Nhà
thương - Tên gọi nơi chửa bệnh trước đây nghe thiệt thân
thương (Mãi đến tận sau nầy vẫn còn những địa danh: Xóm
Nhà Thương; Cầu Nhà Thương; Rạch Nhà Thương;...). Nay không
biết do đâu người ta thay tên gọi là Bệnh viện (May mà
không phải là "Ốm viện" theo cách chuẩn hoá nào đó?). Tôi
cứ thích cái kiểu ví von ở quê mình: "Đời người đố
ai khỏi qua tay mấy Thầy?" (Thầy Thuốc, Thầy Giáo,... và
Thầy Tụng)". Mặc dù, tôi sanh ra bởi tay đỡ mụ vườn từ
chính ngôi nhà ở xiêu vẹo của gia đình mình chớ không được
sanh ra ở Nhà Thương, nhưng với tôi kỷ niệm về Nhà Thương
lại rất đậm đà sâu sắc.
Thời
học Tiểu học, ký ức tôi hằn rõ biết bao trường hợp
người nhà quê bị bệnh nặng; bị tai nạn chiến tranh, đến
nhà tôi nhờ cha hoặc mẹ tôi giúp đỡ đưa họ "Đi Nhà Thương"
- Đi Nhà Thương ở tận Mỹ Tho hoặc Sài Gòn đường sá xa
xôi đi lại đò giang cách trở vô cùng khó khăn (Số là gia
đình tôi có một người dì ở Mỹ Tho và hai người cô ở
Sài Gòn, nên có thể nhờ vả, tá túc tiện lợi) - "Đi Nhà
Thương" tức là xin vô nằm "Nhà Thương Thí" không tổn tiền
chữa bệnh, chớ họ quá nghèo nội lo tiền đi lại đã đủ
mang nợ nần có đâu lo nổi tiền trả cho thầy cho thuốc
(!).
Lúc
nầy, cả ấp tôi ở có hai Ông Thầy hốt thuốc Bắc; ở
chợ xã có một tiệm thuốc Bắc của Ông chủ người Hoa
vợ Việt với một Ông Tây y mà người dân quen gọi tên là
"Tư Y tế". Ai khá giả có bệnh thì đến nhờ xem mạch bốc
thuốc hoặc chích thuốc hay mua thuốc Tây để uống. Ai nghèo
khó thì cứ quơ quào cây lá thuốc Nam sẳn có phơi sắc mà
uống tới tới - Người quen bày gì uống nấy mà nhiều khi
cũng hết bệnh mới lạ!
Còn
con nít học lớp tư, lớp ba trường làng (lớp hai, lớp ba
bây giờ) mà tôi rất oai với Tư Y Tế (Tôi quen gọi là Anh
Tư theo cách gọi tên theo thứ ở quê Nam bộ), mỗi lần nghe
tiếng "Xe máy bịch" (Xe mô-by-lét khi đó hiếm chỉ một ít
người có chạy) là y như rằng tôi có tiền mua bánh kẹo
ăn rồi, vì mỗi lần ở chợ xã ra ấp Anh Tư đều ghé nhà
tôi chơi và luôn tiện nhờ tôi "gởi thơ mèo" cho chị Tư
Y Tế (Gọi vậy cho tiện do sau nầy chị cũng theo nghề Y)
- Chị Tư là cháu Bà Mười nhà bán tiệm, mà Bà Mười rất
có uy lại khó tính nên ít người dám lân la bén mảng làm
chuyện khuất lấp. Có lẽ do tôi là học trò hiền hậu lễ
phép nên Bà Mười chẳng để ý và việc nhờ vả của Anh
Tư được mẹ tôi nói vô nên tôi không e ngại khi làm; chỉ
cần dè chừng khi nào có Chị Tư bán hàng tôi mới mua bánh
kẹo, tới lúc trả tiền kẹp thơ mèo vô luôn ai biết mà
để ý (Thấy tôi oai, thông minh và ác chưa hè! Vậy mới có
kẹo bánh ăn dài dài chớ! Ác, là về sau nầy tôi mới suy
nghĩ, nhưng lại tự an ủi - Vì do vậy mà Chị Tư Nhỏ theo
nghề Y và có Nhà Bảo Sanh tư, con đàn cháu đống, sống vui
vẻ đuề huề với Anh Tư; với cả Chị Tư Lớn).
Thời
học Trung học, tôi cũng có nhiều kỷ niệm với Nhà Thương:
Xóm
Nhà Thương - Là nơi tôi thường xuyên lui tới gặp gở, sinh
hoạt gắn bó với Cô giáo dạy văn thương yêu gần gũi nhất
với tôi trong suốt những năm trọ học ở Thị trấn Bình
Đại (Bến Tre). Ở Xóm Nhà Thương còn có A - Cô nữ sinh học
sau tôi một lớp. Cô giáo cũng rất thương A như tôi, nên
Cô có thành ý ghép đôi chúng tôi. Đã đôi lần Cô cố tình
lánh mặt để hai đứa tự nhiên trò chuyện; để tôi có
dịp trao "Tín vật" cho A (Tín vật - Sợi dây chuyên vàng đó
tôi đã đánh mất trong những năm tháng chinh chiến. Thật
ra, tôi không dám và chưa tỏ tình, ngay cả một lời từ giã
khi ra đi và cả lần gặp lại sau đó). Ở Xóm Nhà Thương
còn có Chói - Thằng bạn chí thân học cùng cấp khác lớp
(do học khác ngoại ngữ). Chói có năng khiếu âm nhạc rất
tốt và giàu cá tính. Tiếc là Chói mất sớm khi tôi và nó
mới trở thành hàng xóm sau nầy ở đô thị. Chói chết để
mãi lại trong tôi một nỗi ẩn ức (Nếu tôi không lôi kéo
nó về đô thị thì...? Số phận... ?).
Nhớ
một lần nghỉ Chúa Nhật về nhà tôi bị tai nạn đứt chân
do bất cẩn trong lúc bửa củi. Khi hay tin, Hoàng tức tốc
chở tôi bằng xe Honda 67 (rất quý hiếm khi đó) từ quê về
Nhà Thương Thị trấn Bình Đại (Xa cách khoảng 10 cây số
đường lộ đá lỗ chỗ ổ voi, ổ gà rất khó đi lại).
"Nhà Thương chạy" (không nhận điều trị) Hoàng lại chở
tôi ra Bến Tàu đi đò lên Nhà Thương Mỹ Tho - Thương
rất đỗi cái cảnh thằng Hoàng ròm cõng thằng Hoàng
mập trên lưng đưa xuống đò ai trông ... đều thấy oải
(Tôi vừa thương vừa sợ hỏi cõng nổi không cha? Nó trả
lời tỉnh bơ: Ba thằng như mầy tao cũng cõng tuốc! Nghe oai
ghê hén!). Chuyện đứt 3 ngón ở bàn chân trái nằm Nhà Thương
Mỹ Tho rồi cũng lành; làng lính oạnh hẹ việc tự đả thương
để tiện bề trốn lính buộc gia đình phải lòi tiền hối
lộ rồi cũng qua. Ác nổi, duyên do gì mà sau đó tôi lại
có mối tình sâu đậm với một Y tá viên điều dưỡng ở
cái Nhà Thương Mỹ Tho nầy mới ngặt chớ! Hổng nhắc nhớ
thì thôi, nhắc nhớ tới thiệt thấy mình tày trời tội lỗi.
Hồi tôi trốn biệt vô rừng, chừng hoà bình trở về Cô
tôi trao lại cho tôi một mớ tá lả thư tình (độ chừng
gần 50 lá, mỗi lá thư kèm mỗi nụ hồng khô nữa mới chết
chớ!) với lời trách móc nhẹ nhàng: "Thiệt hết biết cái...thằng
trời thần".
Ngặt
cái cảnh vào một ngày xấu trời cái thằng trời thần khật
khùng nổi lửa đốt sạch mớ tá lả thư tình, thì nàng chợt
đến thăm và vô tình sốt sắng quét sạch đám tàn tro vào...
quên lãng.
Ngặt
cái cảnh vào một ngày đẹp trời nàng trở về cố quán
thăm thằng trời thần. Vợ thằng trời thần đãi đằng cơm
nước, tâm sự nhỏ to thân ái. Sau đó, vợ thằng trời thần
bỏ nhỏ: "Người yêu cũ cho anh thuốc mới trị bệnh.. hối...
tức?".
Thời
học sau trung học. Nhà Thương càng gắn bó với tôi biết
bao kỷ niệm vui buồn khác: Hai đứa con tôi đã ra đời ở
nơi nầy. Hai người mẹ (Mẹ ruột và Mẹ vợ) đã từng đau
đớn và từ giã cõi đời ở nơi nầy. Bao nhiêu thân bằng,
quyến thuộc cũng đã từng cười khóc cùng tôi ở nơi nầy.
Đã và sẽ còn nhiều điều đáng nhớ và không thể nào quên
về...Nhà Thương.
"Yêu
nên tốt! Ghét nên xấu!" là lẽ thường. Xã hội hoá Y tế
có tốt có xấu cũng là lẽ thường. Người giàu có khá giả
tiền bạc thì vô Bệnh viện tư hoặc đến các khoa dịch
vụ để được chăm sóc, điều trị là chuyện bình thường.
Người nghèo khó, neo đơn già yếu, bệnh tật thì vô Bệnh
viện công, được bảo hiểm y tế dành cho đối tượng người
nghèo cũng là chuyện bình thường. Bất bình thường và hơi
bị nhiêu khê là chế độ bảo hiểm y tế đẻ ra lắm thủ
tục thanh toán với cơ chế điều hành cắt khúc là bất tiện
và thực tế xảy ra lắm cảnh thương tâm...bó tay chờ chết,
do đã nghèo đến mức mạt hạng thì lấy tiền đâu mà chi
trả khoản 30% theo Luật bảo hiểm y tế quy định (?)
Bất
chợt tôi liên tưởng thế giới nầy đã từng tuyên ngôn:
"Chúng
ta tin tưởng mà không cần chứng minh rằng: Tất cả người
ta sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá ban cho họ một số quyền
không thể chối cãi được. Trong số đó có quyền được
sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
"Con
người được sinh ra, được tự do và sẽ luôn luôn tự do,
bình đẳng trong sự tôn trọng những quyền lợi của họ".
Và
tôi ao ước: Giá được cái... Nhà thương thí!
Vĩ
thanh:
Lẽ
ra tạp văn nầy đã được kết thúc với sự ao ước nhỏ
nhoi của tôi thôi. Nếu như không có một ngày tình cờ...
tôi được xét chấp thuận cho nghỉ việc theo diện chính
sách 132, nên cần được Bảo hiểm xã hội tỉnh xác nhận
thời gian tham gia đóng bảo hiểm và tôi bị cắt mất 5 năm
theo Luật quy định. Bởi lẽ, ai có thời gian nghỉ việc trước
năm 1997 (chưa trực tiếp đóng tiền bảo hiểm) từ 01 năm
trở lên, thì không tính thời gian từ đó trở về trước
(Trường hợp từ năm 1997 về sau - đã trực tiếp đóng tiền
bảo hiểm, thì nghỉ tháng nào tính khấu trừ tháng ấy).
Mấy người bạn cùng cơ quan còn kháy tôi:
-
Mất mấy năm chẳng nhằm nhò gì. Chỉ tội họ xóa sổ cả
thời kháng chiến!
-
Không tính chuyện huân chương, huy chương gì ở đây nhen!
-
Thời đói khổ 1979, 1980,... quá nhiều trường hợp giáo viên
xin nghỉ việc để... "tự cứu trước khi trời cứu". Mấy
Nhà Làm Luật Việt Nam mình khéo... đánh vào nhân tâm thật!
...
Tôi
nghiệp thằng tôi chỉ biết mần thinh. Còn kể gì chuyện
ao với ước./.
|