Chim Việt Cành Nam             [ Trở Về  ]           [Trang chủ ]            [ Tác giả ]
 

Nhong nhong cưỡi ngựa "Bình Kho"
Nguyễn Dư
(Kính tặng các ông đã từng làm mưa làm gió trong làng đáo)
Ai đã sống quãng đời từ sáu, bảy, đến mười hai, mười ba tuổi, trên dải đất Việt Nam, từ Bắc vào Nam, chắc đều biết vài ba kiểu đáo.
Đáo là trò chơi của con trai. Con gái thì nhảy giây, đánh chuyền...Còn gì vui nhộn cho bằng một sân trường trong giờ ra chơi. Dưới bóng mát của cây bàng, cây sấu hay cây phượng, cây me, chỗ này một nhóm đánh đáo, chỗ kia một đám đá cầu , bắn bi. Reo hò cứ như là mổ bò... Giờ chơi bao giờ cũng quá ngắn ngủi. Lũ trẻ còn tiếc rẻ ván đáo dở dang, hẹn nhau hôm sau tiếp tục. Nếu hôm sau là chủ nhật thì sao ? " Eo ơi ! lâu thế thì làm sao đợi được ? ". Phải hẹn tới nhà nhau mà " đánh " tiếp chứ.

Trẻ con ham mê đánh đáo lắm...Chả cứ gì trẻ con, ngay cả người lớn cũng có nhiều người mê tơi vì đáo ! "Đáo" là cái trò gì mà quyến rũ như vậy ? Muốn biết là trò gì thì ta chỉ việc lật ...Mà thôi hãy khoan... Chuyện chữ nghĩa lát nữa hãy bàn...

Mời bạn đi xem đánh đáo kẻo muộn (1)(2).

Huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú, hàng năm tổ chức chơi " đáo đá " vào ngày mồng 6 tháng giêng, để chọn người làm chủ tế ở đình cho suốt năm. Những người được làng cử ra chơi phải hội đủ mấy điều kiện : trên 50 tuổi, đông con cháu, gia đình đạo đức, không tang chế.
Tại sân đình, người ta đào một cái hào. Đào xong, chính ông lí trưởng tự tay trồng hai cái cọc trong hào. Lúc chơi đáo, cứ hai cụ một ra chơi. Từ bờ hào, mỗi cụ được dùng sáu viên đá để ném vào cọc của mình. Cụ nào ném trúng giữa thân cọc, chỗ có dán tờ giấy điều là thắng cuộc, sẽ được làm chủ tế.
Làng Lũng Ngoại, tỉnh Vĩnh Yên chơi "đáo hú ", gần giống đáo đá. Người chơi vừa hú vừa ném viên đá sao cho trúng chân cọc. Mỗi người chỉ được ném một viên đá.

Làng Vọng Nguyệt, tỉnh Bắc Ninh có tục tổ chức đánh "đáo lỗ " tại sân đình vào ngày mồng 4 tháng giêng.
Tại mỗi đầu sân người ta đào 4 lỗ đủ rộng và sâu để có thể ném một viên gạch vào. Làng chọn 8 người có chức sắc ra chơi đáo . Những người này mặc bộ quần áo tế, chia làm hai phe, mỗi phe 4 người. Một hồi chiêng trống nổi lên báo hiệu bắt đầu trò chơi . Mỗi người cầm một viên gạch nhắm ném vào lỗ của đối phương. Ai ném trúng, được vào ngồi chiếu cỗ của làng. Ném không trúng thì phải lấy tà áo bọc viên gạch, đem đến bỏ vào lỗ. Bỏ rồi, đến trước bàn thờ thành hoàng làng khấn : "Con trót vụng về để thua ván đáo, vạn lạy ngài, xin ngài xá tội cho con".

Nổi tiếng và bình dân nhất có lẽ là "đáo đĩa" được tổ chức tại Bắc Ninh và Bắc Giang.
Người chơi đáo đứng ở vạch cấm, ném đồng tiền vào một chiếc đĩa đặt trong một cái mẹt. Nếu đồng tiền nằm trong đĩa thì người chơi (nhà con) thắng giải. Văng ra mẹt thì thua, người tổ chức (nhà cái) ăn đồng tiền ấy. Văng ra khỏi mẹt, rơi xuống đất thì hòa, người chơi được lấy lại đồng tiền.
Đáo đĩa khó hay dễ, tùy theo đĩa nhỏ hay lớn, vạch cấm xa hay gần. Giải thưởng có thể bằng tiền hay gói trà tàu, hoặc vuông nhiễu điều.

Có nơi thay đổi cách chơi, biến đáo đĩa thành "đáo ô ". Chiếc đĩa được thay bằng chiếc khay kẻ ô. Mỗi ô được sơn màu trắng hay đen để phân biệt ô được, ô thua. Người chơi đứng ở vạch cấm ném đồng tiền vào khay. Tiền nằm trong khay thì theo màu ô mà định được thua. Tiền văng ra ngoài khay thì hòa.

Đáo đĩa, đáo ô là hai trò chơi thường có ăn thua tiền bạc giữa nhà cái và nhà con. Nếu chỉ muốn mua vui, thử thời vận đầu năm, hay chỉ muốn khoe tài giữa bạn bè thì chơi "đáo cọc" của làng Lũng Ngoại, tỉnh Vĩnh Yên.
Người ta trồng một cái cọc ở một mé sân đình. Đầu cọc cắm cờ ngũ sắc, vừa đẹp vừa dễ thấy từ xa. Sáng mồng 3 Tết, ông tiên chỉ của làng làm lễ tại đình, rồi ra ném viên đá đầu tiên, khai mạc cuộc chơi. Người chơi đáo đứng ở vạch cấm, ném những viên đá tròn tới chân cọc. Viên đá của ai nằm gần chân cọc nhất thì người đó thắng cuộc. Trò chơi càng hào hứng, vui nhộn mỗi khi có ai nhắm đánh văng bật viên đá của người khác ra xa chân cọc !

Chơi đáo tại hội làng là thú vui của người lớn, đúng hơn là của các ông. "Phép vua thua lệ làng". Lệ làng là như vậy ! Trẻ con chỉ được quyền chầu rìa, vỗ tay. Nghĩ cũng tức thật ! Chẳng lẽ con cháu cứ đứng nhìn cha ông vui chơi ? Bỗng một ngày nào đó, trong đám trẻ nảy ra một bộ óc thông minh đầy sáng tạo, dám nghĩ rằng " Lệ làng phải hàng... luật trẻ ". Bộ óc này đã cả gan cải tiến, đổi mới những kiểu chơi của người lớn thành những trò tiêu khiển hoàn toàn của trẻ con : đó là những lối đánh đáo ngoạn mục và hào hứng.
Phổ biến nhất phải kể hai món "đáo lỗ ""đáo tường ".

Đáo lỗ chơi chỗ nào cũng được, bao nhiêu người chơi cũng được, trừ...chơi một mình ! Chỉ cần khoét một cái lỗ dưới đất, to nhỏ, nông sâu tùy theo thỏa thuận giữa người chơi. Muốn dễ chơi thì khoét lỗ to và sâu nằm giữa bãi đất. Những tay lão luyện thì chỉ cần một lỗ vừa khít kích thước đồng cái, thường là đồng hai hào ngày xưa, xấp xỉ bằng đồng 1 euro (tiền của Cộng đồng Châu Âu). Để làm tăng thêm khó khăn, các bậc đàn anh thường chọn chỗ đất nghiêng, khoét lỗ gần một chướng ngại vật, cạnh một gốc cây, sát một mảnh chai chẳng hạn ! Cạnh lỗ kẻ một lằn mức. Cách lằn mức này độ hai, ba mét là vạch cấm. Đáo lỗ có nhiều luật lệ, tùy theo giao ước giữa người chơi.
Bắt đầu phải "đi cái" để định thứ tự chơi. Từ vạch cấm, ai thảy đồng cái gần lỗ nhất (trường hợp lí tưởng là...bít kín lỗ), được chơi trước. Người chơi đứng ở vạch cấm thảy tiền đáo (tiền góp) lên quá lằn mức. Nếu có đồng nằm dưới lằn mức thì bị thua hoặc bị phạt, phải góp thêm tiền. Đồng nào chạm hoặc rơi vào lỗ thì người khác được quyền đặt lại vào bất cứ vị trí nào. Trường hợp có nhiều đồng chồng dính lên nhau, người khác được tùy ý xếp lại thành đống lớn. Nếu người chơi đánh tan hết đống tiền thì thắng ván đáo, đánh tan một phần thì chỉ được những đồng đánh tan nàỵ Đây là lúc phải "bày binh bố trận " sao cho khéo, phải nghĩ ra những mẫu kiến trúc tân kì, đụng đến là văng tung toé, va chạm lung tung, người chơi sẽ bị phạt. Nếu không có tiền chồng dính nhau, thì người khác được chỉ định bất cứ đồng nào, người chơi phải đánh trúng đồng đó. Đặc biệt là đồng nằm đụng lằn mức, đánh trúng nhưng vẫn còn phải nằm đụng lằn mức ! Lúc đánh, nếu chạm bất cứ đồng nào khác, ngoài những đồng được chỉ định, là bị phạt. Đánh văng xuống dưới lằn mức hoặc chạm vào lỗ cũng bị phạt !
Lúc bắt đầu một ván đáo, mỗi đứa góp vài ba hào. Sau vài lần phạt, số tiền cứ tăng dần. Thỉnh thoảng có ván lên đến mấy đồng, bàn tay trẻ con cầm không hết, cả bọn phải đồng ý lấy bớt để ra ngoài ! Bắt đầu hồi hộp, gay cấn rồi đấy !
Có những cú đánh "thần sầu quỷ khốc ", đáng được ghi vào sách vở ! Có những ván "bất phân thắng bại ", cuối cùng đành phải hòa. Cao thủ gặp nhau mà lị !
Kẻ mới nhập môn làng đáo, còn e ngại đáo lỗ khó chơi, thường bắt đầu bằng "đáo điệu", còn gọi là "đáo thủ ". Đáo điệu dễ hơn đáo lỗ ở chỗ...không có lỗ. Chỉ có lằn mức và vạch cấm. Giản dị hơn nữa thì chỉ khoét lỗ, không vạch lằn mức. Từ vạch cấm, thi nhau thảy đồng tiền vào lỗ. Trò chơi này có nơi cũng gọi là "đáo lỗ ", có nơi chỉ gọi trống không là đáo để phân biệt với đáo lỗ có nhiều luật lệ kể ở trên.
Tại các thành phố lớn, vỉa hè được tráng xi măng, nhiều lúc không tìm ra khoanh đất để khoét lỗ, đành phải vẽ một vòng tròn con con thay vào. Cách chơi tuy không thay đổi nhưng trò chơi đã giảm mất đôi phần thú vị. Thảy đồng cái vào lỗ là cả một tích lũy kinh nghiệm, kết quả của luyện tập lâu ngàỵ Đất mềm hay cứng, nhẵn hay mấp mô ? tùy địa hình mà đưa ra lối chơi thích hợp. Thảy tiền trên nền xi măng thì còn gì là hứng thú, hấp dẫn ! Còn đâu cái khoảnh khắc hồi hộp nhìn đồng tiền lướt nhẹ trên mặt đất, từ từ bít kín lỗ đáo ?
Đứa khó tính bĩu môi "Chán bỏ xừ ". Thế là cả bọn nhao nhao "Ừ, chán bỏ xừ, chơi đáo tường thích hơn ".
"Đáo tường ", còn gọi là "đáo đập ", chỉ cần một lằn mức. Lúc chơi đập đồng tiền vào tường cho văng rạ Đồng nào nằm gần lằn mức là hơn, vượt quá là thua. Đứa thứ nhất được lấy đồng của mình chọi đồng của đứa thứ nhì. Chọi trúng thì được ăn đồng ấy và được chọi tiếp đồng của đứa thứ ba...Nếu chọi không trúng đồng nào thì đến lượt đứa có đồng ấy được chọi những đồng tiếp theo. Cứ lần lượt như vậy cho đến hết.
Đáo tường chơi mau chán vì có ít luật lệ. Nếu chán thì còn "đáo móc ", gần giống đáo tường, chỉ khác ở chỗ lúc đập đồng tiền vào tường, bắt buộc phải đập móc, nghĩa là phải vung tay theo chiều từ dưới lên trên. Đồng tiền văng theo đường cầu vồng trước khi chạm mặt đất.
Khó khăn lớn nhất của đáo tường, đáo móc là kiếm cho ra một bức tường để chơi mà không bị người lớn xua đuổi ! Nhiều khi không kiếm ra tường phải đập tạm vào cột, vào gốc cây. "Cười gượng còn hơn mếu "!
Sau một buổi đáo sôi nổi, bức tường được trang điểm lấm tấm, đẹp như mặt rỗ hoa ! Bọn trẻ không hiểu nổi tại sao các bậc cha mẹ lại không ưa, không thích, thậm chí còn ghét hai món đáo này ?
Thỉnh thoảng gặp cơn khó khăn, cả bọn trần như nhộng , không có đồng xu dính túi, hoặc bị mẹ cấm đánh bạc , chỉ còn nước rủ nhau giải trí lành mạnh , đánh đáo bằng một nắm xèng. Đồng xèng là cái nắp bia bằng sắt được đập cho thành hình tròn bằng phẳng. Đồng cái là một mảnh ngói hay một miếng gạch con con.
Mấy đứa thua phải làm ngựa cõng đứa được, chạy nhong nhong quanh gốc cây, hay chạy rồng rắn lượn qua lượn lại một vòng. Ngô Quý Sơn gọi con ngựa của trẻ con này là "ngựa Bình Kho " (le cheval Bình Kho)(2). Nhưng ông không cắt nghĩa, không nói tại sao lại gọi như vậy ? Ngô Quý Sơn đã treo lủng lẳng một cái dấu hỏi trước mặt mọi người.
Đã từng một thời mê đánh đáo, khoái chí quất ngựa nhong nhong bù lại những lúc phải cong lưng chở nặng chạy loanh quanh, tôi cứ bứt rứt, muốn tìm cho ra con ngựa Bình Kho này.
Tôi tự đặt câu hỏi :
1) Bình Kho là tên người, tên một giống ngựa, hay tên một nơi nuôi ngựa nổi tiếng ?
Tìm kiếm trong mấy bộ sách sử kí, địa lí, phong tục đang có thì không thấy tên Bình Kho.
2) Bình Kho là do đọc trại từ tên nào khác ?
Tôi tìm được ba tên phát âm gần giống Bình Kho :
- Bình khấu, một chức quan đi dẹp quân làm loạn (Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị).
- Bình khung, một loại giường (Nguyên Hồng, Sóng gầm).
- Bình Khang, nơi nổi tiếng nuôi "ngựa người " của...người lớn (Nguyễn Du, Kiều).
Trong ba tên, chỉ có "bình khấu " là tương đối sát nghĩa. "Ngựa bình khấu " có thể tạm hiểu là ngựa của ông quan có nhiệm vụ đi dẹp loạn. Hình ảnh ông quan cưỡi ngựa, có lính đi hầu, rất thích hợp với trò chơi của trẻ con. Mặc dù thuở nhỏ chúng tôi chỉ biết con ngựa :
Nhong nhong ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn.
Thật là may ! Phải reo lên là thích quá, sướng quá, gần đây tôi đã tìm ra tông tích con ngựa Bình Kho , trong bộ tranh dân gian Oger. Tấm tranh vẽ trẻ con làm ngựa chơi đùa. Tên tranh được viết là "Làm ngựa Bình Vu " (hai chữ Bình Vu tôi tạm đọc theo chữ hán).
Vậy Bình Vu là gì ?
a) Tên Bình Vu cũng như Bình Kho, không có trong sách.
b) Chữ Bình có thể đọc ra tiếng nôm thành Bằng. Nếu vậy, phải trả lời câu hỏi : trẻ con làm ngựa bằng...gì ? Chỉ có thể bằng vai, bằng tay, bằng lưng, hay bằng kiệu. Mấy chữ nôm vai, tay, lưng, kiệu viết hoàn toàn khác chữ vu trong tranh.
c) Chúng ta thử tra nghĩa của hai chữ bình vu .
- Chữ bình , nghĩa là bằng phẳng, yên ổn. Chữ bình có rất nhiều chữ đồng âm. Ngoài những chữ bình được ghi trong cả hai cuốn Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh (3) và Hán Việt tự điển của Thiều Chửu (4), cuốn Thiều Chửu còn có thêm một chữ bình mà cuốn Đào Duy Anh không có. Đó là chữ bình (bộ nhân) , nghĩa là sai khiến, bắt làm một việc gì.
- Chữ vu (cũng đọc là hu, Thiều Chửu), nghĩa là quanh co. Chữ này có đánh dấu cá, báo hiệu là không được đọc theo tiếng hán.
Bình vu đọc theo nghĩa, có thể là :
- Bằng phẳng, quanh co. Tên tranh trở thành " làm ngựa chạy quanh co trên một mặt phẳng" (sân, vỉa hè). Rất đúng với hình học không gian ! Nhưng đặt trong bối cảnh bộ tranh dân gian, tả một trò chơi của trẻ con, tôi nghĩ rằng nghệ sĩ bình dân không giàu tưởng tượng, cầu kì đến mức đó !
- Sai khiến, quanh co. Tên tranh bây giờ có nghĩa là "làm ngựa (bị sai khiến) chạy quanh co". Đúng là con ngựa nhong nhong thân yêu của chúng tôi. Đứa được bắt đứa thua cõng chạy một vòng. Nhóc nào đã chơi đáo giải trí hẳn đều biết con ngựa này.
Theo tôi, chữ bình trong tranh viết thiếu bộ nhân, thiếu cả dấu cá để lưu ý người đọc !
Tại sao Ngô Quý Sơn lại đọc chữ vu thành chữ kho ? Tôi phỏng đoán có thể Ngô Quý Sơn nhầm chữ vu của tranh với chữ vu nghĩa là khoai(bộ thảo), rồi đọc âm khoai thành kho.
Trở lại chuyện đáo.
Đáo có từ thời nào ? Không ai trả lời đích xác được. Nhưng chắc chắn là đáo đã xuất hiện từ lâu, được chơi trong lễ hội cổ truyền của nhiều làng quê miền Bắc. Có giả thuyết cho rằng "đáo hú " của làng Lũng Ngoại được tổ chức để tưởng nhớ bà Lê Ngọc Trinh, một nữ tướng của Hai Bà Trưng, người đã bày ra trò chơi trong khi luyện tập binh sĩ (1).
Tên đáo từ đâu mà ra ? Rất có thể là từ chữ đáo của tiếng hán, nghĩa là đến, đến nơi đến chốn. Chơi đáo chính là ném một vật gì đến cái đích.
Định nghĩa của đáo là gì ? Chúng ta lật tự điển :

- Đáo : cuộc chơi, đào lỗ dưới đất, đứng xa xa mà thảy vật gì nhằm lỗ (Huỳnh Tịnh Của) (5).
- Đáo : Jeu d'enfants consistant à lancer une sapèque contre un but (Gustave Hue) (6).
- Đáo : Trò chơi của trẻ em, ném đồng tiền hoặc vật tương tự vào một cái đích (Hoàng Phê) (7).
Định nghĩa của Hoàng Phê gần giống định nghĩa của Gustave Hue.
Cả ba định nghĩa trên đều còn thiếu sót. Huỳnh Tịnh Của chỉ nói đến đáo lỗ. Gustave Hue và Hoàng Phê lại bỏ quên mất... người lớn. Vâng, chính người lớn, các ông lớn ở làng, đã bày ra trò chơi đáo trước trẻ con.
Văn Tân (8) định nghĩa một cách tổng quát hơn :
- Đáo : Trò chơi quăng đồng tiền hay một vật gì vào một cái đích.

Non nửa thế kỷ rồi mà đôi lúc còn bùi ngùi mường tượng đến cái đám tí nhau, được người đời liệt vào hàng thứ ba, sau quỷ và ma... Đứa còn đứa mất. Đứa lên ông, đứa xuống thằng. Phiêu bạt nơi đất Mỹ, trời Tây hay vẫn ngày ngày đi về mấy con đường năm xưa.
Gặp lại, chắc chắn mấy mái tóc hoa râm chẳng ai nhận ra ai. Nhưng nếu gợi lại những buổi trưa hè, đánh đáo vã mồ hôi, thì có lẽ tất cả sẽ cười ồ lên, ôm chầm lấy nhau !

Nguyễn Dư
(1)- Phan Thanh Hiền và một nhóm :Trò chơi dân gian Việt Nam
NXB TP Hồ Chí Minh,1990.
(2)- Ngô Quý Sơn : Jeux d'enfants du Vietnam
Sudestasie, Paris, 1985 (in lại).
(3)- Đào Duy Anh : Hán Việt từ điển
NXB Trường Thi, Sài Gòn, 1957.
(4)- Thiều Chửu : Hán Việt tự điển
NXB TP Hồ Chí Minh, 1993.
(5)- Huỳnh Tịnh Của : Đại Nam quốc âm tự vị
NXB Rey, Saigon, 1895.
(6)- Gustave Hue : Tự điển Việt-Hoa-Pháp
NXB Trung Hòa, 1937.
(7)- Hoàng Phê và một nhóm : Từ điển tiếng Việt
NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1988.
(8)- Văn Tân và một nhóm : Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.

[ Trở Về  ]