Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ] [ Tác giả ]
XÁ LỢI PHẬT RƯỚC ĐÓN Ở PARIS Bài và ảnh (*) Võ Quang Yến
Ngày chủ nhật
17 dành cho cuộc đón rước Xá Lợi từ Porte Dorée miền nam
Paris đến chùa Vincennes trong rừng cùng tên. Tuy hôm ấy trời
không được tốt, có khi lại mưa lâm râm, cuộc diễn hành
dài khoảng ba cây số trong hơn ba tiếng đồng hồ có thể
xem là như là thành công. Người đi xem khá nhiều mà người
diễu hành cũng không ít, đặc biệt nhân viên ban trật tự
và cảnh sát đông đúc thấy rõ. Xá Lợi không đặt trên
lưng một con voi như ban tổ chức đã có nghĩ đến mà được
một vị sư ngồi trước xe hơi, nghiêm nghị bưng hộp trên
tay. Tuy lại gần bên, tôi cũng chẳng thấy được rõ hơn
như hôm qua ở tòa đốc lý Paris. Có một tượng voi tượng
trưng phủ vải đen thêu những hình đỏ, chìa ra trước cặp
ngà khổng lồ trắng xóa. Cạnh xe là một cái giá vàng son
được trang hoàng với rất nhiều hoa trắng để đón Xa Lợi
khi di tích đến cửa chùa rời xe hơi. Trước và sau những
xe nầy là phái đoàn những trường phái Phật giáo các nước.
Họ là tu sĩ, cư sĩ, phật tử, phần lớn các nước Á Đông
: Tàu, Nhật, Ấn, Mên, Lào, Việt, Tích Lan..., áo quần toàn
trắng, nâu, đen hay vàng, đỏ các tu sĩ, nhưng cũng thấy có
một số đông người Âu mặc thường phục hay giáo phục
phái zen. Xen lẫn với những đoàn xếp hàng ngay thẳng yên
lặng mang trướng liễn, là những người hay những tốp hòa
nhau đánh trống đôi hoặc nhanh nhẹn nhảy múa qua nhịp tiếng
trống nhỏ. Một chiếc trống lớn được xếp đàng sau đánh
nhịp cho một điệu múa lân chỉ thấy lúc ban đầu. Chính
những đoàn nam nữ Ấn Độ, một đoàn phụ nữ Lào tươi
cười múa lượn đem lại điểm sống động trong cuộc diễn
hành tuy màu sắc sặc sở nhưng có phần yên lặng nếu không
có những tiếng trống luôn nhắc nhở hôm nay là ngày vui mừng
đón nhận Xá Lợi.
Theo tờ giấy đã
được phát ra để giải thích chuyến Tây du của Xá Lợi.,
vào cuối thế kỷ 19, một ngôi tháp trong gia đình Sakya bị
đổ và cho thoát ra những di tích của đức Phật, từ hai
ngàn năm nay được giữ kín. Hồi ấy toàn thể Á Đông đều
là những thuộc địa, ông Toàn quyền Ấn Độ G.N. Curzon liền
phó thác những thánh tích quí báu cho Thái Lan là nước theo
Phật giáo độc nhất không bị đô họ. Người Thái đem thờ
trong chùa Núi Vàng Wat Saket ở Bangkok. Năm Phật lịch 2442,
thiên cơ báo trước Xá Lợi sẽ rời Thái Lan qua phương Tây
một trăm mười năm sau. Năm 2009, đúng một trăm mười năm
sau, những vị Tăng già Thái Lan, đứng đầu có đức Giáo
chủ Somdej Phra Buddacham, được sự đồng ý của cộng đồng
Phật giáo Á Đông, quyết định biếu tặng những di tích
ấy cho thế gian phương Tây và giao phó cho một nước châu
Âu. Thánh tích được trao cho Hiệp hội Phật giáo Pháp quốc
UBF (Union Bouddhique de France), bao gồm hầu hết các hội đoàn
Phật giáo đủ phái các nước ở Pháp, với nhiệm vụ bày
biện và bảo vệ. Phái đoàn Thái Lan đem di tích qua Pháp gồm
có Hòa thượng Chao Khun Dammasitthinayok cùng nhiều vị tăng
sĩ và các nhà chức trách Thái Lan.
Khi thỏa mãn hiếu kỳ nhìn được Xá Lợi rồi, một câu hỏi luôn đã được đặt ra : Xá Lợi là gì ? Xá Lợi và Ngọc Xá Lợi có khác nhau không ? Đi một vòng trên báo chí điện tử thì mau có được một ý niệm, nhất là hình như nhiều tác giả cùng học một trường hay cùng tham khảo một nơi.
Theo Asia-Religion.net,
Xá Lợi là những phần kết tinh còn lại sau khi làm lễ trà
tỳ (hỏa thiêu) nhục cốt của Đức Phật và các vị cao
tăng. Đối với người thường, sau khi thiêu xác, chỉ còn
tro và phần xương cháy chưa rã. Danh từ Xá Lợi do âm tiếng
Phạn là Sàrìrikadhàtu. Ngày xưa nói đến Xá Lợi, người
ta nghĩ đến Xá Lợi của Đức Phật nên thường được gọi
Xá Lợi Phật. Sau này có những vị Thánh Tăng và các vị
Đạo Sư đắc đạo, sau khi làm lễ trà tỳ, đệ tử cũng
thâu được nhiều Xá Lợi. Tất cả những đồ dùng là di
tích của Phật và các vị Thánh Tăng như y, bình bát, tích
trượng, v.v. đều gọi là Xá Lợi. Hiện nay ở Miến Điện,
người ta còn thờ tóc và móng tay của Đức Phật khi Ngài
còn tại thế đã cắt cho hai vị đệ tử tại gia đầu tiên.
Trong kinh tạng Pali thường đề cập đến Xá Lợi Xương,
Xá Lợi Răng và Ngọc Xá Lợi. Kinh Đại Bát Niết Bàn diễn
tả rằng sau lễ trà tỳ, Xá Lợi của Đức Phật được
chia làm tám phần và phân chia cho đại diện của tám nước
đem về tại quốc gia họ. Nhưng hơn 200 năm sau đó, khi hoàng
đế A Dục thống nhất toàn thể lãnh thổ xứ Ấn và trở
thành một vị vua Phật tử hộ đạo, vua A Dục đã gom tất
cả Xá Lợi ở tám nơi và chia thành 84.000 phần đựng trong
84.000 tháp báu nhỏ ban bố khắp các nước. Riêng Xá Lợi
Răng và Xương của Đức Phật thì không có sự biến
hóa ít thành nhiều, do vậy bảo tháp thờ Xá Lợi Răng và
Xương rất hiếm, riêng tháp thờ Ngọc Xá Lợi thì nhiều.
Ngọc Xá Lợi, người Nhật có tên sarira, là phần tủy kết
tinh trở lại thành những viên có hình thể hơi tròn và cứng,
lớn nhỏ khác nhau. Viên lớn như hạt đậu hạt bắp; viên
nhỏ như hạt gạo hạt mè. Ngọc Xá Lợi có nhiều màu sắc
và sáng đục khác nhau. Thông thường Ngọc Xá Lợi có màu
trắng, đỏ, hồng, xanh và vàng, có thứ trong như thủy tinh,
có thứ trắng ngà như hạt gạo, có thứ phát ra ánh sáng
nhẹ nhàng như pha lê, cũng có thứ màu sáng nhuận như san
hô. Ngọc Xá Lợi là thành quả của công phu tu hành giữ gìn
giới luật và công năng tu tập thiền quán cao thâm của Đức
Phật và các vị cao tăng.
Trong tờ Sưu Tầm Phật Pháp, theo sự giải thích của các Thầy Tây Tạng, Xá Lợi là sự kết tinh kỳ diệu của sự thành đạt tâm linh, của sự phát triển tột cùng của hạnh từ bi và trí tuệ. Ngọc Xá Lợi có những hình dạng như những viên ngọc trai hay đá quí nhiều màu sắc, thu nhặt được từ tro cốt của các bật Đại Sư sau lễ trà tỳ. Ích lợi gì cho những người chiêm bái ? Vì là kết tinh của sự thành đạt tâm linh nên, như lời dạy của Lạt Ma Zopa Rinpoche, "mỗi phần nhục thân và Xá Lợi của các Ngài chứa đựng một năng lực mầu nhiệm có thể làm căn lành tăng trưởng và nghiệp ác giải trừ". Vì thế, Xá Lợi có năng lực cảm hóa tâm người, phát triển lòng bác ái trong nội tâm của những ai có cơ duyên được chiêm bái Xá Lợi. Phật đã từng dạy rằng có bốn nơi chốn đặc biệt: "nơi ta được sanh ra, nơi ta giác ngộ, nơi ta thuyết pháp và nơi ta nhập diệt. Sự thăm viếng một trong bốn nơi chốn này giống như sự gặp gỡ với chính bản thân ta." Vậy thì khi chiêm ngưỡng Xá Lợi cũng tương tợ như thế. Người Phật Tử như được nhắc nhở và sách tấn trên bước đường tu tập để đạt được sự hài hòa giữa thân, khẩu và ý. Danh từ Xá Lợi không phải là xa lạ đối với người Á Châu. Người con Phật vẫn thường nghe nói đến Xá Lợi Phật, và của Chư Tổ. Không phải ai cũng có đủ duyên lành được chiêm ngưỡng Xá Lợi. Danh từ Xá Lợi, theo từ ngữ Sanskrist là Sari, gọi đủ là Sarilikatha. Đó là tinh chất thanh tịnh của Kim thân Đức Phật sau khi Trà tỳ còn lại, do công năng tu hành trong vô lượng kiếp và do lòng bi mẫn của Ngài nên lưu lại cho Nhân Thiên. Nói chung, tất cả các Xá Lợi đều có một vai trò quan trọng đối với chúng ta, vì Xá Lợi là báu vật biểu trưng như Đức Phật còn tại thế. Nếu chúng ta dùng tâm vô nhiễm, cung kính lễ bái, cúng dường, tán thán thì được phước đức vô lượng vô biên. Xá Lợi không chỉ là nhân tố tạo nên mọi sự phước đức mà còn là động lực chuyển xoay tâm hồn con người từ hung dữ trở thành hiền lương, từ vô đạo đức trở thành có đạo đức.
Tác giả Lệ Thọ, trong
báo Đạo Phật Ngày Nay, sau khi thử tìm một giải thích
khoa học về Ngọc Xá Lợi, mà ít người phân biệt với Xá
Lợị không biến hóa, nói lên phuớc duyên gặp được Xá
Lợi và bàn về cách cúng dường. Những viên Xá lợi là tinh
cốt còn lưu lại có công năng thù thắng, giúp tăng trưởng
các điều lành thiện và tiêu trừ những điều xấu ác. Chỉ
cần thành tâm, chúng ta có thể cảm nhận được năng lực
mầu nhiệm của Xá Lợi.Trong Kinh Sư Tử Hống, đức Phật
dạy: "Dù là bây giờ, cúng dường Như Lai, hay là mai sau,
cúng dường Xá lợi, công đức tích tụ, ngang bằng như nhau,
và quả gặt hái ngang bằng như nhau." Dù trong hiện
tại chúng ta không đủ phước duyên để diện kiến đức
Phật, nhưng cũng vẫn có đầy đủ thiện duyên để gặp
được Xá lợi Phật cùng Phật pháp. Vậy mặc dù đức Phật
không thị hiện ngay trước mặt chúng ta với sắc tướng
quen thuộc của Ngài, chúng ta có thể thấy được Xá lợi
Phật và vẫn còn có thể đạt giác ngộ. Cúng dường Xá
lợi có ba cách : 1. Cúng dường tài vật, như tịnh tài, hoa,
đèn, thực phẩm và thức uống. 2. Cúng dường tấm lòng kính
ngưỡng tôn kính chư Phật bằng cách quét dọn nơi có Xá
lợi, đảnh lễ cúng dường mạn đà la, xây tượng Phật
và bảo tháp. 3.Cúng dường công phu hành trì : sống thuận
theo chánh pháp, mở tấm lòng vị tha biết quan tâm cho người
khác hơn bản thân, hay ít ra cũng khát khao cố gắng để được
như vậy. Khi đến chiêm bái Xá lợi, quan trọng nhất là đừng
xem đây chỉ như một viện bảo tàng. Phải thấy Xá lợi
chính là hiện thân của Phật và cũng là hiện thân của tất
cả mọi tánh đức cao quí của đấng giác ngộ. Và dòng ánh
sáng trắng rót xuống đỉnh đầu, tất cả ác nghiệp thân
miệng ý kết thành khói đen, hay thành nước đục, và bị
tống ra khỏi thân thể qua các lỗ chân lông.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Sau 25 thế kỷ, một chiềc cầu tượng trưng đã được bắc qua giữa Đông và Tây. Quà biếu của các vị Tăng thống Thái Lan cho nước Pháp nhấn mạnh lòng tha thiết muốn tăng cường những liên hệ truyền đạt và chia sẻ đã diễn biến giữa những nền văn hoá ấy từ nhiều thập niên. Bốn ngày nhân lễ Phật Đản là thời gian gặp gỡ, trao đổi, đối thoại giữa những nền văn hóa, những truyền thống Á Đông có mặt trên đất Pháp, phản ánh sự pha trộn văn hóa và tinh thần đang phát triển giữa Á Đông và nước Pháp.
Tin thêm : Xá Lợi đã được Hiệp hội Phật giáo Pháp quốc UBF (Union Bouddhique de France) chính thức đặt thờ ở chùa quốc tế Vincennes ngày 27 tháng chín 2009 trước mặt đông đủ đại diện các trường phái Phật giáo ở Pháp.
Xô thành mùa Phật Đản 2553
Võ Quang Yến
____________________________
(*) Tác giả không có dịp dự những buối cung nghinh, chiêm ngưỡng, không được mời xem đêm văn nghệ mặc dầu có quen biết vài Thầy, cuộc triển lãm ở toà thị sảnh Paris chỉ trưng bày vài hình tượng Phật giáo của hai viện bảo tàng Guimet và Cernuschi, những hình ảnh đón rước Xá Lợi ở Paris trong bài nầy xin được giới hạn trong khuôn khổ cuộc diễn hành từ Porte Dorée đến chùa quốc tế Vincennes.