Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [Trang chủ ] [ Tác giả ]
Nhiều con giòn mẹ
Nguyễn Dư
Xưa kia, nhiều người Việt Nam mong muốn có con cháu đầy đàn. Tết đến, từ thôn quê đến thành thị...
Nó lại chúc nhau sự lắm con
Sinh năm, đẻ bảy được vuông tròn... (Tú Xương) ,Chúc anh chị Đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái !
Đó đây, bầu đoàn thê tử, tay bồng, tay bế...Ra đường thiếp hãy còn son,
Về nhà thiếp đã năm con cùng chàng (Ca dao)Đẻ con là chức năng thiên bẩm của mọi sinh vật.
Nghèo đói, nheo nhóc như Nhà mẹ Lê (Thạch Lam) nhưng vẫn chịu đựng, tiếp tục đẻ. Đẻ nhiều được hàng xóm trầm trồ, xã hội vỗ tay khen... Nhiều con giòn mẹ.
Nói như vậy là hơi bạo mồm đấy nhé ! Có ý kiến cho rằng Nhiều con giòn mẹlà một lời chê đây này !
Câu tục ngữ chỉ có 4 chữ thôi mà đã hiểu khác nhau rồi à ?
Chung quy chỉ tại chữ giòn!
Vậy giòn nghĩa là gì ?
Từ điển tiếng Việt của Văn Tân (1977) định nghĩa giòn là xinh đẹp và có duyên.
Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1988) đưa ra 3 nghĩa của chữgiòn :
1 ) Dễ gẫy, dễ vỡ vụn ra, khi gẫy vỡ thường phát ra thành tiếng.
2 ) (Âm thanh) vang và gọn, nghe vui tai.
3) Có vẻ đẹp khoẻ mạnh (thường nói về phụ nữ). Thí dụ : Một người vừa xinh vừa giòn. (Nước da) đen giòn.Cả 5 nghĩa của chữ giòn (xinh đẹp, có duyên, đẹp khoẻ mạnh, dễ vỡ, âm thanh vui tai) đều không giải thích thoả đáng được ý nghĩa của câu tục ngữ Nhiều con giòn mẹ. Nhiều con thì khó mà xinh đẹp, khoẻ mạnh. Nếu có thì chỉ là trường hợp cá biệt, không phổ biến để có thể trở thành tục ngữ được.
Hiển nhiên là định nghĩa của hai cuốn Từ điển tiếng Việt còn thiếu.
Huỳnh Tịnh Của (1895) định nghĩa giòn là bộ ráo rể, xốp thịt, không dai, không cứng.
Génibrel (1898) dịch chữ giòn là fragile, cassant, croquant (dễ gẫy, dễ vỡ), agile, prompt (nhanh nhẹn, linh động). Người giòn là Bel homme ; beau garçon (đẹp trai).
Ngày xưa, tính từ giòn dùng cho đồ vật thì nghĩa là dễ gẫy, dễ vỡ. Khi được dùng cho người thì để chỉ đàn ông đẹp trai. Giòn còn có nghĩa là ráo rể, nhanh nhẹn, linh động.
Nhiều con giòn mẹ. Đàn bà càng có nhiều con thì càng nhanh nhẹn chăng ? Thực tế cũng ít khi được như vậy.
Chữ giòncó khá nhiều nghĩa nhưng vẫn chưa thích hợp với câu tục ngữ. Đành phải chấp nhận rằngchữ giòn còn có thêm nghĩa khác nữa.
Nguyễn Lân (Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hoá,1989) định nghĩa giòn là xinh đẹp và giải thích câu Nhiều con, giòn mẹ là lời nói đùa một người phụ nữ có nhiều con (Thực ra phụ nữ có nhiều con thì vất vả và sồ sề).
Tục ngữ cũng biết nói đùa à?
Một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn hoặc chỉ bảo điều gì (Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, 1941).
Tục ngữ là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán (Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, Khoa Học Xã Hội, 1978).
Chưa thấy học giả nào nêu lên vấn đề nói đùa của tục ngữ.
Những câu như Phép vua thua lệ làng, Tuần hà là cha kẻ cướp, Một người làm quan cả họ được nhờ, phải chăng cũng chỉ là lời bông đùa của dân quê để chế giễu vua quan phong kiến ?
Làm thế nào để phân biệt tục ngữ nói thật với tục ngữ nói đùa ?
Đùa từ đời này sang đời kia e rằng sẽ bị các cụ mắng là đùa dai, đùa không đúng chỗ, đùa vô duyên !
Tục ngữ nêu lên một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán thì không thể nói đùa được.
Nhiều con giòn mẹ được Phan Thị Đào (Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam, Thuận Hoá, 1999) tìm hiểu sâu xa hơn :
Có ý kiến cho rằng giòn trong câu tục ngữ này nên hiểu là đẹp thì mới phù hợp với những lời cầu mong chúc tụng con đàn cháu đống của dân gian. Cách hiểu này đã tách từ giòn ra khỏi văn bản.
Theo ý riêng của chúng tôi, khi xác định nghĩa của từ này nên xét nó trong quan hệ với các từ ngữ khác trong ngữ cảnh (ngữ cảnh hẹp và ngữ cảnh rộng) mà nó xuất hiện. Cụ thể, trước hết ta xét nó trong quan hệ với từ nhiều.
Nhiều là bao nhiêu ?
Ngày xưa chưa có khái niệm sinh đẻ có kế hoạch nên nhiều ở đây chí ít cũng phải dăm bảy đứa, do đó, nếu hiểu giòn với nghĩa chỉ cái vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ như giòn trong câu ca dao sau, e sẽ trái với cả thực tế cuộc sống lẫn thực tế văn học :
Người xinh cái bóng cũng xinh,
Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn.Trong tục ngữ, ca dao cũng có nhiều câu rất hay, ca ngợi cái vẻ đẹp " sáng giá " của những người con gái đã có con.
Gái một con, trông mòn con mắt.
Gái hai con, con mắt liếc ngang...Nhưng khi ca ngợi vẻ đẹp của những cô con gái đó, tác giả dân gian không có ý động viên, khuyến khích chị em phụ nữ sinh đẻ thật nhiều con. Bởi vì cái đẹp, cái giòn của những người con gái được khen ở đây cũng chỉ trong giới hạn một, hai con thôi. Cái giá của người con gái không tỷ lệ thuận với sự " tăng trưởng " về số lượng con cái. Nghĩa là, nếu việc sinh đẻ của người phụ nữ vượt quá giới hạn trên (tức có hơn hai con) thì nhiều khi cái đẹp, cái giòn ấy sẽ chuyển hoá dần thành cái... bê tha (...).
Vậy phải chăng câu Nhiều con giòn mẹ thể hiện một phán đoán sai ? Nếu là một khái quát sai tại sao trên mảnh đất văn học dân gian Việt Nam nó có một sức sống trường tồn ?
Chúng tôi chưa có đủ căn cứ để trả lời câu hỏi trên một cách dứt khoát, song qua lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân Bình-Trị-Thiên được biết, một số nơi hiện nay từ giòn vẫn được dùng với nghĩa phủ định, tương tự như thôi, miễn, khỏi phải... Ví dụ :
- Nó ăn thì giòn tôi (nghĩa là : Nó ăn thì thôi tôi).
Hoặc :
- Có phải nạp lệ phí không ?
- Giòn nạp (nghĩa là : Khỏi phải nạp).
Như thế, Nhiều con giòn mẹ có nghĩa là được con (về số lượng) thì mất mẹ, hao mòn mẹ (về thể chất).
Theo cách hiểu này, cùng với câu Lắm con nhiều nợ (lắm vợ nhiều cái oan gia) câu Nhiều con giòn mẹ phản ánh quan niệm tiến bộ của nhân dân ta về việc sinh con đẻ cái, đối lập với quan niệm Rậm người hơn rậm của.
Trở lên chứng tỏ, đối với dân gian, vấn đề quan trọng không chỉ ở chỗ nói cái gì mà còn ở chỗ nói như thế nào. Nghiên cứu thi pháp tục ngữ không thể không làm nổi bật tính chất độc đáo của những cách nói đó (tr. 128-131).
Tóm lại, cách nói của câu Nhiều con giòn mẹ có " tính chất độc đáo " là nói vòng vo, dùng " nghĩa phủ định " và phản ánh quan niệm tiến bộ " sinh đẻ có kế hoạch " (một chính sách mới có ở nước ta từ khoảng ba mươi năm nay).
Theo Phan Thị Đào thì Nhiều con giòn mẹ có nghĩa là Được nhiều con thì hao mòn mẹ.
Nếu đúng là như vậy thì tại sao dân gian không nói toạc móng heo là Nhiều con mòn mẹ ? Chữ mòn vừa giản dị, vừa dễ hiểu, mà vẫn đúng thi pháp. Không ai tự dưng vô cớ lại Đường quang chẳng đi, đâm quàng bụi rậm. Vừa mất thì giờ, vừa bị hiểu lầm.
Mục đích của tục ngữ chẳng lẽ lại là nói đùa hay ra câu đố cho người nghe?
Chữ giòn của vùng Bình-Trị-Thiên và chữ giòn của câu tục ngữ đồng âm nhưng chưa chắc đã đồng nghĩa.
Tra tìm trong kho tàng phương ngôn, tục ngữ, ca dao, dân ca, chúng ta bắt gặp chữ giòn trong nhiều văn cảnh, tình huống khác nhau.
Bây giờ nhạt phấn phai son
Gương soi kém tỏ người giòn kém tươiGiòn, dùng để chỉ nhan sắc, nghĩa là xinh đẹp.
Ai cho em mặc nâu non
Để cho em đẹp em giòn em xinh
Ai cho em đứng một mình
Dang tay dứt mối tơ tình làm đôiChữ giòn ở đây được dùng cho một người con gái vừa đẹp vừa xinh. Như vậy thì giòn phải có nghĩa khác với xinh đẹp.
Gái làng dù có mấy con
Dù đẹp dù giòn vẫn muốn lấy ba anh (Ca dao vùng Hà Nam Ninh).(Bùi Văn Cường, Phương ngôn, tục ngữ, ca dao, Khoa Học Xã Hội, 1987, tr. 69).
Chữ giòn trong câu này được dùng cho gái làng đã có mấy con. Chữ mấy chỉ số nhiều, thường là nhiều hơn hai. Người đàn bà nhiều con nhưng vẫn còn lẳng lơ. Chữ giòn ở đây cũng không phải là xinh đẹp.
Ở nhà nhất mẹ nhì con
Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta (Ca dao).Câu ca dao so sánh hai mẹ con. Mẹ hơn con. Khó có thể nghĩ rằng bà mẹ ngày xưa muốn khoe mình đẹp hơn con gái. Bà hơn con về đường " công dung ngôn hạnh " thì hợp lí hơn. Chữ giòn vẫn không phải là đẹp. Giòn có thể là giỏi, đảm đang.
Bài dân ca cải biên Trấn thủ lưu đồn có câu :
Mi đẹp, mi giòn
So (cái) bề nhan sắc mi (hãy) còn kém xa (...).Giòn vẫn không phải là đẹp.
Chữ giòn hay được ca dao dùng để khen đàn bà con gái. Có lẽ vì vậy mà Từ điển tiếng Việt chỉ đưa ra những thí dụ ám chỉ phụ nữ xinh đẹp.
Người tò mò có thể thắc mắc tự hỏi chữ giòn có dùng cho con trai, đàn ông không ? Và nếu có thì được dùng với nghĩa gì ?
Ngày xưa, Génibrel cho biết từ người giòn dùng để chỉ đàn ông con trai đẹp trai.
Ca dao thỉnh thoảng cũng nói đến con trai, đàn ông giòn.
Sáng ngày ra đứng cửa đông,
Xem một quẻ bói lộn chồng được chăng.
Ông thầy gieo quẻ nói rằng :
" Lộn thì lộn được, nhưng năng phải đòn ".
- Mồ cha đứa có sợ đòn,
Miễn rằng lấy được chồng giòn thì thôi.
(Nguyễn Văn Ngọc, Tục ngữ phong dao, tập 2, Mặc Lâm, 1967, tr.183).Chồng giòn có thể là anh chồng đẹp trai (Génibrel). Cũng có thể là một đức tính nào khác. Chữ giòn ở đây chưa rõ nghĩa, chưa dứt khoát.
May thay, bài Ba bốn chiếc nhà tranh nói rõ hơn :
(...) Tôi lấy người về mong chóng có con,
Gái đẹp giống mẹ, trai dòn (giòn) giống cha.
Gái thì canh cửi trong nhà,
Trai thì đi học đỗ ba khoa liền. (...)(Nguyễn Văn Phú, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Viêm, Tú Ngọc, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Văn Hoá, 1962, tr. 214).
Gái đẹp nết như mẹ, canh cửi thêu thùa, nội trợ đảm đang. Trai thì đèn sách, học hành thi đỗ như cha. Học giỏi. Chữ giòn của bài ca này chỉ có một nghĩa là giỏi.
Thử lấy chữ giỏi thay cho chữ giòn thì thấy nội dung của mấy bài ca dao kể trên vẫn đúng. Cô gái muốn lấy được anh chồng giỏi làm ăn. Thiết thực hơn là lấy anh chồng đẹp trai nhưng vô tích sự, ăn bám vợ. Ở nhà thì nhất mẹ nhì con, nhưng ra khỏi nhà thì không thiếu gì người còn giỏi hơn mẹ con mình...
Giòn còn có nghĩa là giỏi.
Theo Génibrel thì người giòn là người đẹp trai. Theo Hoàng Phê thì giỏi trai cũng là đẹp trai. Thêm một bằng chứng gián tiếp là giòn còn có nghĩa là giỏi.
Xét về mặt thi pháp, giòn và giỏi có âm vận khác nhau.
Nhiều con giòn mẹ đúng vần, đúng thanh điệu hơn Nhiều con giỏi mẹ. Chữ giòn " độc đáo " hơn chữ giỏi. Dân gian nắm rất vững " thi pháp của tục ngữ, ca dao " !
Tóm lại, chữ giòn có nhiều nghĩa :
Nàng là con gái nết na trong xóm
Nước da đen giòn, với nụ cười son (Phạm Duy, Vợ chồng quê)Giòn nghĩa là có vẻ đẹp khoẻ mạnh, xinh đẹp.
Tuyết in sắc ngựa câu giòn
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời (Kiều)Giòn nghĩa là xinh đẹp tươi tắn (Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều, Khoa Học Xã Hội, 1989).
Ngựa câu giòn cũng có thể là con ngựa câu (còn non) nhanh nhẹn. Giòn nghĩa là bộ ráo rể (Huỳnh Tịnh Của), nhanh nhẹn, linh động (Génibrel) .
Chữ giòn dùng cho âm thanh (cười giòn, pháo nổ giòn...) thì có nghĩa là vang và gọn, nghe vui tai.
Chữ giòn, dùng cho cả đàn ông và đàn bà, còn có nghĩa là giỏi.
Ngày xưa, bà mẹ nào nuôi được đàn con đông thì được khen là đảm đang, tháo vát. Nghĩa là người giỏi.
Nhiều con giòn mẹ là lời khen các bà mẹ giỏi này. Cũng có thể hiểu giòn nghĩa là ráo rể, nhanh nhẹn. Nhưng nhanh nhẹn phải hiểu theo nghĩa lành mạnh là lanh lợi, tháo vát, là giỏi, chứ không phải là lực sĩ chạy đua mánh mung, chạy như ăn cướp.
Xét xem ngôn ngữ nước ta tuy có khác nhau ít nhiều, nhưng đại yếu thì thật là đồng một thanh âm, đồng một văn tự, tiện cho bề thông đồng (...). (Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, 1915)
Tuy nhiên, thỉnh thoảng từ địa phương cũng gây ra ngộ nhận.
Xúi (giục) của người miền Nam không phải là xúi (quẩy) của người miền Bắc và xui (xẻo) trong Nam không đồng nghĩa với xui (giục) ngoài Bắc.
Xúi (Nam) nghĩa là xui (Bắc) và xui (Nam) nghĩa là xúi (Bắc)!
Cả ba miền nước ta đều có quả đào, nhưng đào miền này lại khác đào của miền kia.
Dùng tiếng địa phương của miền này để giải thích câu nói của miền khác có thể bị sai lầm. Dùng chữ giòn của vùng Bình-Trị-Thiên để giải thích câu tục ngữ Nhiều con giòn mẹ là một trường hợp điển hình.
Nguyễn Dư
(Lyon, 7/2004)
[ Trở Về ]