Chim Việt Cành Nam             [ Trở Về  ]           [Trang chủ ]              [ Tác giả ]
 

Người đâu tên họ là gì ?
Nguyễn Dư
 
Người Việt ngày nay ai cũng có giấy khai sinh. Muốn biết gốc gác, họ tên, ngày sinh tháng đẻ của ai thì chỉ cần lật giấy khai sinh ra mà đọc là xong.

Vấn đề tìm hiểu lí lịch rất ư là đơn giản. Đơn giản đến mức chả còn gì để nói.

Nhưng xưa kia thì khác.

Ngày xưa nước ta không có sổ hộ tịch.

Tên tuổi phần nhiều được nhớ truyền miệng. Nhà nào có người biết chữ thì ghi chép lập thành gia phả. Thông thường thì gia phả được người trưởng tộc cất giữ. Các chi họ khác muốn có gia phả thì phải sao chép lại. Dòng họ càng đông thì sao chép càng nhiều, khó tránh tình trạng đọc nhầm viết sai. Truyền được vài đời thì đã có khả năng " tam sao thất bản ".

Ghi chép đúng tên họ, nôm na là tên cúng cơm của người xưa không phải là chuyện dễ ai làm cũng được. Đã vậy, các ông thay trời trị dân của nước ta lâu lâu lại nổi hứng bắt chước mấy vị con trời, xía vào chuyện họ tên của người khác. Một số các công thần, bầy tôi được ban họ vua, được tặng họ Tàu, được giữ tên thật, phải đổi tên mới...

Chồng chéo, rối như mớ bòng bong !

Thế mới nát chuyện và có chuyện để nói !

Trong khi bất cứ dân tộc nào, ở đâu cũng đồng ý công nhận rằng tên của mỗi người được đặt ra cốt để dùng trong lúc xưng hô, giao thiệp thì tục ta - nói vậy cho oai chứ chưa chắc gì ta đã là tác giả - lại quan niệm rằng động đến tên ông bà cha mẹ là điều không nên.

Con cháu lỡ miệng động đến tên cúng cơm của các cụ là phạm tội bất kính. Vì thế mà không thiếu gì những đứa bé không hề biết tên tuổi ông bà, cha mẹ.

Thậm chí người lớn trước khi tới chơi nhà ai phải hỏi dò tên cha ông của chủ nhà để...tránh trong lúc chuyện trò.

" Nhập gia vấn húy " là vậy.

Cái tục tránh gọi tên này được vua chúa áp dụng triệt để. Ông nào mới lên ngôi cũng vội ban một lô chữ huý (tên vua, hoàng hậu, cha mẹ, ông bà hai họ...) để cho cả nước né tránh.

Mối lo hàng đầu của sĩ tử đi thi là phải thuộc lòng danh sách những chữ húy để tránh dùng. Phạm húy thì trời cũng không cứu được tội. Bị sổ toẹt là cái chắc. Không may gặp năm quan trường nghiêm khắc thì khó thoát gông cùm tù tội.

Có khi chỉ vì một chữ húy mà suốt đời không ngóc đầu lên được.

" Trong cái rủi có cái may ", nhờ có kị huý mà ngôn ngữ miễn cưỡng ... giàu hơn lên. Bên cạnh Hoàng có thêm Huỳnh, Mệnh thêm Mạng, Phúc thêm Phước v.v.

Ngày nay nước ta không còn tục kị huý như thời phong kiến.

Học trò thi trượt là vì lí do nào khác chứ không phải vì đụng đến tên ông A, cụ B.

Chỉ có bọn phản động, bất mãn, tiêu cực, xấu mồm xấu miệng, mới lén lút rỉ tai nhau rằng tục kị huý vẫn còn. Kín đáo, khôn khéo, nên khó thấy hơn xưa.

Kị huý bị xóa bỏ thì lập tức " hoa tự do " nở rộ như nấm gặp mưa.

Một số gia đình không ngần ngại làm ngược lại người xưa, lấy tên huý đặt cho con cái. Đi xa hơn nữa, có nhà đặt cho tất cả con gái cùng một tên, con trai cùng một tên. Bên cạnh cái tên chính giống nhau này, mỗi cô mỗi cậu có thêm một chữ đệm khác nhau để phân biệt. Bắt buộc phải gọi nhau bằng tên kép. Nhiều cậu mang tên yểu điệu, mĩ miều, nghe thật là quyến rũ, dễ thương ! Mong rằng sau này không có chuyện nhầm lẫn người trong cùng một gia đình.

Họ của người Việt Nam tương đối ít, rất ít so với các dân tộc Âu Mỹ. Tra tìm trong các sổ đinh và danh sách các người thi đỗ từ đời Nguyễn, Nhất Thanh ( Đất lề quê thói, Đại Nam, Hoa Kỳ) làm được một bảng thống kê các họ của người Việt Nam. Sang đầu thế kỷ 19 trở đi, số (họ) ấy dần dà tăng mãi lên ngày nay đến trên 130.

Dân số Việt Nam hiện nay được hơn 80 triệu người. Tạm cho là số họ có khoảng 500. Tính trung bình mỗi họ có hơn một trăm ngàn người. Một vài họ lớn như Nguyễn, Trần, Lê có thể có cả triệu người.

Người Pháp, người Mỹ rất ngạc nhiên thấy đi đâu cũng gặp họ hàng nhà Nguyễn, Trần, Lê... Sao mà đông thế ! Lấy lẫn nhau nhiều thế !

Số họ ít có lẽ vì người xưa hay lấy những tên có sẵn của các triều đại. Nhưng tên của người Việt Nam, tuy được tự do chọn, cũng không nhiều lắm. Phải chăng vì khả năng tạo từ của tiếng Việt, một thứ tiếng độc âm, rất bị giới hạn. Chữ dài nhất (chữ nghiêng) cũng chỉ có 7 con chữ. Trong số những chữ được tạo thành lại còn phải loại trừ những chữ có nghĩa xấu, tầm thường, thành thử số tên được chọn chả còn là bao.

Nhiều nhất vẫn là những tên hay, đẹp như Hùng, Cường, Tuấn, Thịnh... Tuyết, Ngọc, Đào, Hoa... Phú, Quý, Khang, An... Xuân, Thu, Vân, Thủy...

Họ ít, tên cũng không nhiều, cho nên có nhiều người trùng cả họ lẫn tên.

Nhớ lại năm nào tại giảng đường đại học bên Pháp, ông thầy gọi trống không Nguyễn ! Lố nhố năm sáu sinh viên Việt Nam đứng lên. Ông thầy ngạc nhiên nhưng nhanh trí gọi Nguyễn Văn, chỉ còn lại hai người. Ông lắc đầu dõng dạc gọi Nguyễn Văn Đức, hai anh sinh viên nhìn nhau, đứng im !

Tuy nhiên ở nước ta ít khi xẩy ra chuyện những người đỗ đạt cao, có chức tước lớn, lại trùng cả họ lẫn tên. Nếu có thì cũng dễ phân biệt.

Trước đây, vào những năm 1960, miền Nam có tướng Nguyễn Khánh làm thủ tướng. Ít năm sau, nước Việt Nam thống nhất có phó thủ tướng Nguyễn Khánh. Chức tước khác nhau, thời đại khác nhau, chúng ta có thể phân biệt dễ dàng hai ông.

Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (tập 2, Miền Nam, Hoa Kỳ, tr. 62) chép : năm ất vị (1775) đời Cảnh Hưng,Trịnh Sâm sai Nguyễn Hoàn, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Sĩ, Nguyễn Du soạn quốc sử...

Sử quan Phạm Nguyễn Du sống cùng thời với Nguyễn Du tác giả truyện Kiều. Trần Trọng Kim chép thiếu họ Phạm của sử quan, có thể gây ra ngộ nhận.

Mập mờ và li kì nhất có lẽ là tên Lê Lai.

Mấy bộ sử của ta chép rằng trong thời kì Khởi nghĩa Lam Sơn có một ông Lê Lai cứu chúa năm 1419 và một ông Lê Lai bị chúa giết năm 1427.

Điều oái oăm là sử không nói rõ hai ông là một hay là hai người khác nhau.

Ai muốn tìm hiểu vấn đề thì chỉ còn nước tra tìm trong dã sử, gia phả. Nhưng dã sử của ta lại có nhiều màu sắc thần bí, hoang đường. Gia phả thì lúc nào cũng ca tụng tổ tiên, chứ không bao giờ lại đi bới sự thực không hay của tổ tiên ra mà kể !

Vì vậy mà chúng ta chưa được thấy gia phả nào nói tới ông tư mã Lê Lai bị Lê Lợi giết. Âu cũng là điều dễ hiểu.

Ngược lại, ông Lê Lai có công đổi áo (dịch bào thế quốc sự, chữ dùng trong Lam Sơn thực lục của Lê Lợi), được phong tặng chức tước, thì được nhiều người nói tới.

Nhiều quá hóa...lung tung.

Có một bản Lam Sơn thực lục chép : Giặc liền vây và bắt trói (Lê Lai) đem vào trong thành (Tây Đô) xử bằng cực hình khác hẳn các hình phạt thường dùng (Nguyễn Trãi toàn tập, KHXH, 1976, tr. 51). Nếu cho rằng bị xử bằng cực hình là bị giết chết thì Lê Lai bị giết trong thành Tây Đô.

Một bản Lam Sơn thực lục tục biên khác (Phan Huy Lê-Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn, KHXH, 1977, tr. 154-158) lại chép Lê Lai bị giết tại thành ở xã Dựng Tú.

Đáng chú ý hơn là đoạn chú nằm trong bản Lam Sơn thực lục do chính Lê Lợi viết (Nguyễn Diên Niên, Lam Sơn thực lục, Ty Văn Hóa Thanh Hóa, 1976, tr. 241) :

(...) Vua (Lê Lợi) khấn xong, Lê Lai cưỡi ngựa phi ra, thay Vua cứu nước, tự xưng là vua Lê. Giặc Minh tưởng là thật, trói bắt về tâu lên vua nhà Minh. Do đó tình thế hòa hoãn, Vua được tạm yên.

Theo văn bản này thì Lê Lai không bị giết tại thành Tây Đô. Thậm chí không có chữ nào nói rằng Lê Lai bị quân Minh giết.

Lê Quý Đôn (Đại Việt thông sử, KHXH, 1978) chép rằng Lê Lai bị quân Minh giết tại thành Đông Quan (tr. 35). Nhưng ở phần Chư thần truyện của cùng cuốn sách thì Lê Quý Đôn lại chép Lê Lai đánh nhau với quân Minh tại thành Tây Đô, khi đã kiệt sức ông bị địch bắt, xử cực hình. Sau đó giặc lui quân về thành Tây Đô...(tr. 157).

Người đọc hiểu rằng ông Lê Lai bị giết tại trận. Giết Lê Lai rồi, giặc Minh mới rút quân vào trong thành Tây Đô.

Hai đoạn văn của Lê Quý Đôn mâu thuẫn nhau.

Sử nhà Nguyễn (Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, tập 1, Giáo Dục, 1998) chép giống Đại Việt thông sử ( chư thần truyện), cho Lê Lai chết tại trận.

Chỉ có Ngô Sĩ Liên ( Đại Việt sử ký toàn thư, KHXH, 1968), người được giao trách nhiệm soạn chính sử đến cuối đời Lê Lợi, mới không chép chuyện " Lê Lai liều mình cứu chúa ". Ngô Sĩ Liên chép thiếu hay không chép vì lí do nào khác ?

Tóm lại, chuyện Lê Lai được sử ghi chép...tùy tiện, kể cả mâu thuẫn nhau. Lê Lai không bị quân Minh giết, hay bị quân Minh giết tại trận, tại Dựng Tú, tại Tây Đô, tại Đông quan ? Ai viết đúng, ai viết sai, ai thêm bớt bịa đặt ?

Đời sau " khoe " có nhiều ông " Lê Lai liều mình cứu chúa ".

Điều đáng chú ý là có một tấm bia khắc chuyện một ông Lê Lai đã lấy thân thay Thái Tổ trong cơn nguy hiểm, gần chết mà sống lại( Phan Huy Lê-Phan Đại Doãn, sđd).

Trong dư luận dân gian, có một ông Lê Lai cứu Lê Lợi và không bị chết ! Tấm bia chép đại ý giống Lam Sơn thực lục của Lê Lợi.

Hay là ông Lê Lai cứu Lê Lợi không bị quân Minh giết và mấy năm sau ông bị chính Lê Lợi giết ?

Những người phản đối ý kiến này cho rằng hai ông Lê Lai là hai người trùng tên trùng họ. Bằng cớ là gia phả các dòng họ cho biết ít ra cũng có tới...bốn ông Lê Lai cứu Lê Lợi! (Phan Huy Lê-Phan Đại Doãn, sđd). Một ông họ thật tên thật và ba ông họ tên được tặng, được đổi.

Bằng chứng hơinhiều quá!

Nói rằng có bốn ông thường dân Lê Lai sống rải rác ở vài tỉnh khác nhau, trong khoảng vài chục năm, thì cũng chả có gì đáng ngạc nhiên. Họ Lê là họ lớn, tên Lai cũng bình thường.

Nhưng vào thời buổi nhân tài lác đác như lá mùa thu, tuấn kiệt lưa thưa như sao buổi sớm (Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo) mà có tới bốn ông quan đại thần Lê Lai, cùng tụ về Lam Sơn theo phò Lê Lợi trong khoảng mười năm thì... Chẳng khác gì nói rằng có bốn ông đại tướng Võ Nguyên Giáp theo Hồ Chí Minh chống Pháp, hoặc có bốn ông tướng Văn Tiến Dũng thời chống Mỹ v.v.

Vàng thau lẫn lộn...

Tin hay không tin là quyền của mỗi người !

Chuyện họ tên ở nước ta bắt đầu lộn xộn từ bao giờ ? Nói khác đi, tục ban họ vua ở nước ta có từ bao giờ ?

Năm 1128, vua Lý Thần Tông (12 tuổi) cho thái úy Lê Bá Ngọc làm thái sư, đổi họ làm Trương. Ngô Thời Sĩ ( Đại Việt sử ký tiền biên, KHXH, 1997) phê bình việc làm này :

Họ của trời cho, không thể người ta lại đổi được. Yêu một vị bầy tôi mà cho cải sang quốc tính, người ta còn chê là cưỡng ép, nay Bá Ngọc là đại thần cho cải họ Lê sang họ Trương là nghĩa gì ? đó cũng là việc làm càn của người còn tính trẻ con đấy.

Năm 1232, Trần Thái Tông ban những chữ quốc húy và miếu húy. Vì cha tên là Lý nên bắt tất cả những người họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn. Nguyên nhân sâu xa là để tuyệt lòng mong nhớ của dân đối với nhà Lý.

Không hiểu lòng dân mong nhớ ra sao mà đến nỗi để xảy ra một thảm họa.

Khi ấy Trần Thủ Độ chuyên chính, giết Huệ Tông, khiến tôn thất nhà Lý bùi ngùi thất vọng. Mùa đông năm 1232, nhân dịp người họ Lý làm lễ cúng các vua Lý đời trước ở thôn Thái Dương xã Hoa Lâm, Thủ Độ sai người ngầm đào hố sâu, làm nhà lên trên, đợi khi người ta uống rượu say, giật máy chôn sống hết.

Bị tàn sát chỉ vì mang họ Lý !

Tội ác vượt quá sức tưởng tượng khiến Ngô Sĩ Liên phải hoài nghi:

Xét thời Trần Anh Tôn còn có người họ Lý làm tướng, vả lại sử của Phan Phu Tiên không thấy chép, việc này chưa chắc đã có thực, hãy tạm ghi lại.

Ngô Thời Sĩ cũng bàn về biến cố này. Ông nhận định rằng:

Thủ Độ là người bày mưu cho nhà Trần, không việc gì là không làm. Huệ Tông còn bị giết thì còn nghĩ gì đến những người họ Lý nữa. Sĩ Liên cho là Phu Tiên không chép, chưa chắc đã có việc ấy. Lại lấy việc thời Anh Tông còn có tướng người họ Lý làm chứng. Kể ra Phu Tiên không chép có lẽ là nhà viết sử chỉ chép đại khái đấy thôi. Những người tôn thất nhà Lý không may vùi dưới hố sâu, nòi giống còn sót lại có lẽ chưa hết đấy, còn ngờ gì nữa. Sử cũ chia dòng chú thích biện luận, là muốn giảm bớt tội ác của Thủ Độ chăng ?

Đời Trần Nhân Tông (1282), có con cá sấu đến sông Lô, vua sai hình bộ thượng thư là Nguyễn Thuyên làm bài văn tế ném xuống sông. Cá sấu tự nhiên bỏ đi. Vua cho việc này giống việc của Hàn Dũ, bèn cho Nguyễn Thuyên đổi họ thành Hàn Thuyên.

Hồ Quý Ly vốn họ Hồ, được Lê Huấn nhận làm con nuôi và cho đổi sang họ Lê. Đến khi cướp được ngôi nhà Trần, lại bỏ họ Lê lấy lại họ Hồ.

Sử chép rằng năm 1400, Trần Vấn và Trần Tùng được Hồ Quý Ly ban họ Hồ. Rất có thể Hồ Quý Ly là người đầu tiên nhập cảng trò ban họ vua vào nước ta.

Sau khi toàn thắng quân Minh, năm 1428 Lê Lợi lên làm vua, ban thưởng, ban họ vua cho 221 công thần. Vua Tự Đức phê rằng :

Bầy tôi có công được ban quốc tính là Hán Cao tổ ban cho Lâu Kính trước tiên. Việc làm ấy tuy cốt để tỏ ý thân mật trung hậu đối với công thần, nhưng đã mang tiếng là làm rối cả họ hàng nhà vua, không đủ để làm gương mẫu cho đời sau; huống chi nhà Lê lại cho quốc tính nhiều quá thế này thì nhàm lắm !(Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, sđd, tr. 833).

Năm 1460, Lê Thánh Tông bắt người họ Trần phải kiêng huý, đổi thành họ Trình.

Ít người trong chúng ta biết ông Dương Bang Bản là ai. Ông chính là sử thần Lê Tung, được vua Lê Thánh Tông cho đổi cả họ lẫn tên.

Vua Minh Mạng nhà Nguyễn có 142 người con. Để tránh rắc rối cho đời sau, ông có sáng kiến làm một bài thơ 20 chữ ( Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh...Thế Thuỵ Quốc Gia Xương), mỗi chữ sẽ được dùng làm tên đệm cho một thế hệ con trai. Chỉ những người có tên đệm kiểu này mới thuộc dòng chính thống, mới có thể được lên làm vua.

Sẵn hứng, ông làm thêm 10 bài thơ khác cho 10 anh em của ông.

Được vài đời, có người cách tân, dùng luôn chữ đệm thay cho họ. Từ đây, xảy ra trường hợp cha và con mang họ khác nhau.

Thí dụ ông Ưng A, đặt tên con là Bửu B. Con Bửu B sẽ có tên là Vĩnh C v.v.. Người Việt có người hiểu, người không hiểu. Nhân viên cơ quan hành chính Âu Mỹ thì nhất loạt giơ tay lên trời than không đủ thì giờ để nghe giải thích, lắc đầu không chịu tìm hiểu đến nơi đến chốn.

Vua Duy Tân (tên là Nguyễn Phước Vĩnh San) bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion. Ông lấy vợ người Pháp. Con trai ông là Georges Vĩnh San. Vĩnh San được dùng làm họ.

Trường hợp này cũng gặp trong nhiều gia đình Việt Nam có quốc tịch Pháp. Lúc khai lí lịch người ta dùng tất cả tên họ Việt Nam làm họ mới, đặt bên cạnh tên cúng cơm Tây (Georges Nguyễn Văn X). Con trai của ông Georges là Vincent Nguyễn Văn X, con gái là Marguerite Nguyễn Văn X. Cháu nội sẽ là Léon, Léa Nguyễn Văn X v.v.

Lịch sử Việt Nam mới ì ạch được tới chữ Vĩnh của bài thơ của Minh Mạng thì bị đứt đoạn (vua Bảo Đại tên là Nguyễn Phước Vĩnh Thuỵ).

Được vua ban họ, đổi tên là một vinh dự. Ngược lại các bầy tôi cũng cố gắng tìm dịp dâng tôn hiệu, làm vui lòng nhà vua. Có đi có lại, vua tôi mới toại lòng nhau !

Tha hồ thi đua tâng bốc !

Kỉ lục chưa ai phá nổi từ gần 1000 năm nay là tên hiệu do đám bầy tôi nhà Lý dâng tặng Lý Thái Tổ :

Phụng thiên chí lý ứng vận tự tại thánh minh long hiệu duệ văn anh vũ sùng nhân quảng hiếu thiên hạ thái bình khâm minh quang thạch chương minh vạn bang hiển ứng phù cảm uy chấn phiên man duệ mưu thần trợ thánh trị tắc thiên đạo chính hoàng đế.

Kỉ lục thật phi thường khiến Ngô Sĩ Liên phải bàn rằng:

Kinh thư tôn xưng vua Nghiêu là Phóng huân, vua Thuấn là Trùng hoa, những bề tôi đời sau lấy đức hạnh thực mà tôn xưng vua đến hơn 10 chữ đã là nhiều lắm rồi. Bấy giờ bầy tôi dâng tôn hiệu cho Lý Thái Tổ đến 50 chữ, thế là không có học kê cứu đời xưa, chỉ cốt nịnh vua. Thái Tổ nhận mà không từ, đó là muốn khoe khoang để đời sau không ai hơn được. Vua và tôi đều sai cả. Sau tôn Thái Tôn cũng đến gần 50 chữ, là vì bắt chước cái dở ở đây mà ra.

Lý Thái Tông được dâng tôn hiệu Kim dũng sinh ngân, Nùng bình phiên phục (vàng sôi lên, bạc sinh ra, họ Nùng bị dẹp yên, các phiên bang phục tùng).

Tôn hiệu lạ lùng đến nỗi Lê Văn Hưu phải phê rằng:

(...) Các đế vương đời sau thích sự khoe khoang, mới có tôn hiệu đến hơn vài chục chữ. Nhưng chỉ lấy những chữ công đức mà xưng, chưa bao giờ lấy những chữ về sản vật và man di mà chắp nối vào tôn hiệu cả. Thái Tông lại nhận tám chữ của bầy tôi dâng làm tôn hiệu, thì trong cái khoe khoang lại còn sa vào thổ lộ đấy. Thái Tông không có học không biết, mà bọn nho thần dâng những chữ ấy để xiểm nịnh vua không thể nói là không có tội !

Tục lệ dâng tôn hiệu ngày nay có còn không ? Dĩ nhiên là không. Hết từ lâu rồi !

Thời buổi kinh tế khó khăn, không ai phí phạm giấy mực, thì giờ để dài dòng văn tự. Vả lại tôn hiệu không thiết thực bằng phẩm vật. Bầy tôi nào có lòng thì cứ dâng phẩm vật, chữ nghĩa làm gì cho thêm rắc rối.

Tuy nhiên, truyền thống suy tôn vẫn còn lởn vởn đó đây.

Giới cầm bút vẫn còn ít nhiều thói quen vung tay tạo ra những vị cứu tinh, những ngọn hải đăng...Đôi khi quá đà vẽ ra cả mẫu người không còn là người nữa.

Ngoài họ tên do cha mẹ đặt, vua chúa ban, người nào muốn thì cứ việc tự chọn cho mình tên hiệu, bí danh.

Qua tên hiệu, người thì muốn bày tỏ tình cảm với núi sông, quê quán (Tản Đà, Thu Bồn, Cửu Long Giang...), người thì ấp ủ một ý chí ( Thép Mới, Sóng Hồng, Trường Chinh...). Có người lại thích cầu kỳ, bí hiểm như Đái Đức Tuấn chọn tên hiệu là Tchya (có người giải là Tôi chả yêu ai hay Tôi chỉ yêu anh ?). Thứ Lễ nói lái thành Thế Lữ. Khánh Giư sắp xếp lại thành Khái Hưng ...

Chả thấy thằng Tèo, cái Hĩm đâu cả.

Có người quen dùng tên hiệu, tên giả, suýt quên cả tên thật do cha mẹ đặt cho.
 

Nguyễn Dư
(Lyon, 4/2004)

[ Trở Về  ]