Chim Việt Cành Nam            [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]           [ Tác giả
 
Cháo cá Bóng kèo
Cát Hoàng
Những năm đầu thập kỷ 70 (thế kỷ 20), chúng tôi đang theo học bậc phổ thông trung học. Khi liu riu mùa gió chướng về, cũng là dịp chúng tôi về quê chơi để... ăn cháo cá Bóng kèo.

Quê thằng Minh (Trưởng lớp) tên gọi làng Thạnh Phước hoặc thường gọi theo tên khác là Bến Thủ - Bến đò sang Tân Xuân (Ba Tri), cách Thị trấn Bình Đại non non sáu cây số về hướng Đông-Nam. Hồi đó đường đất đi lại còn lắm gian truân, nhiều đoạn xe đạp phải cỡi ngược lên người và cảnh đi lại rất vắng vẻ, chỉ một ít thường dân có việc hoặc vì sinh kế buộc phải lên Thị trấn; riêng việc đi lại của bọn "thứ ba" chúng tôi là ngoại... hết chỗ nói.

Cư dân nơi đây sống dọc trên trục giồng cát và hầu như nhà nào, nhà nấy đều lo đấp sẳn "tảng sê" kiên cố ngay trong nhà ở, đề phòng tai nạn chiến tranh luôn luôn có thể xảy ra bất trắc. Trước mặt và sau lưng trục giồng chính là hàng trăm mẫu ruộng muối hoang hoá, cầm thuỷ ắp lẳm, cỏ năng um tùm, chính là cái nôi lý tưởng cho lũ cá Bóng kèo trú ngụ và tha hồ sinh sản.

Ngày ấy chưa có kiểu ngăn vuông nuôi tôm như bây giờ. Ruộng ai thì nhà ấy cứ chặn đăng mà đón cá. Việc xây "rọ", đặt "nò" là cả một nghệ thuật dẫn dụ cá, thật khó nói hết cách nếu không nhìn được thực cảnh - Phải chăng vì thế mà dân gian đã ví von người đàn ông như cái "đăng", còn phụ nữ là cái "đó". Vào thời điểm mùa rộ tháng mười một, tháng chạp hàng năm, cứ cách độ mươi phút, hút tàn vài sâu thuốc vấn là bà con dân mình có thể chống xuồng ra mà kéo lên... cá Bóng kèo "vô thiên lũng", có khi khẳm cả xuồng.

Do hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt và điều kiện thiên nhiên ưu đãi lúc bây giờ, bà con dân mình đã hình thành một tập quán dễ thương, bằng cách tự phân công mỗi nhà luân phiên nấu cháo cá và suốt con nước cứ an nhiên "vần công ăn uống" hết sức vui vẻ.

Mấy bà và các cô thích bày vẽ cầu kỳ. Họ làm cá sạch mới bỏ vào nồi cháo sôi có: bún Tàu, cải Bắc thảo, hành, ngò, đậu phọng, hồ tiêu, gia vị nêm nếm cẩn thận và họ cũng không quên tuốt cá (bỏ xương lấy thịt) riêng cho cháo được nhiều thịt cá mỡ màng thật "lền" để... ăn "cho đã".

Cánh đàn ông "bợm nhậu" chính hiệu hổng thích cá Kèo mần sẵn, họ bắt riêng nồi cháo sôi đã được nêm nếm, rồi đi kéo cá Kèo đang nước chạy nò, đem lên rửa sạch, trút thẳng vô nồi cháo, gọi là cách nấu "cháo rồ" (Có lẽ do cá đang sống nhăn được trút thẳng vô nồi cháo, nhảy kêu nghe rồ rồ nên gọi tên nôm na như vậy). Cách nấu trực tiếp như vậy làm cho thịt cá Bóng kèo mềm hơn, ngọt hơn, tuy có nguynh kỳ, nguynh vy, mà khách thị thành không quen ăn, nhìn cảm thấy ơn ớn. Ngoài cái khoái ăn "nhớt" cá Kèo nấu cháo rồ, đặc biệt còn phải biết ăn mật liền với gan cá, nó béo và hậu vị đăng đắng, đầm đậm, tương tự các cụ thưởng thức trà Tàu, trà Bắc vậy. Anh nào mà ngại đắng cái mật, bỏ khúc đầu, chỉ ăn khúc đuôi thì coi như hỏng biết... ăn và bị mấy cô thôn nữ cười cho thúi mũi.

Những năm đó ngoài khoái món cháo cá Kèo, thú thiệt tui còn khoái lắm thứ khác do nặng máu lãng tử. Khung cảnh ghê ghê, lạnh lạnh của cuộc chiến tranh đầy chết chốc bất trắc, lại được tận mắt nhìn con nước hây hây dâng tràn, đồng năn dập dềnh nhấp nhô theo từng cơn gió chướng từ biển dội thẳng về, hoà với không khí nhộn nhịp, í ới với nét rạng rỡ trên từng gương mặt người nông dân thật thà, chất phác; đặc biệt là những gương trăng e ấp sau áo lụa hồng thôn nữ phất phơ, có cái gì đó rạo rực, hấp dẫn vô kể đối với bọn trai tân.

Học trò nhỏ, chúng tôi nào đã thiết gì đến rượu, nên hễ cứ bị nài ép một vài ly rượu nho 12 độ, là em nào em nấy say lắc lư như tàu đêm. Có lần không hiểu do rượu hay tắm sông say nắng, đã khiến tui "say quá mạng", may nhờ bàn tay săn sóc của cháu gái thằng Minh mà tai qua, nạn khỏi. Nhưng hỡi ơi ! thoát khỏi bệnh nầy, lại vương bệnh khác nặng hơn mới ác, có phải là bệnh tương tư hay không chẳng biết, mà suốt hàng tuần tui cứ nhớ bàn tay người ta xứt dầu, cạo gió, đến biếng ăn, quên ngủ, rồi luôn tìm cớ rủ tụi bạn đi... ăn cháo cá Kèo hoài no muốn chết. (Cô gì ấy ơi ! Bi giờ chắc hẳn cô đã chồng con đề huề, nếu lỡ có đọc được mấy dòng nầy, xin thương tình niệm thứ cho thằng học trò tui, mắc dịch thương thầm người ta mà đâu dám nói !).

Gần bốn mươi năm đã trôi qua, mà dư vị và tình đất, tình người Bến Thủ (Thạnh Phước, vẫn còn trong tui nguyên vẹn như chỉ mới vừa xa. Sau nầy nhiều lần về lại quê xưa hoặc lang thang... ăn cháo cá Bóng kèo nhiều nơi trên suốt quãng dài đất nước, tui chẳng thể nào tìm lại được dư vị xưa, dư vị mà cả đời người ta chỉ nhận được có mỗi lần để rồi cả đời luyến nhớ./.

Cát Hoàng


Trở Về   ]