Chim Việt Cành Nam          Trở Về  ]           [ Trang chủ ]
 
Bánh Tro
___________

Thúy Vi Paris sưu tầm

Vào những ngày Tết nhất, hay giỗ chạp hội họp gia tộc, bánh tro được góp mặt trong sinh hoạt đoàn tụ người thân theo tạp tục truyền thống này.

Làm bánh tro ra sao?

Làm bánh tro không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo đôi tay khi làm.

1/ Chọn nếp: nếp tháng ba hột mẩy đầy đủ dinh dưỡng, ít lộn tẻ. Người nội trợ đem nếp trải ra trên mâm nhặt những hạt tẻ tức là hạt gạo. Hạt nếp đùng đục màu sữa, hạt tẻ hơi trong.

2/ Chọn tro: thứ tro tốt nhất để ngâm nếp là tro thân cây mè. Nếu không có tro mè thì lấy tro than cũng được nhưng phải rây lọc kỹ. Một chậu nước, đổ tro vào khuấy đều, tro thấm nước chìm xuống. Một ít bọt và mẩu than nhỏ nổi lên trên, vứt bỏ. Khi tro lắng xuống, nước tro ở trên khá trong thì chắt lấy nước. Nếp đã lựa cho vào nước tro, ngâm ba ngày đêm, vo lại với nước sạch, nếp đổ trên rổ cho ráo nước.

3/ Lá gói: là thứ lá sậy, lá cây thơm nếp. Lá sậy và lá thơm nếp không to nên gói bánh quả là khó, đòi hỏi sự khéo tay của phụ nữ. Để tăng chiều rộng của lá phải xếp nối lá. Bên dưới là đã đặt sẵn những sợi lạt nhỏ và mềm.

Múc một chén nếp đã ủ tro, đổ dài trên mặt lá rồi khéo léo cuốn nếp vào bên trong, xóc xóc hai đầu cho nếp đều, buộc lại, thế là xong. Trình tự tiến hành đơn giản nhưng đòi hỏi sự quen tay khéo léo. Từng cây bánh dài chừng mười lăm đến hai chục phân bằng cườm tay trẻ em. Bỏ bánh dựng đứng vào thùng. Nấu cho nước sôi chừng bốn tiếng đồng hồ trở bánh tro. Bánh chín vớt ra, dùng tay lăn tròn bánh trên mâm đồng, bánh tròn đều. Bánh gói bằng lá sậy có màu vàng nâu. Muốn bánh bớt đậm thì dùng lá non hơn. Bánh gói bằng lá thơm nếp có màu xanh. về màu sắc của bánh có thể điều chỉnh màu từ vàng nhạt đến nâu, từ xanh lục nhạt đến đậm bằng cách thay đổi lá gói hoặc chọn tro.
Có một loại bánh tương tự là bánh ú tro. Bánh ú là tên chung của những thứ bánh có hình chóp nón hơi cao. Trông các người gói bánh ú tro tay thoăn thoắn như múa. Chiếc lá sậy dài, gấp đôi hơi chéo. Họ xoay vần đôi tay, gấp chéo lá sậy thành hình phễu. Bốc một nắm nếp bỏ vào, úp phần lá sậy thừa. Trong tích tắc đã có những cái tháp nhỏ đặt xung quanh chiếc mâm. Người thứ hai cầm sợi dây lạt, tay cũng thoăn thoắt cột. Từng cặp bánh ú tro, để liền nhau, hai đầu nhọn nằm về hai phía để chuẩn bị bỏ vào nồi.

Nhìn những bánh ú và bánh tro xếp ra mâm, người ta nhận ra rằng Việt Nam có nhiều loại bánh cùng những kỹ năng tinh xảo trong diễn trình biến chế, mà có thể xem là nghệ thuật hay mỹ thuật làm bánh.

Thúy Vi Paris sưu tầm


Trở Về  ]