Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] |
|
7. Mẹ kế |
Khi
tôi từ bên ngoại về thì đã thấy bố tôi dông lên ở phía
sau cái nền nhà năm ngoái dỡ lên trại Hai Tô một gian "đình
bạt". Ở vùng tôi gọi lối kiến trúc nhà tạm chỉ có một
mái
là "đình bạt". Hai cột trước chôn trên nền nhà để lợi
dụng độ cao của nền. Hai cột sau xoải xuống vườn sau.
Gian "đình bạt" này được chia thành hai ngăn. Ngăn phía nam
kê vừa đủ một cái giường và một lối đi lên cửa. Ngăn
đằng bắc vừa là bếp đun vừa là một cái chuồng vịt.
Tôi về đã thấy có hơn chục con vịt đều "móng trâu" cả
rồi. Ngày ấy nuôi vịt chẳng tốn kém gì. Chỉ chịu khó
trong thời gian gột vịt tạo cho nó thói quen tối biết về
chuồng là sau đó nó sẽ tự kiếm ăn. Cánh đồng dưới làng
tôi mênh mông bể sở, trắng lạng nước thiếu gì cua ốc
cho chúng kiếm. Buổi sáng chỉ cần mở cửa chuống ra là
chúng vội chạy ùa đi ngay. Chúng bì bũm ở cái rãnh đằng
sau nhà chú Đặng một lúc rồi mới ra đồng. Chắc chúng
nghĩ đến những bờ ruộng săm sắp nước đầy những chú
cua con, những chân ruộng rong rêu đầy ốc đá, ốc vặn
...đang đợi chúng. Buổi chiều về, diều con nào con ấy cũng
no căng. Nhưng để củng cố "thói quen về chuồng" tôi vẫn
xúc một ít thóc cho vào một cái non sành rồi đổ nước
vào để trong chuồng cho chúng mò, chúng sốc. Lúc ấy tôi
mới đóng cửa chuồng lại. Đàn vịt ấy của nhà tôi rất
khôn. Chúng đi ăn rất xa, cách nhà đến hơn cây số nhưng
tối nào cũng tự biết về chuồng. Không phải đi lừa bao
giờ cả.Vì sẵn mồi nên chúng mau lớn lắm. Chẳng mấy lúc
đã từ "lông măng" sang "lông ống" rồi "chéo cánh". Những
con đầu đen, tiếng kêu khàn khàn như người viêm họng, là
những con vịt đực thì bố tôi dùng "cải thiện" dần. Đến
lúc vịt đẻ còn lại được sáu con. Chúng đẻ rất đều.
Sáng sớm nào, cứ vừa mới bảnh mắt, bật đầu dậy là
tôi nghĩ ngay đến việc đi lấy trứng. Tôi lấy cái rổ dứng
sang ngăn chuồng vịt, mở cửa chuồng cho chúng ra, rồi nhặt
trứng xếp vào rổ. Hôm nào cũng đủ sáu quả trứng. Thỉnh
thoảng lại có hôm được những bảy quả. Rõ ràng là trong
đàn có một con đẻ hai lần trong đêm. Cái quả đẻ thêm
ấy nhỏ hơn một chút, vỏ mỏng hơn và hơi ram ráp. Được
vài tháng như thế, đến giáp vụ mùa, một lần chúng tạt
vào một ruộng lúa gần bãi, bị người ta dùng súng cao su
bắn chết cả.
Vườn nhà tôi bấy giờ thấy trồng toàn chuối. Trước đó bố tôi còn trồng rau. Nhưng từ ngày lên trại Hai Tô không trồng rau được nữa thì bố tôi mới đem trồng chuối. Cái giống chuối trồng trên nền nhà đất cháy và vườn đổ bùn ao sao tốt lạ. Cây nào cây ấy lá cũng xanh đen xanh thẫm. Tàu lá và mặt dưới lá còn có một lớp phấn trắng mịn láng ngoài. Những cây đã ra buồng, cây nào cũng to nầm nẫm và buồng nào cũng như cái chuông treo. Trông chúng cũng nặng nề, ộ ệ như đàn bà chửa gần đến tháng đẻ. Vì thế nên buồng nào bố tôi cũng phải lấy hai cái cọc tre bắt chéo chống đỡ cổ buồng trợ lực thêm cho chúng. Với những buồng to như thế khi hạ xuống bố tôi phải dùng mẹo. Bố tôi chặt ngậm một nhát dao ở gốc, tháo cọc ra rồi vít buồng xuống cho chúng chấm đất. Lúc ấy mới cắt buồng ra được. Dựng ngược buồng chuối lên để cho nó chảy nhựa. Một vài hôm sau mới pha ra từng nải. Chao ôi, có những nải nó kềnh càng kín cả cái mâm thau. Sản phẩm làm ra thì nhiều, ăn không xuể mà đem bán thì lại thiếu người nội trợ. Bố tôi không ngại việc đi chợ nhưng ngại việc phải đến gần đồn giặc.Việc lấy vợ kế của bố tôi vì thế càng ngày càng trở nên cấp thiết. Thật ra thì những ngày tôi còn ở bên ngoại, tôi đã nghe loáng thoáng ông ngoại tôi, các bác tôi nhắc tới "hai nhân sự". Một trường hợp thuộc diện "cháu lấy chồng cô" thì tôi chẳng rõ là ai ? Còn một trường hợp thuộc diện "em lấy chồng chị" thì tôi đoán chắc chắn là dì Cún Hai. Bởi ông tôi lúc ấy chỉ còn mỗi mình dì là con gái đầu lòng của Bà Trẻ. Chắc đằng ngoại tôi nghĩ nếu dì Cún Hai thành mẹ kế của tôi thì tôi sẽ đỡ tổn thương hơn "dì ghẻ con chồng" là người ngoài. Cái mô hình này thì bên nội tôi đã có rồi. Tôi đã từng có hai bà cô con ông chú lấy cùng một chồng. Đó là cô Đỗ Thị Liêm (con cụ Trường, em ruột cụ Đấng - ông nội tôi) lấy ông Lý Chữ bên làng Kỳ. Sau khi cô mất, em ruột cô Liêm là cô Đỗ Thị Chín lại trở thành vợ kế của ông Chữ. Cũng nhờ thế mà những đứa con côi của ông Chữ đã được "sểnh mẹ ấp vú dì". Tôi không rõ là cô Liêm để lại mấy con côi. Nhưng cô Chín lấy ông Chữ thì sinh được ba người con gái: Toàn, Vẹn, Viên. Cái ông Chữ này quả nhiên là rất tài "chơi chữ". Ông đã dùng tên con để bình luận về cuộc hôn nhân tốt đẹp ngoài mong đợi của ông với cô Chín. Nhưng dì Cún Hai của tôi lúc ấy còn trẻ quá. Dì mới là một cô gái vừa mới lớn. Người dì ấy cao cao, da dì ấy đen đen, trông còn sắt siu chứ chưa có dáng vẻ gì phổng phao của một cô gái dậy thì. Bởi thế thấy bố có ý định gả mình cho anh rể thì dì giẫy nẩy lên. Dì xấu hổ lắm. Dì bơ luôn cả tôi. Chắc là dì nghĩ nếu vồ vập âu yếm tôi thì mọi người sẽ hiểu lầm là dì đã ưng thuận chăng ? Cuộc đời tình duyên của dì sau này cũng lận đận lắm. Dì yêu một ông thuyền buồm quê tận mãi dưới Thủy Nguyên, giáp biển. Hình như ông này cũng đã có vợ nên gia đình không đồng ý. Dì trốn theo luôn. Mãi đến khi có mấy mặt con dì mới dắt díu cả một lũ về thăm quê ngoại. Có điều lạ là dì giữ thái độ lạnh lùng với tôi cho đến tận bây giờ. Một đôi lần về bên ngoại ăn giỗ tôi có thấy dì, nhưng dì cũng chỉ nhìn thoáng qua tôi với một nét mặt rất vô cảm. Vì thế mà tôi cũng chẳng còn hứng thú gì mà chuyện trò với dì nữa. Kế hoạch thu xếp "ngôi hoàng hậu kế vị" cho bố tôi của bên ngoại vậy là không thành. Nhưng hình như ở nhà bố tôi cũng đã chuẩn bị sẵn được một "nhân sự" khác rồi. Bởi tôi về được ít hôm thì bố tôi có dẫn tôi vào trong bác Lý Khang. Hai anh em cùng nằm nghiêng trên phản, đầu gối trên hai cái gối mây dựng đứng, rì rầm bàn "chuyện bí mật". Tôi không được ngồi gần nên không nghe rõ gì cả. Nhưng qua thái độ của bác Khang, tôi biết là hai anh em đang bàn chuyện lấy vợ của bố tôi. Bác Lý Khang không tán thành. Bác trừng mắt lên và hơi gắt: "Đám nào chứ đám ấy thì không được, lằng nhằng lắm !". Mấy hôm sau tôi mới biết người bố tôi định lấy chính là cô Khiêm, con gái "Bà Vú", người hàng xóm ở gần nhà tôi trên trại Hai Tô. Lúc này thì anh Ngà đã cưới chị Ái rồi. Nếu bố tôi lấy cô Khiêm thì cả hai bố con cùng phải gọi anh Ngà bằng anh. Tôi gọi là anh rể, còn bố tôi lại gọi là anh vợ. Tôi đoán là vì lý do này chăng mà bác Khang không đồng ý? Cũng có thể vì cô Khiêm là gái chê chồng. Mà chồng cũ của cô Khiêm lại là người cùng làng, nên bác Khang muốn tránh tiếng "cướp vợ" chăng? Bản thân tôi cũng rất khó nghĩ về điều này. Nhưng bọn trẻ con chúng tôi thì không được quyền can dự vào. Đó là những chuyện của người lớn. Tuy bác Khang không đồng ý, nhưng bố tôi thì đã quyết tâm rồi. Việc báo cáo với "anh trưởng" chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục thôi.Tôi càng choáng hơn khi chứng kiến một đám cưới vừa tẻ nhạt, vừa căng thẳng. Đó là một ngày hè năm 1950, trời oi nồng và đêm đã có trăng. Nhưng tôi không nhớ rõ là vào tháng nào. Đám cưới được tiến hành vào buổi tối. Nhưng mới quá trưa, giữa lúc trời oi bức nồng nực nhất thì bà Tửu-chị gái chồng cũ của cô Khiêm, cách nhà tôi có hai nhà, cứ đứng ở cổng nhà bà ta mà chửi chõ sang: "Cha bố tiên nhân đồ cướp vợ, đàn bà làng này đã chết hết rồi hay sao mà mày phải đâm đầu vào đấy..." Một giọng đàn bà vừa the thé vừa cong cớn. Một trận chửi bới vừa tục tằn vừa dai dẳng. Rất lạ là hôm ấy bố tôi không hề đáp lại một lời nào. Cứ kệ cho bà Tửu chửi. Cho mãi tới khi cạn hơi, khản tiếng bà ta mới chịu dừng. Đám đón dâu được tiến hành vào lúc nhá nhem tối. Khi dâu về nhà thì trời đã sáng trăng. Chỉ có ba mâm cơm ngồi ăn ở ngoài sân. Bữa ăn diễn ra nhanh chóng và mọi người vội tản về ngay. Bác Lý Khang không ra. Chỉ có bác Trương Hương và chú Đặng và một số người nữa. Tôi chỉ nhớ có một mình chú Hội Mậu là ngồi rốn lại đến sau cùng. Chú ôm tôi ngồi trong lòng. Nói chuyện và đùa trêu tôi. Chú Hội Mậu hơi láu táu nhưng rất thoải mái và vui tính. Nhất là khi rượu vào. Thì chú nói liên tục. Cười khơ khớ liên tục. Đến lúc tôi buồn ngủ, tôi nằm ngả người lên đùi chú. Chú xoa đầu tôi lay gọi dậy " Ồ, dạy thôi chứ, vào với mẹ mới thôi chứ!". Rồi chú ra về. Tôi dụi mắt uể oải đi vào trong nhà. Vẫn là cái ngôi nhà "đình bạt" ấy. Hôm nay cưới vợ mới, bố tôi có kê thêm một chiếc chõng mới ken vào ngăn chuồng vịt cũ. Bố tôi nằm đấy. Còn tôi và "mẹ mới" thì nằm trên chiếc giường to bên "phòng ngủ". Ngày còn ở bên ngoại, tôi rất thèm hơi ấm phụ nữ. Thế mà bây giờ, nằm bên cạnh "mẹ mới", tôi lại thấy chông chênh và bẽn lẽn lạ. Tôi cứ lé người lại cố lánh cho xa bà "mẹ mới". Trời đã vào đêm. Nhưng vẫn nóng. Lại nhiều muỗi nữa. Mà không có màn. Thỉnh thoảng tôi lại kêu lên một tiếng cộc lốc: "Muỗi!", " Nóng!". Mỗi lần nghe tôi kêu thế, bà " mẹ mới" lại phẩy cho tôi vài nhát quạt. Bố tôi thì vừa phì phạch quạt mo đập muỗi, vừa trò chuyện dặn dò cô vợ mới. Còn bà "mẹ mới" của tôi thì chỉ nằm im thin thít không thấy nói gì. "Mẹ mới" cũng chỉ là chữ của chú Hội Mậu gọi trêu tôi thôi. Ở vùng tôi không gọi mẹ kế là mẹ, chỉ gọi bằng dì, coi như là em mẹ. Dì Khiêm lúc ấy còn là một cô gái rất trẻ. Mới có hăm ba tuổi, kém bố tôi mười bốn tuổi. Tính dì Khiêm cũng lạnh lùng, ít nói. Còn khinh khỉnh nữa. Tôi không thấy dì tỏ thái độ cởi mở và âu yếm tôi bao giờ. Tuy sống trong một nhà nhưng tôi thấy dì Khiêm rất xa lạ. Trong lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy nặng nề, không thoải mái. Tôi không còn thích ở nhà nữa. Tôi đòi sang ông ngoại ở suốt. Mãi đến tết năm ấy tôi mới về. Ngôi nhà "đình bạt" không còn nữa. Bố tôi đã mua được ba gian nhà cũ của một gia đình bên làng Kỳ về dựng trên nền nhà ngang cũ. Lại dựng thêm cả một gian chuồng trâu và một gian chuồng lợn. Trong vườn giồng thêm mấy cây na, còn đại bộ phận vẫn trồng chuối. Vào một buổi sáng mùa xuân năm 1951, khi tôi vừa thức dậy thì nghe có tiếng trẻ con khóc. Tôi nhìn về phía góc nhà đã thấy dì Khiêm đang lau chùi và ủm tã cho một đứa trẻ. Không thấy có Bà Vú, cũng không thấy có một ai khác. Thì ra dì đã đẻ và tự đỡ lấy. Đúng là con "Bà Vú" có khác. Không rõ là do Bà Vú truyền nghề hay dì tự học lỏm được? Nhưng dì Khiêm biết "tự đỡ đẻ" ngay từ đứa con đầu lòng. Mà đây cũng không phải là lần duy nhất. Năm 1957, tôi lại chứng kiến một lần tương tự. Buổi sáng dì đi chợ Nành. Khi đi, dì đi có "một mình". Nhưng khi về, dì lại bế thêm một đứa trẻ về theo. Nghe người làng kể lại thì dì vừa mới về qua đò, lúc leo lên bờ đê thì con tụt ngay ra. Thế là dì "tự giải quyết" luôn rồi ẵm con về. Từ cuối năm 1951, tôi không được ở bên ngoại nữa. Tôi phải về nhà để bế em. Lúc ấy tôi cũng đã lên chín lên mười rồi, đã thành một lao động phụ. Ngày ấy nghề làm ruộng còn vất vả lắm. Bởi mọi việc đều phải làm thủ công, dùng sức người là chính. Riêng có khâu làm đất là có con trâu giúp sức. Vì thế mà hầu như nhà nào cũng phải nuôi trâu. Rất ít nhà không có trâu. Việc sinh đẻ của các bà vợ cũng chưa có kế hoạch. Cứ thả nổi theo tự nhiên. Hầu hết các bà đều cứ phải "hết trứng" thì mới ngừng đẻ. Mỗi bà cũng có một "nết đẻ" riêng. Dì Khiêm nhà tôi sinh đều đặn nhất, "nết đẻ" tốt nhất. Dì sinh vào các năm: năm mốt, năm tư, năm bảy, sáu mươi, sáu tư, sáu bảy, chấm hết. Thím Đặng nhà tôi sinh vào các năm: Bốn bảy, năm mốt, năm tư, năm tám, sáu hai, sáu sáu, chấm hết. Bác Hương nhà tôi sinh vào các năm: ba hai, ba nhăm, chấm chấm (những đốt mất khi nhỏ tôi không nhớ được),bốn tám, năm mốt, chấm hết. Bác Khang nhà tôi sinh vào các năm: ba nhăm, ba sáu, ba tám, bốn mốt, bốn hai, bốn tư, bốn bảy, năm ba, năm sáu, chấm hết. Liệt kê chút síu để thấy hầu như nhà nào và lúc nào cũng có trẻ con. Việc "chăm sóc sức khỏe sinh sản" của làng tôi, cũng như nhiều làng khác ở trong vùng là dựa vào cái lệ "đi chơi người đẻ". Những người mới đẻ thường được bầu bạn và họ hàng đến thăm và cho quà. Quà thường thấy là một vài chục quả trứng gà, trứng vịt; mấy ống gạo ngon; cặp gà giò hoặc cặp chân giò lợn; vài chục bánh đa kèm thêm với mấy chục bánh trứng cáy. Ở vùng tôi chỉ có cua mà không có cáy. Nhưng ở vùng Đậy, Đọ phía cuối huyện, sang Đông Triều, Kinh Môn, Thủy nguyên... thì cáy nhiều vô kể. Chúng thường sống trong các ruộng cói hay bãi cỏ hoang. Giống cáy rất nhát. "Nhát như cáy ngày" mà. Hơi thấy động là chúng chen chúc nhau chạy cho xa. Người đi bắt cáy biết vậy nên chỉ cần đào một cái hố to bằng cái thúng nhưng sâu sâu xuống để đón lõng. Người ta ra phía đầu kia đánh động để lừa cáy. Cáy sẽ từng đàn xô nhau chạy và sa xuống hố. Thấy đầy hố thì ra xúc đổ vào sọt đựng cáy gánh về. Mùa cáy trứng thì con cái nào cũng đầy một bụng trứng. Người ta bóc yếm đem chỏa vào những chậu nước sạch để tách trứng ra khỏi yếm. Rồi người ta lấy vải lọc lấy trứng. Úp bát xuống, lấy chôn bát làm khuôn, gạt trứng cáy vào. Khi trứng cáy đã đông cứng thì bóc ra đem phơi nắng cho khô kiệt. Rồi lấy dây cói buộc thành từng chục đem ra chợ bán. Mắm cáy, trứng cáy là món ăn đầu vị của gái đẻ. Trứng cáy thường dùng để nấu canh bánh đa cho gái đẻ ăn. Còn mắm cáy thường được trưng lên cùng với hạt tiêu cho thành một thứ bột mằn mặn, cay cay, thơm thơm làm thức "ăn khem" cho gái đẻ vài ba tháng đầu. Gái đẻ làng tôi hầu như người nào trước khi "nằm ổ" cũng chuẩn bị sẵn cho mình một hũ mắm cáy. Một số nhà có điều kiện hơn còn chuẩn bị thêm một hũ rượu cẳm cho thật ngấu. Ngoài các món ấy ra gái đẻ làng tôi còn hay tẩm bổ bằng nước đái trẻ con. Nhất là nước đái trẻ con buổi sáng sớm khi vừa ngủ dậy. Ngày thím Đặng đẻ đứa đầu lòng, tôi mới lên năm tuổi. Sáng nào thím cũng bảo chị Bất đem bát sang, đánh thức tôi dậy, bảo đái vào bát cho thím một bãi. Tôi mắt nhắm mắt mở, lậng chậng bước ra đầu hè. Chi Bất cầm bát hứng, còn tôi thì tự nhiên vạch cun ra tè vào bát. Tôi chỉ tè một lúc là đầy bát. Bát nươc giải nóng hổi, trong vắt. Cũng li ti một chùm tăm và làu nhàu một ít bọt. Chi Bất chun mũi bưng về. Tôi lại vào giường đi ngủ tiếp. Chị Bất kể: hôm nào về thím Đặng cũng một tay bịt mũi, còn tay kia bưng bát nươc giải quý của tôi để lên miệng tu một hơi cạn sạch. Người nhà quê không có chế độ nghỉ đẻ. Chỉ tùy điều kiện từng nhà và tùy theo tình hình mùa vụ mà gái đẻ làng tôi nghỉ nhiều hay nghỉ ít. Đẻ vào những "ngày ba tháng tám" nông nhàn thì được nghỉ nhiều. Đẻ vào những ngày mùa vụ thì nghỉ ít. Các bà già vẫn thường khuyên con cháu "kiêng kỹ" và "tránh làm non" để sau này khỏi phải "trả giá". Nhưng xem chừng lời khuyên ấy cũng ít được thực hiện. Gái đẻ làng tôi đa phần cứ làm đồng cho đến ngày "trở dạ" thì mới nghỉ. Đi "nằm ổ" vài hôm là lại đi làm ngay. Nếu nhà nào không có đứa lớn bế đưa bé, "bồng nhếch bồng nhác con mèo tha con chuột" thì tất yếu phải đi mượn người ở. Nhà tôi và bác Hương vào diện "có đứa lớn" nên không phải thuê mượn gì. Riêng nhà thím Đặng, đẻ đứa thứ nhất thím nhờ được một đứa cháu gái là chị Bất sang giúp việc. Nhưng đến đứa thứ hai, chị Bất phải về quê đi lấy chồng, thím phải thuê người ở. Người ở cho thím lần này là Đỗ Như Hiến (Không phải họ Đỗ Đình nhà tôi). Ấy là bây giờ viết văn tôi viết cả tên cả họ ra như thế cho lịch sự, cho oai. Chứ ở ngoài đời lúc ấy, tôi chỉ gọi hắn là "thằng Hiến". Thằng Hiến bằng tuổi tôi lại cùng làng với tôi. Bố hắn chết vì nạn đói năm 1945. Nhưng không chết vào lúc đói mà lại chết vào lúc no. Lúc lúa ngoài đồng đã đỏ đuôi rồi. Bố hắn ra gặt tỉa lấy mấy lượm về bỏ vào cối dã lấy gạo tươi ra nấu cơm ăn. Ăn no rồi mới chết. Chết no, nhưng lại là hậu quả của việc nhịn đói quá dài ngày nên vẫn gọi là chết đói. Mẹ hắn đi lấy chồng trên làng Thủy. Hắn ở nhà với bác Bằng hắn. Nhưng có ai thuê mướn thì bác Bằng vẫn cho hắn đi ở. Hiến người thập đậm, trông hơi phục phịch. Mà da thì đen nhem nhẻm. Hắn có một khối bìu to bằng quả trứng gà đeo bên cổ trái. Chỉ vì có cái bìu ấy mà trông hắn xấu giai hẳn đi, quái dị hẳn đi. Vì cùng bế em, nấu cơm,...lại gần nhà nhau nên tôi và Hiến thành thân nhau. Tôi hay bế em sang nhà thím Đặng để cùng chơi với Hiến. Hiến là "đứa ở" nên hắn cũng giữ ý không tùy tiện bỏ nhà đi chơi. Sợ về chủ mắng. Còn tôi, tôi là người nhà, tôi không phải giữ ý như Hiến. Chúng tôi cùng nhau bày trò dỗ trẻ. Nhưng thực ra cũng là tự bày trò chơi cho mình. Mùa công cống thì bày trò câu công cống. Công cống là một loại sâu đào hang sống dưới đất. Con công cống chỉ to bằng cái đầu tăm. Thân công cống có mầu trắng đục chia nhiều đốt, có nhiều chân như chân rết. Đầu công cống có mầu nâu nhạt. Chắc đây là cái đầu sừng để dũi đất và cái hàm sừng để nhai nghiền thức ăn. Hang công cống chỉ là một cái lỗ tròn thẳng đứng vuông góc với mặt đất. Chắc là ban đêm công cống mới trèo ra khỏi hang đi kiếm ăn. Còn ban ngày thì chúng lại tụt xuống hang nằm ngủ. Ở những cái sân đất, hễ có hang công cống là biết ngay. Muốn câu công cống chỉ việc ra bụi tre tuốt lấy những cái lá tre non, vẫn còn đang cuộn tròn như những cái tăm và cũng được gọi tên là "cái công cống". Tuốt những "cái công cống" về, cắm đầu non "cái công cống" xuống hang "con công cống". Rồi ngồi yên quan sát.Hoặc khi cao hứng thì thì vừa vỗ tay xuống đất vừa hát: "Công cống mày lên ăn mạ kẻo quạ ăn hết / Công cống mày lên ăn mạ kẻo quạ ăn hết". Chỉ có một câu ấy thôi nhưng cứ hát đi hát lại mãi.Hễ thấy ngọn "cái công cống" động đậy, thế nghĩa là "con công cống" đã "cắn câu". Lúc bấy giờ chỉ cần cầm "cái công cống" từ từ rút lên là "con công cống" sẽ lên theo. Chỉ có vậy thôi mà được con nào bọn trẻ cũng hò reo ầm ỹ. Những đứa bé thường hay khóc khi chúng đói hoặc khi chúng buồn ngủ. Chúng đói thì phải bế chúng đi xin bú. Xin bú là bế đứa trẻ đến những nhà có gái đẻ xin họ cho bú nhờ. Người phụ nữ con mọn thường có những bản năng đặc biệt về đứa trẻ. Dù làm gì ở đâu, nhưng con khát sữa là họ biết ngay. Nếu làm ở đồng gần là họ thường tranh thủ về nhà cho con bú. Nhiều khi cứ phải cho con mình bú một bên và cho con hàng xóm bú nhờ một bên. Gái đẻ làng tôi không ai từ chối việc cho con hàng xóm bú nhờ, bú chực cả. Nếu đứa trẻ khóc vì buồn ngủ, tức là chúng "gắt ngủ", thì phải hoặc ôm ẵm rung rung, hoặc nằm võng đưa tít lên và hát ru cho chúng ngủ. Người mẹ nào ở làng tôi cũng đều thuộc những bài hát ru thông thường. Dì Khiêm nhà tôi thuộc khá nhiều bài hát ru và dì thường hát đổi bài đi trong mỗi lần ru. Nhờ thế tôi cũng học lỏm được khá nhiều bài ở dì. Mỗi lần ru em là một dịp tôi ôn lại bài, tôi tự kiểm tra mình xem đã thuộc bài hay chưa. Tôi hát để dẫn dụ em tôi đi vào giấc ngủ. Nhưng tôi hát cũng là tự dẫn dụ trí tưởng tượng của mình bay theo những cánh cò...Có rất nhiều những "cánh cò" trong các bài hát ru. Trong trí tưởng tượng của tôi thì những cánh cò ấy thường gắn liền với những không gian rất cụ thể của làng tôi. Chẳng hạn khi hát câu "Cái cò mà đi ăn đêm/Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao" thì cái cành mềm ấy nhất định là cái cành tre ở bờ tre nhà chú Đặng và cái ao mà con cò lộn cổ xuống cũng đích thị là cái Ao Rồng. Khi hát câu "Con cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non" thì cái bờ sông mà con cò đang lặn lội ấy lại chính là bờ con Sông Đào làng tôi. Tương tự khi hát câu "Con cò đậu cọc cầu ao/Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua/Ngày ngày ra đứng cổng chùa/Trông về Hà Nội thấy vua đúc tiền" thì cái cọc cầu ao con cò đậu cũng là một cái cọc rất cụ thể ở cầu ao nhà ông Hội Thỉnh. Cái quả sung mà con cò ăn là quả sung của nhà chú Thụ. Ở cầu ao nhà chú Thụ tôi có cây sung thích lắm. Nó có dáng đứng thẳng. Thân to vừa đẫy ôm bọn trẻ con chúng tôi và sần sùi cổ thụ. Nó không rườm rà cành lá như nhiều cây sung khác mà chỉ có mấy cành gầy guộc trông như mấy cánh tay giơ lên trời. Nhưng quả của nó thì sai ơi là sai. Nó ra đầy thân, đầy cành. Có lẽ vì sai quá nên quả không to. Chỉ tầm ngón tay cái, ngón chân cái một thôi. Nhưng bỏ vào mồm mà nhai thì cứ ròn gau gáu và bùi nình nịch. Rồi cả đến cái cổng chùa mà con cò ra đứng cũng chính là cái cổng chùa làng tôi-tức cổng nhà ông Nho Mại. Đình chùa làng tôi biệt lập một khu riêng nên cổng chùa cũng thoáng đãng và mát mẻ lắm. Những ngày nắng gió tây nóng bức chúng tôi thường vẫn ra đây ngồi dưới bờ tre hóng mát. Có lẽ vì thế mà con cò cũng "bắt chước" chúng tôi cứ đứng ở đây mà ngóng về phía làng Dâu, phía Hà Nội chăng? Tôi thường cũng giúp Hiến một số công việc mà chủ nhà giao cho. Nhất là việc hái quả. Bởi Hiến là người phục phịch, trông dáng hắn nặng nề nên hắn trèo cây vụng lắm. Tôi gầy gò nhẹ nhõm nên trèo cây thạo hơn. Nhà thím Đặng tôi có bốn cây quéo và một cây thị. Cây thị là nó tự mọc từ lâu đời rồi. Bây giờ nó đã thành một cây to. Nó đứng trên bờ rãnh phía tay trái điện thờ thổ thần và cách điện thờ chừng ba mét. Còn bốn cây quéo là do bác Trương Hương trồng từ ngày mới ra khu đống Xộp này ở cách đây đã vài chục năm. Bây giờ nó đã thành bốn cây quéo rất to đứng thành hàng chữ nhất vắt ngang qua đống Xộp. Giống quéo năm được năm mất. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy nó có một năm sai quả. Những năm ấy tôi thường trèo cây vin cành hái hàng gánh quả để thím Đặng đem đi chợ bán. Giống quéo thường rất hay rụng quả mỗi khi có mưa dầm gió bắc tràn về. Vì thế cứ thấy có gió bắc to là chúng tôi lại chạy ra vườn và lần nào cũng mót được vài ba quả rụng. Nhưng quéo xanh ăn chua lắm. Nó chua gay, chua gắt. Chỉ cần một miếng to bằng ngón tay, đưa vào miệng nhai, cái chất chua lan ra là lập tức mặt mày nhăn nhó, run rẩy chân tay và ê ẩm cả người. Lúc ấy mà lại nhìn mặt nhau nữa thì càng buồn cười thêm. Mà cười trong lúc ăn chua cơ mặt rất hay bị chuột rút. Ở chỗ núm đồng tiền sẽ đau nhói và cứng đờ khó cân mặt lại được.Trông càng ngố đẫy. Bố tôi thì lại ăn quéo xanh một kiểu khác. Ông thái nhỏ quéo ra như người ta băm bầu băm bí rồi cho vào bát trộn đường vào, để khoảng nửa ngày rồi mới ăn. Ăn kiểu này thì dễ ăn hơn hẳn. Tôi cũng có thể đánh được hàng bát. Nhưng quéo chín cây thì ăn mới ngon lạ. Nó có mùi thơm riêng, vị ngọt riêng mê hoặc và hấp dẫn hơn hẳn các loại hoa quả khác. Có điều quéo chín thường hay có bọ. Nhưng không sao, cứ bổ ra, gạt bọ đi rồi cắt bỏ những phần bọ đào bọ ăn nham nhở trước. Phần còn lại ta ăn. Vẫn rất tuyệt. Duy nhất có một lần, đã sau tết mồng năm tháng năm rồi. Đã hết vụ quéo rồi. Thế mà tình cờ một hôm tôi nhìn lên ngọn cây quéo đầu đàn lại thấy lấp ló hình như là một quả quéo chín. Tôi trèo thoắt lên ngay. Đúng rồi. Một quả quéo nhỏ thôi, nhưng chín đỏ. Tôi bỏ túi mang về, bổ ra, không hề thấy một con bọ nào. Đó là một quả quéo chót vụ, trinh nguyên mà tôi cũng được thưởng thức trọn vẹn sự thơm ngon của nó. Hiến chỉ ở cho nhà thím Đặng chừng hơn năm thôi. Sau này hắn đi đâu tôi cũng không biết nữa. Bác Bằng hắn trong cải cách ruộng đất trở thành cốt cán, cũng vào loại hống hách và vây vo. Nên đến sửa sai dân làng khinh bỉ. Ông ta vừa thẹn lại vừa sợ người ta báo thù, nên đã bỏ làng chạy lên quê vợ ở. Thế là dấu tích "dây mơ rễ má" của Hiến ở làng tôi không còn ai nữa. Nhiều lần tôi hỏi thăm người làng. Cũng có người cho biết: sau này Hiến có đi bộ đội một thời gian. Trong quân đội người ta đã cắt được cài bìu ở cổ đi cho Hiến. Xuất ngũ Hiến ra Quảng Ninh làm công nhân, cũng lấy vợ có con và một đôi lần dẫn vợ con về làng nhưng tôi không gặp. Cuộc sống gia đình của bố tôi với bà mẹ kế cũng không suôn sẻ gì. Hai ông bà rất hay gằn hắt nhau vì chuyện vợ nọ con kia. Mỗi lần đi học xa về nhà tôi luôn thấy hai ông bà cãi nhau. Mặt dì Khiêm lúc nào cũng nặng như đá đeo, thủng thẳng đay lại chồng những câu rất khó chịu. Cho nên cứ mỗi lần về nhà là lòng tôi lại thấy nặng nề thêm. Gia đình không còn là tổ ấm của tôi nữa. Tôi rất ngại về nhà. Những tháng nghỉ hè, tôi thường tìm việc đi làm thuê, để kiếm thêm tiền nhưng chủ yếu là để khỏi phải ở nhà lâu. Năm thì đi đập đá vác đá ở Phúc Sơn, Kinh môn. Năm thì đi phụ nề xây cống, xây đập ở vùng núi Chí Linh. Cũng có năm thì ở lại thị xã Hải Dương đóng gói áo bông gửi lên miền Tây Bắc...Đã có lần tôi tiêu cực, tôi xin bố tôi cho tôi nghỉ học để ở nhà đi làm. Nhưng bố tôi không nghe. Bố tôi bảo: " Mày ở nhà, không làm ruộng được đâu. Phải cố mà đi học. Mẹ mày mong như thế!". Mãi đến những năm gần đây quan hệ giữa tôi với dì Khiêm mới cởi mở thêm được chút ít. Nhất là từ khi tôi muốn kiểm chứng lại những ký ức của tôi về làng Riêng thì người duy nhất tôi có thể tin cậy được chính là dì Khiêm. Bởi người già làng tôi tuy cũng còn một số, nhưng người còn nhớ được rành rẽ có lẽ dì Khiêm là hơn cả. Chỉ có đám con "anh Ngà", hễ gặp tôi đâu là chúng chỉ nhe răng ra cười trừ, chẳng biết nên gọi tôi bằng cậu theo ngõ mẹ, hay bằng chú (em) theo ngõ bố? |
8.Trẻ chăn trâu |
Làng
tôi là một làng thuần nông, chuyên nghề làm ruộng cấy lúa
nước, nên hầu như nhà nào cũng nuôi trâu. Những nhà nghèo,
ít ruộng, cũng thường rủ nhau vài bốn nhà nuôi chung một
con để giúp viêc cày kéo. Làm ruộng mà không có con trâu,
hoặc ít ra là một chân trâu thì quả tình cũng bí. Nhưng
đa phần cũng chỉ nuôi trâu cái. Rất ít nhà nuôi trâu đực.
Vì nuôi trâu đực, tuy sức cày có khỏe hơn nhưng khó chăn
dắt và không sinh lời. Ở quê tôi thời ấy đã có nghề
nuôi "lợn cà" nhưng chưa có nghề nuôi "trâu cà". Nuôi trâu
cái thì ngoài việc giúp người kéo cày, kéo bừa, cứ chừng
một năm hoặc hơn năm, nó lại sinh thêm cho một con nghé.
Con nghé này cũng chỉ cần "đẫy niên" là có thể vực cho
nó tập kéo cày được. Nếu mẹ nó còn đương sức thì "tẩy"
nó đi cũng được một khoản tiền. Nếu mẹ nó già thì cho
nó kế vị. Còn mẹ nó thì ...hóa kiếp. Xem người ta hóa
kiếp cho trâu cũng sợ lắm, cũng "dã man" lắm. Thế nhưng
chẳng có đám giết trâu nào mà bọn trẻ con chúng tôi không
chen chúc nhau đứng xem. Cũng chỉ dám đứng ở đằng xa thôi,
sợ nó mà dứt được thừng ra, nó điên lên, nó húc cho thì
có mà lòi ruột. Ấy là sợ thế thôi chứ ở làng tôi chưa
xẩy ra một vụ nào. Người ta buộc mũi trâu gần sát vào
cọc để tương đối cố định vị trí đầu con trâu. Một
hoặc hai người có sức khỏe hay quen nghề, có mẹo vác búa
tạ, đứng dang chân chèo, nhằm đúng giữa đầu con trâu mà
giáng những nhát búa như trời giáng xuống. Con trâu lập tức
sẽ bị choáng, lăn kềnh ra. Người ta xô vào trói chân, đè
đầu và chọc tiết. Con trâu cứ thế mà chịu trận:
ỳ ò kêu, phì phò thở cho đến khi chết hẳn. Rồi người
ta cắt đầu, cắt chân, lột da, mổ bụng bới lòng đem ra
một chỗ khác làm. Phần mình trâu được xả ra thành bốn
góc, quẳng vào những cái nong, tiếp tục băm chặt thành những
phần nhỏ hơn để phân phát cho những người tiêu dùng. Bữa
tối hôm đó trong bữa ăn nhà chúng tôi thể nào cũng sẽ
có món thịt trâu. Ở làng tôi chế biến các món ăn bằng
thịt trâu cũng còn đơn giản lắm. Chủ yếu chỉ đem xào,
đem xáo với rau muống hoặc rau cần tùy mùa. Ông nào máu
nhắm thì chọn lấy một miếng thịt nục, đem trần qua nước
sôi thái mỏng ra chấm với tương gừng, ăn tái. Cái món tái
trâu này có thể ăn no được. Vì nó cứ ngọt sớt đi mà
mát đến tận gan, tận ruột. Những người máu nhiệt, hay
bị đi kiết hoặc lở mồm, nhiệt lợi, ăn tái trâu vào là
khỏi ngay. Còn bì trâu, chân trâu thì người ta hay dùng để
làm nham. Người ta luộc chín bì trâu, chân trâu đem thái mỏng
rồi xào chua cay ngọt. Cái món nham trâu này ăn cũng lạ miệng.
Nó cứ lựt sựt giòn, lam nham dính, chua chua, ngòn ngọt...Nhưng
xộc ngay lên là cái vị cay. Tưởng như nó cháy cả đến
mang tai. Bọn trẻ con chúng tôi không khoái. Nhưng các cụ thì
cứ thấy gật gù, nâng lên đặt xuống có vẻ thú vị lắm.
Nhà tôi thường nuôi một con trâu cái. Kỳ nào mà cái "hoa" của nó xưng lên, ấy là kỳ nó ngấy đực. Nhưng trâu cái ngấy đực không dữ dội như lợn cái. Lợn cái mà ngấy đực thì "hoa" nó đỏ tấy lên. Kỳ ấy nó không ăn, không ngủ, chỉ lồng lộn phá chuồng đòi đi tìm bạn tình. Vì thế mà nuôi lợn cái người ta cứ phải thiến ngay từ lúc mới mua về. Trâu cái ngấy đực điềm đạm hơn. Nó vẫn cứ đủng đỉnh gặm cỏ. Coi như không có vấn đề gì xấy ra. Nhưng nếu trong đàn có một anh trâu đực. Tự nhiên anh ta sẽ tìm đến. Con trâu cái vẫn cứ vừa gặm cỏ, vừa ý tứ tự nguyện khẽ cong cái đuôi lên: "Em sẵn sàng ưng thuận đấy anh ạ". Anh trâu đực sẽ đưa mũi vào ngửi ngửi, liếm láp vài cái rồi nghênh sừng lên cười. Chắc là nó sung sướng lắm vì đã tìm được một cô ưng thuận. Một cuộc làm tình sắp bắt đầu. Cái cun của nó xưng to lên. Một cái mũi dùi đỏ và nhọn hoắt ở giữa bao quy đầu nhú ra, chảy tong tong những giọt tinh dịch. Lúc ấy thì bọn con trai chúng tôi sẽ bỏ mọi thứ trò chơi khác, xúm vào xem hai anh chị làm tình. Riêng bọn con gái thì cứ bơ đi. Có đứa còn đỏ mặt lên vì xấu hổ, dắt trâu lảng xa ra chỗ khác. Còn anh chị nhà trâu thì bất biết. Chúng cứ "vô vi" thuận theo lẽ tự nhiên của trời mà hành sự. Anh trâu cái sẽ cong hẳn cái đuôi lên và hơi dạng thấp hai chân sau xuống . Anh trâu đực bắt đầu nhảy. Cũng phải vài lần mới được. Khi đã được rồi, nó rúm hết cả hai cái mông sau vào mà dướn. Rất nhiệt tình. Anh trâu cái cũng ngây đờ người ra, lim dim mắt. Xong việc, chúng cũng quanh quẩn bên nhau một lúc rồi mới chia tay. Không có bất cứ một ràng buộc hôn thú nào. Anh với em lại thành người xa lạ. Lần sau, có thể gặp lại nhau. Cũng có thể là chẳng bao giờ nữa. Nhưng trâu cái mà chưa đến kỳ ngấy đực, chưa có nhu cầu về bạn tình thì nó "đứng đắn" lắm. Thấy trâu đực đến gần là cái đuôi của nó quắp chặt vào giữ "hoa": "Tôi không ưng đâu, đừng có vớ vẩn !". Anh đực nào mà cứ cố tình sàm sỡ đưa mũi vào ngửi, nó sẽ lập tức quay đầu lại hẳng cho mấy cái sừng đuổi tống đi ngay. Anh trâu đực bao giờ cũng biết lỗi và chỉ có mỗi cách là co chân chạy thẳng. Không có con trâu đực nào dám húc lại với trâu cái trong trường hợp ấy cả. Chỉ có trâu đực húc nhau với trâu đực. Chúng húc nhau chí chết, đến kỳ phân thắng bại mới thôi. Nhưng khi đã phân thắng bại rồi chúng sẽ không húc nhau nữa. Nếu gặp nhau, chúng cũng chỉ đứng nghênh sừng lên thách thức nhau một lúc và bên thua bao giờ cũng biết thân biết phận, quay đầu chạy, nhường địa bàn cho bên thắng. Cũng chỉ cần một lần "chịu đực" như thế là trâu cái sẽ mang thai...Cái bụng của nó sẽ to dần lên, nặng nề dần lên. Cho đến khi "hoa" của nó xuất hiện một thứ nhớt có mầu trắng như "nhựa duối". Người làng tôi vẫn gọi tên cái thứ nhớt ấy là "nhựa duối". Ấy là lúc trâu cái sắp đến kỳ sinh nở. Dáng vẻ nó trông mệt mỏi. Đứng lên nằm xuống rất nặng nề, ỳ ạch. Mà tâm trạng hình như cũng bồn chồn. Nhất là lúc trở dạ. Nó cũng cứ quanh quẩn như muốn tìm tòi một thứ gì. Hai chân trước sẽ cào bới. Hai chân sau hình như muốn dạng ra. Chắc là cơn "buồn rặn" đang manh nha . Một "xung lực" tự nhiên nào đấy đang xui cái dạ con của nó chuẩn bị co bóp để tống con nghé con ra ngoài. Con trâu đẻ cũng gần giống như con trâu ỉa. Nó cũng đứng hơi dạng chân sau. Cũng hơi hạ thấp mông sau xuống cho "hoa" dễ mở ra hơn. Cùng với những cơn rặn cái "hoa" nó cũng mở to dần. Đến một lúc, đầu con nghé nhú ra trông giống như một cái bi chuối lúc lấp ló chui ra khỏi cổ buồng. Những cơn rặn càng dồn dập và mạnh mẽ hơn. Con nghé con được bọc trong một cái màng mỏng từ từ nhô ra. Khi nó ra được qua hai chân trước thì cũng đã được quá nửa cái thai rồi. Sức nặng của "phần bên ngoài" sẽ tự kéo cho cái thai tụt ẫng ngay ra. Con nghé con loạng choạng và lồm cồm định đứng lên. Nhưng còn bấy bớt và run rẩy lắm. Nó cứ co chụm chân vào rồi lại cố đứng dậy. Nhưng còn dúm dó và lẩy bẩy. Nó cứ ngã rồi lại gắng gượng lồm cồm bò dậy. Cuối cùng thì nó cũng đứng lại được. Động tác đầu tiên của nó là rúc tìm vú mẹ. Thế là đã mẹ tròn con vuông rồi đấy. Đên lúc ấy thì bố tôi thường đi lấy một cái chủi rễ cùn, buộc quấn vào đầu cái rau thai cho nó đeo lủng lẳng ở dưới khoeo con trâu mẹ. Cái rau thai sẽ từ từ tụt dần ra. Khi cái rau thai đã tụt hết ra, bố tôi đem nó đi rửa ráy sạch sẽ rồi gói vào một cai mo cau đem luộc chín. Thế là lại có một món ăn khoái khẩu. "Rau trâu" thường được thái ra những miếng nhỏ như miếng trứng tráng. Đem chấm với tương gừng, bỏ vào miệng nhai cứ thấy nó sậm sật giòn, dai dai, ngòn ngọt, mằn mặn, cay cay...rất dễ nhuốt và cũng dễ nhớ đời. "Rau trâu" chỉ là một món ăn chơi. Có thì ăn và ăn hoàn toàn ngẫu hứng nên càng dễ "thăng hoa". Đàn bà trẻ con ít được ăn món này. Tôi vào loại được bố chiều nên thỉnh thoảng mới được nếm náp. Nhưng vì ăn ít nên thành ngon lâu. Đến bây giờ nhớ lại, tôi vẫn thấy cái dư vị của nó như còn nguyên trong miệng. Nhưng ngoài đời thì tôi kiếm đâu ra được nữa? Ở làng tôi và cả vùng tôi tuy vẫn còn cấy lúa nước nhưng không còn thấy bóng một con trâu nào. Thịt trâu bây giờ còn là thứ "đặc sản" huống chi là "rau trâu"? Những con trâu ngoan là những con không đái chuồng, ỉa chuồng bao giờ cả. Nhưng sáng ra chỉ vừa dắt ra đến cổng là nó cong đuôi lên ỉa một bãi rõ to rồi mới đái. Người nhà chỉ cần lấy nắm tro bếp rắc vào một cái sảo ra bốc lấy bãi phân bê về vứt vào chuồng lợn. Những con lợn sẽ đái, ỉa, dẫm đạp trộn đều phân trâu, phân lợn cùng với mùn rác thành một thứ phân tổng hợp gọi là phân chuồng. Đó là nguồn thức ăn thường vụ và chủ yếu cho cây lúa nước. Cũng có con thì ỉa đái ngay ở trong chuồng rồi dẫm đạp nhoe nhoét ra, tuy không mất phân nhưng dọn chuồng khá vất vả. Tệ nhất là những anh cứ đến đoạn đường lội nó mới ỉa, mới đái. Anh đi trước vừa ỉa xong thì anh đi sau dẫm vào trộn phân với bùn. Những anh trâu này là những anh vô tích sự, vừa làm chủ mất phân lại vừa làm cho đường làng ngõ xóm bẩn thỉu. Bãi chăn trâu chủ yếu của làng tôi là ở "ngoài đê". Quãng đê thuộc địa phận làng tôi chỉ dài chừng trăm mét kéo dài từ cống Kỳ Đặc, nối sông Đào với sông Kinh Thày, đến ngã ba đê Gốm. Ở phía ngoài đê, giáp cống Kỳ trước đây là chỗ họp "Chợ Cống" và cũng có một bến đò ngang qua sông Kinh Thày gọi là Đò Cống. Nhưng cả Đò Cống và Chợ Cống đến thời chúng tôi đều không còn nữa. Nó chỉ còn là một đoạn đê và một khoảng bãi bồi ngoài đê để chúng tôi thả trâu. Trong đê có đền thờ bà Trần triều công chúa. Ngôi đền này khá đẹp. Nó nhìn hướng chính đông và ngay trước cửa là đáy con sông Đào. Nghe nói trước đây còn có ao đền rồi mới đến sông nhưng bấy giờ thì ao và sông đã thông luôn làm một, tạo cho đoạn đáy con sông Đào phình ra trông như một cái hồ rộng ngay trước cửa đền. Từ sông vào, qua một con đường cái là đến sân đền. Sân đền cũng khá rộng. Đối xứng hai bên trước cửa đền là hai cây đa. Phía áp đê là một cây đa lông xanh thẫm và rườm rà cành lá. Phía bên kia là một cây đa trơn gầy guộc và cũng vàng vọt hơn. Hai cây đa này đều do ông Trương Tự trồng nên người làng tôi vẫn gọi là "cây đa ông Trương Tự". Hai bên tả hữu đền là hai bãi bia có rất nhiều bia đá, nhưng toàn viết bằng chữ nho nên chẳng ai hiểu những tấm bia đó viết về cái gì. Từ đê đi vào làng, áp ngay bên trái đền là khu văn chỉ. Văn chỉ làng tôi chỉ là một cái đài lộ thiên. Hai bên tả hữu đài xây hai cái cầu thang bằng gạch đi lên để đặt lễ vật lên đài. Trước văn chỉ là một bãi đất trống hình chữ nhật. Nghe nói trước đây đó là nơi để các quan viên làng tế lễ hàng năm. Sau đền là một bãi cỏ nữa rồi đến con sông Gốm vừa nông vừa yên tĩnh vắng vẻ, quanh năm rong rêu mọc đầy. Những gia đình nhà cốc và những đàn vịt giời thường xà xuống đây kiếm ăn. Đặc biệt có một giống chim lạ, to bằng vốc tay, lông trắng, đầu đỏ, chân vàng, có một cái mào lông rất dài ở đỉnh đầu, thường từng đôi nhấp nhổm trên lá trang, lá súng kiếm mồi, trông rất sinh động. Chúng tôi chẳng biết nó tên gọi là chim gì, chỉ nghe thấy nó thường kêu "téo ụt...téo ụt..." nên cứ gọi nó là chim "đéo hụt". Tôi chỉ được chứng kiến duy nhất có một lần hội đền ở đây. Lần ấy tôi còn rất bé, bố mẹ tôi bế tôi ra hội đền cho xem hát tuồng. Đám hát diễn ngay ở trong đền. Bố mẹ tôi đứng cuối đám đông nên cứ phải cố nâng tôi lên để cho tôi nhìn thấy diễn viên. Tôi nhìn thấy có hai người trên sân khấu. Một người thâm thấp, đầu đội thứ mũ gì cứ lóng la lóng lánh. Còn người kia cao hơn, đầu đội một thứ mũ nhọn hoắt như đâm lên trời. Người ấy râu xồm, áo thụng, đi hia và mặt thì bôi trát đen trắng trông rất gớm ghiếc. Trông thấy điệu bộ ông ta tôi đã hoảng hồn. Nhất là khi tôi thấy ông ta chỉ tay về phía tôi mà hét tướng lên thì tôi khiếp đặc. Tôi sợ quá chợt khóc thét lên. Bố mẹ tôi đành vội bế tôi về. Từ đó tôi không thấy bố mẹ tôi cho đi xem hội đền nữa. Nhưng năm nào, kỳ đầu xuân hay kỳ hội đền tháng Tám bố mẹ tôi vẫn thường cho tôi theo đi lễ đền, lễ chùa. Bố tôi thì áo lương, khăn xếp chỉnh tề. Mẹ tôi cũng áo tứ thân, khăn mỏ quạ, khuyên vàng xà tích đàng hoàng. Mẹ tôi để lễ vật vào một cái thúng sơn có nắp đậy và đặt tôi vào một cái thúng khác không có nắp đậy. Bố tôi đi trước, mẹ tôi thì gánh lễ và tôi theo sau. Nhưng những cảnh yên hàn và đầm ấm ấy chỉ thoáng qua trong đời tôi thôi. Loạn lạc rồi mẹ tôi mất sớm... từ đó hầu như tôi không biết đến lễ đền và lễ chùa là gì nữa. Nhưng tôi lại được chứng kiến cảnh phá ngôi đền làng. Đó là vào năm 1949, quan Tây ở đồn Ninh Xá sức cho hương chủ các làng Linh Giàng và Cổ Châu Hạ phải cử dân phu dỡ đền để lấy gỗ về cho quan Tây xây dưng mở rộng khu đồn bốt. Làng tôi phải cử người ra dỡ đền. Trong số những người ra dỡ đền có cả bố tôi. Bọn trẻ con chúng tôi thì cứ thả trâu ở bờ đê và bãi cỏ xung quanh đền để xúm lại xem người lớn dỡ đền. Mọi người bắc thang leo lên mái dỡ ngói ra. Họ dỡ mái phía trước sân trước. Ngói dỡ ra thì vứt xuống cho vỡ vụn. Ngổn ngang cả ở trước sân và xung quanh đền. Khi dỡ đến đỉnh nóc thì tôi thấy bố tôi và mấy người ngồi trên nóc giải lao hóng mát và nhìn ra sông Kinh Thày. Bỗng một người đứng lên chỉ ra sông: "Cái gì kia thế nhỉ?". Cả tốp cùng đứng lên giơ tay che mắt cố nhìn. Người thì bảo "Cây chuối chứ còn cái gì nữa". Bố tôi bác lại " Cây chuối gì mà lại biết ngớp biết quẫy à? Chắc chắn đó là một con cá to!". Mọi người không tin nên họ cười cười và thách bố tôi: "Là con cá to đấy, ông bơi ra và vác nó về!". Bố tôi ra thật. Ông tụt xuống thang và chạy ra bờ sông, cởi bỏ quần áo ngoài mặc độc có một cái quần đùi bơi ra. Hôm ấy trời nắng, nước sông phẳng lặng và trong xanh. Có lẽ là một con cá thật. Bởi tôi thấy từ phía giữa sông, bố tôi một tay bơi và một tay móc mang con cá kéo vào. Vào đến bờ mới nhìn rõ là một con cá thật. Một con cá chiên to. Mầu nó vàng nhạt hơn màu con cá bò một chút. Nhưng nó to đúng bằng một cây chuối. Thảo nào mà mọi người cứ ngỡ nó là một cây chuối trôi sông là phải. Bố tôi hào hứng vác nó lên vai rồi chạy thẳng về nhà. Tôi ôm bộ quần áo của bố tôi và lon ton chạy theo. Bố tôi chỉ lạng lấy hai bên thân cá lấy phần nạc cắt ra từng miếng to bằng bàn tay. Cũng rán ăn một bữa, còn phần lớn đem phơi khô để dành. Các phần khác thì bố tôi đem làm chượp nấu mắm. Khi phần mái ngôi đền được tháo dỡ xong thì quan Tây bên đồn Ninh Xá cho xe lội nước sang kéo đổ rồi chở gỗ về xây dựng đồn trại. Đền làng tôi chỉ còn lại là một đống gạch ngói vỡ vụn và trơ ra những tảng đá chân cột, những cột trụ đá và những bia đá. Cái đống hỗn tạp ấy rồi cũng hao hụt dần. Bia đá, tảng đá chân cột thì người ta vần đi mang độn đường hoặc mang về bắc cầu ao, cầu giếng. Hai cột trụ đá ở hai bên gian cung làng đem về dựng hai bên cầu giếng ở đầu làng. Còn ngói vỡ, gạch vỡ thì bọn trẻ trâu chúng tôi dùng để làm đạn đem ném nhau dần. Những trận ném nhau trong nội bộ làng thì không gay go căng thẳng mấy. Tuy đôi khi cũng có thằng biêu đầu mẻ trán, tru téo khóc, lu loa chửi rủa lẫn nhau một lúc rồi cũng thôi. Nhưng những trận ném nhau với trẻ trâu làng khác thì cực kỳ ác chiến. Tôi nhớ có một lần trẻ trâu làng tôi ném nhau với trẻ trâu làng Kỳ. Làng tôi và làng Kỳ cùng nằm trên bờ con sông Đào. Làng Kỳ nằm ở bờ đông, làng tôi nằm ở bờ tây. Đê làng tôi và đê làng Kỳ cũng giáp giới nhau ở chỗ cống Kỳ. Trẻ trâu hai làng hễ chăn trâu ở đây là rất dễ va chạm. Lần ấy cũng thế. Bọn trẻ trâu làng Kỳ cậy cống của làng nó nên không cho bọn tôi thả trâu ở đoạn đê trên cống. Bọn chúng tôi thì cự lại "Đê là đê chung của cả huyện, cả nước chứ không của riêng làng chúng mày mà đòi cấm". Thế là tay đầu đàn của làng Kỳ hạ lệnh cho đàn em: "Chúng bay! Đuổi đánh bỏ mẹ chúng nó đi!". Bọn trẻ trâu làng Kỳ nghe lệnh bèn vác gậy, cậy đất đuổi ném chúng tôi. Chúng tôi phải chạy về co cụm ở dưới khu đền. Lúc ấy may mà có anh Đôn đang dắt một con nghé chăn ở sân văn chỉ. Thấy trẻ trâu làng mình bị bắt nạt, anh thả nghé, lững thững đi ra , chỉ tay vào mặt bọn trẻ trâu làng Kỳ mà hạch rằng: " Này, bọn kia! Định lấy thịt đè người phỏng? Có giỏi thì sang đây!" Rồi anh quay lại hạ lệnh cho chúng tôi: "Tất cả cầm gạch đá, hễ đứa nào sang đây cứ ném cho vỡ đầu". Cậy có thủ lĩnh lại có kho vũ khí khổng lồ, chúng tôi vững tâm hơn. Bọn trẻ trâu làng Kỳ thì hình như cũng chột dạ. Chúng đứng dừng cả lại. Nhưng thấy thế thì chúng tôi càng khích đẫy: "Hèn chưa?", " Sợ rồi phỏng?", " Có giỏi thì sang đây!"... Bị khích bọn chúng lao sang thật. Chúng ào ạt lao xuống chân dốc định chiếm bằng được "kho vũ khí" của chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng "tập trung hỏa lực" ném tới tấp về phía chân dốc. Rất nhiều tên ăn đạn. Cứ mỗi lần nghe bọn chúng kêu "Ối !...", "Ái !..." là chúng tôi lại cười giòn lên khanh khách. Vừa bị đau lại vừa bị cười khích nên bọn chúng càng hung hơn. Nhưng vẫn không lại được với chúng tôi. Chỉ càng tổ ăn đòn thêm.Trong khi chúng tôi tập trung chú ý giữ chân dốc thì tên đầu đàn bên làng Kỳ lầm lũi một mình lội bùn qua sông Đào định đánh tập hậu. May cho chúng tôi là lúc đó có anh Chấp và anh Sang đang chăn trâu ở khu Cổng Chợ cũng chạy ra tiếp ứng phát hiện và gọi ra cảnh báo: " Chú ý! Dưới sông!". Chúng tôi quay lại, đã thấy hắn lội đến giữa sông rồi, bùn ngập đến lưng ống chân. Chúng tôi ném xuống tới tấp. Hắn đứng khựng lại, né trái, né phải cố tránh đạn nhưng cũng không sao tránh nổi. Một viên gạch ném trúng đầu hắn tóe máu. Có lẽ hắn đã rất đau, thế mà vẫn liều lĩnh xông lên. Anh Đôn bèn ra nghênh tiếp hắn. Khi hắn vừa nhô mặt lên khỏi bờ sông thì anh Đôn túm tóc, lật ngửa mặt hắn lên đập thêm cho một viên ngói nữa làm viên ngói vỡ đôi. Vừa đập anh vừa quát: "Cút ngay! Mày lên đây thì mày chết!". Bây giờ thì hắn sợ thật. Mặt hắn tái đi thất thần. Hắn quay lại lững thững lội về. Chúng tôi vẫn ném theo, hắn còn ăn thêm mấy viên nhỏ nữa. Phải chạy vội. Khi khỏi tầm ném của chúng tôi, hắn mới dám đi chậm. Hắn vừa đi vừa giơ ống tay áo lên lau máu, vừa hu hu khóc. Thấy chủ tướng thất bại thảm hại, bọn trẻ trâu làng Kỳ tiu ngỉu như mèo cắt tai co cụm cả về khu điếm Kỳ. Một vài tên vẫn đứng trên con trạch chỉ trỏ về phía chúng tôi, có vẻ như đang còn tức tối và hằn học lắm. Từ đó mối thâm thù giữa trẻ trâu hai làng càng nặng nề thêm. Chúng tôi cũng không còn thả trâu về phía đê Kỳ nữa mà thường hay thả về phía đê Gốm. Phần vì phía đê làng Gốm không có đối thủ, nhưng phần quan trọng hơn là phía làng Gốm có nhiều nguồn thu "chiến lợi phẩm". Ngay ở đầu làng Gốm, sát mép nước sông Kinh Thày vẫn còn dấu tích một lò gốm cổ. Ở đây còn nguyên một bãi mảnh sành, mảnh cong. Trong ấy rải rác vẫn còn những cái "lon" nguyên lành. Có loại chỉ cao chừng hai đốt ngón tay, Cũng có loại cao chừng một gang tay. Chúng tôi vẫn nhặt những cái "lon" này về làm đồ đựng thóc cho vịt ăn, đựng nước cho vịt uống. Tại chỗ này, về mùa xuân, mặt nước sông trong xanh và phẳng lặng, chúng tôi thường chơi trò "vành vảnh vành vanh". Chúng tôi tìm chọn những mảnh sành có độ cong vừa phải, vừa với tầm tay cầm của mình rồi lia ngang cho nó cóc nhảy trên mặt nước. Nhiều mảnh cũng đi khá xa, những bước nhảy của nó cứ ngắn dần lại, cuối cùng thì dừng hẳn và chìm. Đường đi của chúng tạo thành một dãy những vòng tròn liên tiếp và nhỏ dần trông cũng khá vui mắt. Đây cũng là mùa có những đôi chim bói cá lông trắng, loang đen ra sông kiếm mồi. Từ độ cao hàng chục mét, chúng bay như đứng yên tại chỗ, cái mỏ chúc xuống và đôi mắt thì dõi tìm trên mặt sông. Mỗi lần chúng lao xuống nghe đảnh "bủm" một cái là đã thấy nó cắp được một con cá nhao lên bay vội. Cứ theo dõi những con chim này là có thể tìm được hang ổ của chúng. Bởi chúng thường làm tổ ở trong hang ngay bên bờ sông. Nhưng nó tanh và bẩn lắm, chúng tôi không chơi được. Vào mùa hè thì lại bày trò đi ăn trộm ổi của dân làng Gốm. Người làng Gốm trước đây ở rải theo bờ đê mỗi nhà một khoảng. Nhưng thời ấy không hiểu là do loạn lạc hay một lý do gì khác mà người làng Gốm ở co cụm cả về khu đền Gốm. Thành thử đoạn ở gần với đê làng tôi họ bỏ lại rất nhiều khu vườn hoang trong đó chủ yếu là cây ổi. Trồng cũng có nhưng chủ yếu là ổi tự mọc.Vườn nhà ai thì gọi tên nhà ấy: vườn ông Vĩnh, vườn ông Lục, vườn ông Trương Hạp...Gần làng tôi nhất là vườn bà Nhiêu Đót. Vườn nhà bà ta, ngoài dãy ổi chạy thẳng từ đê vào, vẫn còn một mảnh rất vuông vắn chừng sào ruộng chuyên cấy lúa. Nhà bà ta chỉ còn lại có hai mẹ con. Bà ta đã già, thường mặc cái quần đen thâm đất, cái áo cánh nâu nhuộm vỏ xó và đội một cái khăn vuông đen: trùm đầu nhưng chít trán và buộc lại phía sau gáy, chứ không trùm mặt, che miệng và để mỏ quạ như các cô gái. Bà ta lưng đã còng và chân đi cũng đã dập dềnh. Con bà ta tên là Thể. Cô Thể cũng tầm tuổi chúng tôi lại có vẻ thật thà nên chưa biết chửi. Thỉnh thoảng thấy mất ổi tức quá cũng cất miệng chửi vài câu nhưng nghe còn ngượng ngịu và non nớt lắm. Chả bù cho bà mẹ, chưa thấy mặt bà ta đâu đã nghe thấy tiếng bà ta chửi rồi. Mà chửi thì chửi rất ngoa ngoắt và tục tĩu: " Cha tiên sư bố thằng nào, con nào ăn trộm ổi nhà bà...Bà mà bắt được thì bà ấn đầu cả nhà cả ổ, cả họ cả hàng, cả làng cả nước nhà chúng bay vào l... bà đây này...Cha tiên sư bố nhà chúng bay...". Nghe bà ta chửi thế chúng tôi không tức mà chỉ buồn cười và càng khiêu khích chúng tôi hay "trả đũa". Mà lấy trộm ổi nhà bà ta thì chẳng khó khăn gì. Chỉ cần thấy bà ta dập dềnh đi về đến nửa đường là chúng tôi cử mấy tay thạo nghề đột nhập. Chỉ cần một loáng thôi là hàng mũ ổi, hàng lưng nón ổi đã thânh "chiến lợi phẩm". Chúng tôi lại cưỡi trâu về khu đền làng thả. Rồi xúm xít nhau ngồi dưới "gốc đa ông Trương Tự" nhồm nhoàm ăn, nhồm nhoàm cười nói vui vẻ. Chăn trâu ở đê Gốm thỉnh thoảng chúng tôi còn được xem các quan Tây ở bốt Ninh Xá sang đây "ném mìn bắt cá". Ấy là quen miệng gọi thế chứ thực ra là các quan Tây chỉ ném "lựu đạn". Lựu đạn mà các quan Tây dùng ngày ấy đều là "lựu đạn mỏ vịt" nhưng chia làm hai loại: lựu đạn hơi và lựu đạn phá. Lựu đạn phá vỏ gang có khía ngang, khía dọc để khi nổ vỏ gang sẽ vỡ ra thành nhiểu mảnh nhỏ văng ra tứ phía gây sát thương. Còn lựu đạn hơi vỏ làm bằng nhôm và sơn màu vàng. Loại này khi nổ chỉ tạo ra một đám khói dày đặc gây hỏa mù che lấp mục tiêu. Ném cá không cần gây sát thương mà chỉ cần tạo ra tiếng nổ làm cho họ hàng nhà cá phải choáng vì "lọng óc", nên các quan Tây thường dùng lựu đạn hơi. Quan Tây đứng trên bờ, rút khuy hãm mỏ vịt rồi ném xuống sông. Quả lựu đạn vừa rời khỏi tay quan Tây đã nghe một tiêng nổ đánh "bép", đột ngột và chát chúa. Người yếu bóng vía có thể cũng giật mình. Có vài sợi khói mỏng xì ra ở đầu quả lựu đạn. Đó là lúc lò so tức khắc kéo kim hỏa giập vào kíp nổ. Dây cháy chậm bắt đầu cháy. Còn một ít thời gian nữa nó mới dẫn lửa vào đến kho thuốc nổ ở trong lòng quả lựu đạn. Quả lựu đạn cứ nhẩn nha chìm. Còn chúng tôi thì chăm chú nhìn cả xuống mặt sông. Chờ đợi. Từ dưới đáy sông dội lên một tiếng "ạch". Một đám nước đen ngòm to bằng cái nong cuộn lên. Lác đác đã thấy những con cá trắng nổi. Chỉ một loáng sau, nhìn xuống mép nước chúng tôi đã thấy trắng ngán những con cá lành canh ngửa bụng ngớp ngớp. Quan Tây bắt lính chèo suồng ra vớt những con cá to ở ngoài sông. Còn những con cá lành canh lẹp nhẹp ở ven bờ, quan Tây bỏ, phần chúng tôi. Chúng tôi lập tức đi tìm những sợi cỏ hoặc dây mơ làm dây xâu đi bắt cá. Những anh lớn hơn bơi ra ngoài xa xa một chút thì thỉnh thoảng cũng vớt được những con nhưng, con vền to bằng bàn tay. Những con cá lành canh của các anh vớt được cũng to hơn. Phải bằng con dao bài và dài đến ba bốn mươi phân. Bọn con nít chúng tôi lội ở ven bờ chỉ vớt được những con cá cỡ hai đầu ngón tay. Khi quan Tây về thì những người lớn ở trong làng Gốm mới ra. Họ biết thóp rồi: bây giờ mới đến lúc những con cá thật lớn nổi. Những ông Khoái, ông Tiêu, ông Trương Hạp...sẽ ra đứng trên bờ nhìn ngó, kiếm tìm. Hễ thấy có đám động quẫy nào ở giữa sông là họ lại bơi ra. Nhiều khi họ vớ những con trắm, con chép, con nhưng, con vền... to bằng quạt mo, quạt nan ấy. Còn chúng tôi hôm ấy trên lưng trâu lững thững về làng đứa nào cũng mang theo một xâu cá. Nhưng không phải không có lần hú vía. Ấy là một lần chúng tôi cũng thả trâu ở đoạn đê Gốm. Đang tụm năm, túm ba chơi trên con trạch thì thấy người làng Gốm nhớn nhác chạy. Hỏi họ thì họ bảo nhỏ: "Thằng Tây ngực đỏ đấy!". Nghe thấy tiếng "thằng Tây ngực đỏ" bọn chúng tôi cũng vội nháy nhau cưỡi trâu cho lồng vội về khu đền làng. "Thằng Tây ngực đỏ" là một tên đao phủ ác khét tiếng ở trong vùng. Người hắn cao cao gầy gầy, mắt sâu, mũi lõ. Hắn thường khoác một khẩu tiểu liên, mặc áo thì luôn phanh ngực, để lộ một túm lông đen ngay chỗ mỏ ác và một cái nền ngực đỏ như da gà chọi. Hắn chỉ huy một đội biệt kích chuyên tổ chức những trận đánh lén, thọc sâu, gây ra những vụ giết người chớp nhoáng rồi lại rút. Khổ cho vợ chồng ông Vĩnh và anh Ngôi, mải tát nước lúa ở cánh đồng quãng đê sau làng Gốm nên không biết chúng đến. Khi chúng ập đến thì không kịp nữa rồi. Nó bắt ngay hai người đàn ông lên tra tấn rồi cho mỗi người một băng tiểu liên chết tươi. Ở khu đền làng chúng tôi có nghe thấy hai băng tiểu liên nổ. Nhưng phải một lúc lâu, khi đội quân biệt kích của thằng ngực đỏ rút, mới nghe tin chúng đã giết chết ông Vĩnh và anh Ngôi rồi. Người làng tôi và người làng Gốm đều đổ ra. Hai xác chết nằm khò khoăm trên hai vũng máu. Chị Ngôi và bà vợ hai ông Vĩnh vẫn chưa hoàn hồn cứ chợt tỉnh rồi lại chợt ngất. Người ta phải cử người vực cho hai bà về. Rồi mỗi người một tay tắm rửa, thay giặt cho hai cái xác. Cả ngày hôm đó người hai làng phải vất vả mới lo xong việc mai táng cho hai người dân vô tội chết oan. Ông Vĩnh người làng Gốm. Còn anh Ngôi thì nhà ngay bên cạnh nhà tôi. Thực ra thì anh Ngôi không phải người làng tôi. Anh là con trai cả của bà Nái Vôi. Bà Nái Vôi quê đâu tận dưới vùng Thủy Nguyên. Bà thường chở vôi lên bán trên chợ Cống làng tôi. Nhưng rồi loạn lạc xẩy ra, thuyền bà bị trưng dụng, bà phải lên bờ dạt vào làng tôi xin ngụ cư. Làng tôi chắc không ai biết tên thật, nên chỉ lấy tên nghề nghiệp của bà mà gọi rồi cũng thành tên riêng. Ông Nái Vôi không còn. Chỉ có bà với hai người con trai: anh Ngôi, em Thứ. Vào làng tôi bà xin ở nhờ trên một miếng đất ở vườn sau nhà ông Hội Thỉnh, ngay trước cửa nhà tôi. Lúc bấy giờ anh Ngôi đã có vợ và sinh được một đứa con trai, đang lẫm chẫm biết đi đặt tên là Chuyên. Cả nhà năm khẩu ấy cũng chỉ có hai gian nhà con con, rất bộn bề và lộn xộn. Bà Nái Vôi lúc ấy đã già. Bà chuyên mặc váy đụp và áo vá nên trông rất lôi thôi. Mà lúc nào trông cũng lôm nhôm một màu trắng bạc như vôi ám. Cái đầu bà cạo trọc nhưng những chân tóc bạc vẫn mọc ra loăn soăn như rễ mậm mạ. Bà thường dấu cái đầu ấy trong một chiếc khăn vuông len đã cũ nhàu. Bà Nái Vôi cũng chít khăn kiểu như bà Nhiêu Đót: nghĩa là cũng trùm đầu, chít trán rồi buộc lại phía sau gáy. Chít kiểu này thì mặt và gáy hở ra nên thoáng mát hơn. Bà cũng ăn trầu vôi. Cái mặt bà trông nhỏ bé và nhăn nhúm. Cái môi thì lại hơi dẩu ra có mầu nâu đậm. Đôi mắt nhỏ hạt dưa, nhưng chắc đã kèm nhèm và kém lắm rồi, bởi chỉ còn trông thấy mầu đỏ và mầu trắng đục, chẳng thấy còn mầu đen đâu cả. Sau cái chết của anh Ngôi, phải đến hàng tháng sau, cứ chiều về và sáng sớm ra là chị Ngôi lại khóc thảm thiết: " Ới anh Ngôi ơi!.. Bây giờ anh ở đâu? Con anh nó đang đi tìm anh và gọi anh kia kìa... anh Ngôi ơi!",... " Ới ông Tây ơi!... Chồng tôi có tội tình gì mà ông đem giết đi thế hở ông Tây ơi ? ...". Cứ nghe chị Ngôi khóc và nhìn thằng Chuyên lẫm chẫm đi ra cửa, rồi lại lẫm chẫm đi ra đầu nhà tìm bố, người làng tôi ai cũng rơm rớm nước mắt. Nhưng rồi thời gian cũng chữa lành tất cả? Hơn một năm sau, chị Ngôi đi lấy chồng trên làng Nam Gián, đem theo cả thằng Chuyên đi nuôi. Nhà bà Nái Vôi chỉ còn hai mẹ con, thì lại xẩy ra một chuyện đau lòng khác. Vào một đêm mùa hè, tôi đang ngồi xem dì Khiêm khâu vá ở ngoài sân thì nghe tiếng anh Oanh và một số người khác rình bắt một vụ hủ hóa. Tưởng là ai, hóa ra là anh Thứ với chị K... trong xóm giữa. Khi họ xộc vào thì chị K kêu thét lên và chạy thoát được. Còn anh Thứ thì bị họ bắt giữ lại. Cách ngày hôm sau, tôi thấy cả hai người đều bị đem đi bêu diễu khắp làng. Hôm ấy mỗi người phải đeo một cái thùng sắt tây trước ngực. Hai người đi thong dong bên nhau, hai bên có hai thanh niên áp tải. Mỗi người bọn họ đều thấy cầm một chiếc dùi gỗ gõ vào thùng sắt tây cho kêu phèng phèng ầm ĩ cả lên. Theo sau là một đám trẻ con ngây ngô và hiếu kỳ xem chừng hí hửng lắm. Ông Ủn (trước đây là sãi mõ của làng) cầm mõ đi trước. Đến cổng nhà tôi ông đứng lại gõ ba tiếng mõ rồi cất tiếng rao: " Chiềng làng chiềng chạ/ Thượng hạ ra coi/ Làng ta vừa bắt được một đôi/ Trai trên gái dưới...". Dứt lời rao thì ông Ủn lại gõ ba tiếng mõ: Cốc! Cốc! Cốc! Tiếng thùng sắt tây phèng phèng và tiếng bọn trẻ con lại reo hò ầm ĩ. Chỉ khổ cho anh Thứ và chị K...Mặt họ trông tái mét vừa bì bì vừa ngây ngây. Đôi mắt đờ đẫn đầy căng thẳng. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy lơ láo nhìn mọi người rồi lại vội lảng ngay đi. Sau ngày ấy, mẹ con bà Nái Vôi bỏ làng tôi đi biệt tích. Tôi không rõ là bà cụ sống thêm được bao lâu nữa và gửi nắm xương tàn ở xứ sở nào? Trâu làng tôi quen ăn cỏ đồng nên trẻ trâu làng tôi ít cho trâu lên chăn trên núi. Chỉ năm nào nước to, có lệnh cấm đê thì chúng tôi mới phải cho trâu lên núi chăn. Thường thì chăn ở các khu chùa Sùng, bãi Đượng, Cổ Rùa, Càng Cua, Lễ Kễ. Mùa sim mới cho vào Bờ Hoa, Lũy Đá thả trâu ở dưới thung rồi dẫn nhau sang Ba Khe làng Bạc hoặc lên tận Đường Đỉnh Dây Diều hái sim. Khoảng ba bốn giờ chiều mới đi xuống bắt trâu đủng đỉnh cưỡi về. Hôm nào về sớm, đến ngọn sông Đào lại thả trâu thêm một lúc nữa để xuống sông tắm. Ban đầu cả bọn con trai con gái còn tắm chung. Chúng tôi thường chọn chỗ nước trong, đáy trơ rồi cả bọn con trai, con gái đều trần chuồng cùng nắm tay nhau quây thành một vòng tròn chơi trò "vỗ trang trang". Tất cả đứng ngâm nước đến cổ rồi sải tay ra hai bên vỗ đều đều trên mặt nước. Phần bên trong vòng tròn, những ngọn sóng sẽ xô đẩy nhau tạo thành những cột nước to bằng ngón tay nhẩy lên trông như những hình nhân trong suốt đang nhảy múa. Về sau không biết anh nào trong bọn con trai đầu têu ra trò xấu chơi: cứ ngụp xuống rồi lặn vào túm chân bọn con gái mà cấu trộm. Bọn con gái bị nắm chân và cấu trộm như thế thì chúng hoảng lắm. Chúng thét toáng lên và vội chạy lên bờ. Thấy chúng sợ, bọn con trai chúng tôi lại lấy làm khoái trí nên đua nhau làm theo. Từ đó bọn con gái mới tẩy chay không tắm chung với chúng tôi nữa. Chúng thường rủ nhau tắm riêng ra một khu. Nhưng hễ thấy chúng tôi ngụp xuống là chúng cũng chạy ngay lên bờ mặc cho chúng tôi lặn đến mà cấu... bùn. Hồn nhiên thế mà vẫn cứ hay chế nhạo và ghép đôi nhau. Làng tôi có hẳn một bài ca ghép đôi. Tôi còn nhớ được một bài ghép đúng bảy đôi: "Tín Hà, Ái Ngà, Phiếm Khê, Sang Nhã, Chào Chỉnh, Nghiên Trình, Bến Bình...". Khi chúng tôi đi chăn trâu thì hai cặp Tín Hà, Ái Ngà đã thành vợ thành chồng không còn là trẻ trâu nữa. Anh Hà sau này đi bộ đội rồi hy sinh. Chị Tín đi lấy đời chồng thứ hai bên Ngô Đồng. Lớp người ngày ấy sống có nghĩa lắm. Đi lấy chồng mới rồi nhưng năm nào cũng về làm giỗ chồng cũ. Năm không về được cũng gửi lễ về, không xót năm nào. Chỉ có cặp anh Ngà, chị Ái là chung sống với nhau tại làng cho đến hết đời. Năm cặp còn lại chẳng cặp nào thành đôi, đều mỗi người mỗi ngả. Anh Khê bị giặc cuốc hầm bắn chết. Chị Phiếm đi thanh niên xung phong năm 1953. Hòa bình chuyển ngành về làm công nhân nhà máy dệt Nam Định rồi lấy chồng trong Nam Định. Anh Sang lấy vợ Phao Tân, có ba con trai rồi mà bỏ. Cũng lang bạt kỳ hồ một dạo. Quá nửa đời, lấy đời vợ thứ hai mới lại trở về làng xin đất làm nhà ở gần khu đền cũ. Chị Nhã lấy chồng miền Nam tập kết. Sau ngày thống nhất chị về quê chồng mãi trong Bình Định. Anh Chào lấy vợ Nam Gián rồi chuyển cư lên Bình Giang ở. Cô Chỉnh cũng mấy đời chồng ngoài thiên hạ. Chị Nghiên lấy chồng làng nhưng không phải lấy anh Trình. Anh Trình cũng lấy vợ làng nhưng không phải là chị Nghiên. Anh Bến lấy vợ làng, còn cô Bình đi lấy chồng thiên hạ và biệt tăm không thấy trở lại làng. Đám con gái trẻ trâu ngày ấy tan đàn xẻ nghé lâu rồi. Mỗi người đi một phương. Nhiều người đã đi xa vào cõi vĩnh hằng. Còn lại ở làng duy nhất có một mình bà Sinh. Tên lúc bé là cái "Cún Viết Con". Viết là tên cô chị, con ông Biên người làng Gốm. Bà Biên là con gái cụ Hiểu người làng tôi. Hai anh em ông Biên, ông Chác ngày trước cầm đầu một băng cướp. Khi Nhật đến chúng bắt cả hai anh em cùng với ông Tường bố cô Bình người làng tôi đem trôi sông. Chúng buộc đá vào người, rồi chở thuyền đem ra giữa sông Kinh Thày vần xuống. Ông Chác rất khỏe. Đeo đá thế mà vẫn cứ nhao lên. Bọn Nhật phải lấy kiếm chém tới tập vuốt theo cho chết. Ông bị một nhát vào trán ngay trên chỗ gần sát lông mày. Nhưng chính nhờ những nhát kiếm túi bụi ấy mà dây buộc đá bị đứt. Ông Chác mới có cơ hội lặn vào bờ và trốn thoát. Chồng chết bà Biên mới về quê mình nuôi mẹ già và hai đứa con côi cho đến hết đời. Bà Sinh cũng lấy chồng làng và có hai trai một gái. Năm 1980 chồng và một con trai bị điện giật chết. Từ đó bà thành người mất hồn. Lúc nào hai mắt cũng lờ đờ và lầm lũi đi đi lại lại như một cái bóng. Nhiều lần tôi đi tận giáp mặt bà ta mới khẽ nhếch mép "Tuân đấy à". Tôi trả lời: "Vâng, chào bà Sinh!". Nhưng cũng chẳng thấy bà ấy nói năng gì nữa. Nhà bà ấy ở ngay gần đường mà trông như một cái nhà hoang. Cỏ giả đầy vườn, cây que lổng chổng, tường mái bụi bậm và rêu mốc loang lổ. Gần đây tình cờ tôi gặp bà ấy sang nhà chú em tôi mua phân về vãi ruộng, mới có dịp hỏi đôi ba câu chuyện. Tôi hỏi "Thế vẫn còn phải làm ruộng hay sao mà mua phân?" "Không làm thì lấy gì mà ăn, hở ông?" "Già rồi bảo con cháu nó nuôi chứ!" "Tôi làm gì có con. Đẻ ra cái thằng giặc ấy chứ tôi làm gì có con!". Tôi không dám hỏi thêm gì nữa sợ càng đau lòng bạn. Tôi đành an ủi : " Bà Sinh ạ, đời người ta sướng khổ là có số cả đấy. Trời bắt ta thế nào thì ta phải chịu thế ấy thôi. Cứ vui vẻ mà sống cho trọn đời mãn kiếp bà Sinh nhé!...". Ngoài bọn trẻ trâu chúng tôi ra, làng tôi còn có một "già trâu" nữa. Đó là cụ Ngoạn. Cụ Ngoạn sống độc thân, suốt đời không vợ không con. Lúc trẻ đời cụ thế nào chúng tôi không biết. Nhưng khi chúng tôi thành trẻ trâu thì cụ đã già. Cụ ở với vợ chồng một người em, chuyên chăn trâu và giúp đỡ việc vặt cho gia đình người em. Tính cụ sạch sẽ, tuy cũng chỉ quần nâu áo vá nhưng lúc nào trông cụ cũng chỉnh tề tươm tất. Cụ sống cô đơn và khép kín. Cụ không chăn trâu với bọn trẻ con chúng tôi bao giờ mà chỉ chuyên dắt bờ hoặc dắt đống. Cứ chỗ nào có cỏ non, cỏ tốt là cụ dắt trâu dắt nghé vào chăn. Vì thế mà trâu nghé cụ chăn con nào cũng sạch sẽ và béo khỏe. Mấy năm cuối đời cụ không còn chăn trâu được nữa. Gia đình người em làm cho cụ một gian nhà dưới gốc một cây quéo to ở bên vườn. Tuy em trai mất sớm, nhưng em dâu và các cháu, thương cảnh cụ độc thân nên nuôi nấng và chăm sóc cũng khá chu đáo. Cụ mất tại ngôi nhà này vào những năm tôi đã đi xa. |
|