Chim Việt Cành Nam          [   Trở Về   ]         [ Trang chủ ]

 
Chợ Tết quê tôi

Đặng 

Tuy đã đi nhiều nơi, đến nhiều chợ nhưng tôi vẫn thích ngắm chợ quê mình. Chợ quê tuy nghèo về hàng hoá nhưng đó còn là nơi gặp gỡ bạn bè, người thân. Anh em tôi lâu ngày mới về quê một lần, cứ vừa mới xuống xe, hoặc cùng lắm sáng hôm sau phải ra ngay ngoài chợ. Thôi thì sản vật có gì, nhiều ít thế nào cứ ra chợ khắc biết. Ngoài cái thú được gặp bạn bè, còn biết được quê mình đổi thay thế nào. Thấy chợ tấp nập là đủ yên tâm.

Làng Phương Khê quê tôi thuộc làng cổ. Tìm trong gia phả của các dòng họ, làng tồn tại hơn năm, sáu trăm năm, chỉ sau khi các vua nhà Lê dựng nghiệp. Quê tôi thuộc vùng đất mà tướng Nguyễn Chích đứng lên tụ nghĩa, trước khi theo Lê Lợi. Dãy núi Vàng hiện nay chính là căn cứ của ông. Những người đầu tiên khai phá thành lập làng là ông Hà Thiệu, Hà Thọ từ đất vua Lê xuống lập nghiệp. Chợ có từ bao giờ cũng không ai nhớ. Mẹ tôi kể khi còn trẻ chợ đã tấp nập lắm rồi. Cả một vùng mới chỉ có cái chợ của làng tôi, và mẹ cũng có một quầy trong chợ bán đủ thứ.

Ngày tôi còn bé, mỗi khi đi học đều phải qua chợ. Thường thì mẹ giúi vào tay những mẩu kẹo giòn tan. Chợ họp ở gần phủ nên gọi là chợ Phủ. Phủ thờ ông Nguyễn Hiệu là người của làng, học giỏi, đỗ cao, có tên trong bia đá Quốc Tử Giám. Ông làm đến chức Tể tướng trong triều vua Lê. Khi chết thi hài được mang về quê an táng, được vua cấp tiền xây dựng đền thờ và được phong Đại Vương.

Chúng tôi ngày bé thường trèo lên hai ông voi to tướng đặt trước cửa Phủ. Chợ họp hàng ngày. Các xã xung quanh kéo về đông lắm. Làng Nga (Tiến Nông) nổi tiếng với những sản phẩm của rừng cò. Họ mang những chú cò đi bán, thôi thì đủ loại: nào cò trắng, cò lửa, cò bợ… mới ra ràng và cả những rổ trứng cò trắng muốt. Cho đến bây giờ, ở cả vùng này có lẽ duy nhất còn lại vườn cò Tiến Nông. Bây giờ người dân bảo vệ cò kỹ lắm, bảo vệ sinh thái mà.

Những vùng xung quanh nhiều sản vật của núi rừng cũng đều mang xuống chợ: Măng (măng giang, măng luồng, măng tre, măng nứa), trám, gà, lợn lửng… Măng chua mà nấu với thịt cò thì ngon tuyệt. Sau này vì chống mê tín người ta phá Phủ, phá luôn cả chợ.

Tôi còn nhớ mấy con voi to tướng bị đập ra nung vôi như thế nào.

Dạo ấy quê tôi là nơi đi đầu trong phong trào "chống mê tín" nên nghè, phủ, đình đều phải phá tuốt. Khu chợ biến thành trại chăn nuôi của xã. Những hàng cây trong chợ rất đẹp, to đến mấy người ôm, thế mà cũng bị chặt hạ. Ngay cái đình làng, có những cột gỗ lim hai người ôm mới hết, theo phong trào cũng dỡ luôn. Chợ không còn nơi họp nên tạm bợ bên đường, từ đó thành heo hắt. Mỗi khi về quê, nhìn khu chợ sầm uất ngày xưa nay trở thành đồng hoang mà nuối tiếc.

Bây giờ quê tôi đã lập lại chợ, tuy có nhộn nhịp nhưng không bằng cái ngày xưa ấy.

Quê thuần nông nên sản vật cũng bắt đầu từ hạt gạo mà ra. Ngày trước nhiều loại bánh chế biến công phu, thì nay cùng với nền kinh tế thị trường, người nhà nông cũng chế biến cầu kỳ để thu hút khách. Nhiều nhất hiện nay vẫn là các loại bánh chế biến nhanh như: bánh đa, bánh đúc, bánh lá, bánh chưng, bánh dày, bánh rán, bánh mật, bánh gai. Rượu thì đủ loại, trong chợ, chỗ nào cũng thấy bày bán.

Quê tôi rượu không nổi tiếng, nhưng được cái nấu bằng gạo nên uống rất êm, không nhức đầu. Người dân nấu rượu không mong lời lãi mà lấy bã để chăn nuôi. Bây giờ các quán ăn mọc nhiều, người ăn tấp nập hơn.

Những phiên chợ Tết cuối năm ngày trước rất nhiều màu sắc. Những hàng bán tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, những câu đối đỏ bày khắp chợ trông sao mà rực rỡ thế. Người quê tôi, ngoài đi chợ mua sắm các đồ ăn thức uống không quên mua vài đôi câu đối, mấy bức tranh tết. Những chú gà, chú lợn mủm mĩm đủ màu sắc. Rồi những bức tranh dân gian lũ trẻ con đã biết gì nhiều nhưng vẫn đòi mẹ mua: cá chép trông trăng, tứ bình, đám cưới chuột, hứng dừa…

Chúng tôi hay la cà ở những hàng bán tò he, bán pháo. Trên tay người nghệ nhân, những bông hoa, con chim, con cá, Quan Vân Trường, hoặc tuỳ theo yêu cầu, một lúc đã hiện lên cứ y như chuyện cổ tích thần thông biến hoá.

Háo hức nhất vẫn là được mẹ dẫn đi mua sắm quần áo mặc Tết. Một bộ quần áo có khi mặc được vài năm. Xong mấy ngày Tết là gấp để dành. Có lần lâu không nhìn đến, Tết lấy ra chuột đã cắn tan tành.

Chợ Tết đặc sắc nhất vẫn là hàng hoa trái. Cam vàng óng từ Sim đem xuống. Phật thủ, bưởi từ vùng núi Vân Sơn đưa về. Những buồng cau trĩu quả, những giỏ cam, quýt chen lẫn với những nải chuối xanh. Lá chuối, lá dong xanh mướt được xếp ngay ngắn, đó cũng là món hàng bán chạy nhất. Lũ gà, vịt nằm ngơ ngác, miệng kêu chí chóe, cọ quậy mỗi khi có người đến "thăm". Hàng bánh mứt thì khỏi phải nói, rất phong phú. Rồi tiếng pháo nổ, mùi hương thơm lựng, quấn quít như níu chân những người đi chợ.

Từ chợ, những câu đối, những bức tranh, những thứ quả và những cành hoa sắc hồng, sắc tím theo chân mọi người về khắp nẻo xóm thôn, cứ như những dòng suối nhỏ mang hương hoa đi rải khắp muôn nơi .

Trước kia, thường một vài nhà chung đụng nhau, nhắm sẵn một chú lợn để ăn Tết. Thường thì là loại lợn chậm lớn, thịt sẽ nhiều nạc, và cỗ lòng sẽ ngon. Những bữa cơm cuối năm có được món lòng lợn đã là sang lắm.

Ngày nay tất cả đều ra chợ mua sắm. Có cả một đội quân chuyên làm thịt lợn, muốn mua gì đều có. Mua sắm các mặt hàng Tết cũng vậy, chỉ cần ra chợ mấy chục phút là đủ.

Bây giờ ở xa, mỗi khi nhớ quê, lại nhớ về chợ Tết, nhớ những hàng tranh, câu đối, những hàng lá dong xanh mướt và những cô sơn nữ đôi má hồng phảng phất chút hoa của núi rừng.

Tết này quê tôi sẽ có thêm những cành đào đỏ thắm, những cây quất vàng rộm, nhưng chắc không thiếu những câu đối và mấy cành hoa giấy người dân mua về để bày lên trang trí bàn thờ ngày Tết. Tôi có cô bạn nhà trồng hoa Hải Đường, ngày trước cứ Tết đến thế nào cô cũng biếu một cành. Bây giờ người dân cũng đem đi bán.

Ôi cái màu Hải Đường đỏ rực, cái màu xanh của lá dong lá chuối và câu đối đỏ sao mà đẹp vậy, làm sáng lên cả một vùng chợ Tết quê tôi.
 

Đặng Tiến


 [  Trở Về  ]