Chim Việt Cành Nam           [  Trở Về  ]          [ Trang chủ ]          [ Tác giả ]

 
LỄ GANESHA Ở PARIS

Bài và ảnh của Võ Quang Yến

Hằng năm, ở Paris, nếu vào dịp lễ Nguyên Đán, những hội đoàn người Trung Hoa tổ chức cuộc diễu hành có múa lân ở xóm Tàu quận 13 ở Paris thì những người Ấn Độ vào dịp sinh nhật thần Ganesha vào tháng Bhadrapada (tháng 8-9) cũng có làm lễ Ganesha-Chaturthi không những ở nhà thờ Ấn giáo Sri Manicka Vinayakar Alayam mà còn trên đường sá suốt xóm Chapelle quận 18. Năm ngoái 2008, lễ ấy nhằm vào ngày chủ nhật 31 tháng 8. Từ 11 đến 15 giờ đám rước bắt đầu từ các phố Philippe de Girard, Perdonnet, Faubourg Saint-Denis, Marx Dormoy, diễu qua Ordener, Barbès, Labat, Macadet rồi trở về lại Philippe de Girard. Dẫn đầu là tượng một con voi đen bằng đồng thanh thường chỉ được giữ trong nhà thờ. Theo sau là hai xe hoa trang hoàng sặc sỡ, đầy hoa đầy trái, cung hiến cho thần Ganesha và thần Skanda (em Ganesha), mỗi xe có hai sợi giây dài, to được các tín đồ nam nữ xếp hàng kéo. Xe không chạy mau vì trước, giữa và sau xe có rất nhiều tín đồ cầm cờ, đội bình hoa, bình lửa,... bao quanh những người ở trần (có một cô thì bận áo) vai mang vòng cung trang bị với lông công kavadi, quay cuồng nhảy múa qua những điệu nhạc hùng mạnh do những nhạc công đánh trống, thổi kèn thực hiện. Trên đường, nhất là ở phố Faubourg Saint-Denis, nơi có nhiều nhà hàng, quán ăn Ấn Độ, Pakistan, trước mỗi tiệm có bàn thờ đèn hương nghi ngút, hoa quả (đặc biệt là trái dừa) tràn đầy, có nơi còn phát không kẹo, nước dừa, xôi, cơm cà ry,... Ở một vài địa điểm có cả một đống dừa và nhiều trai tráng lại đập vỡ trước khi xe hoa lại gần, nước dừa chảy ra tràn ngập lối đi. Vỏ trái dừa tượng trưng ảo ảnh thế giới hiện tượng, cơm dừa tác nghiệp cá nhân, nước dừa cái tôi con người, đập vỡ trái dừa có nghĩa dâng tặng trái tim cho Ganesha. Rất nhiều tín đồ áo quần bảnh bao, các ông thanh lịch với chiếc dhoti trắng xóa, các cô các bà tóc dài đen mượt tha thướt trong những tà sary rực rỡ muôn màu, lẫn lộn với khách ngoại đạo lại xem đông đúc, tấp nập chen chúc, cùng nhau chia vui trong bầu không khí tưng bừng ngày hội.
 
Ảnh Võ Qưang Yến
Ảnh Võ Qưang Yến

Người ngoại đạo đi xem chắc thế nào cũng có đặt câu hỏi Ganesha là ai. Trong Ấn Độ giáo có nhiều thần, nhưng Ganesha thì không làm sao lầm được vì là vị thần độc nhất có một đầu voi. Những sách xưa purana kể nhiều sự tích về nguồn gốc Ganesha. Trong nhiều truyền thuyết Ganesh là con của Shiva, như trong Linga-Purana, Ganesh được sáng tạo để chiến thắng những hung thần Asura thường lại phá phách các Nữ thiên Deva ; trong Varaha-Purana, Ganesha là một chàng trai xuất sắc manasika putra sinh ra từ trí tuệ Shiva vào một lúc thiền định say đắm. Nhưng theo nhiều huyền thoại khác Ganesha là một sáng tạo của Parvati, phu nhân Shiva. Theo bản Shiva-Purana thông thường nhất, Parvati cần một người giữ cửa trong lúc bà đang tắm, cọ da lấy chất tiết tạo ra một chàng trai Ganesha xinh đẹp tuấn tú. Khi Shiva về nhà, Ganesha tuân lệnh giữ cửa lại không biết mặt Shiva nên không cho vào. Một cuộc ẩu đả xảy ra. Ngang đây có nhiều dị bản. Có bản cho Shiva gởi quân binh Gana lại xung kích nhưng không thành, mời Brahma lại thương lượng cũng không được, bèn kêu những thần chiến tranh Kartikeya và Indra lại đánh ; nhờ "Bà Đen" Kali (thể dạng ghê gớm của Parvati) và Durga (một thể dạng khác của Parvati) do Parvati kêu cứu, Ganesha đủ sức chống đở ; Shiva liền nhờ Vishnu hổ trợ vận dụng maya tức là ảo ảnh gây hoang mang, thừa cơ dùng đinh ba (chĩa ba răng) chặt đầu Ganesha. Đau đớn và vô cùng tức giận, Parvati phái một đoàn Shakti (năng lực nữ giới) lại xé ăn những Gana. Khiếp sợ, Brahma và Vishnu cầu xin tha thứ và cam đoan làm Ganesha sống lại còn Shiva thì ra lệnh cho phái viên đem về cái đầu sinh vật thứ nhất gặp trên đường. Họ thấy một con voi đang nằm ngủ, hướng đầu vế phía bắc, liền cắt đầu đem về ráp lên cơ thể Ganesha, tức khắc Shiva vận dụng quyền lực ishatvam cho Ganesha sống lại, đặt cho nó tên Ganapati tức là thủ lĩnh những Gana. Sau đấy, Ganesha được giới thiệu với các thiên thần là con của Shiva và Parvati.
 

Ảnh Võ Qưang Yến
Ảnh Võ Qưang Yến
Ảnh Võ Qưang Yến
Ảnh Võ Qưang Yến

Trong nhiều sự tích của trường phái Vishnu, Ganesh là hóa thân của Krishna. Dị bản sau đây trong purana cũng không kém phần thú vi. Pavarti rất mong có con. Shiva buộc bà phải tuân thủ một thời kỳ kiêng cử punyaka một năm đồng thời phục tùng một số thử thách để tỏ rõ quyết tâm mong ước của mình, sau đó bà nghe tiếng gọi lên trời đón con. Ganesha kháu khỉnh, đem về núi Kailasa, được mọi thiên thần lại khen ngợi. Trong số khách chín hành tinh Navagraha, Shani thuộc Thổ tinh bị vợ hay ghen cấm không cho ngửng mặt nhìn bất cứ ai, nếu nhìn thì người ấy bị tiêu hủy, nên yêu cầu đứa nhỏ cúi đầu xuống. Pavarti nổi giận lại không tin, buộc Shani phải ngửng mặt nhìn, tức thì đầu đứa nhỏ bị cắt đưa về Goloka, thế giới của Krishna, vì thuở ban đầu Ganesha là Krishna ở thể dạng con người, theo Brahmavaivarta-Purana. Thấy Parvati khóc lóc đau đớn, Vishnu cởi chim thần Garuda đi tìm một cái đầu sinh vật để thay thế. Vế phía bắc trên bờ sông Pushpabhadra, ông gặp một đàn voi đang ngủ. Ông chọn một con có đầu hướng về miền bắc, cắt đi đem về cho ráp vào cơ thể đứa nhỏ. Theo những giải thích của sự tích, con voi nầy nguyên là một thần nước Gandharva, mạnh mẽ và giỏi bắn cung, không còn muốn lưu lại ở trần thế nữa ; cái đầu voi nầy cũng có thể là đầu con voi Airavata, vật cưỡi của thần Indra. Dù sao, đứa nhỏ sống lại với một đầu voi, một nhân vật vừa khôn vừa mạnh như voi. Ăn bận tươm tất, Ganesha được Vishnu giới thiệu với các thiên thần và đặt cho tám tên : Vighnesvara, Ganesha, Heramba, Gajanana, Lambodara, Ekadanta, Soorpakarna và Vinayaka. Trong huyền sử còn có một tên nữa là Dvaimatura. Số là Parvati một hôm để tiêu khiển lấy phần tiết từ da mình nắn thành một đứa trẻ, đem ra tắm ở sông Hằng Hà Ganga, đứa trẻ sống lên đẹp đẽ. Cả hai Parvati và Ganga đều tin nó là con của mình nên tên Dvaimatura có nghĩa là sinh từ hai mẹ. Dù sao, sự tích sinh đẻ Ganesha từ Parvati phát xuất từ thuở trước Vệ đà, trong một xã hội mẫu hệ, nhân vật được thờ cúng là đức Thánh Mẫu.
 

Ảnh Võ Qưang Yến
Ảnh Võ Qưang Yến

Đầu voi của Ganesha là công trình của Shiva, muốn biến hóa một đứa trẻ hăng tính, nóng tính thành một nhân vật khôn ngoan và tinh tế. Con đường đi tìm cái đầu về phía bắc có nghĩa là con đường thiên khải (devayana), cái đầu sinh vật thứ nhất hướng mặt về phía bắc (uttaram) biểu hiện điềm lành và thấm nhuần đạo lý. Trên thế giới, thân người đầu thú vật không hiếm : ở Babylon có Asur đầu chim, ở Ai Cập có Horus đầu chim cắt, ở Crete có Minos đầu bò đực, chưa nói đến những nữ thiên như Sekhmat có đầu sư tử, Hera có đầu bò cái,...nhưng ở Ấn Độ thì chỉ có Ganesha đầu voi. Thường lệ, Ganesha chỉ có một đầu nhưng thời trước, ở Ấn Độ cũng như ở Nepal, nó có thể có nhiều đầu tuy ít trong vài hình tượng và tiểu họa hiếm. Gần đây và trong thủ công nghệ hiện đại, thấy có nhiều hình tượng Ganesha bằng gỗ hay bằng đá mềm (steatit, serpentin) hay bằng đồng thanh, với ba hay năm đầu, sắp ngang nhau hay làm hai, ba tầng, thường được xếp vào dạng Mật giáo. Được gọi Dvimukha Ganesha khi nó có hai đầu tượng trưng cho vũ trụ vi mô và vũ trụ vĩ mô tức là pindanda và brahmanda (chiếc trứng vàng vũ trụ nguyên gốc mọi vật) vì Ấn giáo bí truyền xem con người như là một bản phiên của vũ trụ. Ba đầu trong Trimukha Genesha đại diện cho ba trạng thái bản thể guna (đức tính của cuộc sống) : rajas (nhiệt huyết), tamas (thụ động), sattva (nhân từ). Những Ganesha bốn đầu Chathurmukha Ganesha, cũng như bốn tay, có thể xem như những phương diện tâm lý mà Brahma xuất hiện trong thế gian hay bốn kinh Vệ đà : nana (trí tuệ), buddhi (lương tâm), ahamkara (ý thức), chitta (tâm thần). Những Ganesha năm đầu Panchamukha Ganesha thường gặp có nhiều giải thích, thích đáng nhất có lẽ là năm ảo ảnh vật thể maya kosha trong ngành du già yoga : anna (thể chất), prana (hơi thở), mano (trí tuệ), vighnana (lương tâm) và ananda (hạnh phúc) nằm lên trên bốn đầu kia tất cả đều hướng về bốn phương trời. Rất hiếm gặp Ganesha mười đầu. Bên Nepal có một Ganesha năm đầu, mười tay, nhảy múa với một vầng hào quang rực lửa.
 

Ảnh Võ Qưang Yến
Ảnh Võ Qưang Yến

Ganesha còn mang tên Ekadanta nghĩa là có một cái ngà độc nhất (thể dạng bất đả) tuợng trưng cho tính duy nhất và tính siêu việt. Sự kiện được giải thích trong Brahmanda-Purana. Parashurama là một hóa thân của Vishnu, sinh xuống trần thế để dạy đạo lý cho giới cầm quyền, cho đẳng cấp chiến sĩ kshatriya ngày trở nên ngạo nghễ; là người trần tục, ông ngẫm nghĩ nhiều về Shiva, được ban tặng cái rìu thiên thần parashu để đánh thắng các loài quỷ quái; hôm lên núi Kailasha muốn vào chào Shiva, Ganesha giữ cửa không chịu cho vào, Parashurama dùng rìu đánh gảy ngà bên mặt của Ganesha. Một truyền thuyết khác kể Ganesha một hôm tham ăn vỡ bụng, phải lấy một con rắn làm thắt lưng cột bụng lại, Mặt trăng thấy vậy cất tiếng cười, Ganesha tức giận bẻ gãy ngà mặt ném vào cung trăng và cấm tiếp tục sáng. Cả nhân loại lẫn thiên thần đều khổ sở không còn sáng trăng, lại xin Ganesh tha thứ, tốt bụng Ganesh chịu tha nhưng từ nay Mặt trăng chỉ được sáng tỏ trước và sau ngày rằm. Ngày nay, những người sùng đạo vẫn còn tránh nhìn cung trăng ngày sinh nhật của Ganesha. Có sự tích kể Ganesha, khi được các thiên thần kêu cứu, lại đánh nhau với Gajamukhasura; ông nầy là một Asura đặc biệt có quyền lực lớn, khó đánh thắng nên Ganesha bẻ gãy ngà mặt của mình phóng vào Gajamukhasura rồi đuổi theo biến hóa nó thành một con chuột, sau nầy trở thành vật cưỡi cho mình. Về con chuột nầy, một truyền thuyết giải thích một hôm khi được Parvati biếu tặng một dĩa bánh ngọt modaka, Ganesha vui sướng nhảy múa, trong hang bên cạnh, một chú chuột mushaka đánh hơi mò ra xem...Theo một sự tích purama khác, trong triều Indra, vì lớn tiếng với nhà hiền triết Vamadeva, một thần Gandharva tên là Krauncha bị vị nầy biến hóa ra thành một con chuột. Con chuột nầy, đúng như bản chất của nó, vào tu viện của nhà hiền triết Parachara phá phách, Vinayaka (một tên khác của Ganesha) được mời lại thuần hóa... Ở đây tính hài hước được thể hiện rõ ràng : ai cũng thấy con voi to lớn biết bao so với con chuột, đằng khác ai cũng biết voi rất sợ chuột vì nó có thể xông vào trong mũi vòi ! Tuy nhiên nên hiểu trong hình tượng, con chuột vật cưỡi mang Ganesha hay đứng bên cạnh hai chân, tức atman (ngã, cái ta), dâng chiếc bánh biểu tượng đồ cúng kết quả những hành động của chúng ta : như vậy nghĩa là khi từ bỏ những kết quả nầy đặt vào tay Thượng đế tất coi Ngài là sáng tạo mọi hành động, người sùng đạo tự giải thoát ra khỏi chu kỳ sinh tử, tránh được tác nghiệp.

Ganesh thường được trình bày với bốn tay, nhưng cũng thấy có hai tay và lắm khi, sáu, tám, mười, mười hai,... tay. Ganesha hai tay chỉ thấy ở những hình tượng xưa cho đến thời kỳ Gupta (thế kỷ 5-8). Ganesha nhiều tay phân biệt những chư thiên Ấn giáo bên cạnh những thiên thể Apsara, Dvarapala, Devadasi, Yaksha,...phần lớn ở xứ Nepal. Là chúa tể vũ trụ, Ganesha sáng tạo bốn loại bản thể, bốn đẳng cấp, biểu lộ bốn đường kiến thức, bốn thánh sử Veda. " Cậu bé nầy thiết lập ưu thế chư thiên trên trời, con người ở trần thế, quỷ quái, rắn rết dưới đất, từ nó mà vận động tứ hành, vậy thì nó có bốn tay ,...". Vì Ganesha biểu thị atman nên bốn công cụ kia có thể vận dụng trong ta. Tay Ganesha thường biểu diễn hai ấn quyết : thí nguyện ấn varada-mudra chỉ rõ lòng hào hiệp, gan bàn tay mở ra trước, ngón tay hướng xuống dưới, có khi tay nắm một tràng hạt mala ; vô úy ấn abhaya-mudra ra tay bảo hộ, gan bàn tay mở lên trên, ngón tay cũng hướng lên trên. Những biểu hiệu trong bốn tay đều có một ý nghĩa tượng trưng quyền hành hay chức vụ của Ganesha, cũng có thể là những khí giới : đóa hoa sen tượng trưng sự trong trắng, mâm bánh trái modaka để thưởng kẻ tìm chân lý, mủi nhọn thúc voi ankusha biểu hiện quyền làm chủ thế giới, cái rìu parashu để trừ diệt ham muốn và gắn bó như vậy hủy bỏ khuấy động và buồn phiền, sợi giây buộc hay cái nút giây pasha để thu hồi sai lầm vì Ganesha có khả năng cột vào và thả ra, kích thích và tiết chế. Cái vòi thường được xem như một cánh tay nên Ganesha là vị thần độc nhất trong thần thoại Ấn giáo có một số tay lẻ. Cái vòi nầy có thể cuốn cong (vaktra) qua trái hay qua mặt là hai con đường phải theo để tránh trở ngại như những cánh của ký hiệu svastika (ký hiệu của Ganesha), mũi vòi nhúng vào dĩa bánh modaka, nhưng cũng có thể mở cuộn ra nắm quanh một chén mật hoa. Ganesha thường có hai con mắt, còn có con thứ ba trên trán, nằm cạnh ký hiệu đinh ba của Shiva. Hai tai của Ganesha rất to, nghe nhiều nhưng nó biết tách chia phải trái, phân biệt những lời cầu xin có lòng tin hay đầy nghịch đạo.
 

Ảnh Võ Qưang Yến
Ảnh Võ Qưang Yến

Tay mặt dưới Ganesha nắm một vật trước thường được xem như một củ cải moolakakanda để dâng hiến cho thần Vinayaka, hay một tràng hạt mala gồm có 50 hạt tương đương với 50 mẫu tự tiếng Phạn, gần đây được cho là cái ngà gãy mà theo huyền sử là để Ganesha viết truyện Mahabharata. Tác giả truyện nầy, nhà hiền triết Vyasa, đuợc Brahma khuyên nên cậy Ganesha làm ký lục ngồi chép thiên sử thi mà ông sẽ đọc. Ganesha nhận lời với điều kiện Vyasa đọc luôn một mạch không ngừng. Bên phần Vyasa cũng có yêu cầu là Ganesha phải hiểu từng chữ, từng ý, từng tư tưởng cùng những quan hệ liên quan trước khi viết. Để có thể thực hiện điều kiện đã đặt ra, Vyasa đặt những câu vô cùng phức tạp, bắt Ganesha mỗi lần phải dừng lại để tìm hiểu, trong lúc ấy ông có thì giờ nghĩ đến đoạn sau. Rút cuộc truyện Mahabharata không thể đọc mau được vì phải suy nghĩ từng câu. Người ta còn bảo truyện không nên tự đọc mà phải nghe đọc từng đoạn nhỏ, như vậy mới dần dần thấm nhuần được chiều sâu những ý tưởng thầm kín. Trong hình tượng, trước Ganesha một quyển vở mang nhiều màu có nhiều khả năng để dùng trong việc viết sách nầy. Ganesh thường được hình dung đủ màu sặc sỡ, từ hồng qua cam, đỏ, nhưng cũng có hình tượng trình bày với các màu vàng, xanh, đen. Trong một bản 32 tên, tên nào cũng có ở đàng sau Ganapathi như Durga Ganapathi, Laksmi Ganapathi, ...phần lớn đều biểu hiện một màu sắc: Dvija Ganapathi màu mặt trăng, Dvimukha Ganapathi màu xanh-lục, Dhoomravarna Ganapathi màu khói, Harida Ganapathi màu vàng đậm, Runamochana Ganapathi màu trắng tinh thể, Heramba Ganapathi màu lục đậm,...Không có tương quan giữa màu sắc và hình thù Ganesh như các vị hiền triết đã cảm thấy trong những buổi thiền định, màu sắc trong các hình tượng chỉ do vật liệu có sẵn và trí tưởng tượng sáng tác của nghệ sĩ mà ra. Ganesha thường được trình bày với một cái bụng phệ, bao quanh là một con rắn dùng làm nịt. Những người sùng đạo tin tưởng Ganesha là chúa tể vũ trụ thì cái bụng nầy chứa đựng vô số vũ trụ rộng lớn, những bánh trái được dâng cúng được xem như là những mầm hằng hà sa số vũ trụ. Cái bụng lớn cũng còn có nghĩa là một người nỗ lực trên đường tiến bộ tinh thần đi tìm chân lý có thể thu nhận, hấp thu mọi kinh nghiệm.
 

.
Ảnh Võ Qưang Yến
Ảnh Võ Qưang Yến

Sau nầy, Ganesha kết hôn với những con gái của Brahma là Siddhi (thực hiện) và Buddhi (lương tâm) sinh ra mỗi bà một con : Kshema (sung túc) và Labha (lợi lộc). Trái với Shiva và Vishnu liên quan với đẳng cấp vũ trụ, Ganesh luôn gắn bó với mặt đất nên rất được dân chúng mến chuộng. Vì Parvati được xem như trạng thái thấy được của bản nguyên, Ganesha là một nhân vật có khả năng giúp ích thành công, vượt qua mọi chướng ngại, cho nên trở thành thần hộ vệ những nhà buôn, những nhà du hành, những người lo học hành, chữ nghĩa và...cả những dân trộm cướp. Bị cắt đầu, từ chức vụ một người giữ cửa, Ganesha đã trở thành một thần kiến thức, một thần hộ vệ thần thánh. Vì vậy, Ganesha thường có mặt ở trước cửa hay bên trong các nhà thờ, các nhà ở. Ganesha có quyền lực ban tính bất tử cho đệ tử của mình. 21 là con số thiêng liêng của Ganesh. Thiên đàng của Ganesha tọa lạc trong đại dương nước mía, trên mặt nước ngai vàng Ganesh đặt trên một hoa sen một ngàn cánh. Trong con rắn Kundalini của Shiva, nguồn gốc của mọi năng lực tinh thần và nhục dục, gồm có sáu bánh xe muladhara-chakra đánh dấu những giai đoạn của năng lực tinh thần đang dâng, Genesha đứng trong bánh xe đầu, từ đấy kiểm soát những "kênh" tinh tế kéo dẫn năng lực kia. Trong Ấn giáo, Ganesha hủy bỏ những trở ngại để thực hiện đời sống qua bốn giai đoạn : kama (thú vui xác thịt), artha (phồn vinh, giàu sang), dharma (giáo dục thánh sử), moksha (giải thoát tinh thần chu trình sinh tử). Ganesha là một trong những khái niệm căn bản của xu hướng tượng trưng thần thoại Ấn giáo, bản sắc của vũ trụ vi mô và vũ trụ vĩ mô, theo đạo giáo tức là khái niệm hình ảnh Thượng đế thể hiện qua cái đầu voi trên cơ thể người. Những đức tính của nó và những phương cách để đạt đến nằm trong xu hướng tượng trưng của hình ảnh : tai sẵn sàng nghe, đầu có khả năng hiểu, vòi thể hiện sự phân biệt, bụng sự đồng hóa kiến thức..

Nói chung, Ganesha là một vị thần rất bình dân. Người Ấn Độ thường bảo Shiva được bổ dụng vào đẳng cấp những giáo sĩ brahman, Vishnu vào đẳng cấp những chiến sĩ kshatriya, Brahma vào đẳng cấp những nhà buôn vaishya, còn Ganesha thì vào đẳng cấp những nhà nông sudra là những nguời lao động chân tay. Tuy nhiên Ganesha biệu hiện một quyền lực tinh thần, là người làm trung gian giữa dân đen và thần thánh, đối diện với vũ lực thể chất của người em Skanda. Hôm muốn biết trong hai anh em ai là người đầu tiên chọn một shakti, được xem như là vợ, Shiva phái Ganesha và Skanda đi một vòng thế gian thăm dò mọi sự kiện. Để sớm có kết quả, Skanda mau lẹ lên đường, còn Ganesh thì chần chừ quanh cha mẹ. Trả lời Shiva, Ganesha điềm tỉnh giải thích : "Sách sử xưa Vệ đà viết rằng người con kính trọng cha mẹ đi quanh cha mẹ bảy vòng có công trạng bằng bảy vòng đi quanh trái đất ". Shiva tuyên bố Ganesha thắng. Mạnh khỏe, thông minh, đồng thời nhớ dai, đầy mưu trí, Ganesha đúng là vị thần bình dân nhất được dân Ấn Độ thờ cúng.

Xô thành mùa xuân 2009


Trở Về   ]