Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả
 
Với cố hương
Cát Hoàng
Cố hương cố quán cố nhân
đó đi đây ở dửng dưng… vui buồn.
Đó với đây mặt tạn mặt tay trong tay mà ngỡ trong mơ, chuyện tưởng dửng dưng mà hồn xuyến đọng. Đó đưa tía về khóc với cố hương: "Con chim khách mở góc ký ức khơi ngõ lòng thơm miền nhớ/Sóng Hàm Luông khuấy bến đứng khua nhịp chiều/Cầu Rạch Miễu dợn nước sông Tiền dựng bóng cha bạc tóc/Cố hương!/Cố hương!/Nghe tiếng cội nguồn vọng xác lá loang ngân… ("Khóc với cố hương" - HTK) mà đây hổng có duyên thấy nước mắt chảy.

Sáng ngày tình cờ đồ chuyện têu tếu về một anh Nhà thơ ghẹo cô chủ quán dùm con trai, thì Nhà văn Trang Thế Hy cho rằng anh Nhà thơ chưa giỏi, bởi trong dân gian đã từng có ca dao ghẹo giúp tía mình: "Con cò nó mổ con lươn/Bớ chị ghe lườn muốn tía tui không?/Tía tui lịch sự lịch sàng/ Cái lưng móc cới cái đầu chơm bơm". Chợt ngẫm ngợi chuyện cố hương cố quán cố nhân rồi đâm giật mình, nhớ ra đây đã từng xót xa về quê nội Gò Công (Đất lề: Cắt rốn chôn nhau ruột rà/tưởng gần…sao bổng hoá xa, con tìm chốn cũ…đã nhoà vết xưa!)  Dường như bất kỳ một ai cũng có cố hương, cố quán, cố nhân để dửng dưng… vui buồn.

"Cố" chưa hẳn nghĩa xa xưa. Nay đó ở Bến Tre, mai đó đã Cà mau và biết đâu sắp đến cố hương, cố quán của đó sẽ là TRÁI ĐẤT; cố nhân của đó của đây có mặt ngay trong chính ngôi nhà mình (?)

( Đó về/lơ đãng nắng/lơ đãng sông. Đây ở/tạn mặt đêm tỏ/rời tay ngày mờ/bóng đổ liêu xiêu. Đó đây/Đây đó. Quên nhớ/Nhớ quên ).

"Cố tình sắp đặt" chẳng nên duyên…cơm cháo gì. Đó có dám đoan chắc vết thương lòng sẽ dừng hẳn ở "Vết thương thứ 13" tựa tên truyện mà Nhà văn Trang Thế Hy đã "vô tình sắp đặt"?

Đây từng luyến tiếc con cá đã lặn. Đó có thể "bắt con chim đậu" mà "chẳng bắt con chim bay". Ví chuyện anh Nhà thơ "o mèo" cho con trai hoặc "dân gian" lo vợ cho ông già tía mình cũng là điều dễ hiểu, còn chuyện "đó" với "đây" chắc còn dài nhiều tập.

Ở quê đây có mẩu chuyện tiếu lâm về một ông già núp đám mì (sắn) đang cơn ỉa trịnh nghe cặp tình nhân than thở: Nếu mai phải xa nhau thì…em chết… anh chết; ông già nghe riệt oải quá than trời: "Tao ỉa không ra chắc tao cũng chết!". Đó là chuyện thiệt của chị gái đây bị mẹ ép duyên gả bán, mà chị có chết đâu, vẫn sống nhăn răng, đẻ chục đủ đầu con có nếp có tẻ, chỉ tội hơi bị nghèo một chút.

Đó còn may mắn hơn đây là còn có cố hương để về; còn được "khóc với có cố hương". Cố hương đối với đây trớt quớt. Đây qua Bãi Bùn, Tân Thới, Gò Công hỏi thăm Ông Thôn Thăng, Ông Cả Đường thì hai ông đã "thăng đường" trên tiên giới; hỏi ông già bà cả lòng vòng chẳng ai biết chuyện ông trẻ (ông nội đây) dắt bà trẻ (bà nội đây) đi chỗ khác xây tổ ấm uyên ương (vì phải chống đối nghịch cảnh môn không đăng hộ chẳng đối). Báo hại mất công còn mắc nợ cơm nước và thư từ với chị chủ nhà cám cảnh thằng em mất gốc!

Đó có thể còn may mắn hơn đây do chẳng lâm nạn cố nhân vừa thúc cùi chỏ vừa lên gối, đau chẳng dám khóc, bụng hổng dám hận vì sợ ôm đá nặng lòng bớt uy tự khổ.

Viết tới mức nầy, đây chợt mủi lòng thương con cò, con lươn; thương chiếc ghe lườn cùng cái lưng móc cới, cái đầu chơm bơm; đây tội thương đây chẳng còn ông già tía để o mèo dùm, thương khín tía đó hổng chừng dám bị cà nanh lôi lên thơ văn cỡ Nguyễn Thánh Ngã bảo thương… "nước mắt Cát Hoàng" (lỡ say lỡ chảy do thương khín má Kim Ba); đây tội thương đây "mắc nợ" Võ Tấn Cường có công khai báo cố hương của Cát Hoàng ở miệt xứ Gò Công.

Trăm lần mong đó xá tội cho đây tỏ bày lòng thiệt bụng./.

Cát Hoàng
Bến Tre


  [  Trở Về  ]