Chim Việt Cành Nam [ Trở Về ] [ Trang chủ ]
Giáo Sư Ngô Bảo Châu
(theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, vietnamnet.vn, Tuổi Trẻ Online)Ngô Bảo Châu (sinh 15 tháng 11 năm 1972) là giáo sư toán học trẻ nhất Việt Nam hiện nay, và nổi tiếng nhất với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands.
Ông cũng là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam giành được Huy chương Fields.
Ngô Bảo Châu "bắc một cây cầu" Bổ đề cơ bản được chứng minh đứng vị trí số 7 trong số 10 phát minh khoa học trên tạp chí Time.
Hãng tin AFP đã nhanh chóng đưa tin về Ngô Bảo Châu với nội dung: Nhà toán học gốc Việt Ngô Bảo Châu đã giành giải thưởng Toán học Fields như là một phiên bản của giải Nobel, đánh dấu một hành trình đưa anh ra khỏi thành phố Hà Nội bị tàn phá khỏi chiến tranh đến những trang viết của tạp chí Time.
Hãng này viết: Ông Ngô, sinh ra ở Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh ở VN, đã chứng minh được bài toán hóc búa 30 năm của Bổ đề cơ bản Lemma. Việc chứng minh này là nền tảng quan trọng cho việc khám phá thêm và hình thành một giả thuyết mang tính cách mạng được đưa ra năm 1979 bởi giáo sư Robert Langlands, liên kết hai nhánh của toán học là thuyết về số (number theory) và thuyết về nhóm (group theory).
Peter Sarnak, Viện nghiên cứu cao cấp ở Princeton cho biết về sự đột phá của ông Ngô: "Dường như mọi người đang làm việc bên kia bờ sông và đợi một ai đó bắc cây cầu qua. Và giờ đây, bỗng nhiên công việc của mọi người bên kia bờ sông đã được hoàn thành".
Thành tựu của giáo sư Ngô Bảo Châu đã được biết đến rộng rãi sau khi được tạp chí Time đánh giá là một trong mười phát minh khoa học tiêu biểu năm 2009.
Tiểu sử Ngô Bảo Châu sinh ngày 15 tháng 11 năm 1972 tại Hà Nội, Miền Bắc Việt Nam.
Thời niên thiếu, ông là học sinh Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Trường THCS Trưng Vương, và sau đó học tại khối chuyên toán Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông đã hai lần đoạt huy chương vàng Olympic Toán học Quốc tế tại Australia năm 1988 và Cộng hoà Liên bang Đức năm 1989, và cũng là người Việt Nam đầu tiên giành 2 huy chương vàng Olympic Toán quốc tế.
Là sinh viên Trường Đại học Paris VI (Université Pierre et Marie Curie) và Trường Sư phạm Paris (École normale supérieure Paris, ENS Paris) từ năm 1992 đến năm 1994,
rồi sau đó là sinh viên cao học và nghiên cứu sinh của Trường Đại học Paris XI (Université Paris-Sud 11) dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Gérard Laumon, Ngô Bảo Châu bảo vệ Luận án tiến sĩ năm 1997,
trở thành nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) từ năm 1998,
lấy bằng Habilitation à Diriger les Recherches (HDR) năm 2003
và sau đó được bổ nhiệm là giáo sư toán học tại Trường Đại học Paris XI năm 2004.
Cũng trong năm này, ông được trao tặng giải Nghiên cứu Clay của Viện Toán học Clay cùng với Giáo sư Gérard Laumon vì đã chứng minh được Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita.
Năm 2005, khi được 33 tuổi, Ngô Bảo Châu được phong đặc cách hàm giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị giáo sư trẻ nhất của Việt Nam tính đến thời điểm đó.Năm 2007, ông đồng thời làm việc tại Trường Đại học Paris XI, Orsay, Pháp và Viện nghiên cứu cao cấp Princeton, New Jersey, Hoa Kỳ.
Trong năm 2008, ông công bố chứng minh Bổ đề cơ bản cho các đại số Lie hay còn gọi là Bổ đề cơ bản Langlands.
Cuối năm 2009, công trình này đã được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.Với các công trình khoa học của mình, Giáo sư Ngô Bảo Châu được mời đọc báo cáo trong phiên họp toàn thể của Hội nghị toán học thế giới 2010 tổ chức ở Ấn Độ vào ngày 19 tháng 8 năm 2010.
Tại lễ khai mạc của Hội nghị này, giáo sư đã được tặng thưởng Huy chương Fields.
Năm 2010 cũng là năm ông nhập quốc tịch Pháp nhưng vẫn tiếp tục giữ quốc tịch Việt Nam.
Kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2010, ông là giáo sư tại Khoa Toán Trường Đại học Chicago.
Gia đình Ngô Bảo Châu sinh ra trong một gia đình tri thức truyền thống, ông là con trai của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học ngành cơ học chất lỏng Ngô Huy Cẩn, hiện đang làm việc tại Viện Cơ học Việt Nam.
Mẹ của ông là Phó Giáo sư, Tiến sĩ dược học Trần Lưu Vân Hiền, công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Việt Nam.
Giáo sư Ngô Bảo Châu lập gia đình năm 22 tuổi, vợ ông là người bạn gái cùng học thời phổ thông.
Đến tháng 8 năm 2010, hai người có với nhau ba người con gái.
Sinh : 15 tháng 11, 1972 (37 tuổi),
tại : Hà Nội
Quốc tịch : Việt Nam, Pháp
Ngành : Toán học
Nơi công tác :
Université Paris-Sud 11
Viện nghiên cứu cao cấp Princeton
Đại học Chicago
Học trường :
École Normale Supérieure Paris
Université Paris-Sud 11
Nổi tiếng vì :
Chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands
Giải thưởng :
Giải thưởng Giải Clay (2004)
Giải thưởng Oberwolfach (2007)
Giải thưởng Sophie Germain (2007)
Huy chương Fields (2010)
GS Ngô Bảo Châu: "Tôi tặng vinh quang này cho các bạn trẻ Việt Nam" THANH HÀ thực hiệnBáo Tuổi Trẻ Online phỏng vấn GS Ngô Bảo Châu :
* Đã hoàn tất được lời giải cho "Bổ đề cơ bản", công việc sắp tới của anh là gì?- Khoa học là vô hạn, toán học không là ngoại lệ. “Bổ đề cơ bản” mới là một công việc tôi hoàn tất, còn rất nhiều nội dung khác nữa để tôi tiếp tục theo đuổi...
* Sau khi nhận giải thưởng Fields, công việc và cuộc sống của anh liệu có nhiều thay đổi?
- Đối với cá nhân tôi sẽ không có gì khác cả. Tôi sẽ đến làm việc tại ĐH Chicago, nhưng kế hoạch này cũng đã được hoàn tất từ trước khi giải thưởng được công bố.
Tuy nhiên sẽ có một cái khác rất nhiều trong công việc. Có giải thưởng này chắc chắn tôi sẽ có tiếng tăm, uy tín hơn để làm những việc mà mình dự định, để làm được những việc thiết thực hỗ trợ ngành toán trong nước và các bạn trẻ VN muốn theo đuổi con đường làm toán. Trên một khía cạnh khác, tôi cũng tin rằng giải thưởng sẽ là một sự hấp dẫn, thu hút, khuyến khích các bạn trẻ VN tài năng đến với toán học hơn trong tương lai...
* Như vậy, bên cạnh vinh quang, giải thưởng đang mang đến cho GS nhiều trách nhiệm hơn?
- Đúng thế. Tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn trong cống hiến cho toán học nói chung và ngành toán ở VN nói riêng - nơi mà tôi ngày càng thấy mình có thể làm được nhiều việc có ích. Thời gian tới, tôi sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cùng với đồng nghiệp ở Viện Toán, các trường ĐH... nhằm thúc đẩy toán học VN phát triển.
* Cụ thể sắp tới GS sẽ có những kế hoạch, chương trình làm việc gì ở VN?
- Ưu tiên hàng đầu là việc tham gia xây dựng Viện Nghiên cứu toán cao cấp ở VN và tham gia điều hành hoạt động của viện này. Mục đích là làm sao phải sớm thành lập được những chương trình trao đổi sinh viên, thành lập các nhóm nghiên cứu, cuốn hút được nhiều người trẻ có năng lực vào làm toán... Bên cạnh đó, tôi vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình khác như tham gia giảng dạy cho khóa đào tạo thạc sĩ toán học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, các hoạt động trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp ở Viện Toán...
* Anh sẽ tiếp tục giữ quốc tịch VN sau khi trở thành nhà toán học hàng đầu thế giới và chuyển đến sống và làm việc ở Mỹ?
- Tôi sẽ giữ quốc tịch VN, chưa bao giờ và chắc sẽ không bao giờ thay đổi quốc tịch. Từ đầu năm 2010, tôi đã có thêm quốc tịch Pháp. Nhưng tôi sẽ giữ song song hai quốc tịch, sẽ luôn là một công dân VN dù ở đâu.
* Nếu được trao tặng vinh quang từ giải thưởng này, anh sẽ dành tặng...
-Tôi sẽ không ngần ngại tặng vinh quang từ giải thưởng này cho các bạn trẻ VN với mong muốn rằng giải thưởng cùng với ý nghĩa của nó sẽ như một niềm tin, niềm tin được các bạn trẻ VN luôn gìn giữ trong trái tim để luôn khát khao học hỏi, phấn đấu đi tới những thành công - không chỉ là của toán học, của khoa học mà trong cuộc sống nói chung, trong công việc của bản thân mỗi người. Để đến một lúc nào đó, ở những lĩnh vực khác nhau, VN cũng sẽ có được những thành công tầm cỡ thế giới.
* Xin cảm ơn GS.