Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]              [ Trang Chủ

Tản mạn vài chuyện 
Tây dịch Ta, Ta dịch Tây
Thân Trọng Thủy
Trong bài "Kiến thức lịch sử: Những sai lầm không đáng có" của tác giả Lê Nguyễn (sau đây xin viết tắt là LN) mà chúng tôi vừa được đọc trên trang mạng của Hội Nhà Văn thành phố SG và cảm thấy rất thích thú, chúng tôi nhận thấy tác giả LN đã phân biệt hai loại sai lầm chính :

1)- Những nhầm lẫn do lịch sử để lại, xảy ra trong mấy mươi năm đầu thời Pháp thuộc thí dụ Chí Hòa đúng hay Kỳ Hòa đúng, Dakao hay Đất Hộ ? v.v...(Đất hộ mà biến thành Dakao thì cũng lạ thật, sao không là Dato hay Dak To?)

2)- Những nhầm lẫn do chính chúng ta vô tình tạo ra. Thí dụ Trương Quốc Dụng (có dấu nặng) chứ không phải Trương Quốc Dung, Hanh Thông Tây (chữ Hanh không có dấu nặng) chứ không phải Hạnh Thông Tây, v.v.. Những sai lầm nầy cần được sửa chữa sớm, không nên để chúng tồn tại mãi, nếu không thì "không biết hàng trăm năm sau, các thế hệ con cháu chúng ta sẽ nghĩ sao về sự tắc trách của cha ông họ?" (LN, bđd)

Những nhận xét và đề nghị của tác giả LN là chính xác và hợp lý.

Trong phạm vi bài nầy, chúng tôi chỉ xin mạo muội bàn (loạn) thêm một vài ý sau đây liên quan đến những sai lầm nêu ở phần 1:
 

I) - Do bất đồng ngôn ngữ, người Pháp thường phiên âm những tên đất (và cả tên người) một cách lệch lạc, nhiều khi khá buồn cười . Có nhiều từ ta có thể suy đoán mà hiểu được, chẳng hạn như:

- Pháp viết Langco, ta đọc là Lăng Cô, do tên gốc là Làng Cò . (Lăng Cô, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên, cách Huế 70 km, cách Đà Nẵng 30km, có bãi biển nổi tiếng. Vịnh biển Lăng Cô được công nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, do tổ chức Worldbays bình chọn năm 2009).

- Pháp viết Langto (hoặc Lanto) ta đọc Lăng Tô, tên gốc là Láng Thọ (Láng Thọ là vùng đất ở quận 4 SG, gần cầu Tân Thuận, trước kia là bãi đất hóng mát của dân Sài Gòn)

- Pháp viết Donnai, do tên gốc là Đồng Nai,

- Pháp viết L'Ile de Mo-Koi ta có thể đoán biết là họ muốn nói đến Hòn Mồ Côi.

(Hòn Mồ Côi là hòn đảo nhỏ nằm về phía đông nam vịnh Đà Nẵng, được Đại Nam Nhất Thống Chí (tỉnh Quảng Nam ) gọi là đảo Cô, và khi người Pháp xâm lăng Đà Nẵng đã gọi là L' Ilot de l'Observatoire, hay L'Ilot . Hòn Mồ Côi là cách gọi của dân địa phương và Pháp dịch là L'Ile de Mo-Koi (Xem Võ Văn Dật / Lịch sử Đà Nẵng,trang 395: phụ lục 2: "Đà Nẵng, Fort de Non-Nay và tấm ảnh đầu tiên của Việt Nam").

v.v...

Nhưng khi Pháp viết Hongay và ta có tên Hòn Gai thì đố ai biết được địa danh nầy trong vịnh Hạ Long có tên gốc là Hồng Hải (xin xem bài "Hát" hay không "hát" của tác giả Nguyễn Dư - ND - trong trang mạng Chim Việt Cành Nam).
 

II) - Sự bất đồng ngôn ngữ thường dẫn đến nhiều tình huống ù ù cạc cạc, ông nói gà bà nói vịt trong giao tiếp giữa Tây và ta, khiến cười chảy nước mắt như trong hai giai thoại sau đây:

1) Faifo, một tên gọi khác của Hội An, "chẳng phải là cái tên được viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp, mà chỉ là chữ phiên âm để đọc đúng câu hỏi vắn tắt và lơ lớ bằng tiếng nước ta của một ông Tây, khi tới khu phố cổ Hội An: "Faifo^? (phải phố?).Từ đó Hội An có thêm tên Faifo.(Xin xem "Faifo giữa chúng tôi" của tác giả Nguyễn Đạt, đăng ở trang mạng Xuquang.com) Kể lại giai thoại nầy chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh khía cạnh tức cười của nguồn gốc cái tên Faifo, chứ không hề phủ nhận sự thật câu chuyện. Bao lâu chưa biết do đâu mà có cái tên Faifo thì chúng ta có thể chấp nhận nguồn gốc nầy như một giả thuyết.

2) Trong cuốn Lịch sử Đà Nẵng (nxb Nam Việt 2007) tác giả Võ Văn Dật, trong phần tìm hiểu địa danh Đà Nẵng do đâu mà có, sau khi trình bày các giả thuyết đứng đắn, đã kể thêm một giả thuyết bên lề, đượm tính chất hài hước, nhưng vẫn có người tin là thật" (răng lạ rứa?): Số là khi người Pháp mới đổ bộ lên vùng Đà Nẵng, họ gặp một bà già đang ngồi rang cua. Không biết nơi nầy gọi là gì, bèn hỏi. Do ngôn ngữ bất đồng, tưởng người Pháp muốn hỏi"Món gì đó?", bà già mau mắn trả lời :"Phải, cua rang đây." Thế là ông Tây lấy sổ tay ra ghi thành Tourane (sđd, trang 35)

3) Nhân tiện, ngoài những địa danh mà tác giả LN đề cập trong bài viết, chúng tôi muốn nêu thêm một số từ khác mà cách phiên âm của người Pháp thời đó là không giống ai, khiến người đọc ngẩn tò te, chẳng biết tác giả muốn nói đến địa danh nào (hoặc nói đến ai):
Thí dụ:

- Tả quân (Lê Văn Duyệt), Pháp viết là Le Ta Kun.

- Hóc Môn mà phiên âm là Oc- Mounn

- Thủ Dầu Một mà viết là Fou-Yen- Mot

thì e rằng chúng ta phải bắt chước học giả Vương Hồng Sển mà than là.."điếc con ráy", chẳng biết đâu mà mò.

4) Ở đoạn trên chúng tôi có nhắc đến hai địa danh Láng Thọ và Hồng Hải mà người Pháp, vì không phát âm mẫu tự h - h câm - nên đã phiên âm thành Langto và Hongai. Về chuyện nầy, tác giả Nguyễn Dư (viết tắt ND) đã có bài viết rất giá trị, rất lý thú và cũng rất dí dỏm mà tôi có nhắc đến ở đoạn trên .Bây giờ nhân dịp nầy, chỉ nói thêm cho rõ về địa danh Nam Ô (mục từ thứ 3 của bài "Hát" hay không "hát" ).

Tác giả ND cho biết Nam Hoa (một trong bảy trạm của Quảng Nam) là tên do vua Minh Mệnh đặt năm 1822. ""Sách Đại Nam thực lục đệ nhị kỉ được Phan Thanh Giản soạn năm 1861 (dưới thời Tự Đức).Trong sách có chép câu Nam Hoa sau đổi là Nam Ô. Như vậy thì Nam Hoa được đổi thành Nam Ô trong khoảng 1822 - 1861 ( chúng tôi nhấn mạnh ) .(ND/bđd). Ông ND cho biết tiếp: "Phủ biên tạp lục gọi người Hòa Lan (Hollande) bằng hai tên: Hoa Lang (trang 64), Ô Lan (trang 55). Hoa bị "câm hóa" thành Ô. Giống trường hợp Nam Hoa bị câm hóa" thành Nam Ô."

Thật ra, theo chỗ chúng tôi biết, Nam Ô không phải là do Nam Hoa bị "câm hóa" mà thành. Trong vụ nầy, người Pháp vô can. Việc đổi tên từ Nam Hoa thành Nam Ô xảy ra vào năm Thiệu Trị nguyên niên (1841, đúng như tác giả ND xác định - trong khoảng 1822 đến 1861). Lý do đổi tên là kỵ húy. Thân mẫu của vua Thiệu Trị tên là Hồ Thị Hoa, được vua Gia Long thương, cho đổi tên là Thật (thương chi mà ác ôn rứa trời! Thông thường thì tên dở mới phải đổi tên khác cho đẹp, tỉ như Tư đổi thành Tú, Cẩm Tú, Lé đổi thành Lệ, Mỹ Lệ, Sướng bỏ dấu sắc đi thành Sương, rồi thêm chữ lót Ngọc thành Ngọc Sương, thì mới hay, mới đẹp, còn ở đây tên Hoa của người ta đâu có gì xấu, mắc mớ chi phải đổi thành Thật?  thương chi mà lạ rứa! Dù sao chúng ta phải ghi nhận rằng nhờ vụ đổi tên nầy mà tiếng Việt giàu thêm được hai chữ : thiệt thực, do kỵ húy.Thực mà, tui nói thiệt đó! Không tin coi lại sử sách đi!). Lại nói tiếp chuyện vua Thiệu Trị: khi vua lên ngôi, bộ Lễ có nhiệm vụ rà soát lại tất cả địa danh trong nước phạm trọng húy trình lên vua để ra lệnh đổi hết, vì vậy mới có chuyện hoa thì đổi thành bông, huê, ba, Nam Hoa thì đổi thành Nam Ô (người Huế còn gọi là Nam Ổ, có dấu hỏi).

5) Lại bàn tiếp chuyện phiên âm tréo cẳng ngỗng của mấy ông Tây.

- Thuận Kiều bị phiên âm "méo mó" [chữ này là của tác giả Lê Nguyễn ( LN )] thành Tong Keou khiến một vài cây bút Việt Nam do không nắm vững nguồn gốc của từ nầy đã phiên âm theo tiếng Việt là...Đông Khẩu (LN/bđd). Học giả Vương Hồng Sển (VHS) cho biết thêm có người còn dịch Tong Keou là Đông Kiều. Dịch xuôi và dịch ngược như thế thì đúng là traduttore, traditore, (người) dịch là (người) phản bội.

6) Học giả VHS phê phán kiểu phiên âm đó làm chúng ta hoang mang ("Sài gòn năm xưa", trang 138, chú thích 1). Chúng tôi cho rằng còn có nhiều từ khác làm chúng ta hoang mang hơn nhiều mà sau đây là vài thí dụ:

a)- Từ điển Nhà Nguyễn [tác giả Võ Hương An , nxb Nam Việt 2012 (viết tắt:TĐNN- VHA)] mục từ Hành cung (trang 233):

Hành cung là nhà tại các địa phương dành riêng để vua tạm trú khi vua đến tại các địa phương đó. Hành cung còn là nơi biểu tượng sự hiện diện của vua tại địa phương. Định nghĩa rành rành như rứa, nhưng mấy ông Tây gọi là gì?

Tác giả VHA cho biết như sau: "Một điều cần lưu ý là dưới thời Pháp thuộc , không rõ vì lý do nào mà người Pháp gọi hành cung là Pagode Royale khiến có người dịch lầm là Chùa hoàng gia!

Bó tay!

Tra cứu từ điển, chúng tôi thấy Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của có cho Hành cung hai nghĩa như sau:

1.- Đền thờ vua
2.- Cung môn cất đỡ cho vua ngự.

Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ mấy ông Tây đã dựa theo nghĩa thứ nhất mà dịch hành cung thành Pagode royale, (tuy rằng không chính xác lắm).

b)- Kỳ đài (TĐNN trang 307): Kỳ đài hay Cột cờ là một kiến trúc lớn của kinh đô....gồm hai phần : đài và cột cờ. Đài xây bằng gạch gồm 3 tầng...Trên mặt đài trước đây có 4 cái nhà nhỏ để súng đại bác, trên tầng 3 có 2 điếm canh."


Kỳ đài Huế

Tác giả VHA ghi chú:"Ngày trước người Pháp gọi Kỳ đài là Grand Cavalier và cách gọi nầy đã trở nên thông dụng trong sách báo thời Pháp thuộc, do đó đã gây hiểu lầm cho những người Việt sử dụng tài liệu bằng tiếng Pháp, và dịch ngược trở lại là "Kỵ Binh".Sau nầy Kỳ đài được dịch sang tiếng Pháp là La Tour du Drapeau.

Kỳ đài biến thành Kỵ binh qua môt lần dịch xuôi và một lần dịch ngược . Thiệt là phi ni lô đia ! (hết nước nói!)

Tra cứu fr.Wikipedia.org chúng tôi thấy Cavalier có một nghĩa như sau:

- Dans une forteresse, le cavalier est le bâtiment dominant , duquel l'observation et l'artillerie peuvent oeuvrer. (tạm dịch: Trong một pháo đài, cavalier là cái chòi nhô cao để làm chỗ quan sát và bố trí súng đại bác)

Như vậy phải chăng người Pháp coi thành Huế giống như là một pháo đài lớn mà phần đài của Cột cờ vừa là chòi canh vừa có thể bố trí súng đại bác. Điều nầy phù hợp với phần giải thích của tác giả VHA :"trên mặt đài trước đây có 4 cái nhà nhỏ để súng đại bác và trên tầng 3 có 2 điếm canh".

Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Có nhiều trường hợp, Tây đặt tên địa danh của ta là gì mặc Tây, ta vẫn cứ theo tên ta mà gọi, thí dụ:

- Đường Phó Đức Chính ở Quận 1 SG, tên tiếng Pháp là Alsace-Lorraine, dân SG vẫn gọi là đường Chú Hỏa, vì con đường ấy có cái cư xá đồ sộ của Hui -Bon-Hoa.

(xin xem hồi ký "Sài Gòn 50 năm trước" của Bình- nguyên Lộc: bài Địa danh cũ.)

- Vịnh Hạ Long, Pháp gọi là Baie d'Along (câm hóa chữ h) nhưng bây giờ ta vẫn viết là Baie de Ha Long trong các văn bản viết bằng tiếng Pháp.

- V.v


Vịnh Hạ Long lúc mặt trời lặn
**
Trước đèn xem chuyện xưa sau,
Khi vò chín khúc khi chau đôi mày
(tập Kiều và Lục Vân Tiên)

Đọc sách, lướt mạng thấy chuyện vui vui bèn ghi lại vài dòng để chia sẻ, có gì chưa thỏa đáng, mong được bổ khuyết.
Tài liệu tham khảo:

- Đại Nam Quốc Âm Tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của

- Lịch sử Đà Nẵng của Võ Văn Dật, nhà xuất bản Nam Việt, 2007

- Từ điển nhà Nguyễn của Võ Hương An, nhà xuất bản Nam Việt, 2012

- "Hát" hay không "hát" , bài viết của Nguyễn Dư đăng trên trang mạng Chim Việt cành Nam.

- "Kiến thức lịch sử: Những sai lầm không đáng có", bài viết của Lê Nguyễn, đăng trên trang mạng của Hội nhà văn TP.HCM.

- "Faifo giữa chúng tôi", bài viết của Nguyễn Đạt đăng trên trang mạng Xuquang.com

- Sài Gòn Năm Xưa của Vương Hồng Sển.

- Sài Gòn 50 năm trước, hồi ký của Bình- nguyên Lộc..

Tác giả thành thật cám ơn nhà viết sử Võ Hương An đã cung cấp tài liệu về nguồn gốc địa danh Nam Ô.

Thân Trọng Thủy
21/8/2013