Chim Việt Cành Nam             [ Trở Về  ]           [Trang chủ ]              [ Tác giả ]
 

 Con gà cục tác lá chanh
Nguyễn Dư
 
Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Bà ơi đi chợ mua tôi đồng riềng
Trong ba con được kể tên thì lợn đáng được đứng đầu bảng ghi công của nền văn hoá ẩm thực Việt Nam.

Mâm cỗ của triều đình, của hội hè đình đám hay của chốn bùn lầy nước đọng đều được lợn xả thân mưu cầu hạnh phúc cho mọi người.

Sang hay hèn, con trời hay con bố cu mẹ đĩ, ai cũng thích lợn.

Lợn thật là... Ủn ỉn mười phân vẹn mười. Vừa có tiếng vừa có miếng. Ăn hết, chén hết, nhắm hết, nhậu hết. Được con lợn béo, còn nguyên vẹn cả hai tai, thì lòng này sướng biết bao.

Chó được tiếng là trung thành với chủ. Săn lùng rất giỏi. Nhưng chó chỉ chơi với đám người cực đoan. Yêu, ghét đều quyết liệt, không khoan nhượng.

Nhiều tay nhậu xuất sắc, chọc nồi khuấy chảo, ngồi vào bàn là không còn biết trên lầu có ai, trời đất là gì. Chuột, rắn, ba ba, cào cào... Cái gì đưa ra cũng làm sạch, thế mà cũng còn e ngại chưa dám... làm chó.

Ngược lại, " thực dân " nào thích...làm chó thì làm đến cùng. Tấc lòng của chó được trao cho người sành điệu quạt nồng ướp hương thì chẳng khác gì Bá Nha gặp Tử Kì !

Còn gà ?

Gà cũng được người đời đánh sạch sành sanh. Không những thế, gà còn hơn lợn về mặt tinh thần.

Gà, chính xác hơn là gà trống, tiêu biểu cho năm đức tính :

Văn (cái mào gà giống mũ của quan văn)

Vũ (cựa gà như khí giới)

Dũng (thấy địch thủ là xông vào chọi)

Nhân (thấy thức ăn thì gọi đồng loại)

Tín (gáy đúng giờ)

Ừ nhỉ, vua quan của triều đình, quân tử, sĩ phu của cửa Khổng sân Trình, hay đám chức sắc của làng xóm mà được như gà thì dân đen cũng đỡ khổ từ lâu lắm rồi.

Không ! Không ! Không ! Trách móc như vậy là không đúng, không công bằng !

Nước ta không thiếu gì người có đủ mọi đức tính như gà.

Chỉ đáng tiếc là gà giống, gà nòi của ta chưa được hoàn toàn tốt, còn ít nhiều khuyết tật. Lỡ mà rủ nhau học tập, bắt chước mấy con gà ác, gà què, gà phải gió... gà gật cả ngày kia thì có nước phải đổ thóc giống ra mà ăn. Chả được tích sự gì.

Lỗi tại gà nòi còn xấu chứ không phải tại các quan chức, sĩ phu bắt chước không giỏi.

Dầu sao thì khi gán cho gà năm đức tính Văn, Vũ, Dũng, Nhân, Tín, người xưa cũng cúc cù cu... cu, nôm na là...gáy hơi nhiều.

Năm cái bằng ban khen của phong kiến tặng cho gà trống cũng có cái không xứng đáng.

Trời bẩm sinh cho gà trống cái văn, cái vũ. Cha truyền con nối. Đó là chuyện bất công của trời, chẳng cần bàn cãi.

Nhưng người đời nổi hứng ban cho gà trống cái dũng thì có đúng không ? Đã chắc gì ai dũng hơn ai ?

Gà trống giỏi đấu đá tay chân, không cần suy nghĩ. Nhưng gà trống có dám đương đầu với làng trên xóm dưới, đốp chát miệng lưỡi với phường chó lợn lúc nào cũng hăm he bắt nạt đám gà con, như gà mái không ?

Cái nhân thì dứt khoát là gà mái ăn đứt gà trống. Ai bới đất, bắt giun, chia mồi nuôi con trong lúc bố bầy trẻ hăng say đi đấu đá, chọi nhau ?

Gà mái không biết gáy. Ông trời thiên vị thì phải chịu vậy. Nhưng đừng vội cho rằng gà mái không biết giữ chữ tín. Ai ngày ngày cứ đúng giờ là gọi con vào chuồng ? Bố bầy trẻ ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng, lo đánh thức nông dân, sĩ tử. Mẹ chúng nó chỉ biết chăm sóc con cái trong nhà.

Tề gia rồi mới trị quốc chứ ! Phải khen cả chữ tín của gà mái mới công bằng.

Nhưng trò đời là vậy. Một khi các bậc thầy đã gáy, ấy chết, đã phán, đã đề cao gà trống thì bàn dân thiên hạ chỉ biết rủ nhau phụ hoạ theo.

Bọn thầy cúng, thầy đồ lỡ vận, lại được dịp bám vào cái khuôn vàng thước ngọc kia mà kiếm ăn.

Gà được chiêm ngưỡng từ đầu đến chân.

Thầy bói quan sát mào gà, máu đọng chỗ nào, hình thể ra sao, suy đoán vận hạn may rủi cho thân chủ.

Có thầy bói bằng chân gà. Mỗi đốt chân tương ứng với một can chi, năm tháng tuổi tác. Dựa vào hình dáng các ngón chân co ruỗi màbói.

Gà trống nào có cái dũng nổi cộm thì được bồi dưỡng, tẩm bổ, sửa cựa để chơi chọi gà. Trước là mua vui, sau trở thành cờ bạc.

Ngày xửa ngày xưa, hai huyện An Dương, An Lão (tỉnh Hải Dương) nuôi gà chọi nổi tiếng (Nguyễn Trãi, Dư địa chí). Ít lâu sau, nhiều nơi khác cũng nuôi. Thú chơi chọi gà trở thành phổ biến, có mặt khắp nơi. Năm 1665, vua Lê Huyền Tông ra lệnh cấm đánh cờ, đánh bạc, chơi chọi gà, và các việc đồng cốt tăng ni (Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư).

Một số các mĩ viện sửa móng tay móng chân ngày nay còn tiếp tục truyền thống thờ tổ sư của nghề là thành hoàng tỉnh Hải Dương.

Máu mào gà được mấy ông pháp sư, phù thuỷ dùng để vẽ bùa, viết chữ xua đuổi ma quỷ.

Dân gian cũng thích dùng máu mào gà, nhưng vì một lí do thầm kín khác.

Máu mào gà có công gỡ rối cho nhiều chị em, kể cả một vài em con nhà lành :

Nước vỏ lựu, máu mào gà
Mượn màu chiêu tập lại là còn nguyên (Kiều)
Thời cô Kiều ngành du lịch nước ta chưa được mở mang, chưa có phương tiện sang Nhật để nhờ chuyên gia may vá, tân trang. Gặp hoàn cảnh éo le, cần kíp, chị em vớ lấy cái mũ của quan văn, trích lấy tí máu, sơn quét qua loa cái hang cắc cớ trước giờ mở cửa đón du khách. Khách tham quan, nhàn du sung sướng ngắm lớp màu tươi đẹp, tưởng như được đi giữa khải hoàn môn.

Tàu có chuyện nuôi gà chọi :

Tề Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi một con gà chọi.
Sau mười hôm vua hỏi :
- Gà đã chọi được chưa ?
Kỷ Sảnh thưa :
- Chưa được vì gà đang hăng lắm, chưa trông thấy gà khác mà đã muốn chọi rồi.
Cách mười hôm sau vua lại hỏi :
- Gà đã chọi được chưa ?
Kỷ Sảnh thưa :
- Chưa chọi được vì gà hãy còn hăng lắm, mới thấy bóng gà khác mà đã muốn chọi rồi.
Mười hôm sau vua cảm thấy sốt ruột lại hỏi nữa :
- Gà đã chọi được chưa ?
Kỷ Sảnh thưa :
- Chưa được, gà còn hơi hăng, vừa nhìn rõ mặt gà khác đã muốn chọi rồi.
Mười hôm sau vua lại hỏi :
- Gà đã chọi được chưa ?
Kỷ Sảnh thưa :
- Được rồi. Bây giờ nghe thấy tiếng gà khác nó cũng không cho vào đâu. Trông thì tựa như gà gỗ mà thực ra thì có đủ các ngón hay. Gà khác vừa thấy đã muốn lui.
(Ngô Tỵ, Mưu lược chính trị Đông phương, Sống Mới, 1972, tr. 346)
Gà Tàu mưu lược cao siêu, sửa soạn trước khi đấu đá. Thâm hiểm lắm.

Còn gà ta ?

Gà ta chất phác...

Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Cúc cù cu...cu ! Thỉnh thoảng cũng có gà con không được dạy dỗ chu đáo, nhầm lẫn khôn ngoan với khôn vặt, lanh lợi với lưu manh. Đối đá tứ tung. Trẻ không tha, già không thương.

Ta cũng có chuyện nuôi Gà.

Một đêm không trăng sao, trời tối như bưng.
Bỗng mé chuồng trâu nhà kia có tiếng lục đục. Tiếp theo là tiếng gà gáy vang. Trong nhà đèn thắp sáng. Mé chuồng trâu có bóng người ù té chạy.
Sáng ra, chủ nhà kể với hàng xóm ban đêm có trộm định bắt trâu. Phúc đức làm sao được Gà báo động kịp thời.
Chú Gà trống bèn được chủ ban khen, bồi dưỡng, tha không làm thịt.
Gà bắt đầu vênh mặt, khinh khỉnh nhìn đám lợn, vịt xung quanh.
Trong cái sân nhà này ta là nhất !
Hăng say với thành tích, Gà vô ý qua mặt vợ mà không bấm còi xin phép ! Sai lầm không thể tha thứ được !
Chị Gà mái liền lôi cổ chồng vào chuồng, cục tác cho một trận trước mặt bầy con :
- Này, này, nếu quên rồi thì con này nhắc lại cho đồ chết toi kia nhớ lại nhé. Cái đêm hôm ấy leo cho đã, nhảy cho sướng, rồi lăn ra ngủ như chết.
Chính con này nghe thấy tiếng động mé chuồng trâu, lay đồ chết toi kia dậy.
Mắt nhắm mắt mở, ngỡ là chủ dắt trâu ra đồng.
- Phen này chết mất thôi mẹ con nó ơi !
Quên gáy thì chủ nó thiến. Hầu hạ không xong thì nó vặt lông.
Thôi thì muộn còn hơn không. Cứ liều gáy bừa may ra chủ nó tha tội.
Hàng xóm mất ngủ, léo nhéo chửi bới điếc cả tai.
Nhưng trò đời có lắm cái hay. Thằng hầu quáng gà lại gặp ông chủ gà mờ. Làm bậy, gáy bậy được khen bậy, thưởng bậy. Nồi nào úp vung nấy. Thật xứng đôi vừa lứa.
Thế mà cứ vênh mặt lên, tưởng mình là nhất.
Vênh váo với ai ngoài sân thì con này mặc xác. Nhưng nhập chuồng thì phải tuỳ tục ! Vênh với con này, vênh với con con này, thì con này bẻ lại cho thẳng, cho biết tay !
Từ ngày được vợ uốn nắn, Gà lừ đừ như bị cúm.
Đôi lúc nhớ lại cái thời oanh liệt, Gà lủi thủi ra góc sân, vênh mặt ngạo nghễ nhìn trời.
Ngày xưa, đằng sau luỹ tre xanh âm u, cái nhân (chia miếng ăn) của gà được tôn trọng triệt để.
Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh.
Mỗi lần có hội hè đình đám, mối lo hàng đầu của ban tổ chức là phải sắp xếp các chiếu ăn, chia phần ăn làm sao cho đúng với ngôi thứ, vai vế của hàng chức sắc.

Cái phao câu, nôm na là cái đít gà, đã từng là đối tượng của nhiều cuộc tranh chấp, sát phạt nhau. Cái danh vọng tột đỉnh của đám chức sắc là được ngồi ch�...m chệ giữa làng, vừa liếm vừa mút cái đít kia.

Thứ nhất phao câu, thứ nhì đầu cánh nghĩa là gì ?
Có người hiểu rằng ngon nhất là cái phao câu, ngon thứ nhì là cái đầu cánh. Người khác lại hiểu là phao câu chỉ có một miếng, đầu cánh thì có hai. Do đó phao câu được dành cho người cao nhất trong làng và hai cái đầu cánh là của người thứ nhì.

Không hẳn là như vậy.

Những ai đã đọc bài Nghệ thuật băm thịt gà của Ngô Tất Tố (Ngô Tất Tố, tập hai, Văn Học, 1977, tr.230-235) chắc vẫn còn nhớ :

Chiếc phao câu được thằng Mới chặt làm bốn, bày vào một đĩa dành cho đám đàn anh. Cái đầu được chia thành năm, bày vào một đĩa dành cho các cụ. Hai chiếc cánh gà, đôi chân gà được chặt và bày vào một đĩa khác nữa.

Thứ nhất phao câu nghĩa là chiếc phao câu được dành cho chiếu thứ nhất. Làng nào có tiên chỉ thì ông tiên chỉ, một mình một cỗ, được hưởng cả cái phao câu. Không có tiên chỉ thì những người được ngồi chiếu nhất cùng hưởng. Làng thằng Mới có bốn người ngồi chiếu nhất nên chiếc phao câu được chia làm bốn phần.

Thứ nhì đầu cánh nghĩa làchiếu thứ nhì chia nhau cái đầu gà. Làng nào có nhiều người ngồi chiếu nhì thì hết đầu gà có thể dùng thêm cánh gàbù vào.

Đầu cánh là cái đầu và cái cánh chứ không phải là cái đầu (ngọn) của cái cánh. Để tránh hiểu lầm, nên thêm dấu phẩy giữa chữ đầu và chữ cánh.

Tục ta kiêng cho trẻ con gặm chân gà.

Sợ chúng bị run tay, viết chữ như... gà bới.

Thấy chưa ? Những tay chống giữ sơn hà, những tay văn hay chữ tốt, hồi nhỏ có ai biết chân gà, chân qué là gì đâu. Chả thấy cụ nào, ông nào run tay. Mấy chai Ba xi đế, Quốc Lủi đổ nhào kia là vì... là vì... Lưu Linh nhập, chứ tay này đâu có... đâu có... run.

Cụ Khổng nổi tiếng là trọng nam khinh nữ.

Cháu chắt cụ cũng không thua gì cụ.

Cúng tế ngày Tết bao giờ cũng chỉ dùng gà trống, loại gà mái. Lại còn kháo nhau gà trống thiến mới sang. Sang ở chỗ vừa to vừa chưa nếm bụi trần  chăng ?

Gà mái có miếng nhưng không có tiếng. Cũng may, người xưa lo ngại " gà mái gáy gở " là điềm... thiên hạ sắp loạn.

Miếng ngon thì phải trông cậy vào gà mái. Thơm tho, ngon lành, hấp dẫn...

Hứng gì mà tô hồng dữ thế ?

Con gà cục tác lá chanh.
Cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà nhảy ổ.
Cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ.
Toàn là của ngon. Thèm nhỏ dãi !

Thế mà gà mái vẫn không được leo lên nằm trên bàn thờ.

Giỡn hoài ! Được người đời tôn thờ đâu có dễ như vậy.

Gà trống được nhà nho ca tụng nhưng đối với dân gian thì gà trống chỉ có tiếng (hờ) chứ không có miếng (ngon). Thua gà mái.

Nhưng về một lĩnh vực khác thì không cần phải tranh cãi, gà trống đương nhiên giữ chức vô địch quán quân.

Gà trống tiêu biểu cho mốt Kê gian.

Cái mốt " Con trai với con trai hoặc với con gái gian dâm nhau nơi lỗ đít như gà, thói ấy rất lưu hành ở các nước văn minh (sodomie) " (Đào Duy Anh, Hán Việt từ điển).

Thôi, thôi, bắt đầu xen vào đời tư...

Ngừng đi là vừa !

Nguyễn Dư
(Lyon, 10/2004)

[ Trở Về  ]