Chim
Việt Cành Nam
[ Trở Về
] [ Trang
chủ ]
[ Tác giả ]
|
|
Tranh sơn mài khảm xà cừ độc đáo ở Bình-Dương An-Tiêm MAI-LÝ-CANG (Paris) |
Trước hết,
phải thực tế nói rằng nếu đem so bì với những tỉnh có
nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên khác, thì Bình-Dương
không phải là một nơi có thế mạnh về ngành du lịch để
cho người ta tìm đến tham quan, chiêm ngưỡng mọi dáng vẻ
đẹp lôi cuốn lạ lùng kỳ thú. Ngược lại, nếu nói về
thắng cảnh nhân tạo có tầm cỡ lớn nhất ở trong nước,
thì Bình-Dương chính là một điểm hẹn dừng chân ở miền
Đông Nam-Bộ đầy thú vị tuyệt vời dành cho những cuộc
hành trình khám phá vùng đất ở phương Nam.
Trên vị trí địa bàn đất đai phố thị, hoàn cảnh dân sinh xã hội xoay quanh thành phố Hồ-Chí-Minh, thì mảnh đất Bình-Dương nhờ có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên thích hợp với các công trình kiến thiết xã hội. Và tái phối trí các cơ sở hạ tầng, để cho người ta có thể dễ dàng mở mang phát triển quá mau lẹ mà ít gặp phải những vấn đề phức tạp hơn là nhiều tỉnh khác. Đó chính là do yếu tố địa hình trù mật nằm trong bản đồ, mà Bình-Dương may mắn nằm lọt vào trong khu vực có vị trí đất đai tương đối bằng phẳng, hệ thống sông ngòi, núi non, thảo mộc thành hình trong điều kiện vô cùng thuận lợi, để tạo thành một cảnh quan địa phương có bản sắc riêng và phải nói là phong phú, đa dạng. Đường về Bình-Dương ngày nay quá quen thuộc với người trong nước, và ngay cả với những thành phần là người nước ngoài từ bao năm qua tới lui làm việc đầu tư, kinh doanh, du lịch. Nếu chừng vài thập niên trước đây, người ta chỉ biết có Bình-Dương qua hình ảnh của những dãy phố cũ bạc màu bao xung quanh ngôi chợ Thủ-Dầu-Một cạnh con sông Sài-Gòn lững lờ chảy ngang qua...
Còn bây giờ, thì chính là thời điểm tương lai của thời quá khứ mà Bình-Dương hoàn toàn đã bị đổi thịt thay da đến nỗi chính những người dân sở tại xa cách lâu ngày, nay khi có dịp trở về thăm lại cố hương, thì cũng không còn có thể nhận diện ra được đâu là mọi hình ảnh kỷ niệm thuở xa xưa! Riêng đối với người dân Sài-Gòn chính cống hồi đó cũng vậy! Cái thú vị khi đi về làng trái cây ở Bình-Dương, để thư dãn êm ả vào mỗi cuối tuần ngày trước, nay đã được thay vào bằng cảnh quan của một địa điểm du lịch hiện đại, hoành tráng đứng đầu trong cả nước. Và từ lâu, khu du lịch nầy hằng năm cũng đã từng thu hút được bằng con số hàng triệu người ở khắp mọi miền tìm đến để viếng thăm công trình kiến trúc tân kỳ, đồ sộ có một không hai ở tại nước nhà.
Ngoài ra, về mặt phát triển kinh tế xã hội địa phương thì Bình-Dương cũng là một trong những vùng đất đi tiên phuông trải thảm đón chào kêu gọi doanh nhân nước ngoài vào hợp tác đầu tư với rất nhiều dự án phát triển công nghiệp hiện đại từ mấy thập niên qua, và đã được đánh giá coi như là những thí điểm từng đạt chỉ tiêu thành công tốt đẹp. Hồi trước khi chưa có cái tên hành chánh là Bình-Dương, thì người dân Nam-Bộ thường hay gọi tắt cái tên của miền nầy là đất"Thủ", tức là Thủ-Dầu-Một. Và một phần về địa lý của tỉnh Thủ-Dầu-Một ngày trước, thì chính là tiền thân của tỉnh Bình-Dương ngày nay. Tuy nhiên, chính vì nhờ có vị trí dất đai được tổ chức hành chánh quốc gia quy hoạch lại mà Bình-Dương đã biết tận dụng cơ hội, để bùng lên làm thành sức bật như đóa hoa đến mùa nở rộ khoe đủ sắc màu bằng các công trình chỉnh trang thành phố, làng mạc, cải thiện sinh hoạt đời sống của người dân sở tại lên tầm cao mới. Và về lâu, về dài, nếu hầu hết các dự án đường sá, địa ốc, hệ thống giáo dục, y tế, tài chánh, văn hóa, thể thao v.v cùng các tổ chức guồng máy cơ sở hạ tầng địa phương được hoàn chỉnh thành hình, thì thành phố mới Bình-Dương đương nhiên sẽ trở thành một khu đô thị hiện đại sầm uất hàng đầu trong nước. Và nó cũng sẽ mang lại thêm cho người dân địa phương một không gian môi trường sống mới, rất là thích hợp, hài hòa với ý nghĩa của một thành phố du lịch luôn luôn tìm cách phát triển không ngừng.
Song song với chủ yếu quyết tâm của sự tạo dựng đó, Bình-Dương cũng đang nỗ lực duy trì thành quả thu hoạch thế mạnh về lợi tức thu nhập kinh tế địa phương, bằng vào sự hiện hữu của các khu công nghiệp hiện đại đã hình thành và còn đang được triển khai trong tổng số 31 dự án mọc lên ở tại tỉnh nầy. Cũng như, cùng với sự hợp tác hữu nghị của hàng chục ngàn chuyên gia người nước ngoài, và những thành phần đại diện các công ty đến từ các quốc gia như Nhật-Bản, Hàn-Quốc, Đài-Loan, Úc, Singapore, Trung-Quốc v.v luân phiên đến đây làm việc. Cách đây hai năm (2012), mặc dù tình hình kinh tế toàn cầu bị suy trầm, nói riêng tại Việt-Nam cũng vậy, nhưng tổng sô vốn FDI đầu tư vào Bình-Dương đạt hơn 2,6 tỉ USD trong 10,5 tỉ USD toàn quốc, vàđứng đầu trong cả nước. Còn tính cho đến thời điểm giữa năm 2014, thì Bình-Dương cũng là địa phương thu hút vốn FDI nhiều nhất với 813,59 triệu USD vốn đăng ký mới, và tăng thêm chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, thì thành phố Hồ-Chí-Minh chỉ đứng hàng thứ nhì với tổng vốn đăng ký cấp mới, và tăng thêm là 775,62 triệu USD, chiếm 14,1% tổng số vốn đầu tư.Do vậy, Bình-Dương có thêm được lợi thế tiềm năng để tiếp tục triển khai kế hoạch trong tương lai, và theo như chương trình thực hiện thì Bình-Dương sẽ hình thành khoảng 37 khu công nghiệp vào cuối năm 2020.
Là trục giao thông vận tải cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược kinh tế, an ninh quốc phòng, mảnh đất Bình-Duơng đã có được một hệ thống đường thủy thuận tiện do nhờ lợi thế nằm cạnh ba con sông lớn là sông Sài-Gòn, sông Đồng-Nai và sông Bé. Còn về hệ thống đường bộ, thì Bình-Dương có quốc 1A , quốc lộ 14 nối liền các tỉnh, các huyện. Và đặc biệt, là quốc lộ 13 xuất phát từ thành phố Hồ-Chí-Minh chạy xuyên qua địa phận để đi tới biên giới Campuchia, hay lên vùng Tây-Nguyên, qua Lào. Và ngày nay, người ta có thể nói là địa hình của tỉnh Bình-Dương quả thật là lý tưởng dành cho các công trình mở mang phát triển hầu hết về mọi mặt. Tỉnh lị của Bình-Dương hiện nay là thành phố Thủ-Dầu-Một, nằm cách trung tâm Hồ-Chí-Minh 30km. Ngoài ra, Bình-Dương còn có 2 thị xã là Dĩ-An, Thuận-An, và cùng với 4 huyện là Bến-Cát, Tân-Uyên, Phú-Giáo và Dầu-Tiếng. Về diện tích đất đai, Bình-Dương được xếp vào hàng thứ tư trong các tỉnh ở miền Đông Nam-Bộ với 2.694,4km2 , mật độ dân cư 628 người/km2, và theo thống kê vào năm 2011, thì Bình-Dương có tất cả là 1.691.400 đầu người bao gồm bốn sắc dân chính là Việt, Hoa, Khmer, Tày. Bề dày lịch sử của đất Bình-Dương đã có từ hơn 300 năm, mà trước kia, miền nầy vốn là một phần địa lý thuộc về Gia-Định dưới thời Nam-Kỳ Lục-Tỉnh. Và về mặt thổ ngơi, thì đất đai Bình-Dương có khá nhiều điều kiện tự nhiên thích hợp, để cho người dân địa phương tạo thành những mảnh vườn tược trồng đủ loại cây ăn trái, hoa màu. Chính vì vậy, mà trước khi đất đai Bình-Dương biến thành các khu công nghiệp ô nhiễm môi trường, thì nơi đây là một điểm hẹn hò, thư dãn có sức thu hút con số rất đông du khách ở miền Đông Nam-Bộ. Nhất là, người dân ở tại thành phố Hồ-Chí-Minh thường hay tổ chức các buổi rong chơi dã ngoại đến Chợ Búng và các vườn trái cây ở tại Lái-Thiêu.
Vả lại, hồi đó thì các khu vườn cây ăn trái ở Lái-Thiêu cũng từng được người ta coi như là một vùng sinh thái nông nghiệp có đầy hoa thơm cỏ lạ, trái ngọt cây lành mà họ có thể ví như là hình ảnh nào đó ở miệt vườn xanh tươi sum suê bông lá, quả to nặng hạt trong các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, vì sau nhiều năm xảy ra cơn sốt phát triển hiện đại hóa các công trình công nghiệp kỹ nghệ địa phương mà hình ảnh êm ả hữu tình của các vườn cây ăn trái ở Lái-Thiêu đã lần hồi bị co cụm vắng bóng âm thầm. Trên thực tế, vườn cây ăn trái Lái-Thiêu Bình-Dương đã sớm có mặt hàng trăm năm qua, và nổi tiếng với các loại cây ăn trái như nào là chôm chôm, mãng cầu, nhãn, vú sữa, thơm, cam, quýt, chanh v.v. đặc biệt là loại mít Tố-Nữ, bưởi Bạch-Đằng, măng cụt, sầu riêng. Hơn thế nữa, là địa điểm Lái-Thiêu chỉ cách Hồ-Chí-Minh vỏn vẹn có 20km với đường đi thuận tiện dễ dàng, chỉ cần qua khỏi nhà thờ Fatima ở Bình-Triệu bớt được nạn kẹt xe thì chừng chẳng bao lâu phút nữa, thì du khách sẽ đến tận nơi để có dịp thưởng thức được những thổ sản địa phương. Hoặc xuống thuyền theo tuyến du lịch xanh ngắm nhìn cảnh vật lý thú đa dạng ven bờ sông Sài-Gòn, và cũng để lợi dụng tận hưởng làn không khí trong lành dưới bầu trời thênh thang gió lộng. Chính vì nhận thấy tầm quan trọng của các môi trường sinh thái giúp ích rất nhiều cho điều kiện sức khỏe người dân sở tại, và đồng thời cũng có kế hoạch nhằm tạo dựng lại hình ảnh từng vang bóng một thời của các khu vườn cây ăn trái ở tại Lái-Thiêu. Cho nên, chính quyền địa phương đã kịp thời phát động lên những đợt công tác bảo vệ môi trường, kêu gọi người dân tham gia vào các sinh hoạt lợi ích chung để làm sạch, đẹp các nơi công cộng. Và về mặt khác, họ cũng tổ chức thường xuyên những cuộc triển lãm về lễ hội trái cây, khuyến khích các nhà vườn tìm chọn loại giống thích hợp có kết quả được nhiều. Cũng như, để cho tất cả mọi người đến tham quan, tìm hiểu nghiên cứu về vai trò các chủ nhà vườn được nêu cao trong việc đóng góp xây dựng phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Do nhờ vậy, mà giờ đây một số nhà vườn trái cây hãy còn được tồn tại và đang có khuynh hướng muốn khai thác mở rộng thêm ra, để kịp thời đáp ứng cho nhu cầu du lịch do có con số du khách đổ về tham quan khu du lịch Đại-Nam Bình-Dương càng ngày càng nhiều. Và trong mục đích giao lưu cùng phát triển, thì các loại trái cây Bình-Dương cũng thường xuyên xuất hiện tham gia vào Lễ Hội Trái Cây Nam-Bộ hằng năm được tổ chức diễn ra ở tại Suối Tiên. Hơn thế nữa, hương sắc miệt vườn ở đây cũng đã từng được các bàn tay của nghệ nhân khéo léo kết thành những tấm tranh nghệ thuật bằng vật liệu cây trái đủ loại, đủ màu trông vào thật là đẹp mắt, lôi cuốn được sự chiêm ngưỡng của rất nhiều du khách tìm đến tham quan trong những ngày lễ hội.
Bình-Dương khi xưa tuy có địa thế nằm ở cạnh thủ đô Sài-Gòn nhưng suốt trong thời kỳ chiến tranh, thì địa phương nầy cũng không sao có thể tránh khỏi được nạn súng dạn, lửa bom tàn phá quê hương làng mạc như bao nhiêu vùng miền khác trên toàn cõi non sông đất nước. Và cũng có thể ít người lưu ý tới về lịch sử mảnh đất Bình-Dương, là nơi đầu tiên (trong cả nước) đã từng hứng chịu nhiều hậu quả của nạn hủy diệt rừng do những pháo đài bay B52 rải hàng chục ngàn tấn bom xuống vùng tam giác sắt và chiến khu D trước thời kỳ năm 1975. Cũng như, mảnh đất nầy hồi đó từng là những bãi chiến trường giao tranh ác liệt nhất ở tại miền Nam Việt-Nam do tầm ảnh hưởng về địa bàn quân sự quan trọng, và ảnh hưởng về mặt địa hình của núi rừng thiên nhiên trải dài rộng lớn ở trong vùng.
Tuy nhiên, ngày nay sức sống năng nổ lạ kỳ của người dân địa phương trên đà phát triển đã vô tình che lấp lại được rất nhiều về những hình ảnh đau thương đã xảy ra trong thời quá khứ. Và thực tế, là họ rất mong chờ hình ảnh của buổi bình minh để bắt tay ngay vào mọi sự khởi công sinh hoạt hằng ngày. Bình-Dương ngày nay sở dĩ có được một bộ mặt sáng tươi hơn, chính là do nhờ trình độ ý thức của người dân đã được nâng cao song song với đà vươn lên tiến mạnh về kinh tế của địa phương. Bây giờ, là giai đoạn đất nước độc lập thái bình dân lành ai nấy đều an cư lạc nghiệp, và mọi bóng tối đi qua đã nhường chỗ lại cho ánh sáng văn minh thời đại quét sạch cả đêm đen, đem lại hạnh phúc cho người dân nơi đây bằng với những tiện nghi mới phù hợp nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày. Nói cụ thể, là hình ảnh ánh sáng điện năng của các khu công nghiệp hiện đại từ lâu đã đồng loạt rực tỏa bùng lên tràn ngập một góc trời trên cục đất ở Bình-Dương, cùng với con số hàng chục ngàn công nhân làm việc liên tục thời gian không ngừng nghỉ . Nhưng có điều mà tác giả không quên đề cập đến, thì đó là công cuộc truy tầm các di sản của nền văn minh, văn hóa tổ tiên hiện hãy còn để lại trên mảnh đất nầy mà người dân địa phương đã từng tích cực hưỡng ứng tham gia vào các công trình khai quật. Người ta còn nhớ, ngay sau khi nước nhà vừa ngưng tiếng súng thì đúng vào tháng 6/1976, thì Ban Khảo-Cổ (thuộc "Viện Khoa-Học Xã-Hội miền Nam", được thành lập vào ngày 12/9/1975) lúc bấy giờ đã cùng với chính quyền cùng người dân địa phương lập tức trở lại tiến hành công trình khám phá. Và kiểm chứng lại một di chỉ, từng đã được nhà khảo cổ T.V Holbé phát hiện vào năm 1887 ở tại xã Mỹ-Lộc, huyện Tân-Uyên. |
Đó là khu di tích
Dốc Chùa.
Sau những đợt khai quật tiến hành, thì người ta khám phá ra nền văn minh văn hóa thời cổ Đồng-Nai thật là đa dạng. Và riêng tại khu di chỉ Dốc Chùa, các nhà khảo cổ đã tìm thấy được 20 ngôi mộ cổ cùng với con số hàng trăm hiện vật bằng đá, bằng đồng, đồ gốm sứ. Trong số đó, có một bảo vật quý giá bằng đồng với hình tượng là một con thú đứng trên cái bệ có hình thù của một động vật thuộc loại bò sát. Hiện nay, khu di tích Dốc Chùa được đánh giá coi như là một địa điểm khảo cổ tiêu biểu cho nền văn minh văn hóa thời đại đồ đá, đồ đồng ở vùng hạ lưu sông Đồng-Nai từng có niên đại từ hơn hai thiên niên kỷ trước công nguyên, và cũng từ hơn thập niên qua (2001) đã được Bộ VHTTcông nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Ngoài ra, ở tại Gò Đá cũng như xung quanh địa bàn khu di chỉ Mỹ-Lộc các nhà khảo cổ còn đã khám phá ra thêm hàng ngàn các loại di vật ngổn ngang la liệt trên mặt gò có hình thù như mảnh khuôn đúc, mảnh đao, rìu tứ giác, bàn mài, chày nghiền, cuốc v.v. Ngay như ở tại cù lao Rùa cũng vậy, vào năm 2003 các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ra thêm hàng ngàn di vật có giá trị cao làm bằng đất nung, bằng đá như các dụng cụ rìu, đục, dọi se sợi, vòng tay, bi gốm, đồ tùy táng v.v. Ngày nay, chính những di vật khảo cổ nầy đã giúp cho du khách được biết thêm nhiều hơn về cảnh trí màu sắc đất đai địa phương, không phải chỉ đơn thuần xinh đẹp nhờ vào bằng các thắng cảnh nhân tạo, mà nó lại còn là một mảnh đất văn vật có giá trị chứng tích lịch sử về nếp sống sinh hoạt của con người thời cổ đại. Đất Bình-Dương còn nổi tiếng với những ngôi đình thần, nhà cổ, di tích lịch sử chiến tranh, núi sông hồ, làng nghề truyền thống, địa điểm vui chơi giải trí v.v. Trong số đó, người ta thường ghe nhắc đến nhiều nhất là các địa điểm như núi Châu-Thới, núi Cậu, hồ Dầu-Tiếng, các làng nghề chạm khắc gỗ, gốm sứ, sơn mài và đặc biệt là khu du lịch nổi tiếng lớn nhất vùng Đông-Nam-Á là Lạc-Cảnh Đại-Nam Văn-Hiến.
Núi Châu-Thới là một trong hai ngọn núi ở Bình-Dương, ngày nay được tuổi trẻ lên đường đi phượt chiếu cố tìm đến tham quan cho kỳ được mỗi khi cùng nhau tổ chức ngao du đến tận dải đất nầy. Với phương tiện giao thông di chuyển đi cách nào cũng tiện thì chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, thì người ta có thể lưu lại những tấm hình kỷ niệm dáng đứng của mình trên đỉnh núi Châu-Thới hay trên núi Cậu ở bên cạnh hồ Dầu-Tiếng. Tuy nhiên, cảnh quan từ trên cao nhìn xuống thì khác nhau rất nhiều do phần hậu cảnh của núi Châu-Thới xa xa là phố nhà, còn hậu cảnh của núi Cậu là đập nước Lòng Hồ man mác chân trời in tựa bể khơi. Núi Châu-Thới ở xã Bình-An, thuộc thị xã Dĩ-An cách Thủ-Dầu-Một 20km, cách Hồ-Chí-Minh 24km nhưng lại cách Biên-Hòa có 4km, ngày xưa núi Châu-Thới thuộc vào vùng địa lý của tỉnh Biên-Hòa. Núi Châu-Thới có cao độ 82m so với mặt nước biển, có vị trí nằm gần suối Lồ-Ồ, chùa Tam-Bảo, núi Bửu-Long (Biên-Hòa), và nằm trên trục lộ quá dễ dàng cho khách tham quan đến từ thập phương. Trên đỉnh núi Châu-Thới có ngôi "Châu Thới Sơn Tự" được xây cất lên từ năm 1681, và được coi như là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất ở Nam-Bộ. Tuy nhiên, trải qua sau những đợt trùng tu bằng phương tiện vật liệu hiện đại thì mọi hình dáng cổ xưa của ngôi chùa không còn nguyên vẹn nữa. Dẫu sao, với cảnh quan quanh núi là một không gian bao la nào là hồ sen, súng, đồng ruộng, ao bèo, nào là cửa nhà, đường sá chen lẫn đan kết vào nhau tạo thành một bức họa đồng quê đầy ấn tượng cũng khiến cho lòng lữ khách tham quan được cảm khái vô cùng.
Còn núi Cậu thuộc ấp Tha-La cạnh hồ Dầu Tiếng, thì phải nói là một thắng cảnh rất nên thơ, do công trình kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và bàn tay nhân tạo của con người. Núi Cậu là một quần thể gồm có 21 ngọn núi, cao nhất là ngọn núi Cửa Ông 295m và thấp nhất là ngọn núi Chúa 63m, riêng núi Tha-La cao 198m. Cảnh trí quanh chân núi có thác nước đổ xào xạc, suối chảy róc rách tạo thành những âm thanh như khúc nhạc trầm bổng khuất che một nổi u buồn, và được người dân cư ngụ tại địa phương gọi nơi đây là hồ Than-Thở. Cạnh đó, là một ngôi chùa khói hương nghi ngút cùng với tiếng vọng của mõ chuông tụng niệm đêm ngày từ bên trong chánh điện nguyện cầu cho quốc thái dân an, âm siêu dương thới thoát ra ngoài, càng làm cho thắng cảnh núi Cậu được ghép thêm vào với nét đẹp bằng hồn thiêng của màu sắc tâm linh. Vả lại, từ lâu nơi đây cũng từng đã được coi như là một điểm hẹn không thể không đến cho các buổi sinh hoạt du ngoạn về nguồn, vui thú với thiên nhiên.
Trở lại nói về cảnh quan nơi Lòng-Hồ Dầu-Tiếng, thì người ta không quên nhắc đến một công trình thủy lợi thay trời làm mưa tưới mát ruộng vườn cho cả một vùng địa lý mênh mông trên dải đất ở miền Đông Nam-Bộ. Và phải thực tế nhìn nhận rằng chính quyền và người dân của tỉnh Tây-Ninh ngày trước, đã có những quyết tâm nổ lực đầu tư trí tuệ, tài nguyên sức lực. Cùng với tinh thần hăng say bền chí, để hoàn thành được một công trình ích lợi có tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn nhưng cần phải có những phương án đự phòng, kế hoạch điều nghiên thích ứng hữu hiệu, để có thể kịp thời khắc phục trở ngại trong mọi tình huống có thể xảy ra. Nhất là, về kịch bản nếu không may có sự cố kỹ thuật ảnh hưởng làm cho đập Lòng Hồ bị vỡ, thì thành phố Hồ-Chí-Minh sẽ có nguy cơ bị đắm chìm vào trong biển nước. Tuy nhiên, ngày nay công trình xây dựng đập Lòng Hồ đã hoàn thành tốt đẹp và được đưa vào quá trình hoạt động sử dụng gần đúng ba chục năm qua. Đập Lòng-Hồ là một công trình thủy lợi lớn lao nhất của Việt-Nam và của cả vùng Đông-Nam-Á có vị trí giáp ranh giữa Tây-Ninh và Bình-Dương, và tạo thành một vùng danh lam thắng cảnh chung cho cả hai tỉnh nầy. Do vậy, cho nên ngày nay hầu hết mọi người dân ở Bình-Dương đều biết mến yêu dáng đứng địa phương tại vị trí đất đai nầy. Vì cảnh quan duyên dáng của nó giống in như là hình ảnh của một bức tranh thủy mạc, được kết hợp do bởi đồi núi, sông, rừng, ruộng vườn, chùa chiền, nhà cửa thôn quê hòa quyện tạo thành một nét đẹp thiên nhiên đặc trưng đứng ở hàng đầu của cả tỉnh Bình-Dương. Từ lâu, đối với một số thành phần lữ khách lãng du nào đó từng có dịp dạo chơi nơi hồ Dầu-Tiếng, thì họ thường có những lời phát biểu cảm tưởng cho rằng thú vị nầy không khác gì những kỷ niệm của họ ở tại Biển-Hồ xứ Chùa-Tháp. Tuy hồ Dầu-Tiếng rất bé nhỏ hơn nhiều, nhưng với ưu thế của bầu không gian tĩnh vật êm ả, sóng gợn lăng tăng, hoa thơm cỏ lạ phảng phất mùi hương ở nơi đây đã gây thành cảm khái, và chinh phục trọn vẹn được tâm hồn của họ làm cho phải bị bịn rịn trước giây phút quay gót trở về. Hồ Dầu-Tiếng Ngoài ra, cũng ở tại địa phương Dầu-Tiếng nầy, xưa nay nó đã từng nổi tiếng được coi như là quê hương của cây cao su vì sự hiện diện lâu đời về diện tích đất đai canh tác, trồng trọt bạt ngàn thành rừng chứ không phải là vườn cao su như nhiều nơi khác trong toàn quốc. Đồn điền cao su Dầu-Tiếng trong thế kỷ qua là của công ty Michelin (Pháp), được khởi công khai thác từ năm 1917, với con số kỷ lục đã có con số lên gần tới 50.000 phu cạo mũ từng làm việc nơi đây. Và hiện nay, thì một phần đất trong đồn điền cũng đã được phát triển trở hành khu dí tích tái hiện hình ảnh về đời sống khổ cực của ngưòi phu cạo mủ cao su trong thời quá khứ. Về hình ảnh của các làng nghề truyền thống Bình-Dương như chạm khắc gỗ, gốm sứ, sơn mài, thì người ta có thể nói rằng ngày trước nó đã gắn bó tạo thành một hình ảnh đặc trưng ở tại địa phương. Và du khách sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội tìm đến, để quan sát kỹ thuật thủ công khéo léo của người thợ ở Phú-Thọ mỗi khi ghé thăm đất Thủ. Làng nghề chạm khắc gỗ ở Phú-Thọ từng là một nơi từng cầm chân các du khách xa gần, với những sản phẩm tiểu công nghệ được bàn tay của nghệ nhân tài hoa sáng tạo đục đẽo tinh xảo thành hình những tượng Phật, Chúa hay trên các bàn tủ với các hình rồng, chim chóc v.v. Và cùng với những mẫu mã luôn luôn được thay đổi mới toát ra sự công phu, tinh tế tự nhiên, có phần hồn nhìn xem mãn nhãn và làm tăng thêm sự phong phú cho ảnh hưởng của làng nghề. Tuy nhiên, thực tế ngày nay thì nghề chạm khắc gỗ ở Bình-Dương đang có nguy cơ mai một, vì lý do hiện còn có rất ít con số nghệ nhân tài hoa tiếp tục sinh nhai với nghề truyền thống ở tại phường Phú-Thọ nầy.
Ngược lại, nghề gốm sứ ở Bình-Dương ngày nay đang trên đà phát triển không ngừng.
Trong năm 2010, tỉnh Bình-Dương đã có đề xuất và một tổ chức ra ngày "Festival Gốm Sứ Việt-Nam - Bình-Dương 2010" nhằm mục đích để giới thiệu nghệ thuật gốm sứ đặc sắc VN, vừa khẳng định lại vị trí tiềm năng theo khuynh hướng thị trường tiêu thụ. Và đồng thời, cũng để tôn vinh các nghệ nhân tài hoa đã có công cống hiến nghệ thuật vào cho các làng nghề truyền thống. "Festival Gốm Sứ Việt-Nam - Bình-Dương 2010" không chỉ đơn thuần trưng bày sản phẩm tỉnh nhà mà còn bao gồm cả những sản phẩm của các địa phương nổi tiếng khác trong toàn quốc như làng gốm Bát-Tràng, Đông-Triều, Làng Cậy, Kim-Lan, Bàu-Trúc, Vạn-Bình, Phước-Tích, Thanh-Hà, Biên-Hòa, Long-Hồ v.v. Đây là một cơ hội để cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh tiếp cận với thị trường tiêu thụ nội địa, và cũng là một dịp hiếm hoi để cho công chúng tìm đến tham quan chiêm ngưỡng bàn tay khéo léo của nghệ nhân trong lãnh vực tạo hình nghệ thuật nầy.
Với chủ đề "Gốm sứ Việt-Nam truyền thống, bản sắc và phát triển", ngày lễ hội đó đã quy tụ cả một không gian màu sắc về gốm sứ, để cho các thương hiệu gốm sứ của các vùng miền VN giao lưu gặp gỡ, trao đổi ý kiến chia sẻ cùng với du khách trong và ngoài nước.
Hiện tại, Bình-Dương đã có trên 200 cơ sở làm nghề gốm sứ theo công thức thủ công cổ truyền nung bằng than đá, củi, và hiện đại bằng máy móc tối tân. Và một trong những hình ảnh tiêu biểu cho các cơ sở nghề gốm sứ làm bằng phương pháp tân trang, sản xuất dây chuyền hiện đại đứng ở hàng đầu tại Bình-Dương là gốm sứ "Minh-Long". Thưong hiệu của gốm sứ "Minh-Long" có một cơ sở đồ sộ tại Bình-Dương đã đi vào hoạt động từ nhiều năm qua. Và ngoài lợi nhuận ngày càng tăng trưởng thu được về thành quả kinh tế, nó còn giúp ích cho trên 2.000 người dân địa phương có công ăn chuyện làm được vững bền. Trong buổi giới thiệu trình bày về các sản phẩm gốm sứ với các du khách quốc tịch khác nhau, tác giả cùng phái đoàn đã được ông Mai-Quốc-Huy là nhân viên tiếp thị của thương hiệu "Minh-Long" cùng lúc nói lưu loát nhiều thứ tiếng nước ngoài hướng dẫn tham quan đầy đủ tất cả các gian phòng trưng bày gốm sứ đa dạng rất đẹp. Và giải thích lý thú, về quá trình làm nên một sản phẩm gốm sứ đều phải trải qua nhiều công đoạn để được hoàn thành. Được biết, vào năm kỷ niệm thứ 1000 của thành Thăng-Long, thì công ty Minh-Long cũng đã có sản xuất đặc biệt một chén ngọc "Thăng-Long" thật là tinh xảo để làm quà hiến tặng quốc gia trong ngày đại lễ. Chén ngọc "Thăng-Long" Hiện nay, cơ sở gốm sứ "Minh-Long" đã trở thành một địa điểm du lịch địa phưong được du khách biết đến rất nhiều, do nhờ các sản phẩm sứ cao cấp từng được nhà nước chọn làm quốc phẩm để trao tặng hữu nghị ngoại giao với các quốc gia khi có dịp công du. Và cách đây không bao lâu, trong năm 2011 thì gốm sứ "Minh-Long" cũng đã xuất sắc từng đoạt giải thưởng Châu-Á Thái-Bình-Dương về ngành gốm sứ. Tuy nhiên, nếu cần phải nói đến một hình thức nghệ thuật thủ công thật là đặc sắc được coi như là biểu tượng về hình ảnh của cục đất địa phương sở tại, thì đó chính là nghệ thuật tranh sơn mài ở tại Bình-Dương từ hơn ba trăm năm qua đã từng nổi danh ở trong nước, và giờ đây vang tiếng ra tận nước ngoài.
Tranh sơn mài Bình-Dương là một loại hình nghệ thuật thủ công vô cùng sắc xảo, được sự kết hợp bởi những nguyên liệu gỗ, sơn dầu, chất liệu có tác dụng ảnh hưởng trực tiếp đến màu sắc đẹp lạ, bóng, bền. Và đòi hỏi bàn tay khéo léo của nghệ nhân cần cẩn thận lướt qua từng khâu thực hiện, là phải trải qua 25 công đoạn tỉ mỉ và công phu, cùng với một quy trình quét sơn phải mất từ 3 đến 6 tháng, mới có thể hoàn thành được một tác phẩm sơn mài đòi hỏi có nhu cầu chất lượng. Chính nhờ vậy mà khi vừa mới nhìn vào, thì người ta nhận thấy nó toát ra một nét đẹp lộng lẫy, lạ kỳ có sức thu hút ngay con mắt của người nhìn. Lịch sử của tranh sơn mài Bình-Dương, có một bề dày lâu đời trong quá trình tồn tại trên địa bàn của những làng nghề truyền thống địa phương, dưới hình thức chế tác cha truyền con nối, cùng với những thành phần thế hệ nghệ nhân dày công, thiết tha yêu nghệ thuật. Làng sơn mài đầu tiên ở trên mảnh đất Bình-Dương là làng sơn mài xã Tương-Bình-Hiệp, thị xã Thủ-Dầu-Một được thành hình vào thế kỷ 18 đến nay vẫn hãy còn tồn tại. Trải qua bao thời gian dài chiếm lĩnh hàng đầu trong các hình thức văn hóa nghệ thuật dân gian, ngày nay hình thức sơn mài Bình-Dương vẫn còn có nhiều lợi thế để tiếp tục duy trì, vì các nghệ nhân đã biết uyển chuyển, và linh động tiếp cận phương thức trộn pha với kỹ thuật tân tiến hiện đại. Do vậy, cho nên bây giờ trên thị trường tiêu thụ hàng trang trí nội thất như salon, tủ, kệ Tivi, lọ hoa v.v bằng sơn mài cẩn xà cừ, thì nghệ nhân có thể biến chế thành xà cừ bằng từ nguyên liệu khác tương đối thích ứng với nhu cầu của khách tiêu dùng. Trước năm 1975, thì Bình-Dương đã có một thương hiệu sơn mài Thành-Lễ thành lập từ năm 1943 là nổi tiếng nhất. Còn bây giờ, thì có nhiều thương hiệu sơn mài mọc lên ở tại địa phương, chính vì vậy mà các thương hiệu có tầm cỡ qui mô sản xuất lớn phải áp dụng phương thức công nghệ mới để nâng cao chất lượng, và cạnh tranh nhau trong việc xuất khẩu ra thị trường tiêu thụ ở nước ngoài. Tủ chè khảm xà cừ Ngày nay, du khách nào đến thăm làng nghề sơn mài Tương-Bình-Hiệp, Thủ-Dầu-Một, thì cũng đều được hiểu rằng tranh sơn mài là một nghệ thuật tuyệt xảo gắn bó bằng những trăm năm với làng nghề truyền thống ở tại Bình-Dương, và đã đuợc người dân địa phương hết sức lấy làm tự hào về nét đẹp văn hóa thủ công độc nhất vô nhị của nước nhà. Cách đây nửa thế kỷ (năm 1964), thì mỹ thuật độc đáo của tác phẩm tranh sơn mài Bình-Dương cũng đã từng đoạt giải huy chương vàng trong hội chợ triển lãm văn hoá nghệ thuật quốc tế được tổ chức xảy ra tại Munich nước Đức.
|
Trở lại thành
phố du lịch Thủ-Dầu-Một với thắng cảnh Đại-Nam là nơi
từng nổi tiếng về công trình quy mô, đồ sộ đã được
đưa vào hoạt động từ nhiều năm qua, và đã được hàng
triệu du khách nước nhà từng đến tham quan.
Khu du lịch Lạc-Cảnh Đại-Nam Văn-Hiến ở Bình-Dương là một địa điểm giải trí vui chơi thích hợp dành cho tất cả mọi thành phần du khách, có một diện tích diện tích rất là to rộng với lối kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại kết hợp màu sắc thiên nhiên làm cho người ta tìm thấy được một nét đẹp hoành tráng dễ nhìn. Và vừa bước chân qua khỏi tường thành cao ngất, nhìn vào cảnh tượng bên trong thì du khách sẽ có cảm nhận ngay rằng là mình đang trước một hòn non bộ xinh đẹp như tấm tranh linh hoạt mỹ miều với nào là chùa chiền, sông núi, biển, rừng. Và cùng với những sắc màu của loài kỳ hoa, dị thảo chen lẫn chung nhau trong một môi trường không gian rất là thoáng rộng tươi mát, hữu tình.
á
Tuy nhiên, bên cạnh đó còn phải kể là cũng đã rất có rất nhiều hình thức các trò chơi vui thú hiện đại hấp dẫn, và tùy theo ý thích riêng của từng thành thành phần du khách mà họ muốn biết qua cho thỏa mãn trong buổi tham quan. Thêm vào đó, là vườn thú Đại-Nam bây giờ cũng đã có thêm nhiều loài động vật hoang dã sẽ mang lại cho du khách nhiều lý thú khi tận mắt thấy hình thù lạ lùng của nó như hà mã, voọc, linh dương đầu bò, hỗ trắng, sư tử, tuần lộc, ngựa vằn, hươu cao cổ, chim ưng, công trắng v.v. Ngày nay, công trình khu du lịch Đại-Nam của Bình-Dương có thể được người ta ví coi như là hình ảnh của một bản sao vườn địa đàng (disneyland) theo mô thức của các nước ngoài được thu nhỏ lại trong mảnh đất ở nơi nầy. Dù sao, thì nó cũng đáp ứng thỏa mãn được nhu cầu du lịch giải trí bằng với những phương tiện vui chơi hiện đại cho du khách nội địa. Và có điều, là du khách cần phải trở lại đó thêm một lần nữa, để nhớ rõ hơn về những hình ảnh ấn tượng sâu đậm nào mà họ đã cho là thích thú nhất.
Ngày nay, người ta đến rồi đi trên miền đất Bình-Dương theo như dòng chảy của thời gian còn tiếp tục kéo dài. Và cho dù họ thuộc loại thành phần nào, thì Bình-Dương luôn luôn bao giờ cũng vẫn hân hoan chào mừng đưa đón.
Sau cùng, tác giả cũng muốn xin nhắc lại một câu chuyện thú vị xảy ra cách nay đúng 57 năm về trước, do có sự trùng ngẫu lý thú về hai từ Bình-Dương. Là hai tiếng Bình-Dương trong câu truyện phim ’Người đẹp Bình-Dương" ngày trước không có liên quan ý nghĩa gì hết với cái tên của tỉnh Bình-Dương sau nầy. Vì vào lúc bấy giờ, trong khi hãng phim Mỹ-Vân đang thực hiện quay cuốn phim nói trên, thì tỉnh Thủ-Dầu-Một vẫn còn đang mang tên hành chánh là Thủ-Dầu-Một. Tuy nhiên, sau khi phim vừa mới bắt đầu ra mắt trình chiếu khán giả, thì tỉnh Thủ-Dầu-Một cũng vừa được đổi lại tên mới là Bình-Dương. Và do nhờ có những sự kiện xảy ra cùng một lúc, mà người nghệ sĩ sáng giá trong cốt truyện phim đó lại càng được người ta chú ý đến nhiều hơn. Còn cuốn phim nổi tiếng có tựa đề là "Người đẹp Bình-Dương", thì cũng rất được thịnh hành ăn khách tại miền Nam vào lúc bấy giờ. Và nữ diễn viên điện ảnh đóng vai chính trong cốt truyện đó không ai khác hơn là một người của công chúng: Thẩm-Thúy-Hằng, một minh tinh màn bạc tài sắc vẹn toàn, một siêu sao tài tử có tầm cỡ thành tích từng toát ra được ảnh hưởng vào lãnh vực nghệ thuật phim trường của thế giới bên ngoài. Ngoài ra, nữ nghệ sĩ tài hoa, diễm lệ Thẩm-Thúy-Hằng cũng còn là người từng đã được rất nhiều thành phần khán giả bốn phương nhiệt tình ái mộ, xứng đáng với mệnh danh là đại mỹ nhân của đất Sài thành trong những thập niên dài.
Nét đẹp Bình-Dương phong phú đa dạng, và thật rất đúng với ý nghĩa làđiểm hẹn dừng chân ở miền Đông Nam-Bộ. Hơn thế nữa, là trong tương lai dấu ấn Bình-Dương chắc chắn rồi đây sẽ làm cho du khách bị ngạc nhiên thêm rất nhiều. Nhất là, sau khi kế hoạch công trình tân trang phố phường ở địa phương nầy đã hoàn thành khu đô thị mới, với đầy đủ ánh sáng tiện nghi văn minh hiện đại sẽ làm thay đổi toàn bộ màu sắc không gian trong địa bàn người dân sinh sống ở nơi nầy. Ngoài ra, Bình Dương cũng hãy còn có nhiều danh thắng khác, tuy đơn sơ, nhưng theo tôi vẫn cho là khá ngoạn mục mà tôi không muốn đề cập đến, vì tôi muốn để dành lại cho bạn mọi sự ngạc nhiên vào trong một dịp mai sau, khi bạn ngao du tìm đến ở nơi nầy. Còn bây giờ, là
đi thực tế thì tôi muốn chứng minh cho một hình thức có
nét đẹp đặc biệt vô cùng cao quý, tiêu biểu về nghĩa
vụ công dân trong ý thức trách nhiệm đối với tình tự
qưê hương của con người Bình-Dương tiên phuông đoàn kết.
Và quyết tâm hành động tự phát xuống đường biểu lộ
tinh thần yêu nước của kẻ thất phu hữu trách từng
đã được thể hiện qua bức ảnh lịch sử dưới đây, khi
non sông bị ngoại bang xâm phạm chủ quyền của dân tộc.
An-Tiêm
MAI-LÝ-CANG
(Paris)
|
|