Thỉnh
thoảng chợt nhớ mấy thằng bạn...
Nhớ cái thời cắp sách đến trường, đạp xe lượn phố.
Cái thời nhởn nhơ, lêu lổng mà ai cũng cho là đẹp. Đẹp
" mười phân vẹn mười " nếu như...đừng có mấy trang Kiều,
Cung oán...phải học thuộc lòng, mấy bài thơ, bài
phú đầy điển tích bí hiểm. Và nhất là đừng có triết
này triết nọ.
Tôi khổ sở vì môn Việt văn. Khổ từ dưới tiểu học lên
đến trung học. Hết tập đặt câu, lại đến tập làm văn,
rồi luận văn, bình văn. Hết " tiên học lễ, hậu học văn
" lại đến " tri dị hành nan " hay " tri nan hành dị " ? Lần
nào thầy cũng nhắc đi nhắc lại như cái máy là phải có
ý, phải tìm cho ra một hai thí dụ, phải biết trình bày mạch
lạc. Phải...phải như vậy mới được.
Toàn những cái " phải " khó nhai.
Tôi được các thầy để ý, thay phiên nhau cảnh cáo, mắng
phạt. Lúc đầu còn ngượng, còn sợ. Sau thành quen. Trơ cả
mặt.
Có lần đầu bài được ra bằng...tiếng Việt :
Nói
có sách, mách có chứng!
Hí hửng tưởng phen này sẽ không bị...táo bón. Nhưng rốt
cuộc vẫn tắc tị như thường. Đã đến nước này thì phải...liều
!
Đến bữa cơm chiều, tôi thu hết can đảm mang bài ra hỏi
cả nhà. Ồ chuyện lạ ! Cả nhà ngạc nhiên thấy tôi để
ý đến chuyện học.
Mả nhà mình phen này đến kết mất thôi.
Ông đừng đùa, nó lại thôi không hỏi nữa bây giờ. Nói
có sách, mách có chứng nghĩa là...không được ăn
nói như mày.
Bà giảng như vậy làm sao nó hiểu được. Ăn nhanh lên, chốc
nữa tao giảng cho.
Tôi yên tâm nhưng không khỏi bực mình vì chốc nữa sẽ bị
chôn chân. Không khéo thì mất toi cả buổi tối. Tưởng là
bố mẹ giảng cho trong lúc ăn. Biết vậy đừng hỏi có hơn
không? Tôi thầm trách tôi sao mà dại thế.
Bố giảng :
Nói
có sách, mách có chứng nghĩa là ăn nói phải có
bằng cớ, bằng chứng.
Nếu mày cứ bô bô là " Nước ta giàu có, rừng vàng biển
bạc " mà không chứng minh gì cả thì như vậy chỉ là nói
suông, nói không có bằng cớ. Không phải là
Nói
có sách, mách có chứng.
Nếu mày nói rằng có sách này, sách kia viết rằng rừng nước
ta chiếm bao nhiêu diện tích, bao nhiêu cây số vuông, có bao
nhiêu thứ gỗ quý, nếu có đủ người đủ máy móc để
khai thác thì có thể đem lại bao nhiêu tiền bạc. Tác giả
nào cho biết vùng biển nước ta dài rộng bao nhiêu cây số,
có bao nhiêu cá, nếu có đủ người đủ tàu đánh bắt thì
sẽ đẻ ra được bao nhiêu tiền.
Đưa ra bằng chứng, rồi mới kết luận " Nước ta giàu có,
rừng vàng biển bạc ". Như vậy gọi là Nói
có sách, mách có chứng.
Nói chung, muốn kết tội hay gỡ tội cho ai thì cũng phải
đưa ra bằng chứng rõ ràng.
Nhưng moi đâu ra bằng chứng ?
Phải đọc sách.
Tôi có cảm giác như người lạc đường bỗng nhận ra cái
cây, cái quán quen quen. Dường như tôi bắt đầu lờ mờ hiểu.
Lần ấy tôi được điểm trên trung bình. Sướng ơi là sướng.
Mới có vậy thôi mà tôi đã vác mặt lên, khinh khỉnh nhìn
mấy đứa...không hiểu chúng nó ăn gì mà dốt thế !
Tự hào chưa được bao lâu, tôi lại bị đẩy lùi về cái
gốc dốt của mình.
Đầu bài bây giờ là Tận tín thư bất
như vô thư.
Khổ chưa! Lại chữ nghĩa thánh hiền !
Tôi chỉ hiểu chữ thư là...thư từ ! Tín thư là...thư tín.
Tàu và ta nói ngược nhau. À ! Lại chuyện thư từ trai gái
gì đây !
Bốp ! Bị thầy bợp tai, váng cả óc.
Cả lớp cười ầm như vỡ chợ.
Tôi không ngượng. Bị phạt, bị mắng quen rồi. Chỉ tức
bọn đánh hôi. Chúng mày đồng hội đồng thuyền với ông,
hơn gì ông mà cũng nhe răng ra cười nham nhở.
Tiên sư chúng mày. Chỉ giỏi a dua.
Thầy nghiêm giọng khuyên tôi bớt đọc tiểu thuyết nhảm
nhí.
Cả lớp nghe đây ! Tận tín thư bất
như vô thư là câu nói của Mạnh Tử, nghĩa là "
Đọc sách mà tin sách đến cùng thì không bằng không đọc
sách ".
Ới cụ Mạnh ơi, sao cụ ác thế !
Chiều hôm ấy tôi lại phải cầu cứu bố.
Nghe bố giảng, tôi ù ù cạc cạc, có cảm tưởng như bố
nói ngược lại lần trước. Bố kiên nhẫn giảng lại.
Nói
có sách, mách có chứng nhưng phải kèm thêm điều
kiện là sách viết đúng, chứng cớ không sai. Nếu mày cứ
dựa vào một quyển sách viết sai mà gân cổ lên cãi thì
còn tệ hơn là mày không đọc quyển sách ấy. Không biết
còn hơn là biết sai, hiểu chưa?
Dạ hơi hiểu. Nhưng làm gì có sách viết sai ?
Có chứ. Cụ Nguyễn Du chỉ viết một bản Kiều,
thế mà ngày nay lại có mấy bản khác nhau. Chinh
phụ ngâm cũng vậy. Thậm chí người ta còn chưa
biết chắc ai là tác giả của bản Chinh
phụ ngâm mày đang học đây này. Cái tệ của
người mình là hay sửa thơ văn của người khác. Cứ tự
tiện cho rằng mình hiểu câu thơ, câu văn hơn chính tác giả.
Cuốn Đạo Đức Kinh của Lão
Tử mỏng dính, thế mà khắp thế giới có tới cả trăm bản
dịch khác nhau. Mỗi người hiểu một cách. Thế nào chả
có người đúng, người sai.
Cùng một bài thơ mà được gán cho hai ba tác giả thì chắc
chắn phải có người sai rồi.
Nhưng làm thế nào để biết là sai ?
Mày được thần linh gà cho hay sao mà hôm nay đặt được
câu hỏi hay thế ? Phải nghe nhiều người nói, phải xem nhiều
sách thì mới thấy ai đúng ai sai.
Thế còn người đầu tiên thì sao?
Đến lượt bố tôi không hiểu tôi muốn nói gì.
Dạ, người đầu tiên nói điều gì thì phải dựa vào sách
nào ?
Mày hỏi thật hay hỏi cù nhầy để chọc tức tao ?
Dạ, con hỏi thật.
Câu hỏi của mày khó trả lời. Muốn biết người đầu tiên
nói đúng hay sai thì phải chờ thời gian mới biết được.
Lâu ngày mà không có ai phản đối, nói khác thì có thể được
coi là đúng. Đúng tới ngày nào có người vạch ra chỗ sai.
Nguy hiểm nhất là người đầu tiên nói sai rồi người khác
lặp lại như đàn vẹt. Đây cũng là Nói
có sách, mách có chứng nhưng phải xếp vào loại
nấp sau sách, sau cái bung xung để...nói bậy.
Hoang mang quá! Đọc sách để học, để biết. Nhỡ đọc phải
sách viết sai thì hoá ra học sai, biết bậy. Đúng rồi ! Đúng
là...đừng học, đừng biết còn hơn !
Kết luận của tôi chắc như đinh đóng cột nhưng phải công
nhận rằng chỉ có bọn lười, bọn dốt mới tán thành. Rốt
cuộc học hay không học cũng như nhau à? Chả còn biết trời
đất ra sao nữa.
Mày có biết ông Lê Lợi là ai không?
Dạ biết.
Khá lắm ! Sử chép rằng ông Lê Lợi cùng 18 đồng chí tổ
chức lễ thề Lũng Nhai, cùng nhau đứng lên cứu nước. Tất
cả các gia phả của các dòng họ đều chép tên 18 vị anh
hùng. Có thể coi con số 18 là đúng. Thế nhưng, nếu cộng
hết những tên có trong các gia phả thì số người dự lễ
thề Lũng Nhai lại nhiều hơn 20. Như vậy là rõ ràng có gia
phả chép sai, cố ý bỏ tên người khác và thay thế bằng
tên tổ tiên mình vào danh sách 18 người.
Lấy lí mà nói thì gia phả là tài liệu đáng tin cậy nhất.
Nhưng mục đích của gia phả là ca tụng đức hạnh, công
trạng của tổ tiên. Bởi thế cho nên bao giờ gia phả cũng
kể toàn chuyện hay, chuyện đẹp. Đôi khi phải bịa thêm
chuyện hay, chuyện đẹp. Gán cho tổ tiên vinh dự này, vinh
dự nọ. Chính vì vậy mà hội thề Lũng Nhai mới có hơn 20
tên người tham dự, thay vì chỉ có 18.
Làm như vậy để làm gì ?
Xưa kia, dòng họ nào có tổ tiên là khai quốc công thần,
phò vua từ ngày đầu, thì con cháu được ban thưởng, cất
nhắc. Chẳng qua cũng chỉ vì danh lợi mà phải gian lận cả
với lịch sử.
Làm thế nào để biết ai giả ai thật ?
Đơn giản thôi. Nhưng các sử gia vẫn còn cả nể, sợ đụng
chạm...Thôi ! Lấy giấy bút ra làm bài đi !
Trước khi " tha " tôi, bố còn khuyên dặn mấy điều. Tôi
sốt ruột, dạ dạ vâng vâng cho xong chuyện.
Mới đây có dịp đọc sử, tôi sực nhớ câu chuyện bỏ
dở năm nào.
18 vị anh hùng Lũng Nhai là những ai ?
" Không thầy đố mày làm nên ". Dạ ! " Học thầy không tầy
học bạn ". Ủa ! Không thầy...khỏi bị mắng, bị phạt.
Ồ ! Tội gì không mạn phép thầy, thử dùng " mẹo ".
Đọc gia phả của dòng họ X thì tạm để tên ông tổ họ
X sang một bên và chỉ giữ lại những tên không thuộc dòng
họ X.
Tên nào được nhiều gia phả, tốt nhất là được tất cả
các gia phả cho phép giữ lại thì tên ấy mới thật đáng
tin. Tên nào chỉ thấy trong gia phả của dòng họ X, không
thấy ở gia phả nào khác, thì không đáng tin.
Thí dụ tên hai ông Lưu Trung và Phạm Cuống (cha và anh rể
của Lưu Nhân Chú). không có trong gia phả nào khác ngoài gia
phả họ Lưu. Vậy nên xem là hai ông không dự lễ thề Lũng
Nhai.
Trái lại, tên Lê Lai, Nguyễn Trãi v.v. có trong gia phả của
dòng họ Lê Sát, Đỗ Bí, Lưu Nhân Chú...Có thể kết luận
được rằng mấy vị này có dự lễ thề Lũng Nhai.
Chỉ cần tra cứu vài gia phả là tìm ra được 18 vị anh hùng.
Hiện nay, các nhà sử học nước ta đã có nhiều gia phả
trong tay. Muốn tìm ra sự thật chắc không khó. Cái khó cần
phải vượt qua là phải dẹp bỏ thành kiến, tự ái cá nhân.
Mặt khác, gia phả không bao giờ chép những điều không hay.
" Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại ".
Ai muốn tìm hiểu Lê Quý Đôn gian lận thi cử cho con trai mình
và bị phạt ra sao thì đừng mất thì giờ tìm kiếm trong
gia phả của dòng họ Lê Quý Đôn. Thậm chí đừng tìm kiếm
trong cả mấy cuốn sách thời nay viết với mục đích ca tụng
Lê Quý Đôn.
Cũng may là sử nhà Nguyễn có ghi chép sự việc này và một
vài học giả nghiêm túc có nhắc lại. Nhờ vậy mà đám trẻ
đời sau mới biết.
Có một bí ẩn mà hầu như sử gia nào cũng cố né tránh như
sĩ tử đi thi tránh...phạm huý. Đó là cái chết của ông
Lê Lai.
Đại
Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên chép năm 1427,
một năm trước khi Khởi nghĩa Lam Sơn thành công, ông Tư mã
Lê Lai cậy có công, ăn nói ngạo mạn, bị Lê Lợi giết.
Đời sau không biết gì thêm về ông Lê Lai này.
Ngược lại, ông Lê Lai đổi áo cứu Lê Lợi năm 1419 thì
được tới bốn dòng họ khác nhau khắc bia, viết gia phả,
nhận là tổ tiên mình (Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn, Khởi
nghĩa Lam Sơn, Khoa Học Xã Hội, 1977, tr. 154-158) .
Đấy là chưa kể ông Lê Lai thứ năm là...anh cả của Lê
Lợi, Lê Thạch và Lê Thiện ! (M. Bougier, La
pagode des Lê à Thanh Hoa, Bulletin des Amis du Vieux Hué,
số tháng 7-9, 1921, tr. 137). Chỉ có Đại
Việt sử kí toàn thư là không nhắc tới ông Lê
Lai này.
Con cháu không ghi chép tổ tiên bị vua giết là chuyện dễ
hiểu.
Con cháu phóng bút khoe tổ tiên mình chết thay vua, mặc dù
sách do chính nhà vua viết không hề nói như vậy, (Nguyễn
Diên Niên, Lê Văn Uông, Lam Sơn thực lục,
Ty văn hoá Thanh Hoá, 1976, tr. 241), thì cũng là...chuyện dễ
hiểu.
Ai dám phản đối? Anh biết chuyện nhà tôi hơn tôi à ? Có
giỏi thì "con kiến kiện củ khoai" xem ai có lí !
" Thấy người sang bắt quàng làm họ " chỉ có lợi, cùng
lắm là...hoà. Chưa thấy ai bị đánh thuế hay bị tù vì...viết
gia phả không đúng sự thật. Xin lỗi, văn hoa không đúng
chỗ. Bình dân gọi thẳng là...nói phét không sợ bị phạt.
Đôi lúc gia phả được các nhà sử học tiếp tay, làm...điên
đầu người đọc :
Tìm hiểu Gia đình Lê Lợi trong khởi
nghĩa Lam Sơn
(Lê Lợi và Thanh Hoá trong khởi nghĩa Lam
Sơn, Thanh Hoá,1988), Trần Bá Chi cho biết :
Hai
ông Đinh Lễ và Đinh Liệt là người sách Thuỷ Cối, thuộc
Lam Sơn (...). Thân phụ của Lễ và Liệt là Đinh Thế Biểu.
Vợ của ông (Biểu) là Trần Thị Ngọc Huy, con gái Trần tướng
công ở xã An Lão, huyện Thư Trì (Thái Bình)(tr. 219).
(...)
Về
sau, con cả (của Ngô Kinh) là Ngô Từ kết duyên với cháu
Lê Lợi là Đinh Thị Ngọc Kế, Ngọc Kế là em gái Đinh Lễ,
nên Ngô Từ lại gọi Lê Lợi bằng cậu (tr. 220).
Cùng lúc, Lê Huy Trâm đề cập Về một
dũng tướng Lam Sơn cần được hiểu biết thêm (sđd,
tr. 240) lại cho biết :
Đinh
Lễ đẻ ra Đinh Thế Biểu. Ông Biểu lấy bà Trần Thị Huy
là con gái Trần Nhật Duật đẻ ra Đinh Thị Ngọc Kế. Vậy
Ngô Từ là cháu rể Đinh Lễ. Đinh Lễ này khác với Đinh
Lễ hy sinh trong trận tiến công trại Quan Du trong năm Canh Tý(tức
là ông Đinh Lễ được Trần Bá Chi tìm hiểu).
Người đọc dễ tính nhất cũng phải thắc mắc :
Hai ông Đinh Lễ là một hay một ông Đinh Lễ hoá thành hai
? Đinh Lễ là con hay là cha của Đinh Thế Biểu ? Đinh Thị
Ngọc Kế là em gái hay là cháu nội của Đinh Lễ ?
Trần Bá Chi và Lê Huy Trâm đã dồn Đinh Lễ vào chỗ...không
lối thoát !
Gia phả nào viết đúng, gia phả nào viết sai ? Chắc chắn
là không thể tin cả hai gia phả được ! Cũng không nên vội
vã loại trừ khả năng cả hai gia phả cùng viết sai !
Tận
tín thư bất như vô thư là vậy !
Ngày nay, nhiều gia phả chép trống không rằng ông tổ của
họ là Nguyễn Hoàng, là Nguyễn Trãi, là vua này chúa kia. Nếu
không kê khai đủ các đời thì ai dám quả quyết rằng đúng
hay sai ? Ngày xưa gia phả chỉ chép lui lại 3, 4 đời là nhiều.
Một trăm năm kể cũng đã khá xa, tam sao thất bản có thể
đã bắt đầu. Huống hồ năm trăm năm.
Chả nói đâu xa.
Chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ tên ông Trần Thanh
Mại. Tên ông gắn liền với cuốn
Trông
giòng sông Vị, viết về Tú Xương, được dùng làm
tài liệu giáo khoa bậc trung học của những năm 1950.
Trần Thanh Mại được Nguyễn Công Hoan coi là " một
chuyên gia về Tú Xương ".
Năm 1961, Trần Thanh Mại cùng Trần Tuấn Lộ viết thêm cuốn
Tú
Xương, con người và nhà thơ (nhà xuất bản Văn
Hoá).
Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ
"đã
cố đề cao Tú Xương nên phải gán ghép một cách gượng
gạo, vô lý, đến nỗi phạm đầy rẫy những mâu thuẫn rất
khôi hài.
Hai tác giả không những gán cho Tú Xương là quen các nhà
cách mạng, còn gán cho nhà thơ là nghèo, thậm chí lại gán
cả thơ của người khác cho nhà thơ Tú Xương nữa ".
(...)
"
Trước khi tạm dứt lời, tôi xin tỏ một chút ý nghĩ, ý
nghĩ khá buồn. Là ít lâu nay, các nhà nghiên cứu văn học
của ta đương mắc phải một bệnh mới, khá phổ biến, là
bệnh đề cao quá mức người chết rồi mà được sùng bái.
Vì đề cao không đúng sự thật, cho nên nhà nghiên cứu phải
liều mà gán ghép cho người được sùng bái một cách gượng
gạo, vô lý, đến nỗi để lộ ra những mâu thuẫn mình với
mình y như là khôi hài. Mà làm việc kiểu ấy, nhiều nhà
nghiên cứu vô tình đã hạ thấp giá trị của người được
sùng bái ".
(Nguyễn Công Hoan, Con
người Tú Xương trong
Tuyển Tập Nguyễn Công Hoan, tập 3, Văn Học, 1986,
tr. 223-240).
Thật ra thì Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ đã viết theo
gia phả của dòng họ Trần Tế Xương, có trong sách Văn
thơ Trần Tế Xương (Bộ Giáo Dục, 1957) của Hoàng
Ngọc Phách, Lê Thước và Đỗ Đức Hiểu.
Vô tình những điều sai trong gia phả dòng họ Tú Xương đã
được các học giả Hoàng Ngọc Phách, Lê Thước và Đỗ
Đức Hiểu đem đi phổ biến. Đến lượt các nhà phê bình
và nghiên cứu văn học Trần Thanh Mại và Trần Tuấn Lộ
lặp lại những điều sai này và đem truyền bá rộng rãi
hơn lên.
Nguyễn Công Hoan ngờ rằng chính Trần Tất Đạt, con trai Trần
Tế Xương, đã bịa đặt, tô hồng để biến cha mình thành
một người quen thân các nhà cách mạng Phan Bội Châu, Nguyễn
Thượng Hiền v.v.
Hôm nghe bố giảng Tận tín thư bất như
vô thư xong, tôi nghịch ngợm hỏi :
Bố ơi, nhà mình có gia phả không ?
Không ! Họ nhà mình không có ai làm to, nổi tiếng. Chả có
gì đáng để ghi chép.
Tại sao bây giờ bố không viết ?
Viết cái gì cơ chứ ?
Cứ phịa đại ra là bên nội của mình là dòng Nguyễn Huệ,
bên ngoại là dòng Nguyễn Du. Văn võ song toàn cho nó oai. Rồi
thời Pháp, thời Nhật. Thiếu gì chuyện để...bịa !
Coi chừng, chớ có đùa dai như vậy. Biết đâu một ngày kia
đến tai các nhà sử học, họ lại dựa vào đấy để chứng
minh và tìm ra liên hệ gia đình của Nguyễn Huệ và Nguyễn
Du thì phiền lắm.
Thôi đừng nói chuyện vớ vẩn nữa. Mày phải bớt lêu lổng,
chịu khó học hành. May ra sẽ khá.
Nhưng tôi không gặp may. Không khá nổi môn Việt văn. Mấy
kì thi lần nào cũng chỉ trông mong vào môn toán để bù cho
văn chương triết lí. Mấy môn còn lại thì cố làng nhàng!
Vốn liếng văn chương của người khác thì phải lấy bồ,
lấy va li mà chứa mới xuể. Còn vốn của tôi thì chắc chắn
không cần đến cái chai bia 33 để đựng. Ngay cả bao thuốc
lá Cotab cũng chưa chắc đã được lưng lưng.
Trớ trêu thay, đến khi trên đầu lốm đốm hai thứ tóc,
rồi tóc bắt đầu rụng dần, thì tôi trở chứng. Thấy xung
quanh xì xào chuyện sách vở chữ nghĩa, tôi tò mò...bắt chước.
Bây giờ đọc sách không phải để làm bài, đi thi. (Xin phép
mấy thầy dạy Việt văn, cho con được thở phào một cái
rất ư là nhẹ nhõm !). Bây giờ đọc để biết chuyện trên
trời dưới đất. Nói một cách trang trọng là đọc để
mở rộng kiến thức. Khiêm tốn thì nói là đọc để cho
bớt ngu. Được tí nào hay tí ấy. Muộn còn hơn không !
Đọc sách để mỉm cười ngắm cái " lá diêu bông " của
Hoàng Cầm đã được một nhà khoa học lặn lội tìm ra được
! Để lạc theo ngòi bút điêu luyện, uyển chuyển như rắn,
như lươn. Để rơi tõm vào bát quái trận đồ của các nhà
phù thuỷ của ngôn từ...
Không ngờ đọc sách lại thú vị như vậy.
Đọc sách thú lắm bà con làng nước ơi !
Học được nhiều điều hay, lắm điều lạ. Bớt cả tin,
bớt thành kiến.
Càng đọc càng thấy phải đọc thêm.
Đọc sách để biết Nói có sách,
mách có chứng !
Đồng thời để hiểu rằng Tận tín
thư bất như vô thư !
Hoá ra đọc sách cũng phải cẩn thận như người hát xiệc,
đi trên giây ! Loạng quạng, mất thăng bằng là té nhào !
Nguyễn
Dư
(Lyon, 3/2004)
|