Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
Về lại vùng thương nhớ Cát Hoàng
Xe lăn bánh chưa được bao lâu, thì bạn bè liên tục nhắn tin, điện thoại hỏi đã đi tới đâu rồi? Đúng ra là về đến đâu rồi? Thật khó xác định khi nơi ta về là vùng thương nhớ - kỷ niệm. Bởi:
Con đường ngắn lại
Thương nhớ dài raSau bao lần lổi hẹn, cuối cùng rồi mình cũng được về lại Cà Mau. Nói thiệt tình: Cà Mau luôn trong tim mình, nên chưa bao giờ mình xa cách đối với Cà Mau.
Tuy thành phố Cà Mau đã được đầu tư xây dựng lớn, rộng, sầm uất hơn so với thập kỷ 70-80 Thế kỷ trước. Song, dù khoác lên bao lớp trang phục hoặc trang điểm phấn son như thế nào đi nữa thì đô thị Cà Mau vẫn là "Chế thôn nữ" của tôi, e ấp, dịu dàng, mang dáng tràm đước U Minh cùng trời cuối đất. Khi các bạn văn cười nhạo cho tôi - người Bến Tre quá lịch sự - vì đã bắt tay gần hết mọi người trong quán café bất chấp quen lạ. Có gì đâu: Mình bà con khắp bàn dân Cà Mau mà.
Trước hôm chúng tôi về, Cà Mau mưa tuôn tầm tã, khiến các bạn văn Cà mau âu lo chuyến đi không trọn - Tôi có lỡ miệng nói đùa: Không sao đâu, tui cháu ruột Ông Trời - Ấy vậy mà may mắn, trời trở trong thiệt đẹp. Năm người, hai xe máy trở ngược đường cái quan 20 cây số về Rau Dừa, mướn vỏ lãi đi Đất Cháy (xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) xuyên ngang đầm Bà Tường (đầm Thị Tường). Trước cảnh trời nước mênh mông, ven bờ rợp xanh bóng dừa nước, tràm, đước,... vỏ lãi chạy xen giữa đăng, lú, nhà nổi, nước mặn thỉnh thoảng tung té ướt mặt người rạng rỡ. Ba bạn thơ (Hồ Thanh Điền, Huỳnh Thuý Kiều, Nguyên Tương) đồng loạt tấn công cho rằng Cát Hoàng đang tích luỹ nước mắt để khóc với cố nhân.
Võ lãi tới Bưu điện Đất Cháy (Kinh Chống Mỹ) hỏi thăm lên nhà chú Ba Hưng (đối diện nhà chú hai Thi theo "chỉ dẫn không đúng" của Nhà Văn Nguyễn Ngọc Tư) thì không phải gia đình cần tìm. Thời may là em Phương lái vỏ lãi có mối quen biết điện thoại hỏi thăm đúng nhà em Phúc ở Kinh 3 (Phúc là con trai chú Ba Hưng có hai người chị tên: Bê, Nhựt). Vậy là tới đúng chỗ thiệt mừng (Nhà chú Ba Hưng là nơi mà năm 1978 Cát Hoàng đã ở nhờ suốt thời gian thực tập như đã kể ở tạp văn "Kỷ niệm với Cà mau").
Được thắp nhang lên bàn thờ Chú Ba, lòng tôi thanh thản nhẹ nhàng biết bao. Chỉ đáng tiếc là Thím Ba đang đi thăm con gái từ hai hôm trước; còn hai em: Bê, Nhựt đã theo chồng xa xứ nên không gặp được. Sau hơn ba mươi năm về lại vùng thương nhớ - kỷ niệm, được uống ly rượu đoàn viên với em Phúc; ăn chén cơm, uống ngụm nước nghĩa tình thiệt là thoả nguyện một đời người.
Đất Cháy bây giờ đã có điện sinh hoạt, hầu hết gia đình có phương tiện thuỷ đi lại, đời sống bà con có phần khấm khá hơn, có giếng nước khoan để sinh hoạt, xung quanh vườn trồng được rau xanh để ăn,... Song, nhà ở chưa thật khang trang, đường bộ đi lại chưa thông, mức độ phát triển chậm do điều kiện khách quan... như những cây dừa cỗi cằn trên đất mặn.
Đầm Bà Tường không còn vẻ hoang sơ và nhiều tôm cá như thuở nào chúng tôi từng kéo lưới (Tuy vẫn là nguồn thu nhập đáng kể từ đánh bắt thuỷ sản của khoảng 1.500 hộ gia đình quanh đầm). Ven bờ đầm đã có nhà ở và khu di tích lịch sử kháng chiến phục vụ khách tham quan. Hoài niệm cảnh cũ, thiệt tiếc ngẩn tiếc ngơ, nhưng biết làm sao được (?) tôi dõi mắt tìm mãi mà chẳng còn gặp một dáng chèo đôi nào cả và chợt thấm ý nghĩa "một thời vang bóng"!
Có một điều đáng trân quý giữ gìn là nếp sống mộc mạc chân quê và tình cảm sâu đậm của bà con vẫn tồn tại như ngày nào. Tôi và anh Hồ Thanh Điền cứ xuýt xoa khen mãi nếp sinh hoạt ngăn nắp, sạch sẽ do bàn tay thảo hiền sắp xếp của vợ em Phúc.
Cuối cùng rồi cũng diễn đến cảnh chia tay "đi không nỡ ở chẳng đành". Phúc căn dặn tôi tháng sau - 22 tháng 6 âl - anh nhớ về đám giổ ba em, chừng đó đã nhà có mặt đông đủ, chắc mọi người sẽ rất mừng. Vậy là tôi thêm một lần mắc nợ với Đất cháy - Phong Lạc - Cà Mau. Tôi nhủ lòng nhất định sẽ quay về, để ít ra cũng trả lời được câu hỏi của Hồ Thanh Điền: Vì sao Đất Cháy - Phong Lạc?
Cà Mau, 6/6/2009
[ Trở Về ]