Nhật .

Trước khi bị người Pháp bảo hộ, lính Việt Nam không dùng " dao lưng ". Quần áo của lính Tàu, lính ta ngày xưa không được trang bị " con đỉa " để đeo cái bao của con dao này.

" Dao lưng " là khí giới của lính Pháp, mặc quần tây.

Dao này được người Pháp gọi là " poignard " (arme blanche à lame courte et assez large, pointue du bout : khí giới có lưỡi ngắn và khá to bản, đầu nhọn).

Cái bao dao tiếng Pháp gọi là " gaine ".

Từ điển Robert đưa thí dụ : Tirer un poignard de sa gaine, le remettre dans sa gaine (rút dao khỏi bao, tra dao vào bao).
Người Pháp bắt đầu cuộc chiến tranh xâm chiếm Việt Nam dưới thời Tự Đức (1848-1883) và đặt nền bảo hộ tại nước ta bắt đầu từ năm 1884.

Song song với việc tổ chức lại guồng máy hành chính, thực dân Pháp tổ chức lại quân đội bản xứ, lập ra lính tập (tirailleur).
Từ ngày một vài ông cai (caporal), ông đội (sergent), của đám lính tập được làm quen với con dao có bao của Pháp thì chữ " gaine " đã được Việt hoá thành " găm ". (Ai đó đã thận trọng không gọi là " dao ghen ", e rằng sẽ bị hiểu lầm là dao dùng để đánh ghen chăng ?).

" Poignard " của lính Pháp trở thành " dao găm " của lính Việt.

Câu thơ " Tay lần tràng hạt dao găm một bồ " và thành ngữ " Na mô một bồ dao găm " hay " Miệng nam mô, bụng bồ dao găm " đã được ra đời dưới thời Pháp thuộc.

" Tay lần tràng hạt dao găm một bồ " không thể là thơ của Nguyễn Trãi được.

Mấy nhận xét, phân tích về thuốc lào, chế độ thi cử, đặc ân dành cho các ông đỗ tiến sĩ và con dao găm, đủ cho thấy nhiều câu thơ trong Gia huấn ca chắc chắn không phải là của Nguyễn Trãi.

Những câu thơ này ghi lại sinh hoạt xã hội được sách vở xác nhận, nhắc lại những sự kiện được lịch sử ghi chép. Đây là thơ của người đời sau, chứ không phải là thơ của Nguyễn Trãi bị sửa đổi hay sao chép nhầm.

Phải hiểu nhiều, biết rộng như " Nguyễn tướng công " mới viết được những câu thơ " cập nhật " như vậy.

Mấy phân tích trên còn cho phép kết luận là Gia huấn ca được sáng tác vào khoảng cuối đời Tự Đức, lúc thực dân Pháp đã có mặt tại Việt Nam (1884) và trước khi chế độ thi cử Hán học bị thay đổi (1909, thi thêm chữ quốc ngữ), rồi bị xoá bỏ (1915).

Gia huấn ca được ra đời trong khoảng từ năm 1884 đến 1909.

Bản in của nhà Quan Văn Đường đề năm Đinh Mùi niên hiệu Thành Thái (1907). Có nhiều khả năng đây là bản in lần đầu tiên, chưa bị sửa đổi.

Lịch sử Việt Nam lúc này (khoảng 1884-1907) đang trải qua " thời còn loạn, chưa có vị vua chính đáng cầm quyền ". Đúng như Hoàng Xuân Hãn nói. Nhưng loạn lạc lần này là do thực dân Pháp gây ra chứ không phải do quân Minh thời Nguyễn Trãi, như Hoàng Xuân Hãn nghĩ.

" Lê triều Nguyễn tướng công " không phải là Nguyễn Trãi.

Chúng ta có thể khẳng định là Nguyễn Trãi không phải là tác giả Gia huấn ca.

Trở lại nhân vật " Lê triều Nguyễn tướng công ". Ông là ai ?

Chúng ta không biết lí lịch của ông. Chúng ta chỉ biết được tính tình của ông qua nội dung Gia huấn ca.

Trước hết, ông là một người chịu ảnh hưởng thơ Nguyễn Trãi, thơ Kiều, biết nhiều thành ngữ. Ông thích hút thuốc lào, đánh bạc, ăn ngon như số đông những người bình thường.

Giấc mơ của ông là con cháu có đứa được " cưỡi ngựa xem hoa ". May ra thì " một người làm quan, cả họ được nhờ ".

Ông tỏ ra ham thích công danh, phú quý :

Lộc trời tước nước hiển vinh
Báo đền đức nghĩa dưỡng sinh bấy chầy...
Ông muốn hưởng lạc :
Bao nhiêu là gái thuyền quyên
Lưng ong má phấn cũng chen chân vào...
Đủ mùi những thức cao lương
Sơn hào hải vật bữa thường đổi trao...
Nhà ngang dãy dọc trùng trùng
Hầu non con Nụ tiểu đồng thằng Tranh...

khác hẳn lời Nguyễn Trãi dạy con (Huấn nam tử) :

Nhắn bảo phô bay đạo cái con
Nghe lượm lấy lọ chi đòn
Xa hoa lơ lắng nhiều hay hết
Hà tiện đâu đương ít hãy còn
Áo mặc miễn là cho cật ấm
Cơm ăn chẳng lọ kén mùi ngon
Xưa đã có câu truyền bảo
Làm biếng hay ăn lở non.

khác hẳn lời Nguyễn Trãi Tự thán :

Thiếu niên trường ốc tiếng hư bay
Phải luỵ vì danh đã hổ thay...
Ít muốn đến chơi thành thị nữa
Âu là non nước nó đàn chê...
Áo đành một tấm cơm hai bữa
Phận ấy chưng ta đã có thừa...

" Lê triều Nguyễn tướng công " muốn khoe chức tước, nhưng ông (hay nhà Quan Văn Đường ?) đã phạm một sơ hở khi chọn bút danh này.

Ai cũng biết rằng Lê Chiêu Thống, vị vua cuối cùng của nhà Lê, chạy sang Trung quốc năm 1789. Cứ tạm cho rằng " Nguyễn tướng công " trung thành phò " Lê triều " đến ngày cuối cùng thì ông cũng phải chờ thêm 49 năm nữa mới được thấy vua Minh Mạng ban đặc ân " Sân rồng ruổi ngựa, đường hoa giong cờ " để cho ông mơ ước. Và ông phải chờ trên dưới 100 năm mới được thấy con " dao găm " của thực dân Pháp để ông khuyên dạy người đời.

Giả sử " Nguyễn tướng công " là một vị tướng rất trẻ, lúc nhà Lê bị diệt ông mới 20 tuổi. Khoảng 100 năm sau, ông sáng tác Gia huấn ca. Nghĩa là Gia huấn cađược ông soạn năm ông khoảng 120 tuổi ! Nước ta chưa có vị tướng nào thọ như vậy !
Dưới thời Pháp bảo hộ, nước ta chỉ có mấy ông " Nguyễn triều Lê tướng công " hay " Nguyễn triều Nguyễn tướng công " thôi !

Cái tên " Lê triều Nguyễn tướng công " không thích hợp, không ăn khớp với nội dung của Gia huấn ca.

Nhưng phải công nhận rằng " Nguyễn tướng công " đã thành công với ý đồ làm cho nhiều người lầm tưởng ông là Nguyễn Trãi, lầm tưởng rằng Nguyễn Du phải chép lại thơ nôm của ông.

" Nguyễn tướng công " còn tiếp tay cho một số học giả trong việc đem gán một vài thành ngữ mới có sau này cho thời Nguyễn Trãi, xa lắc xa lơ.

Tuổi thơ thuộc lòng bài " Thương người như thể thương thân "  của " Nguyễn Trãi gia huấn ".

Mấy chục năm sau mới có điều kiện đọc cả tập Gia huấn ca, mới biết rằng "Thương người" của Gia huấn ca là :

Thương người tất tả ngược xuôi
Thương người lỡ bước thương người vất vơ
Thương người nắm dắt trẻ thơ
Thương người tuổi tác già nua bần hàn
Thương người quan quả cô đơn
Thương người đói rét nằm than kêu đường
Thấy ai đói rét thì thương
Rét thì cho mặc, đói thường cho ăn
Thương người như thể thương thân
Người ta phải bước khó khăn đến nhà
Đồng tiền bát gạo đem ra
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên (...)

Chả dính dáng gì với bài học của Quốc văn giáo khoa thư. Ai đó đã lấy một câu thơ của Gia huấn ca của " Nguyễn tướng công " để đặt tên cho một bài ca khác.

Tuổi thơ dễ dạy, dễ nghe lời.

Dạy gì nghe nấy. Dạy đúng nghe đúng, dạy sai nghe sai. Đúng hay sai lớn lên mới biết.

Nguyễn Dư
(Lyon, 3/ 2005)


[ Trở Về ]