Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [Trang chủ ] [ Tác giả ]
Bịt mắt bắt dê
Nguyễn Dư
Sắp sang năm mới Quý Mùi, mời mọi người cùng chơi trò Bịt mắt bắt dê.Chỉ nghe cái tên thôi chắc ai cũng đã đoán ra được cách chơi. Tuy nhiên, cách chơi cũng có nhiều kiểu. Vậy mới có chuyện để nói tiếp!
Trẻ con ngày nay thỉnh thoảng rủ nhau chơi Bịt mắt hay Bịt mắt bắt dê ở sân trường, hè phố, công viên.
"Bịt mắt bắt dê là trò chơi, trong đó người bị bịt mắt tìm bắt người giả làm dê ". (Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, 1988).
Ngày xưa thì khác…
"Bịt mắt bắt dê là trò chơi khi xưa, trong đó có một người bị bịt mắt đuổi theo bắt một con dê, hoặc đuổi bắt một hay nhiều người giả làm dê kêu be be ". (Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ tiếng Việt, Văn Hóa, 1989).
Maurice Durand (Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, Paris, 1960, tr. 46-47) giải thích trò chơi Bịt mắt bắt dê của hội làng ngày xưa là:
"Jeu de colin-maillard, qui consiste à bander les yeux (băng mắt) à un jeune homme et à une jeune fille et à leur faire attraper une chèvre (bắt dê)"
Colin-maillard, trò chơi của Pháp, được Larousse định nghĩa:
"Jeu dans lequel l'un des joueurs, qui a les yeux bandés, doit poursuivre les autres à tâtons et identifier celui qu'il a attrapé ".
(Colin-maillard là trò chơi trong đó một người bị bịt mắt phải mò bắt những người khác và khi bắt được ai thì phải nói đúng tên người đó).
Như vậy thì Bịt mắt bắt dê của Durand là trò chơi bịt mắt một người con trai và một người con gái, cho hai người đuổi bắt một con dê.
Bịt mắt bắt dê chỉ khác colin-maillard của Pháp ở chỗ thay người bằng dê. Đây cũng chính là điểm khác nhau của hai định nghĩa của Hoàng Phê và Nguyễn Lân.
Lạ nhỉ? Nếu vậy thì phải đặt câu hỏi: Bịt mắt bắt dê là một trò chơi xưa của ta hay chỉ là biến dạng của một trò chơi Pháp?
Ngày Xuân, nâng chén… tìm hiểu một tí cho vui.
Bịt mắt bắt dê được chơi ở đâu và chơi như thế nào?
"Tại các hội Đồng Kỵ, Phú Mẫn (Yên Phong) thường tổ chức trò "Bịt mắt bắt dê ".
Ban tổ chức cuộc thi chọn một sân rộng cạnh đình, có thể gồ ghề, lồi lõm để làm sân diễn trò. Sân được rào phên kín xung quanh. Trong sân người ta thả sẵn một chú dê. Người dự thi phải bị bịt mắt bằng một dải khăn đen. Có thể nhiều người cùng đồng loạt vào sân để bắt dê.(…) Ai bắt được dê thì được lãnh thưởng.
Có nơi lệ bắt những người dự thi mặc thêm áo tơi và trên mình dê cũng mặc áo tơi, cho nên người bắt dê lại còn khó hơn." (Phan Thanh Hiền và một nhóm, Trò chơi dân gian Việt Nam, Tp Hồ Chí Minh, 1990, tr. 51).
Thạch Phương và Lê Trung Vũ (60 lễ hội truyền thống Việt Nam, KHXH, 1995, tr. 47-51) cho biết:
Làng Đồng Kỵ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh hàng năm mở hội từ 4 đến 6 tháng giêng. Làng tổ chức thi đốt pháo, dô ông đám.
"Sáng mồng năm, trên sân đình và ở các khu đất xung quanh lần lượt diễn ra các cuộc thi đấu vật, chọi gà, cờ tướng, bắt chạch trong chum, bịt mắt bắt dê.
Qua mồng 6 thi bánh dầy, rước sinh thực khí…" .
Hội làng Đồng Kỵ cũng đã được Toan Ánh (Hội hè đình đám, Sàigòn, 1974) giới thiệu nhiều tục lệ, trò chơi: Ôm cột, đốt pháo, múa hoa, đánh vật, tế bánh dầy, rước sinh thực khí. Nhưng không thấy kể trò chơi Bịt mắt bắt dê.
Làng Đồng Quan thuộc xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam cũ), cứ ba năm mở hội một lần vào trung tuần tháng ba âm lịch.
Đồng Quan mở hội vui thayChúng ta không được biết gì thêm về trò chơi (hay tục lệ) Bắt dê của Đồng Quan. Nó có giống Bịt mắt bắt dê của Đồng Kỵ hay không?
Thi văn, thi võ, lại bày cờ tiên
Sân đình nhạc múa đôi bên
Dưới sông chèo hát lại dìm bóng trâu
Bắt dê, bắt vịt, leo cầu
Lại đây anh kể trước sau mọi trò (…)
(Bùi Văn Cường, Phương ngôn, tục ngữ, ca dao, KHXH, 1987, tr. 79).Hoàng Đạo Thuý (Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, Hội Văn Nghệ Hà Nội, 1971, tr. 83) cho biết một điều mới lạ hơn:
"Mỗi năm, ngày 14 tháng 7 nó (chính quyền bảo hộ Pháp) mở hội "chính trung" để vui chơi, bày ra những trò nhục nhã. Nào, đào nhiều hố trong một khoảng đất, thả dê vào, rồi bịt mắt người ta cho vào đuổi, đó là trò "bịt mắt bắt dê". Trò "liếm chảo" nó để đồng hào vào lòng chảo đầy nhọ nồi, ai liếm được hào thì lấy. Trò "leo cột mỡ", trò "chọc nồi"."
Theo Hoàng Đạo Thuý thì Bịt mắt bắt dê là trò chơi của Pháp.
Sưu tập Oger (1909) có tranh vẽ trò chơi Liếm chảo, Leo cột mỡ, Chọc nồi và nhiều trò chơi khác nhưng không có tranh vẽ trò chơi Bịt mắt bắt dê. Có thể nói rằng cho đến năm 1909 người Pháp chưa đưa trò chơi Bịt mắt bắt dê vào hội Chính Trung (Nguyễn Khuyến gọi là hội Thăng Bình, Kìa hội Thăng Bình tiếng pháo reo, Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo…).
Cúng ta có hai tấm tranh dân gian vẽ trò chơi Bịt mắt bắt dê.
Một tấm được đặt tên là Lục hợp đồng xuân (Tranh, tượng dân gian Việt Nam,Mỹ Thuật Hà Nội, 1962, tr. 65), cũng được gọi là Bịt mắt bắt dê (Nguyễn Bá Vân-Chu Quang Trứ, Tranh dân gian Việt Nam, Văn Hóa, 1984). Tranh in nét đen trên nền giấy đỏ theo truyền thống tranh Hàng Trống, vẽ sáu đứa trẻ chơi Bịt mắt bắt dê. Một đứa bị bịt mắt đang tìm bắt một con dê. Ông bố bầy trẻ ngồi trong nhà uống nước, xem lũ con nô đùa ngoài sân.
Tranh Lục hợp đồng xuân đẹp nhưng tiếc rằng nó không diễn tả đúng trò chơi. Chắc chắn là không có gia đình nào lại cho trẻ con chơi đùa với một con dê có cặp sừng đáng ngại như thế kia. Dê có thể húc bậy, gây nguy hiểm, nhất là cho đứa bé gái đang bị ngã ngửa. Thêm vào đấy, sân chơi không có hàng rào, chưa dễ gì dê đã chịu ở lại chơi với đám trẻ. Đúng ra thì phải vẽ một đứa trẻ giả làm dê.
Tấm Bịt mắt bắt dê thứ nhì được Durand (sđd) giới thiệu là trò chơi của hội làng ngày xưa. Tranh vẽ một cặp trai gái, cả hai cùng bịt mắt, đang đuổi bắt một con dê. Cả ba mặc áo tơi bằng lá gồi. Bịt mắt bắt dê là trò chơi của người lớn, chơi bằng dê thật. Nhưng chơi từ bao giờ?
Xin nhờ cái ô và cái mũ trong hai tấm tranh Bắt chạch, đu đôi và Bịt mắt bắt dê (Durand, sđd) trả lời hộ.
Chắc ai cũng biết rằng cái ô và cái mũ (ngày nay gọi là mũ cát, nón cối) được người Pháp mang vào Việt Nam.
Tên ô đến từ chữ ombrelle của tiếng Pháp. Cái ô trong Nam gọi là dù. Tên dù đến từ chữ (Hán) du, nghĩa là miếng vải che mưa nắng. Các đám tang ngày xưa thường có cái phương du (tấm vải che mưa nắng hình vuông) để che cho người đi đưa đám.Cái ô tiện lợi, gọn gàng, được người Việt chấp nhận nhanh chóng. Trong sưu tập Oger (1909) đã thấy nghề làm ô. Dân tỉnh và dân quê vác ô đi ngoài đường. Học trò cắp ô đi học. Nhà trai che ô đi rước dâu.
Cái mũ của Pháp, trong Nam gọi là nón cối, ngoài Bắc gọi là mũ cát (casque), không được chấp nhận dễ dàng như cái ô. Chỉ vì muốn đội mũ này thì trước hết phải cắt cái búi tó củ hành. Đụng đến tóc là đụng đến…thuần phong mĩ tục. Kết quả cụ thể là sưu tập Oger không có tấm tranh nào vẽ người Việt đội mũ cát.
Có thể nói rằng cho tới năm 1909, tranh dân gian chưa vẽ người Việt đội mũ cát. Mặt khác, năm 1916 nhà xuất bản Xuân Lan (Hà Nội-Hải Phòng) cho in cuốn Thạch Sanh truyện bằng quốc ngữ. Trước đó đã có bản bằng chữ Nôm. Lần này sửa lại tất cả và có vẽ hình người trong truyện. Người ta thấy Lý Thông che ô, thấy cả đứa hầu đội mũ cát tân thời (casque moderne) (Durand, sđd, tr. 385).
Năm 1916, tranh dân gian mới có cái mũ cát.
Tranh Phú quý vinh hoa vạn vạn niên (Durand, sđd, tr. 458), lại vẽ một đứa bé đội mũ phớt (feutre). Tranh này được in trên tờ giấy có dòng chữ "(…) pendant les exercices 1926-19..-..28 ". Đây là một trang sổ ghi lại các hoạt động, kế toán của những năm 1926, 27, 28. Sổ sách thì phải chờ ít nhất cũng vài năm sau mới được đem bán làm giấy vụn. Như vậy thì tranh Phú quý vinh hoa vạn vạn niên phải được in vào khoảng năm 1930-1935. Suy rộng hơn thì có thể cho rằng mấy tấm tranh vẽ mũ Pháp (Phú quý vạn vạn niên, Bắt chạch, đu đôi, Bịt mắt bắt dê…) đã được vẽ và in trong khoảng thời gian từ 1916 đến 1935.
Qua một số sách vở thì có thể tạm kết luận như sau:
Xưa kia, không rõ từ năm nào, trước hay sau khi Pháp bảo hộ Việt Nam, hội làng Đồng Quan có trò chơi (hay tục lệ) Bắt dê.
Dưới thời Pháp thuộc, Pháp cho chơi trò colin-maillard tại các hội chính trung (14 Juillet). Bắt đầu từ khoảng 1916, người ta đổi colin-maillard thành Bịt mắt bắt dê, cho người bị bịt mắt đuổi bắt một con dê thật (Hoàng Đạo Thuý).
Một vài nơi bắt chước đưa trò chơi Bịt mắt bắt dê vào hội làng. Chỗ thì cho người giả làm dê (Hoàng Phê), chỗ thì chơi bằng đê thật (Nguyễn Lân).
Hội làng Đồng Kỵ xưa kia không có trò Bịt mắt bắt dê (Toan Ánh). Nếu có (Phan Thanh Hiền, Thạch Phương) thì có lẽ cũng chỉ từ khoảng sau 1954.
Tranh Hàng Trống Lục hợp đồng xuân không vẽ đúng trò chơi Bịt mắt bắt dê của trẻ con. Tranh Bịt mắt bắt dê (Durand), được vẽ sau năm 1916, có thể trong khoảng 1930-1935. Tranh này thường được các tác giả ngày nay dùng để minh họa trò chơi Bịt mắt bắt dê (Phan Thanh Hiền).
Nói tóm lại, Bịt mắt bắt dê vốn là trò chơi colin-maillard của Tây đã bị Ta…đồng hóa!
Nguyễn Dư
(Lyon, 12/2002)
[ Trở Về ]