Chim Việt Cành Nam             [ Trở Về  ]           [Trang chủ ]            [ Tác giả ]

Phong tục Việt Nam

Đem con bỏ chợ
Nguyễn Dư
Thành ngữ Đem con bỏ chợ ngày nay được tất cả những người bình thường, đầu óc tỉnh táo hiểu là Giúp đỡ nửa vời, giữa chừng bỏ dở, gây tình cảnh nhỡ nhàng, bơ vơ (Thành ngữ tiếng Việt, Khoa Học Xã Hội, 1978). Đem con bỏ chợ hiển nhiên là một hành động xấu, đáng bị phê bình kết án ! Chỉ có người điên, mắc bệnh tâm thần, hay đang say tít cung thang mới liều lĩnh, dám dại mồm dại miệng nói rằng Đem con bỏ chợ  là một việc làm có mục đích tốt, do tình thương yêu thúc đẩy! 

Thế nhưng?

Trời say trời cũng đỏ gay
Đất say đất cũng lăn quay ai cười?
Nào ai tỉnh, nào ai say ? Lỡ mà người say lại có cái lí của người say, người tỉnh lại có cái nhầm của người tỉnh thì ăn làm sao nói làm sao đây ?

Ai tỉnh ai say, ai đúng ai sai, Đem con bỏ chợ là cái trò gì, ý nghĩa của nó ra sao ? 

Đây là một phương thuật, một phong tục xưa của ta được tranh dân gian ghi lại.

Thôn quê vốn là nơi lắm thầy nhiều ma. Tục xưa tin rằng những đứa bé hay đau yếu, khó nuôi là vì chúng bị ma quỷ ám. Muốn cho trẻ con khỏe mạnh béo tốt, dễ nuôi, thì chỉ việc trừ ma diệt quỷ. Cũng may là ma nhiều thì cũng có nhiều cách trừ ma. Người thì mang oản chuối lên chùa lễ Phật, kẻ thì sắm vàng hương đến đền cầu Thánh. Phật, Thánh mà không xong thì phải mời thầy phù thủy, thầy pháp về nhà dùng bùa chú ấn quyết đuổi tà, trị ma? 

Có người chọn phương thuật Đem con bỏ chơï, giản dị ít tốn kém. 

Đem con bỏ chợ  nghĩa là người mẹ bế con đến chợ, đặt con nằm đó, rồi bỏ đi. Một lát sau sẽ có người tới ẵm đứa bé về nhà mình. Người này được cha mẹ đứa bé nhờ và hẹn sẵn từ trước. Ngay chiều tối hôm đó hoặc một vài ngày sau, người mẹ sẽ đến xin chuộc đứa bé về. Làm như vậy đứa bé sẽ hết đau yếu, dễ nuôi.

Tại sao phải đưa con tới chợ chứ không đưa tới chỗ nào khác ? Đưa tới chợ để làm gì ? Nói khác đi, ý nghĩa của Đem con bỏ chợ là gì ? Câu trả lời thứ nhất là vì người mẹ muốn có người trợgiúp con mình. Câu trả lời thứ nhì là vì người miền Bắc phát âm sai, không phân biệt trợ (giúp) với chơï (búa). Do đó chợ và trợ được xem là đồng âm. Thế là chợ được mang ý nghĩa làtrợ giúp! Đưa con ra chợ là để tìm người giúp, tìm sự trợ giúp. 

Người được chọn để giúp đứa bé ít nhất phải là người đông con, đứa nào cũng khỏe mạnh, dễ nuôi. Bế đứa bé về nhà mình, người giúp sẽ truyền sang đứa bé tất cả những điều tốt. Đứa bé được khước sẽ dễ nuôi, khỏe mạnh béo tốt. 

Rõ ràng hành động Đem con bỏ chợ  ngày xưa không phải là bỏ rơi, gây cảnh nhỡ nhàng, bơ vơ cho đứa bé. Trái lại, đây là một hành động nhằm mục đích tốt, mặc dù được phát xuất từ mê tín dị đoan. Tấm tranh Đem con bỏ chợ cho thấy cả mẹ lẫn con đều vui vẻ. Đứa bé được quấn tã đắp chăn, đặt nằm trong chiếc nón ba tầm thắt quai thao tươm tất. Người mẹ đã sửa soạn chu đáo cho con. Chắc chắn đây không phải là cảnh Đem con bỏ chợ chia lìa sầu thảm theo cách hiểu phổ biến ngày nay.
 

Tục Đem con bỏ chợ giản dị, dễ thực hiện. Tuy nhiên, ngày xưa nhiều làng đất hẹp người thưa không có chợ. Tại những nơi hẻo lánh như vậy, người mẹ phải chờ đợi phiên chợ của làng bên mới bế con đến bỏ được. Phải chăng vì muốn tránh đi xa vất vả mà về sau tại những nơi không có chợ người ta Đem con bỏ ngã ba đường cho tiện (Nhất Thanh, Đất lề quê thói, Đại Nam, tr. 32; Toan Aùnh, Phong tục Việt Nam, Khai Trí, 1968, tr.394) ? Tuy mục đích của phương thuật không thay đổi, vẫn là nhờ người giúp đứa bé, nhưng thay chợ (trợ) bằng ngã ba đường thì ý nghĩa đã trở thành khó hiểu, khó giải thích. 

Cũng nhằm mục đích chăm sóc trẻ con bị gày còm, ốm yếu ngoài phương thuật Đem con bỏ chợ, còn mẹo Bế con qua linh cữu  đám ma.

Về mặt chữ nghĩa thì quan tài (còn gọi là áo quan hay nôm na là săng, hòm) là từ chỉ đồ vật được dùng để đựng thi hài (xác chết). Khi xác chết được tẩm liệm, đặt vào quan tài rồi, thì chiếc quan tài có xác chết này được gọi là cữu hay linh cữu. Ta thường nói đi mua, đi sắm quan tài (nhiều nhà lo rằng sau này không có tiền, mua sẵn cỗ áùo quan để trong nhà), và làm lễ chuyển cữu (xoay linh cữu). 

Chữ cữu (linh cữu) đồng âm với chữ cữu (nghĩa là tội lỗi, xấu xa). Chữ cữu thứ hai này còn có âm đọc là cao (Thiều Chửu).

Chữ cao (bộ nhục) nghĩa là mỡ, to béo (cao lương mĩ vị: thịt béo gạo trắng thức ăn ngon).

Từ chữ cữu (linh cữu) người ta suy diễn ra thành chữ cao (to béo). Đứa bé chui qua linh cữu sẽ được trở thành to béo. Người ta lại còn để ý kén chọn đám ma của một cụ già ăn ở phúc đức để cho đứa bé vừa được béo tốt khỏe mạnh vừa sống lâu, hưởng nhiều phúc đức !

Toan Aùnh (sđd, tr.476) cho biết thêm phương thuật kéo lê con quanh ngôi mả mới cũng để chữa trẻ con bị sài mòn. Có thể đây chỉ là biến dạng của phương thuật Bế con qua linh cữu. Chui qua linh cữu lúc đưa ma thì phải xin phép thân chủ, làm phiền những người đi đưa. Chờ cho chôn cất xong, mọi người ra về hết rồi mới dắt con hay bế con đi quanh ngôi mả thì khỏi làm phiền bất cứ ai. Đứa bé chui qua linh cữu hay lê quanh linh cữu đã được chôn thì ý nghĩa cũng tương tự như nhau. 

Lại có người cố xin bát cơm cúng đặt trên linh cữu đem về cho con ăn để chữa bệnh sài đẹn (Toan Aùnh, sđd, tr.524). Phương thuật này cũng dùng linh cữu để chữa trẻ con gày còm. Cái béo tốt của linh cữu được bát cơm làm trung gian, truyền sang đứa bé.

Ngày xưa còn có tục Bế con qua bụng voi .

Mới nghe tên người ta có thể tự hỏi Bế con qua bụng voi có liên hệ gì với Bế con qua linh cữu hay không ?

Trước hết xin nói thêm là chữ bụng (nôm) còn có thể đọc là bóng nên tùy nơi tùy người phương thuật còn được gọi là Bế con qua bóng voi . Trên thực tế thì không ai chui qua dưới bụng voi được, huống hồ người mẹ lại còn ẵm con, vì vậy tôi cho rằng tên tranh phải được đọc là Bế con qua bóng voi  mới hợp lí, mới đúng. Tấm tranh dân gian vẽ người mẹ bế con đi đến gần một con voi, người cha nằm thoải mái trên lưng voi, ở góc tranh có bốn chữ hán Trĩ dưỡng chi nhân (nuôi trẻ con).

Tục này mang ý nghĩa gì ?

Có người dựa vào thân hình con voi để giải thích. Voi là con vật to lớn, khỏe mạnh nhất trong các loài. Khỏe như vâm, khỏe như voi, to như voi là mấy thành ngữ thường nghe nói. Bế đứa bé qua bóng voi, đứa bé sẽ được khước, được hưởng cái to lớn, khỏe mạnh của voi. Giải thích này đương nhiên đi đến kết luận là Bế con qua bóng voi   là phương thuật chữa gày còm ốm yếu, nghĩa là nhắm cùng mục đích với phương thuật Bế con qua linh cữu.

Giải thích như vậy, mặc dù có phần hợp lí, vẫn chưa đầy đủ. Nó mới chỉ dựa vào hình dáng bên ngoài của con voi chứ chưa cho chúng ta biết vai trò của người cha đang nằm trên lưng voi. Vả lại câuTrĩ dưỡng chi nhân cũng chỉ muốn nhấn mạnh đây là một tục về cách nuôi trẻ con, không phân biệt trẻ con gày yếu hay khỏe mạnh. Vậy con voi và người cha còn muốn nói lên điều gì khác chăng?

Xin bàn về con voi. 

Chữ voi (nôm) thường được viết bằng hai cách: viết theo âm thì dùng bộ khuyển và chữ vi (hán), viết theo nghĩa thì dùng chữ tượng (hán). Tấm tranh dân gian được đem ra bàn ở đây dùng chữ tượng chứ không dùng chữ vi. 

Theo Génibrel, tượng hiền  có nghĩa là: semblable au sage (người khôn ngoan), fils vertueux (người con có đạo đức). Thiều Chửu và Đào Duy Anh cũng cho biết nhiều nghĩa của chữ tượng , trong đó có nghĩa là: gương mẫu, phép tắc. Con voi (tượng) được mang ý nghĩa tượng trưng cho người khôn ngoan, ăn ở có đạo đức, có phép tắc, một người gương mẫu. Bế con qua bóng voi  để con được hưởng những đức tính tốt của tượng, tượng hiền, thành người gương mẫu, ăn ở có đạo đức, đúng phép tắc. 

YÙ nghĩa của phương thuậtBế con qua bóng voi được gói ghém trong chữ tượng. 

Theo quan niệm quân, sư, phụ của Khổng giáo, người cha có trách nhiệm giáo dục con cái thành người. Vì thế mà khi làm phương thuật bắt buộc phải có mặt của người cha. Hơn nữa, người cha còn được đặt nằm trên lưng voi, ở vị trí cao hơn vợ con, đúng với tinh thần Khổng giáo. 

Xem vậy thì Bế con qua bóng voi  chỉ mang ý nghĩa tinh thần, đạo đức. Phương thuật này không nhằm mục đích chữa cho con khỏi gày còm, ốm yếu. Cha mẹ đứa bé muốn con mình trở thành một tượng hiền, một mẫu người của Khổng giáo.

Không nói ra nhưng chắc ai cũng hiểu rằng phương thuật Bế con qua bóng voi  dùng con voi giấy hàng mã. Voi giấy không những có thể mua được, lại còn đẹp và an toàn hơn voi thật !

Hai phương thuật kể trên nếu không có lợi thì cũng chẳng có hại gì cho sức khỏe của đứa bé. Đáng tiếc là bên cạnh những trò vô thưởng vô phạt của mê tín dị đoan, thỉnh thoảng cũng có phương thuật rất nguy hiểm, nguy cho tính mạng. Chẳng hạn như cho trẻ con hay trớ uống nước lòng đò .

Nước lòng đò là nước đọng lại trong lòng con đò chở người qua sông. Rõ ràng đây là nơi chứa đựng và phát sinh ra vi trùng của nhiều bệnh tật. Thế mà người xưa dám cho trẻ con uống để chữa bệnh hay trớ (ói, oẹ). Chắc chắn là nước lòng đò chẳng có dược tính thần diệu nào cả ! Nếu vậy thì chúng ta phải tự hỏi trớ có liên hệ gì với đò chăng ?

Chữ trớ (hán) nghĩa là nguyền rủa (Thiều Chửu). Trớ còn có âm khác là thư (bộ khẩu), nghĩa là Khấn với quỷ thần gia họa cho người khác cho bõ ghét (Đào Duy Anh) . 

Chữ thư làm tôi sực nhớ lại những mẩu chuyện phiêu lưu đường rừng rùng rợn ?

Ta thường được nghe thuật lại rằng có nhiều người bị thư nghĩa là bị người thuê các đồng bào Mường hoặc Thượng thư vật gì vào thân thể phải tìm cho được người thư ấy, họ kéo thư về thì mới khỏi bệnh được. Có người bị thư quả trứng, miếng mảnh sành, bó giẻ v.v?vào trong bụng không sao lấy ra được. Theo những lời thuật lại thì dù người bị thư có được bác sĩ giải phẫu lấy vật thư ra, rồi sau đó vật thư cũng vẫn sẽ trở lại vào trong người nếu người thư chưa kéo thư về (Toan Aùnh, sđd, tr. 474). 

Thư của đồng bào Mường, Thượng (sau này thêm cả người Miên) có thể bỏ được cả quả trứng, mảnh sành, bó giẻ vào bụng, được bác sĩ giải phẫu cũng không trừ tiệt được. Ai nghe mà không sợ. Từ chỗ sợ bị thư nhiều người quay ra nghi ngờ sợ hãi luôn cả đồng bào Mường, Thượng, mất cả tin tưởng vào bác sĩ nhà thương. Từ chỗ nhờ quỷ thần gia họa cho người khác, người ta đã chuyển sang thuê đồng bào Mường, Thượng hại người khác.

Trở lại trường hợp trẻ con bị trớ. Người xưa chữa như thế nào?

Bị trớ (bị thư) có nghĩa là bị ai nhờ quỷ thần, tà ma ám hại. Chỉ có trời Phật, thần thánh mới diệt trừ được ma quỷ. Hết ma quỷ là hết bệnh. Tiếng nhà Phật gọi hành động cứu vớt người qua cơn hoạn nạn, đưa người vượt qua bể khổ, tế độ.

Cầu Thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán Thu phong đứng rũ tà huy
               (Cung oán ngâm khúc, bản Tôn Thất Lương) 
Chữ độ (bộ thủy) còn có nghĩa là đưa người qua sông, là bến đò. Chữ đò (nôm) của Việt Nam là do từ chữ độ (hán) này mà ra. Con đò được mang ý nghĩa là cứu vớt người bị nạn.

Rốt cuộc, muốn trừ ma quỷ để cứu đứa bé, người ta phải dùng con đò. Đò và thuyền tuy không khác nhau là mấy nhưng phương thuật không nói đến thuyền, không dùng nước lòng thuyền, vì thuyền không mang ý nghĩa của chữ độ và con đò. Trên thực tế chả mấy ai ở gần bến đò, lại càng không có sẵn đò ở trong nhà nên người ta phải dùng vật gì có đụng chạm, tiếp xúc với con đò, chẳng hạn như nước đọng trong lòng đò. 

Tóm lại, cho đứa bé uống nước lòng đò là để trừ ma quỷ, chữa cho nó khỏi bị thư, tức là khỏi bị trớ

Phương thuật Cho trẻ con hay trớ uống nước lòng đò thật là nguy hiểm, không đếm xỉa gì đến phép vệ sinh sơ đẳng. Phương thuật này tai hại không thua gì phương thuật Cho đàn ba øđẻ khó uống nước ao (Xem bài Phong tục về sinh đẻ. Chỉ xin nhắc lại ở đây là chữ ao có nghĩa là lõm xuống. Cho đàn bà đẻ khó uống nước ao là để cho bụng lõm xuống, nghĩa là để đẻ được).

Xưa kia, bọn chữ nghĩa nửa mùa đã suy diễn bậy bạ để dìm đám dân quê thiếu học trong mớ mê tín dị đoan tối tăm. Bên cạnh những phương thuật chỉ có mục đích làm giàu cho bọn buôn thần bán thánh, có nhiều phương thuật có thể làm chết người. 

Nguyễn Dư
Lyon, 9/2001

[ Trở Về ]